TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Biết Ơn Mẹ trong những vần Ca Dao

Thứ năm - 27/05/2021 04:00 | Tác giả bài viết: Hồng Bính |   730

Nhớ và Biết Ơn Mẹ trong những vần Ca Dao


Hình tượng thân quen, mộc mạc và giản dị nhưng vô cùng cao quý của người mẹ nhà quê được thể hiện trong từng lời ru man mác, trong những câu ca dao, trong những bài ca hay những vần thơ viết về mẹ. Tôi cố gắng tìm hình dáng mẹ tôi nói riêng và hình dáng của những người mẹ nói chung trong từng lời ru ngọt ngào và cả trong kho tàng ca dao.

Trên dải đất hình chữ S Việt Nam thân yêu hiện nay, một trong những vấn đề nhức nhối và đau lòng nhất có lẽ là vấn nạn phá thai, người ta nhân danh đủ mọi điều, mọi thứ để phá thai, hàng triệu sinh linh bé bỏng đã bị nhẫn tâm rút ra khỏi lòng mẹ, không được chào đời làm người.

Nhớ lại mẹ tôi, cũng như hàng triệu bà mẹ quê khác, mặc không đủ ấm, ăn chẳng đủ no, ăn buổi trưa lo buổi tối, vậy mà vẫn vui sướng đón nhận và cho chúng tôi được chào đời làm người. Mẹ ơi! muôn đời con tạ ơn mẹ, vì giữa muôn vàn khó khăn, đói khổ, thậm chí đói khổ cùng cực mẹ vẫn đã sinh ra con, cho con hạnh phúc được làm người, làm con của Chúa, mẹ ơi:

Ơn hoài thai, to như bể
Công dưỡng dục, lớn tựa sông! 
(ca dao)

Công ơn trời biển của mẹ được ca dao diễn tả như thân cò lặn lội, bươn chải, những cánh cò trắng muốt thuần khiết, chăm chỉ dưới trời nắng gắt, dưới rét buốt mưa phùn, giữa giá lạnh thấu xương, vẫn luôn chịu thương chịu khó bắt từng con tôm con cá, mò từng con cua con ốc để chăm sóc mái ấm gia đình.

“Cánh cò bay lả bay la
Bay từ nẻo mộng bay ra nẻo đời.”


“Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về.
” (ca dao)

Mẹ đã phải vật lộn với cuộc sống, lam lủ, tảo tần kiếm từng đồng tiền bát gạo nuôi đàn con ăn học chỉ với hy vọng con cái sẽ được bằng chị bằng em, bằng bè bạn. Ngay giữa những cảnh trớ trêu khốc liệt, nghiệt ngã của cuộc đời, nhiều khi mẹ đã phải dấn thân vào cuộc đời đầy phong ba một cách bất đắc dĩ, mẹ sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ cho đàn con yêu quý có được một cuộc sống bình yên, nhưng với bất kỳ hoàn cảnh nào mẹ vẫn luôn giữ trọn một phẩm hạnh cao đẹp cho con và vì con:

“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi hãy vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông nỡ xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”
 (Ca dao)

Trọn đời con có lẽ chẳng bao giờ hiểu được trọn tấm lòng của mẹ, cả cuộc đời của mẹ đã dành trọn cho con, mẹ không đòi hỏi sự trả ơn, không một lần đem sự hy sinh của mình ra đong đếm, và có lẽ điều mẹ mong nhất chính là sự trưởng thành và nên người của con cái.

“Nuôi con chẳng quản chi thân,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,
Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên,
Trọn đời vất vả triền miên,
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con;
Dẫu cho thân xác héo mòn,
Miễn sao con được đủ đầy ấm no.”
 (Ca dao)

Và mẹ ơi, nhớ mẹ, biết ơn mẹ con xin mãi mãi khắc ghi hình bóng thân yêu của mẹ vào trong trái tim con, để rồi trót cả cuộc đời dẫu đi đâu, về đâu làm gì và ở đâu thì hình bóng thân yêu của mẹ không bao giờ phai mờ trong tâm trí và trong trái tim con. Mẹ đã cho con hạnh phúc làm người, mẹ đã dạy con nên người, và mẹ đã chuyển tải niềm tin cho con, tin Thiên Chúa, tin con người và tin vào cuộc đời. Mọi sự sẽ luôn rộng mở nếu mình biết tín thác vào Chúa và biết đến với con người, đến với cuộc đời bằng tất cả tình yêu và trách nhiệm làm người.

“Nhớ xưa dưới mái nhà tranh,
Mẹ ngồi may áo cất dành cho con,
Tinh sương mẹ gánh hàng rong,
Mẹ hiền gian khổ đôi dòng lệ rơi,
Hạ qua thu lại đổi dời,
Tuyết sương điểm mái tóc người kính yêu,
Mẹ là nguồn suối dịu hiền,
Là người duy nhất trong đời của con”.

“Mẹ già gom gánh rạ rơm,
Nuôi con ăn học để thơm tiếng đời,
Mẹ nghèo nón lá tả tơi,
Mong sao con trẻ vào đời bình yên!”
(Ca dao)

 

Hồng Bính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây