Tình đất của người
Khi cuộc chiếm đất đai của Nga vào Ukraine, tôi thấy nỗi đau tình đất của người. Đất ở đó có nước của tôi, nơi nuôi dưỡng tôi lớn lên qua năm tháng. Nơi ấy, cha ông tôi từng đến lập đất, bao công khó dựng nên từ sình lầy, hoang sơ. Sao lại bị chiếm đóng, sao lại đem bom đạn cày xới trên đất nước tôi. Nỗi đau của đất, nỗi đau của những con người yêu quê hương, đất nước, và tôi hiểu về những con người mang nặng tình người của đất.
Khi một đứa trẻ hỏi người lính Nga: “Tại sao anh mang súng đạn đến đây? Sao anh không về đất nước của anh đi!” Một đứa trẻ không hiểu chiến tranh là gì, bao năm qua chúng chơi đùa nơi công viên này, chạy nhảy khắp nơi chung quanh này, hồn nhiên và không có gì lo sợ. Chúng chỉ ngạc nhiên với những người lính Nga chiếm đóng, dựng hàng rào, vũ khí, camera theo dõi khắp nơi, người lớn xua đuổi chúng? Và đứa trẻ đau lòng không hiểu tại sao lại không còn được chạy nhảy. Đứa trẻ hỏi người lính: “Trẻ con không được đến đây, tại sao?” Làm thế nào trả lời cho đứa trẻ được đây, hỡi người lính Nga. Những người yêu thương chúng mời gọi chúng “Lần hạt cầu nguyện cho đất nước an bình, không còn kẻ cầm súng xâm lược, phá hoại nơi thường ngày vui sống của con”.
Khi nhìn những hình ảnh của những người lính Ukraine chia tay với gia đình, cha mẹ, vợ con, làm sao khỏi những xúc động? Đang yên bình, đang mọi sự tốt đẹp, kẻ thù mang tai hoạ tới, người lính chia tay như lần gặp cuối trong đời, ra đi bảo vệ đất nước mình, quê hương mình. Tình của đất, lòng của người ra đi bảo vệ, hình ảnh rơi từng giọt nước mắt cuộc chia ly. Quê hương, đất mình sống là vậy đó, không thể cam tâm nhìn quê hương mình bị dày xéo. Bao đời cha ông, bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bao nhiêu kỷ niệm gắn bó thân thương, làm sao nỡ lòng để quân giặc tàn phá. Đất đâu chỉ là đất, nhà đâu chỉ là nhà, những kỷ vật trong đời. Mỗi con phố, mỗi con đường, mỗi ngõ nhỏ, bao tình người của đất, ở đâu cũng thấy. Đau lòng quá nên phải khoác áo trận ra đi bảo vệ: “Ôi quê hương đã lầm than. Sao còn, còn chiến tranh. Mẹ già hết chờ mong. Đã ngủ yên. Mẹ già mãi ngủ yên” (Du mục, Trịnh Công Sơn)
Khi tôi thấy các cựu chiến binh đã định cư lâu năm ở nước ngoài, họ cũng đăng ký về nước để tiếp tục cuộc chiến. Sao vậy, sao lòng tôi lại thấy nhói lên một cơn tim đau nhẹ, đau vì thấy đất nước của họ, sao nhiều người bỏ mặc ra sao thì ra. Sao vậy, sao không vì cuộc sống yên ổn ở nước ngoài, sao về lại quê hương để chiến đấu? Tôi nhớ lại một câu nói của Théodor Herzl (1860-1904). Ngày 2 tháng 5 năm 1901, ông viết trong nhật ký: “Hôm nay tôi đúng bốn mươi mốt tuổi. Tôi đã gây phong trào gần được sáu năm rồi. Nó làm cho tôi già đi, kiệt sức, nghèo đi.” “Một ngày kia khi quốc gia Do Thái thành lập, người ta sẽ thấy cái gì cũng có vẻ giản dị, tự nhiên. Nhưng một sử gia có công tâm có lẽ sẽ nhận rằng thật lạ lùng…, sao mà một ký giả Do Thái tầm thường có thể biến đổi một miếng giẻ rách thành một lá cờ và một đám người sa đoạ thành một quốc gia được” (Bài học Israel, Nguyễn Hiến Lê dịch). Quê hương là vậy đó, là nước mắt và máu đã thấm vào đất, đất của hy sinh, không ai cho không mình một nơi để sống, sao cam tâm bỏ mặc! Sao lại không quay về cố hương mà khóc cho quê hương bị tàn phá được. Tôi hiểu những nỗi lòng của những con người xa xứ đang cầu xin Mẹ Maria: “Mẹ ơi! … Là của Mẹ đó!”
Khi tôi thấy các diễn viên, các ngôi sao ca nhạc, họ là hoa hậu, để lại tất cả, để học cầm súng bảo vệ quê hương. Điều ấy cho tôi hiểu quê hương là gì? Là nơi cho tôi vào đời tập tễnh với những môn học, là nơi tôi ngơ ngác ráo chân vào đời. Nơi tôi lớn lên trong sự nghiệp cuộc đời tôi, dù tôi chẳng khá mấy, nhưng vẫn là nơi tôi được dạy dỗ, nơi tôi là người. Họ bỏ nghề nghiệp sang bên, khi đất Mẹ cần, họ sẵn sàng gác bỏ danh phận, địa vị, của cải để báo đáp ơn mẹ đất đã dưỡng nuôi. Họ không là kẻ xa lạ trên quê hương đất nước mình, cố bám lấy quyền lợi, bỏ mặc đất mẹ cho kẻ ngoại lai chiếm phá. Họ sẵn sàng đổi mạng vì quê hương, sách Diễm ca khen ngợi họ: “Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp. Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời khinh dể.” (Dc 8, 7)
Khi tôi thấy lời đề nghị khiếm nhã của Biden với vị tổng thống Ukraine đương nhiệm, cho một đường rời bỏ thủ đô cùng với gia đình lánh sang một quốc gia khác để sống yên ổn. Tôi đã nghe thấy tiếng khóc của “Phóng viên của Welt (Đức) bật khóc khi phiên dịch bài phát biểu của ông Volodymyr Zelensky sang tiếng Đức. Cuối đoạn phim, cô đã nói "Entschuldigung", tức "xin lỗi". Tiếng khóc của một lương tâm đang rỉ máu, một người sinh ra tại Ukraine, nhưng cha mẹ là người Do Thái. Một công dân gương mẫu không phải vì dòng máu mình mà vì nơi ấy, ông sinh ra, ông lớn lên, ông được dân cử là tổng thống. Ông ở lại chiến đấu với người dân đã bầu ông lên, sống chết với họ, không chỉ riêng ông mà cả vợ ông gia đình ông ở lại để chiến đấu.
Khi tôi thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi mọi người trên toàn thế giới trong Giáo Hội công Giáo “ăn chay, cầu nguyện cho Ukraine vào ngày Thứ Tư Lễ Tro”. Tôi hiểu rằng đây không là câu chuyện của một quê hương, của một nơi nhỏ bé, mà là của một nhân loại, một thế giới chung sống hoà bình. Một thân thể khoẻ mạnh, cũng có thể đau một vết thương nhỏ trên thân thể, nếu bỏ qua sẽ nguy hiểm cho toàn thân.
Tôi không có quyền để mặc người anh chị em tôi phải đau khổ, bởi nỗi đau của một người lãnh đạo tồi đem quân xâm lược. Tôi viết điều này để chia sẻ với anh chị em tôi, trong cầu nguyện, hãm mình, hy sinh. Xin Chúa thương bảo vệ những người nơi tôi đã sống và cho đất nước Ukraine được thấy ngày thái bình hiển trị.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan