TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh nhạc trong Thánh lễ giới trẻ

Thứ bảy - 26/02/2022 20:46 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS |   1574
Giới trẻ trong bài viết này được hiểu là những người trưởng thành trong độ tuổi từ 18-39.
Thánh nhạc trong Thánh lễ giới trẻ

Thánh nhạc trong Thánh lễ giới trẻ


I. DẪN NHẬP

Giới trẻ trong bài viết này được hiểu là những người trưởng thành trong độ tuổi từ 18-39. Họ là tương lai của thế giới, là gia tài quý giá của Giáo Hội, làm thành một nguồn lực có vai trò quan trọng trong hiện tại và có thể đóng góp rất nhiều cho xã hội và Hội Thánh trong tương lai.[1] Có lẽ vì vậy, trong bài “Nên thánh đối với giới trẻ”, Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên đã trình bày những dòng mở đầu như sau: “Giới trẻ là mối quan tâm đặc biệt của Giáo Hội. Như Chúa Giêsu đã có cái nhìn thương mến đối với chàng thanh niên trong Phúc Âm (x. Mc 10,21), Giáo Hội luôn cảm thông và ưu ái các người trẻ, là tương lai của Giáo Hội và của xã hội”[2]
 

Do mối cảm thông và ưu ái này đối với giới trẻ mà chúng ta thấy xuất hiện ít là trong thời gian gần đây các văn kiện và các cuộc họp bàn của Hội Thánh liên quan đến giới trẻ. Chẳng hạn:

- Sứ Điệp Của Công Đồng Vatican II “Gửi Giới Trẻ” (07/12/1965); Tài Liệu Chuẩn Bị (13/01/2017) và Tài Liệu Kết Thúc (27/10/2018) của Thượng Hội Đồng Giám Mục Lần Thứ XV Về Giới Trẻ với tựa đề “Người Trẻ, Đức Tin, và Sự Biện Phân Ơn Gọi”; Thư Của Các Nghị Phụ Gửi Giới Trẻ Nhân Dịp Bế Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Kỳ Lần Thứ XV (28/10/2018); “Thượng Hội Đồng Về Người Trẻ” (10/2018) cùng với Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục “Christus Vivit - Đức Kitô sống” của ĐGH Phanxicô ban hành ngày 25/03/2019 gởi đến người trẻ và toàn thể dân Chúa.

- Ngoài ra, Hội Thánh đã và đang tổ chức Ngày Giới Trẻ ở mọi cấp độ từ giáo xứ, giáo hạt, giáo phận (dịp lễ Lá/ lễ Chúa Kitô Vua),[3] lên tới cấp giáo tỉnh/ quốc gia/ châu lục phỏng theo Ngày Giới trẻ Thế giới đã được ĐGH Gioan Phaolô II thiết lập vào ngày 20/12/1985. Kèm theo đó, mới đây, qua Bộ Giáo Dân, Gia Đình Và Sự Sống, Hội Thánh đã ban hành “Những định hướng mục vụ cho việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới (JMJ) tại các Giáo Hội địa phương” (18/5/2021) với mục đích giúp cho các Giáo Hội địa phương chuẩn bị tốt hơn cho Ngày Giới Trẻ cấp quốc gia/ giáo phận, qua đó kêu gọi các vị hữu trách Giáo Hội địa phương quan tâm hơn đến giới trẻ và dành cho giới trẻ một chỗ đứng quan trọng trong việc xây dựng Giáo Hội.[4]

Tại Việt Nam, bên cạnh những hoạt động và chương trình mục vụ dành riêng cho giới trẻ, chúng ta thấy xuất hiện một số suy tư và sách vở phục vụ cho giới trẻ như sách Tin Mừng Cho Người Trẻ (Tác giả: Claude Robert, SJ),[5] suy niệm “Tuổi Trẻ Và Lời Chúa” (Manoj Sunny),[6] “Giới Trẻ Trong Kinh Thánh” (Tôma Nguyễn Quốc Minh Tuấn, O.P.),[7]... Tuy nhiên, một cử hành đỉnh cao của Ngày Giới Trẻ là Thánh lễ giới trẻ thì lại ít được đào sâu. Thánh nhạc cho Thánh lễ này cũng ít hay chưa được bàn tới. Nếu như đối với các em thiếu nhi, Hội Thánh đã có hẳn một văn kiện là Huấn Thị về Thánh lễ Thiếu Nhi (1973) để giúp các em tham dự phụng vụ cách tích cực và sốt sắng hơn với những điều chỉnh và thay đổi ít nhiều trong cử hành Thánh lễ và kể cả âm nhạc cho phù hợp với trí óc, tâm hồn và tâm lý của các em, thì Thánh lễ giới trẻ tựu trung vẫn chỉ là Thánh lễ dành cho người lớn hoặc với rất ít điều chỉnh hoặc chỉ là thích ứng cách tự phát.

Chính vì thế, bài viết này xin được mạo muội trình bày như một sự tổng hợp những quy tắc chuẩn mực liên quan đến Thánh lễ giới trẻ cũng như thánh nhạc cho Thánh lễ này và đề xuất một số những đường hướng riêng biệt để áp dụng thực hành. Chúng ta sẽ lược qua mong ước của Hội Thánh về một Thánh lễ và sự tham dự vào Thánh lễ cũng như xác định những đòi hỏi cần thiết về phẩm chất của âm nhạc cho mọi Thánh lễ nói chung; và rồi, để thích ứng với thể chất, tâm lý và tình cảm của thanh thiếu niên, chúng ta sẽ tìm hiểu nhu cầu và mong ước của người trẻ về một Thánh lễ cho/ với họ và thánh nhạc thích hợp với Thánh lễ này; sau cùng, bằng việc đối chiếu những gì vừa tìm hiểu với ước mong của Hội Thánh, chúng ta đề xuất một số điểm thực hành cụ thể cho Thánh lễ giới trẻ cùng với thánh nhạc kèm theo như chủ đích của bài viết này.

II. ƯỚC MONG CỦA HỘI THÁNH

1. Thánh lễ và sự tham dự Thánh lễ

Có một điều chắc chắn rằng, vì xác tín rằng Bí tích Thánh Thể là “Nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống kitô hữu”[8] cho nên Hội Thánh mong ước con cái mình hiểu biết, yêu mến, khao khát và thường xuyên đến với Thánh lễ (x. Ga 7,38). Nhờ mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô đem lại, chúng ta sẽ đón nhận được biết bao ơn ích do việc tham dự Thánh lễ: phúc lành và Thánh Thần do Chúa Cha ban tặng; ân sủng của Chúa Kitô; ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần; được tha thứ tội lỗi; được no thỏa nhờ lương thực là Lời Chúa và Thánh Thể. Tất cả đều hết sức cần thiết để biến đổi mọi khía cạnh của đời sống chúng ta (x. 1Cr 10,31), khuôn đúc chúng ta nên giống hình ảnh Chúa Kitô (x. Rm 8,29) và chuẩn bị chúng ta tham dự vào bữa tiệc cánh chung trong Vương quốc sẽ đến.[9] Tham dự Thánh lễ đồng nghĩa với việc chúng ta được được tham dự vào thực tại và sự sống Thiên Chúa nhờ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô với quyền năng của Chúa Thánh Thần và trong sự hiệp thông với Giáo Hội để tôn vinh Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần.[10]

Một Thánh lễ mà Hội Thánh mong ước ít là phải bao gồm và thể hiện được một số khía cạnh sau đây:

- Nhằm mục đích tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa nhân loại, và mục đích của thánh nhạc thì tương tự như thế;[11]

- Cầu nguyện cho người còn sống cũng như đã qua đời, cho cộng đoàn hiện diện, cho dân Chúa khắp mọi nơi và cho toàn thể thế giới;[12]

- Thánh lễ phải mang tính cộng đồng;[13]

- Mọi người tham dự Thánh lễ cách ý thức, tích cực và trọn vẹn;[14]

- Các nghi lễ cần phải chiếu tỏa nét đơn sơ cao quý, trong sáng, vắn gọn; phải tránh những lặp đi lặp lại vô ích; phải thích ứng với tầm lĩnh hội của các tín hữu, cách chung không cần nhiều lời giải thích;[15]

- Các cuộc rước cần diễn ra cách đẹp đẽ, luôn phải kèm theo những bài hát xứng hợp như quy luật đã ấn định;[16]

- Thinh lặng phải là thành phần của phụng vụ cũng như là phần quan trọng của nghệ thuật cử hành “ars celebrandi”;[17] nhờ thinh lặng và cử hành một cách chậm rãi, không quá vội vã mà cộng đoàn dễ dàng hồi tâm và suy niệm.[18]

2. Phẩm chất của âm nhạc trong Thánh lễ

Thánh nhạc nên có, ở mức độ cao nhất, những phẩm chất thích hợp với phụng vụ: thánh thiêng, xinh đẹp, phổ quát và xác thực.[19]

- Thánh thiêng: nghĩa là thánh nhạc phải thánh thiện, nghiêm trang và sốt sắng; vì thế cần loại trừ mọi ngôn từ cũng như cách trình bày âm nhạc trong Thánh lễ theo thói đời, theo kiểu nhà hát, mang tính phàm trần, tầm phào, phù phiếm.[20]

- Xinh đẹp/ thẩm mỹ: nghĩa là âm nhạc phải là nghệ thuật chân chính đúng như Hội Thánh mong muốn khi đem vào phụng vụ của mình nghệ thuật sử dụng âm thanh thuộc âm nhạc.[21]

- Phổ cập: nghĩa là thánh nhạc phải quen thuộc với các tín hữu;[22] phổ quát còn có nghĩa là các sáng tác phải có cung điệu thánh nhạc thực sự, để không những các ca đoàn lớn có thể hát được mà còn hợp với cả ca đoàn nhỏ, giúp cho toàn thể cộng đoàn tín hữu cũng có thể tham dự một cách linh động.[23]

- Xác thực: nghĩa là lời thánh ca phải thích hợp với giáo thuyết công giáo và tốt hơn cả là rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn mạch phụng vụ.[24]

III. THÁNH LỄ VỚI GIỚI TRẺ

Mục vụ phụng vụ đã phát triển theo hướng là xuất hiện các Thánh lễ theo giới/ nhóm. Chẳng hạn có Thánh lễ cho thiếu nhi, Thánh lễ cho di dân, Thánh lễ cho công nhân, Thánh lễ cho sinh viên... Thánh lễ giới trẻ là một trong số đó.

Tất cả những phần trình bày trên liên quan đến “ước mong của Hội Thánh về Thánh lễ và tham dự Thánh lễ” cũng như về “phẩm chất của âm nhạc trong Thánh lễ” như một định hướng cho việc tổ chức và cử hành Thánh lễ giới trẻ cùng với thánh nhạc dành cho Thánh lễ này. Dựa vào đó, Thánh lễ giới trẻ cần phải xem xét và thỏa mãn ít là một số những điểm chung như sau:

1. Một số điểm nhấn trong Thánh lễ giới trẻ

a/ Tính cộng đồng

Giới trẻ cần được cung cấp một môi trường vừa ủng hộ cho sự phát triển cá nhân vừa phát huy sự nối kết cộng đồng. Vì thế, Thánh lễ cho giới trẻ cần nhấn mạnh nhiều hơn tới tính cộng đồng của cử hành phụng vụ. Đây chính là chiều kích hiệp thông của phụng vụ vì phụng vụ chính là hành vi hiệp thông và là hành động của cộng đoàn, là công trình của toàn thể Thân mình Chúa Kitô gồm Đầu và các chi thể. Tuy có sự khác biệt giữa các tham dự viên về phẩm trật, phận vụ, và sự tham dự hiện thực (x. Rm 12,4), nhưng Thánh lễ không bao giờ là phụng vụ của cá nhân mà là cử hành của cộng đoàn Giáo Hội, liên quan đến toàn thể cộng đoàn và làm nên cộng đoàn Thánh Thể, nhằm củng cố một cách mạnh mẽ không những sự hiệp nhất của tín hữu với Chúa mà còn sự hiệp nhất giữa họ với nhau nữa (x. 1Cr 10,17).[25] Do đó, những lối thực hành như: coi cử hành phụng vụ như là hành động của riêng vị tư tế, của riêng ai đó; cố ý hiện diện ngoài thánh đường (hầu hết là người trẻ); hiện diện một cách thụ động; tham dự theo lối trình diễn hay “lấn át” những phần tử khác trong Thánh lễ: tất cả những biểu hiện đó đều là “xa lạ” trong chính cộng đoàn của mình, đi ngược lại với chiều kích hiệp thông trong Giáo Hội.[26] Khi bàn về cử hành Thánh lễ theo nhóm nhỏ, ĐGH viết rằng: “Thượng Hội Đồng nêu ra một số tiêu chuẩn cần thiết: các nhóm nhỏ phải giúp hợp nhất, chứ không chia cắt cộng đoàn; điều đó phải được thể hiện trong thực tế cụ thể; những nhóm nhỏ này phải thúc đẩy việc tham dự hiệu quả của cả cộng đoàn, và gìn giữ được càng nhiều càng tốt sự thống nhất về đời sống phụng vụ trong các gia đình.”[27]

b/ Tham dự cách ý thức, tích cực và trọn vẹn

Không thể chấp nhận được, thanh niên thiếu nữ với tất cả sự trẻ trung năng động của họ, lại giống như người quan sát câm nín trong Thánh lễ. Trái lại, họ phải thực sự “cùng” dâng lễ với linh mục, với vai trò là tác viên phụng vụ hay như tín hữu trong cộng đồng theo dạng thức phân công «người nào việc nấy» tùy theo cấp bậc của mình trong dân Thiên Chúa (người tiếp đón, giúp lễ, đọc sách, xướng ý nguyện, dẫn lễ, trao Mình Thánh, dâng của lễ, quyên tiền, ca viên, lĩnh xướng viên, ca trưởng...),1 và tham dự một cách ý thức, tích cực và trọn vẹn vào Thánh lễ.[28] [29]

Tham dự Thánh lễ cách ý thức, tích cực và trọn vẹn là:

- Tham dự với tâm trí được chuẩn bị chu đáo từ trước. Trí thì hiểu được ý nghĩa của những gì diễn ra trong phụng vụ, hiểu được các nghi thức, các biểu tượng đức tin và các cử điệu của từng cử hành.[30] Tâm thì lo hoán cải qua những hình thức cụ thể như kiểm điểm đời sống, hồi tâm và thinh lặng tối thiểu ít phút trước khi bắt đầu cử hành phụng vụ, bằng ăn chay, và nếu cần bằng việc xưng tội.[31] Ý thức rằng, sự tham dự tích cực không chỉ là hòa nhập vào những hoạt động bề ngoài cũng như những tư thế và cử chỉ,[32] nhưng còn là nhận ra rằng trước hết chính Thiên Chúa hành động trong phụng vụ, chính ngài quy tụ chúng ta chứ không phải bởi sức lực và theo những nguyên lý của chúng ta, còn chúng ta có bổn phận đáp lại hành động của ngài một cách sẵn sàng, ý thức, linh động đồng thời hợp nhất bản thân với ngài.[33]

- Tham dự với sự “kính cẩn lắng nghe các bài đọc Lời Chúa” cùng với cộng đồng với nhận thức rằng chính Chúa Giêsu nói với chúng ta qua việc công bố bản văn Kinh Thánh;[34]

- Tham dự thực thụ vào bàn tiệc Thánh Thể không những bằng tâm tình thiêng liêng mà còn bằng việc lãnh nhận Thánh Thể nữa. Nếu không, tiệc Thánh Thể, xét như bữa ăn của tình hiệp thông và chia sẻ, sẽ không đạt được trọn vẹn ý nghĩa và không cho thấy rõ việc hiệp lễ là tham dự vào hy lễ đang cử hành.[35]

- Tham dự trong sự hòa nhập vào lời nguyện tín hữu như một cách thức thực thi chức vụ tư tế cộng đồng đã được lãnh nhận qua bí tích Thánh tẩy mà dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện cầu xin ơn cứu độ cho mọi người;[36]

- Tham dự vào lời ca tiếng hát, những lời tung hô và câu đáp lại các lời chào và lời cầu nguyện của tư tế ngõ hầu hành động của toàn thể cộng đoàn được biểu lộ cách rõ ràng và nồng nhiệt hơn;[37]

- Tham dự trong sự thinh lặng cần thiết.[38]

c/ Điểm hẹn của cuộc gặp gỡ với Đức Kitô và với nhau

Thánh lễ là dịp tốt nhất để gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Lý do là vì: [i] cộng đoàn luôn được nguyện xin và cầu chúc “Chúa ở cùng anh chị em” suốt Thánh lễ; [ii] qua sự tham dự vào hai bàn tiệc thánh, người trẻ sẽ gặp gỡ Đức Kitô Thánh Thể trong Lời Chúa và bí tích, nhờ đó, họ được soi sáng và hướng dẫn trong cuộc tìm kiếm ý nghĩa và mục đích cuộc sống; biết đến với nhau và đón nhận nhau như anh chị em trong gia đình của Thiên Chúa để cầu nguyện cho nhau, chia sẻ với nhau và quan tâm đến nhau trong mọi biến cố lớn nhỏ của anh chị em mình. Với ý thức như thế, việc tham dự Thánh lễ sẽ như một trách nhiệm phục vụ cộng đồng trong đức ái.[39]

d/ Cử hành một cách uyển chuyển - sáng tạo

Hội Thánh mong ước mọi nghi thức trong cuộc cử hành đều mang tính cách “nghệ thuật” (ars celebrandí), cũng như vừa biết sáng tạo để bộc lộ nội dung cuộc tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua, là mang lại niềm vui cứu độ cho các tín hữu tham dự, khi được gặp gỡ, hiệp thông với Chúa và với nhau. Dựa trên văn bản của Hiến chế Phụng vụ Thánh (các số 37-42), Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói đến việc Giáo Hội kêu gọi và tạo nhiều cơ hội để cử hành phụng vụ sáng tạo vì những lý do/ hoàn cảnh mục vụ khác nhau hay khi nhu cầu và lợi ích mục vụ đòi hỏi, để có những thích nghi và thay đổi thích hợp với những bối cảnh và văn hóa khác nhau.[40]

Người trẻ vốn được chú trọng ở tính sáng tạo, một đức tính cao quý nói lên những khả năng Chúa ban và sử dụng những khả năng ấy góp phần trong việc tạo dựng của Ngài. Sáng tạo vốn là bản chất và đặc trưng của tuổi trẻ, cho nên, chính họ có lẽ cũng mong ước, hay nói mạnh hơn là có nhu cầu về một Thánh lễ cho giới trẻ được cử hành một cách sáng tạo, uyển chuyển, sống động, vui tươi, không máy móc, không cứng nhắc và không buồn chán bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn khác như cử hành một cách đúng đắn, nghệ thuật, tác động vào giác quan, xứng đáng, chăm chú, sốt sắng và đạo đức.[41]

Thánh lễ có thể được cử hành một cách sáng tạo và sống động hơn bằng cách:

- Thay đổi trong sự lựa chọn các bài hát, các giai điệu, các lời nguyện và các bài đọc Kinh Thánh, cũng như trong khuôn khổ bài giảng lễ, trong việc soạn thảo lời nguyện tín hữu, trong những lời huấn dụ, và trong việc trang hoàng nhà thờ theo mùa phụng vụ nhằm “thích ứng với nhu cầu của người tham dự, cũng như với khả năng của họ, với sự chuẩn bị nội tâm và tài năng riêng của họ”.[42]

- Thay đổi việc sử dụng các bản văn cử hành Thánh lễ khi có nhu cầu phải cầu nguyện cho Hội Thánh, cầu cho lợi ích chung và trong một số trường hợp đặc biệt. Chủ tế có thể linh hoạt nói theo ý mình những lời không được in trong Sách Lễ như: lời dẫn nhập vào Thánh lễ; giới thiệu về Kinh Tiền tụng và Kinh nguyện Thánh Thể; lời dẫn nhập vào Kinh Lạy Cha và lời giải tán cuối Thánh lễ.[43]

- Thay đổi các mẫu cử hành đã được Giáo Hội dự liệu trong Sách lễ. Chẳng hạn: 3 mẫu của nghi thức thống hối và nghi thức làm phép - rảy nước thánh; 2 mẫu tuyên xưng đức tin sau bài giảng; 3 mẫu tung hô tưởng niệm sau khi truyền phép; 13 mẫu Kinh nguyện Thánh Thể.[44]

2. Một số đặc nét trong Thánh lễ giới trẻ

Với Huấn Thị về Thánh lễ Thiếu Nhi (1973), chúng ta dễ dàng nhận ra ý định của Hội Thánh là đáp ứng các nhu cầu và ước mong của các em khi tham dự Thánh lễ. Vì thế rất nhiều thay đổi và điều chỉnh so với Thánh lễ thông thường đã được liệt kê để áp dụng cho phù hợp với tâm tình và lứa tuổi của các em.[45]

Cũng vậy, trong Thánh lễ dành cho giới trẻ, cần đáp ứng ít là các tiêu chí sau:

- Mọi thành phần tham dự, thân quen hay xa lạ, đều được chào đón với lòng hiếu khách cùng sự trìu mến và các bạn trẻ như đang được mời gọi: “Hãy đến mà xem. Hãy đến mà nghe. Hãy đến mà hòa vào bài ca của chúng tôi.”[46]

- Ngoại trừ các vị tư tế/ giáo sĩ, các thừa tác viên còn lại như giúp lễ, đọc sách, trao Mình Thánh Chúa, ca trưởng - ca viên.. .nên thuộc thành phần giới trẻ;[47]

- Sử dụng nhiều màu sắc, ánh sáng, biểu tượng, hình ảnh. cho môi trường/ khung cảnh phụng vụ để làm nổi bật lên ý nghĩa của ngày lễ và mùa lễ vì các bạn trẻ dễ bị ấn tượng mạnh với những yếu tố đó và cũng nên biết rằng trang trí là biến một nơi chốn thành một bài ca;[48]

- Bài giảng cần rõ ràng, chậm rãi và đầy xác tín, gần gũi và dễ hiểu với giới trẻ, sử dụng những câu chuyện và ví dụ liên quan đến họ, thách đố họ và dẫn họ đến chỗ sống Tin Mừng, biết áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống hằng ngày. Vị giảng thuyết có thể đi lại để giảng và có thể đến gần với cộng đoàn hơn nếu thành thạo sử dụng các phương pháp/ hình thức đối thoại, kể chuyện hầu tạo ra hiệu quả thiêng liêng và truyền thông tốt đẹp;[49]

- Lời nguyện tín hữu nên được soạn thảo bởi các bạn trẻ/ người lãnh đạo trẻ và được xướng lên trong Thánh lễ bởi một/ vài bạn trẻ, trong đó, ngoài các ý cầu nguyện cho Hội Thánh, cho thế giới, cho những người đau khổ phần hồn phần xác thì còn bao gồm ý nguyện cầu cho giới trẻ địa phương và thế giới.[50]

IV. THÁNH NHẠC CHO THÁNH LỄ GIỚI TRẺ

Thánh nhạc và ca hát trong phụng vụ đã được coi là phương thế để đạt được mục tiêu hàng đầu trong công cuộc canh tân phụng vụ của công đồng Vatican II: đóng góp vào mầu nhiệm của hiệp nhất trong cử hành; gia tăng sự tham dự của cộng đoàn tín hữu vào cử hành phụng vụ một cách tích cực, ý thức, và trọn vẹn cả thân xác và tâm trí trong bầu khí nồng nàn đức tin, đức cậy và đức mến.[51]

Giới trẻ ưa thích các loại nhạc cụ khác ngoài phong cầm như: guitar, piano, kèn trống, keyboard... Tuổi trẻ cũng ưa chuộng âm nhạc vui tươi trẻ trung theo nhịp điệu. Vậy, thánh nhạc nào là kiểu mẫu cho giới trẻ đây?

Cần nhớ rằng ca hát và âm nhạc trong phụng vụ là để phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn, cho nên tất cả những gì được chọn lựa để đem vào phụng vụ, vào Thánh lễ giới trẻ, thì cần phải phù hợp với phụng vụ và đóng góp vào sự hợp nhất toàn thể của phụng vụ. Bởi vậy, chúng ta cần chọn lựa cái gì là tốt nhất và phù hợp nhất cho phụng vụ: bộ lễ, bài hát, nhạc công, nhạc cụ, số lượng phương tiện âm nhạc được sử dụng, các kiểu và loại âm nhạc khác nhau.[52]

Tuy nhiên, thực tế xảy ra là, nhiều cử hành phụng vụ thay vì nhờ âm nhạc mà được nâng cao về mọi khía cạnh tâm linh và phụng vụ, thì lại trở nên tẻ nhạt và não nề bởi sự chọn lựa âm nhạc kém cỏi, hát ca bết bát, đệm nhạc tệ hại,... Để tránh đi những dấu hiệu này, cũng như để hoàn thiện vai trò và nhiệm vụ của thánh nhạc trong phụng vụ, chúng ta nên chú ý đến từng yếu tố sau:

1. Không thể thiếu âm nhạc

Một Thánh lễ có lời, có hành động và dấu chỉ nhưng nếu thiếu vắng âm nhạc thì sẽ thiếu vắng một biểu tượng uy lực. Vì chúng ta thật khó diễn tả các trạng thái của con người như hân hoan, cảm tạ, chào đón, ngợi khen, sầu buồn cũng như không thể tạo ra bầu khí khác nhau của cử hành mà không cần đến âm nhạc.[53] Vì âm nhạc, giống như thi ca, là ngôn ngữ của trái tim, tạo ra bầu khí của vẻ đẹp. Âm nhạc/ thánh nhạc là thành phần của phụng vụ, là thực tại thiết yếu cho sự tham dự toàn tâm toàn ý của các tín hữu vào phụng vụ, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong phụng vụ trọng thể.[54]

Nếu như thế, Thánh lễ giới trẻ lại càng phải cử hành trong âm nhạc và tiếng hát. Đối với giới trẻ, âm nhạc là yếu tố thiết yếu của cuộc sống, là món ăn tinh thần của họ, được hội nhập vào cuộc sống của họ và có thể nói như là “căn tính” của họ. Thánh nhạc, nếu dễ hát và đầy chất Kinh Thánh và phụng vụ trong đó, có thể lôi kéo họ vào trong kinh nghiệm phụng tự đích thực của sự tưng bừng hân hoan, giúp họ dễ dàng cầu nguyện và tham dự tích cực hơn vào cử hành phụng vụ.[55] Thật đúng với Thánh lễ giới trẻ khi thánh nhạc vừa phát triển lời cầu nguyện một cách dịu dàng hơn, vừa cổ võ sự đồng thanh nhất trí, lại vừa làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng. Đối với giới trẻ, mỗi Thánh lễ phải được coi như một dịp cử hành phụng vụ trọng thể mà thánh nhạc là thành phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong đó.[56]

2. Nhưng cũng cần có những khoảnh khắc thinh lặng

Giới trẻ là phải vui tươi, phải tưng bừng, phải nhảy nhót..., vì thế họ có khuynh hướng thích nơi ồn ào náo nhiệt. Thế giới ngày nay lại càng ồn ào náo nhiệt hơn với các thể loại âm nhạc nhiều khi “gào thét”, với truyền thông liên tục 24/24 tác động đến mọi người đến độ nhiều bạn trẻ đã đánh mất chính mình trong thế giới ảo. Khi mời gọi các bạn trẻ sống tĩnh lặng, Đức Bênêđictô XVI đưa ra lý do rõ ràng: Chúng ta đang sống trong một xã hội mà ở đâu và lúc nào cũng tràn ngập tiếng động và hoạt động, đến nỗi không còn thời gian và không gian để lắng nghe và đối thoại.[57] Bởi đó, hơn bao giờ hết, giới trẻ cần có những thời khắc thinh lặng ở nơi chốn thinh lặng để họ có thể trở về với thế giới nội tâm của mình, để tìm gặp Chúa, gặp lại chính mình, và gặp gỡ anh chị em mình trong chiều sâu ơn gọi làm người; để lắng nghe tiếng Chúa,[58] tiếng lòng của mình, lắng nghe nỗi lòng và cảm được tiếng kêu của tha nhân. Vậy thì, Thánh lễ, dù là Thánh lễ giới trẻ cũng đừng bao giờ thiếu đi những khoảnh khắc này.[59]

Đây không phải là một thái độ thụ động, trái lại, truyền thống phụng vụ xác nhận rằng đó là hình thức tham dự thâm sâu và hiệu quả, là sự cởi mở trước hành động của Thiên Chúa trong chúng ta, gia tăng thái độ chiêm niệm trong phụng vụ, giúp chúng ta chuẩn bị nội tâm một cách sốt sắng hơn, hướng chúng ta về trời cao cũng như cảm nhận được sự huyền nhiệm và siêu việt của Thánh lễ. Quả thật Thiên Chúa nói với chúng ta không những qua Kinh Thánh mà còn qua sự thinh lặng, tức là qua “ngôn ngữ của huyền nhiệm” (Joe Paprocki). Vì vậy, đừng biến Thánh lễ thành một buổi cử hành ồn ào, vội vã, làm mất đi cảm thức linh thánh, ý nghĩa huyền nhiệm. Thay vào đó, nên tôn trọng những chỗ thinh lặng cần thiết như đã được Giáo Hội hướng dẫn: trong nghi thức sám hối; sau lời mời cầu nguyện; sau bài đọc và bài diễn giảng;[60] sau mỗi ý nguyện trong lời nguyện tín hữu; và sau khi hiệp lễ.[61]

3. Giúp bạn trẻ tham dự tích cực vào phụng vụ

Cộng đoàn cần phải đi vào âm nhạc với tư cách là người tham dự tích cực chứ không phải là người quan sát thụ động. Thái độ thụ động là tàn phá tinh thần tham dự phụng vụ. Câu hỏi được đặt ra là âm nhạc cản trở hay hỗ trợ các bạn trẻ tham gia tích cực và trọn vẹn vào cử hành phụng vụ? Xin thưa, âm nhạc sẽ cản trở sự tham dự của họ nếu đó là thứ âm nhạc nghèo nàn và không gây cảm hứng; nếu ca từ/ ngôn từ của bài hát thiếu vẻ đẹp và phẩm chất; và nếu giai điệu thì sáo rỗng và quá nhạt nhẽo... Ngược lại, âm nhạc sẽ hỗ trợ sự tham dự nếu như: [i] âm nhạc thông truyền và cử hành Tin Mừng của Chúa Giêsu; [ii] mọi người được hát và có thể hát một cách ý thức, tự tin và nghệ thuật các bản văn quan trọng của Kinh thánh và phụng vụ trong tư cách là ca sĩ/ ca viên hàng đầu của phụng vụ; [iii] chúng ta biết chọn lựa âm nhạc giúp tín hữu lớn lên trong đức tin, làm sâu sắc thêm cảm nghiệm của họ về Thiên Chúa, Đấng là sự thật, vẻ đẹp và tình yêu.[62] Lm. Anrê Đỗ xuân Quế, OP, đề nghị rằng: “Phải hết sức cổ võ cho dân chúng hát, dù dưới những hình thức mới thích hợp với hồn dân tộc và não trạng của người thời nay. Các Hội đồng Giám mục sẽ cho làm một tuyển tập các bài hát để dùng cho các nhóm riêng như thanh niên hay nhi đồng, nhưng phải liệu sao cho lời ca, âm nhạc, nhịp điệu và nhạc khí phù hợp với vẻ trang trọng và thánh thiện của nơi thờ phượng và việc thờ phượng.” [63]

4. Ưu tiên hát cộng đoàn

Giáo Hội đề cao tính cách cộng đồng trong thánh ca như sau: “Ngày xưa, Chữ Đỏ chỉ dẫn “Hãy nhìn vào Bình Ca.” Ngày nay, Chữ Đỏ chỉ dẫn: “Hãy để ý tới cộng đồng.”[64] Dietrich Bonhoeffer phát biểu rằng khi chúng ta hát cùng nhau thì đó chính là tiếng nói của Hội Thánh được lắng nghe. Không phải là ai đó hát, nhưng là Hội Thánh hát.[65] Nói như thánh Gioan Kim Khẩu, chúng ta đã cùng nhau làm thành một ca đoàn duy nhất... Đó là sự cao quý của Hội Thánh.[66]

Thánh lễ nói chung, và đặc biệt là Thánh lễ cho giới trẻ, thì lại càng phải ưu tiên tiếng hát của cộng đoàn hơn là tiếng hát của ca viên hay ca đoàn vì tuổi trẻ thì thích ca hát, và vì Hội Thánh biết rằng sự tham dự vào cử hành mới là cốt yếu và có tầm quan trọng hàng đầu.[67] Muốn vậy, khi chọn bài hát, phải làm sao để các bạn trẻ nhận ra rằng đây chính bài hát như là của riêng họ, dành cho họ. Ưu tiên tiếng hát của cộng đoàn không có nghĩa là phủ nhận sự tồn tại hữu ích của ca đoàn.[68] Ca đoàn có bổn phận phải hát đúng những phần dành riêng cho mình, tức là ca đoàn thì không độc quyền hát và cộng đoàn thì không phải chỉ thụ động lắng nghe. Như vậy, một buổi cử hành phụng vụ bao giờ cũng gồm cả ca đoàn hát lẫn cộng đoàn hát để người ta có thể thấy rõ tính cách “Giáo Hội” trong buổi cử hành. Khi thì ca xướng viên hoặc ca đoàn hát với cộng đoàn. Lúc thì chỉ riêng ca đoàn hát. Có những trường hợp thì toàn thể cộng đoàn hát và ca đoàn chỉ là một thành phần trong đó.[69]

Những phần cho ca đoàn hát riêng gồm:[70]

- Bài ca trước ca nhập lễ

- Chuẩn bị lễ vật

- Nghi thức bẻ bánh

- Ca hiệp lễ

- Những phần dành cho cộng đoàn/ ca đoàn hát (theo thứ tự ưu tiên) gồm:

- Ca nhập lễ: a- cộng đoàn + ca xướng viên/ca đoàn; b- ca đoàn; c- cộng đoàn.

- Kinh Thương Xót: cộng đoàn + ca xướng viên /ca đoàn

- Kinh Vinh Danh: a- cộng đoàn; b- cộng đoàn + ca xướng viên; c- ca đoàn

- Thánh vinh đáp ca: ca xướng viên / cộng đoàn

- Alleluia: ca xướng viên / ca đoàn + cộng đoàn

- Kinh Tin Kính: cộng đoàn

- Thánh, Thánh, Thánh (Sanctus): cộng đoàn

- Tung hô tưởng niệm (Đây là mầu nhiệm đức tin.): cộng đoàn

- Amen long trọng: cộng đoàn

- Kinh Lạy Cha: cộng đoàn

- Bài ca sau hiệp lễ: cộng đoàn

- Ca kết lễ: a- cộng đoàn; b- dạo đàn; c- ca đoàn

5. Ca trưởng thánh nhạc

Đây là những yếu tố cần có nơi một ca trưởng thánh nhạc theo đòi hỏi trong tài liệu Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc (2017) của ủy Ban Thánh Nhạc:

- Huấn luyện chuyên môn cho ca viên (hát đúng nhạc điệu, nhịp điệu, nhạc sắc; tập lấy hơi đúng chỗ, đúng lúc; hát rõ lời ca, thể hiện nhạc điệu mạnh nhẹ theo nét nhạc và ý nghĩa của lời ca; hát với tâm tình thờ phượng...), chọn bài cho phù hợp với tiêu chuẩn của thánh nhạc, dọn bài để tập hát cho ca đoàn và cộng đoàn, điều khiển cộng đoàn hoặc ca đoàn trong cử hành phụng vụ (ví dụ: Thánh lễ), phối hợp chặt chẽ với các người lo các phần việc khác.[71]

- Học biết về phụng vụ, hiểu biết cặn kẽ và áp dụng cách sáng tạo những hướng dẫn (Hiến chế về phụng vụ thánh, các Thông điệp, các Huấn thị, v.v...) của Giáo Hội về âm nhạc phụng vụ, thông thạo khả năng chuyên môn như nhạc lý, ký xướng âm, hòa âm, điều khiển hợp xướng, đệm đàn cơ bản (organ hoặc piano).[72]

Ngoài ra người ca trưởng thánh nhạc còn cần:

- Giúp cho ca viên không chỉ hát đúng mà còn phải hát hay, phải hát thánh thiện, đạt đến mức độ cầu nguyện, tôn thờ và có giá trị phụng vụ theo cách thế: luôn quy hướng ca hát về Thiên Chúa, nâng tâm hồn tín hữu lên tới Chúa vì thánh ca chỉ là phương tiện để tôn vinh Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần mới là “hồn” của Thánh ca, còn kiến thức chuyên môn, tài năng, óc sáng tạo... và ngay bài thánh ca cũng chỉ là những chất liệu vật chất;[73]

- Giúp cộng đoàn cầu nguyện chứ không phải là lúc biểu diễn, phô trương tài nghệ của mình hay của ca viên, tránh tìm cách lôi kéo người ta chú ý vào mình.[74]

- Cân bằng giữa những gì đã quen thuộc với các bạn trẻ và những gì là mới mẻ đối với họ.

6. Ca viên và ca đoàn

Dưới đây là phần tóm lược chỉ dẫn của Hội Thánh về ca viên và ca đoàn:

- Mong muốn của Hội Thánh là cần có ca đoàn để làm sinh động cộng đoàn phụng tự[75] với ít nhất một hoặc hai ca viên được huấn luyện vừa đủ để dẫn dắt và trợ giúp các tín hữu trong phụng vụ thánh.[76] Khuyến khích việc thành lập và đào tạo ca đoàn tại nhà thờ chính tòa, các nhà thờ lớn, cũng như trong các chủng viện và các học viện dòng tu.[77]

- Tất cả những ai có một phần việc nào trong thánh nhạc: như sáng tác, đệm đàn, điều khiển, hát xướng và nhạc công, trước hết phải có phẩm chất đức tin và nêu gương đời sống Kitô hữu cho những người khác.[78] Họ đang thi hành một sứ vụ chân chính trong Hội Thánh, vì vậy nên sống đúng theo phẩm giá ơn kêu gọi của mình,[79]trong phụng vụ, họ phải lo chu toàn cách thích đáng các phận vụ riêng, lại phải lo giúp tín hữu tham dự cách linh động vào việc ca hát.[80]

- Ca viên nên có kiến thức cơ bản về bản văn họ hát.[81] Trong việc lựa chọn loại nhạc cho cử hành phụng vụ, ca đoàn phải có những nguyên tắc: không cản trở sự tham gia tích cực của dân chúng, nghĩa là phải cần phải đặc biệt chú ý đến tính cộng đoàn của bài ca; phải tương ứng với tinh thần của cử hành phụng vụ;[82] việc hát phải tương ứng với hoàn cảnh; không kéo dài bài hát một cách không cần thiết đến độ bắt mọi người phải chờ đợi.[83] Cần lưu ý đến nguyên tắc hát bậc lễ, thứ tự ưu tiên, những phần nên hát và những phần không nhất thiết phải hát. Chẳng hạn, nên dành ưu tiên cho: [i] Những phần do vị tư tế, hoặc phó tế hay độc viên hát, có cộng đoàn đáp; hoặc những phần mà cả vị tư tế và cộng đoàn cùng hát.”; [ii] Bốn câu tung hô là Tung hô Tin Mừng, Tung hô Thánh Thánh Thánh, Tung hô Tưởng niệm và Tung hô Amen long trọng.[84]

- Thỉnh thoảng, ca đoàn có thể hát tiếng Latinh, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và trình chiếu để cộng đoàn hiểu nghĩa.[85]

- Cần có sự phối hợp hài hòa của mọi thành phần trong Thánh lễ (linh mục chủ tế và phó tế, các thừa tác viên, các lễ sinh, những người đọc sách, các nhạc sĩ, ca viên chính, cộng đoàn) hầu phát ra một bài ca thiêng liêng chính xác làm cho buổi cử hành phụng vụ thật sâu lắng, được mọi người chia sẻ và đạt kết quả. Vậy, về mặt âm nhạc trong các buổi cử hành phụng vụ, không thể để cho mỗi người tùy hứng và tự do thao túng, mà phải giao cho một ban chỉ huy được bàn soạn kỹ càng, biết tôn trọng kỷ luật và có khả năng.[86]

Ngoài các đòi hỏi vừa nêu, dù là Thánh lễ cho giới trẻ:

- Ca đoàn và nhất là các ca viên lĩnh xướng phải tránh lối hát rập khuôn theo các ban nhạc và ca sĩ đời, không để cho nhạc thánh ca bị lây nhiễm âm nhạc thế tục và kịch trường, không sử dụng các điệu nhạc Jazz trong phụng vụ. Phải làm cho việc cử hành các mầu nhiệm thánh thêm rực rỡ vui tươi và đượm nhuần bầu khí thiêng liêng. Ngay khi bày tỏ niềm vui thì phụng vụ cũng đã phần nào nghi thức hóa niềm vui đó. Niềm vui ấy không còn là niềm vui bộc phát trong đời thường, nhưng bình dị hơn, trang nghiêm hơn, thích hợp với cộng đồng hơn.[87]

- Giới trẻ có khuynh hướng dễ khẳng định mình, vậy ca đoàn và nhất là các ca viên hát solo, các lĩnh xướng viên đừng bao giờ lôi kéo cộng đoàn hướng về mình, ca ngợi mình, cũng không đánh giá thấp tiềm năng âm nhạc cũng như cảm thụ thẩm mỹ của cộng đoàn.[88]

- Phẩm tính của tiếng hát là: uyển chuyển, liên giọng, dịu dàng, nhẹ nhàng, tươi mát, trong trắng.[89]

7. Nhạc công và nhạc cụ

Về nhạc công và nhạc cụ, chúng ta nên tuân giữ những hướng dẫn chung của Hội Thánh cũng như của Hội đồng Giám mục Việt Nam như sau:

- Hội Thánh cho chúng ta những hướng dẫn rõ ràng về loại nhạc cụ nào sẽ được sử dụng trong nhạc phụng vụ. Cần tránh các nhạc cụ chỉ dành cho mục đích sử dụng thế tục và chỉ phù hợp với âm nhạc thế tục.[90] Trong Hội Thánh La tinh, đại phong cầm phải hết sức quý trọng, vì là một nhạc khí cổ truyền mà âm thanh có thể thêm vẻ huy hoàng kỳ diệu cho các nghi lễ, lại có hiệu lực nâng cao tâm trí lên cùng Chúa và những sự trên trời;[91] các nhạc cụ cần hỗ trợ cho tiếng hát, giúp tín hữu tham dự phụng vụ dễ dàng hơn cũng như hợp nhất sâu xa hơn với cộng đoàn.[92] Còn các nhạc cụ khác, cũng được phép dùng vào việc phụng tự tùy theo phán đoán và phê chuẩn của Thẩm Quyền địa phương miễn là đã thích hợp hoặc có thể thích hợp để dùng vào việc thánh, xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của thánh đường, và thực sự giúp cảm hóa các tín hữu.[93]

- Tiếng hát luôn phải có vị trí chủ đạo nên âm thanh của các nhạc khí không bao giờ được lấn át tiếng hát, và làm cho bản văn trở nên khó hiểu.[94] Cần tránh những đoạn dạo đàn ở đầu bài hát và những

đoạn xen kẽ dài quá trong quá trình hát phụng vụ.[95] Chỉ những nhạc khí do tự nhạc sĩ đánh lên mới được sử dụng trong phụng vụ thánh, chứ không phải những loại nhạc khí điện tử tự động.[96]

- Ứng tấu khi cộng đoàn đã hát xong mà nghi tiết phụng vụ chưa hoàn tất hoặc nếu không thể ứng tấu cho xứng hợp, nhạc công nên diễn tấu những bản đàn in sẵn, từ dễ đến khó, trong các tập nhạc có giá trị.[97]

- Có thể dạo nhạc mở đầu trước khi Nhập lễ, đệm nhạc cho toàn bộ phần Chuẩn bị lễ vật, tấu nhạc khi kết lễ thay thế bài hát Kết lễ, hoặc diễn nhạc kết sau khi bài hát đã được hát xong, trong những mùa phụng vụ và những ngày lễ cho phép dạo đàn.[98]

Ngoài ra, dầu là Thánh lễ cho giới trẻ, cũng phải tránh thứ âm thanh kích động rẻ tiền, ầm ĩ. Khi sử dụng các nhạc khí như organ điện tử, guitare, dàn trống, dàn kèn, dàn nhạc hòa tấu... thì không được dùng các điệu Jazz và các điệu phát xuất từ đó để đệm cho người hát khi cử hành phụng vụ, vì hầu hết các điệu này có tích kích động, huyên náo nên hợp với các sinh hoạt khác mà không hợp hay ít hợp cũng như không xứng với nơi thánh.[99] Khi sử dụng các nhạc khí nên có bản phối khí. không nên chơi theo ngẫu hứng. [100]Các nhạc công sử dụng đàn organ điện tử nên lựa chọn các nút âm thanh thích hợp với tiếng hát phụng vụ như Strings, Pipe Organ, Church organ, Flute và tránh dùng những âm thanh ầm ĩ náo động. Những âm này sẽ gây chia trí hơn là giúp cầu nguyện.[101] Nếu sử dụng đàn dương cầm, thì không nên lạm dụng mà nên đệm đàn cho đúng cung cách. [102] Tóm lại, tất cả nhạc cụ và nhạc công phải khiêm hạ với nhiệm vụ của từng người từng vật là để phục vụ Thiên Chúa và Hội Thánh.

8. Âm nhạc và bài ca

Về âm nhạc và bản văn/ bài hát, chúng ta theo những hướng dẫn chung sau:

- Mọi thứ mà các sách phụng vụ quy định được hát hoặc bởi linh mục và các thừa tác viên của ngài, hoặc bởi ca đoàn và cộng đoàn, tạo thành một phần không thể thiếu của phụng vụ thánh.[103] Bản văn phụng vụ phải được hát theo một cách thức làm cho các tín hữu đang lắng nghe dễ hiểu.[104] Các bài hát thay thế cho việc hát các bản văn ca nhập lễ, ca tiến lễ ca hiệp lễ trong sách hát Graduale phải được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận.[105]

- Chỉ nên chọn hát những bài thánh ca vừa phát triển lời cầu nguyện một cách dịu dàng hơn, vừa cổ võ sự đồng thanh nhất trí, lại vừa làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng, thấm đẫm và phù hợp với tinh thần phụng vụ và bản tính của mỗi phần trong phụng vụ bằng vẻ đẹp của nó, giúp cho cộng đoàn tích cực tham gia phụng vụ và hướng lòng trí người ta về các mầu nhiệm đang cử hành.[106]

Dựa vào những hướng dẫn trên và lưu ý đến tâm lý của tuổi trẻ, chúng ta đề nghị chọn lựa âm nhạc và bài hát cho Thánh lễ giới trẻ như sau:

- Sử dụng các tác phẩm thánh nhạc hiện đại trong phụng vụ và các ca khúc bình dân tôn giáo. Tốt nhất, chúng cần thỏa mãn các phẩm chất của thánh ca như được nêu ra trong Tra le Sollecitudini (số 2) và được khai triển trong Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (các số 112, 118).

- Trước khi đem vào sử dụng, tác phẩm thánh nhạc cần được thẩm định về phụng vụ, mục vụ và âm nhạc nghĩa là chỉ đem vào phụng vụ những bài hát đúng quy định về phụng vụ và thánh nhạc, phù hợp với chủ đề của Thánh lễ, với các nghi thức hoặc tác động phụng vụ...[107]

- Riêng về phương diện thẩm định mục vụ, bài hát cần đáp ứng các tiêu chuẩn: [i] Bền vững theo năm tháng: tức là bản văn/ giai điệu có một sứ điệp rõ ràng, đi vào lòng người, dễ dàng nhất để nối kết tâm trí giới trẻ với hành vi phụng vụ, khiến bạn trẻ có thể tìm thấy được ý nghĩa mới mỗi khi tiếp cận với nó, duy trì mối quan tâm và thiện cảm của họ đối với tác phẩm khiến họ sẵn sàng chọn lựa để hát khi có dịp; [ii] Dễ hát: tức là bài hát không được quá khó, phức tạp, vượt quá tầm hiểu biết và khả năng của cộng đoàn; trái lại, bài hát phải đơn giản, có giai điệu hay, có quãng âm hẹp, nhất là khi hát cộng đồng; [iii] Lời ca: tức là bản văn phải trao gởi một sứ điệp rõ ràng, thường là bản văn theo dạng thi ca, hoặc có vần có điệu, gợi lên tâm trí người hát/ người nghe những hình ảnh bằng âm thanh/ lời nói, dễ dàng chiếm lấy óc tưởng tượng và bám vào ký ức của họ, tăng cường việc giáo dục đức tin cho họ bằng cách mở lòng họ trước mầu nhiệm được cử hành trong dịp lễ hoặc trong mùa phụng vụ, lôi kéo họ đến gần với mầu nhiệm Đức Kitô là trọng tâm của cuộc cử hành phụng vụ; giúp họ phát triển mối tương quan với Chúa Giêsu và cảm thức thuộc về Hội Thánh.[108] Nên nhớ rằng, lời ca tuyệt vời nhất vẫn là Lời Chúa từ Thánh Vịnh/ Tin Mừng,[109] chỉ cần mặc thêm cho những Lời này bằng giai điệu âm nhạc vui tươi và đơn giản, khi ấy, bài ca đẹp nhất trên thế giới cũng không thể so sánh bằng.[110]

- Điều vừa trình bày ở trên cũng liên quan đến Bộ lễ: chỉ chọn Bộ lễ được phép hát trong phụng vụ, dễ hát và gần như thuộc lòng đối với giới trẻ.[111] Khi đã chọn Bộ lễ nào, thì phải hát Bộ lễ ấy trong một toàn phẩm, bộ nào ra bộ nấy, không nên pha trộn các Bộ lễ lại với nhau, cho dù những Bộ lễ ấy có cùng một âm thể, mang cùng một giai điệu, hay của cùng một tác giả.[112]

- Để dễ dàng thu hút và lôi cuốn giới trẻ, có thể và rất nên thể hiện âm nhạc và thánh ca trong Thánh lễ giới trẻ một cách tưng bừng rộn rã, với trống đàn, với tiết điệu... nhưng chỉ sử dụng những bài được phép dùng trong phụng vụ chứ không phải loại thánh ca Vào Đời vốn dĩ chỉ dùng để hát ngoài phụng vụ.[113]

- Nên tận dụng tất cả những bài thánh ca [đã được cho phép dùng trong phụng vụ] có câu điệp khúc là câu Tin Mừng/ Thánh Vịnh được dệt nhạc hay được sáng tác dựa theo ý của câu Tin Mừng/ Thánh Vịnh rồi hát theo kiểu Taizé câu điệp khúc này trong Thánh lễ, nhất là ở phần ca hiệp lễ. Ví dụ như câu điệp khúc “Yêu Thương là Điều Răn mới: Anh em hãy mến yêu nhau. Yêu thương người ta sẽ biết anh em là môn đệ Thầy” trong bài Luật Yêu Thương của Ns. Nguyễn Duy. Ngoài ra, chúng ta hy vọng sẽ có thêm những sáng tác mới theo kiểu bài hát Taizé dựa theo bản văn phụng vụ/ bài lễ từ tiền xướng ca nhập lễ, ca hiệp lễ trong Sách Lễ Rôma và ca tiến lễ trong sách Graduale Romanum/ Graduale Simplex rồi thỉnh thoảng nên chọn những bài thánh ca này mà hát. Tuy bài hát Taizé không phải được soạn cách riêng dành cho giới trẻ, nhưng thực tế lại rất thích hợp với họ và nhanh chóng thu hút mọi sự chú ý của họ. Lý do là vì: [i] các bài hát này thường đơn giản và dễ hát do vừa ngắn gọn, vừa được lặp đi lặp lại nhiều lần một hay hai câu Kinh Thánh; [ii] Giúp người trẻ dễ dàng cầu nguyện.[114]

- Có thể sáng tạo bằng cách bắt chước phương thức cầu nguyện theo kiểu Taizé cho bài ca hiệp lễ, nghĩa là cứ sau một/ hai câu của bài ca hiệp lễ hoặc nếu chỉ hát câu điệp khúc của bài hát, và sau mỗi điệp khúc này, một người/ ca đoàn sẽ đọc một đoạn Tin Mừng ngắn trích từ Bài Phúc Âm đã được công bố trong phần Phụng Vụ Lời Chúa trước đó nhằm nội tâm hóa Lời Chúa vào chính thời khắc chúng ta lãnh nhận Thánh Thể, nghĩa là chúng ta quyện lại với nhau việc lãnh nhận Chúa Giêsu - Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể nơi Bánh Hằng Sống và Chén Hân Hoan (Máu Chúa Kitô) - với việc lãnh nhận Chúa Giêsu nơi Lời của Người.[115]

- Bỏ ngay những bản nhạc vô vị, những bản văn nhạt nhẽo và ít hài hoà với sự cao trọng của lễ nghi được cử hành, hầu bảo đảm cho sự trang trọng và vẻ đẹp của âm nhạc trong phụng vụ.[116]

V. THAY LỜI KẾT

Sau khi đã trích dẫn khá nhiều từ hiến chế, quy chế, huấn thị, hướng dẫn... của Hội Thánh hoàn vũ cũng như Hội Thánh địa phương để làm điểm tựa, làm nền tảng cho những suy tư và đề xuất mục vụ sau đó liên quan đến Thánh lễ giới trẻ và thánh nhạc cho Thánh lễ giới trẻ, bởi đó, thay vì kết luận, phần cuối này chỉ là muốn nói lên, cũng có khi chỉ là nói lại, những ước mong của chúng tôi:

- Ước mong rằng tầm nhìn và hướng dẫn của Hội Thánh, của các ĐGH, của các ủy Ban Thánh Nhạc và ủy Ban Phụng Tự về Thánh lễ và thánh nhạc sẽ được giới trẻ học hỏi, tuân giữ và thực hành nơi mỗi nhà thờ, trong mỗi cuộc cử hành Thánh Thể để Thiên Chúa được tôn vinh, nhân loại được thánh hóa, đức tin được xây đắp và niềm vui đích thực đến được với mọi người tham dự trong kinh nghiệm gặp gỡ Chúa;

- Ước mong rằng chúng ta không chỉ có thêm nhiều các nhạc sĩ công giáo trẻ, các ca trưởng thánh nhạc trẻ, các ca đoàn toàn giới trẻ, các lĩnh xướng viên và ca viên trẻ, các nhạc công trẻ, mà những người này còn biết mở tâm trí ra cho sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, biết hăng say học hỏi, dấn thân và hy sinh nhiều hơn để làm cho cử hành phụng vụ cũng như tiếng hát tiếng đàn vang lên trong phụng vụ ngày càng hoàn hảo hơn, nghệ thuật hơn khiến mọi người cảm nhận được là đang tham dự vào phụng vụ thiên quốc, khiến mọi người cảm nhận được vẻ đẹp thần linh mà Thiên Chúa muốn thông chuyển đến chúng ta;

- Ước mong rằng chúng ta sẽ có sách hát riêng cho giới trẻ, sẽ có thêm nhiều bài thánh ca mà họ có thể hát thuộc lòng, sẽ có thêm những bài hát theo kiểu Taizé được sáng tác dựa vào bản văn Kinh Thánh/ phụng vụ và được phép sử dụng trong cử hành phụng vụ;

- Ước mong rằng, chúng ta sẽ không hát ca trong cử hành phụng vụ như để giải trí, để thỏa mãn chính mình/ cộng đoàn của mình. Chúng ta hát là để cầu nguyện, để Thiên Chúa lắng nghe chúng ta, để chúng ta tham dự vào phụng vụ một cách trọn vẹn, ý thức và tích cực hơn; và rồi chúng ta có thể bước đi với nhau một cách can trường và xác tín hơn mà phục vụ anh chị em quanh ta như như bài ca của Thiên Chúa cho thế giới, như giai điệu của Thiên Chúa mang đến sự sống và tình yêu cho trái đất này.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 126 (Tháng 9 & 10 năm 2021)

WHĐ (26.02.2022)

 


[1] X. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (= GLCG), các số 1913-1915; FABC, Youth, Hope of Asian Families. Statement of the 4th Asian Youth Day, 30/7 - 5/8/2006, Hong Kong, trong For all the Peoples of Asia 4.

[2] Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên, “Nên thánh đối với giới trẻ”, < https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nen-thanh-doi-voi-gioi-tre-39705 > (04/2020)

[3] ĐGH Phanxicô đã thay đổi cử hành Ngày Giới Trẻ Thế giới từ Chúa nhật lễ Lá sang Chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua, < https://zenit.org/2020/11/22/pope-changes-diocesan-celebration-of-wyd-from-palm-sunday-to-christ-the-king-sunday/ >

[4] Trích từ “Toàn Văn Những Định Hướng Mục Vụ Cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới Ở Cấp Địa Phương”, dg. Lm. Võ Xuân Tiến, < https://giaophankontum.com/van-kien/van-kien-hoi-thanh/toan-van-nhung-dinh-huong-muc-vu-cho-ngay-quoc-te-gioi-tre-o-cap-dia-phuong > (26/05/2021).

[5] ĐHY G.B Phạm Minh Mẫn chuyển ngữ (1998) từ nguyên tác 2000 Ans Après (Nxb. Casterman, 1961).

[8] Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 11.

[9] X. GLCG, các số 1082, 1084, 1090, 1108-1109, 1138.

[10] GLCG, số 1091; Francis Cardinal Arinze, “Active Participation in the Sacred Liturgy” trong Cardinal Reflections: Active Participation and the Liturgy (Chicago/Illinois: HillenbrandBooks, 2005), 18.

[11] Hiến chế Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium (= PV), số 112; Nghi Thức Thánh Lễ (= NTTL), số 29; GLCG, số 1157.

[12] X. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (= QCSL), các số 69-70.

[13] X. QCSL, số 86.

[14] X. PV, số 14.

[15] PV, số 34.

[16] X. QCSL, các số 44, 62, 86, 121, 139; Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), số 121.

[17] X. QCSL, số 45, 54; NTTL, số 9; Sách Lễ Nghi Giám Mục (= LNGM), số 136; Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, số 54.

[18] X. QCSL, các số 43, 45, 56, 88, 164; NTTL, số 138; LNGM, số 138; Inestimabile Donum, số 17; Đức Bênêđictô XVI, Sacramentum caritatis, số 50; Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, số 56; Jean Lebrun, “Sự Đón Nhận Lời Chúa”, trong Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ, tập II, ed. Joseph Gelineau, dg. Trần Thái Đỉnh (Nxb. Đồng Nai, 1992), 223.

[19] Đức Piô X, Tự sắc Tra Le Sollecitudini (22/11/1903), số 2; Đức Piô XII, Thông điệp Musicae Sacrae [Disciplina] (25/12/1955), số 41.

[20] X. Tra Le Sollecitudini, số 2; Musicae Sacrae, số 42.

[21] X. Tra Le Sollecitudini, số 2; Musicae Sacrae, số 45.

[22] X. Ibid.

[23] PV, số 121.

[24] PV, các số 121, 114; GLCG, số 1158.

[25] X. PV, các số 7, 26f, 28-29, 42; Lumen Gentium, số 10; Bộ Lễ Nghi, Musicam Sacram/Instructio de Musica in Sacra Liturgia (05/03/1967), số 5; Thánh Bộ Lễ Nghi, Eucharisticum mysterium (25/05/1967), số 26; Bộ Giáo Luật, 835- 836, 837§1; GLCG, các số 899, 1140-1144; QCSL, số 91; Đức Gioan Phaolô II, Dies Domini (31/05/1998), các số 35-36.

[26] X. Kenan B. Osborne, ofm, Community, Eucharist, and Spirituality (Liguori Press, 2007), 98.

[27] Sacramentum caritatis, số 63.

[28] X. PV các số 28-29, 48, 53; GLCG, số 1547; QCSL, các số 5, 91, 294.

[29] X. PV, số 14.

[30] X. PV, các số 15-19; Sacramentum caritatis, số 64.

[31] Sacramentum caritatis, số 55; GLCG, số 1072.

[32] X. QCSL, số 42.

[33] J. Ratzinger, Spirit of the Liturgy (San Francisco: Ignatius Press, 2000), 171.

[34] QCSL, số 29.

[35] X. PV số 55; QCSL, các số 13, 85; Marie-Noelle Thabut, “Les membres de l' assemblée”, trong Dans vos assemblées, vol. II, ed. Joseph Gelineau, (Desclée, 1989), 332.

[36] X. QCSL, số 69.

[37] X. QCSL, các số 35-37

[38] X. QCSL, số 45.

[39] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Christifideles Laici (30/12/1988), số 46.

[40] Sacramentum caritatis, số 54.

[41] X. QCSL, số 93; Jorge A. Cardinal Medina Estévez, “Commentary on the Instruction Redemptionis Sacramentum: Participating in the Sacred Liturgy”, trong Cardinal Reflections: Active Participation and the Liturgy (Chicago/ Illinois: HillenbrandBooks, 2005), 32-33.

[42] X. PV, số 11; QCSL, các số 18, 20; Huấn Thị Bí Tích Cứu Độ (=BTCĐ), số 39.

[43] Kevin W. Irwin, Responses to 100 Questions on the Mass (NJ: Paulist Press, 1999), 34.

[44] X. Marie-Noelle Thabut, “Les membres de l' assemblée”, trong Dans vos assemblées, vol. II, ed. J. Gelineau, 325; R. Gabriel Pivarnik, OP, Toward a Trinitarian Theology of Liturgical Participation (MN, Collegeville: Liturgical Press/ A Pueblo Book, 2012), 104.

[45] X. Bộ Phụng Tự, Huấn Thị về Thánh lễ Thiếu Nhi (01/11/1973), các số 14, 22, 42, 46, 48...

[46] X. National Association of Pastoral Musicians, “Come and See... and Hear... and Sing”, từ https://npm.org/bulletin-inserts/.

[47] X. PV, các số 28-29.

[48] J. Gelineau, ed., Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ, tập II, 63; Thomas N. Tomaszek, “From Age to Age: The Challenge of Worship with Adolescents”, trong The Song of the Assembly, eds. Bari Colombari & Prendergast (Portland: Pastoral Press, 2007), 64.

[49] X. Thomas N. Tomaszek, “From Age to Age: The Challenge of Worship with Adolescents”, 63-65.

[50] QCSL, số 69.

[51] X. PV, các số 112, 1, 14, 30; Musicam Sacram, số 15, ủy Ban Thánh Nhạc,

Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc (= MVTN), số 27 (04/2017); J. Gelineau, ed., Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ, tập II, 35.

[52] X. “Âm Nhạc trong Phụng Vụ Kitô giáo”, trong La Maison Dieu, 145 (1981), dg. Anrê Đỗ xuân Quế, OP, < http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/37158.htm>.

[53] X. Michel Veuthey, “Cử Hành Với Lời Ca Và Âm Nhạc”, trong Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ, tập I, ed. J. Gelineau, dg. Trần Thái Đỉnh (Nxb. Đồng Nai, 1992), 371.

[54] Tra Le Sollecitudini, các số 27, 28; PV, số 113; Musicam Sacram, các số 5. 16.

[55] X. Thomas N. Tomaszek, “From Age to Age: The Challenge of Worship with Adolescents”, 63-65.

[56] X. PV, số 112.

[57] X. “Giới trẻ và sự tĩnh lặng”, trong <https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/gioi-tre-va-su-tinh-lang-26119 > (10/08/2011).

[58] X. Marc Donzé, Tư tưởng thần học của Maurice Zundel, dg. Nguyễn Thị Chung (Nxb Tôn Giáo, 2004), 609.

[59] MVTN, số 86.

[60] Trước câu hỏi: Suy niệm trong thinh lặng sau bài giảng có thích đáng không và trong lúc thinh lặng có thể dạo đàn phong cầm cách nhẹ nhàng không? (Estne opportunum post homiliam in silentio meditari? Potestne organum leviter edi dum hoc silentium servatur?) thi đây là câu trả lời trong Notitiae 9 (1973), 192: Thinh lặng sau bài giảng là thích đáng (Est valde opportunum) và có thể dạo đàn phong cầm cách thực sự êm nhẹ nhàng để không làm người ta chia trí nhưng giúp họ cầm trí suy niệm (Potest, dummodo vere leviter fiat et a meditatione non distrahat, sed illi faveat).

[61] X. PV, số 30; QCSL, các số 45, 43, 51, 54-56, 66, 84, 127-128, 130, 136, 164-165.

[62] X. M. Peggy Lovrie, “BeforeAll Else: Full, Conscious, andActive Participation”, trong Pastoral Music (December-January 2008), 22-26.

[63] Anrê Đỗ Xuân Quế, OP, “Ca Hát Trong Thánh Lễ”, VietCatholic News (Thứ Bảy 24/4/2004), https://www.calendi.com/thanhnhac/topic.asp?TOPIC_ID=784.

[64] Lucien Deiss, Visions of Liturgy and Music for a New Century, trans. Jane M. A. Burton (Minnesota, Collegeville: The Liturgical Press, 1966), 10.

[65] Dietrich Bonhoeffer, Life Together, trans. John W. Doberstein (New York: Harper, 1954), 61.

[66] X. Michel Veuthey, “Cử Hành Với Lời Ca Và Âm Nhạc”, trong Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ, tập I, ed. J. Gelineau, 358.

[67] X. Lucien Deiss, Visions of Liturgy and Music for a New Century, 39.

[68] X. Đỗ Vy Hạ, “Ca Đoàn, Một Nhân Tố Sống Động Của Cộng Đồng Dân Chúa”, <http://dovyha.com/chiase01.shtml> (2001).

[69] Musicam Sacram, các số 16, 19, 42.

[70] MVTN, số 31.

[71] X. MVTN, số 35; QCSL, số 111; Văn Duy Tùng, “Thánh Ca Trong Phụng Vụ”, <http://www.vietcatholicnews.org/News/Html/107765.htm > (14/05/2013).

[72] X. MVTN, số 36.

[73] X. Văn Duy Tùng, “Thánh Ca Trong Phụng Vụ”, < http://www.vietcatholicnews.org/News/Html/107765.htm > (14/05/2013).

[74] X. Ibid.

[75] Musicam Sacram, số 19; Đức Piô X, De Musica Sacra et Sacra Liturgia (03/09/1958), số 99

[76] Musicam Sacram, số 21

[77] PV, số 114, Tra Le Sollecitudini, số 27; Musicae Sacrae, số 73.

[78] Tra Le Sollecitudini, số 14; De Musica Sacra et Sacra Liturgia, số 97-98.

[79] Musicae Sacrae, các số 38, 39.

[80] QCSL, số 03; x. Musicam Sacram, số 19.

[81] De Musica Sacra et Sacra Liturgia, số 98. Musicae Sacrae, số 24; Tra Le Sollecitudini, số 28.

[82] Musicam Sacram, số 9.

[83] Tra Le Sollecitudini, số 22

[84] QCSL, các số 40, 132, 147, 151; MVTN, các số 98-106.

[85] MVTN, số 72.

[86] ĐGH Gioan Phaolô II, Thủ Bút Mừng Kỷ Niệm Bách Chu Niên Tự sắc Tra Le Sollecitudini (22-11-2003), số 8.

[87] x. Uỷ ban Thánh Nhạc - HĐGMVN, “Thông Cáo 2/94”, số 3b; ĐGH Gioan Phaolô II, Thủ Bút Mừng Kỷ Niệm Bách Chu Niên Tự sắc Tra Le Sollecitudini (22-11-2003), số 4; Đỗ Xuân Quế, OP, “Về việc đàn hát trong phụng vụ”, <https://gxdaminh.net/ve-viec-dan-hat-trong-phung-vu/> (16/11/2011); TGM. Giuse Nguyễn Năng, “Ca đoàn phải giữ sự linh thánh trong các buổi phụng vụ”, <http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/ca-doan-phai-giu-su-linh-thanh- trong-cac-buoi-phung-vu_a12065> (28.11.2020).

[88] X. Lucien Deiss, Visions of Liturgy and Music for a New Century, 40.

[89] La Maison Dieu, n° 131 (Editions du cerf, 1977).

[90] Musicam Sacram, các số 62-67, 70.

[91] PV, số 120; Tra Le Sollecitudini, số 15; Musicae Sacrae, số 58; Musicam

Sacram, số 5; MVTN, số 45.

[92] Musicam Sacram, số 64.

[93] PV, số 120. Tra Le Sollecitudini, số 15.

[94] Tra Le Sollecitudini, số 16; Musicam Sacram, số 64; MVTN, số 44.

[95] Tra Le Sollecitudini, số 17

[96] De Musica Sacra et Sacra Liturgia, số 60.

[97] MVTN, số 46.

[98] MVTN, số 47.

[99] X. ủy ban Thánh Nhạc- HĐGMVN, “Thông cáo 01/94”, số II.4.

[100] Đỗ Xuân Quế, OP, “Về Việc Đàn Hát Trong Phụng Vụ”, < https://gxdaminh.net/ve-viec-dan-hat-trong-phung-vu/ > (16/11/2011).

[101] X. ủy ban Thánh Nhạc - HđgMvN, “Thông cáo 01/94”.

[102] Đỗ Xuân Quế, OP, “Về Việc Đàn Hát Trong Phụng Vụ”, < https://gxdaminh.net/ve-viec-dan-hat-trong-phung-vu/ > (16/11/2011)

[103] De Musica Sacra et Sacra Liturgia, số 21.

[104] Tra Le Sollecitudini, số 9.

[105] X. Liturgicae instaurationes (5 septembris 1970), n. 2/b, AAS 62 (1970), 696; QCSL, các số 31, 48.

[106] X. PV, số 112; Musicam Sacram, các số 5, 11; Tra Le Sollecitudini, số 1; Anrê Đỗ xuân Quế, OP, “Ca Hát Trong Thánh Lễ”, VietCatholic News (24/4/2004), < https://www.calendi.com/thanhnhac/topic.asp?TOPIC_ID=784 >

[107] MVTN, các số 116-125.

[108] X. De Musica Sacra et Sacra Liturgia, các số 50-51; MVTN, các số 120-122.

[109] PV, các số 121, 114.

[110] X. Lucien Deiss, Visions of Liturgy and Music for a New Century, 159.

[111] MVTN, số 28.

[112] X. Đỗ Vy Hạ, “Nói Với Các Bạn Tôi Về Chuyện Dài Bộ Lễ” < http://dovyha.com/chiase03.shtml > (2003).

[113] X. Đỗ Vy Hạ, “Nói Với Các Bạn Tôi Về Nhạc Vào Đời” < http://dovyha.com/chiase02.shtml > (09/11/2003).

[114] X. “Giới trẻ và cầu nguyện ở Taizé”, < https://www.taize.fr/vi_article5171.html > (27/09/2007).

[115] Lucien Deiss, Visions of Liturgy and Music for a New Century, 157.

[116] ĐGH Gioan Phaolô II, Thủ Bút Mừng Kỷ Niệm Bách Chu Niên Tự sắc Tra Le Sollecitudini (22-11-2003), số 3.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây