LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI? I
(Kỳ 8)
Hôm chia tay với Huỳnh, trên đường về, cha Lành tiện thể ghé thăm một người giáo dân bịnh mới vô nhà thương. Mỗi lần thăm bệnh viện, câu chuyện thực tập ngành tuyên úy bệnh viện lại như cuốn phim diễn qua tâm trí ngài. Kỳ hè sau năm thứ hai thần học ngài tham dự khóa CPE (clinical pastoral education) tại nhà thương Southern Baptist Hospital, New Orleans, LA. Đêm ấy ngài trực phải ngủ lại nơi phòng dành riêng cho tuyên úy. Chẳng may số bệnh nhân tăng lên quá đông làm những phòng chưa được thăm viếng do các tuyên úy khác để lại hơi nhiều, hơn 20 phòng. Sau cơm tối, ngài phải đi thăm cho hết nên về tới phòng ngủ đã hơn 10 giờ khuya. Tắm rửa, thay đồ, đọc kinh, viết “verbatim”, chuẩn bị lên giường thì đã nửa đêm tự lúc nào. Bốc điện thoại gọi cho “operator” yêu cầu liên lạc với ngài bằng điện thoại nếu có chuyện cần kíp xảy ra thay vì phát làn sóng đặc biệt tới chiếc “bipper” bởi chiếc bipper đôi khi bắt trùng làn sóng khác đã làm ngài mất ngủ lần trực trước.
Ai đã trực mà không sợ chiếc bipper. Mỗi khi nó kêu lên là tim muốn nhảy khỏi lồng ngực nhất là bipper tuyên úy... Hơn nữa, khí giới độc nhất của tuyên úy chỉ là sự hiện diện của mình và cái miệng mà đa số thì trong những lúc cần kíp, khi mọi sự rối um lên, cái miệng cũng bị líu lưỡi không chịu làm việc hoặc có muốn làm việc cũng không được để rồi tuyên úy chỉ biết đứng đực ra đấy, chơ vơ như câm giữa những người khóc lóc có khi gào thét vì quá thương xót người thân gặp chuyện cấp cứu. Điều làm cho thày Lành ngày ấy khó đối xử là sự khác biệt văn hóa; lại nữa đôi khi đành phải bắt chước gượng gạo kiểu cách diễn xuất cảm thông; - gặp lúc người ta đang đau khổ, khóc lóc, đâu thèm nghe chi; hơn nữa, những người lớn khóc cũng khó nên sự khóc trở thành những tiếng nấc nghẹn dễ đem đến phản ứng nguy hiểm cho cơ thể của những người áp huyết cao hay yếu tim v.v... - thế nên động tác cảm thông không còn phải là cái miệng mà theo như thói quen người Mỹ, ôm họ, vỗ nhè nhẹ nơi vai đấu dịu. Được lớn lên trong nền phong hóa Việt Nam khiến thày Lành cảm thấy ngại ngùng khi phải đụng chạm đến đàn bà con gái, nhưng trong thế đứng tuyên úy ấy, thày đành chấp nhận gượng gạo làm theo... Đúng là chuyện cảm thông cười ra nước mắt và ngây ngô vì khác lối diễn xuất... Không học theo thì đứng đực ra đấy như trời trồng, ngơ ngơ ngáo ngáo chẳng khác gì mới rớt từ hành tinh khác xuống, mà học theo lại càng ngây ngô hơn, giống cái robot thi hành động tác...
Tắt chiếc bipper đoạn trèo lên giường kéo tấm trải mỏng đắp tới ngực định tận hưởng vài phút mát lạnh của hệ thống điều hòa không khí trước khi rơi vào giấc ngủ, điện thoại bỗng reo vang làm thày Lành giật nảy người, choàng choáng chồm dậy chụp ống nghe...
- Tuyên úy trực!
- Bà già nơi phòng số 423 đang khóc không ai có thể khuyên giải được; tuyên úy đến ngay cho...
- Vâng, tôi tới ngay.
Bận quần áo, thắt cà vạt trong những lúc vội cứ rối cuống lên như “bố vợ bị đấm”. Nào là chưa bỏ áo trong quần đã thắt dây lưng đành phải tháo ra thắt lại hoặc nhét chỗ nọ, nhét chỗ kia cho áo gọn theo nề nếp; nào là mặc áo trái; nào chưa mang vớ đã vội xỏ chân vô giày hoặc đôi khi còn tệ hơn, giày vớ đóng bộ đầy đủ đến lúc cầm đến chiếc áo khoác mới chưng hửng vì chưa mặc quần dài. Cà vạt nếu lười một chút, lúc tháo ra chỉ kéo rộng cổ chui qua treo lên mắc thì còn đỡ nhưng nếu vì xót xa lỡ nó bị nhăn mà lúc vội quấn qua quấn lại xỏ tới xỏ lui cứ lộn tùng phèo như rợ vô rừng là chuyện bình thường. Quần áo đã thế, đầu tóc thường thì quên chải; vội mà, lúc đã rối lên thì còn tâm trí đâu mà nhớ phải chăm sóc “sắc đẹp” trước gương nơi phòng tắm; thế là đang đi trên đường mới sực nhớ để rồi hai tay vuốt lấy vuốt để. Hôm nào may mắn chịu khó chờ tóc khô hẳn trước khi nằm dài ra ngủ còn đỡ; tắm xong, lau sơ bộ tóc rồi vội trèo lên giường khiến tóc trở thành những hàng chông quen nếp nổi loạn thì có vuốt mấy cũng trở thành bơ phờ... “quái thai tuyên úy”.
Những hành lang thinh lặng dật dờ; đây đó các trạm y tá đầy vẻ hiền lành nhân ái của tình người dễ thương - nhưng không kém phần chuẩn bị cho những cơn sôi động bất ngờ trong trường hợp khẩn cấp - trên đường tới phòng 423 như thông cảm phần nào nỗi lòng xao xuyến của người tuyên úy trẻ thực tập nơi nhà thương. Biết nói sao bây giờ! Thái độ phải thế nào đối với bà già đang khóc! Xưa nay, nay xưa, thày Lành rất sợ người nào khóc. Những thăng trầm nơi cuộc sống đã qua tạo nơi tâm hồn thày “sinh chất” chai đá, chịu đựng trong những trường hợp nguy hiểm cần điềm tĩnh, vững tâm. Thế nhưng tính chất chai đá sân si này luôn luôn gục ngã trước bậc thềm nức nở. Gặp ai khóc, thày cảm thấy cuống lên, dù chỉ là mấy đứa trẻ. Nhiều lần thày tự hỏi không hiểu sao các bậc cha mẹ có thể điềm tĩnh, thản nhiên khi con cái họ chành chọe chọc nhau rồi lăn đùng ra la hét. Thày cảm thấy thán phục họ; phục họ vì giữa cảnh hỗn độn rối loạn của những tiếng la hét như muốn đứt hơi phát ra từ những buồng phổi tí hon xuyên qua cửa miệng ngọt ngào nơi nét mặt thơ ngây ấy đã như cấu nát, xé tan cõi lòng vậy mà họ có thể thản nhiên giải quyết... Nhiều lần cảm thấy thương mẹ quá đỗi, thương muốn khóc mà khóc không được, nói thương mẹ cũng không nổi trong cái phong hóa người Việt thời gian ấy, thày Lành chỉ biết ngậm tăm cố đè nén tâm tư sôi động. Mỗi khi mẹ gặp chuyện gì ưu phiền, những tiếng thở dài hoặc đôi lời tâm sự của mẹ đã khiến thày Lành tan nát cõi lòng... không biết tính sao... Thế mà giờ đây phải đối diện với bà già đang khóc...
Kinh nghiệm nơi ngành tuyên úy dạy rằng những dự đoán về tâm trạng và vị thế bệnh nhân chỉ được nhận xét tổng quát nơi mấy giây đầu tiên khi người tuyên úy vừa bước vào cửa phòng bệnh. Mặc dầu nhà thương có khi lên tới vài trăm giường, nhưng không phòng nào giống phòng nào vì không bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào và cũng không nên dự đoán bất cứ gì trước khi bước vào phòng bệnh. Thái độ, nét mặt của người tuyên úy cũng phải được kịp thời phù hợp tùy theo sự nhận xét nơi mấy giây đầu tiên ấy. Hơn nữa, vấn đề quan trọng nhất lại là mấy câu mở đầu, giọng nói, âm thanh sao cho hòa hợp với thái độ của mình đồng thời tỏ ra hiểu biết và thông cảm được tâm trạng bệnh nhân... Đó là những bệnh nhân trong trường hợp bình thường.
Đàng này, thày Lành không thăm viếng người bệnh mà là người khóc. Chỉ Chúa biết được bà ta khóc vì lý do gì; điều gì đã là nguyên nhân khiến cho một bà già khóc. Tủi thân vì không ai thăm viếng, vì cô độc chẳng thân nhân, vì đau đớn thân xác, hoặc vì nghèo túng gặp cơn hoạn nạn không nơi nương tựa... lý do... lý do... không ai hiểu được! Y tá đã quen việc mà không sao có thể giúp bà ta ngưng khóc; bác sĩ chuyên môn bó tay thì với cái lưỡi cứng đơ trong cái miệng ngọng ngoẹo tiếng Mỹ nào có thể hy vọng gì! Muốn mở miệng còn chưa nổi nói gì tới làm sao có thể khuyên giải bà ngưng khóc.
Chân tay thày Lành trở nên nặng nề không muốn bước; tâm tư bấn loạn vì không biết tính sao. Lòng thày chùng xuống, chùng xuống khiến đôi vai bị kéo theo và cái đầu nặng nề đè cong cần cổ cúi gầm lầm lũi cầu mong sao đi hoài không tới. Số phòng tăng dần dọc theo hành lang tới cầu thang rồi những nấc thang nối tiếp chồng lên cao... lầu hai, lầu ba, chưa chi đã tới lầu bốn. Trạm y tá chình ình trước mặt khi thày vừa bước qua cửa cầu thang; nó cũng mang không khí thinh lặng, thinh lặng đến nặng nề. Hai y tá trực trầm ngâm trước dãy màn ảnh ti vi thay đổi hình ảnh quan sát từng phòng.
- Chào quí vị, có phải lầu bốn gọi tuyên úy trực cho phòng 423?
- Vâng. Có một bà già khóc hoài không ai biết cách nào giúp bà ta...
- Quí vị có biết tại sao bà ta khóc không?
- Bà ta không chịu nói với bất cứ ai, chỉ xụt xùi khóc. Ai hỏi cũng không trả lời.
- Bà cỡ bao nhiêu tuổi?
- Chừng gần tám chục...
- Có ai ở đó với bà ta không?
- Chồng bà bị mổ để thay pin trợ tim; bà tới giúp ông ta.
- Xin cảm ơn...
“Chúa ơi! Mọi người Mỹ chấp nhận thua cuộc mà con chỉ có thể nói tiếng Mỹ ngọng trếu ngọng tráo lại khác tâm lý, phong hóa; họ đã không thể hiểu thì con càng mù tịt!” Thày Lành thầm nghĩ! Chưa là linh mục đã gặp cảnh trớ trêu như thế này thì khi làm linh mục có muốn trốn thoát cũng không được! Thôi cũng không sao, cứ tới cho qua, mọi người chịu thua thì mình không làm chi được cũng chẳng có gì lạ... Không trốn thoát nổi đành chấp nhận đối diện chứ biết sao hơn... Thày Lành tự kiếm lý do an ủi chính mình để rồi thầm thĩ cầu nguyện vớt vát: “Chúa ơi, mở dùm cái miệng ngọng này ra nói trếu tráo vài câu xin hai chữ an bình sớm sớm còn đi ngủ...”
Vừa được vài bước đã tới phòng 423; bỗng chân thày Lành chùn lại không muốn bước tới gần ngưỡng cửa bởi sợ phải phỏng đoán trong khi đầu óc xáo trộn do bận rộn e ngại. Thế nhưng ngừng cũng chẳng được nữa; hai nàng y tá đang theo dõi người tuyên úy non choẹt miệng ngọng này... và rồi sững sờ ập tới...
Căn phòng trống trơn không một bình hoa hay cánh thiệp. Sát khung cửa kiếng chạy dài bên kia, hai chiếc ghế salon đâu lại. Một mớ mền gối xếp ngay ngắn nói lên chứng tích có người phụ giúp nghỉ đêm. Trên giường bệnh, một cụ già lớn con nằm thiêm thiếp miệng mũi bịt đồ dẫn dưỡng khí giúp cụ thở. Bên cánh phải sát cửa phòng vệ sinh ngay lối vào, bà cụ già tóc trắng xóa vừa xụt xùi vừa cầm bình thủy nước nóng đổ vào ly pha trà...
- Chào bà...
Không có tiếng trả lời trong khi bà cụ vẫn xụt xùi và tiếp tục rót nước, không quay lại, coi như không nghe và không biết có sự hiệu hữu của người ngọng mới tới... Thế là thày Lành đớ ra, đứng ngơ ngơ không biết ăn nói sao cho phải. Tiến thoái lưỡng nan, người ta đã không thèm nói thì dĩ nhiên mình đớ ra bởi ngọng miệng không còn biết nói gì... Cỡ 30 giây sau, 30 giây đằng đẵng nặng nề nghẹt thở, thày mới đánh bạo gợi chuyện:
- Ông cụ đỡ chưa và có cảm thấy khỏe hơn không?...
- Ông ấy không nói được vì dụng cụ bơm dưỡng khí nhưng cũng đỡ hơn nhiều.
Mừng hết lớn, thày Lành cảm thấy thế vì cóc đã mở miệng. Nhưng nói sao và nói gì đây! Mới “sửng” vì không được trả lời giờ lại bị sửng vì cóc đã mở miệng. Từ từ, thày Lành nghĩ, chầm chậm rà rà để tìm lý do; thử nói những chuyện trời mưa trời nắng; con chuột có đuôi dài hơn con mèo... ngớ ngẩn xem sao...
- Bà cụ nghỉ đêm tại đây giúp ông cụ.
Hỏi mà thày Lành phát ngượng cho chính mình. Biết rõ rằng bà cụ ngủ đây giúp ông cụ mà còn hỏi; thật là giả đò dấm dớ, cứ làm ngang như tán em khó tính. Trật người rồi thày Lành ơi, thày thầm nghĩ, đào này thiên hạ chịu thua cả nút rồi đó, y tá, bác sĩ nào phải những tay mơ mà còn tán không được phương chi Mít ngọng tán theo giọng bài hát nào của Phạm Duy: “Trên một cành cao có một tổ kiến, có con đi ra lại có con đi vào, ngày hôm nay nắng yêu em biết bao.” Tổ kiến lúc nào chả có con đi ra đi vô mà cũng phải nói lên; trời không nắng thì mưa có gì đâu phải nói lên nắng nên yêu em; vậy mưa thì sao? Thày Lành muốn phì cười với sự so sánh thoáng qua trong óc mình.
- Vâng, cuộc đời nhiều lúc có những cảnh khó thể mang.
Đúng là thánh nhân đãi kẻ khù khờ hoặc không thánh đãi thì cũng may mắn như chó ngáp phải thịt quay! Bà cụ đã chịu nói mà lại nói đúng gút mắc của câu chuyện. Đèn xanh đã bật, thày giả đò vô tình:
- Bà cụ chắc có chuyện gì phiền muộn...
Không hiểu có phải bà cụ càng có tuổi càng thính tai hơn hay cái miệng thày Lành đột nhiên được Thánh Thần cho phép nói tiếng lạ làm bà cụ hiểu rõ ràng để rồi như bị gãi đúng chỗ ngứa xổ một tràng lẫn lộn với tiếng xụt xịt:
- Mấy cái con y tá trẻ chúng nó cứ làm như chúng tôi già rồi không biết gì hết; chúng nghĩ rằng chúng tôi không biết phải lo cho chính mình những chuyện cần thiết mà cứ ra lệnh thế nọ, thế kia... làm cái này, làm cái nọ và phải làm kiểu này chứ không được làm khác ý chúng nó... Chúng nó có nuôi con mới biết lòng cha mẹ khổ cực dường nào và phải vất vả chật vật thế nào mới nuôi được con cái thế mà cứ cho chúng tôi là dốt nát...
À thì ra bà cụ buồn vì mấy chị y tá ăn nói vô tình làm chạm tự ái tuổi già... Nào có lạ gì, quí cụ đã có nhiều thói quen, nhiều kiểu làm riêng của mình có khi từ ba bốn mươi năm trước lại thường cho rằng chỉ có cách ấy mới đúng, mới được, ngoài cách đó ra chẳng còn cách nào hay hơn, tốt hơn. Quí cụ đâu có để ý có nhiều cách khác quí cụ chưa bao giờ thử và cũng không muốn thử dẫu cho những cách đó giản tiện và chẳng những hợp lý, hợp tình mà lại còn kết quả và hợp vệ sinh hơn. Gì chứ điều này thì thày Lành rành sáu câu quá rồi; cần gì phải nói đâu xa, chính ngay bố mẹ thày vẫn thường câu chấp như thế. Ai đời thuở nào đun bếp điện mà má thày nhờ cậy người ta mua cho bằng được cái nồi đất rồi cứ thế đem kho cá và cho rằng kho cá phải bằng nồi đất mới ngon mà lại kho khô nữa mới xót chứ. Có nói ra thì “Tao còn đẻ ra mày” để rồi thày cứ xót dạ vì tiền điện ông bà phải trả trong khi má thày lại cứ than rằng không dám chạy máy lạnh mà tiền điện vẫn tốn nhiều. Có khi thày nói mát: “Cá kho phải đun bằng rơm mới có chất thơm của mùi lúa chín... để rồi má thày ca một câu: “Cha tiên sư bố mày...” Thày còn nhớ câu chuyện do một người bạn kể: “Anh ta hay đến thăm một cặp vợ chồng quen thân, chị ấy nấu thịt kho tộ tuyệt vời, ăn hoài không thấy chán, nhưng có một điều lạ là khi bỏ thịt vào nồi để nấu, mặc dầu chiếc nồi lớn, chị ấy không thèm để nguyên miếng thịt to như thế hoặc cắt thành từng miếng vừa vừa hay nhỏ mà chỉ cắt đôi. Hỏi tại sao cắt đôi thì chị nói má chị ta kho như vậy và cắt đôi thì thịt kho mới ngon. Thắc mắc vì câu trả lời không hợp lý, bạn thày Lành một hôm có dịp gặp má chị ta hỏi lý do tại sao miếng thịt cắt đôi kho tộ mới ngon thì bà trả lời rằng sở dĩ bà cắt đôi miếng thịt vì ngày xưa cái nồi kho tộ của bà hơi nhỏ không để nguyên miếng thịt vào được...” Chắc bà cụ này lại chỉ dùng nồi đất kho cá hoặc cứ chỉ cắt đôi miếng thịt để kho tộ do đó y tá giải thích nên phiền lòng đây mà... Thôi thì chiều lòng để Chúa thử thông cảm với bà xem sao...
- Thưa bà, Chúa ban cho bà thọ như thế chắc bà thừa hiểu; trong cuộc đời, nhiều khi mình cũng giống như Chúa chịu đóng đinh trên cây thập giá, không thể chia sẻ cùng ai và cũng không ai có thể chia sẻ được với mình. Nhưng tôi tin rằng Chúa đã có kinh nghiệm cô đơn ấy Ngài hiểu thấu được lòng bà. Thế nên, tôi nghĩ đây là cơ hội Chúa đang mời gọi bà chia sẻ với Ngài nỗi cô đơn thập tự. Chỉ Ngài hiểu và chỉ Ngài mới có thể cảm thông được tâm tình đơn độc đau khổ này. Do đó, nếu mình dâng lên Chúa nỗi thống khổ tâm tư; tôi nghĩ có ích lợi hơn là cảm thấy phiền hà mấy người trẻ vô tình...
Bà cụ như được nở khúc ruột đang quặn thắt vì gút mắc. Còn gì thơ thới hơn khi được người khác hiểu tâm trạng đau khổ tủi thân của mình (dầu chỉ là cho qua với đôi lời đò đưa). Không để thày Lành có cơ hội cố gắng rặn ra những điều lải nhải, bà cụ hớt ngang:
- Anh nói đúng, chỉ Chúa mới hiểu nổi cảnh đau lòng của tuổi già chúng tôi. Cảm ơn anh đã nói cho tôi biết. Chúa thực sự ở cùng anh vì lời anh nói ra làm tôi thấy mát cả ruột gan...
Không biết bà cụ có thực sự hiểu thày Lành nói gì không chỉ thấy nước mắt bà đổ ra hơi nhiều. Lúc trước, bà chỉ xụt xùi với cặp mắt ráo hoảnh thế mà giờ bà cụ lại khóc thật làm thày cuống lên vừa cảm thấy mình vô tình gặp may mắn, vừa nhớ lại câu chuyện một người bạn kể kỳ học năm thứ nhất nhân tiện khi hai người bàn thảo về lớp thực tập giảng trước công chúng:
Có cha ngoại quốc kia làm phó nơi một xứ Mỹ, sau lễ, một bà cụ đến nói với ngài:
- Thưa cha, cha nói đúng quá. Những lời cha giảng hãy còn văng vẳng bên tai con.
Ngài cảm thấy hãnh diện phần nào vì ít nhất hãy còn có một bà cụ am hiểu những điều ngài nói nên hỏi theo:
- Có lẽ bà cụ cũng đã gặp nhiều kinh nghiệm như thế...?
Ngài chưa kịp nói xong, bà cụ đã cao giọng hơn chút:
- Thưa cha, xin cha nói lớn hơn vì con bị nặng tai.
Bao niềm hãnh diện mới chợt ló dạng đã vội tan theo mây khói nhưng ngài cũng đành phải đổi vội câu hỏi, nói tránh sang chuyện khác...
Còn đang cảm thấy cảnh ngộ nghĩnh so sánh trường hợp mình với câu chuyện oái oăm kia thì bà cụ đã ôm chầm lấy thày Lành, ngậm ngùi nức nở vì được xoa dịu tâm tư... Trong khi thày lại càng đớ ra hơn, ngơ ngơ ngáo ngáo chẳng biết làm sao; tay chân luống cuống để đâu cũng khổ đành vỗ nhè nhẹ lên hai vai bà cụ... Thở hắt ra một hơi dài để hoàn hồn khi bà cụ buông thày ra, mừng thầm vì may mắn bà cụ tin vào Chúa, nếu không, có lẽ hỏng to. Thôi thì cũng nên cảm ơn Chúa vì bà cụ tin vào Ngài và chuyện cũng đã xong. Chào bà cụ, thày Lành vội trở lại phòng tuyên úy hy vọng tìm được giấc ngủ ngon và cầu mong một đêm yên lặng đến với mình...
***
Reng... reng..., tiếng điện thoại như xoáy vào óc khiến thày Lành chồm dậy nửa tỉnh nửa mê nhấc ống nghe đặt vô tai.
- Tuyên úy trực.
Tiếng nói quá nhỏ làm thày cố gắng nghe nên tỉnh hơn chút... Ồ, vội quá do đó đặt ngược ống nghe. Liếc qua chiếc đồng hồ đeo tay trên bàn ngủ, mới 2 giờ sáng! Thời giờ của sự mê mệt thống trị mọi người ngoại trừ họ hàng nhà chuột... Mới ngủ được một tiếng mấy phút... cái đầu nặng chình chịch, và cặp mi cứ muốn dính liền lại với nhau... Xoay lại ống nghe:
- Tôi chưa nghe rõ, làm ơn nói lại được không!
- Có người muốn nói chuyện với tuyên úy; để tôi nối điện thoại...
- Vâng bà làm ơn!
- Đây bà ấy...
- Hello! Tuyên úy trực.
- Tôi muốn nói chuyện với tuyên úy Linda; tuyên úy có biết số phone của bà ta không?
- Không đâu, bà ta ở mãi tận Gulfport, MS, làm ơn gọi lại ngày mai vì bà ta sẽ làm việc tại đây...
- Xin cảm ơn.
- Không có chi.
Bực mình vì chuyện không đâu phá giấc ngủ, hơn nữa nếu những câu hỏi vớ vẩn từ ngoài nhà thương cứ xảy ra như thế này để rồi thức cả đêm lỡ khi cần kíp sao có thể làm việc được. Thày Lành vội gọi lại operator của nhà thương:
- Operator
- Tôi là tuyên úy trực, bà làm ơn từ nay trở đi bất cứ người ngoài nào hỏi về tuyên úy trực ban đêm, xin nói gọi lại ngày mai vì tôi không có bổn phận trực cho họ ban đêm. Tôi chỉ có bổn phận với những bệnh nhân tại nhà thương này mà thôi, xin nhớ cho...
- Vâng, tuyên úy, tôi sẽ ghi note tại bàn operator.
- Cảm ơn nhiều...
Cú điện thoại hỏi vớ vẩn đã làm thày Lành thức mãi tới hơn bốn giờ sáng. Cố dỗ giấc ngủ trở lại nhưng vô ích. Nằm ngửa, xuôi hai tay, hai chân, thở từ từ... rồi nằm nghiêng bên này, nghiêng bên kia cái ngủ vẫn đi đâu chẳng đến... rồi đếm chầm chậm theo nhịp thở, vẫn cứ tỉnh queo tới 4 giờ hai mắt vẫn còn thao láo... và rồi 5 giờ sáng điện thoại reo thêm một lần nữa. Một người đàn ông bị kích ngất, bầu đàn thê tử cháu chắt mười mấy người làm loạn cả lên không để chuyên viên nhà thương cho điện giật cứu tỉnh...
Thày Lành như một cái máy robot, hai tay quờ quạng, chân trần tìm lối vào phòng tắm. Đầu đau như búa bổ bởi thiếu ngủ và cặp mắt không nhướng lên nổi; mắt không nhướng lên nổi nhưng tay chân vẫn phải bò dậy làm việc... Vốc nước lạnh đắp lên mặt mà người thày cứ muốn gục xuống bồn rửa mặt... Nín thở... nín thở cho tỉnh, thày nghĩ, trong khi một tay chận nước hớp vô miệng và tay kia rờ rờ lấy miếng xà bông. 7 phút trôi qua, thày ngất ngây bước ra khỏi cửa như một chiếc máy; mắt vẫn cứ nửa nhắm nửa mở, chỉ nhìn khi cần thiết để khỏi bước chao vô tường hành lang, và chân nam đá chân xiêu xuyên bên nọ xọ bên kia trên đường tới phòng cấp cứu...
o o o
Hai tiếng của buổi sáng học thêm về lý thuyết thực nghiệm tâm lý bệnh nhân trôi qua trong vòng mờ ảo; thày Lành không biết mình ngủ lúc nào, thức lúc nào dầu đã dồn vô bụng hai ly cối cà phê hy vọng chất đắng ngắt ấy thúc đẩy cặp mắt gượng gạo mở lớn hơn. Thế là dù có lý thuyết thực nghiệm thì đối với thày Lành sáng ấy, lời nói của giảng viên cũng chỉ như mây trôi nước chảy, chẳng có thể đọng lại dù chỉ một chút cấn bụi... Hai tiếng tiếp theo thăm bệnh nhân, thày chỉ có nước ngất ngưởng cố gợi chuyện cho bệnh nhân nói, nghe cho qua... và rồi cơm trưa... rồi I.P.R.
Bảy học viên tuyên úy thực tập thêm tuyên úy trưởng là tám ngồi quanh chiếc bàn tròn khá rộng nơi phòng họp gọn gàng khang trang trên lầu hai bệnh viện được đặt trong khu vực điều hành tuyên úy. Có nước đá, có cà phê, bánh ngọt, sữa, kem... Thày Lành lại đóng thêm một ly cối cà phê to tổ bố. Giờ họp sau cơm trưa cả là một cực hình đối với thày vì thói quen ngủ trưa. Đó là những ngày thường; còn hôm nay, bởi đêm ngủ quá ít, người thày nóng như lửa; đây đó cứ như có hàng loạt kim châm trên da thịt khó chịu cùng cực lôi cuốn thày vào giấc ngủ bất cứ lúc nào. Chẳng bù lại đêm vừa rồi... bây giờ, cứ hai phút không cử động là có thể đã thăng thiên...
Để mở đầu cho I.P.R, tuyên úy trưởng luôn luôn mời một trong những tuyên úy thực tập dẫn nhập bằng lời cầu nguyện thay cho cả nhóm... sau đó ông nói tiếp với những chuyện cần phải làm cho xong trong buổi chiều, những ghi chú hay tin tức mới từ văn phòng tuyên úy nhà thương...
- Hôm nay quí vị cảm thấy thế nào? Có vấn đề gì muốn chia sẻ hay đem ra bàn luận không?
Thày Lành hậm hực từ đêm tới giờ, nửa quê, nửa bực. Quê vì cứ ngủ gà ngủ gật làm giảm phong thái của con người tập tành mực thước từ xưa tới nay; bực vì trong người khó chịu bởi thiếu ngủ và không học thêm được gì suốt hai giờ buổi sáng... nên chụp cơ hội phân trần:
- Hôm nay tôi mệt quá sức, không học, không làm gì được hết...
- Khoan, tôi xin cắt lời tuyên úy một chút; - tuyên úy trưởng chen vô - phòng 423 tuyên úy ghé thăm nửa đêm vừa qua và phòng 218 tuyên úy ghé thăm sáng nay gửi hai miếng giấy tới văn phòng tuyên úy cảm ơn vì sự thăm viếng của tuyên úy. Cả hai miếng giấy đều có lời nhận xét rằng Chúa thực sự ở cùng tuyên úy để giúp họ.
Phòng 423 thày Lành nghe từ tối qua nơi cửa miệng bà cụ khóc vì tủi thân với mấy y tá. Phòng 218 thì nào thày có nói gì đâu. Con bệnh quá đa quá độ, thày vừa bước vô chào nó đã vớ lấy chửi nhắng lên, chửi tối tăm mặt mày nhưng vì buồn ngủ không thèm tức, thày đứng tựa vô tường đầu óc tơ lơ mơ để cho nó chửi. Sau một hồi hình như đã cái miệng, con bệnh mới giật mình:
- Tôi nói thế mà ông không tức à?
- Hình như bà có chuyện gì phiền lòng lắm thì phải?
Thế là con bệnh òa lên khóc, kể lể vì thằng chồng “khốn nạn” đã bỏ rơi nên buồn rầu sinh bệnh cả năm mà không có cơ hội nói ra với ai bởi đâu có ai thèm nghe. Dầu đầu óc lơ tơ mơ thày Lành vẫn phải lờ đờ tiến tới, tay ôm vai, tay đập nhè nhẹ trên vai kia dụ cho con bệnh khóc tiếp. Khóc chán, con bệnh cảm ơn, vui vẻ trở lại, xin lỗi, ký tấm check cho năm mươi đồng trả công nghe chửi. Thày nhận bỏ túi và đi thăm phòng khác. Nào có chi đâu mà Chúa với cha...
- Xin cảm ơn tuyên úy trưởng đã nhắc nhở tới. Hôm nay tôi mệt vì cả đêm rồi chỉ ngủ được gần hai tiếng đồng hồ. Tôi yêu cầu tuyên úy trưởng nói cho văn phòng operator của bệnh viện ghi rõ ràng nơi bàn điện thoại rằng không được đánh thức tuyên úy trực ban đêm khi khách hàng bên ngoài nhà thương gọi tới...
Một học viên tuyên úy thực tập cướp lời:
- Tôi quan niệm mình là đại diện của Đức Kitô, mình phải sẵn sàng giúp tất cả mọi người bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu...
Thày Lành tỉnh hẳn:
- Anh nói cho chính anh thôi vì chỉ anh mới có thể giúp tất cả mọi người bất cứ lúc nào và nơi nào. Riêng tôi, tôi chỉ là một con người, tôi không thể giúp tất cả mọi người bất cứ lúc nào bởi tôi phải giúp tôi trước. Nếu tôi không bình thường, theo tôi nghĩ, tôi chỉ làm hại người ta thay vì giúp. Hơn nữa, ban đêm tôi chỉ có bổn phận đối với các bệnh nhân nơi nhà thương này mà thôi; tôi không có bổn phận với bất cứ ai ở ngoài nhà thương. Lý do tôi nhận thấy không thể giúp người ngoài nhà thương vì mình phải để dành sức lực lỡ khi có chuyện khẩn cấp xảy ra ở đây. Đêm qua, hơn 12 giờ khuya tôi phải đi thăm một bà cụ khóc, hai giờ sáng một người ngoài gọi điện thoại hỏi số phone của tuyên úy Linda; operator đã đánh thức tôi khiến hơn 4 giờ sáng tôi mới có thể ngủ lại được. Thế rồi 5 giờ sáng một vụ kích ngất cấp cứu xảy ra; tôi đã không còn năng lực đủ để trấn an thân nhân bệnh nhân mười mấy người cho phòng cấp cứu giật điện cứu tỉnh bệnh nhân. Hai giờ lý thuyết thực nghiệm sáng nay tôi đã chẳng học được gì; phòng số 218 chửi tôi như tát nước nhưng vì mệt quá lại nửa thức nửa tỉnh tôi đứng im đó cho bà ta chửi, và bây giờ, tôi rã rời, không thể làm được chuyện gì nữa...
Đến đây, tuyên úy trưởng mới chen vô:
- Tuyên úy Lành nói đúng. Chúng ta không thể giúp mọi người bất cứ lúc nào mà chỉ có thể giúp họ trong trách nhiệm và bổn phận của chúng ta được giới hạn nơi lãnh vực và thời điểm nào đó. Hơn nữa, mỗi sự việc cần một khả năng chuyên môn, và không ai có thể biết hết mọi sự. Do đó chúng ta cần ý thức rõ lại khả năng của chúng ta chuyên môn ở điểm nào và có thể giúp người khác trong lãnh vực nào; nếu không thế, chúng ta chỉ làm hại người khác và coi chừng, quí vị làm cả đời cũng không thể trả đủ cho những sự kiện tụng vì giúp người khác một cách thiếu ý thức ngoài khả năng chuyên môn... Nếu có gì, gửi họ tới những nhà chuyên môn gần nơi họ ở...
o o o
Thăm bệnh nhân hoặc giúp người cần ý kiến khuyên giải cả là một vấn đề không dễ chi. Người ta có những đau khổ khó được thông cảm mà mình nói thế nào để họ cảm thấy được thông cảm, được chia sớt nỗi lòng hoặc chia bớt nỗi thống khổ đang đè nặng tâm tư. Đồng ý rằng sự thăm hỏi phần nào giúp người bệnh hoặc những người trong cơn bối rối cảm thấy ấm lòng hơn, được tăng sức chịu đựng hơn nhưng thăm hỏi mục vụ không đơn giản như thăm hỏi bạn bè.
Hai tuần trước khi mãn khóa thực tập tuyên úy bệnh viện, tuyên úy trưởng mang ra ba bài “verbatim” của các tuyên úy thực tập cho mọi người nhận xét... Sau khi phân tích những lời đối đáp của bệnh nhân với các tuyên úy thực tập, tuyên úy trưởng khen:
- Chúng ta thấy, nói chung, những câu đối đáp thăm hỏi mang đầy đủ khía cạnh tâm lý, chia sẻ tâm tình, cảm thông, và khuyến khích người khác nhận diện và chấp nhận thực tại để đi đến quyết định cá nhân giúp con bệnh phấn khởi hơn... Có một điều... thường thì chúng ta hay quên... Trong cả ba bài verbatim của quí vị mà tôi vô tình lấy ra không có ý lựa chọn, không thấy Chúa ở đâu hết!
Mọi người ngỡ ngàng; tuyên úy trưởng đã đưa ra vấn đề then chốt mà không ai để ý từ bao lâu nay... Thày Lành buột miệng:
- Tuyên úy trưởng đưa ra vấn đề trọng yếu không ngờ, nhưng tại sao không nói cho chúng tôi biết ngay từ đầu khóa học. Đến bây giờ, chỉ còn hai tuần nữa là hết; có phải chúng tôi đã lỡ biết bao cơ hội rồi không!
- Nếu tôi có nói ngay từ đầu khóa thì quí vị cũng không thể nhận ra vì chưa có kinh nghiệm. Còn hai tuần nữa để thực tập với sự nhận thức đầy đủ rõ ràng mang lại quá đủ ích lợi cho quí vị. Hơn nữa, đây là thời gian chúng ta thực tập học hỏi mà thôi; quí vị còn cả một cuộc đời để giúp người khác mà. Đừng tiếc xót 9 tuần mà làm ơn nhớ lại giây phút này để mang lại lợi ích nhiều hơn cho dân Chúa sau này. Quí vị nhớ cho, chỉ có Chúa mới có thể đem lại niềm hy vọng cho người ta và chỉ tin vào Chúa người ta mới có thể có thêm năng lực và hy vọng để chịu đựng...
Học là thế nhưng kinh nghiệm đâu đơn giản như thế. Bao nhiêu lần cha Lành đã chẳng biết nói sao với bệnh nhân, với những người mang nỗi thống khổ cần gặp ngài. Gặp những người chấp nhận cuộc đời, chấp nhận sự việc xảy đến ngoài ý mình thì nào cần nói chi. Có những người không muốn hoặc không thể chấp nhận mà than trách Chúa, than trách cuộc đời, lại còn rủa chính mình... coi như mình bị Chúa phạt... Nào biết nói ra sao!
***
- Chào cụ, cụ cảm thấy thế nào? Có đỡ hơn không?
- Thưa cha, chẳng thấy gì mà ngày nào nó cũng lấy một xi lanh máu, con sợ quá.
- Có lẽ họ chưa kiếm ra nguyên nhân của bệnh nên cần thử máu; cụ năm nay Chúa ban cho thọ bao nhiêu rồi?
- Con 73 tháng 6 vừa qua.
- Cụ được tất cả mấy người con và có ai ở với cụ không?
- Cảm ơn cha, con được ba cháu mà không có ai ở đây hết!
- Thế cụ có người quen họ hàng ở gần đây không?
- Không cha ơi, cuộc đời con khổ và cô đơn quá; chẳng hiểu Chúa phạt con về tội lỗi gì.
- Không có đâu, nói Chúa phạt có lẽ oan cho Ngài. Cụ có con cái may ra cụ sẽ cảm thấy dễ hơn tôi về tình thương của cha mẹ đối với con cái. Như thế, giả sử Chúa thương mình chỉ bằng một phần tư mình thương con, không thể nào gọi là Chúa phạt được! Chả lẽ Chúa không thương mình bằng mình thương con?
- Chứ thế sao đời con cực khổ quá, giờ này già rồi lại còn cô độc!
- Thật ra, cuộc đời khi vui khi buồn; cũng có lúc vui sướng, hạnh phúc, cũng có lúc khổ cực. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận rằng những đau khổ xảy đến trong cuộc đời mình là cơ hội giúp mình sống tốt lành hơn thì có lẽ nên cảm tạ Chúa nữa. Nói rằng Chúa phạt chỉ là thói quen vì không biết sự khó xảy đến do nguyên nhân nào hoặc mình không để ý tìm hiểu nguyên nhân thôi; chứ thực ra, dùng tiếng Chúa phạt chỉ là một phần nào nói lên sự nhận ra mình là con người yếu hèn, lắm lỗi lầm, đành chấp nhận những đau khổ để đền bù những lỗi lầm của mình. Chúa không khó khăn như mình nghĩ; do đó mình đã chấp nhận chịu những đau khổ xảy đến thì dâng những đau khổ này lên Chúa sẽ làm đẹp lòng Chúa hơn...
- Vâng, vâng, cha nói đúng.
Ông cụ trở mình, ngượng ngạo và nhăn nhó...
- Bác sĩ chưa cho biết chút gì về bịnh tình của cụ sao?
- Con nghe loáng thoáng đâu bị ung thư... Lạy Chúa tôi...
Nỗi đau đớn gây ra bởi chuyển động thân mình hiện rõ trên nét mặt thống khổ cố gắng chịu đựng phát ra tiếng than! Lòng cha Lành chùng xuống... cái bệnh không đường chữa trị này... Con biết nói sao đây với ông cụ để xoa dịu nỗi thống khổ con người... Chúa muốn con nói gì đây! Ngôn từ nào có thể dùng dù chỉ giúp được ông cụ an tâm rằng không phải là Chúa phạt, rằng mình chia sẻ sự thương khó với Chúa. Ngôn từ nào có thể nói lên đây là Thánh Giá ông cụ đang mang hầu đẹp lòng Chúa hơn! Sao những chứng bệnh bất trị này cứ tồn tại nơi thế giới loài người; mà nào có ai muốn chúng đâu! Chúa quyền năng mà, sao không ngưng những loại ung thư lại... Cha Lành cảm thấy mình bất lực; người như không còn sinh khí. Miệng ngọng, tay chân thừa thãi, đứng nhìn ông cụ mà lòng xót thương. Chúa ơi, con phải nói gì? Đức tin không cho phép đổ lỗi Chúa mang đến sự khó này vì Chúa đâu muốn mang sự khó đến cho ai! Con phải nói sao cho ông cụ thêm sự tin tưởng, hy vọng vào Chúa để chấp nhận con bệnh chết người không ai muốn này. Con câm rồi, có miệng cũng như câm vì chẳng biết nói sao. Con bất lực trước ngưỡng cửa bệnh tật. Sự chết đang gần kề ông cụ; con phải nói sao? Con phải nói sao!
Nào có phải chỉ khi đối diện với những tai ương, bệnh hoạn không đường chữa trị mới không biết nói gì mà còn nhiều trường hợp khác cha Lành cũng không biết ăn nói thế nào trong khi lòng trào dâng niềm đau xót xa cho thân phận con người trong cảnh khó khăn cuộc đời không phương tránh thoát.
- Xin cha cầu nguyện cho gia đình con...
Người đàn bà, thân hình khắc khổ trong bộ đồ lam lũ hòa nhịp với nước da rám nắng khiến người đối diện nhận ra ngay nét già trước tuổi, moi mãi nơi túi đưa cho cha Lành 5 tờ giấy một đồng được xếp lại vội vàng chưa kịp gọn gàng ngay ngắn...
- Cầu nguyện về chuyện gì?
- Cho tụi con kiếm được công ăn việc làm nuôi con cái. Nhà con nhờ người ta đứng tên tầu để rồi bây giờ gần trả xong nợ nhà băng, nó đem bán luôn lấy tiền. Con còn nợ hơn năm mươi ngàn tiền mặt mượn anh em bà con mà tàu mất, kiếm việc làm không được, chẳng biết sao sinh sống. Nhà lại con đàn con đúm 8 đứa chưa đứa nào đi làm phụ thêm cho cha mẹ được chuyện gì; lo miếng ăn cũng chưa đủ, thật khổ quá cha ơi!
- Thôi cất tiền đi, đem về đong gạo cho các cháu. Tôi sẽ cầu nguyện cho ông bà và gia đình…
Người đàn bà vẫn cố nhét tiền vào tay cha trong khi ông chồng đang chọn mấy loại chỉ vá lưới nói chen vô:
- Cha phải lấy tiền chứ nếu không...
- Ơ, cái ông bà này kỳ cục; vậy cứ không lấy tiền thì cầu nguyện không thiêng à! Được rồi, tôi nhận, nhưng phải đem tiền này về đong gạo cho các cháu ăn.
Cha Lành cầm lấy tiền, vuốt thẳng lại và gấp đôi, quay qua nhét vào túi áo sơ mi người chồng khiến anh ta phải đứng im, nghệt mặt ra tỏ vẻ rưng rưng cảm động. Không hiểu anh cảm động vì cha thông cảm cho hoàn cảnh gia đình anh hay vì nghĩ đến hoàn cảnh gia đình đang gặp lúc túng quẩn lại gặp cảnh khó khăn tai họa này. Sự cảm động của người đàn ông do mấy lời nói nửa diễu nửa an ủi và cử điệu thân tình đối với cặp vợ chồng lâm cảnh khốn khổ khơi dậy nơi lòng cha Lành những hình ảnh và tâm tư ngày cũ, 11 năm về trước...
(còn tiếp)
Lm Lã Mộng Thường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn