TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tất cả đều “nhờ Đức Giê-su Ki-tô…”

Thứ bảy - 26/02/2022 04:27 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1106
“Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em” (x.Lc 6, …42).
Tất cả đều “nhờ Đức Giê-su Ki-tô…”

Chúa Nhật VIII – TN – C

 

Tất cả đều “nhờ Đức Giê-su Ki-tô…”

Không gì khó chịu cho bằng khi phải xỏ chân vào một đôi giày chật. Không gì bực bội cho bằng khi phải tiếp xúc với những kẻ giả nhân giả nghĩa. Và thật nản lòng, khi phải đối diện với loại người “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm.”

 

Miệng lưỡi của những con người này chỉ thốt lên những điều tàn nhẫn, và lòng dạ của họ thật khó mà lường. Ác một điều, những con người này lại ưa thích làm thầy thiên hạ. Những con người này lại ưa thích “sửa lưng” người khác. Những con người này không bao giờ nói: “tôi sai”.


Những con người này, ở thời đại nào, ở xã hội nào, cũng đều có. Vào thời Đức Giê-su còn tại thế, những “ông kẹ” loại này, cũng không ít. Đức Giê-su đã nhiều lần chạm trán với họ. Ngài đã gọi họ là những kẻ đạo đức giả, những kẻ giả hình.


Đối với Đức Giê-su, giả hình hay đạo đức giả là điều tối kỵ. Là môn đệ của Đức Giê-su, phải là người “hiền lành và khiêm nhường”. Sự hiền lành và khiêm nhường đó, phải được biểu lộ qua lối sống, một lối sống nhân bản, và sâu đậm tình người. Lối sống này đã được Đức Giê-su diễn giải tường tận với các môn đệ của mình và đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.


**

Theo Tin Mừng thánh Luca ghi lại, thì: Đức Giê-su đã nói với các môn đệ về một lối sống nhân bản và sâu đậm tình người như sau:


Thứ nhất, Ngài yêu cầu các môn đệ của mình phải có tình yêu thương. Tình yêu thương Ngài truyền dạy, không đơn thuần là tình yêu thương giữa người nam và người nữ, nhưng là “tình bác ái” giữa con người với con người. Nói theo cách nói của Kinh Thánh, đó là “Agape”.

 

Rất “bác ái”, rất nhân bản khi Ngài truyền dạy các môn đệ mình, rằng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”.


Và, không thể nói là không sâu đậm tình người khi Đức Giê-su truyền dạy: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán… đừng lên án… hãy thứ tha”.


Vâng, chỉ mới hai lời truyền dạy, Đức Giê-su đã cho các môn đệ thấy, nhân cách của một người, một người muốn đi theo Ngài phải biết “diệt ngã xả tâm”, phải biết “hạ mình xuống”, không làm khổ người khác.


Phải-hạ-mình-xuống, nếu không… nếu không thì sao, nhỉ! Thưa, “không chịu hạ mình”, người đó sẽ có hành động rất xấc xược. Đây, chúng ta cùng nghe lời Đức Giê-su nói về sự xấc xược của họ: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?”


Với những con người này, Đức Giê-su thẳng thắn trách cứ họ, rằng: “Hỡi kẻ đạo đức giả”. Và sau đó, Ngài đưa ra một lời khuyến cáo, khuyến cáo rằng: “Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em” (x.Lc 6, …42).


***

Lấy-cái-xà-ra-khỏi-mắt-ngươi-trước-đã, khó quá chăng? Thưa, không khó. Không khó bởi “cái xà” so với “cái rác” dễ nhìn thấy hơn. Ấy vậy mà, có mấy ai chịu lấy “cái xà” của mình, trước khi lấy “cái rác trong con mắt người anh em”!


Tại sao lại thế nhỉ! Về điều này, Lm An-tôn Nguyễn Cao Siêu chia sẻ: “Điều khó vẫn là thấy được cái xà trong mắt mình. Lẽ ra tôi phải thấy ngay vì nó quá lộ liễu, ai cũng thấy. Nhưng nó khó thấy, vì tôi không muốn thấy cái xấu của mình. Càng có chức, có quyền, có tuổi tác và kinh nghiệm, càng khó chấp nhận nếp nhăn trên khuôn mặt mình. Giá mà tôi thấy được cái xà nơi mắt tôi, chắc tôi đã không dám đòi lấy hạt bụi nơi mắt kẻ khác, hay nếu có được ai nhờ lấy đi, thì cũng chỉ lấy một cách khiêm hạ, nhẹ nhàng.” (nguồn: internet).


Đúng vậy, trước hết và trên hết, đó là sự khiêm hạ, nhẹ nhàng. Khiêm hạ, nhẹ nhàng trong lời nói. Bởi vì, như lời khuyên của tác giả sách Huấn Ca, thì: “Ăn nói nhẹ nhàng thì tăng thêm bạn hữu, phát biểu dễ thương thì tăng thêm lời thân ái” (x.Hc 6, 5).


Liên quan đến việc “ăn nói”, Lm. Charles E.Miller có lời chia sẻ: “Đó là quà tặng của Thiên Chúa, vì nó hệ tại chân lý là chúng ta được tạo thành theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Nó nâng chúng ta lên hàng con người vượt xa mọi tạo vật khác, và khiến chúng ta thật sự giống Thiên Chúa”.


Mà đúng là vậy, có sinh vật nào Thiên Chúa dựng nên lại “ăn nói” được như chúng ta! Và, đó là lý do ngài Charles E.Miller có thêm lời dặn dò: “Món quà ngôn ngữ (ăn nói) của Thiên Chúa báu trọng đến nỗi chúng ta đừng bao giờ lạm dụng nó”.


Đừng bao giờ lạm dụng nó thì sẽ không bao giờ có chuyện ăn nói xấc xược rằng thì-là-mà “hãy để tôi…” v.v… và v.v… Đừng bao giờ lạm dụng nó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải là người “ăn nói khôn ngoan” (Hc).


Đừng bao giờ lạm dụng nó, chúng ta sẽ có được “kho tàng tốt của lòng mình”. Nói cách khác, đó là kho tàng khiêm hạ, kho tàng hiền lành, kho tàng bao dung, kho tàng nhân hậu.


Đừng bao giờ lạm dụng nó, chúng ta sẽ là một Ki-tô hữu tốt. Và, tất nhiên chúng ta sẽ sinh hoa trái tốt, đúng như lời Đức Giê-su nói: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt”.


Chúng ta cũng đừng quên lời dặn dò của Đức Giê-su: “Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra”. Đừng quên… đừng quên vì lời dặn dò này chính là “cái cân”, cân kho-tàng-tốt-của-lòng-mình.


Vâng, chúng ta hãy cân, cân xem kho-tàng-tốt-của-lòng-mình “nặng và đầy” những gì. “Nặng và đầy” những gì thuộc về thế gian như: tiền bạc, danh vọng, quyền lực! “Nặng và đầy” những thú vui của trần gian như: say sưa chè chén, dâm bôn, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp!


Nếu “nặng và đầy” những thứ nêu trên thì nguy hiểm đấy! Bởi vì, nặng và đầy những thứ này thì, thánh Phao-lô khẳng định: “không được hưởng Nước Trời” (x.Gl 5, 19-21).


Trái lại, nếu “kho tàng tốt của lòng mình” nặng-và-đầy “sự trọn hảo của Thiên Chúa”, Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta chiến thắng, chiến thắng trước những cám dỗ của thế gian, những cám dỗ về một lối sống trụy lạc, sa đọa, ích kỷ, những cám dỗ về một “nền văn hóa sự chết”, một nền văn hóa phá thai, một nền văn hóa hôn nhân đồng tính v.v…

 

Nếu “kho tàng tốt của lòng mình” nặng-và-đầy “sự trọn hảo của Thiên Chúa”, hãy tin Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta sống lối sống nhân bản và sâu đậm tình người, lối sống mà Đức Giê-su đã truyền dạy cho các môn đệ của Ngài, năm xưa.


Vâng, tất cả… tất cả đều “nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây