THIÊN CHÚA ĐÃ YÊU TÔI BẰNG MỐI TÌNH MUÔN THUỞ
Hạt suy tư về tình yêu muôn thuở của Thiên Chúa dành cho mỗi người
…
Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng mối tình muôn thuở. Người muốn chúng ta yêu thương nhau như chính Người đã yêu thương chúng ta, mãnh liệt và vĩnh cửu. Một người yêu trung thành thì không thể chối bỏ tình yêu của mình, không thể chối bỏ người mình đã yêu, dẫu cho người ấy có bội bạc, hững hờ, hay ruồng rẫy. Thậm chí, sự phản bội cũng không thể xóa nhòa được tình yêu thực sự. Chúa Giêsu đã chứng minh điều đó khi yêu thương chúng ta đến cùng.
…
“Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thuở,
nên Ta vẫn dành cho con lòng xót thương.” (Gr 31, 3).
Đó là một trong những câu Kinh Thánh thường vang vọng trong tâm trí tôi từ khi còn là một chú bé giúp lễ. Cho tới bây giờ, khi đã tốt nghiệp Đại Chủng Viện, tôi vẫn chưa thể hiểu hết được chiều sâu của câu Kinh Thánh ấy. Lời khẳng định ấy tuy rất đơn giản, nhưng lại chất chứa cả một chân lý cao vời, khó nắm bắt. Thật vậy, Thiên Chúa vẫn thích cư ngụ trong những gì đơn sơ giản dị hơn là trong những gì phức tạp hoành tráng, gây choáng ngợp người ta (x. 1V 19,11-12). Chính Người là tình yêu muôn thuở của chúng ta.
Tình yêu Thiên Chúa như mật ngọt nuôi tôi sống
Khi bước chân trên hành trình tận hiến, Lời Chúa vẫn luôn là mật ngọt cho tôi ngâm nga, trong những lúc yên ả cũng như khi sóng gió trào dâng. Lời Chúa vẫn đẹp và dịu hiền như tiếng Mẹ ru à ơi với con thơ. Với Thiên Chúa, tôi vẫn luôn là một đứa trẻ, trẻ người non dạ, không biết ăn nói, trẻ vì đức tin còn hời hợt, non yếu. Ngẫm thế nào cho hết tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi và cho nhân loại.
Trong thời Cựu Ước, dân Do Thái đã phản bội Thiên Chúa nhiều lần. Nhưng mỗi lần họ gặp khốn khó và kêu cầu thì Chúa lại thương xót và cứu vớt họ. Vì yêu thương con người sâu thẳm nên Thiên Chúa vẫn luôn chịu đựng, hy vọng và chờ đợi. Người là Đấng “chậm bất bình và rất mực khoan dung.” Tình yêu và lòng thương xót của Người muôn thuở vẫn vậy, miễn là chúng ta cần đến và kêu cầu Người.
Trong thời Tân Ước, Chúa Giêsu đã khẳng định: Ngài yêu thương chúng ta đến cùng (x. Ga 13,1-15). Vậy thì yêu đến cùng là yêu như thế nào? Yêu đến cùng là yêu như Chúa Giêsu đã yêu, yêu từ trong trái tim và tâm hồn yêu ra, chứ không phải chỉ yêu hời hợt ở bên ngoài. Ngài đã yêu chúng ta trước cả khi cho chúng ta thành hình trong dạ mẹ (x. Gr 1,4) và sẽ yêu đến muôn đời, chứ không phải ngày một ngày hai, hoặc chỉ yêu khi chúng ta dễ thương với Ngài (x. Gr 31, 3). Tình yêu đó được ấp ủ từ trong trái tim, trào tràn ra bên ngoài và biến Ngài trở thành người tôi tớ phục vụ anh em, chấp nhận chết cho người khác được sống (x. Mc 10, 35-45). Chúa Giêsu không chỉ dạy chúng ta yêu thương bằng lời nói nhưng còn làm gương mẫu cho chúng ta noi theo (Ga 15, 9-17). Hãy dõi bước theo Ngài.
Thiên Chúa yêu thương và hy vọng nơi những tội nhân
Khi thiết lập Giáo hội, Chúa Giêsu đã đặt một vị ba lần chối Chúa đứng đầu (x. Ga 21, 15-19). Nếu xét theo cái nhìn nhân loại, có lẽ thánh Phêrô không xứng đáng và không đủ tiêu chuẩn làm lãnh đạo. Thế nhưng, Chúa Giêsu không nhìn Phêrô của ngày hôm qua, mà của hiện tại và tương lai, bắt đầu từ hôm nay và hướng về ngày mai. Chính điều đó đã giúp thánh Phêrô lầm lỡ biết khiêm tốn, ăn năn để đứng lên. Nhờ đó, ngài có thể cảm thông được với những lầm lỡ của đoàn chiên mà Chúa Giêsu trao phó cho ngài.
Chúng ta cũng thế, khi lầm đường lạc lối hay phạm tội, Thiên Chúa vẫn luôn mở một cánh cửa để chúng ta có thể đứng lên và làm lại từ đầu. Như thế, Thiên Chúa không nhìn chúng ta với con người của quá khứ, của lầm lỗi, nhưng luôn hướng về tương lai. Người hy vọng sự biến đổi nơi chúng ta, nhờ tình yêu của Người.
Hãy nhìn xem một vị Thiên Chúa đi tìm một “con chiên lạc,” thay vì ở nhà với chín mươi chín “con chiên không lạc” (x. Lc 15,4). Thiên Chúa yêu thương chúng ta là những con chiên lạc một cách rất đặc biệt. Bằng chứng là việc Chúa Giêsu không quản ngại chọn một vị mục tử đã từng lầm lỗi và gửi gắm cho ngài một sứ mạng cao cả hơn: “Phần anh - Phêrô, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững tin” (Lc 22,32).
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô được hỏi: Jorge Bergoglio là ai? Ngài nói: tôi là một tội nhân được kêu gọi! Tôi được gọi, bởi vì tôi đã được Thiên Chúa yêu thương. Tôi được yêu mà không cần điều kiện.[1] Đức Thánh Cha cho chúng ta thấy rằng việc chúng ta được yêu thương không phụ thuộc vào tình trạng của chúng ta tốt lành hay xấu xa, trong trắng hay tội lỗi. Không! Chúng ta được kêu gọi để yêu như Thiên Chúa đã yêu chúng ta, yêu cho đến cùng.
Thương nhau lắm thì cắn nhau đau
Người ta vẫn thường nói thương nhau lắm thì cắn nhau đau. Tại sao lại như thế? Chúng ta biết rằng các mối tương quan khác nhau sẽ tác động đến chúng ta cách khác nhau. Người dưng nước lã hay đối tác làm ăn có thể khiến chúng ta đau về mặt thể xác, tinh thần hay tâm lý… nhưng suy cho cùng, nỗi đau đó khó có thể chạm thấu đến trái tim và tâm hồn chúng ta.
Chỉ những ai chúng ta đặt để trong trái tim và tâm hồn mình thì mới có khả năng làm cho chúng ta đau nơi trái tim và tâm hồn. Chỉ khi dấn thân sâu vào tâm hồn của một ai đó, chúng ta mới khám phá được rất nhiều điều sâu kín của họ, vượt qua cái vẻ bên ngoài của những tương giao hời hợt. Và rồi, khi có một phản lực không tương thích với tình thương của chúng ta, chúng ta sẽ bị tổn thương nặng nề với độ sâu và độ đau tương ứng. Yêu càng nhiều thì khi bị phản bội nỗi đau sẽ càng lớn.
Con người có thể không bao giờ hiểu hết được chính mình hay người khác, dù là người yêu, tri kỷ, hay vợ chồng lâu năm. Chỉ Thiên Chúa mới hiểu rõ từng người trong chúng ta cách cặn kẽ và sâu thẳm nhất, vì chính tay Người đã nắn tạo nên chúng ta, và cũng chính Người trao ban sự sống của Người cho chúng ta. Người yêu chúng ta sâu thẳm.
Như thế, chúng ta đang sống sự sống của Thiên Chúa, sống bởi tình yêu của Thiên Chúa. Thế nhưng, sự thường là khi đã có một cuộc sống khá đầy đủ sung túc, chúng ta dễ dàng bỏ quên Thiên Chúa, mà chỉ cậy dựa vào những gì mình đang có trong tay. Chính lúc ấy, Thiên Chúa phải chịu đau đớn vì Người quá yêu thương chúng ta. Người đã đặt để chúng ta trong trái tim và tâm hồn Người, nhưng chúng ta lại “cắn” Người đau đến chảy máu nơi trái tim.
Thiên Chúa yêu thương chúng ta qua từng hơi thở
Một ví dụ rất đơn giản mà ai cũng có thể hiểu được: đó là không khí mà chúng ta đang hít thở mỗi ngày. Không khí là một quà tặng vô giá của sự sống mà Thiên Chúa đã ban cho từng người trong chúng ta. Mỗi lần hít thở là chúng ta đang hít vào trong mình sự sống của Thiên Chúa, nhưng chúng ta thường không ý thức được điều đó. Bởi thế, chúng ta dễ dàng quên rằng Thiên Chúa vẫn đang thực hiện công trình sáng tạo của Người trên chúng ta, vẫn đang chăm sóc chúng ta từng phút giây.
Mỗi khi bị căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng hay hồi hộp… các nhà chuyên môn vẫn dạy chúng ta hãy hít thở thật sâu, thật chậm, thì tình trạng đó sẽ được cải thiện. Quả thật, chúng ta sẽ được bình an, tự tin và khỏe khoắn hơn. Tại sao lại như thế? Có phải vì các tế bào trong cơ thể được cung cấp thêm Oxy để khỏe mạnh hơn chăng. Về phương diện khoa học thì đúng là như thế. Tuy nhiên, trong đức tin, chúng ta phải biết rằng chính lúc ấy chúng ta đang múc lấy sinh lực sự sống từ chính suối nguồn sự sống mà Thiên Chúa đã ban dồi dào cho chúng ta trong không khí. Quả thật, Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục thổi hơi thở sự sống của Người để nuôi sống chúng ta.
Thiên Chúa chỉ có một đường lối duy nhất là tiếp tục yêu thương
Thiên Chúa luôn có một chỗ rất riêng cho chúng ta trong trái tim của Người. Vì thế, mỗi khi chúng ta chối bỏ Người thì chúng ta đang trực tiếp tạo ra một vết cắt, một nỗi đau trong trái tim yêu thương của Người. Mỗi khi phạm tội là chúng ta đang đóng thêm một chiếc đinh vào chân tay, đâm thêm một mũi gai nhọn vào đầu Chúa Giêsu. Dầu vậy, trái tim ấy vẫn không ngừng đập, không ngừng rướm máu vì yêu thương chúng ta.
Thiên Chúa muốn chúng ta yêu thương nhau như chính Người đã yêu thương chúng ta, mãnh liệt và vĩnh cửu (x. Ga 13, 34-35). Một người yêu trung thành thì không thể chối bỏ tình yêu của mình, không thể chối bỏ người mình đã yêu, dẫu cho người ấy có bội bạc, hững hờ, hay ruồng rẫy… Thậm chí, sự phản bội cũng không thể xóa nhòa được tình yêu thực sự. Chúa Giêsu đã chứng minh điều đó khi yêu thương chúng ta đến cùng (x. Ga 13,1). Có đau là vì có yêu! Có thể chúng ta không công khai chối Chúa hay Đạo Chúa, nhưng chúng ta vẫn hay chối bỏ Người trong cách sống hằng ngày, trong cách nghĩ về Thiên Chúa khi gặp gian truân hoạn nạn. Những lúc ấy, chúng ta đang làm đau Người.
Những định kiến, giả hình, gian dối, hay phản bội của chúng ta không thể mạnh hơn tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Khi bị phản bội, Thiên Chúa không bao giờ viết cho chúng ta một chứng thư ly dị, vì tình yêu của Người thì luôn nhưng không. Người chấp nhận mọi đớn đau, bội bạc, sỉ nhục và ruồng rẫy vì yêu chúng ta. Để đáp lại tất cả những điều tồi tệ mà chúng ta gây ra cho Người, Thiên Chúa chỉ có một đường lối duy nhất mà thôi: đó là tiếp tục yêu thương một cách mạnh mẽ hơn nữa. Lạ thay, tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người trong chúng ta.
Tôi muốn trở nên như Thiên Chúa của tôi. Tôi sẽ tiếp tục yêu thương những người Chúa đã trao ban cho tôi trong cuộc sống lữ hành này. Bằng cách đó, tôi có thể hiểu Người hơn, gần Người hơn và yêu Người hơn. Những người tôi yêu là một phần trong tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho tôi. Khi tôi tiếp tục yêu thương họ là lúc tôi đang trở nên giống như Thiên Chúa, giống như hình ảnh của Người nơi tôi khi dựng nên tôi. Kiến thức Thần học là cần thiết cho tôi, nhưng việc chiêm niệm và sống bằng kinh nghiệm yêu thương trong Thiên Chúa mới thực sự làm đời sống của tôi triển nở. Nói tới đây, người ta có thể thắc mắc: Thiên Chúa yêu thương con người, vậy thì tại sao lại có hỏa ngục?
Thiên Chúa là tình yêu. Tại sao lại có hỏa ngục?
Hỏa ngục không phải là sự thất bại của tình yêu Thiên Chúa, nhưng là một biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu chỉ thất bại khi nó ngừng yêu, tức là phủ nhận chính mình, bỏ lại người mà mình theo đuổi, yêu thương. Thiên Chúa không bao giờ ngừng theo đuổi chúng ta, vì Người yêu chúng ta đến cùng. Thiên Chúa không thể ngừng yêu thương chúng ta, vì Người chính là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16). Người đâu thể phủ nhận chính mình.
Chính các linh hồn bội bạc mới là những kẻ thất bại. Họ thất bại ở chỗ không thể làm cho Thiên Chúa ngừng yêu thương họ, mà trở nên thù ghét, hay thậm chí chỉ là buồn, là giận họ. Không bao giờ! Thiên Chúa vẫn yêu thương họ mãnh liệt và mãi mãi. Chính tình yêu thương của Thiên Chúa đã thiêu đốt tâm hồn họ muôn đời. Khi nhất quyết chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa, họ đã tự tạo ra hỏa ngục cho mình.
Lửa hỏa ngục không phải của ma quỷ. Chúng làm gì có lửa? Lửa hỏa ngục chính Lửa của Thánh Thần – Lửa Tình Yêu. Đối với những linh hồn khăng khăng từ chối Thiên Chúa, thì đó là sự trừng phạt muôn đời, vì Lửa Tình Yêu của Thiên Chúa tồn tại đến muôn đời. Còn với những linh hồn được cứu rỗi thì Lửa ấy là niềm hoan lạc viên mãn trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chúng ta đang sống trong lửa nào vậy? Lửa Tình Yêu hoan lạc hay lửa hỏa ngục u sầu? Điều đó phụ thuộc vào việc chúng ta đang yêu thương và đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa như thế nào.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu con bằng một tình yêu muôn thuở. Vậy mà, bấy bâu nay con nào có biết. Con cứ ngỡ Thiên Chúa ở đâu xa vời lắm. Chúa yêu con qua từng hơi thở, từng nhịp đập con tim. Chúa hóa thân làm người cũng vì yêu con, và rồi, Chúa còn chết đi, để con được sống. Xin Chúa cho con biết trân trọng chính sự sống mà Chúa đã ban cho con và anh chị em con. Xin cho con biết yêu thương mọi người như Chúa đã yêu thương, yêu cho đến cùng. Amen.
Giuse Hạt Bụi Tro
[1] The pope's interview with Antonio Spadaro published in America, a Jesuit magazine based in New York.
https://www.theguardian.com/world/2013/sep/19/pope-francis-highlights-interview-america#:~:text=Pope%20Francis%3A%20'I%20am%20a,'%20%7C%20Pope%20Francis%20%7C%20The%20Guardian
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn