TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Anh em hãy canh thức

Thứ năm - 13/05/2021 23:42 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   806
Anh em hãy canh thức

Chúa Nhật XXXII – TN – A

Anh em hãy canh thức

Đức tin Ki-tô giáo dạy chúng ta rằng: Chúa Giê-su “lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Vâng, đó không phải là niềm tin do tự Giáo Hội đặt ra, nhưng là do chính Đức Giê-su truyền dạy.

Một ngày nọ, Ngài đã nói với các môn đệ rằng: “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (x.Mt 16, 27).

Bao giờ “Con Người sẽ ngự đến?” Và, bao giờ “Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm?”

Vâng, đó là câu hỏi đã làm cho không ít người trăn trở trong suốt hơn hai ngàn năm lịch sử Ki-tô giáo. Qua nhiều thế kỷ, đã có biết bao nhiêu lời “tiên đoán” rằng, hôm nay, ngày mai, tháng tới v.v... Thế nhưng, tất cả những lời tiên đoán đó đều “trật lất”, đều gây cho không ít người nghi nan, ngờ vực, về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Thật ra, ngay từ thời Đức Giê-su còn tại thế. Đúng hơn, sau khi đưa ra lời tuyên phán, rằng “Con Người sẽ ngự đến… Người sẽ thưởng phạt”, Đức Giê-su đã không một lời tuyên bố, rằng khi nào “ngày ấy” sẽ xảy ra.

Trái lại, Ngài tuyên bố: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (x.Mt 24, 36).

Nếu có điều để nói, Đức Giê-su có nói rằng: “hãy canh thức và hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người đến”.

Canh thức và sẵn sàng. Vâng, đó là thông điệp của Ngài. Và Ngài luôn dùng những dụ ngôn rất đời thường như là một minh họa rõ nét cho việc canh thức và sẵn sàng. Một trong những dụ ngôn đó được mang tên “Mười trinh nữ” (x.Mt 25, 1 – 13)

**

Dụ ngôn được kể rằng: “Có mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể”. Vâng, là người Việt Nam, thoạt nghe, thật khó có thể hình dung được hình ảnh cái đám cưới này.

“Cầm đèn” để làm gì! Đám cưới vào ban đêm ư! Thưa đúng, đó là phong tục của người Do Thái thời đó, có những đám cưới tổ chức vào ban đêm, vì thế phải có đèn.

Câu chuyện được kể tiếp rằng, “Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn”.

Ơ hay! Đám cưới sao lại có kẻ khôn, có người dại ở đây? Thưa, năm cô bị cho là dại, được biết vì đã “mang đèn mà không mang dầu theo”. Còn năm cô kia được cho là khôn, nhờ đã “vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo”.

Tại sao “mang chai dầu theo”, lại được cho là khôn ngoan? Thưa, là bởi, ngộ nhỡ chú rể đến trễ, có thể là chập tối, có thể giữa đêm, hay hừng đông. Vì thế tất cả mọi sự phải sẵn sàng, sẵn sàng cho số dầu dự trữ, vì khi chú rể đến (trễ), hết dầu thì làm sao đây!

Và, quả thật, như lời kể trong dụ ngôn: “Vì chú rễ đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả”.

Thế rồi, “Nửa đêm có tiếng la lên: ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi’. Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn”.

Than ôi! Năm cô không mang theo dầu, bấy giờ mới thấy đúng là “dại”. Các cô ngây dại vì “đèn của chúng em tắt mất rồi!”. Sao đèn lại tắt? Thưa, hết dầu!

Năm cô này không còn cách nào khác bèn cất tiếng nói với năm cô được cho là khôn, rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu”.

Không một chút cảm thông, năm cô khôn trả lời: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mua lấy thì hơn”.

Và, chuyện phải đến đã đến. Đang lúc các cô (dại) đi mua (dầu)… “thì chú rể đến”.

Chú rể đến, chuyện tất yếu phải xảy ra: “những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”. Vâng, thật là chính đáng, chính đáng vì năm cô này đã “cẩn tắc vô ưu”. Cẩn thận bây giờ không lo lắng về sau.

Còn năm cô dại ư! Chuyện kể rằng: “Sau cùng mấy trinh nữ kia (năm cô dại) cũng đến gọi… (xin vào dự tiệc). Buồn thay! Các cô chỉ nhận được lời cay đắng từ nơi chú rể: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!”

Cũng phải thôi. Các cô quá dại vì đã không biết chuẩn bị cho một biến cố quan trọng. Nói tắt một lời, các cô đã không “sẵn sàng” cho một đêm “canh thức”, một đêm quan trọng, cho một đời người.

Rất sát thực, rất đời thường. Chẳng có gì là ẩn ý trong dụ ngôn. Đức Giêsu khép lại câu chuyện bằng một lời nhắc nhở: “anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. (Mt 25, 13).

***

Sử dụng dụ ngôn, như chúng ta được biết, là cách Đức Giê-su dùng để diễn tả một thực tại. Thực tại mà Ngài muốn dạy cho chúng ta hôm nay, qua dụ ngôn “Mười trinh nữ”, đó là: Đức Giê-su được ví như chàng rể, cô dâu và các phù dâu được ví như Giáo Hội và các tín hữu, ngày Đức Giê-su Quang Lâm được ví như ngày chàng rể đến đón dâu.

Ngày quang lâm của Đức Giê-su có cần thiết để biết trước không? Thưa, tông đồ Phaolô, có câu trả lời, rằng: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm”.

Và cùng một tâm tình như Đức Giêsu, thánh nhân cũng đã khuyên nhủ rằng “hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1Tx 5, …6).

Tại sao phải sống tiết độ và tỉnh thức? Thưa, bởi nếu không tiết độ, làm sao chúng ta có thể vượt qua “bảy mối tội đầu”! Không vượt qua được “sự kiêu ngạo, tham lam, dâm dục, đố kỵ, tham ăn, ghen ghét và lười biếng”, làm sao chúng ta có thể được xem là người “tỉnh thức”?

Đừng quên rằng, Kinh Thánh cho biết: “những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa”.

“Không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa”… Thưa bạn, có khác nào chúng ta nằm trong “top” năm cô có đèn mà không có dầu!

Đừng bao giờ nghĩ rằng, nếu ta “không có dầu”, những người thân của ta, ông bà, cha mẹ, vợ chồng của ta, sẽ “chia” cho ta. Nghĩ như thế là dại. Vâng, Lm Lê Quang Uy, qua một bài giảng, ngài có lời chia sẻ, rằng: “Dầu ở đây là đức tin. Mà, đức tin thì, không thể chia cho ai được cả”.

Thật vậy, ta tin vào Chúa, nhưng ta không thể “chia” niềm tin đó cho một kẻ vô thần.

Vì thế cho nên, chúng ta hãy để một phút thinh lặng và hãy tự hỏi mình rằng “tôi là ai trong mười trinh nữ?”

Là “các cô dại mang đèn mà không mang dầu” ư! Vâng, có thể… rất có thể. Rất có thể chúng ta có “cây đèn mang nhãn hiệu Ki-tô hữu” nhưng lại thiếu dầu, dầu-Thánh-Kinh và dầu-Thánh-Thể.

Dầu Thánh Kinh… Vâng, đó chính là “nhiên liệu”, một thứ nhiên liệu tạo ra nguồn ánh sáng chân lý “soi ta bước” và “chỉ đường ta đi”. Dầu Thánh Thể chính là thần lương giúp ta “ở lại trong Chúa, và Chúa ở lại trong ta”.

Ở đâu sẽ cung cấp cho ta dầu-Thánh-Thể và dầu-Thánh-Kinh? Phải chăng là ở những cây xăng của Petrolimex? Phải chăng ở vũ trường? Ở những quán nhậu? Ở sòng bài? Ở những chốn đô hội?

Thưa, không phải. Nơi cung cấp cho ta dầu-Thánh-Thể và dầu-Thánh-Kinh chính là ở “Nhà Thờ”. Tại đây, trong Thánh Lễ, phần phụng vụ Lời Chúa sẽ cung cấp cho ta dầu-Thánh-kinh. Và nơi bàn Tiệc Thánh, chúng ta sẽ được cung cấp dầu-Thánh-Thể.

Thưa bạn, chúng ta lại cần thêm một phút nữa để tự hỏi lòng mình, rằng: Hôm nay, tôi đã có Dầu-Thánh-Thể và Dầu-Thánh-Kinh trong gói hành trang cho cuộc hành trình đến với “Tiệc Cưới Nước Trời”?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, nếu ta “có dầu”… nếu ta có dầu đủ, để thắp sáng ngọn đèn đức tin của mình, hãy tin, vào ngày “Đức Giê-su (chàng rể) đến”, ngày đó, ta sẽ được nghe chính Ngài nói: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”.

Nói cách khác, để được đứng trong hàng ngũ những người được “Cha chúc phúc”, ngay hôm nay, ngọn đèn đức tin của chúng ta luôn phải “đầy dầu”, bởi sự “đầy dầu” đó mới chứng tỏ chúng ta luôn trong trạng thái “canh thức”, một trạng thái sẵn sàng chờ đón chàng rể tới.

Thế nên, ngay hôm nay, hãy ghi khắc lời truyền dạy của Đức Giê-su vào con tim mình: “Anh em hãy canh thức”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây