Tự hạ mình - Chúa mới cứu mình…
Những ngày vừa qua, truyền thông mạng ồn ào về một sự kiện, chuyện nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, qua một bài phỏng vấn báo chí, ông ta đã “nội soi” một số nam nữ ca sĩ được cho là những “ông hoàng bà chúa” của làng ca nhạc Việt.
Cuộc nội soi này cứ tưởng chỉ là những nhận xét bình thường của một nhạc sĩ lão làng đối với những ca sĩ đáng bậc con cháu. Không ngờ, nó đã gây “bức xúc” cho những ca sĩ được nêu đích danh.
Có người im lặng, có người phản ứng nhẹ nhàng, có một nam ca sĩ (không tiện nêu tên) đã chuyển nỗi “bức xúc” của mình bằng một cuộc khẩu chiến nảy lửa qua những bức tâm thư, đầy lời lẽ hằn học, đầy tự mãn tự tôn, được đăng trên trang cá nhân facebook của anh ta.
Tại sao anh ta lại nổi giận như vậy? Thưa, là vì, anh ta cho rằng, mình đang, ít nhất trong lúc này… là ông hoàng nhạc Việt, đang mang nhiều danh hiệu, đang ngồi “chiếu nhất” trong làng giải trí, thế mà nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lại cho rằng, cỡ anh ta chỉ đáng là ca sĩ hát lót, xếp hạng C, ngồi “chiếu chót”.
Đã có nhiều luồng dư luận (không tốt) về cuộc khẩu chiến của chàng ca sĩ này. Có người nói rằng, những lời đốp chát ăn miếng trả miếng của anh ta chỉ là loại văn hóa chợ búa… Và cũng có người, nhẹ nhàng hơn, nói rằng, phải chi anh ta cứ im lặng, không nên nói gì hết, mà phải nghĩ ‘Bố Ánh có nhận xét vậy cũng kệ, con vẫn đi hát, con vẫn kiếm tiền được nhiều, con vẫn có nhiều người hâm mộ…’ thì nó đẹp hơn những lời nói nặng nề…
Đúng vậy, nếu anh ta im lặng và nhớ tới lời một danh nhân đã nói: “Nếu bạn có thể đi trên mặt nước, bạn có gì hơn là một cọng rơm. Nếu bạn có thể bay lượn trên không, bạn đã có gì hay hơn một con ruồi. Nếu bạn điều chỉnh được tâm của mình, bạn mới thực sự là một nhân vật”… thì tốt biết mấy!.
Nhắc đến chuyện này để làm gì? Thưa, nhắc đến lời nhận định của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và những lời khẩu chiến của nam ca sĩ này không phải để tiếp tục bình phẩm khen chê nhưng là để gợi nhớ lại lời thông điệp xưa Chúa Giêsu đã công bố, rằng: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14, 11)
**
Vâng, thông điệp đó đã được Đức Giêsu công bố trong lần Ngài tham dự một buổi tiệc tại nhà một thủ lãnh nhóm Pharisêu.
Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giêsu tham dự một bữa tiệc mời. Đã có lần Ngài được mời tham dự một bữa tiệc cưới tại Cana. Và trong bữa tiệc đó, một phép lạ vô tiền khoáng hậu đã xảy ra. Hôm đó, tiệc chưa tàn nhưng hết rượu. Và không để cho nhà chủ mất mặt “KBC”, Đức Giêsu đã sai các gia nhân đổ đầy nước vào sáu cái chum, “sáu chum đá…(trong đó) mỗi chum chứa khoảng tám mươi hoặc một trăm hai nươi lít” đã được Đức Giêsu “hóa thành rượu” (Ga 2, 9).
Còn hôm nay, trong bữa tiệc này, không chỉ làm phép lạ chữa “một người mắc bệnh phù thủng”, Đức Giêsu còn công bố một thông điệp, thông điệp nói đến sự khiêm nhường và sự hạ mình.
Vâng, hôm đó, khi chứng kiến cảnh những vị khách mời không ai chịu nhường ai trong việc “chọn cỗ nhất mà ngồi”, Đức Giêsu, qua một dụ ngôn rất đời thường, Ngài đã dạy cho những vị thực khách đó một bài học căn bản về thuật xử thế trong giao tiếp.
Được mời đi ăn cưới ư! “Đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời anh… đến nói với anh ‘xin ông nhường chỗ cho vị này’…” Đức Giêsu nói tiếp “Bấy giờ (có phải là) anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối”!!
Điều căn bản của, nói theo ngôn ngữ bây giờ, “văn hóa tiệc tùng”, Đức Giêsu có lời giáo huấn rằng “khi anh được mời, thì hãy vào chỗ ngồi cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên kia cho…” và Ngài kết luận “Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt người đồng bàn”…
Hãy khiêm nhường và hạ mình, đó chính là nguyên tắc xử thế mà Đức Giêsu đã nói đến. Hôm đó, sau khi nói xong dụ ngôn, Ngài nhấn mạnh: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
***
Có bao giờ chúng ta tưởng tượng phản ứng của những người thực khách hôm đó ra sao sau khi Đức Giêsu tuyên bố như thế? Phải chăng, họ sẽ nhảy chồm lên, sẽ “xù lông nhím” trước những gì Đức Giêsu đã nói?
Phải chăng, họ sẽ nói rằng, chúng tôi là những người thuộc nhóm Pharisêu, là những người “công chính” làm sao lại có thể “tự hạ mình” ngồi đồng bàn với đám cùng đinh, khố rách áo ôm, một bọn “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”… một bọn người “không có gì đáp lễ” để cùng ăn trưa hoặc ăn tối?
Vâng, câu chuyện không thấy nói đến phản ứng của những thực khách được mời. Giả sử, cứ cho là họ có phản ứng thì họ cũng sẽ phải suy nghĩ lại khi Đức Giêsu nói rằng, những ai làm những chuyện như thế, “mới thật có phúc”. (Lc 14,…14).
Thật ra, trước khi Đức Giêsu có lời dạy bảo nêu trên, xưa, Kinh Thánh cũng đã có những lời khuyên chân tình, rằng: “Càng làm lớn con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa” (Hc 3, 18).
Cũng là những lời Kinh Thánh khuyên răn: “Được đặt làm chủ tọa ư? Con đừng có lên mặt: giữa thực khách, hãy xử sự như một người đồng bàn; lo cho người ta, rồi mới ngồi vào chỗ. Chu toàn mọi bổn phận xong, con hãy yên vị và chung vui với mọi người” (Hc 32, 1-2).
Là chủ tọa… lo cho người ta… chu toàn xong mọi bổn phận… rồi mới ngồi vào chỗ… Vâng, có phần chắc, chẳng ai dám phủ nhận đó chính là cách khiêm nhường và tự hạ mình đẹp nhất.
****
Khiêm nhường và tự hạ mình. Vâng, có lẽ đa số chúng ta đều công nhận khiêm nhường và tự hạ mình là một đức tính tốt. Thế nhưng, công nhận thì vẫn công nhận nhưng để thực hiện tốt đức tính này, dường như, có một số người lại e dè sợ rằng khi thực hiện nó mình sẽ bị xem là nhu nhược, mình sẽ bị thiệt thòi.
Là một Kitô hữu, nghĩ như thế thật là nguy hiểm. Nghĩ như thế chẳng khác nào chúng ta hãy còn tơ tưởng, còn nặng lòng với danh vọng, với chức vụ, với chiếu nhất chiếu nhì. Mà một khi còn tơ tưởng, còn nặng lòng với “danh vọng, chức vụ, chiếu nhất, chiếu nhì” thì làm sao có thể kềm hãm được sự ganh tị trong tâm hồn chúng ta.
“Ganh tị”. Vâng, đừng quên, nó là mầm mống gây ra tội ác. Câu chuyện anh em nhà Giacóp là một ví dụ điển hình. Chỉ vì ganh tị với Giuse, những người anh của ông đã bán ông cho lái buôn rồi sau đó dàn dựng lấy máu dê thấm vào chiếc áo của ông, để rồi cha của ông sau khi nhận được tấm áo đó đã nghĩ rằng “Giuse đã bị thú dữ xé xác” (St 37, 33)
Với thánh Phaolô, ngài nói “Tôi báo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: …làm điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Trời” (Gl 5, …22).
Cho nên, đừng bao giờ để những tác động chung quanh đời ta dẫn ta đến sự “kiêu ngạo, nói lộng ngôn, xấc xược, lên mặt kiêu căng…” (2Tm 3, 2-4), nhưng hãy nhìn vào Chúa Giêsu mà học lấy “sự hiền lành và khiêm nhường” của Ngài.
Có hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh Đức Giêsu khiêm nhường, tự-hạ-mình “…đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”! (Ga 13, 4-5)
*****
Có bao giờ chúng ta tự hỏi, như thế nào là “khiêm nhường và tự hạ mình”? Phải chăng, chúng ta sẽ phải làm như Đức Giêsu đã làm tại bữa tiệc ly năm xưa? Thưa, có phần chắc đó không phải là một yêu cầu tối thượng.
Vậy chúng ta sẽ phải thực hiện như thế nào? Tạ ơn Chúa, thánh Giacôbê đã cho chúng ta lời khuyên rằng, “Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan” .
Người môn đệ sớm tử vì đạo nói tiếp rằng “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là sự thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị cũng không giả hình” (Gc 3, 17).
Hãy thử tưởng tượng, nếu chúng ta có được những đức tính nêu trên và đem ra thực thi trong gia đình cũng như ngoài xã hội, vâng, có phần chắc, gia đình chúng ta, những người chung quanh ta, họ sẽ reo lên “Ồ! Người này quả là hiện thân của Chúa Kitô. Một Chúa Kitô hiền lành và khiêm nhường”. Và nếu… nếu chúng ta có được mời đến dự một bữa tiệc của ai đó, có phần chắc, người gia chủ đó sẽ nói với chúng ta rằng “Xin mời ông bạn lên trên cho”.
Vâng, hãy để một phút thinh lặng và hãy tự hỏi, tôi đã có được những đức tính nêu trên chưa? Nếu chưa, hãy cất tiếng cầu nguyện rằng “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa… Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa” (Thánh Augustino).
Biết “tự hạ mình – Chúa mới cứu mình”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn