YÊU CHÚA
Chúa Nhật 13 Thường Niên: Mt 10, 37-42
Suy niệm
Đoạn Phúc Âm này nằm trong bối cảnh lúc Đức Giêsu vừa chọn nhóm Mười Hai, và trình bày những gì Ngài chờ đợi nơi họ. Đó là yêu Ngài trên tất cả; vác thập giá mình mà theo Ngài; liều mạng sống vì Ngài.
1. “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy…”.
Đây là lời mời gọi theo Chúa với lòng yêu mến Ngài trên hết mọi sự và mọi người, trên cả tình thâm ruột thịt. Có những khi ta không hẳn là từ chối Chúa, nhưng theo Ngài nửa vời, vì để cho tình cảm riêng tư xen vào, khiến ta không thực hiện được điều Chúa muốn. Có lẽ ta thấy sự hiện diện của mình quá quan trọng đối với những ai đó, đến nỗi quên đi sự hiện diện và quyền năng của Chúa trong đời họ. Nếu như ta dám dấn thân theo tiếng gọi, thì hãy phó thác tất cả cho lòng nhân từ của Chúa, vì tin rằng Ngài yêu những người thân yêu của ta còn hơn chính ta; rằng Ngài có kế hoạch tốt nhất cho họ. Đang khi đó vẫn có những trường hợp mà chúng ta đành bó tay, dù có yêu thương họ cỡ nào chăng nữa cũng chẳng làm gì hơn cho họ. Hãy để cho mọi sự diễn ra theo ý muốn của Chúa, dù tình cảnh trước mắt xem ra thật éo le, nhưng Chúa có cách của Chúa. Thật ra, mọi cái còn đang ở phía trước, và tất cả đều nằm trong sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.
2.“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy”.
Thập giá được đón nhận làm rơi xuống cái ảo tưởng, và cho thấy sự thật về chính mình; cho thấy mình là ai giữa những tạm bợ của cuộc sống này, và giúp mình nhận ra lẽ sống chân thật. Thập giá không chỉ là chấp nhận những gian nan thống khổ, mà còn gắn liền với hy sinh và giũ bỏ ý riêng để ý Chúa được hình thành. Mọi tránh né cũng như tìm cách che chắn cho mình khỏi những thập giá hằng ngày đều là cách thức muốn phủ nhận Đức Kitô. Tất cả những gì gọi là con đường tắt, cuối cùng chỉ là ngụy biện, trống rỗng và tự lừa dối mình. Bởi vì đích điểm của cuộc đời theo Chúa là đỉnh núi Canvê, nơi Chúa Cha đang chờ đợi ta như đã chờ đợi chính Con yêu dấu của Ngài. Sau thập giá mới là vinh quang mà Chúa muốn trao ban cho chúng ta mãi mãi.
3. “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”.
Tin Mừng của Chúa Giêsu là một “Tin Mừng khổ lụy”, nghĩa là không chỉ có rao giảng, mà chủ yếu là thực thi. Hội Thánh đã dạy: “Các con hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy”. Lời khuyên dạy này không chỉ dành riêng cho các Phó tế hay Linh mục, nhưng còn phải là lời khuyên cho mọi Kitô hữu chúng ta để sống đức tin của mình. Người sống đức tin cũng có nghĩa là người dám chết vì đức tin để làm chứng cho Chúa, là người dám liều mạng sống mình để Chân lý và Tình yêu Chúa được tỏ hiện. Nếu không sẵn sàng như thế, thì Tin Mừng trở nên mơ hồ, thập giá trở thành đồ trang sức, và đạo lý cứu độ biến thành mớ lý thuyết suông.
Nhạc sĩ Văn Cao có những vần thơ nói về vấn đề sống-chết nghe như âm hưởng của Lời Chúa: “Giữa sự sống và sự chết, tôi chọn sự sống. Để bảo vệ sự sống, tôi chọn sự chết”. Sự sống là cái gì quý giá nhất trong đời mà ta phải nâng niu, bảo toàn. Thế nhưng cố tìm mọi cách để bám níu lấy sự sống tạm bợ này, thì chẳng khác nào ôm vào khoảng không để rồi rơi vào tuyệt vọng. Cái chết trong cuộc sống này chỉ là mất đi hình hài thể lý, nhưng sự sống linh thiêng vẫn còn nguyên. Chính thái độ tham sống sợ chết mới làm ta chết thật. Chỉ khi dám chết vì Chúa, Đấng hằng sống, ta mới tìm lại sự sống thật cho mình. Chính trong ý nghĩa đó mà chúng ta ngộ ra chân lý trong Kinh Hòa Bình của thánh Phaxicô: “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Trên đời này không có gì cao đẹp và ý nghĩa cho bằng người dám chết vì người mình yêu. Cái chết đáng ca tụng biết bao, khi nó là sự dâng hiến cuối cùng cho Đấng mà chúng ta suốt đời phụng sự với cả lòng yêu mến. Chúa Giêsu đã gọi giờ chết của Ngài là giờ được tôn vinh (x. Ga 12,23), vì đó là cái chết của sự tự nguyện, tự hiến, vì yêu mến Cha và yêu thương nhân loại. Sự tôn vinh của Chúa Giêsu cũng là sự tôn vinh con người trong ơn cứu chuộc, cũng là tôn vinh tất những ai đã bước theo Chúa trên con đường thập giá với tất cả tình yêu.
Tình yêu làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, nên tình yêu cũng làm cho chúng ta được phục sinh trong vinh quang với Ngài. Vì thế mà ngay từ bây giờ, chúng ta phải tập chết đi cho con người cũ tội lỗi của mình, để chuẩn bị cho cái chết cuối cùng của mỗi người chúng ta, như một sự dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Tuổi trẻ thường háo hức với tình yêu,
vì tình yêu trong đời là tất cả,
chẳng có gì no thỏa bằng tình yêu,
không tình yêu mọi thứ sẽ tiêu điều.
Nhưng Chúa muốn con yêu Chúa thật nhiều,
hơn cha mẹ hơn bạn bè đôi lứa,
và còn lớn hơn nữa mạng sống mình,
con cũng phải dám hy sinh cho Chúa.
Tình cảm gia đình rất đỗi thiêng liêng,
làm sao con có thể coi thường được,
là nôi sự sống tình thâm nghĩa nặng,
ai là người mà không kính trọng chăng?
Mạng sống của mỗi người đều cao quí,
không thể nào đánh đổi với điều gì,
dù có được lời lãi cả thế gian,
mà mất mạng sống mình có ích chi?
Nhưng Chúa đã cho con nhận biết rằng,
tất cả cuộc đời con là của Chúa,
mọi sự đều do chính Chúa tặng ban,
dâng lại cho Chúa mới là chính đáng.
Đời sống con rồi sẽ rất hoang mang,
nếu con đây không sẵn sàng buông bỏ,
mà chỉ lo toan tính để an nhàn,
không biết lo nên thiện toàn như Chúa,
mà chỉ lo được mất với hơn thua,
không vượt lên khỏi những thứ tầm thường.
Con là kẻ mọn hèn được Chúa thương,
chẳng có gì nơi con là xứng đáng,
được mất hay hơn thua như cỏ hoang,
thành công hay thất bại như dã tràng,
con chỉ mong đời mình không hổ thẹn,
vì đã sống trọn vẹn cả trái tim. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn