YÊU KẺ THÙ
Chúa Nhật 7 Thường Niên năm C: Lc 6, 27-38
Cầu nguyện
Sách Samuel thuật lại chuyện vua Saun dẫn một đạo quân đông tới ba ngàn người đi lùng giết Đavít. Một đêm kia, Saun nằm ngủ mê mệt trong trại thì Đavít đột nhập vào. Người tùy tùng của Đavít thấy đây là dịp may hiếm có nên xúi Đavít giết vua Saun. Nhưng Đavít chỉ lấy cây giáo của Saun, rồi sang phía bên kia hô lớn để Saun biết, và yêu cầu cho người sang lấy lại ngọn giáo. Việc này khiến vua Saun cảm động, và biết rằng Đavít sau này sẽ là người hoàn thành nghiệp lớn.
Đức Giêsu hôm nay dạy ta phải yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình. Đây là điều hết sức khó khăn, nhưng với sức mạnh của ý chí và ơn thánh Chúa, chúng ta tin rằng mình sẽ thực hiện được lệnh truyền này mỗi ngày trọn vẹn hơn. Lịch sử đạo cũng như đời, thời nào cũng vẫn có những tấm gương như thế. Hơn nữa, đời sống con người phải có lý tưởng để vươn lên, không thể sống tầm thường, thô thiển theo bản năng tự nhiên. Lý tưởng của chúng ta là hoàn thiện như Cha trên trời, “Đấng vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”.
Nếu cứ theo bản năng tự nhiên thì ai cũng muốn phục thù, nhưng “Lấy oán báo oán, oán chập chùng”. Khi chọn thái độ báo thù là ta bị thù hận làm nhiễm độc. Trả thù có thể thỏa mãn sự tức giận của ta, nhưng lại làm con tim ta trống rỗng, nhân tính bị hư hại, và nhân cách ra hư hỏng. Khi nuôi lòng hận thù hay muốn trả thù, ta không chỉ tiêu hao nhiều năng lực, làm tổn hại thể chất, mà còn mất đi bình an và hạnh phúc đời mình. Chỉ có ánh sáng mới xoá tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù. Nếu lòng thù hận làm tiêu hao năng lực thì lòng yêu thương lại tăng cường nghị lực trong ta. Oscar Wilde viết: "Khi Chúa Giêsu dạy hãy tha thứ cho kẻ thù là Ngài không nhằm đến lợi ích của kẻ thù mà nhắm đến lợi ích của chính bản thân ta”.
Yêu thương kẻ thù là trang sức cao cấp của tinh thần, làm cho đời ta thêm cao đẹp, và góp phần làm cho cuộc sống mỗi người thêm cao quí. Nếu ta không sống theo lời Chúa Giêsu dạy, phản ứng dây chuyền của sự ác là hận thù sẽ tăng thêm hận thù, bạo lực sẽ kéo theo bạo lực, và tất cả chúng ta sẽ rơi vào hố diệt vong. Ai cũng muốn tiêu diệt kẻ thù cho hả giận, nhưng biến thù thành bạn mới là cách tiêu diệt kẻ thù một cách trí tuệ nhất. Đó chính là sức mạnh của tình yêu, sức mạnh có tính sáng tạo và cứu độ. Chúa Giêsu đã làm như vậy khi Ngài xin Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, vu khống và nhục mạ mình (x. Lc 23, 34).
Chắc chắn Đức Giêsu không đòi ta yêu kẻ thù như yêu người thân, không thể yêu bằng tình cảm nhưng có thể yêu bằng hành động. Yêu là làm ơn, là chúc phúc, là cho vay mượn. Yêu là cầu nguyện và làm điều tốt cho kẻ thù. Chính những hành động tốt lành sẽ làm ta yên lòng và kẻ thù cũng sẽ mềm lòng. Dù sao cũng phải giải tỏa những bất bình trong lòng mình trước để không còn chấp nhất nữa. Vấn đề không nằm ở kẻ thù mà nằm ở phản ứng của chính mình. Ai cũng có quyền lựa chọn một phản ứng, tại sao không thể lựa chọn một phản ứng tốt hơn?
Thật ra kẻ thù nhiều khi đáng thương hơn đáng ghét, vì hành động vô tình chứ không cố ý, vì không làm chủ nổi mình, vì chỉ nhận thức tới mức độ đó, chưa thể sống tốt hơn… Nếu có cái nhìn hiểu biết và cảm thông như thế, ta sẽ khai phóng được những năng lực tiêu cực trong mình, và có một tâm thế mới để nhìn kẻ thù như người anh em, và tìm cách giao hảo bằng những cử chỉ và thái độ thân thiện. Cố gắng làm như vậy không phải vì giả bộ hay nhượng bộ trước kẻ xấu, nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên. Ðó không phải là hành vi của kẻ yếu, nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm và lòng bao dung của kẻ mạnh, là người đã vượt khỏi vòng tranh chấp để sống vô chấp.
Thế giới văn minh không phải là những tiến bộ của khoa học hay kỹ thuật bên ngoài, nếu chỉ dựa vào đó thì con người vẫn chưa thành người, nhưng chủ yếu là những chiến thắng của con người trên lòng dạ ích kỷ của mình. Nhân cách của con người phải được nâng cao, phẩm hạnh của con người phải được tỏa sáng, tâm hồn con người phải khao khát sự thiện, thì mới bảo đảm một nền văn minh bền vững.
Hơn nữa, chúng ta còn có lý do và động cơ siêu nhiên trong việc yêu kẻ thù, đó là Thiên Chúa sẽ đối xử với ta như ta đối xử với tha nhân: xét đoán sẽ bị xét đoán, tha thứ sẽ được tha thứ, lên án sẽ bị lên án, cho đi sẽ được cho lại… Còn động cơ nào cao cả cho bằng chính lời hứa của Chúa Giêsu: “Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao". Là con, nên chúng ta phải là hình ảnh sống động của một Thiên Chúa đầy lòng nhân từ, là kiến tạo sự an vui hòa bình cho thế giới ngay xung quanh mình.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã dạy chúng con yêu kẻ thù,
nhưng xem ra làm điều này rất khó,
vì có những tổn thương quá nặng nề,
và kẻ ác dường như vẫn hả hê.
Nhưng nếu con không yêu thương như thế,
thì tâm con vẫn cứ mãi u mê,
nếu con không chiến thắng được hận thù,
thì đời con vẫn chưa là Kitô hữu.
Yêu thương là lý tưởng vươn lên mãi,
không thể dừng ở một mức độ nào,
dù kẻ thù gây thiệt hại ra sao,
con vẫn phải bao dung và nhân hậu.
Yêu kẻ thù không thể bằng tình cảm,
nhưng Chúa mời con yêu bằng hành động,
là làm ơn làm phúc sống hiệp thông,
xin cho họ mọi điều lành điều tốt.
Cho con biết nhìn Chúa trên thập giá,
máu thắm tuôn ra mà vẫn thứ tha,
vẫn chở che những kẻ đang hành hạ,
vẫn xin Cha rộng mở lượng hải hà.
Cuộc đời là một chuỗi những vượt qua,
nhất là những hận thù và tranh chấp,
không để mình vướng vấp những bất hòa,
để mỗi ngày con hoàn thiện giống Chúa Cha.
Xin Chúa làm mềm lại trái tim con,
đừng cứng cỏi để khỏi phải ưu phiền,
nhưng luôn sống trong tâm thái dịu hiền,
hầu giải tỏa mọi oan khiên sầu não. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn