LÀM SAO ĐỂ LỜI CHÚA KHÔNG BỊ TẺ NHẠT?
Nếu chúng ta chỉ sử dụng một bài suy niệm duy nhất, một lần cho tất cả, thì chúng ta đang làm cho Lời Chúa bị tẻ nhạt, nhàm chán, mất sức sống. Chẳng hạn, khi gặp Diễn Từ Bánh Hằng Sống, hay các bài Tin Mừng về phép lạ hóa bánh ra nhiều, chúng ta thường suy niệm: các con số thống kê về nạn đói, về lãng phí thức ăn, rồi kêu gọi bắt chước Chúa “chạnh lòng thương” đến những người nghèo đói, tránh lãng phí thức ăn, tiếp đến, người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra: ngoài việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất, chúng ta còn cần có những nhu cầu tinh thần, rồi, chúng ta dẫn chứng các minh tinh màn bạc tự tử khi đang ở độ tuổi còn rất trẻ, đang đứng ở đỉnh cao danh vọng sự nghiệp…
Vậy, làm sao để Lời Chúa không bị tẻ nhạt? Thưa, chúng ta phải bám sát Phụng Vụ. Chẳng hạn, Bài Tin Mừng Mc 8,1-10: Phép lạ hóa bánh ra nhiều, được đặt trong bối cảnh Phụng Vụ của Thứ Bảy Tuần V Thường Niên Năm Lẻ.
Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cho thấy: càng nghe theo Thần Khí hướng dẫn, thì ta càng nhận được dồi dào ân sủng. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, chân phước Ixaác, Viện Phụ Đan Viện Sao Mai nói: Đức Kitô đã dùng Cuộc Thương Khó để mang lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền và đau khổ của ta, vậy sao, ta lại không bắt chước Chúa để mang lấy những yếu đuối xác hồn của nhau; Ai mà tấn công vào những yếu đuối, sa ngã của anh chị em mình, thì người đó đang tuân theo luật của Satan, chứ không nghe theo Thần Khí.
Bài đọc một trong Thánh Lễ, sách Sáng Thế cho thấy: Đức Chúa là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Êđen để cày cấy đất đai. Khi ở trong Lời Chúa, tuân giữ Lời Chúa, ông bà không cần phải cày cấy, vì được ăn mọi trái cây trong vườn. Trong Bài Tin Mừng, thánh Máccô cho thấy: Dân chúng tụ họp quanh Chúa để nghe Chúa giảng dạy, trong suốt ba ngày, họ không cần phải cày cấy, và các Nhà Phụng Vụ đã chọn câu in nghiêng là: Đám đông đã ăn và được no nê. Khi ở trong Lời Chúa, tuân giữ Lời Chúa, thì ta không cần phải cày cấy, mà vẫn được ăn no nê, chúng ta no đầy ân sủng.
Vậy, khi không ở trong Lời Chúa, không tuân giữ Lời Chúa, thì Chúa sẽ hết yêu thương, không còn chăm sóc chúng ta nữa chăng? Không phải như vậy, Bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 89, sẽ cho chúng ta câu trả lời: Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn. Dù cho vật đổi sao dời, dù gì gì đi nữa, Chúa vẫn là nơi chúng ta trú ẩn, giao ước đã lập ra muôn đời Chúa nhớ mãi, tình yêu và lòng thương xót Chúa dành cho chúng ta không bao giờ thay đổi: Chúng ta ngoan ngoãn, vâng lời, Chúa sẽ yêu chúng ta theo cách đó, nhưng, nếu chúng ta ngỗ nghịch, bất tuân, Chúa sẽ có cách để biểu lộ tình yêu của Người dành cho chúng ta. Chính vì thế mà, trong Đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta hát lên “Ôi tội hồng phúc!”, bởi vì, ở đâu tội lỗi ngập tràn, thì ở đó, ân sủng, lòng thương xót càng chứa chan gấp bội.
Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra là lời chúc bình an cho Dân Người, là lời gieo rắc niềm hy vọng làm cho chúng ta được sống và sống dồi dào, nhưng, Satan lại đánh tráo thành lời nguyền rủa, lời kết án, khiến chúng ta mất lòng tin tưởng, mất niềm hy vọng, để rồi, mất luôn cả sự sống đời đời. Một khi đã có lời hy vọng, lời sự sống trong lòng, chúng ta cũng phải ra đi công bố lời đó cho người khác, mà nói như chân phước Ixaác trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách là: bắt chước Đức Kitô mang lấy mọi yếu đuối xác hồn của nhau, rắc gieo lời hy vọng, lời sự sống cho những người anh chị em đang sa ngã, thất vọng, để họ biết rằng: Chúa luôn yêu thương họ, và Người không bao giờ mệt mỏi để tha thứ và xót thương họ. Chúng ta sống nhờ: bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Lời do miệng Thiên Chúa phán ra, là lời Thần Khí, lời bình an, gieo rắc hy vọng, làm cho chúng ta được sống và sống dồi dào.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn