Không phải cái mù về thể lý, mù về đôi mắt, mà cái mù ở đây đáng sợ về nhiều thứ trong cuộc sống. Cái mù chết vì thiếu hiểu biết như người ta hay nói. Tệ hại nhất là chết vì cái mù loà về tâm linh, không thấy tình thương xót của Chúa để sám hối.
Thiên Chúa đã ngỏ lời biết bao lần với ta: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương.” (Gr 31, 3). Ta cứ giả điếc làm ngơ, làm như không nghe, không biết lời yêu thương đó dành cho ta. Thật khốn cho ta, khi ta chạy theo những đam mê của hư ảo trần gian làm cho ta đui mù con mắt đức tin. Biết bao thứ hào nhoáng cuộc đời này làm cho ta rơi vào cảnh mù loà về tâm linh.
Một cái tôi ích kỷ làm mù loà về nhiều thứ. Cái ích kỷ chỉ nhìn vào cái ích lợi của mình mà không quan tâm đến người khác, tiện lợi cho mình mà làm phiền đến bao người khác. Ta có thể thấy thường ngày về một túi rác, thay vì ta chỉ cố gắng một chút đến thùng rác bỏ vào đó, ta ăn xong, dùng xong vất ngay tại đó, mặc ai đó gom nhặt cho ta. Cái việc nhỏ nhặt thôi cũng cho thấy: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” Cái tôi nhỏ nhặt thường ngày cho thấy cái tôi hưởng thụ, dành cho mình cái phần ngon, phần tốt mà chẳng biết ai đang đau khổ chung quanh. Cái mù ấy thật xấu hổ cho cái tôi nhỏ nhen, ích kỷ.
Cái tôi ích kỷ cũng mù loà khi không thấy lỗi lầm của ta mà sám hối, sửa chữa, chỉ nhìn thấy lỗi của người khác, và thường đổ lỗi cho người khác, tô điểm cho cái tôi của ta. Ta đâu biết rằng chính ta khi chỉ sống cho mình là ta đã tự loại ta ra khỏi những người sống. Ta đang chết trong cái tù ngục của ta mà ta không biết. Giống như câu chuyện của Narcissius trong thần thoại Hy Lạp tự yêu mình, một tình yêu ích kỷ chết trong cái tôi của mình. Thứ ích kỷ, tự yêu mình quá đáng nên bị mù về tình yêu của quảng đại, khoan dung, yêu thương và tha thứ.
Sống trong bóng mê, bờ ảo, ta thường lẫn lộn, bị mê hoặc, cái xấu là cái tốt, cái giả là cái thật. Ta bị lừa dối mà ta không hay, ta bị dẫn dụ mà không tỉnh, ta mê đắm mà không sáng suốt. Cái chết của ta trong mê ảo ấy, đôi lần làm ta sáng mắt nhưng ta lại thiếu cương quyết tìm ra đường ánh sáng, sự thật. Thân phận con người ta yếu đuối là như thế, như cảm nghiệm của nhà thơ Tagore: “Chướng ngại trong tôi thường dai dẳng; nhưng khi rắp tâm đập tan tôi lại thấy lòng dạ nhói đau” (Bài số 28, Lời Dâng, R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch). Cái đau khổ của con người luôn là chiến đấu với tội lỗi, với cám dỗ thường ngày. Ta cứ thấy cái thèm muốn, những cái cám dỗ như xưa của Eva: “Nhìn thì đẹp mắt, ăn vào thì ngon và đáng quý cho mình tinh khôn” (St 3, 6). Thật đau khổ cho ta khi ta không còn thấy Chúa trong cuộc đời, như Giuđa không nhận ra lòng thương xót của Chúa.
Đành rằng ta phạm tội, ta là tội nhân, đó không phải là chấm hết cho cuộc đời ta. Ta được Chúa thương xót ngay trong lỗi lầm của ta. Ta tội lỗi nhưng tội lỗi không thể giết chết cuộc đời của ta, vì tội của Adam nhưng lại là “Tội hồng phúc, vì thế chúng ta được ban Đấng Cứu Chuộc rất cao sang” (Exsultet).
"Tội là một lỗi phạm đối nghịch với lý trí, chân lý, lương tâm ngay thẳng; tội là sự thiếu vắng tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và người lân cận, vì sự quyến luyến lệch lạc đối với một số điều tốt đẹp nào đó. Tội làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới nhân loại..." (GLHTCG, số 1849). Trong tội ta được cứu chuộc vì ta là tội nhân, tội lỗi bị lên án. Ta cần nhận ra lòng thương xót của Chúa như Phêrô nhìn thấy gương mặt gượng buồn của Chúa mà ăn năn hối lỗi. Ta cần trở về, cần quyết tâm trở về, nhờ ân sủng của Chúa mà sống đời sống mới. Ta cần được Chúa mở mắt nhìn thấy Chúa trong thảm cảnh u sầu tội lỗi của ta, như người con đi hoang ước mong trở về với người cha nhân từ. Thấy Chúa để còn thấy nhau trong cuộc đời.
Tình yêu thương của Chúa dành cho ta là tình yêu muôn thuở, Người dành cho ta lòng thương xót của Người. Xin mở con mắt tâm hồn của ta nhìn thấy Chúa, nhận ra tình thương của Người dành cho ta.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan