TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đọc Kinh thánh với niềm tin

Thứ tư - 15/03/2023 03:12 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ |   583
Để đọc Kinh Thánh hiệu quả, giả thiết chúng ta cần có lòng tin.
Đọc Kinh thánh với niềm tin

ĐỌC KINH THÁNH VỚI NIỀM TIN
 

WHĐ (14.3.2023) – Rất nhiều bạn trẻ cho rằng Kinh Thánh không phải là những lời Thiên Chúa viết ra[1]. Họ cho rằng những dòng chữ ấy cũng chỉ là do tác giả người trần mắt thịt viết nên. Do đó, có nhiều chỗ đáng nghi ngờ và không thể đặt lòng tin tưởng vào đó. Suy nghĩ này đã cản trở họ không muốn tiếp cận cuốn Kinh Thánh. Hoặc nếu họ có đọc, thì với lòng ngờ vực như thế, Lời Chúa rất khó thấm vào tâm hồn họ được. Chỉ có thể cầu nguyện tốt nếu người đọc tin rằng Kinh Thánh là Lời của Chúa đang nói trực tiếp với người đọc. Trong tâm thế này, họ sẵn mở lòng và dễ dàng đón nhận Lời như là sứ điệp quan trọng của Thiên Chúa.

Tiếng Việt thật hay khi diễn tả đức tin trong khi thực hành tôn giáo. Đức tin nghĩa là ơn trên ban cho con người để đón nhận hoặc nghe theo, vâng theo Lời của Thiên Chúa. Đây là một trong ba nhân đức đối thần. Theo nghĩa này, chính Thiên Chúa ban ơn, thôi thúc chúng ta đến với Lời của Chúa. Với tâm tình của người muốn lắng nghe, chúng ta tin rằng từng dòng chữ trong Kinh Thánh là thông điệp Chúa muốn nói với mình. Với hai hướng: vươn tâm hồn lên với Chúa và Chúa trao ban Lời cho ta, cuộc gặp thần linh sẽ xuất hiện. Nói cách khác chúng ta gọi bối cảnh này là cầu nguyện, gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa.

Thánh Phaolô nhắc các tín hữu Do Thái rằng: “Đức Tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” (Dt 11,1). Chúng ta không trực tiếp thấy Thiên Chúa bằng đôi mắt trần gian này. Tuy vậy với cặp mắt đức tin, chúng ta có thể “cảm thấy” Thiên Chúa đang hiện diện. Với đôi tai tâm hồn, chúng ta có thể nghe được Lời Chúa đang tâm sự với mình. Trong tâm thế này, Giáo hội mời gọi chúng ta cần “vâng phục trong đức tin” (x. Rm 1,5; 16,26). Cần lưu ý rằng Kinh thánh là nơi Thiên Chúa mặc khải rõ nhất về chính Ngài. “Mặc khải nghĩa là Thiên Chúa, do tình yêu vô biên, đã tự tỏ mình cho con người và cho họ biết mầu nhiệm thánh ý của Ngài, để họ được cứu độ, thông phần vào bản tính Thiên Chúa và trở nên nghĩa tử của Ngài, qua Đức Kitô và trong Thánh Thần.” (GLHTCG 51-52). Mặc khải ấy được diễn tả trong lịch sử thánh của Ngài (Cựu Ước), và nơi chính cuộc đời của Đức Giêsu Kitô (Tân Ước). Với đức tin, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra và đón nhận những mặc khải này của Thiên Chúa. Hoặc nói như Đức Bênêđictô XVI tóm gọn nội dung đức tin Kitô giáo:

“Là Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ với một biến cố, một Con Người, sự gặp gỡ đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định”[2].

Để đọc Kinh Thánh hiệu quả, giả thiết chúng ta cần có lòng tin. Đúng hơn phải nói như truyền thống của Giáo hội rằng: “Để sống, lớn lên và kiên trì trong đức tin, tín hữu cần nuôi dưỡng đức tin bằng Lời Chúa, cầu nguyện, đức mến, đức cậy và vâng phục giáo huấn của Giáo hội.”[3] Giáo huấn ấy không gì khác hơn là khuyên chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, nhất là đón nhận thánh ý của Thiên Chúa trong chính cuốn Kinh Thánh. Thực vậy,

“trọn lịch sử cứu độ đã dần dà cho thấy quan hệ thâm sâu giữa Lời Thiên Chúa và đức tin, một đức tin được hoàn thành trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Như thế, đức tin có dáng dấp cuộc gặp gỡ với một Đấng mà ta ký thác trọn đời. Hôm nay Đức Giêsu Kitô vẫn đang hiện diện trong lịch sử, trong Thân Thể Người là Giáo Hội; do đó, hành vi đức tin của ta vừa có tính riêng tư vừa có tính Giáo Hội”.[4]

Để đọc Kinh Thánh với niềm tin tốt, bằng cách nào? Dưới đây tôi khải triển hai ý rất thú vị trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, vốn giúp đức tin của mình lớn lên, khi đọc Thánh kinh:

1. Bản văn là Lời Chúa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị rằng: “Bước đầu tiên sau khi cầu nguyện với Chúa Thánh Thần là dồn tất cả sự chú ý vào bản văn Kinh Thánh.” Lý do đơn giản vì đây là Lời của Chúa được viết bằng chữ, bằng ngôn ngữ của con người. Chúng ta có thể hiểu được ngôn ngữ này với ba lớp nghĩa: Nghĩa theo chữ (sens littéral), nghĩa thiêng liêng và nghĩa sung mãn (sensus plenior)[5]. Thường có một cám dỗ rằng chúng ta rất nhanh chuyển từ nghĩa đen sang các nghĩa khác theo cách hiểu của chúng ta. Cám dỗ này có thể dẫn chúng ta đi xa ý định ban đầu của bản văn Kinh Thánh. Thật tốt để hiểu bản văn theo nghĩa đen trước. Các diễn giải, hoặc hiểu biết chỉ phong phú nếu chúng ta khởi đi từ bản văn. Cầu nguyện cũng thế. Chúa nói trong bản văn Lời của Ngài.

Thật không dễ để hiểu bản văn, kể cả bằng ngôn ngữ Tiếng Việt, bởi đó là những dòng chữ được viết trong văn hóa, thời gian quá xa chúng ta. Cũng đường quá xa lầy vào những chi tiết vụn vặt của câu chữ, kẻo khiến chúng ta chia trí hoặc lâm vào cảnh khô khan khi cầu nguyện với Kinh Thánh. Khi chăm chú vào bản văn, “mục đích quan trọng nhất là chúng ta khám phá ra sứ điệp chính của nó, sứ điệp tạo nên cấu trúc và sự thống nhất của bản văn.”[6] Khi nắm bắt được sứ điệp rồi, với lòng tin chúng ta có thể trò chuyện với Thiên Chúa ngay trong sứ điệp này. Có thể nói đây là thời gian của việc diễn tả nghĩa bóng, hoặc nghĩa thiêng liêng của Kinh Thánh.

2. Cá nhân hoá lời Chúa nhờ lòng tin

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục đề nghị không chỉ cho người giảng giải Lời Chúa, những cho mỗi người chúng ta: “Họ cần đến với Lời Chúa bằng một con tim ngoan ngoãn và cầu nguyện, để lời thấm sâu vào các tư tưởng và tình cảm của họ và tạo một cái nhìn mới nơi họ.” Rõ ràng trong tâm thế này, vai trò của lòng tin hoặc đức tin vốn giúp chúng ta chuyển sứ điệp từ trên đầu xuống trái tim và tuôn chảy ra đôi tay. Đây là điều không chỉ thách đố cho các linh mục tu sĩ, nhưng còn cho mỗi người. Làm sao để thực hành đức tin, sống Tin mừng một cách tự nhiên và cảm hóa? Đây là nguyên tắc không thể đảo ngược: “Thông truyền cho người khác điều mình đã chiêm ngắm”[7].

Ước sao Lời Chúa là một lời sinh động và sắc bén, như thanh gươm “xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12).

Giả như ai có còn thiếu lòng tin này, cứ xin Chúa giúp mình đến với Lời của Ngài. “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con!” (Lc 17,5). Bạn càng hiểu Lời Chúa, cuộc sống càng thú vị và hạnh phúc hơn. Nói cách khác, khi gặp được Thiên Chúa, bạn sẽ nghe được những thông điệp rõ ràng hơn. Nhờ đó, bạn tự tin bước trên đường ngay nẻo chính. Hoặc vài lần Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhắn rằng:

“Người nào để cho Chúa Kitô đi vào, người ấy chẳng mất gì cả, chẳng mất gì cả, tuyệt đối không mất gì cả trong những điều làm cho đời sống mình nên tự do, tươi đẹp và vĩ đại. Không! Chỉ trong tình bạn này, các cánh cửa đưa vào sự sống mới rộng mở. Chỉ trong tình bạn này, các tiềm năng lớn lao của thân phận con người mới thực sự được giải phóng […]. Các bạn trẻ thân mến: đừng sợ Chúa Kitô! Người không lấy bất cứ điều gì cả, Người cho tất cả mọi sự. Ai hiến mình cho Người, sẽ nhận lại gấp trăm. Vâng, hãy mở ra, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô – và các bạn sẽ tìm được sự sống chân thật”[8].

Để kết thúc, chúng ta đọc lại những vần thơ của Trầm Hương được viết trong Năm Đức Tin (12.10.2012):

Đức Tin cứu rỗi linh hồn
Đức Tin khai mở ơn khôn cho người
Đức Tin đem đến nụ cười
Đức Tin soi sáng hiểu "Lời" Chúa ta 

Đức Tin chiến thắng gian tà
Đức Tin thúc đẩy lời ra ngay lành
Đức Tin hạt cải lớn nhanh
Đức Tin hạt cát xây thành núi cao 

Đức Tin Thiên Chúa trên cao
Đức Tin ơn thánh dạt dào lan ra
Đức Tin hồng thắm trổ hoa
Đức Tin nguồn sống ban ra cho đời 

Đức Tin ở khắp mọi nơi
Đức Tin "Thiên Tử Ngôi Lời" dạy ta
Đức tin dẫn bước về nhà
Đức tin ngay thẳng Chúa Cha chúc lành 

Đức Tin hướng dẫn trung thành
Đức Tin tuyệt đối ngọn ngành phúc vinh
Đức Tin giữ trọn ân tình
Đức Tin Con Chúa phục sinh khải hoàn 

Đức tin hồn sẽ hân hoan
Đức tin mở trí khôn ngoan hơn người
Đức Tin tăng vẻ đẹp tươi
Đức Tin rạng rỡ môi cười cao sang 

Đức Tin mở cửa Thiên Đàng
Đức Tin vui sống nhẹ nhàng nên thơ
Đức Tin Thiên Chúa phụng thờ
Đức Tin đẹp mãi Ngài chờ mong con.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Đọc thêm những bài cùng chủ đề:

Bài 14: Thần học từ dưới lên giúp đọc Thánh Kinh

Bài 13: Thiên Chúa không thinh lặng trong Kinh Thánh

Bài 12: Cách chia sẻ Kinh Thánh với các bạn Tin Lành

Bài 11. Gặp Chúa Cha trong Thánh Kinh

Bài 10. Cách chia sẻ Lời Chúa

Bài 09. Chúa Thánh Thần khi cầu nguyện với Kinh Thánh

Bài 08. Ai có quyền giải thích Kinh Thánh?

Bài 07. Kinh Thánh giúp biết Chúa Giêsu

Bài 06. Học cầu nguyện với Kinh Thánh nơi nhà tĩnh tâm

Bài 05. Tiến trình cầu nguyện với Kinh Thánh theo thánh I-nhã

Bài 04. 10 khó khăn và giải pháp giúp đọc Thánh Kinh

Bài 03. Đọc Kinh Thánh theo phương pháp Lectio Divina

Bài 02. Đọc thư tình Kinh Thánh theo phương pháp nhập cảnh

Bài 01. Kinh Thánh là bức thư tình dành cho bạn

 


[2] Thông Điệp Deus Caritas Est (25-12-2005), 1: AAS 98 (2006), 217.

[3] Từ điển Công giáo, mục từ Đức Tin.

[4] Tông huấn “Lời Chúa” (Verbum Domini) của Đức giáo hoàng Bênêđitô XVI

[6] Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 147

[7] Thánh Tôma Aquinô, S. Th. II-II, q. 188, a. 6.

[8] Tông huấn Verbum Domini, số 103 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây