Người ấy là ai? Ta thường hỏi mỗi khi có một người xuất hiện phi thường, xuất chúng. Một câu hỏi để xác minh nơi chốn sinh ra, nơi chốn gia đình sinh sống, nghề nghiệp, rất nhiều chi tiết về một con người. Những câu hỏi để biết đích thực đó là ai, có thật không? Vậy mà Nathanael lại nói một câu cần suy nghĩ: “Nazareth có gì hay đâu!” (Ga 1, 46)
Câu nói của Nathanael nói theo cách mà ông biết từ miền quê Nazareth thời bấy giờ. Nhà sử học James Strange cho biết Nazareth lúc Chúa Giêsu ở đó khoảng chừng 480 người, một số dân quá ít làm sao mà có nổi một nhân tài xuất hiện. Đúng là theo quan niệm nếu xét về dân số và đúng với lời loan báo: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5, 1).
Câu nói của Nathanael lại có một ý khác, cay đắng cho những người tự ái: Chúa đâu có làm được phép lạ nào ở đây (Mc 6, 5), những người làng cùng quê muốn xô Chúa xuống vực, có gì hay đâu? (Lc 4, 29). Có lẽ ta cũng nói theo kiểu cách của những người xem thường người khác vì tính tự ái như vậy: “Có gì hay đâu với người này, người kia, khi họ được tôn vinh?”
Một ý khác trong câu nói của Nathanael, đó là một bí mật về Đấng Cứu Thế. Có lẽ ta cũng thế, nếu không tìm gặp Chúa Giêsu, không ngồi học vời Người trong đời sống cầu nguyện, ta cũng sẽ nói, có gì hay đâu về Chúa. Bình thường thôi, với những đòi buộc, lề luật và có khi lắm rắc rối khi bị mấy ông cha xứ đe nạt khi có việc tang, hôn, lễ giỗ. Thật chẳng có gì hay, khi ta không gặp Chúa, để biết rằng mấy ông kinh sư, biệt phái, thượng tế thời ấy cũng đã từng xua đuổi và tìm cách loại trừ Chúa.
Nathanael tìm gặp Chúa để thấy rằng: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi.Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa” (Tv 139 1 – 2). Muốn biết Chúa, ta không thể là người ngoài cuộc để nhìn vào giống như những người làng quê của Người năm xưa: “Ngay cả anh em Người cũng không tin vào Người” (Ga 7, 5).
Muốn biết Chúa là ai? Cần thiết sống với Người qua nhịp thở của kinh nguỵên, đời sống cầu nguyện, kín múc nơi Người sự sống và tình yêu. Khi tình yêu đủ lớn ta sẽ biết Người là ai, và ta sẽ sống sự sống dồi dào Chúa ban.
“Xin cho con biết Chúa để con biết con” (Augustine)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan