Niềm tin vào Trời dường như là phổ quát, con người tin rằng Trời là Vị Thần Linh Tối Cao, Trời làm nên vũ trụ sinh linh, coi sóc và bảo trì vạn vật. Trời biểu hiện cho quyền năng tối thượng, siêu tại, vĩnh hằng, không bao giờ vạn vật dưới đất này chạm đến được.
Trời không chỉ cõi mung lung, tiến xa hơn, Trời còn là một chủ vị. Người Việt Nam gọi Trời có khi là Bà Thiên sau này còn gọi là Ông Trời. Gắn liền với tâm thức Mẫu, người Việt gọi Trời là Bà Thiên. Bà Thiên, một cụm từ để gọi cách gần gũi, thực tế đối với tâm thức người Việt, Trời không xa cách nhân, Trời là bà mẹ luôn bênh đỡ nhân, bởi vì Trời sinh nên Trời dưỡng.
Trời có một chủ vị mà người Athène gọi là Đâng Vô Danh, Thánh Phaolô đã thuyết giảng hùng hồn về Đấng Vô Danh ấy là Thiên Chúa: “Đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói: "Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: "Kính thần vô danh". Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.
"Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: "Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người” (Cv 17, 23 -26).
Trời ấy, không phải là bầu trời thể lý, không phải là Đất. Trời biểu thị ngai vàng Thiên Chúa ngự; Trời ấy, Thiên Chúa là Chúa của Trời cao. Trong bản dịch LXX, dịch trời ở số nhiều chỉ bầu trời nơi Chúa ngự, trong Tân Ước Trời chỉ về Nước Trời hay Nước Thiên Chúa.
Chúa của Trời cao: Tư tưởng này hình thành trong Cựu Ước, Môisê đã không được mac khải chính Danh mà chỉ được cho biết Danh Giavê: “Đấng Tự Hữu”, “Ta là Đấng Ta là”; các tổ phụ và các tiên tri đã không dám gọi đích Danh mà gọi trại đi là Chúa, Đức Chúa, dần dần trong truyền thống Do Thái, khi giao lưu với văn hóa khác, họ gọi là Chúa Trời thông dụng trong thời đại Ba Tư: “Trời canh giữ chúng ta, không cho từ bỏ giới luật và những điều phải giữ” (1M 2, 21)[1]. Sau đó một thời gian, một tác giả được thánh hóa cũng quy cho trời những mối quan tâm đặc biệt của Giavê (2M 2, 21).
Chúa Trời: Từ ngữ được dùng đầu tiên do cha Matteo Ricci (1552 – 1610) trong cuốn “Thiên Chủ thực nghĩa”. Đức Chúa Trời được cha Alexandre de Rhodes, áp dụng từ phạm trù Thiên của Trung Hoa, cũng như phạm trù ông Trời của Việt Nam để gọi về Chúa cho người Việt Nam. Theo Hán tự, chữ Thiên biểu thị điều linh thiêng con người đội trên đầu mình. Đó là sự bao la không dò thấu, là những nguyên lý chi phối các tiết điệu trong vũ trụ, là nơi đầy tràn ánh sáng. Trời siêu việt ấy bảo đảm cho nhân (con người), để con người được sống và sống dồi dào. Trời ở rất xa nhân nhưng cũng rất gần với nhân: “Không có trời ai ở với ai”.
Ông Trời được giảng nghĩa và hội nhập với đức tin vào Đức Chúa Trời. Chúa của các ông trời, Thiên Chúa chỉ về Chúa Cha: “Hãy tạ ơn Chúa các chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” Tv 136, 3). Thiên Chúa chỉ về Chúa Giêsu: “Chúa của các chúa” (Kh 19, 16).
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
[1] Bản văn The New Jerusalem bible, bản Standard Edition, London,1985: “May Heaven preserve us from forsaking the Law and its observances”, với dòng chú thích: “A common biblical expression, here, as elsewhere in the book, standing for “God”.