TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Học hỏi Sứ điệp Truyền thông xã hội -2023

Thứ tư - 08/03/2023 19:18 | Tác giả bài viết: UB Truyền thông xã hội |   583
Trước khi công bố sự thật, cần phải nghe thấy nhịp tim của người khác trong chính trái tim của mình…

HỌC HỎI SỨ ĐIỆP
NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI NĂM 2023

 

vn090323a

 

WHĐ (08.3.2023) – Trước khi công bố sự thật, cần phải nghe thấy nhịp tim của người khác trong chính trái tim của mình…

1. Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 là gì?

Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 là “Nói bằng trái tim - Sự thật trong tình yêu”.

2. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội của ba năm 2021, 2022 và 2023 được  liên kết với nhau như thế nào?

Chủ đề của 3 sứ điệp này lần lượt đi theo 3 nhịp của truyền thông: Đến để xem, để lắng nghe, và để nói bằng trái tim. “Bằng trái tim” chính là mối dây liên kết cho 3 nhịp: đến xem, nghe và nói.

3. Để có động lực giao tiếp thân tình, người ta cần phải thực tập lắng nghe bằng trái tim như thế nào?

Để có động lực giao tiếp thân tình, người ta cần phải thực tập lắng nghe cách kiên nhẫn với con tim trong sáng và không tiên quyết khẳng định quan điểm của mình, nhờ vậy mới có thể nói lên sự thật trong tình yêu và giao tiếp được với nhau cách thân tình.

4. Có nên sợ hãi khi phải công bố sự thật không?

Đừng sợ phải công bố sự thật, cho dù có khi sự thật không dễ chịu, nhưng hãy sợ rằng chúng ta công bố sự thật mà không có bác ái, không có trái tim. Trước khi công bố sự thật, cần phải nghe thấy nhịp tim của người khác trong chính trái tim của mình, khiến mình nhìn họ với lòng thương cảm, đón nhận những yếu đuối của họ với sự tôn trọng, thay vì phán xét họ qua tin đồn rồi gieo rắc bất hòa chia rẽ cách đáng sợ. 

5. Tại sao cần phải thanh tẩy tâm hồn để có thể thông truyền chân lý trong yêu thương?

“Vì trong lòng có đầy, thì miệng mới nói ra”  (x. Lc 6,45). Chỉ khi biết lắng nghe và nói bằng một trái tim trong sáng, ta mới có thể biết phân định cách chính xác mà nhìn xa hơn những vẻ bề ngoài, vượt qua những ồn ào hỗn độn của thế giới đầy phức tạp, tránh được những  kiểu nói đầy phẫn nộ hoặc thờ ơ phát sinh từ những thông tin sai lệch.

6. Như vậy, giao tiếp thân tình có nghĩa là gì?

Như vậy, giao tiếp thân tình có nghĩa là thông cảm và chia sẻ mọi nỗi niềm vui buồn với những con người của thời đại chúng ta, để cho những người đọc hoặc lắng nghe chúng ta đều hiểu được sự cảm thông này.

Những người nói chuyện theo cách thức ấy sẽ yêu thương tha nhân vì họ quan tâm bảo vệ quyền tự do của người khác, giống như Chúa Giêsu trên đường Emmaus nói chuyện với hai môn đệ bằng trái tim. Ngài đồng hành, tôn trọng, đề nghị chứ không áp đặt. Ngài âu yếm mở trí cho họ hiểu ý nghĩa sâu xa của những gì đã xảy ra, khiến họ vui mừng thấy tâm hồn mình bừng cháy (x. Lc 24,32). Những cuộc trò chuyện thân thiện như thế có thể mở được lối vào trong cả những trái tim cứng cỏi nhất.

7. Thánh Phanxicô Salêsiô đã là mẫu gương “nói bằng trái tim” như thế nào?

Thánh Phanxicô Salêsiô có thái độ hiền lành, nhân bản, kiên nhẫn khi đối thoại và thể hiện lòng thương xót của Chúa với mọi người, đặc biệt với những người bất đồng ý kiến. Ngài cho rằng “cứ yêu thương cho thật tốt đẹp thì sẽ nói hay, nói tốt”, và cứ để cho “trái tim nói với trái tim”, nhờ đó, ngài đã làm cho tiến trình hiệp nhất tinh tế và mạnh mẽ được thực hiện, khiến cho người ta cảm nhận được chính Thiên Chúa qua các cuộc giao tiếp.

8. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mơ ước Hội Thánh có một nền truyền thông như thế nào?

Đức Giáo hoàng mơ ước Hội Thánh có một nền truyền thông biết để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, biết khiêm tốn, chăm chú và cởi mở lắng nghe không thành kiến, biết gần gũi, cảm thông và dịu dàng, vỗ về các tâm hồn, xoa dịu những vết thương và thể hiện tính ngôn sứ để soi sáng hành trình của con người với những cách thức và phương tiện mới cho sứ mạng loan báo Tin Mừng, đặc biệt quan tâm đến những người túng thiếu nhất, và luôn thẳng thắn nói lời chân lý trong tình bác ái.

9. Cần phải thúc đẩy một ngôn ngữ hòa bình như thế nào trong bối cảnh xung đột toàn cầu hiện nay? 

 

Cần phải loại bỏ mọi luận điệu hiếu chiến, cũng như mọi hình thức tuyên truyền xuyên tạc bóp méo sự thật. Cần phải duy trì một hình thức truyền thông không mang tính thù địch, xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau, khởi đi từ những giao tiếp không cố thủ hay khép kín, nhưng táo bạo và sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro hầu tìm ra điểm chung để gặp gỡ. Cần thúc đẩy việc giải trừ quân bị toàn diện, và giải giáp tâm hồn bằng cách thường xuyên hoán cải và sám hối để nuôi dưỡng một nền văn hóa hòa bình ở những nơi có chiến tranh, thù hận.
Ủy ban Truyền thông xã hội / HĐGMVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây