Trong Hội thảo, các tham dự viên nhìn lại các hoạt động dấn thân của 25 Caritas địa phương, đặc biệt trong thời điểm đại dịch. Bao gồm việc hỗ trợ các nạn nhân của các thảm họa thiên nhiên lớn, trợ giúp các em học sinh ở Kyrgyzstan, giúp đỡ những người tị nạn Rohingya ở Bangladesh. Caritas còn quan tâm đến Myanmar bị chia cắt bởi cuộc đảo chính quân sự, Indonesia đối mặt với hậu quả của vụ phun trào núi lửa Semeru và Pakistan với những khó khăn trong việc chào đón người tị nạn Afghanistan sau khi Taliban trở lại. Các quốc gia này hiện là một trong những nơi có những vấn đề quan trọng nghiêm trọng nhất ở châu Á.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Aloisius John, Tổng Thư ký Caritas Quốc tế khẳng định rằng tất cả những hoạt động này là chứng tá tình yêu của Giáo hội đối với người nghèo. Ông cũng bày tỏ tình liên đới với các quốc gia này và nhắc lại sự đóng góp và dấn thân dành cho những người rốt cùng trong số 25 Caritas địa phương tập hợp kể từ năm 1999 tại Caritas châu Á.
Ra đời chủ yếu để đối phó với những thảm họa thiên nhiên lớn thường xuyên xảy ra trên lục địa, Caritas châu Á hoạt động trong một bối cảnh đa dạng rộng lớn, vì các điều kiện kinh tế, xã hội và tôn giáo và trong đó có chứng tá “cho tình yêu và sự quan tâm của Giáo hội đối với người nghèo không phân biệt tôn giáo”.
Ông Benedict Alo D'Rozario, Chủ tịch Caritas châu Á nhận định rằng, ở những nơi có hoạt động của mình, Caritas đã cho thấy bác ái có thể là nền tảng cho đối thoại và là “ngọn hải đăng của tình yêu, hy vọng, niềm vui và hòa bình”. Ông nhắc lại rằng đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng sự dễ bị tổn thương của những người vốn đã gặp nhiều khó khăn và khiến người nghèo càng trở nên nghèo hơn, nhưng nó cũng tạo ra những cơ hội mới để liên đới và những cơ hội mới để “phục vụ nhân loại”.
Zar Gomez, điều phối viên khu vực của Caritas châu Á cũng nhấn mạnh những thách đố giúp tăng cường sự đồng hành của Caritas với các cộng đồng và xã hội châu Á hướng tới sự phát triển con người toàn diện.
Ngọc Yến - Vatican News