TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh Lễ Đêm Phục Sinh: "Hồi nhớ và lên đường"

Thứ bảy - 08/04/2023 21:11 | Tác giả bài viết: |   675
Tin Mừng thuật lại rằng các phụ nữ “đi thăm mộ” (Mt 28:1). Họ nghĩ rằng Chúa Giê-su đang ở nơi chết chóc và rằng mọi sự đã chấm dứt mãi mãi.
Thánh Lễ Đêm Phục Sinh: "Hồi nhớ và lên đường"

Thánh Lễ Đêm Phục Sinh: "Hồi nhớ và lên đường"

 

Bài giảng Thánh Lễ Đêm Phục Sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đêm sắp tàn và những ánh bình minh đầu tiên ló rạng, khi những người phụ nữ lên đường hướng về mộ Chúa Giêsu, họ tiến bước một cách bấp bênh, lạc lối, với trái tim bị xé nát bởi nỗi đau của cái chết đã cướp đi Đấng Yêu Dấu. Nhưng đến nơi, thấy mồ trống, họ đã quay lại, đổi hướng; họ rời khỏi mộ và chạy đi loan báo một hành trình mới cho các môn đệ: Chúa Giêsu đã sống lại và đang đợi các ông ở Galilê. Cuộc đời của những người phụ nữ này thực sự đã phục sinh, có nghĩa là một cuộc vượt qua: thực tế, họ đi từ con đường buồn bã tới ngôi mộ đến việc chạy đi loan báo cho các môn đệ trong niềm vui, để nói với họ không chỉ rằng Chúa đã sống lại, mà còn có một đích đến cần thực hiện ngay lập tức, Galilê. Cuộc hẹn với Đấng Phục Sinh ở phía trước, Đấng Phục Sinh dẫn đường tới đó. Sự tái sinh của các môn đệ, sự sống lại của tâm hồn họ trải qua từ Galilê. Chúng ta cũng bước vào cuộc hành trình của các môn đệ đi từ ngôi mộ đến Galilê.

Tin Mừng thuật lại rằng các phụ nữ “đi thăm mộ” (Mt 28:1). Họ nghĩ rằng Chúa Giê-su đang ở nơi chết chóc và rằng mọi sự đã chấm dứt mãi mãi. Đôi khi chúng ta cũng nghĩ rằng niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu đã thuộc về quá khứ, trong khi hiện tại chúng ta biết trên hết là những ngôi mộ bị niêm phong: những nỗi thất vọng, những cay đắng và ngờ vực của chúng ta, những nỗi niềm “không còn làm được gì nữa”, “mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi”, “tốt hơn hết là sống cho qua ngày” bởi vì “không có gì chắc chắn về ngày mai”. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta từng bị đau đớn dày xéo, bị đè nén bởi nỗi buồn, tủi nhục vì tội lỗi, cay đắng vì thất bại nào đó hay ám ảnh bởi ưu tư nào đó, đã nếm trải vị đắng của mệt mỏi và đã thấy niềm vui phai nhạt trong lòng.

Đôi khi chúng ta chỉ đơn giản là cảm thấy mệt mỏi khi tiếp tục với cuộc sống hàng ngày, mệt mỏi khi mạo hiểm bản thân trước bức tường cao su của một thế giới nơi quy luật của kẻ khôn khéo nhất và kẻ mạnh nhất dường như luôn thắng thế. Vào những lúc khác, chúng ta cảm thấy bất lực và nản lòng trước sức mạnh của sự dữ, những xung đột chia rẽ các mối quan hệ, logic của tính toán và sự thờ ơ dường như chi phối xã hội, căn bệnh tham nhũng, bất công tràn lan, các cơn gió băng giá của chiến tranh. Và, thêm nữa, có lẽ chúng ta đã thấy mình đối mặt với cái chết, bởi vì nó đã cướp đi sự hiện diện ngọt ngào của những người thân yêu của chúng ta hoặc vì nó đã chạm vào chúng ta trong bệnh tật hoặc tai họa, và chúng ta dễ dàng trở thành con mồi của sự vỡ mộng và dập tắt nguồn hy vọng của chúng ta. Do đó, trong những tình huống này hay những tình huống khác, con đường của chúng ta dừng lại trước những ngôi mộ và chúng ta bất động khóc lóc và hối tiếc, cô đơn và bất lực để lặp lại câu “tại sao” của mình.

Thay vào đó, các phụ nữ trong ngày Phục sinh không bị tê liệt trước ngôi mộ, nhưng Tin Mừng kể lại, “vội vã rời khỏi mộ, vừa sợ vừa mừng, họ chạy đi báo tin cho các môn đệ của Người” (c. 8). Họ mang đến tin tức sẽ thay đổi cuộc sống và lịch sử mãi mãi: Chúa Kitô đã sống lại! (xem câu 6). Đồng thời, họ giữ và truyền đi lời của Chúa, lời mời gọi của Người cho các môn đệ: hãy đi đến Galilê, vì ở đó họ sẽ được gặp Người (x. c. 7). Nhưng đi đến Ga-li-lê nghĩa là gì? Hai điều: một mặt, thoát ra khỏi sự đóng cửa của phòng tiệc ly để đi đến vùng dân ngoại (x. Mt 4:15), thoát ra khỏi nơi ẩn náu để mở lòng với sứ vụ, thoát khỏi sợ hãi để tiến về phía tương lai. Mặt khác, nó có nghĩa là trở về cội nguồn, bởi vì tất cả đã bắt đầu ở Galilê. Tại đó Chúa đã gặp và gọi các môn đệ lần đầu tiên. Vì thế, đi đến Galilê là trở về với ân sủng nguyên thủy, là để lấy lại ký ức làm tái sinh niềm hy vọng, “ký ức của tương lai” mà chúng ta đã được đánh dấu bởi Đấng Phục Sinh.

Vậy, sự Phục Sinh của Chúa có tác dụng gì? Nó thúc đẩy chúng ta tiến tới, thoát ra khỏi cảm giác thất bại, lăn tảng đá khỏi ngôi mộ mà chúng ta thường giam hãm niềm hy vọng của mình, để tin tưởng nhìn về tương lai, bởi vì Chúa Kitô đã sống lại và đã thay đổi hướng của câu chuyện; nhưng, để làm được điều này, sự Phục Sinh của Chúa đưa chúng ta trở lại quá khứ ân sủng, đưa chúng ta trở lại Galilê, nơi bắt đầu câu chuyện tình yêu của chúng ta với Chúa Giêsu, nghĩa là, nó đòi hỏi chúng ta sống lại khoảnh khắc đó, hoàn cảnh đó, kinh nghiệm đó, nơi chúng ta đã gặp Chúa, cảm nghiệm được tình yêu của Người và nhận được một cái nhìn mới và sáng ngời về chính chúng ta, về thực tại, về mầu nhiệm của cuộc sống. Để sống lại, để bắt đầu lại, để tiếp tục cuộc hành trình, chúng ta luôn cần phải trở về Galilê, nghĩa là không phải trở lại với một Chúa Giêsu lý tưởng, trừu tượng, mà là trở về với ký ức sống động, cụ thể và rung động của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Người. Vâng, thưa anh chị em, phải nhớ rằng khi bước đi, chúng ta phải hồi nhớ; để có hy vọng, chúng ta phải nuôi dưỡng ký ức. Đây là lời mời gọi: hồi nhớ và lên đường! Nếu bạn tìm lại được tình yêu ban đầu, sự ngạc nhiên và niềm vui khi gặp Chúa, thì bạn sẽ tiến bước. Hồi nhớ và lên đường.

Hãy hồi nhớ Galilê của bạn và tiến về phía Galilê của bạn. Đó là “nơi” mà bạn đã gặp gỡ Chúa Giêsu cách cá vị, nơi mà đối với bạn, Người không còn là một nhân vật lịch sử như những người khác, nhưng đã trở thành con người của sự sống: không phải là một Thiên Chúa xa lạ, mà là một Thiên Chúa gần gũi, biết bạn hơn bất kỳ ai khác và yêu bạn hơn bất kỳ ai khác. Anh chị em, hãy nhớ về Galilê của anh chị em: về tiếng gọi của anh chị em, về Lời Chúa mà trong chính thời điểm đó đã nói với chính anh chị em; về kinh nghiệm mạnh mẽ đó trong Thần Khí, về niềm vui lớn lao nhất của sự tha thứ được cảm nhận sau lần Xưng tội đó, về khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khó quên đó, về ánh sáng chiếu rọi bên trong và biến đổi cuộc đời bạn, về cuộc gặp gỡ đó, về cuộc hành hương đó… Mỗi chúng ta biết nơi phục sinh nội tâm của chính mình, nơi khởi đầu, nơi sáng lập, nơi đã thay đổi mọi thứ. Chúng ta không thể để nó lại chỗ quá khứ, nhưng Đấng Phục Sinh mời gọi chúng ta đến đó để mừng Phục Sinh. Hãy nhớ Galilê của bạn, nhớ đến nó, làm sống lại nó hôm nay. Quay trở lại cuộc gặp gỡ đầu tiên đó. Hãy tự hỏi xem điều đó đã xảy ra như thế nào và khi nào, hãy làm sống lại bối cảnh, thời gian và địa điểm đó, trải nghiệm lại những cảm xúc và cảm giác đó, hồi tưởng lại màu sắc và hương vị của nó. Vì chính khi quên đi tình yêu thuở ban đầu ấy, quên đi lần gặp gỡ đầu tiên ấy, là khi bạn để bụi bặm bắt đầu bám vào tim và nếm trải nỗi buồn và, giống như các môn đệ, mọi thứ dường như chẳng còn triển vọng, với một hy vọng bị niêm phong bằng đá tảng. Nhưng hôm nay, sức mạnh Phục sinh mời bạn hãy lăn đi những tảng đá thất vọng và ngờ vực. Chính Chúa, chuyên gia trong việc lật đổ các bia mộ của tội lỗi và sợ hãi, muốn soi sáng ký ức thánh thiện, ký ức đẹp đẽ nhất của bạn, làm cho cuộc gặp gỡ đầu tiên của bạn với Người trở về hiện tại. Hồi nhớ và lên đường: hãy trở lại với Người, trở lại với ân sủng Phục Sinh của Chúa trong bạn!

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy theo Chúa Giêsu đến Galilê, chúng ta hãy gặp gỡ Người và thờ lạy Người ở đó, nơi Người đang chờ đợi mỗi chúng ta. Chúng ta, sau khi đã khám phá ra Người vẫn sống, hãy làm sống lại vẻ đẹp của lúc chúng ta đã tuyên xưng Người là Chúa của cuộc đời chúng ta. Hãy trở lại Galilê, mỗi người trở lại Galilê của chính mình, Galilê của lần gặp gỡ đầu tiên, và sống lại đời sống mới!

Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây