TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

THĐ: Internet, lãnh thổ truyền giáo mới

Thứ ba - 17/10/2023 00:44 | Tác giả bài viết: |   265
Đối với Giáo hội, internet không chỉ là một công cụ loan báo Tin Mừng mà còn là một lãnh thổ truyền giáo mới,
THĐ: Internet, lãnh thổ truyền giáo mới

THƯỢNG HỘI ĐỒNG:
INTERNET, LÃNH THỔ TRUYỀN GIÁO MỚI, GIỚI TRẺ MỞ ĐƯỜNG

Đức Hồng Y Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng đã khai mạc phiên họp chung lần thứ tám vào thứ Sáu 13/10/2023, bằng cách giới thiệu cuộc thảo luận về phần B2 của Tài liệu làm việc, dành cho công cuộc truyền giáo: “lục địa kỹ thuật số” không chỉ là một công cụ loan báo Tin Mừng; nó thay đổi cách sống của chúng ta. Công việc cũng sẽ tập trung vào việc thăng tiến “phẩm giá phép rửa của phụ nữ” và vào thừa tác vụ giám mục “hiệp hành”.

Đối với Giáo hội, internet không chỉ là một công cụ loan báo Tin Mừng mà còn là một lãnh thổ truyền giáo mới, “bởi vì nó biến đổi cách sống, cách nhận thức thực tại và trải nghiệm các mối quan hệ của chúng ta”. Đây là điều mà Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich đã nhấn mạnh trong đại hội Thượng Hội đồng, giải thích rằng “nhiều người trong chúng ta không thể trở thành những người hướng dẫn trong những bối cảnh truyền giáo mới này”, nhưng “chúng ta cần được hướng dẫn bởi những người sống trong lục địa kỹ thuật số’. Hầu hết các Giám mục, ngay cả khi một số đã thành công trên mạng, “học hỏi từ các thành viên trẻ hơn của Dân Thiên Chúa”. Bởi vì tất cả những người đã được rửa tội “có sự đóng góp không thể thay thế được” trong các khía cạnh khác nhau của sứ mạng của Giáo hội.

Giai đoạn làm việc thứ ba

Sau chuyến viếng thăm, Thứ Năm ngày 12 tháng 10, tới các hang toại đạo thánh Sébastien, thánh Calistô và Domitilla, Đức Hồng Y Tổng Giám mục Luxembourg, tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, đã khai mạc công việc của phiên họp chung lần thứ tám, nêu lên một số điểm nổi bật, vào thứ Sáu ngày 13/10/2023, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô, và giới thiệu phần thứ ba của đại hội. “Đồng trách nhiệm trong sứ mạng. Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ những hồng ân và nhiệm vụ phục vụ Tin Mừng? ” là chủ đề của phần B2 của Tài liệu làm việc, tài liệu đóng vai trò là khuôn khổ cho công việc của các thành viên Thượng Hội đồng, trong đó các cuộc thảo luận trong các nhóm nhỏ– bắt đầu từ thứ Sáu ngày 13 – và các bài tham luận chung sẽ tập trung.

Đức Hồng Y Mario Grech: hai ngày thứ Sáu thần học tại vương cung thánh đường thánh Phêrô

Sau lời cầu nguyện buổi sáng, Đức Hồng Y Hollerich được giới thiệu bởi Đức Hồng Y Tổng Thư ký Mario Grech, người nhắc lại sáng kiến ​​được Vương cung thánh đường Thánh Phêrô thúc đẩy nhân dịp Thượng Hội đồng, cụ thể là hai buổi tối nghiên cứu thần học về tính hiệp hành, mở cửa cho tất cả mọi người, thứ Sáu ngày 13 và thứ Sáu ngày 20, từ 7 giờ tối đến 8 giờ 30 tối, tại bàn thờ Ngai Tòa trong vương cung thánh đường Vatican. Vài lời của Mario Grech và lời giới thiệu của chủ tịch đại biểu, Nữ tu Maria De Los Dolores Palencia Gomes, thuộc Tu hội Thánh Giuse Carondelet, được tiếp nối bằng bài phát biểu của Đức Hồng Y Jean Claude Hollerich, và kèm theo một khoảng lặng im lặng, đọc các đoạn trích từ Tin Mừng Luca (11, 27-28) và Sách Công vụ Tông đồ, bài suy niệm Thánh Kinh của Mẹ Ignazia Angelini và một “soi sáng thần học” của Giáo sư Carlos Galli. Sau đó, các thành viên của Thượng Hội đồng đã có thể lắng nghe ba chứng từ chia sẻ kinh nghiệm của các Giáo hội địa phương liên quan đến các chủ đề của giai đoạn thứ ba của công việc.

Một Thượng hội đồng dành cho các tín hữu mọi thời đại

Đức Hồng Y Hollerich trước tiên nhấn mạnh rằng “nhiều điều đã được thực hiện” bằng việc cùng nhau bước đi, trong khi kể từ đêm canh thức đại kết “chưa đầy hai tuần trôi qua!” Cùng nhau, các tham dự viên Thượng Hội đồng về tính hiệp hành đã thực hiện một chuyến hành hương đến các hang toại đạo “nơi cho phép chúng ta tiếp xúc gần gũi hơn với các Kitô hữu của cộng đồng sơ khai và đặc biệt với các vị tử đạo, những người đã hiến mạng sống để chúng ta có thể nhận được đức tin”. Đức tin vào Chúa này, vị Tổng tường trình viên nói tiếp, “kết hợp chúng ta với họ, chúng ta là thành phần của cùng một Giáo hội và chúng tôi chia sẻ cùng một sứ mệnh: loan báo cho thế giới Tin Mừng của Phúc Âm, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa”. Lời cầu nguyện của các vị tử đạo và các tín hữu đi trước chúng ta “nâng đỡ chúng ta và chúng ta cảm nhận được họ đang đồng hành với chúng ta”. Bởi vì “Thượng hội đồng có sự tham gia của toàn thể Giáo hội, bao gồm những người tin vào Chúa Kitô từ mọi nơi và mọi thời”.

Truyền giáo và Hiệp thông

Do đó, chủ đề của phần thứ ba này là sứ mạng. Đức Hồng Y Hollerich nhắc lại rằng ở tất cả các cấp độ của tiến trình hiệp hành, người ta đã tái khẳng định một cách hết sức rõ ràng rằng “một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội được sai đi truyền giáo”. Đó là mệnh lệnh của Chúa Kitô dành cho các Tông đồ và “mở rộng đến tất cả các thành viên của Giáo hội tông truyền của chúng ta”. Ngài nhấn mạnh: “Chủ đề truyền giáo đã liên tục xuất hiện trong công việc của phần thứ hai,” vốn dành cho sự hiệp thông, bởi vì sự hiệp thông “không được khép kín nơi chính nó, nhưng được thấm nhuần bởi động lực hướng tới sứ mạng”. Hơn nữa, “mục tiêu của sứ mạng chính là mở rộng lĩnh vực hiệp thông, cho phép ngày càng nhiều người gặp gỡ Chúa và chấp nhận lời mời gọi trở thành một phần của dân Ngài”.

Các nhà truyền giáo trên lục địa kỹ thuật số

Theo Đức Hồng Y Tổng tường trình viên, từ công việc của những ngày gần đây, các tham dự viên Thượng hội đồng có thể rút ra ví dụ từ viễn cảnh của “lục địa kỹ thuật số”, vốn đã là trung tâm của nhiều bài phát biểu. Ngài nhắc lại, nhiều người trong chúng ta “chỉ coi Internet như một công cụ loan báo Tin Mừng. Nhưng nó còn hơn thế nữa, bởi vì nó biến đổi cách sống, cách nhận thức thực tại, cách trải nghiệm các mối quan hệ của chúng ta. Vì thế nó trở thành một lãnh thổ truyền giáo mới.” Đức Hồng Y Jean Claude Hollerich hỏi liệu, giống như thánh Phanxicô Xaviê, chúng ta có “sẵn sàng và chuẩn bị để du hành đến lục địa mới này hay không”. Ngài thừa nhận rằng hầu hết các Giám mục và các tham dự viên khác “không thể là những người hướng dẫn trong những bối cảnh truyền giáo mới này”, nhưng cần “được hướng dẫn bởi những người sống trong lục địa kỹ thuật số”. “Chúng ta, các giám mục, ít nhất là hầu hết chúng ta, không thể là những người tiên phong trong sứ mạng này, nhưng chúng ta học theo con đường được các thành viên trẻ tuổi của Dân Thiên Chúa mở ra”. Đối với Đức Hồng Y của Luxembourg, điều này cũng “giúp chúng ta hiểu lý do tại sao chức danh của chúng ta nói lên tinh thần đồng trách nhiệm trong sứ mạng: tất cả những người đã được rửa tội đều được kêu gọi và có quyền tham gia vào sứ mạng của Giáo hội, tất cả đều có sự đóng góp không thể thay thế được”. Điều này có giá trị “cho lục địa kỹ thuật số”, nhưng “cũng cho các khía cạnh khác trong sứ mạng của Giáo hội”.

Ý nghĩa và nội dung của sứ mạng

Sau đó, Đức Hồng Y Tổng tường trình viên đã xem xét năm hồ sơ liên quan đến phần B2 của Tài liệu làm việc, đồng thời nhắc lại rằng “mỗi nhóm sẽ chỉ giải quyết một hồ sơ, bằng cách tin tưởng vào công việc của các nhóm nhỏ khác trên các hồ sơ còn lại, mà chúng ta sẽ chia sẻ thành quả trong phiên họp toàn thể.”  Hồ sơ đầu tiên liên quan đến “sự cần thiết phải đối mặt với ý nghĩa và nội dung của sứ mạng”, sứ mạng mà trong Giáo hội chúng ta “được truyền tải qua nhiều ngôn ngữ và hình ảnh”. Bởi vì sứ mạng loan báo Tin Mừng “không chỉ liên quan đến môi miệng của chúng ta, mà còn phải liên quan đến nhiều chiều kích trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta”. Vì vậy, “cam kết hướng tới một hệ sinh thái toàn diện, đấu tranh cho công lý và hòa bình, lựa chọn ưu tiên cho người nghèo và những vùng ngoại vi, sẵn sàng cởi mở với tất cả mọi người” là một phần sứ mệnh của Giáo hội.

Tính thừa tác trong Giáo hội

Chủ đề thứ hai liên quan đến “tính thừa tác trong Giáo hội”, trong đó Đức Hồng Y Hollerich đề cập đến các chứng từ vào buổi sáng, để tập trung hơn vào ba chủ đề khác, vốn phải được tiếp cận với sự chú ý đặc biệt. Bởi vì, về ba chủ đề này, “mỗi người chúng ta đều có một quan điểm thiết yếu, nhưng để giải quyết chúng một cách hiệu quả, chúng ta cũng được mời gọi ý thức được tính thiên vị của mình”.

Thăng tiến hơn nữa phẩm giá phép rửa của người nữ

Chủ đề thứ ba liên quan đến việc thăng tiến hơn nữa “phẩm giá phép rửa của người nữ”. Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng “bí tích Rửa tội của người nữ không thua kém gì bí tích Rửa tội của nam giới”. Ngài hỏi, làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng “phụ nữ cảm thấy là một phần không thể thiếu của Giáo hội truyền giáo của chúng ta? Chúng ta những người nam, chúng ta có nhận thấy sự đa dạng và phong phú của các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho phụ nữ không? Hay chúng ta thường bị ràng buộc trong hành vi của mình bởi nền giáo dục mà chúng ta nhận được, bởi môi trường gia đình nơi chúng ta lớn lên, hay bởi những định kiến ​​và khuôn mẫu về văn hóa của chúng ta?” Cuối cùng, “chúng ta có cảm thấy được phong phú thêm hay bị đe dọa” khi “phụ nữ đồng chịu trách nhiệm về sứ mạng của Giáo hội, dựa trên ân sủng phép rửa mà chúng ta chia sẻ?”

Mối liên hệ giữa thừa tác vụ chức thánh và thừa tác vụ phép rửa

Khía cạnh thứ tư có chủ đề là đánh giá cao, từ góc độ truyền giáo, mối quan hệ giữa thừa tác vụ chức thánh và thừa tác vụ phép rửa. Đức Hồng Y Tổng tường trình viên Thượng hội đồng nhắc lại: tất cả chúng ta đều biết, “hình ảnh thân xác được Thánh Phaolô đề xuất. Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận rằng tất cả các bộ phận của cơ thể đều quan trọng không?” Và chấp nhận rằng “Chúa Kitô là đầu của thân thể, và thân thể chỉ có thể hoạt động nếu mỗi bộ phận có mối quan hệ với đầu và các bộ phận khác? Thân thể của Giáo hội chúng ta có khả năng hành động hài hòa hay các bộ phận của nó vặn vẹo theo mọi hướng? ”

Một thừa tác vụ mới của các Giám mục, Hiệp hành và Truyền giáo

Chủ đề thứ năm và cũng là chủ đề cuối cùng liên quan trực tiếp hơn đến các Giám mục, “thừa tác vụ của họ, theo ý muốn của Chúa, cấu trúc sự hiệp thông của Giáo hội” và “sự hiệp thông này phải được đổi mới và cổ vũ” như thế nào để “được thực thi một cách thích hợp với một Giáo hội hiệp hành”. Đây là một câu hỏi chất vấn phần lớn các Nghị phụ Thượng hội đồng, với tư cách là các Giám mục, bởi vì, Đức Cha Hollerich nhấn mạnh, “câu trả lời sẽ có tác động trực tiếp đến đời sống cụ thể của chúng ta, đến cách chúng ta quản lý thời gian của mình, đến các ưu tiên của chương trình nghị sự của chúng ta, dựa trên sự mong đợi của dân Thiên Chúa đối với chúng ta và trên con đường chúng ta hình thành sứ mạng của mình”. Khi các Giám mục thấy mình liên quan sâu xa đến một vấn đề, như Đức Hồng Y Hollerich khuyên, “chúng ta cần can đảm hơn nữa để lùi lại để chân thành lắng nghe người khác, dành chỗ cho lời nói của họ trong chúng ta và tự hỏi mình xem Chúa Thánh Thần gợi ý cho chúng ta điều gì thông qua họ”. Điều này có giá trị cho cả việc lắng nghe “những người không phải là Giám mục, và do đó có quan điểm khác, nhưng cũng có giá trị cho việc lắng nghe các Giám mục khác”, bởi vì mỗi người “có cách làm Giám mục riêng của mình”.

Lắng nghe và nhường chỗ cho lời nói của người khác

Đức Hồng Y của Luxembourg kết thúc phần giới thiệu của mình bằng một số gợi ý liên quan đến phương pháp làm việc trong đại hội. Bắt đầu bằng việc nhấn mạnh sự cần thiết phải “nhường chỗ cho lời nói của người khác”, bởi vì “phương pháp trò chuyện trong Thánh Thần trở nên quen thuộc hơn với chúng ta”. Và nhấn mạnh sự mệt mỏi mà các nhóm nhỏ phải trải qua trong loạt bài tham luận thứ hai, khi mọi người phải “gạt quan điểm, suy nghĩ của mình sang một bên để chú ý đến những âm vang mà việc lắng nghe người khác khơi dậy trong mình”. Thật vậy, nó không phải là “phần kéo dài của loạt đầu tiên, mà là cơ hội để mở ra những điều gì đó mới mẻ, mà có lẽ chúng ta chưa bao giờ xem xét theo cách này”.

Luôn trình bày những điểm đồng nhất và khác nhau

Sự chú ý lắng nghe vốn “phải được tiếp tục trong các phiên họp chung” là một ân sủng của Chúa Thánh Thần. Trong các phiên họp chung này, “các tham luận tự do phải thể hiện sự vang vọng với những gì các nhóm đã chia sẻ trước đó”. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là các báo cáo của các nhóm và các bài tham luận của các diễn giả trình bày ngày càng nhiều “những điểm đồng nhất và khác biệt, nhưng trên hết là những vấn đề cần được khám phá sâu hơn và những đề xuất để thực hiện các bước cụ thể” nhắm đến khóa họp thứ hai vào năm 2024. Lời mời gọi cuối cùng của Đức Hồng Y là không đưa ra “những câu trả lời vội vàng mà không xem xét tất cả các khía cạnh” của một số điểm chính của Thượng Hội đồng này, và “tham khảo ý kiến các nhà thần học đang ở với chúng ta”, cầu nguyện và đào sâu những vấn đề sẽ được thực hiện cho đến năm 2024.

Alessandro Di Bussolo
Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo nhật báo Vatican News (13.10.2023)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (16.10.2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây