BÀI 115
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CHĂM CHỈ VÀ BIẾT CẦU TIẾN
1. LỜI CHÚA : Tông đồ Phao-lô dạy : “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn ! Thế mà chúng tôi nghe nói : trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. (2 Th 3,10-12).
2. CÂU CHUYỆN : CÀO BẰNG GIÀU NGHÈO NÊN CHĂNG ?
Một giáo sư kinh tế ở một trường Đại học cho biết ông chưa từng đánh trượt một sinh viên nào, nhưng lại đã từng đánh trượt chung cả một lớp học. Học sinh lớp đó kiên quyết cho rằng một xã hội có tổ chức hoàn hảo phải là một xã hội bình đẳng, trong đó không có người giàu kẻ nghèo, vì quyền lợi sẽ được cào bằng tuyệt đối.
Vị giáo sư nói : “Được rồi, vậy lớp mình sẽ tiến hành một thí nghiệm để biết kết quả đúng sai ra sao nhé. Mọi người trong lớp sẽ làm bài và các điểm số của từng bài sẽ được cộng chung chia đều để mọi người đều có điểm số bằng nhau. Do đó sẽ không có ai trong lớp bị thi trượt và cũng không ai được điểm A cả.”
Sau bài kiểm tra đầu tiên, mức điểm trung bình cho cả lớp là B. Những sinh viên chăm chỉ rất buồn, đang khi những sinh viên lười biếng lại rất vui.
Qua bài kiểm tra thứ hai, những sinh viên lười lại lười hơn nên đạt điểm dưới trung bình, đang khi những sinh viên chăm lại chỉ học bài vừa đủ nên chỉ được trung bình. Kết quả số điểm trung bình của cả lớp là D ! Không ai vui cả.
Đến bài kiểm tra thứ ba, điểm trung bình lại là F. Mức điểm không hề tăng lên, và các cuộc cãi vã, buộc tội, tố nhau đã nổ ra nhiều hơn. Các học sinh vốn chăm ngoan đều rất khó chịu và không ai còn muốn cố gắng đạt điểm cao, tránh để kẻ lười biếng không chịu học vẫn được số điểm ngang bằng với mình.
Đến bài thi cuối cùng, tất cả học sinh đều bị trượt, khiến mọi người đều ngỡ ngàng. Giáo sư đã nói với cả lớp rằng : "Thông qua kết quả kiểm tra thì thấy kết quả chung không tốt. Xã hội mà các bạn đang muốn nên tốt do sự cào bằng quyền lợi cũng khó trở thành hiện thực. Vì dù xem ra ý tưởng công bằng cho mọi người rất hấp dẫn, nhưng khi ứng dụng vào thực tế thì mọi người đều thiếu động lực khiến họ cố gắng phấn đấu !"
Cuối cùng giáo sư đã kết luận như sau :
“Bạn không thể làm cho người nghèo trở nên giàu bằng cách làm cho người giàu bị nghèo đi. Người không cần làm gì vẫn có ăn, vẫn được hưởng quyền lợi ngang bằng với mọi người khác, đang khi người chăm chỉ làm việc vất vả lại không được thêm quyền lợi gì. Chính phủ không thể cho người dân này cái gì mà không lấy từ người dân khác. Khi một nửa nhân dân thấy họ không cần phải làm việc, vì đã có phân nửa người khác làm việc thay mình rồi. Còn phân nửa kia lại nghĩ : Mình có cố gắng làm việc đến đâu cũng chẳng thêm lợi ích gì cho mình, vì lợi nhuận làm ra sẽ bị những kẻ lười biếng không chịu làm đoạt mất. Đó chính là kết thúc của xã hội chủ trương cào bằng không tưởng."
3. SUY NIỆM :
Mỗi người chúng ta cần tránh thái độ lười biếng không chịu làm việc với suy nghĩ nông cạn : "Trời sinh voi, sinh cỏ !". Để rồi chỉ biết khoanh tay chờ theo chủ trương của kẻ lười biếng là “há miệng chờ sung rụng”. Không ai được chủ trương lấy của người giàu có được do lao động vất vả, để chia đều cho những kẻ nghèo do lười biếng không chịu làm việc và không khôn ngoan để cầu tiến.
4. SINH HOẠT :
Bạn có đồng ý với quan điểm xây dựng một xã hội bình đẳng, không còn cảnh người bóc lột người, trong đó “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”, bằng cách cào bằng của cải để xã hội không còn người giàu kẻ nghèo hay không ? Tại sao ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho mỗi người chúng con biết chăm chỉ làm việc để có của nuôi thân và còn dư để chia sẻ cho người nghèo đói bệnh tật và bất hạnh. Xin cho chúng con biết góp phần xây dựng một thế giới công bằng và yêu thương theo thánh ý Chúa, kiến tạo xã hội chúng con đang sống được bình an và hạnh phúc.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM