TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kháng chỉ

Thứ hai - 31/05/2021 20:58 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   772



KHÁNG CHỈ

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
 
Kết thúc tuần tĩnh tâm năm, các linh mục giáo phận Ban Mê Thuột đồng tế với Đức Giám mục giáo phận và Đức cha giảng phòng Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn tại khuôn viên Nhà thờ Chính Tòa. Thánh Lễ dâng trọng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Quan thầy của giáo phận. Linh mục bạn tôi, người giảng lễ đã mạch lạc triển khai ba chiều kích đối thần: tin - cậy - mến trong đời chứng nhân của các vị tử đạo Việt Nam. Khi làm rõ sự khác biệt giữa cái chết của các vị tử đạo với những hành vi tự quyên sinh để khủng bố của nhiều người cuồng tín, ngài mời gọi hãy tôn kính các thánh tử đạo qua lòng bao dung hơn là tính anh hùng. Và sau đó ngài mời gọi đoàn tín hữu sống noi gương tổ tiên cụ thể bằng ba cách thế sau:

1. Can đảm giữ đức công bằng và sống liêm chính.
2. Với các tu sĩ nam nữ thì nỗ lực sống ba lời khuyên Phúc Âm là vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh.
3. Bền bỉ chu toàn bổn phận của mình.

Cộng đoàn phụng vụ hôm ấy và cả tôi đều bị cuốn hút bởi sự trôi chảy và cả mạch lạc của phần diễn giảng. Tuy nhiên tôi lại thầm nghĩ rằng nội dung bài giảng thuyết còn thiếu chút gì đó cái trọng tâm của chứng từ “tử đạo”. Nếu nỗ lực sống ba lời khuyên Phúc âm thì các thánh hiển tu có lẽ là tấm gương điển hình hơn. Khi hỏi các mẹ chị rằng mẫu gương chu toàn bổn phận của mình là thánh nào thì các mẹ chị trả lời ngay là thánh nữ Mônica chứ ít có ai trả lời là thánh nữ Anê Lê Thị Thành. Còn chuyện giữ đức công bằng và sống liêm chính ngay giữa đời thường thì các thánh mọi hàng như “Tông đồ, tử đạo, hiển tu…” thảy đều là mẫu gương để chúng ta noi theo.

Vậy, xin có một cái nhìn cách nào đó về sự đặc thù của các thánh tử đạo, cách riêng các thánh tử đạo Việt Nam khởi đi từ lý do chính dẫn đến việc các Ngài phải dùng chính máu của mình, cái chết của mình để làm chứng nhân. Một số người cho rằng các vua quan ngày xưa xử tử các vị tử đạo là vì cho rằng các ngài có liên hệ đến người ngoại quốc. Thế nhưng đọc lịch sử thì tuyệt nhiên không thấy vua quan ra lệnh cho các ngài phải tuyên bố “bỏ Tây”, “đả đảo Phú Lăng Sa” (một tên gọi người Pháp Quốc)… Vua quan chỉ bắt buộc các ngài chối đạo. Nếu ai bước qua thập giá (quá khóa) thì sẽ được sống và có khi sẽ được ban thưởng bổng lộc và chức tước. Và cái tội các thánh tử đạo bị kết án đó là “kháng chỉ” (không tuân lệnh vua). Nhiều vị được quan địa phương thương mến dụ dỗ là chỉ giả vờ bước qua khúc gỗ hình chữ thập để khỏi mắc tội kháng chỉ nhưng các ngài vẫn cương quyết nói không.

Nhiều người khi đã ở ngôi cao, vị trọng thì rất dễ bị cám dỗ tuyệt đối hóa uy quyền của mình. Họ tìm mọi cách thế để tôn vinh vị thế của mình là vạn tuế, là muôn năm, là bất diệt… Qua các luật lệ và thể chế do chính họ đặt ra, họ khách quan hóa cái ý chỉ chủ quan của mình. Khi vua đưa ra chỉ dụ gì bằng văn bản hay thậm chí bằng lời (khẩu dụ) thì đều gọi là thánh chỉ. Thánh chỉ được đồng hóa với ý của trời, chính vì thế ai kháng chỉ thì phải thì phải chịu án hình, thậm chí bị tru di đến ba bốn đời. Khi lời của mình, ý chỉ của mình là ý trời thì cách nào đó tự phong thần phong thánh cho bản thân và rồi tìm mọi cách để không cho bất cứ ai kháng chỉ được tồn tại.

Một cách nào đó, có thể khẳng định rằng tổ tiên anh dũng của chúng ta chịu tử đạo, chủ yếu không phải vì “gắn bó với quê hương dân tộc”, không phải vì “yêu mến tha nhân hết tình”, không phải “vì sống chan hòa nhân ái với mọi người”, và cũng không phải vì đã “chu toàn bổn phận trong các bậc sống từ trong gia đình ra ngoài xã hội”… Các ngài phải đổ máu mình ra chủ yếu chỉ vì lý do “kháng chỉ” mà thôi. Các ngài kháng chỉ vì xác tín rằng dẫu vua quan là những người thay trời hành đạo, cai trị đất nước nhưng vua quan cũng chỉ là con người, chứ không phải là thần, là Đấng Tối Cao. Là con người thì có đó mặt hạn chế và bất toàn. Vì thế không phải bất cứ lệnh gì vua ban ra cũng là “thánh chỉ”, là ý của trời. Nếu lệnh nào theo cái nhìn đức tin mà trái ý Đấng Tối Cao là Thiên Chúa thì các ngài mạnh dạn bất tuân, cương quyết “kháng chỉ” thôi, cho dù máu phải đổ và đầu phải rơi.

Năm thánh tôn kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhân kỷ niệm 30 năm ngày các Ngài được giáo hội nâng lên hàng hiển thánh (1988-2018) đã chấm dứt với các cuộc lễ, nói theo kiểu thời đại là “cực kỳ hoành tráng” tại các giáo phận, các Trung Tâm hành hương như Núi Cúi, La Vang, Sở Kiện. Có Lễ thì có lạc, có đông thì có vui, có diễn nguyện rước xách thì có tâm tình và sự sốt mến. Tuy nhiên thử hỏi tinh thần “tử đạo” của các bậc cha ông có còn kéo dài trong cuộc sống đời thường của Kitô hữu Việt Nam không. Nếu giả như chỉ dừng lại với những lời khuyên dạy là siêng năng đọc kinh, tham dự Thánh Lễ, lãnh nhận các bí tích, ăn ngay ở lành, sống chan hòa thân ái với bà con lương dân, anh chị em khác đạo… thì chắc hẳn sẽ không làm nổi rõ chứng từ tử đạo của các tiền nhân và rồi năm thánh qua đi thì mọi sự vẫn lại y như cũ.

Theo tôi, ngay hôm nay và có lẽ đến muôn đời thì việc tử đạo (làm chứng nhân) của Kitô hữu chúng ta vẫn có và đang còn đó. Vẫn còn đó nhiều lãnh đạo các quốc gia tìm cách tuyệt đối hóa vai vị của mình và qua đó thần thánh hóa bản thân. Họ chỉ là phàm trần thế mà họ luôn xem luật lệ mình đặt ra là thánh chỉ, là ý trời. Ngay cả trong các tập thể tôn giáo, chẳng hạn trong Kitô giáo vẫn còn đó tình trạng xem linh mục, giám mục, các bề trên hội dòng là những người thay mặt Chúa nên ý lời các ngài luôn là ý Chúa và không thể sai lầm!

Vẫn có và đang còn đó nhiều Kitô hữu, nhiều anh chị em lương dân, bà con khác đạo đang bị bách hại khi can đảm “kháng chỉ” trước những luật lệ, cơ chế bất minh, thiếu công bình của các nhà lãnh đạo, đặc biệt ở những quốc gia có nạn độc quyền, độc tài. Họ đang sống tinh thần “tử đạo” vậy. Vẫn từng có đó và đang còn đó nhiều Kitô hữu chịu bách hại khi vì lòng yêu mến Giáo hội đã mạnh dạn góp ý với bề trên. Họ chân thành “kháng chỉ” khi nhận thấy một vài lời giảng dạy, một vài cung cách chăm sóc đoàn chiên của các vị chưa đúng và đẹp thánh ý Chúa. Chuyện “kháng chỉ” rồi bị trù dập là chuyện không hiếm ở nhiều giáo xứ, giáo phận và cả trong giáo hội toàn cầu. Họ có thể sai khi phán đoán hoặc trong cách thế “kháng chỉ”, nhưng họ không bao giờ lầm khi xác tín rằng dù là Tổng Thống hay Thủ Tướng, dù là vua hay quan, là Tổng Bí Thư hay Chủ Tịch nước, dù là giám mục hay linh mục, là Giáo hoàng hay giáo dân, tất thảy đều là con người: “Nhân vô thập toàn”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nhấn mạnh rằng đừng phớt lờ, bỏ qua hay làm giảm nhẹ các tin tức về sự tử đạo ngày nay. Và thiết tưởng cũng xin đừng tổng quát hóa việc sống tinh thần tử đạo bằng sự hãm mình hy sinh trong việc chu toàn bổn phận hằng ngày trong các bậc sống.

Năm thánh kính các thánh Tử Đạo Việt Nam đã khép, Kitô hữu Công giáo Việt Nam cần làm những gì và sống ra sao để đền đáp công ơn của các bậc tiền nhân. Mong sao con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
(24-11-2018)

 Tags: Kháng chỉ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây