TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kính lão đắc thọ

Thứ ba - 06/06/2023 03:38 | Tác giả bài viết: Phương An, CND-CSA |   726
Con thấy người Phương Tây thường gửi ông bà, cha mẹ lớn tuổi vào nhà dưỡng lão. Việt Nam hiện tượng này chưa phổ biến. Vậy Giáo hội nhìn nhận người cao tuổi như thế nào?
Kính lão đắc thọ

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 88: KÍNH LÃO ĐẮC THỌ

Hỏi: Con thấy người Phương Tây thường gửi ông bà, cha mẹ lớn tuổi vào nhà dưỡng lão. Việt Nam hiện tượng này chưa phổ biến. Vậy Giáo hội nhìn nhận người cao tuổi như thế nào?

Trả lời:

Ngày 31.01.2021, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thiết lập ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi. Lễ này sẽ được toàn Giáo hội tổ chức hằng năm vào Chúa nhật thứ tư trong tháng Bảy, gần lễ nhớ “ông bà ngoại của Chúa Giêsu”.

Bạn mến, gia đình nào cũng có ông bà, cha mẹ. Vậy khi họ cao niên thì chúng ta đối đãi với họ như thế nào cho phải đạo? Chúng ta cùng tìm hiểu sơ qua tình trạng người cao niên ở Việt Nam và trên thế giới, sau đó thử xem quan điểm Giáo hội về họ ra sao nhé.

1. Thực trạng và quan điểm

a. Thế giới

Theo thống kê của Hoa Kỳ năm 2019, số người già toàn cầu là 630 triệu. Với đà tuổi thọ trung bình tăng, y học tiến bộ, an sinh xã hội tốt, đến năm 2050 số người cao niên sẽ đạt 2 tỉ, chiếm khoảng 1/5 dân số.

Văn hóa Âu Mỹ quan niệm ở nhà dưỡng lão là bình thường. Nhiều người thích sống yên tĩnh một mình, họ tôn trọng tự do cá nhân của con cháu. Cuối tuần con cháu tới thăm và kể đủ thứ chuyện hoặc thỉnh thoảng gọi điện thoại. Họ đã chuẩn bị cho tuổi già của mình ở nhà dưỡng lão. Nơi đây họ tìm được niềm vui trong việc tập dưỡng sinh, đọc sách báo, coi ti vi hoặc nghe tin tức, tham gia hội người cao tuổi,...

Nhà dưỡng lão có nhiều thiết bị và cơ sở vật chất tiên tiến. Các nước Phương Tây cũng có hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm hưu trí cao để lo cho họ. Tuy nhiên, các ông bà lớn tuổi vẫn luôn mong nhớ con cháu. Khi ở Hungary, nhiều lần tôi đến Nhà Xã Hội địa phương thăm các cụ. Họ cho tôi coi hình và kể: “Đây nè, sơ coi hình gia đình tôi hồi những năm 80”; “Này là ngôi nhà lúc đó của chúng tôi, con tôi hồi nhỏ đó”... Lúc kể chuyện về con cháu, ánh mắt họ sáng lên. Chắc họ vui khi nhớ lại quãng thời gian hạnh phúc bên gia đình. Dẫu có đổ vỡ hay vẹn toàn trong đời sống gia đình, khi về già họ vẫn chờ mong người thân lui tới thăm viếng.

Nhìn chung, tôi thấy ở Đông hay Tây gì thì con người ngày nay dành ít thời gian cho ông bà cha mẹ hơn xưa. Có lẽ phương tiện thông tin và vòng xoáy công việc cuốn họ xa những người thân yêu. Thời gian gần đây trong mùa dịch, ngành y tế không kịp đối phó, trung tâm dưỡng lão trở nên hiu quạnh, nhiều vị cao niên bị bỏ rơi. Vì bị phong tỏa, các ông bà không được ai tới thăm. Nhiều nước đã chích vắc-xin cho các vị cao niên, hy vọng họ sẽ an tâm và được chăm sóc kỹ hơn.

b. Việt Nam

Gia đình Việt thường có ông bà sống chung dưới một mái nhà nhiều thế hệ. Theo tổng cục Dân số của Bộ Y tế năm 2019, người cao tuổi cần hỗ trợ hằng ngày ở nước ta là 4 triệu và dự tính đến năm 2049 số người cần chăm sóc gần 10 triệu.

Ngày nay, nhiều gia đình trẻ phải mưu sinh tại thành phố, thỉnh thoảng mới về quê thăm nội ngoại vào dịp tết, giỗ chạp. Nhiều người chia sẻ việc anh chị em họ phải đắn đo, bàn bạc xem nên quyết định thế nào cho vẹn cả đôi đàng, để ba mẹ không buồn mà mình cũng đỡ áy náy lương tâm. Tôi có chị bạn đang băn khoăn không biết có nên đưa mẹ vô nhà dưỡng lão hay không. Chị độc thân, đi làm tuốt trên thành phố. Mẹ chị thì ở quê. Nhà có mấy chị em nhưng người thì đi nước ngoài, người thì sống với gia đình chồng, mà mẹ chị lại thích ở Việt Nam.

Phần đông người Việt quan niệm việc đưa ông bà vô nhà dưỡng lão là bất hiếu. Trước đây, cứ chiều Chúa nhật tôi thường đi thăm người vô gia cư hoặc các ông bà neo đơn ở các nhà dưỡng lão. Một người bạn đi cùng đã chép miệng than: “Đành rằng nước mắt chảy xuôi nhưng ai đời lại để ông bà sống với người dưng ở nhà dưỡng lão thế này”.

Các cụ ông, cụ bà thường kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện nhỏ:

- À, ông hay đau lưng, nhức chân tay khi trái gió trở trời...

- Hồi đó ông và bà thường làm cái này, cái kia...

- Thiệt mừng ghê vì mấy đứa cháu bà mới gọi điện hỏi thăm nè!

Bạn có thể tưởng tượng hoàn cảnh các ông bà: sức yếu, không nơi nương tựa, có thể không còn người thân hoặc con cháu không thể nuôi dưỡng. Đoàn từ thiện nào đến là họ vui khôn xiết. Có lẽ họ nghĩ: “A đây rồi, có người để trút nỗi lòng!” Dù phải đi xe lăn hay bước chân tập tễnh, các ông bà cũng mau mau ra tập họp để trò chuyện. Trong nhà dưỡng lão nhỏ bé ở quận 8 ở Sài Gòn, tôi thường chú ý đến bà Năm. Vừa nói được vài câu, tôi lại thấy bà cứ ngóng ra cửa, chắc là bà mong con cháu tới thăm lắm. Còn bà Chín thì hay để dành chút bánh kẹo, vài gói trà mà nhà dưỡng lão phát để tặng con cháu khi tụi nó tới...

Sau khi tâm sự, một số câu kết của các ông bà là:

- Từng tuổi này rồi mà còn ăn với uống nỗi gì, chỉ thích có ai để nói chuyện thôi hà!

- Tui mong nhứt là thằng út tới thăm, sao lâu quá không thấy nó...

Có bà còn cho hay: “Mấy đứa con bà lúc này làm ăn khá lắm nhưng chúng lu bu hơn nên chẳng thấy tăm hơi đâu”. Thế là bà khóc như một đứa trẻ. Có cụ ông xác nhận: “Ở chốn này người ta lo cho chúng tôi tương đối đầy đủ nhưng chúng tôi vẫn nhớ con cháu ở xa lắm”… Thời gian dần trôi, mỗi người có nỗi niềm riêng, có khi khó kể với ai. Phần đông thì họ chỉ thích ngồi ở đài Đức Mẹ gần đó để nói chuyện với Mẹ thôi.

2. Giáo hội nhìn giới cao niên ra sao?

a. Giáo huấn

Chắc hẳn bạn đã chứng kiến nhiều gia đình rất yêu quý ông bà. Họ tìm cách kể chuyện vui, đọc báo cho ông bà nghe; khi ông bà đau yếu thì họ thay nhau chăm sóc thật kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, cũng có những kẻ đối xử tệ với các vị. Họ bỏ bê, nặng lời mắng nhiếc; khi ông bà bệnh tật, đãng trí thì trách cứ, cho là cha mẹ già rồi “trở chứng”. Đúng như Đức Gioan Phaolô II nói: “Con người ngày nay có hai thái độ văn hóa đối với bậc cao niên: biểu lộ sự kính trọng thương yêu và một nền văn hóa khác chủ trương loại trừ họ ra khỏi môi trường gia đình và cộng đoàn”[1].

Giáo hội không những trân quý phẩm giá từng người mà còn rất coi trọng những vị cao niên, kêu gọi con cháu chăm sóc sức khỏe tinh thần và thiêng liêng cho các vị. Trong mười điều răn của Hội thánh, điều răn thứ tư quy định việc thảo kính cha mẹ. Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2197, 2217 và Hiến chế Mục vụ số 48 nhấn mạnh sau Thiên Chúa là tôn kính cha mẹ. Thông điệp Frateli Tutti số 30 có đề cập: “Làm sao để vượt qua các chia rẽ... Trong một gia đình, cha mẹ, ông bà và con cháu đều cảm thấy an nhiên, không ai bị loại trừ.”

Ngày 20/4/2021, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống thông báo ngày Ông bà và Người cao tuổi lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 25/7 với chủ đề “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Điều này diễn tả sự gần gũi của Thiên Chúa và Giáo hội đối với người cao tuổi và cũng là lời hứa về niềm hy vọng mà người già và người trẻ có thể cùng nhau chia sẻ. “Sinh, lão, bệnh, tử” là hành trình cuộc đời của mỗi con người. Thực tế ít ai mong sớm chạm đến mốc tuổi già sức yếu vì đó là giai đoạn cuối của đời người tại thế. Ngược lại, Thánh Kinh và huấn quyền cho thấy sự cao cả của bậc cao niên trong sự quan phòng của Chúa.

b. Lời Chúa

Cao niên là ân huệ:

“Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển được tặng ban cho kẻ sống công chính” (Cn 16,31). Thật đáng tiếc nếu gia đình vắng sự hiện diện của bậc cao niên: “Này sắp đến những ngày Ta sẽ chặt cánh tay ngươi và cánh tay của nhà cha ngươi, khiến cho không còn người già trong nhà của ngươi.” (1 Sm 2,31).

Thánh Kinh coi trọng bậc cao niên: “Người đầu bạc được trí khôn ngoan, bậc tuổi cao có tài thông hiểu” (G 12,12). Sự khôn ngoan ấy do tích lũy kinh nghiệm sống: “Đừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại. Vì chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên mình.”

“Nhờ học với các ngài mà con có được sự hiểu biết, khi cần con biết đưa ra câu trả lời hợp lý” (Hc 8,9).

Như tiên tri Isaia nói về dân Chúa, người cao niên được Chúa ủi an: “Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác, trước sau gì Ta vẫn là Ta; cho đến khi các ngươi da mồi tóc bạc, Ta vẫn còn gánh vác các ngươi. Như xưa nay Ta vẫn từng đối xử: Ta sẽ nâng niu, gánh vác các ngươi và ban ơn cứu thoát” (Is 46,4).

Thái độ với bậc cao niên:

- Tôn trọng: “Đừng khinh dể, vì đến lượt chúng ta rồi cũng già hết cả” (Hc 8,6). “Đừng nặng lời với cụ già, ... hãy coi cụ như cha” (1 Tm 5,1).

- Phụng dưỡng: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi” (Hc 3,12). “Ai không biết lo lắng đến người thân và nhất là gia quyến mình, thì nó đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn là người không tin” (1 Tm 5,8).

- Vâng lời: “Hãy lắng nghe cha con, đấng sinh thành ra con, đừng khinh dể mẹ con khi người già yếu” (Cn 23,22). Tin Mừng Lc 2,51-52 có kể câu chuyện thánh gia lên đền thờ, sau đó cha mẹ Chúa Giêsu bị lạc con và khi tìm được, trở về nhà, Ngài hằng vâng phục cha mẹ. Thánh Phaolô răn bảo: “Hỡi kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ ... để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3 ).

- Thảo hiếu: Ngay từ những thế kỷ đầu, sách xuất hành và đệ nhị luật đã xác quyết việc thảo kính cha mẹ để được sống trên đất Chúa ban. Còn sách huấn ca thì viết: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu ... Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông ... Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm...” (Hc 3,3-14). Chính Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh điều răn này của Thiên Chúa” (x.Mc 7,8-13).

3. Giáo hội vạch ra con đường nên thánh

Giáo hội khuyên bậc cao niên nên thánh trong hiện tại với sức nặng của thể lý đang giảm và tuổi tác cao. Tuổi già nên thánh khi làm tháng ngày còn lại của mình trở nên ý nghĩa bằng sự kết hợp với Chúa dù cho sức cùng lực kiệt. Họ có thể dâng hy sinh trong cơn đau, dâng sự cô đơn và yếu đuối của mình cùng với những cố gắng nho nhỏ hằng ngày như một hiến lễ lên Đấng Tối Cao.

Chìa khóa nên thánh chính là yêu thương! Vì luống tuổi, sức yếu nên đương nhiên họ sẽ mất khả năng làm việc hay tự lo cho bản thân. Thế nhưng bù lại, tình yêu thương giúp họ sống ơn gọi trong giây phút hiện tại, không đầu hàng trước sức tàn phá của bệnh tật mà vẫn kiên cường và vui sống ý nghĩa đời mình. Thật đẹp nếu các vị dù da có nhăn, mắt có mờ, chân tay run rẩy mà tình yêu vẫn luôn thiết tha, tinh ròng. Khi đó tuổi già tiếp tục là mùa xuân yêu thương cho mọi người, nắng mai rạng rỡ cho thế giới[2].

Chắc bạn không ngạc nhiên khi ngày 31/1/2020, trong Đại hội quốc tế về mục vụ cho người cao tuổi tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tuổi già là sự phong phú của người đã trải qua những năm tháng kinh nghiệm và lịch sử.” Càng có tuổi, người ta càng có tâm tình tôn giáo rõ nét hơn. Khi ngắm tiền nhân sốt sắng bền bỉ lần chuỗi, dâng lễ, sống nhẫn nại, bác ái, chúng ta hiểu lòng tri ân của họ đối với Đấng mà họ tin.

Bậc cao niên vẫn có sứ mạng truyền giáo. Kinh Thánh nhắc “bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và chỉ dạy” (Ep 6,4). Chính khi trung thành trong đức tin, họ cho hậu thế bài học sống động vì họ đúng là chứng nhân giữa đời thường. Qua bao gian nan khốn khó, họ vẫn còn lòng sắt son với Chúa và tình yêu với tha nhân.

4. Giáo hội nói về bổn phận con cháu

Giáo hội đề cao tinh thần bác ái, trong đó có việc chăm lo và cầu nguyện cho bậc cao niên. Đức Phanxicô nhận định trong Tông huấn Amoris Laetitia, số 191: “Giáo hội không thể nhượng bộ một tâm thức bất nhẫn, dửng dưng hay khinh miệt đối với người già. Chúng ta phải đánh thức ý thức tập thể về lòng biết ơn, sự trân trọng, lòng tử tế, làm cho người già cảm thấy mình là thành viên sống động của cộng đồng.”

Với nhiều biến động của thế giới đến chóng mặt, người trẻ dường như thấy ông bà mình hơi khó hiểu. Để khoảng cách thế hệ làm cuộc sống phong phú và tốt đẹp hơn, người trẻ cần hành xử sao cho phải phép. Sự quan tâm ông bà cha mẹ là bài học cụ thể cho con cháu chúng ta về các giá trị đạo đức. Trẻ thơ thấy người lớn xử với ông bà thế nào thì sau này chúng sẽ bắt chước như vậy.

Trong nhà dòng, chúng tôi quý các Sơ cao niên lắm. “Khi đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Chúng tôi thường đến thỉnh ý, tham khảo họ trong nhiều chuyện vì họ là nhân chứng lịch sử, là người giữ truyền thống của hội dòng. Dẫu vậy, các vị nhiều khi dễ xúc động, hoài cổ hay đãng trí. Có Sơ hỏi: “Chị đọc kinh chưa em? Chị đi lễ chưa? Hôm nay thứ mấy?!...” Chúng tôi hiểu và tìm cách trả lời tế nhị để tránh làm các vị buồn sầu. Chúng tôi cùng đến đọc kinh, chia sẻ đời sống, ngồi nghe các Sơ già kể chuyện đời xưa,…

Tóm lại, người trẻ thừa hưởng lòng tin được tôi luyện qua thử thách của bậc cao niên trong thời khó khăn. Nhờ người cao tuổi, thế hệ trẻ đón nhận được những tinh hoa từ cuộc sống để có thể áp dụng trong cách xử thế hằng ngày. Khi thao thức chuyển tải cho hậu thế kho tàng văn hóa và đức tin, bậc cao niên tìm thấy ý nghĩa và giá trị đời mình[3]. Lời nói của họ thật quý giá, tư tưởng và quyết định của họ thường dày dạn kinh nghiệm.

Vậy bạn ơi, nếu còn ông bà cha mẹ bên cạnh, hãy trân trọng và sống cho trọn đạo lý nhé!

Phương An, CND-CSA
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
WHĐ (05.06.2023)

 

 

 


[1] Thư của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II gởi các gia đình ngày 2/2/1994

 

[2] x. Bài giảng của TGM Giuse Vũ Văn Thiên ngày 03/03/2020

[3] Bài giảng của TGM Giuse Vũ Văn Thiên ngày 03/03/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây