TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa

“Bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,16-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Say nắng người tu sĩ

Thứ sáu - 22/11/2024 22:58 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Vũ Uyên Thi, SJ |   209
"Say nắng" người tu sĩ có tội không và tội này có nặng không ạ? Con phải làm sao đây cha?

Header

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ:
BÀI 147 - SAY NẮNG NGƯỜI TU SĨ


Hỏi: Con chào cha, con là một dự tu, tình cờ gặp một thầy đi tu, thầy rất dễ thương, giỏi và tài năng nữa. Mỗi khi gặp thầy, con thấy rất vui, và nhiều khi nghĩ về thầy. Nhiều lúc con còn bất giác tưởng tượng con có thể ôm thầy, nắm tay thầy... Con thấy thật nguy hiểm, lúc con vào nhà thờ con cứ nhìn chỗ thầy xem thầy có đó không. Mỗi lần như vậy con thấy rất cắn rứt và sợ mình phạm tội khiết tịnh... Như vậy con có tội không và tội này có nặng không ạ? Con phải làm sao đây cha?

Trả lời:

Bạn thân mến,

Đây là một kinh nghiệm để mình hiểu về cơ cấu của con người chúng ta. Con người chúng ta có hai phần, phần “con” là phần gồm bản năng vốn rất cần thiết cho sự sống thể xác và tinh thần nữa. và phần “người” hay phần tinh thần, tức là phần có những suy nghĩ, chọn lựa theo mục đích và lẽ phải.

Một đứa bé sinh ra thì hầu như lý trí chưa có, bé sống nhờ bản năng (Self-preservation). Bản chất của bản năng là những kích thích và đòi đáp ứng. Để đứa bé có thể sống, bản năng ăn uống của nó sẽ hoạt động bằng cách tạo ra kích thích đói, đói là một cảm giác khó chịu khiến cho đương sự phải khóc đòi uống sữa. Bản năng có đặc tính là mù quáng, nó hoạt động để duy trì sự sống, không cần biết đến điều gì khác.

Khi lớn lên, chúng ta ăn chay vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Bản năng ăn uống vẫn nhắc nhở chúng ta bằng cách tạo ra cảm giác đói. Bản năng ấy không biết đến thứ Sáu Tuần Thánh và cả năm mới có một lần, nó cũng không cần biết mình là giáo dân, là nữ tu hay linh mục. Nó hoạt động nơi mọi người như nhau, thứ Sáu Tuần Thánh ăn chay, ai cũng thấy đói mà thôi.

Cũng vậy, khi con người lớn lên thì bản năng “lập gia đình” trỗi dạy và hoạt động. Và nó hoạt động bằng cách nào? Bên trong thì bản năng ấy tạo ra cảm giác thiếu thốn, trống trải kiểu A-đam có mọi thứ nhưng vẫn rất buồn. Bên ngoài thì khi nhìn thấy người khác phái thì vui như khi A-đam được Chúa dẫn E-và tới. Cả bên trong lẫn bên ngoài cùng hoạt động khiến cho người ta yêu nhau và lấy nhau. Các con vật vì không có sự can thiệp của lý trí nên bản năng hoạt động một cách trơn tru và tự nhiên nhất. Chúng ta thấy các con vật lớn lên tự nhiên thích nhau và “lấy nhau”, chưa thấy con nào sống độc thân cả.

Nơi con người thì khác, vừa có bản năng như con vật nhưng vừa có lý trí và lý tưởng. Và một số lý tưởng không cho phép bản năng hoạt động cách tự do. Ví dụ như người có lý tưởng làm người mẫu, và quyết tâm ăn kiêng, thì bản năng ăn uống cũng bị cho vào khuôn khổ, tức nhiều khi đói lắm, thèm lắm nhưng không ăn. Rõ hơn là lý tưởng độc thân tu trì, nơi đây bản năng truyền sinh hay kết hôn bị từ khước. Tất nhiên, từ khước một bản năng không dễ, cần ơn Chúa và sự quyết tâm.

Trở lại vấn đề của bạn, bạn là cô gái như mọi cô gái khác và bản năng “lập gia đình” đang hoạt động nơi bạn như bao cô gái khác. Dù bạn có dự tu, hay đã khấn trọn thì bản năng vẫn vậy. Bản năng này “nhìn thấy” đúng đối tượng mà nó cần, nên nó hoạt động, kiểu như mình nhìn thấy cái áo mình thích, món ăn mình ưa vậy. Như phân tích ở trên, bản năng ăn không biết đến thứ Sáu Tuần Thánh, không kiêng nể ngày Chúa chịu chết, thì cũng vậy, bản năng nơi bạn không biết đến bạn là con chiên, không biết đến người thầy kia đang tu, sống độc thân. Bản năng nó mù quáng và nó hoạt động tích cực, không biết mệt mỏi cho tới khi đạt được mục đích của nó. Những lời này bạn phải nhớ, bản năng “hoạt động tích cực, không biết mệt mỏi cho tới khi đạt được mục đích của nó”. Nguy hiểm hơn là nó hoạt động âm thầm, vì ở tầng vô thức, khi chúng ta ý thức được là nó đã hoạt động được khá nhiều rồi.

Khi đó, lý trí nhảy vào nhắc nhở: vậy là tội, vậy là sai rồi. Khi lý trí nhắc nhở như vậy, bạn sẽ bị giằng co giữa hai đàng: thôi thúc đạt cho được mục tiêu nơi bản năng và sự kìm tỏa của lý trí. Bản năng sinh tồn không muốn thân chủ mình bị khổ, nên nó đưa ra cơ chế tự vệ để xoa dịu sự căng thẳng: cơ chế tự vệ có nhiều cách. Cách thứ nhất là né tránh, “ơ mình nghĩ nhiều rồi, có sao đâu”. Cách thứ hai là hợp lý hóa “Thánh Phanxicô và thánh Clara cũng chơi thân và quý mến nhau đấy thôi”, “mới nghĩ thôi mà có làm sao đâu; nhưng thầy cũng sắp rời đi rồi mà” … và cả ngàn lý do nữa khiến bạn duy trì tình trạng hiện có. Khi sự áy náy được xoa dịu, bạn sẽ không rời khỏi hoàn cảnh tiếp xúc với thầy và bản năng càng hoạt động mạnh mẽ cho tới ngày cảm xúc và mọi thứ trở nên quá sâu đậm và chúng có thể khiến bạn có những quyết định sai lầm nghiêm trọng hơn.

Vậy bạn phải làm gì?

Biết mình và hiểu thân phận hay cấu tạo của con người mình nó là như thế. Muốn bản năng không hoạt động, bạn phải tách nguồn, không cho nó tiếp xúc với đối tượng của nó. Vậy bạn phải tránh xa thầy hết sức có thể. Có thể những cô gái khác thì không sao, còn bạn thì bản năng đã hoạt động rồi nên phải giữ khoảng cách hơn mức bình thường. Giống như người nghiện rượu thì cần tránh xa rượu hơn người không nghiện. Vì khi gần, xem ra thì dễ chịu đấy, vì phù hợp với đòi hỏi của bản năng, nhưng khi bản năng hoạt động rồi nó sẽ gây ra sự khó chịu cho tới khi bạn đạt được mục tiêu mà bản năng muốn, đó là lấy ông thầy kia. Một khi đã theo bản năng, việc dừng lại khổ hơn lúc mới bắt đầu rất nhiều. Thế nên, lời khuyên cho bạn là: dừng lại và tìm cách tránh gặp gỡ thầy ấy hết sức có thể.

Nói thêm, giả sử bạn gặp người thầy mà bạn không phát sinh tình cảm nhưng thầy lại phát sinh. Khi ấy bạn cũng nên tránh gặp gỡ thầy để giúp cho thầy nhé.

Trên là những phân tích về mặt tâm lý. Bạn là con chiên, con của Chúa. Bạn hãy cầu nguyện và xin Chúa ban ơn soi sáng cùng thêm sức mạnh, để bạn chiến thắng được chính mình, tìm và sống theo những gì thực sự đem lại bình an và ý nghĩa. Bạn “say nắng” người tu sĩ là chuyện bình thường, nhưng cần “thoát nắng” với nhiều ơn Chúa và quyết tâm nhé.

Lm. Giuse Vũ Uyên Thi, SJ
19/11/2024
WHĐ (19/11/2024

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây