TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Trực tuyến Tiếp kiến chung thứ Tư 25/10/2023

Thứ ba - 24/10/2023 06:51 | Tác giả bài viết: |   456
Vatican News Tiếng Việt truyền hình trực tiếp với thuyết minh tiếng Việt Buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô

Truyền hình trực tiếp Buổi Tiếp kiến chung của ĐTC, thứ Tư 25/10


Múi giờ: 8:50 giờ Roma ; 13:50 giờ Việt Nam.

Vatican News Tiếng Việt truyền hình trực tiếp với thuyết minh tiếng Việt Buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô
Thứ Tư ngày 25/10/2023

Múi giờ:
- Giờ Roma: 8:50
- Giờ Việt Nam: 13:50

 

 
 

Tiếp kiến chung 25/10/2023 - ĐTC Phanxicô: Cần phải rao giảng Tin Mừng với lòng can đảm và tự do

Đức Thánh Cha nói trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung 25/10/2023 rằng hai Thánh Cirillo và Metodio luôn truyền giáo trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô và Giáo hội, đã hội nhập văn hóa, và bất chấp những lời chỉ trích và các khó khăn, với tinh thần tự do theo Tin Mừng, các ngài đi theo những linh hứng của Chúa Thánh Thần và cởi mở với tương lai mà Thiên Chúa đã chỉ ra. Ngài mời các tín hữu cầu nguyện với hai Thánh Cirillo và Metodio để có thể trở thành khí cụ loan báo Tin Mừng.

Tiếp tục loạt bài giáo lý về “Lòng say mê loan báo Tin Mừng; lòng nhiệt thành Tông đồ”, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với các tín hữu hiện diện về hai nhà truyền giáo say mê loan báo Tin Mừng: đó là hai anh em Thánh Cirillo và Metodio, còn được gọi là “các tông đồ của người Slav”. Ngài nhấn mạnh ba khía cạnh quan trọng trong chứng tá của các vị thánh này: hiệp nhất, hội nhập văn hóa và tinh thần tự do.

Bắt đầu buổi tiếp kiến, các tín hữu cùng nghe đoạn Sách Cv 11,2-4.15-17

Khi ông Phêrô lên Giêrusalem, các người thuộc giới cắt bì chỉ trích ông, họ nói: "Ông đã vào nhà những kẻ không cắt bì và cùng ăn uống với họ!" Bấy giờ ông Phêrô bắt đầu trình bày cho họ đầu đuôi sự việc; ông nói: ... "Tôi vừa mới bắt đầu nói, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu...  Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?"

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay tôi sẽ nói với anh chị em về hai anh em rất nổi tiếng ở Đông phương, đến mức họ được gọi là “các tông đồ của người Slav”: Thánh Cirillo Thánh và Metodio. Sinh trong một gia đình quý tộc ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ 9, các ngài từ bỏ sự nghiệp chính trị để dâng mình trong đời sống đan tu. Nhưng ước mơ về cuộc sống ẩn dật của các ngài chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Các ngài được cử đi truyền giáo đến vùng Moravia. Vào thời điểm đó, nơi này có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống, một phần đã được truyền giáo, nhưng còn nhiều phong tục và truyền thống ngoại giáo vẫn tồn tại giữa họ. Quốc vương của họ yêu cầu một thầy dạy có thể giải thích đức tin Kitô giáo bằng ngôn ngữ của họ.

Đức tin được hội nhập văn hóa và văn hóa được Phúc Âm hóa

Do đó, công việc đầu tiên của hai Thánh Cirillo và Metodio là nghiên cứu kỹ về văn hóa của các dân tộc đó. Luôn luôn là điệp khúc này: đức tin được hội nhập văn hóa và văn hóa được Phúc Âm hóa. Hội nhập văn hóa đức tin, Phúc Âm hóa nền văn hóa. Thánh Cirillo hỏi họ có bảng chữ cái không; họ trả lời không. Và ngài trả lời: “Ai có thể viết một diễn văn trên nước?”. Thực ra, để loan báo Tin Mừng và cầu nguyện, chúng ta cần có công cụ riêng cụ thể và thích hợp. Vì thế ngài đã phát minh ra bảng chữ cái Glagolitico. Ngài dịch Kinh Thánh và các văn bản phụng vụ. Người dân cảm thấy đức tin Kitô giáo không còn “xa lạ” mà đã trở thành đức tin của họ, được nói bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Anh chị em hãy suy nghĩ: hai đan sĩ Hy Lạp đang trao cho người Slav một bảng chữ cái. Chính tấm lòng cởi mở này đã làm cho Tin Mừng đâm rễ nơi họ. Các ngài không sợ hãi nhưng can đảm.

"Thiên Chúa muốn mọi người ca ngợi Người bằng ngôn ngữ của họ"

Tuy nhiên, không lâu sau đó, xung đột đã bắt đầu từ phía một số tín hữu nghi lễ Latinh, những người nhận thấy mình bị mất độc quyền rao giảng cho người Slav. Sự phản đối của họ có tính tôn giáo, nhưng chỉ ở những điều bề ngoài: họ nói rằng Thiên Chúa có thể được ca ngợi chỉ bằng ba ngôn ngữ được viết trên thập tự giá, tiếng Do Thái, tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh. Những người này có não trạng khép kín để bảo vệ sự tự chủ của họ. Nhưng Thánh Cirillo đáp lại một cách mạnh mẽ: Thiên Chúa muốn mọi người ca ngợi Người bằng ngôn ngữ của họ. Cùng với người anh trai Metodio, ngài thỉnh cầu Đức Giáo hoàng và Đức Giáo hoàng đã phê chuẩn các văn bản phụng vụ của họ bằng tiếng Slav. Ngài cho phép đặt các bản văn trên bàn thờ của nhà thờ Đức Bà Cả và cùng họ hát những lời ca ngợi Chúa theo những cuốn sách đó. Thánh Cirillo qua đời vài ngày sau đó, và thánh tích của ngài vẫn được tôn kính ở Roma, trong Vương cung thánh đường Thánh Clemente. Tuy nhiên, Thánh Metodio đã được tấn phong làm Giám mục và được bổ nhiệm trở lại lãnh thổ của người Slav. Ở đây ngài sẽ phải chịu đau khổ rất nhiều, thậm chí sẽ bị tù đày, nhưng Lời Chúa không bị xiềng xích và lan truyền giữa các dân tộc đó.

Hiệp nhất, hội nhập văn hóa và tinh thần tự do

Tiếp tục bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói: Nhìn vào chứng tá của hai nhà truyền giáo này, những vị mà Thánh Gioan Phaolô II mong muốn là những Thánh đồng bảo trợ của Châu Âu và đã viết Thông điệp Slavorum Apostoli - các Tông đồ của người Slav - về hai vị, chúng ta hãy suy tư về ba khía cạnh quan trọng.

Hiệp nhất

Trên hết là sự hiệp nhất: người Hy Lạp, Giáo hoàng, người Slav: vào thời điểm đó ở châu Âu có một Kitô giáo không chia rẽ, đã hợp tác để truyền giáo.

Hội nhập văn hóa 

Khía cạnh quan trọng thứ hai là hội nhập văn hóa, điều mà tôi đã nói trước đây: Phúc Âm hóa nền văn hóa và việc hội nhập văn hóa cho thấy rằng việc loan báo Tin Mừng và văn hóa liên kết chặt chẽ với nhau. Chúng ta không thể rao giảng một Phúc Âm trừu tượng, thuần túy. Không. Tin Mừng phải được hội nhập văn hóa và nó cũng là một cách diễn tả của văn hóa.

Tinh thần tự do

Một khía cạnh cuối cùng, đó là sự tự do. Trong khi rao giảng, chúng ta cần tự do nhưng tự do luôn cần lòng can đảm, con người càng tự do thì càng can đảm và không để mình bị xiềng xích bởi nhiều thứ cướp đi tự do của mình.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin các Thánh Cirillo và Metodio, các tông đồ của người Slav, để chúng ta có thể trở thành những khí cụ “tự do trong bác ái” vì tha nhân. Hãy sáng tạo, kiên trì và khiêm tốn, bằng cầu nguyện và phục vụ.

Vatican News 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây