TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Một lần ghé thăm giáo họ Tân Phúc

Thứ bảy - 01/05/2021 00:48 |   947

Một lần ghé thăm giáo họ Tân Phúc, giáo xứ Thiên Ân, BMT.

 

Giáo họ biệt lập Tân Phúc, một cái tên ít người biết đến, cho dù có mấy mươi năm sống tại vùng đất Tây Nguyên này. Ít biết cũng phải thôi, bởi vì nơi này thật hẻo lánh, hoang vu; đồi núi chập chùng, trước đây là căn cứ cách mạng, cách biên giới Campuchia chưa đầy 20 km.

Tân Phúc thuộc giáo xứ Thiên Ân, giáo hạt Gia Nghĩa, Giáo phận Ban Mê Thuột nằm trên địa bàn xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông. Cách Vinh Hương khoảng 60 km về hướng tây nam. Từ năm 1995, qua sự giới thiệu của già làng Micae Điểu Y Mrớt, một người được các Cha thừa sai giảng dạy, Tân Phúc đã có 6 gia đình gia nhập Hội thánh Chúa. Dần dà, con số tín hữu tăng dần. Năm 1977, có 250 người được lãnh nhận bí tích rửa tội. Và đến hôm nay, Tân Phúc có 9 Giáo Bon, hơn 400 gia đình, 1890 giáo dân, trong đó khoảng 1600 tín hữu là người dân tộc M’Nông.

Ngày 29.01.2018, Tân Phúc chính thức có linh mục trực tiếp coi sóc, Cha Phêrô Trần Thanh Trực, nguyên phó xứ Bác Ái. Và cũng vì mối dây thân tình từ giáo xứ Bác Ái, đặc biệt ngài cũng là thành viên trong Hội bóng bàn Vinh Hương, nên chúng tôi đã tìm đến Cha và có dịp ghé thăm giáo họ Tân Phúc hôm nay (25.04.2018). Thú vị hơn, trong chuyến đi này còn có Cha quản xứ Phaolô Trần Vĩnh Niệm cũng đồng hành cùng với anh em.

Khi đã “ít biết” thì thực sự muốn “được biết”, và giờ này chúng tôi đã biết. “Tân Phúc tội lắm”, đúng như lời Cha quản nhiệm Phêrô nói. Tân Phúc nằm chênh vênh bên một mép đồi với diện tích 13.000 m2. Nhà thờ bằng gỗ, chỉ vỏn vẹn 60 m2 được dựng vào năm 2007. Nhà xứ khung sắt, bao bọc bằng tôn, có lẽ rộng chỉ gần 50 m2, ngôi nhà này chỉ mới có sau khi Cha Phêrô đến nhận nhiệm sở. Điều này mới thật là “tội”, đã nằm chênh vênh, thì khuôn viên hoàn toàn lãnh đủ mọi thứ, từ gió, nước, bụi bẩn… Có thêm những cái “tội” nữa là giáo dân quá nghèo, nếu không dám nói là lạc hậu. Họ vẫn canh tác đủ mọi thứ cây trồng, ngoài lúa, ngô khoai, cà phê, tiêu… Họ còn trồng cả cao su, thế mà cái nghèo vẫn luôn đeo bám.

Được Cha Phêrô dẫn đi tham quan chung quanh khuôn viên, nói là khuôn viên nhưng để cho trọn hành trình tham quan, chúng tôi phải “trèo lên đèo, tuột xuống dốc” biết bao nhiêu là “cửa ải”. Ngài có giới thiệu địa điểm này sẽ xây nhà thờ, khu kia sẽ dựng nhà giáo lý, nhà xứ. Nhưng tất cả chỉ là đang “hướng về tương lai”. Trước mắt, Cha dồn công sức để “chống sói mòn” và ổn định dần khuôn viên. Một số mương dẫn nước đã được hình thành; cây cảnh, bon sai cũng dần phủ xanh, các hạng mục công trình phụ đã tạm ổn. Để được như ngày hôm nay, Cha cho biết, “trong giáo họ tất cả có 9 Giáo Bon, mỗi Bon cắt cử người làm công tác một tuần, số nhân công được cắt cử tùy vào công việc của tuần đó. Giúp công, giúp việc thì quả là nhiệt tình, còn chuyện nếu bắt đóng góp tiền bạc, thì “Cha ơi, chúng con bỏ đạo!”.

Gặp gỡ khoảng 10 người đang hì hục làm công tác nhà thờ, họ đào hố trồng cây, nạo vét đất bồi, thu gom lại một số rác “không mời mà đến” vì trận mưa hôm qua. Tôi lân la hỏi đùa,

Các cháu làm việc mệt nhọc thế này, một ngày Cha Trực trả tiền công bao nhiêu?

Không chút do dự,

Ồ! Làm cho Chúa mà, cần gì tiền bạc, giúp thôi.

Nhận thấy họ mở lòng và muốn biết thêm một số thông tin về sinh hoạt cũng như đời sống đạo, anh Phêrô Điểu Tram, 25 tuổi, hiện ở Bon Burắc cho biết “Trước đây, khi Cha Trực chưa đến, trong tuần chỉ có thánh lễ chiều thứ 7 và sáng Chúa Nhật. Nhưng thời gian này có lễ cả tuần luôn. Thánh lễ sáng giáo dân tham dự chỉ được khoảng 100 người, còn buổi chiều (thứ 3, 5,7) và Chúa Nhật thì đông hơn. Từ khi Cha Trực đến với giáo họ, giáo dân mừng lắm”. Vì sao buổi sáng ít người đi lễ, anh Điểu Tram thổ lộ “đường sá xa xôi, buổi sáng khó đi, như Bon Bulum cách nhà thờ hơn 7 km, còn Bon Đăk Huyt lại xa đến 13 cây số”. Nếu được một điều ước trong thời gian sớm nhất tại giáo họ biệt lập Tân Phúc này, anh nói “Cần lắm, nhà Giáo lý ơi! hiện nay các em đang phải học nhờ tại các nhà của giáo dân”.

Xã Quảng Trực đi lên từ xã “5 không”, còn Tân Phúc hôm nay cũng là một trong những giáo họ có “nhiều không”, nhưng một điều chắc chắn Tân Phúc ngày mai sẽ không còn như Tân Phúc hôm nay. Dẫu rằng, hiện nay giáo họ chưa thành lập được một hội đoàn nào, tất cả chỉ là đang “tự phát” mà thôi.

Trong một lần ghé thăm nơi đây, chúng tôi cảm nghiệm đến Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” của Đức Thánh Cha Phanxicô là hãy “Đi Ra Vùng Ngoại Biên”. Quả thực, Vùng Ngoại Biên này đang rất cần đến những bàn chân mục tử; Vùng Ngoại Biên này đang mở rộng vòng tay đón mời. Đến với Vùng Ngoại Biên này là đã đi ra ngoài khu vực an toàn; đến với Vùng Ngoại Biên này là đã bước ra khỏi sự quen thuộc hằng ngày của mình.

Trong một lần ghé thăm nơi đây, chúng tôi xác tín một điều là Cha Phêrô Trần Thanh Trực đã mạnh dạn dấn thân để cùng với Chúa “Đi Ra Vùng Ngoại Biên”. Kính chúc Cha hoàn thành sứ vụ mà Thiên Chúa đã giao phó.

 

 

 

 

 

Anh Phêrô Điểu Tram

 

 

 

 

Nhà xứ

 

 

Nhà thờ

 

 

Ghi nhanh - Cao Hướng

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây