TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh lễ Mồng Một Tết Ất Tỵ

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,25-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cột lửa trong đêm tối: Xuất Hành 14

Thứ tư - 20/03/2024 07:38 |   496
hụng vụ Lời Chúa Đêm Vọng Phục Sinh được xen kẽ với một loạt dài các bài đọc Kinh Thánh. Nhưng nó dựa trên hai trụ cột chính mà chúng ta nhất định phải giữ lại nếu muốn rút gọn: Trình thuật vượt qua Biển Đỏ vào lúc nửa đêm và câu chuyện về Sự Phục Sinh của Đức Giêsu khi ánh bình minh đầu tiên xuất hiện.
Cột lửa trong đêm tối: Xuất Hành 14

 

 
Dân Do Thái trong sa mạc, Tintoretto (1518 - 1594), Nhà thờ San Giorgio Maggiore, Venice

CỘT LỬA TRONG ĐÊM TỐI: XUẤT HÀNH 14
Marc Girard
Giáo sư Chú giải Kinh Thánh


WGPQN (18.03.2024) – Phụng vụ Lời Chúa Đêm Vọng Phục Sinh được xen kẽ với một loạt dài các bài đọc Kinh Thánh. Nhưng nó dựa trên hai trụ cột chính mà chúng ta nhất định phải giữ lại nếu muốn rút gọn: Trình thuật vượt qua Biển Đỏ vào lúc nửa đêm và câu chuyện về Sự Phục Sinh của Đức Giêsu khi ánh bình minh đầu tiên xuất hiện. Hai trình thuật đưa chúng ta vào mầu nhiệm đi từ cái chết đến sự sống.

Trình thuật về cuộc Xuất hành khỏi Ai Cập là một văn bản không chỉ mang tính nền tảng mà còn là nền tảng, chắc chắn đối với người Do Thái cũng như đối với các Kitô hữu. Ta có thể và phải coi cuộc xuất hành khỏi Ai Cập là “lò luyện sắt” (Đnl 4, 20), như điểm khởi đầu thực sự của lịch sử cứu độ. Trong sách Sáng Thế Ký, các tác giả Kinh thánh đã thu góp lại các truyền thống truyền khẩu quan trọng về tổ tiên, về ông Abraham và những người khác, đồng thời cố gắng tái tạo lại câu chuyện về nguồn gốc của thế giới bằng cách sử dụng những gì đã được lưu truyền ở lưu vực vùng Cận Đông. Nhưng tất cả những điều này ít nhiều cũng giống như “tiền sử” của sự cứu rỗi. Cuộc giải phóng vĩ đại vào thời ông Môsê là điểm khởi đầu đã để lại dấu ấn trong toàn thể truyền thống Israel và sau đó là Kitô giáo.

Một biểu tượng: Cột mây và lửa

Biến cố thật ngoạn mục: Bỗng nhiên một khối nước vốn là chướng ngại vật đã tạo ra một lối đi có thể vượt qua dưới tác động của cơn gió rất mạnh phát ra từ lỗ mũi của Đức Chúa YHWH (Xh 15, 8). Đương nhiên, ở đây là kết quả sự can thiệp phi thường của Thiên Chúa: Làm sao chúng ta có thể giải thích được, vào ngày hôm đó, sự trùng hợp của một hiện tượng thời tiết ngoại thường với nhu cầu khẩn thiết của một đám người đang chạy trốn, bị một đội quân hùng mạnh truy đuổi và phải đối mặt với cái chết khó tránh khỏi? Chỉ có một nguyên nhân chính đáng: Sự hiện diện mầu nhiệm của Thiên Chúa. Sự hiện diện mầu nhiệm, khó cảm nhận này được tượng trưng bằng một cột mây và lửa (Xh 13, 21-22). Phần chân rõ ràng chạm đất và phần đỉnh hầu như cao tới tận trời. Cây cột này hoàn toàn không cố định, nó không có điểm chung nào với những cây cột của một ngôi đền hay nền móng của một tòa tháp. Nó năng động và luôn di chuyển. Nó không dừng lại cả ngày lẫn đêm.

Cột mây ban ngày và cột lửa ban đêm

Câu chuyện nhấn mạnh khía cạnh mầu nhiệm của cột mây và lửa. Hai biểu tượng rất tiện lợi cho dân. Khi trời sáng, sự hiện diện của Thiên Chúa trở nên râm mát như trong một đám mây, khi trời tối, ngược lại, nó phát sáng ra như ngọn hải đăng trong đêm. Do đó, dân Chúa đang tiến đi sẽ không bao giờ ngừng được hướng dẫn, nhưng sự hiện diện giải cứu của YHWH (= Chúa “hiện diện”, Chúa “ở phía trước”) phần lớn thoát khỏi tầm hiểu biết của những kẻ đang chạy trốn. Cảm nhận về Chúa luôn bao gồm đồng thời cả ánh sáng lẫn bóng tối, sương mù và quang đãng. Tại sa mạc Sinai, ông Môsê khánh thành Nhà Tạm di động – nguyên văn là “Lều Hội Ngộ” – một đám mây che phủ nó, một lần nữa đây là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa (Xh 40, 14-15). Rất lâu sau này, khi Salômôn, thực hiện ước nguyện của thân phụ quá cố là Đavít, đã khánh thành ngôi đền thờ nổi tiếng ở Giêrusalem, hiện tượng này lại xảy ra: “Có đám mây toả đầy Đền Thờ Đức Chúa” (1V 8, 10).

Chúng ta có thể xem biểu tượng này như một dụ ngôn về trọn đời sống tâm linh, ngày nay cũng như ngày xưa. Ngay cả khi chúng ta có đức tin, ví như đi vào ban ngày và là “con cái của ánh sáng” (Ga 12, 36), chúng ta thậm chí vẫn có lúc lái xe vào trong sương mù dày đặc làm hạn chế tầm nhìn trước kính chắn gió: Do đó cần phải luôn cẩn thận, cảnh giác. Trái lại, khi chúng ta trải qua những thử thách về đức tin và cảm thấy mình trong đêm tối, chúng ta luôn luôn kết thúc bằng cách nhận ra một chút ánh sáng mà nếu chúng ta chăm chú vào nó, nó sẽ thu hút chúng ta cách khó cưỡng, miễn là chúng ta mở mắt ra và chú ý, hơi giống con muỗi bị mê hoặc bởi ánh đèn pin nhỏ nhất vào lúc nửa đêm. Có thể nói một cách đúng đắn về ánh sáng – bóng tối đức tin của chúng ta như thế.

Sự chuyển đổi từ đêm sang ngày

Chúng ta hãy quay lại với việc vượt biển. Trong bản văn nguyên ngữ, Kinh Thánh gọi đây Biển Lau Sậy (mer des Roseaux). Nhưng các dịch giả tiếng Hy Lạp đã viết là Biển Đỏ (mer Rouge), mặc dù Biển Đỏ thực sự ở nơi khác. Lỗi địa lý chăng? Có thể. Tuy nhiên đây là một sự thật ngoại thường xét từ quan điểm biểu tượng vì, trong tất cả các hệ thống biểu tượng, màu đỏ tương đương với ngọn lửa nuốt chửng và hủy diệt, biểu tượng của sự dữ và cái chết, ít nhất là ở giá trị tiêu cực của nó.
Đối với người Do Thái và lãnh đạo của họ là ông Môsê, hành trình đầy nguy hiểm được thực hiện vào ban đêm, “trên lối đi khô ráo ngay giữa lòng biển”. Nhưng có cột lửa đồng hành cùng họ, soi sáng và bảo vệ họ (Xh 14, 19-20). Trước khi màn đêm kết thúc, gió của Đức Chúa YHWH ngừng thổi và “vào lúc tảng sáng” biển trở lại trạng thái bình thường: Quân Ai Cập truy đuổi dân Israel bị vùi lấp đó và bỏ mạng (Xh 14, 27) . Cuối cùng cũng đã được cứu thoát! Được cứu khỏi kẻ thù là những con người, đã hẳn rồi! Nhưng cũng được cứu thoát khỏi vùng nước giam cầm mà trong tất cả các hệ thống biểu tượng đều tượng trưng cho sự hỗn loạn, sự dữ và sự chết.

Trên thực tế, còn có một chi tiết quan trọng, dân Israel đi theo cùng một hành trình như mặt trời đi bên dưới trái đất trong hành trình về đêm của nó: Nó đi từ Ai Cập đến sa mạc Sinai, vì thế, về mặt địa lý, từ Tây sang Đông. Sự áp bức ở Ai Cập, nơi mặt trời lặn, tương ứng với giai đoạn ban đêm; việc đến đầu biển bên kia trùng với buổi sáng, nơi mặt trời mọc. Khi ánh sáng xuất hiện, họ được tự do. Tuy nhiên, trong tất cả các hệ thống biểu tượng, giống như mặt trời mọc, ánh sáng gợi lên sự cứu rỗi, hay đơn giản hơn là sự sống.

Từ vượt biển đến Lễ Vượt Qua của Đức Giêsu

Tôi thường mô tả toàn bộ Kinh thánh như một cột sống có ba đốt. Mọi thứ còn lại là thịt, dây thần kinh, cơ bắp và lớp da bao bọc. Những đốt sống nào gánh đỡ mọi thứ? Ba cuộc xuất hành: Xuất hành khỏi Ai Cập vào thế kỷ XIII trước Công nguyên, chấm dứt thời kỳ nô lệ kéo dài; cuộc di cư khỏi Babylon vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên vào cuối thời kỳ lưu đày kéo dài; và sự đi ra khỏi ngôi mộ của Đức Giêsu vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên khi kết thúc một bản án. Trong cả ba trường hợp, đó là sự giải phóng: Giải phóng khỏi một sự dữ chính trị-xã hội (sự đàn áp của Ai Cập và Babylon), và triệt để hơn trong trường hợp của Đức Giêsu, sự giải thoát khỏi sự dữ tận cùng là cái chết. Nói cách khác, trong cả ba trường hợp đều là sự chuyển từ bóng tối sang ánh sáng. Việc rời khỏi Ai Cập tương đương với sự khai sinh của một dân tộc, điều mà tôi thích gọi là sự đi ra khỏi quả trứng hay nói một cách tương tự là sự đi ra khỏi lòng biển mẹ.
Sau này, việc trở về từ nơi lưu đày ở Babylon tương đương với sự tái sinh của cùng một dân tộc này, điều mà một ngôn sứ diễn tả cách tượng trưng như việc làm trỗi dậy một đội quân xương khô, nói cách khác là sự phục sinh của một quốc gia (Ed 37, 1-14). Đốt sống thứ ba thuộc vào hạng duy nhất và đẹp đẽ ở chỗ khi rời khỏi ngôi mộ, Đức Giêsu không phải là người duy nhất được hưởng lợi từ việc quay trở lại cuộc sống, hay đúng hơn là từ việc chuyển sang điều mà tôi thích gọi là “còn hơn cả sự sống nữa” (plus-que-vie); Ngài kéo theo mình một đội quân đông đảo các tín hữu hay tiềm năng là toàn thể nhân loại (1 Cr 15, 20-21) nếu không muốn nói là toàn bộ vũ trụ (Rm 8, 19-22). Ta sẽ không có ý tưởng nào để cử hành Đêm Vọng Phục Sinh vào ban ngày. Nó dìm chúng ta hoàn toàn vào trong mầu nhiệm của một cuộc vượt qua mang nhiều mặt liên quan đến tất cả chúng ta: Cuộc vượt qua từ bóng tối đến ánh sáng, từ biển đến đất khô ráo, từ cái chết đến sự sống, từ quần áo vấy bẩn tội lỗi đến bộ y phục trắng tinh tuyền, từ không tin hoặc đức tin dao động đến niềm tin đầy nhiệt huyết và dấn thân.


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Chuyển ngữ từ: Parabole, Mars 2018, Vol XXXIV, No 1, tr. 9-10
Nguồn: gpquinhon.org



https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/cot-lua-trong-dem-toi-xuat-hanh-14-55719

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây