TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài Phỏng vấn Cha Trưởng Ban VH-TT GP.BMT

Thứ tư - 02/10/2024 03:13 | Tác giả bài viết: Lê Ngân Khánh |   780
“Mỗi Thánh Nhân đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai.”
Bài Phỏng vấn Cha Trưởng Ban VH-TT GP.BMT

Tập giới thiệu
BÀI PHỎNG VẤN CHA TRƯỞNG BAN VH-TT VỀ VIỆC THÀNH LẬP CHUYÊN TRANG


BTV (biên tập viên): Để chuẩn bị mừng Ngọc Khánh Giáo Phận, và sau khi hỏi ý và được sự khích lệ của Đức Cha Giám Quản, Ban Văn Hóa -Truyền Thông Giáo phận Ban Mê Thuột có lập một Chuyên Trang mang tên CHỨNG NHÂN CỦA MỘT HÀNH TRÌNH, nhằm giới thiệu hành trình sống đạo của một số cá nhân hoặc nhóm người và hành trình phát triển của Giáo Phận, nhất là từ giai đoạn 2017 đến nay, thông qua những Con Người được chọn lọc từ sự giới thiệu của các Giáo xứ, các Giáo Hạt, và các Uỷ Ban trong Giáo Phận.

Ngạn ngữ có câu: “Mỗi Thánh Nhân đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai.”

Tưởng cũng nên nhấn mạnh điều này, là không phải tất cả những con người được nói đến trong những câu chuyện ở Chuyên Trang này đều là những tấm gương điển hình, những chứng tá Đức Tin sáng ngời. Nhưng thông qua câu chuyện được nói đến của họ, chúng ta sẽ nhận ra bàn tay của Chúa vẫn luôn luôn ở cùng mỗi chúng ta trong hành trình sống Đạo nói riêng và trong hành trình đi tới của Giáo phận nói chung.

Có thể nói, chuyên trang này là một trích lược hành trình đi tới của Giáo phận chúng ta bắt đầu từ giai đoạn tái ổn định 1990 trở đi với những câu chuyện chưa nói trong DVD Kỷ Yếu Giáo Phn đã xuất bản nhân dịp Kim Khánh Giáo Phận 2017.

Để hiểu rõ hơn xin mời mọi người cùng tìm hiểu thêm qua bài Phỏng vấn của Ban Biên Tập dành cho Cha Antôn Vũ Thanh Lịch, Trưởng Ban VH-TT, cũng là người thành lập và phụ trách Chuyên Trang này.

 

 


1. Thưa Cha, từ năm ngoái, nhân câu chuyện của Cha qua bài phỏng vấn trong dịp lễ Ngọc khánh Linh mục của Cha, nhiều người đã mong muốn sẽ có thêm những câu chuyện tương tự như vậy và được kể thường xuyên hơn. Thưa đó có phải cũng là mong muốn của Cha không ạ?

Cha Trưởng ban: Lẽ tự nhiên, ai cũng muốn ý kiến, lập trường, tư tưởng của mình được chia sẻ, được nhân lên hoặc khiêm tốn hơn, khơi gợi lên những thao thức, băn khoăn… đặt thành vấn đề đi tới hành động biến đổi cảnh vực, Phúc âm hóa môi trường…

Đó cũng là chủ trương của chuyên trang mang tên “Chứng nhân của 1 hành trình”, nhằm giới thiệu phong cách sống đạo của 1 số cá nhân, hoặc nhóm người và quá trình phát triển giáo phận. Nhất là từ giai đoạn 2017 đến nay thông qua câu chuyện được nói đến của họ và của Giáo phận chúng ta. Nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa dẫn đưa.

2. Kính thưa Cha, có phải vì thế mà Chuyên trang đã được mang tên CHỨNG NHÂN CỦA MỘT HÀNH TRÌNH không ạ? Hành trình Sống Đạo của mỗi người Giáo Dân. Cha có thể cho quý độc giả biết rõ thêm về tiêu chuẩn cho việc chọn lựa các câu chuyện để giới thiệu không?

Cha Trưởng ban: Đúng như vậy, vì như tôi vừa nói. Như vết dầu loang, những điển hình chứng tá đức tin cần phải được nhân lên. Không phải để khoe khoang, đề cao cá nhân, mà trước hết là để nhận ra sự dìu dắt sáng soi của Chúa Thánh Thần, sự hiện diện của Chúa giữa phong ba thử thách, để củng cố niềm tin và hy vọng, để chân lý và điều thiện hảo được lan truyền rộng rãi,

3. Hành trình sống đạo của mỗi người giáo dân. Cha có thể cho Quý độc giả biết rõ thêm về tiêu chuẩn cho việc chọn lựa các câu chuyện để giới thiệu không?

Cha Trưởng ban: Xã hội tôn vinh những người tốt việc tốt, những điển hình mẫu mực. Qua hai ngàn năm hình thành và phát triển, Giáo hội đã có hàng ngàn vị Thánh thuộc mọi giai tầng xã hội. Trong đó có những vị là những nhà bác học thông thái, góp phần rực rỡ làm nên nền văn minh của thế giới hôm nay. Ngoài những đóng góp cụ thể còn có những đóng góp âm thầm, nhưng rất hiệu quả về mọi mặt, mọi phương diện. Nói một cách cụ thể, chúng tôi muốn giới thiệu đến quý độc giả thính giả những khuôn mặt học đạo chuyên cần, sống đạo sốt sắng và hành đạo nhiệt thành, có ảnh hưởng đến sự phát triển đức tin, loan báo tin mừng, xây dựng văn minh tình thương.

Để những có được những khuôn mặt này, chúng tôi sẽ trao đổi cụ thể với Quý Bề trên, Quý Cha hạt trưởng, Quý cha Trưởng các ban, thông qua đó, chúng ta sẽ tìm được những chứng tá cụ thể và chính xác hơn.

4. Thưa Cha, với tư cách là một Linh mục lớn tuổi nhất, nhì trong giáo phận và có thể nói là người đã phục vụ lâu đời nhất cho đến thời điểm này. Cha có thể sơ lược lại hành trình hoạt động của mình một cách khái quát được không ạ?

Cha Trưởng ban: Cái tôi là cái đáng ghét. Nói về mình thì không nên. Nhưng nói về mình như một sự đóng góp của giọt nước trong biển khơi thì, theo lời yêu cầu, tôi xin mạo muội tự giới thiệu: tôi là linh mục quản xứ Dũng Lạc, Quản hạt Chính Tòa, trưởng ban VHTT Gp.BMT, Tổng linh hướng phong trào Cursillo Gp.BMT, Phụ trách huynh đoàn giáo dân Đaminh Gp.BMT, thành viên Hội đồng linh mục.

Qua 61 năm linh mục, tôi đã phục vụ 5 giáo xứ và tại Tòa Giám mục Ban Mê Thuột 5 năm, với chức vụ Giám đốc Công giáo tiến hành và thông tin Gp.BMT. Trong vai trò giám đốc thông tin, tôi đã phụ trách mỗi tuần nửa giờ phát thanh giáo phận tại Đài phát thanh Darlac, chương trình duy trì được 3 năm. TTMV hiện nay là công trình do tôi xây dựng.

5. Và trong quá trình này, cha đã tham gia hoặc được biết có những cột mốc quan trọng nào đã xảy ra?

Cha Trưởng ban: Cột mốc quan trọng đối với tôi trong tư cách là linh mục của Giáo hội Công giáo Roma, đó là biến cố công đồng Vatican II, thời gian tiền Công đồng tôi sống là 4 năm. Chỉ có những ai đã trải qua 2 giai đoạn trước sau Công đồng Vatican II mới thấy công đồng chính là Mùa hiện xuống mới. Giáo hội như lột xác, trở nên xinh đẹp, gần gũi thích nghi với thời đại. Tiềm năng và những đường hướng gợi mở của Công đồng vẫn chưa được áp dụng và khai thác hết. Nhiều nơi còn như muốn trở lại tình trạng tiền công đồng.

Cột mốc Ngọc Khánh Giáo phận sắp được tổ chức vào năm 2027 tới đây cũng là những ngày tháng đáng ghi nhớ. 60 năm hình thành và phát triển với 6 giám mục chính tòa và giám quản tông tòa, chưa kể thời Đức cha Paul Seizt Kim.

Từ 1 cộng đồng giáo dân trên dưới 50 ngàn người, nay con số đã trên 450 ngàn giáo dân (gấp 10 lần) thuộc 119 giáo xứ, giáo họ. Từ 1 giáo phận chỉ có 3 giáo hạt và số linh mục đếm trên đầu ngón tay, nay đã có trên 220 linh mục triều và hơn 40 linh mục dòng. Giáo phận có 17 dòng tu nam và 38 dòng nữ trong đó 3 dòng thuộc giáo phận là dòng Kín Carmel, dòng Thiên Hòa và dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình với hơn 400 nữ tu hoạt động truyền giáo tại nhiều giáo phận trên toàn quốc và ngoại quốc. Giáo phận có tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh được mở từ niên khóa 1968 và trên 145 chủng sinh đang đào tạo tại Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang.

6. Như chúng ta đều biết và thừa nhận, Con Người là một nhân tố quan trọng trong việc hình thành và tạo nên tiến trình phát triển của một xã hội, của một cộng đồng, như cộng đồng Giáo phận Ban Mê Thuột chúng ta. Trong cột mốc 50 năm vừa qua, Cha có thấy gì nổi bật cần nhắc lại ở đây không ạ?

Cha Trưởng ban: Câu hỏi này hơi cắc cớ khiến tôi phải suy nghĩ để trả lời. Đúng rồi con người nhất là con người hành đạo, là một nhân tố rất quan trọng trong việc hình thành và tạo nên tiến trình phát triển của xã hội, của cộng đồng như cộng đồng Giáo phận Ban Mê Thuột chúng ta. Chúng ta rất ước mong có những vị mục tử tốt lành, sáng suốt như lòng Chúa mong ước. Sống như lòng Chúa mong ước là thực hiện châm ngôn Lời Chúa mà các ngài đã chọn. Chúng ta cảm phục sự khiêm tốn của cố Giám mục Nguyễn Huy Mai khi đọc câu châm ngôn lời Chúa mà ngài đã chọn: “Ngài Phải Lớn Lên Còn Tôi Thì Nhỏ đi” (Ga 3,30). Nhỏ đi để cảm nghiệm “Lòng Chúa thương xót” của Cố Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực. Nhỏ đi để “Đạt tới người mới” của Đức cố Giám mục Giuse Nguyễn Tích Đức. Nhỏ đi “Trong tinh thần và chân lý” của Cố Giám mục Giám quản Phaolô Nguyễn Văn Hòa. Nhỏ đi để “Bước theo Thần Khí” của Đức cha tiền nhiệm Vinhsơn Nguyễn Văn Bản. Và nhỏ đi để khiêm tốn nhận ra “Có Chúa cùng hoạt động” của Đức Tân Giám mục GB. Nguyễn Huy Bắc.

Thật là tuyệt vời, chẳng có chính trị gia nào, hay vị lãnh đạo tôn giáo nào đã có được những câu châm ngôn, khẩu hiệu hành động có sức biến đổi quyết liệt như thế.

7. Bây giờ, xin phép cho chúng con được điểm lại những gì mà ban VH-TT đã thu thập được trong hành trình mà cha vừa nhắc tới.

8. Và bây giờ xin nói về Cha một chút. Trước hết xin mạn phép hỏi, với một bề dày cống hiến qua hành trình sáu mươi mốt năm làm việc, và cha vẫn còn phải đảm đương công việc trong tuổi đời đã cao, Cha có coi đây là một cơ hội để xác lập được một hướng đi chủ đạo cho Uỷ Ban để thế hệ kế thừa vẫn tiếp tục một cách xuyên suốt công việc khá quan trọng của Uỷ ban không ạ?

Cha Trưởng ban: Làm việc là niềm vui, là vinh quang. Tôi cảm tạ Chúa đã ban cho tôi sức khoẻ, đầu óc minh mẫn. Cảm tạ các đấng bề trên đã tín nhiệm và tạo điều kiện để tôi làm việc theo khả năng của mình. Hướng đi của ban VHTT Giáo phận đã được xác lập qua tôn chỉ - mục đích của trang web giáo phận khi thành lâp từ hơn 12 năm nay. Loan báo tin mừng, tin mừng cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô. Đó là cổ vũ cho nền văn minh tình thương, là văn hóa sẻ chia, văn hóa gặp gỡ, văn hóa đối thoại, văn hóa thuộc về, văn hóa của mọi người là anh em: Fratelli tutti, như ước muốn của Đức Giáo hoàng Phanxicô đương kim.

9. Và Cha có kỳ vọng gì ở những con người của lớp kế thừa đó?

Cha Trưởng ban: tôi kỳ vọng và tin tưởng lớp trẻ kế thừa. Họ được đào tạo bài bản, nhất là những kỹ thuật hiện đại. Nhưng điều quan trọng nhất là được trang bị 1 kiến thức thần học chắc chắn, đầu óc quân bình, sáng suốt để phân định và chọn lựa các giá trị.

10. Thưa Cha, trong câu chuyện của ngày Ngọc Khánh Linh Mục của mình, Cha có nêu gương của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô như là một con người năng động, không muốn dừng lại và cũng không cho những cộng sự của mình phải dừng lại. Hình như tuổi đời của Cha và Đức Giáo Hoàng cũng không chênh lệch nhau lắm, Cha có muốn rằng, mình cũng sẽ là người năng động và cũng sẽ không muốn những cộng sự của mình phải dừng lại như vị Cha Chung của Giáo hội đã làm không ạ?

Cha Trưởng ban: Cảm tạ Chúa đã cho tôi sống và trải qua những giai đoạn lịch sử của Giáo hội với biến cố Công đồng Vatican II và tiền Công đồng Vatican II. Công đồng Vatican II như là linh hồn, như là chiếc đòn bẩy, làm sống lại 1 giáo hội cũ kỹ, bụi bặm, mất sức lôi cuốn của Tin Mừng. Chúng ta cũng biết vai trò chủ lực lèo lái đường hướng Công đồng là các ĐGH Gioan 23, Phaolô VI, Gioan Phaolô II và hiện nay kế thừa các ngài là là Đức Phanxicô. Ngài không phải là nhà thần học lý thuyết, nhưng ngài là vị Giáo hoàng mục vụ, nghĩa là giáo hoàng hành động. Lý thuyết mà không hành động, chỉ đáng đặt trang nghiêm trong tủ đá mà thôi.

Khuôn mặt với nụ cười rực rỡ, những phát ngôn sấm sét của Ngài khiến cho giáo hội của chúng ta có mặt tích cực và uy lực hơn trong thời đại 4.0 hiện nay…

11. Và trong câu chuyện năm ngoái, Cha cũng có nhắc tới Thánh Phaolô đệ lục với câu nói để đời: thời đại này không cần Thầy Dạy mà là cần những Chứng Nhân. Có phải vì thế mà Cha muốn lập chuyên trang này không? Và Cha có hy vọng chuyên trang của chúng ta sẽ thành công và có sức sống lâu dài không?

Cha Trưởng ban: Tôi muốn có và thiết lập chuyên trang “Chứng nhân của một cuộc hành trình” là để giới thiệu, cổ vũ, khích lệ những người tốt việc tốt, những lời nói của họ đi liền với hành động. Họ dạy những điều mình tin, và thực hành những điều mình dạy. Họ thực hiện lời thánh Giacôbê tông đồ: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.” Lý thuyết nào cũng hay trên giấy trong sách vở, nhưng nếu không diễn đạt cụ thể bằng việc làm, sẽ chỉ đáng đặt trang nghiêm trong tủ đá.

Tôi hy vọng chuyên trang của chúng ta sẽ thành công, vì tôi tin vào những người có thiện chí. Những con người bình thường Chúa dùng để làm những việc cao hơn bình thường. Những người này luôn sẵn sàng hợp tác với mọi người.

12. Hỏi nhỏ Cha một chuyện, qua bài Phỏng vấn nhân dịp Ngọc Khánh Linh Mục của Cha năm ngoái, chúng con rất kính phục về những đóng góp của cha cho Giáo hội, rất kiêng nể vì những nhận định sáng suốt của cha về hiện tình của cộng đồng dân Chúa và với tâm tình tạ ơn và tạ lỗi của cha ở cuối bài, chúng con đã vô cùng cảm mến vì sự khiêm tốn của Cha. Phải chăng, khi vượt lên trên tất cả những thành công và bỏ lại sau lưng những cái gọi là thành tích của mình qua 61 năm cống hiến để kết thúc bằng tâm tình tạ ơn và tạ lỗi ấy của mình, Cha đã làm cho hình ảnh của Cha trở nên rất đẹp trong con mắt mọi người. Và theo chúng con cha đã là một CHỨNG NHÂN CỦA MỘT HÀNH TRÌNH, mà chuyên trang đang muốn giới thiệu? Cha có đồng tình với nhận định đó của chúng con không ạ?

Cha Trưởng ban: Cảm ơn các anh chị và mọi người đã dành cho tôi những tình cảm nồng hậu. Tôi sẽ tự tin và phấn khởi hơn để tiếp tục sống và làm việc như một chứng nhân âm thầm nhỏ bé.

13. Xin chân thành cám ơn cha đã danh thời gian chia sẻ những tâm tình quý báu cho chúng con. Xin Chúa luôn tuôn đổ hồng ân xuống trên cuộc sống của cha.

BTV: Chúng ta vừa nghe câu chuyện của cha Antôn Vũ Thanh Lịch, trưởng Ban VHTT Giáo phận. Hy vọng, qua câu chuyện, chúng ta sẽ nhận ra quanh mình vẫn có những bông hoa rất đẹp đang bị chìm lấp trong dòng chảy của công việc chung, và của dòng đời phức tạp hiện nay. Thế nhưng một đường hướng chung thiết thực cho chúng ta đã được đưa ra bởi vị cha chung của chúng ta, Đức cha Vinh Sơn, sẽ giúp mỗi người chúng ta có thể xác lập được cho mình một hành trình phù hợp. Từ đó niềm khao khát vươn lên đang tiềm tàng trong mỗi người chúng ta sẽ như dễ dàng hơn vì sự cao đẹp không xa vời, cao vợi như chúng ta nghĩ.

Và cũng hy vọng, nhờ những câu chuyện sẽ kể tiếp tục trong Chuyên Trang này, qua sự hướng dẫn của Đức cha Gioan Baotixita sẽ giúp chúng ta thấy triển nở thêm những câu chuyện đẹp đẽ được dệt nên từ những con người bình thường đang sống quanh mình.

Xin Thiên Chúa chúc phúc cho ý định tốt lành của chúng ta, để nhờ đó mà hình ảnh của Giáo phận nói riêng và Giáo hội nói chung sẽ trở nên gần gũi hơn trong lòng mọi người. Amen. Ước gì được như vậy!

Lê Ngân Khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây