Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 19/09/2023 20:37 |
703
Từ ngày 11 đến 16 tháng 9 năm 2023 vừa qua, tại Trung Tâm Mục vụ Tổng Giáo Phận Hà Nội tổ chức hai khóa thường huấn cho các linh mục trẻ thuộc Giáo tỉnh Hà Nội. Nhân dịp đặc biệt này, Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản đã chia sẻ với quý cha đề tài thuyết trình mang tên: " CHÉN CHÁO GIACÓP". Ban biên tập xin gửi tới quý cộng đoàn nội dung bài thuyết trình ý nghĩa này.
ĐỀ TÀI THUYẾT TRÌNH CHÉN CHÁO GIACÓP Do Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản Đoạn lời Chúa trích sách Sáng Thế (St 25, 29-34)
29Lần kia, Giacóp đang nấu cháo, thì Êsau từ ngoài đồng về, mệt lả. 30Êsau nói với Giacóp : “Cho anh ăn món đo đỏ kia với, vì anh đang mệt lả.” Vì thế, người ta đặt tên cho nó là Êđôm. 31Giacóp nói : “Anh hãy bán quyền trưởng nam của anh cho em trước đã !” 32Êsau nói: “Anh đang sắp chết, thì quyền trưởng nam có ích gì cho anh ?” 33Giacóp nói : “Vậy anh thề ngay với em đi.” Êsau liền thề và bán quyền trưởng nam của mình cho Giacóp. 34Bấy giờ Giacóp cho Êsau bánh và cháo đậu. Êsau ăn uống, rồi đứng dậy đi. Êsau đã coi thường quyền trưởng nam.
1/ Bối cảnh :
Khi bà Rebecca, vợ ông Isaac, có thai đôi, hai đứa con trong bụng thường đụng nhau, bà thỉnh ý Chúa và được biết : “Có hai dân tộc trong lòng ngươi, hai dân từ dạ ngươi sinh ra và sẽ chia rẽ nhau. Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, đứa lớn sẽ làm tôi đứa bé” (St 25, 23). Khi sinh ra, đứa đầu đỏ hoe, toàn thân như một chiếc áo choàng bằng lông, nên người ta đặt tên cho nó là Esau; còn đứa em ra sau, tay nắm gót chân của Esau, nên người ta đặt tên cho nó là Giacop.
Hai đứa trẻ quậy nhau trong lòng mẹ là điềm báo sự kình địch giữa hai dân tộc sau này, với kết cuộc là đứa lớn (Esau/Êdôm) phải phục quyền đứa bé (Giacop/Israel). Các trình thuật tiếp theo, nhất là 27, 29.30, sẽ nhắm vào đề tài đó.
Esau làm nghề săn bắn, nên phải đối diện với nguy hiểm thường xuyên, còn Giacop thì ở nhà với mẹ. Một hôm Esau đi săn về (có lẽ anh ta đi săn cho cả gia đình, chứ không phải cho riêng mình), bụng đói và mệt lả, thấy Giacob nấu nồi cháo đậu thơm phức, nên xin Giacop cho mình ăn. Nhân dịp này, Giacob đòi Esau đổi chén cháo lấy quyền trưởng nam. Có thể vì tính tham ăn, thường xuyên chiều theo những đòi hỏi của cơ thể, sống theo bản năng (cuộc sống hoang dã), hay có thể là Esau không thấy hết được giá trị của quyền trưởng nam, nên đã đánh đổi theo yêu cầu của Giacob một cách dễ dàng. Câu “Anh đang sắp chết, thì quyền trưởng nam có ích gì cho anh?” cho thấy là Esau không biết trân trọng quyền mà Chúa ban cho mình. Sau này, Esau phải hối tiếc vì điều đó.
Khi ông Isaac già nua, mù lòa, biết là mình sắp về với tổ tiên, nên nói Esau, người con trưởng, đi săn thú để làm bữa cho ông ăn, rồi ông sẽ chúc phúc cho. Lời chúc phúc của người gia trưởng, kế thừa lời hứa Chúa ban cho tổ phụ Abraham, là một lời chúc quan trọng, vì nó có ảnh hưởng trên cả dòng tộc và tương lai của người đó. Nhân dịp này, bà Rebecca đã bày Giacob lừa cha để nhận lấy phúc lành. Điều này làm cho Esau đau đớn và uất hận : “khi Esau nghe được những lời của cha, cậu kêu lên một tiếng lớn và cay đắng vô cùng… cậu nói : “có phải vì nó là tên Giacop, mà nó đã h ất cẳng con đến hai lần? Nó đã đoạt quyền trưởng nam của con, bây giờ đây nó lại đoạt lời chúc phúc của con!” (Giacob lừa cả người anh lẫn cha mình!)
Rồi cậu thêm : “Cha chẳng dành cho con một lời chúc phúc sao?” (St 27, 36). “Esau hận với Giacop vì lời chúc phúc cậu này đã được cha ban cho. Esau tự nhủ : “Sắp đến ngày lo đám tang cho cha ta rồi, bấy giờ ta sẽ giết Giacop, em ta” (St 27, 41).
Quyền trưởng nam không chỉ dành riêng cho một người, nhưng còn liên hệ đến cả dòng tộc, con cái nữa. Chúng ta thử xem hai lời chúc của Isaac dành cho hai người con khác nhau như thế nào :
+ Lời chúc cho Giacob :
“Kìa, mùi thơm con tôi như mùi thơm cánh đồng ĐỨC CHÚA đã chúc phúc. Xin Thiên Chúa ban cho con, sương trời với đất đai màu mỡ, và lúa mì rượu mới dồi dào. Các dân phải làm tôi con, các nước phải sụp xuống lạy con. Con hãy làm chủ các anh em con, và các con của mẹ con phải sụp xuống lạy con. Kẻ nguyền rủa con sẽ bị nguyền rủa, kẻ chúc phúc cho con sẽ được chúc phúc.” (St 27, 27-29)
Lời chúc phúc bao gồm : được Chúa chúc lành, cho nên thời tiết, đất đai, công việc được rất thuận lợi; được quyền lãnh đạo, không chỉ trong gia tộc, nhưng toàn thế giới; trở thành dấu chỉ cho sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian.
+ Lời chúc phúc cho Esau :
“Kìa, nơi ở của con sẽ cách xa đất đai màu mỡ và không được sương từ trời cao gieo xuống. Con sẽ sống nhờ thanh gươm của con, sẽ làm tôi em con. Nhưng khi còn nay đây mai đó, con sẽ giũ được ách em con ra khỏi cổ con.” (St 27, 39-40)
Đây không phải là lời chúc phúc, nhưng chỉ là lời tiên tri về hậu vận của Esau.
Tóm lại, từ khi sinh ra, Esau là trưởng nam, nhưng có thể vì không biết quí trọng quyền mà mình đáng được hưởng, nên Esau đã đánh đổi quyền này một cách dễ dàng; và ông ta căm hận Giacop em mình đến độ muốn trả thù Giacop. Một khi mất quyền trưởng nam, Esau mất luôn cả những đặc ân đi kèm theo với quyền đó.
2/ Giải thích bản văn :
+ Câu 30 : “Cho anh ăn món đo đỏ kia với, vì anh đang mệt lả” : trong lúc yếu đuối và mất kiên nhẫn vì đói, Esau quên mất tên của món cháo đậu và mô tả đơn giản bằng vẻ bên ngoài của nó. Edom có nghĩa là đỏ, người ta gán cho anh ta tên “đỏ” từ biến cố này. Người ta có thể khẳng định ở đây là cái tên này được gán cho anh ta, trước tiên là vì màu da lông lá của anh : “Đứa ra trước đỏ hoe, toàn thân như một chiếc áo choàng bằng lông : người ta đặt tên cho nó là Esau” (St 25, 25). Nhưng sau biến cố chén cháo đậu, anh được đổi tên theo mầu của cháo đậu đỏ (Edôm).
+ Câu 31 : Quyền trưởng nam bảo đảm một vị thế ưu tiên trong gia đình (x. 43, 33; 48, 13-19) và, theo một số luật Đông Phương cổ cũng như sau này tại Israel (Đnl 21, 16-17) cho hưởng gia tài gấp đôi. Ở đây, trình thuật làm nổi bật một bên là sự lanh lợi của Giacop biết lợi dụng hoàn cảnh, bên kia là sự thô kệch của Esau chẳng quan tâm gì tới gia nghiệp cũng như lời Thiên Chúa hứa (x. Dt 12, 16). Tại sao Giacop lại yêu cầu Esau bán quyền trưởng nam vào lúc này? Có lẽ vì Giacop hiểu được giá trị về quyền của người con trưởng, qua sự thôi thúc của mẹ, nên tìm mọi dịp để đạt được quyền này. Giacop biết được tính tình của người anh : thô lỗ, thích hưởng thụ, thích điều đang có trước mắt hơn là có cái nhìn lâu dài về tương lai, nên ông đã thành công. Đọc tiếp sách Sáng Thế sẽ thấy Giacop còn dùng mưu lược xảo trá để đạt mục đích nhiều lần nữa (lừa cha là Giacop, lừa Laban, cậu ruột và là nhạc phụ của mình).
+ Câu 32 : Câu này có thể hiểu theo 3 cách :
a/ Nghĩa chung chung : tôi chỉ quan tâm tới hiện tại : tôi sắp chết, quyền trưởng nam sẽ qua và không có ích lợi gì.
b/ Cách riêng, nhìn vào cách sống của anh ta – tôi đối diện với cái chết mỗi ngày trên thực địa, và tôi không phải là người hưởng quyền trưởng nam, thực tế cho thấy là tôi liều mạng sống;
c/ Có vẻ như thuộc về hiện tại : tôi sắp chết vì đói và mệt, và vì thế một bữa ăn ngon trong hiện tại thì có giá trị hơn những chuyện trong tương lai.
Nghĩa thứ ba có vẻ mạnh hơn
+ Câu 33 : “Êxau liền thề và bán quyền trưởng nam của mình cho Giacóp”
Trong câu chuyện này, Esau là nhân vật được nhấn mạnh, một ví dụ làm gương cho mọi thời đại. Cách ứng xử của anh ta cho chúng ta thấy sự tai hại của việc bán đi danh dự của mình vì một thú vui thoáng qua, một sự thỏa mãn trong hiện tại về một điều thích thú tầm thường; và trong cách áp dụng cao hơn, nó diễn tả tính chóng qua của những điều thuộc về thế gian, qua đó cho thấy một người tự tách mình ra khỏi những kho tàng vĩnh cửu để hưởng thụ những kho tàng chóng qua ở đời này là một người thiếu suy nghĩ.
3/ Nhân vật Esau
Esau có thể được xem như biểu tượng của thể loại hưởng lạc, của tất cả những ai mà quan điểm và triết lý sống là : “ăn và uống đi, vì ngày mai chúng ta sẽ chết”. Đây là bài học chính của câu truyện. Nhưng câu truyện này cũng cho chúng ta thấy rằng cả hai người trong cuộc trao đổi này đều đáng lên án. Đó là một việc làm bất công và hoàn toàn mất danh dự cho cả hai anh em.
Esau từ bỏ quyền trưởng nam cho những thói hư và cám dỗ của thói tham ăn. Anh muốn thức ăn ngon miệng, và cách anh ta nói để đòi hỏi điều đó cho thấy cơn đói của anh ta mạnh mẽ như thế nào : “Cho ta ăn đi, xin em, thứ màu đỏ, màu đỏ, của thứ đó” (Heb). Sự thỏa mãn hiện tại của thói thèm ăn nghiền nát tất cả những gì được coi là cao hơn và nhấn chìm danh dự của anh ta. Có những lúc con người để cho đam mê thống trị trên mình một cách không thể cưỡng lại được.
Anh ta không hiểu hết ý nghĩa thực sự về danh dự và sự cao quý của vai trò trưởng nam của một dòng dõi được chúc phúc : “Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA, Ta lấy chính danh Ta mà thề : bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta” (St 22, 16-18). Lý do của sự không hiểu biết này có lẽ là do thiếu sự gần gũi với người cha, nên không được cha chia sẻ những điều quan trọng trong cuộc đời mình; hay có thể là người cha thấy tính khí của người con này không thích hợp để được chia sẻ.
Nếu anh ta đã có danh dự của một con người trong thế gian như anh ta cần phải có, anh ta có thể đẩy lùi đề nghị đáng thương của Giacop, và có thể dùng một mẩu bánh mì và một ly sữa trong nhà bếp, thay vì một chén cháo đậu (vì trong nhà bếp luôn có thức ăn dự trữ). Anh ta có thể từ chối với sự khinh bỉ người đề nghị như vậy. Nếu anh ta còn giữ lại một sự tự trọng nào đó, anh ta phải giữ vị trí của mình trong gia đình, dẫu cho phải chấp nhận hy sinh cơn thèm khát. Con người, với lòng tự trọng, sự hiểu biết và có ý chí, sẽ có thể vượt qua những cơn cám dỗ. Nhờ đó, con người sẽ bớt hối hận vì những lúc yếu đuối.
4/ Esau, một con người phàm tục
Xét về mặt tôn giáo, nó cho thấy sự bất lực để chống lại cơn cám dỗ. Anh ta mệt mỏi và kiệt sức, và món ăn ưa thích gặp vào một lúc nào đó trở thành cơn cám dỗ mạnh mẽ. Khi anh ta nghe những điều kiện ranh mãnh được đề nghị, thay vì chống lại tên cám dỗ, anh ta nhường bước một cách dễ dàng và nói về quyền trưởng nam của mình một cách khinh miệt.
Đó là điểm đặc biệt mà tác giả thư Do thái nhấn mạnh : “Đừng có ai gian dâm hoặc phàm tục như Esau, kẻ đã vì một miếng ăn mà bán quyền trưởng nam” (12, 16). Tác giả coi Esau thuộc loại người “hưởng thụ, gian dâm (pornos), và phàm tục, vô tôn giáo (bêbêlos)”. Là người thích hưởng thụ trong hiện tại hơn là những điều có giá trị trong tương lai. Tô cháo ngay trước mặt, sẵn sàng cho anh ta thưởng thức, có giá trị hơn quyền trưởng nam xa vời mà anh ta chưa thấy được thực hiện.
Những đặc quyền cao trọng của quyền trưởng nam còn xa trong tương lai. Sự khẳng định về tương lai thì mơ hồ và vô nghĩa theo tinh thần thế gian; nhưng những điều đang hiện diện trước mắt thì sống động và có sức mạnh, lấn át trên mọi thứ khác. Thích hiện tại hơn tương lai là bản chất của sự phàm tục, tầm thường. Thích cảm tính hơn là tinh thần. Ý nghĩa của những lời chúc lành tinh túy và được ca ngợi của quyền trưởng nam thì mờ nhạt trong anh ta, nhưng ước muốn hưởng thụ xác thịt thì mạnh mẽ.
Một người “phàm tục” là người không biết tôn trọng những điều thiêng thánh, nên coi thường hay nhạo báng những sự thánh thiêng, những điều thuộc về thần linh, như : tên, ngày, Lời của Chúa, những con đường và dân của Ngài. “Như Esau”, tác giả thư Do-thái nhấn mạnh, là người, dẫu cho là con cả của Isaac, được cắt bì và tham gia vào việc tế tự của gia đình thánh này (thiêng thánh), nhưng lại sống theo tinh thần thế tục. Tội của anh ta là nhạo báng quyền trưởng nam và những lời chúc lành đi kèm theo. Con đầu lòng, như là nguồn gốc của dân Chúa, để chuyển thông cho hậu thế tất cả những lời chúc lành được hứa trong Giao Ước; như quyền chiếm hữu đất Canaan, và là người mà tất cả các quốc gia được chúc lành, là người giải thích và khẳng định những lời hứa này cho con cháu.
Những điều thuận lợi này đã bị Esau coi thường, và sau đó anh ta không thể hưởng được lời chúc lành của người trưởng nam. Một thời gian sau, có thể là 40 hay 50 năm, anh ta hối hận, và bắt đầu nhận ra mình đã hành động thiếu khôn ngoan ở điểm nào, và tìm cách thay đổi cách suy nghĩ của cha mình, nhưng không tìm ra được phương thế nào để làm điều đó, dẫu cho anh ta van xin phép lành của cha với nước mắt : “ sau này, cho dù muốn được thừa hưởng lời chúc phúc, anh ta cũng không thể làm thay đổi tình thế” (Dt 12, 17).
5/ Một đặc ân dẫu cho cao quý, vẫn có thể bị đánh mất
Quyền trưởng nam và lời chúc lành đi kèm theo, được xem như là một đặc ân được trao ban, nhưng dẫu cho cao quý, chúng vẫn có thể bị đánh mất. Nếu chúng ta so sánh đời sống linh mục, cả về ý nghĩa của thiên chức lẫn những đặc ân đi kèm theo chức vụ, với đời sống của người tín hữu lẫn những người chưa biết Chúa, chúng ta sẽ hiểu được thiên chức linh mục mà anh em chúng ta được nhận lãnh có giá trị quan trọng như thế nào.
Nhìn lại cuộc sống của mình từ lúc bắt đầu theo đuổi ơn gọi linh mục, cho đến bây giờ đang thì hành thiên chức linh mục, anh em sẽ thấy được bao nhiêu ơn lành Chúa ban và được cộng đoàn dân Chúa trợ giúp trong đời sống linh mục.
Từ một chú ứng sinh, với ước mơ được trở thành linh mục để phục vụ Chúa và dân Người, chúng ta đã hy sinh những thú vui của tuổi trẻ, những điều mà người đời ưa thích, như : tiền của, nghề nghiệp, tình yêu, danh vọng…. Chúng ta chấp nhận từ bỏ mình mỗi ngày để được trở nên giống Chúa Giêsu, như lời Ngài mời gọi : “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).
Bên cạnh những hy sinh từ bỏ, chúng ta được Chúa ban cho nhiều khả năng để có thể phục vụ dân Chúa một cách hiệu quả trong chức vụ linh mục. Từ khả năng đàn hát, đến cách nói chuyện trước đám đông, những đức tính nhân bản thu phục lòng người; từ những hiểu biết Kinh Thánh, đến những kinh nghiệm hướng dẫn đời sống thiêng liêng, chúng ta tập sống gắn bó với Chúa trong từng giây phút. Chúng ta được chuẩn bị để có thể trở nên những người mục tử như lòng Chúa mong ước : những người thuộc về Chúa và thuộc về dân Chúa.
Tuy nhiên, khi sống đời linh mục, nếu chúng ta không ý thức được giá trị của những ân huệ mình đang được hưởng, chúng ta dễ bị cám dỗ “đứng núi này trông núi nọ”, và dễ dàng đánh đổi kho tàng quý giá của đời linh mục với những thú vui tầm thường.
Kinh nghiệm của những linh mục đàn anh đi trước cho chúng ta thấy rằng vì thiếu trung thành với lý tưởng linh mục ngay từ ban đầu, nên nhiều anh em đã coi thường những giá trị thánh thiêng của đời linh mục, (ngay cả việc dọn lòng trước khi dâng lễ cũng coi thường) và rồi bị sa ngã vì những thú vui vật chất, như rượu chè, tham danh vọng, tiền bạc, hay tình dục. Sự sa ngã sẽ để lại trong cuộc đời linh mục những vết thương, hay những vết sẹo không bao giờ lành. Và do đó, người linh mục không còn cảm nếm được niềm vui của đời mục tử, và không còn sự bình an của người thuộc về Chúa và thuộc về Giáo Hội. Những quyết định sai lầm trong giây phút bồng bột, không làm chủ được mình, sẽ làm cho tha nhân và Giáo Hội những nỗi đau phải trả bằng những giá rất đắt.
6/ Những trường hợp bán quyền trưởng nam ngày nay
Không chỉ có Giuda Iscariot dám bán quyền môn đệ để lấy 30 đồng, và rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng đến mức độ tự tử, trong cuộc sống hiện nay, chúng ta cũng có thể chứng kiến những trường hợp đánh đổi một cuộc sống tốt đẹp đang được hưởng, để đổi lấy một thú vui chóng qua, hay là một sự tham lam nhất thời.
Nhìn vào đời sống của Giáo Hội trong những thập niên gần đây, chúng ta cảm thấy trách nhiệm của mỗi người kitô hữu, cách riêng là các linh mục, cần phải làm tươi mới lại khuôn mặt thánh thiện của Giáo Hội, hiền thê của Đức Kitô và là dấu chỉ của Nước trời.
Trong cơn khủng hoảng về lạm dụng tình dục trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy có những người đã đánh đổi những ân huệ mình đang được hưởng như : chức thánh, danh dự, quyền phục vụ dân Chúa, để đổi lấy những chén cháo đậu thoáng qua. Chén cháo đậu có thể là : một ham muốn tình dục, ham muốn danh vọng, ham muốn về tiền bạc… Những ham muốn này có những lúc rất mạnh, đến độ có thể che mờ lý trí của con người.
Sự yếu đuối của con người không phải là điều tự nhiên. Có những lý do làm cho lý trí nhường bước cho sự ham muốn. Một trong những nguyên nhân là xem thường những đặc ân mà mình được lãnh nhận. Một linh mục, là người được Chúa chọn để phục vụ Lời, phục vụ dân Chúa, là một hồng ân cao cả. Người chủng sinh ý thức được sự cao cả này, nên cố gắng tu tập bao nhiêu năm để được xứng đáng với ân trọng này. Nhưng nếu trong đời sống thường ngày, người linh mục không luôn thấy được mục đích của đặc ân mình được lãnh nhận, sẽ bị phân tâm vào những chuyện thứ yếu trong đời sống linh mục.
Để có thể trung thành với ơn gọi linh mục và bảo vệ được sự thánh thiêng của chức linh mục, chúng ta phải hiểu và biết sống mầu nhiệm tự hủy mỗi ngày, để Chúa Giêsu được luôn lớn lên trong ta. Hãy để Giáo Hội, dân Chúa, và những người thân có chỗ đứng trong mỗi quyết định của chúng ta.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả các anh em và chúc anh em luôn sống hạnh phúc trong đời sống linh mục.