TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 02/10/2023 14:32 |   772
“Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 18,38-42)

10/10/2023
THỨ BA TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

t3 t27 TN

Lc 10,38-42


Ngày 10 tháng 10: Lạy Mẹ Mân Côi! Xin cho chúng con biết cùng Mẹ chiêm ngắm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, để chúng con luôn biết hồi tưởng, làm sống lại những kỳ công mà Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ. Xin nhận chìm chúng con vào các mầu nhiệm của Đức Kitô, để các mầu nhiệm đó thấm nhập sâu xa và uốn nắn đời sống chúng con. Xin cho chúng con chiêm ngắm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi trong sự thông hiệp với Mẹ, vì đó là cách thế học hỏi từ Mẹ, để khám phá ra những thông điệp mà Chúa muốn ngỏ lời với chúng con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

CHỌN PHẦN TỐT NHẤT
“Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
(Lc 18,42)

Suy niệm: Thời nay người ta chuộng lối sống thực dụng: “Có thực mới vực được đạo”. Câu nói của thánh Gia-cô-bê tông đồ cũng thường được viện dẫn: “Đức tin không việc làm là đức tin chết.” (Gc 2,17). Nhưng xem ra có vẻ Chúa Giê-su ủng hộ Ma-ri-a người không làm gì chỉ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài. Xem ra Ngài không quan tâm mấy đến việc Mác-ta lo phục vụ Ngài, cho dù công việc của Mác-ta cũng cần thiết không kém. Chúa Giê-su cho rằng Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất không phải là vì Ngài coi thường việc làm của Mác-ta, nhưng là nhắc nhở Mác-ta, làm gì thì làm nhưng đừng quên rằng sự hiện diện của Ngài mới là quan trọng nhất. Nếu Mác-ta ý thức được sự hiện diện của Chúa Giê-su là thiết yếu, thì cô đã không còn bắt Thầy để ý đến mình, cũng không còn ganh tỵ với em. Ma-ri-a đã không chọn điều gì khác mà chọn chính con người Giê-su. Đó là phần tốt nhất nên không ai lấy mất được.

Mời Bạn: Con người ngày nay có xu hướng đánh giá một người theo giá trị kinh tế chứ không theo phẩm giá nhân linh, chọn cuộc sống chạy theo lợi nhuận hơn là sống vì tình vì nghĩa. Còn bạn là Ki-tô hữu, bạn có dám chịu thiệt thòi để chọn lựa cách sống như một người có Chúa Giê-su không?

Chia sẻ: Khi làm việc bạn sẽ gặp những trường hợp sống trái ngược với sự thật, với Tin Mừng, bạn sẽ phản ứng như thế nào?

Sống Lời Chúa: Lặp lại nhiều lần với sự xác quyết: “Không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến Chúa Ki-tô” (x. Rm 8,39).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự theo thánh ý Chúa, và không ai có thể chống lại thánh ý Chúa. Vì Chúa đã tạo thành mọi sự trên trời dưới đất, và cả những gì trong bầu trời; Chúa là Chúa tể mọi loài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Gn 3, 1-10

“Dân thành Ninivê đã bỏ đàng tội lỗi”.

Trích sách Tiên tri Giona.

Lời Chúa phán cùng Giona rằng: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi”. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng. Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ”. Dân thành tin tưởng nơi Chúa; họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.

Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu: “Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?” Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 7-8

Ðáp: Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư?

Xướng: Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu! Dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con.

Xướng: Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu.

Xướng: Israel đang mong đợi Chúa: bởi vì Chúa rộng lượng từ bi và Chúa rất giầu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 1, 13-24

“Người đã mạc khải cho tôi biết Con của Người, để tôi rao giảng Người cho dân ngoại”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, anh em nghe nói về đời sống của tôi trước kia, khi theo đạo Do-thái: tôi đã bắt bớ và phá hoại Hội Thánh của Thiên Chúa thái quá. Trong đạo Do-thái, tôi đã vượt hẳn nhiều bạn đồng giống nòi, đồng tuổi với tôi, và tôi nhiệt thành hơn bất cứ ai đối với truyền thống của cha ông tôi.

Nhưng khi Ðấng tách riêng tôi ra từ lòng mẹ, và dùng ơn Người mà kêu gọi tôi, để tôi rao giảng Người trong các dân ngoại, thì không lúc nào tôi bàn hỏi người xác thịt máu huyết, và tôi không lên Giêrusalem để gặp các vị làm tông đồ trước tôi, nhưng tôi đi ngay đến Arabia, rồi lại trở về Ðamas. Ðoạn ba năm sau, tôi mới lên Giêrusalem để gặp Phêrô, và lưu lại với ông mười lăm ngày. Tôi không gặp một tông đồ nào khác, ngoài Giacôbê, anh em của Chúa. Những điều này tôi viết cho anh em, đây trước mặt Thiên Chúa, tôi không nói dối.

Thế rồi tôi đã đi về miền Syria và Cilicia. Nhưng các giáo đoàn của Ðức Kitô ở xứ Giuđêa chưa biết mặt tôi, họ chỉ nghe đồn rằng: “Người xưa kia bắt bớ chúng ta, giờ đây lại rao giảng đức tin mà thuở trước ông muốn bài trừ”, và vì tôi, họ ngợi khen Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 138, 1-3. 13-14ab. 14c-15

Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời (c. 24b).

Xướng: Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con, Ngài biết con lúc con ngồi hay con đứng. Ngài hiểu thấu tư tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết, Ngài để ý tới mọi đường lối của con. 

Xướng: Chính Ngài đã nặn ra thận tạng con, đã dệt ra con trong lòng thân mẫu. Con ngợi khen Ngài đã tạo nên con lạ lùng như thế, vì công cuộc của Ngài thực diệu huyền. 

Xướng: Linh hồn con, Chúa hoàn toàn biết rõ, thể chất con không giấu nổi mắt Ngài, lúc con được cấu tạo hình hài trong nơi kín đáo, lúc con được dệt thân ở chỗ đất sâu. 

Alleluia: Tv 144, 14cd

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. – Alleluia.)

Phúc Âm: Lc 10, 38-42

“Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”.

Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chính Chúa đã thiết lập lễ tế này để chúng con dâng lên mà tỏ lòng thần phục tôn kính; xin Chúa thương chấp nhận và thánh hoá chúng con, xin cho chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa nhân lành đối với những ai trông cậy vào Người, và đối với tâm hồn kiếm tìm Người.

Hoặc đọc:

Chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh, và cùng một chén rượu

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô, xin cho chúng con được nên một với Người và no say tình Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

I. CÂU CHUYỆN NGƯỜI TIẾP ĐÃI KHÁCH

1. Ông Abraham tiếp đón khách

Bài sách Sáng thế ghi lại việc ông Abraham tiếp đãi sứ giả của Thiên Chúa một cách nồng hậu. Abraham đang ngồi hóng mát trước cửa lều trong buổi trưa nóng bức. Ông thấy ba người khách lạ đi ngang qua. Ông vội chạy ra mời họ quá bộ vào nghỉ mát, bưng nước cho khách rửa chân, dẫn khách nằm nghỉ dưới bóng cây. Ông bắt con bê béo làm thịt. Bà nhồi bột làm bánh. Ông hầu hạ khách như mình là tôi tớ. Đáp lại lòng hiếu khách của ông, sứ giả nói với ông: “Sang năm vào độ này, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai”.

2. Martha và Maria đón tiếp Đức Giêsu

Trên đường tiến về Giêrusalem, Đức Giêsu ghé vào nhà chị em Martha, Maria và Lazarô ở làng Bêtania, cách Giêrusalem ba cây số. Martha đón rước Đức Giêsu vào nhà. Cô là chủ nhà và chưa có gia đình vì cô đón tiếp khách. Nếu có chồng thì chồng sẽ tiếp đón khách. Cách đón tiếp của Martha đã chứng tỏ rằng gia đình này đã từng quen biết Ngài và đã có nhiều lần Ngài đến nhà như người quen biết thân mật (Ga 11,1-14).

Hai chị em có hai tính tình khác nhau: Martha là một người hoạt động, còn Maria là một người trầm lặng. Cô Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Ngài. Còn cô Martha thì lăng xăng lo lắng đón tiếp Chúa, một vị khách quý mà cô muốn bày tỏ hết lòng kính trọng. Martha cảm thấy khó chịu vì cô em không giúp mình một tay, sợ trễ giờ, đến nỗi phải xin Chúa can thiệp, với một giọng trách móc: “Xin Thầy bảo em con giúp con với”.

Không biết câu trả lời của Đức Giêsu có làm cho Martha buồn không: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không ai lấy mất” (Lc 10,42).

II. CÂU CHUYỆN NGƯỜI PHỤC VỤ VÀ LẮNG NGHE

Như vậy, Martha và Maria xuất hiện ở đây như hai môn đệ nhiệt thành đón tiếp Đức Giêsu Thầy mình, nhưng Maria chỉ lắng nghe Lời Thầy, còn Martha lo dành riêng cho Thầy một sự đón tiếp nồng hậu.

1. Một Martha năng động

Martha là con người rất yêu mến Đức Giêsu, biết quan tâm tới sức khỏe của Ngài. Trên cuộc hành trình đi vào làng, Ngài mệt mỏi, đói bụng, phải được ăn uống bồi dưỡng để tiếp tục đi rao giảng Tin mừng. Sự lo lắng cho sức khỏe của người khác là nét tinh tế của người phụ nữ. Vì yêu Chúa nhiều, Martha mới lo lắng và lăng xăng như thế. Trong khi đó Ngài lại trách yêu Martha: “Martha, Martha, con lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá” (Lc 10,42). Nói như vậy, phải chăng là Ngài phê bình Martha chỉ đặt trọng tâm vào việc ăn uống?

Căn cứ vào sự kiện Martha hối thúc nói với Maria giúp cô, một học giả Rachel Conrad Wehberg giải thích với một nét nhân từ hơn: Người ta phải suy luận rằng đây là công việc trong bếp hai người đã quen làm. Maria vẫn thường phụ giúp Martha. Nếu họ đã phân chia công tác: Martha nấu ăn, Maria tiếp khách, thì chẳng có vấn đề gì, vì mỗi người đều chấp nhận và kính trọng nhau. Nhưng ở đây, theo thói quen, cả hai chị em cùng làm công việc nấu nướng. Nếu cả hai cùng làm, sẽ mau có bữa ăn hơn, và cả hai chị em đều có cơ hội ngồi tâm sự với Chúa lâu giờ hơn. Do đó, Martha than phiền không phải vì bà chỉ bận tâm đến việc ăn uống, cũng không phải vì ghen tương, nhưng vì trái tim bà hối thúc muốn được cùng lắng nghe Lời Chúa, cùng ở bên Chúa với Maria. Đó là lý do Martha đã than phiền (Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa giữa lòng đời, năm C, tr 255-256).

Tuy nhiên, Đức Giêsu đang trong lúc bồn chồn lo lắng chuẩn bị cho cuộc tử nạn, Ngài muốn có người biết chia sẻ tâm tình hơn để làm vơi nỗi lòng mình, còn việc ăn uống lúc này thì chỉ là phụ thuộc, không cần thiết mấy. Maria đã đáp ứng đúng tâm trạng của Đức Giêsu.

Truyện: Thèm lòng chứ không thèm thịt.

Một người cha có thói quen, sau giờ làm việc, đi dạo chung với cô con gái. Ông cảm thấy rất hạnh phúc được chuyện trò với con. Thình lình, cô gái bắt đầu cáo lỗi vì không thể đi dạo hằng ngày với cha được. Người cha cảm thấy đau khổ nhưng không nói ra. Sau cùng vào ngày sinh nhật của ông, cô con gái mang đến tặng cha một cái áo len mà cô mới đan. Người cha đã nhận thấy rằng cô con gái đã đan áo len trong lúc ông đi dạo một mình. Ông nói với con: “Martha. Martha, Ba rất quí chiếc áo này. Nhưng Ba thích con đi dạo với Ba hơn. Một cái áo len Ba có thể mua ở bất cứ tiệm bán quần áo nào. Nhưng con gái cưng của Ba, Ba không thể mua được. Con làm ơn đừng bao giờ bỏ rơi Ba nữa nhé”.

2. Một Maria trầm lặng

Cả hai chị em đều có đức tính đáng khen, cả hai đều yêu kính Thầy và ước ao được làm vui lòng Thầy. Nhưng trong dịp này vì lòng nhiệt thành phục vụ, Martha đã làm quá nhiều để sửa soạn một bữa ăn ngon lành. Còn Maria thì trực giác hơn được điều Chúa muốn, nên cứ ngồi dưới chân Chúa mà nghe Lời Ngài dạy. Cô biết Ngài mong ước được mạc khải chính mình, muốn ban cho họ những sứ điệp từ trời, không phải vì lợi ích cho Ngài, mà vì phần rỗi của nhân loại. Bởi vậy, theo nghệ thuật tiếp khách, cô phải để ý đến ý muốn của vị khách trước, phải lắng nghe người khác nói. Trong việc tiếp đãi Thầy, cô đã làm được việc lớn hơn chị cô.

Bà Carnegie viết rất nhiều sách học làm người nổi tiếng. Trong cuốn “Đắc nhân tâm”, bà viết: “Cách làm cho khách vui lòng nhất là lắng nghe khách nói, lắng nghe ước muốn, nguyện vọng, tâm tư của người khác. Như vậy, tỏ ra mình kính trọng, quan tâm đến người để hiểu biết, thông cảm, chia sẻ những tâm tình, những kiến thức, những yêu cầu thiết thực của người, quí hơn cả cơm ăn, áo mặc”.

Truyện: Tổng thống Abraham Lincoln chia sẻ

Trong lịch sử nước Mỹ, trong những ngày đen tối nhất của cuộc nội chiến Nam Bắc, Lincoln viết thư mời ông bạn cũ ở Illinois tới Washington để thảo luận vài vấn đề. Ông bạn tới Bạch cung là Lincoln nói với ông trong mấy tiếng đồng hồ về tờ thông báo ông định công bố để thủ tiêu chế độ nô lệ. Tổng thống ôn lại tất cả các lý lẽ bênh vực cho các đạo luật ấy và những lý lẽ phi bác lập trường đối nghịch. Ông lại đọc cả những bức thư và bài báo về vấn đề đó, trong đó nhiều người trách ông chần chừ chưa phế bỏ chế độ nô lệ, lại có những bài chỉ trích vì ông có ý tiến hành việc ủng hộ chế độ nô lệ. Sau khi hăng hái nói một hồi lâu, Lincoln bắt tay ông bạn già, chúc ông ta bình an và tiễn ông ta trở về Illinois, chẳng hỏi ý kiến gì hết. Lincoln đã nói, đã trút bỏ những nỗi suy nghĩ đang đè nặng trong lòng ông, như vậy đầu óc ông được sáng suốt. Ông bạn già kể lại: “Khi Lincoln nói xong rồi, ông ấy bình tĩnh hơn”. Lincoln chỉ cần một người bạn thân thiết biết nghe ông nói và hiểu lòng ông để ông trút bầu tâm sự của ông thôi.

3. Một sự cần thiết mà thôi

Đức Giêsu trả lời cho Martha: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không ai lấy mất”. Câu trả lời của Đức Giêsu đã gây nên nhiều tranh luận và tùy cách hiểu mà dịch ra khác nhau.

Một cách theo như nghĩa trong truyện thì cô Martha lo lắng cho nhiều làm chi, một món ăn là đủ rồi.

Một cách khác theo như bản Phổ thông lấy theo nghĩa thiêng liêng. Đối nghịch với những bận rộn đón tiếp của cô Martha, chỉ có một sự cần thiết là lắng nghe Lời Chúa.

Ở đây thực ra không có ý so sánh những của đời này với của duy nhất trên trời, mà là lấy làm hơn thái độ của Maria chăm chú nghe Chúa, cô Martha chia trí lo lắng quá nhiều sự. Vì thế, Đức Giêsu đã tuyên bố Maria đã chọn phần nhất là nghe Lời Chúa.

III. CÂU CHUYỆN NGƯỜI TÔNG ĐỒ BIẾT LẮNG NGHE

1. Lạc giáo hoạt động (Hérésie de l’action)

Ngày nay, trong Giáo hội, có phong trào tư tưởng cho rằng Giáo hội phải lăn xả vào công việc xã hội nhiều hơn, phải đi đến với người nghèo trước đã. Đạo có chiều dọc và chiều ngang. Hàng dọc hướng về Thiên Chúa, hàng ngang hướng về anh em. Tư tưởng dấn thân trước tiên cho kẻ khác được cổ võ mạnh. Môn Thần học Giải phóng muốn đặt lại căn bản Đức tin: Mến Chúa yêu người, nhưng cứu người trước đã. Từ ngữ “giải phóng” được đem thay thế từ ngữ “cứu rỗi” của Thần học, vì “nó minh bạch và sáng sủa hơn” (Seguido – Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa, năm C, tr 99).

2. Hoạt động và lắng nghe

Tuy Đức Giêsu chấp nhận lòng hiếu khách của Martha với lòng biết ơn, và đánh giá đúng mức những cố gắng cô thực hiện để tiếp khách cho tốt đẹp, Nhưng dù sao Ngài cũng muốn cô khám phá một điều còn quan trọng hơn, một điều khẩn thiết bậc nhất và duy nhất, mà cô liều mình quên mất: đó là lắng nghe Lời Chúa. Và, vì đã bỏ tất cả để chỉ giữ “một chuyện cần thiết”, mà Maria, em cô, đã tỏ mình là một môn đệ gương mẫu hoàn hảo nhất.

R. Meynet chú giải thêm: “Martha đón tiếp Đức Giêsu vào nhà. Chúa vừa bước vào, thì cô đã bỏ Ngài đó, để lo trăm nghìn chuyện. Vịn cớ phục vụ Ngài, cô tất bật, cô lo lắng mọi sự chỉ trừ Chúa ra. Việc phục vụ của cô lấn lướt cả vị khách của cô. Cô lăng xăng, lo lắng, sợ rằng mình không tiếp đãi đúng mức với vị khách quí. Về phần Maria cô giữ một thái độ xứng hợp nhất, ngồi bên chân Đức Giêsu, trong tư thế của người môn đệ. Cô không làm gì, không nói gì, cô chỉ ngồi và nghe. Cô đã quên tất cả mọi sự, ngoài Chúa. Cô quên chính mình. Cô dành cả con mắt, lỗ tai để nhìn và nghe Lời Chúa. Cô cũng đón tiếp Đức Giêsu hơn ai hết, với phong cách tốt nhất. Nhìn cô, người ta dám nói rằng: chính cô được Ngài tiếp đón mới đúng (Fiches dominicales, năm C, tr 253-254).

Ngày nay, người đàn bà danh tiếng nhất thế giới là một nữ tu bác ái, một Martha thời đại: chân phước Têrêsa Calcutta. Bà đã hiểu và truyền lại cho con cái thiêng liêng của Bà tinh thần bài Tin mừng hôm nay. Cầu nguyện trước khi hoạt động. Mỗi ngày để ra một giờ để chầu Mình Thánh Chúa trước khi xuống “địa ngục Calcutta” để săn sóc kẻ nghèo hoặc đi vào trong các “nhà chết”.

Trong khi tiếp xúc với Chúa chúng ta phải biết trao đổi như người ta nói: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”, nghĩa là phải biết nói và biết nghe, biết cho và biết nhận. Nhiều khi chúng ta rất hào phóng chỉ biết cho Chúa mà không biết nhận. Trong lúc Chúa muốn cho chúng ta tạo điều kiện để Chúa có cơ hội ban cho chúng ta nhiều ơn, để chúng ta tiếp nhận, nhưng tiếc thay, Ngài không có cơ hội.

Câu chuyện trong Tin mừng cho chúng ta thấy sự khác biệt chủ yếu giữa Martha và Maria. Martha không có khả năng nhận, trong khi Maria thì có. Maria cho Chúa món quà là một tâm trí mở rộng và một tâm hồn mẫn cảm. Còn Martha, trong lúc rất tốt, rất hào phóng khi cho, lại rất nghèo khi nhận. Cả Chúa cũng không thể cho cô điều gì.

3. Quân bình trong hoạt động và lắng nghe

Đặt thái độ của Martha và Maria đối chọi nhau và nghĩ rằng chỉ có một phía đúng, là quá vội vàng. Maria lắng nghe Lời Chúa, còn Martha tất bật lo phục vụ Chúa. Mỗi cô mỗi cách, họ đều muốn giữ chân Chúa nghỉ lại, trên đường lên Giêrusalem. Cô này bằng cách phục vụ, thì làm tất cả những gì có thể làm cho Ngài; cô kia bằng cách lắng nghe lời Chúa, thì cố gắng ghi nhớ lời Ngài, lời của Thiên Chúa.

Trong cuộc sống của người môn đệ, có lúc “tất bật”, và có lúc “lắng nghe”. Tuy nhiên, không thể có hoạt động tốt nếu không lắng nghe tốt. Maria đã thành công khi tạo cho mình một thái độ không thể thiếu của một môn đệ: là ngồi dưới chân Đức Giêsu, cô quên mọi sự khác, để toàn tâm chú ý vào Chúa và lời Ngài… Nhưng sau đó, có lẽ cô sẽ là một tông đồ hoạt động vì Thầy mình (Fiches dominicales).

Các triết gia Tây phương có khuynh hướng hoạt động cho rằng Chúa không làm gì, con người làm hết. Các triết gia Đông phương trái lại ưa thích thuyết tĩnh học, để Chúa làm hết và con người không làm gì. Nhưng khuôn vàng thước ngọc của chúng ta là: “Cầu nguyện và hoạt động”. Martha phải đi đôi với Maria. Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động, và hoạt động là kết quả của cầu nguyện.

P. Graef nói một câu rất thâm thúy: “Hoạt động mà không có cầu nguyện là thiếu nguyên tắc căn bản, cầu nguyện mà không có hoạt động là thiếu đất gieo hạt”.

Một nhà tâm lý trị liệu và nhà văn Mỹ, ông Thomas Moore nói: “Không còn nghi ngờ việc một số người có thể tiết kiệm chi phí và tránh cho mình sự phiền toái về tâm lý trị liệu chỉ vì họ đã dành mỗi ngày ít phút để nguyện ngắm. Hành động đơn giản này cung cấp cho họ điều họ thiếu trong cuộc sống – một thời gian bất động chủ yếu là để nuôi dưỡng linh hồn”.

Truyện: Bác học Ampère cầu nguyện

Frédéric Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là sinh viên đại học.

Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.

Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học lên tiếng hỏi:
– Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?
Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:
– Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép giáo sư cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!
Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:
– Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm.
Chàng sinh viên liền hỏi:
– Thưa giáo sư, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh vên, và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:
– Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi.

4. Sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa

Đời sống Kitô hữu phải được đan dệt bằng hoạt động và cầu nguyện. Các tu sĩ sống đời chiêm niệm không phải chỉ có cầu nguyện mà còn phải làm việc; còn các tu sĩ sống đời hoạt động cũng phải cầu nguyện chứ không phải chỉ có hoạt động. Cha Don Marmion nói: “Sự cầu nguyện hỗ trợ cho công việc tông đồ là linh hồn của mọi sứ vụ truyền giáo”.

Người Kitô hữu sống ở trần gian, nhiều lúc phải tất bật với những công việc, nhưng không thể thiếu được sự cầu nguyện. Đối với nhiều người, cầu nguyện chủ yếu là đọc kinh, nhưng đọc kinh chỉ là một trong những hình thức cầu nguyện. Cốt yếu của sự cầu nguyện là kết hợp với Chúa. Nhiều khi chúng ta không đọc kinh, chỉ thinh lặng trước sự hiện diện của Chúa cũng là một cách cầu nguyện rất hay. Thinh lặng cũng là một cách cầu nguyện.

Có lẽ kinh nguyện có lợi nhất là ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, không làm gì cả. Chỉ ngồi trong sự hiện diện của Thiên Chúa, như Maria ngồi trong sự hiện diện của Đức Giêsu. Nếu chúng ta dành một số thời giờ cho việc cầu nguyện và suy niệm, hoặc chỉ cần ngồi thinh lặng trong sự hiện diện của Thiên Chúa, thì không phải là thời gian lãng phí mà là thời gian được sử dụng tốt. Mỗi ngày chúng ta phải cố gắng, dù trong một thời gian ngắn, tìm kiếm khuôn mặt của Thiên Chúa.

Với cái nhìn nông cạn, nhiều người cho là phần việc của Maria có vẻ dễ dàng vì chỉ có ngồi đó, còn phần việc của Martha thì khó khăn hơn. Nhưng nếu suy cho kỹ, chúng ta có thể thấy ít nhất đôi khi, phần việc của Maria khó khăn hơn nhiều trong hai phần việc ấy. Gạt bỏ công việc của mình và chú trọng hoàn toàn vào người khác không dễ dàng. Đem sự chú tâm trọn vẹn ấy vào Thiên Chúa lại càng khó khăn hơn. Nhưng đó là linh đạo sinh lợi ích rất lớn lao.

Truyện: Dưới sự hiện diện của Thiên Chúa

Tổng Giám mục Anthony Bloom kể lại rằng người đầu tiên đến xin Ngài một lời khuyên khi ngài được truyền chức thánh là một bà cụ. Bà nói:
– Thưa cha, con đã cầu nguyện hầu như không ngừng suốt bốn mươi năm, và con chưa bao giờ có cảm giác gì về sự hiện diện của Thiên Chúa.
Ngài hỏi:
– Con có để cho Thiên Chúa có cơ hội lên tiếng không?
Bà nói:
– Ồ không! Con đã nói với Người suốt thời gian ấy. Như thế không phải là cầu nguyện sao?
Ngài nói:
– Không. Cha không nghĩ như thế. Bây giờ cha gợi ý thế này: con hãy dành riêng mười lăm phút để chỉ ngồi trước mặt Thiên Chúa.
Và bà đã làm như thế. Kết quả là gì? Không lâu sau, bà trở lại và nói:
– Thật lạ lùng, khi con cầu nguyện cùng Thiên Chúa, nói cách khác, khi con nói với Người, con không thấy điều gì. Nhưng khi con ngồi thinh lặng, yên tĩnh mặt đối mặt với Người, con cảm thấy được bao trùm trong sự hiện diện của Người (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật, năm C, tr 514-515).

Để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần xác tín rằng: “Câu hỏi thường đặt ra không phải Thiên Chúa có nói với chúng ta hay không, nhưng là chúng ta có thinh lặng và yên tĩnh đủ để lắng nghe Ngài hay không”.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây