TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 02/10/2023 14:20 |   575
“…Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc…” (Lc 15,25-37)

09/10/2023
THỨ HAI TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Thánh Điônysiô, giám mục và các bạn tử đạo

t2 t27 TN

Lc 10,25-37


Ngày 9 tháng 10: Lạy Mẹ Mân Côi! Khi chiêm ngắm mầu nhiệm Hài Nhi ở Bêlem trong Năm Sự Vui, xin cho chúng con cũng khao khát đón nhận, bảo vệ, cổ võ sự sống, và mang lấy gánh nặng của các trẻ em đang đau khổ trên toàn thế giới; Khi bước theo Đức Kitô trong các Mầu Nhiệm Sáng, xin cho chúng con cũng kiên quyết làm chứng cho các mối phúc của Người trong đời sống của mình; Khi ngắm nhìn Đức Kitô vác Thập Giá và chịu đóng đinh trong Mầu Nhiệm Thương, xin cho chúng con cũng nhận thấy mình phải hành động như ông Simon thành Xyrênê, đưa vai nâng đỡ những anh chị em đang quằn quại đau đớn và thất vọng ê chề; Khi chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Kitô Phục Sinh và của Mẹ, Nữ Vương Thiên Đàng, xin cho chúng con cũng khao khát làm cho thế giới này đẹp hơn, công bằng hơn, và tương hợp sít sao hơn với kế hoạch của Thiên Chúa. Amen.

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI LÀ…
“…Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc…”
(Lc 15,25-37)

Suy niệm: Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã! Người Việt Nam, vốn đề cao tinh thần nghĩa hiệp, chắc chắn cảm thấy rất gần gũi và rất dễ cảm nhận câu chuyện ‘Người Sa-ma-ri tốt lành’ hôm nay. Mà đây chính là một tóm kết giáo huấn Tin Mừng của Chúa Giê-su! Thật vậy, bối cảnh dẫn vào câu chuyện cho thấy rõ: con đường dẫn tới ‘sự sống đời đời’ là như thế; ‘mến Chúa yêu người’ là như thế. Chung qui có 2 loại người: loại người tránh qua bên kia mà đi” và loại người dừng lại” ra tay cứu vớt người đồng loại đang lâm nạn. Chàng thanh niên là thánh Phan-xi-cô Át-xi-di đã “dừng lại” như thế. Ngày nọ, đang cưỡi ngựa băng qua cánh đồng Um-bri-a, chàng trông thấy một người cùi rách nát nằm thoi thóp. Tự nhiên chàng cảm thấy kinh tởm, nhưng Phan-xi-cô biết mình phải làm gì. Chàng xuống ngựa, ôm hôn kẻ bất hạnh, và dốc hết tất cả số tiền của mình trao cho người ấy.

Mời Bạn: Tự vấn xem mình có ‘mến Chúa yêu người’ theo cách này không.

Chia sẻ: Thầy tư tế và thầy Lêvi “tránh qua bên kia mà đi”, còn người dừng lại cứu nạn là một người Sa-ma-ri! Sự kiện này có thể có những hàm ý gì cho hôm nay?

Sống Lời Chúa: Hôm nay, Chúa Giê-su cũng nói với bạn: “Bạn hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Cầu nguyện: Đọc hoặc hát “Kinh Hoà Bình”: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự theo thánh ý Chúa, và không ai có thể chống lại thánh ý Chúa. Vì Chúa đã tạo thành mọi sự trên trời dưới đất, và cả những gì trong bầu trời; Chúa là Chúa tể mọi loài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Gn 1, 1 – 2, 1. 11

“Ông Giona chỗi dậy lánh xa mặt Chúa”.

Khởi đầu sách Tiên tri Giona.

Có lời phán cùng Giona, con trai ông Amathi, rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy đi sang Ninivê, một thành rộng lớn, và giảng tại đó, vì tội ác của nó thấu đến Ta”.

Giona liền chỗi dậy để trốn sang Tharsê lánh xa mặt Chúa; ông đi xuống Gioppê, gặp tàu đi sang Tharsê, ông liền mua vé, xuống tàu đi với hành khách sang Tharsê, lánh xa mặt Chúa.

Nhưng Chúa khiến trận cuồng phong thổi trên biển và cơn bão táp dữ dội nổi lên, khiến tàu lâm nguy sắp chìm. Các thuỷ thủ lo sợ, hành khách cầu khẩn cùng thần minh của mình. Người ta vứt đồ vật trên tàu xuống biển cho nhẹ bớt, lúc đó ông Giona xuống lòng tàu nằm ngủ mê mệt. Thuyền trưởng đến gần ông và hỏi rằng: “Sao ông ngủ mê mệt như vậy? Hãy chỗi dậy cầu khẩn cùng Thiên Chúa của ông, may ra Thiên Chúa đoái đến chúng ta và chúng ta khỏi chết”.

Ai nấy đều bảo đồng bạn mình rằng: “Các anh hãy lại đây, chúng ta bắt thăm coi biết tại sao chúng ta gặp phải tai hoạ này”. Rồi họ bắt thăm, thì trúng phải ông Giona. Họ bảo ông rằng: “Xin ông cho chúng tôi biết vì cớ nào chúng ta gặp phải tai hoạ này: Ông làm nghề gì? Ở nơi nào? Ði đâu? Hoặc thuộc dân nào?” Ông trả lời họ rằng: “Tôi là người Do-thái, tôi kính sợ Thiên Chúa là Chúa Trời, Ðấng tạo thành biển khơi và lục địa”.

Họ khiếp sợ quá sức và hỏi ông rằng: “Sao ông hành động thế này? (Vì theo lời ông thố lộ, các hành khách biết ông trốn lánh mặt Chúa). Họ liền hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải đối xử với ông làm sao đây, để biển yên lặng? vì biển càng động mạnh thêm”. Ông bảo họ rằng: “Các ông hãy bắt tôi vứt xuống biển, thì biển sẽ yên lặng, vì tôi biết tại tôi mà các ông gặp phải trận bão lớn lao này”.

Các thuỷ thủ cố chèo thuyền vào đất liền, nhưng không sao được, vì biển càng động dữ dội hơn. Họ kêu cầu cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, chúng tôi xin Chúa vì mạng sống người này cho chúng tôi khỏi chết. Xin chớ đổ máu vô tội trên chúng tôi, vì, lạy Chúa, Chúa hành động theo như Chúa muốn”. Rồi họ bắt vứt ông Giona xuống biển, và biển liền hết nổi sóng. Mọi người rất kính sợ Chúa, họ tế lễ dâng lên Chúa và làm lời khấn hứa.

Chúa chuẩn bị sẵn một con cá lớn để nuốt ông Giona, và ông Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Sau đó, Chúa truyền lệnh cho cá nhả ông Giona vào bờ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Gn 2, 2. 3. 4. 5. 8

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, từ vực sâu thẳm, Chúa đã cứu sống mạng con

Xướng: Nằm trong bụng cá, ông Giona thưa cùng Chúa là Thiên Chúa của mình rằng:

Xướng: Trong cảnh gian truân, con đã kêu cầu tới Chúa, và Ngài đã nhậm lời con; tự lòng vực sâu âm phủ, con đã kêu lên, và Ngài đã nghe rõ tiếng con.

Xướng: Ngài đã ném con xuống vực sâu, trong lòng biển, các dòng nước đã lôi cuốn thân con, bao sóng cả ba đào đều lướt chảy trên mình con.

Xướng: Bấy giờ con tự nhủ: Con đã bị loại xa khỏi thiên nhan Chúa, nhưng con sẽ còn được xem thấy thánh điện Ngài.

Xướng: Khi mà trong người con, linh hồn tuyệt vọng, bấy giờ con đã nhớ (tới) Chúa. Lời cầu nguyện của con đã thấu đến tai Ngài, trong nơi thánh điện của Ngài.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 1, 6-12

“Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, nhưng là do Ðức Giêsu Kitô mạc khải”.

Trích thư Thánh Phalô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, tôi ngạc nhiên thấy anh em thay lòng đổi dạ chóng như thế đối với Ðấng đã kêu gọi anh em thông phần vào ân sủng của Ðức Kitô, để anh em quay sang một tin mừng khác: Tin mừng khác làm gì có, chỉ có những kẻ phá rối anh em và muốn anh em đảo lộn Tin Mừng của Ðức Kitô. Nhưng cho dù chúng tôi, hay một thiên thần nào từ trời đến giảng tin mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em, thì người đó bị chúc dữ. Như chúng tôi đã nói trước, và giờ đây tôi xin nói lại rằng: Nếu ai trong anh em rao giảng cho anh em Tin Mừng khác hơn điều anh em đã lãnh nhận, thì người đó bị chúc dữ.

Giờ đây, tôi phải làm vừa lòng người ta hay là Thiên Chúa? Nào có phải tôi tìm cách làm vừa lòng người ta sao? Nếu tôi còn làm vừa lòng thiên hạ, thì tôi không phải là đầy tớ của Ðức Kitô.

Anh em thân mến, tôi cho anh em biết rằng Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, vì tôi không nhận cũng không học với loài người, nhưng là do Ðức Giêsu Kitô mạc khải.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 7-8. 9 và 10c

Ðáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).

Xướng: Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi.

Xướng: Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của Người đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho đến muôn ngàn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính. 

Xướng: Chúa đã gửi tặng ơn giải phóng cho dân Người, để thiết lập lời minh ước tới muôn đời. Danh Người thực là thánh thiện và khả úy. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại tới muôn đời. 

Alleluia: 1 Sm 3, 9; Ga 6, 69

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 25-37

“Ai là anh em của tôi?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?”

Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: “Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông”.

“Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chính Chúa đã thiết lập lễ tế này để chúng con dâng lên mà tỏ lòng thần phục tôn kính; xin Chúa thương chấp nhận và thánh hoá chúng con, xin cho chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa nhân lành đối với những ai trông cậy vào Người, và đối với tâm hồn kiếm tìm Người.

Hoặc đọc:

Chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh, và cùng một chén rượu

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô, xin cho chúng con được nên một với Người và no say tình Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI (Lc 10,25-37)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Người Do thái vẫn biết giới luật cao trọng hơn hết là “Mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như chính mình”. Mến Chúa thì dẽ hiểu, còn yêu tha nhân thì họ  khó hiểu vì họ có cái nhìn thiển cận và hẹp hòi về những người ngoài dân tộc Do thái. Chính vì vậy, một người thông luật đã đến hỏi thử Chúa Giê-su xem ai là người thân cận của ông và ông xin Chúa cho một câu định nghĩa. Nhưng thay vì lý thuyết xuông, Ngài đã đưa ra dụ ngôn người Samaritanô nhân lành để cho ông một bài học.

2. Đối với luật sĩ và biệt phái thì luật mến Chúa thì quá rõ, ai cũng biết vì nó có ở trong kinh Schema mà người Do thái đọc hằng ngày; nhưng còn luật yêu người thì họ còn mù mờ: Thế nào là yêu người thân cận như chính mình? Người thân cận là ai”? Chính vì vậy mà một người thông luật đến chất vấn Đức Giê-su  xem người thân cận là ai? Đức Giê-su không trả lời bằng lý thuyết xuông có thể gây tranh luận, Ngài dùng dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu để nói cho người thông luật biết rằng: người thân cận không phải chỉ là người Do thái, mà là bất cứ ai không phận biệt chủng tộc, giai cấp, mầu da hoặc tín ngưỡng đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

3. Ngày nay chúng ta hay nói: Tứ hải giai huynh đệ”: bốn bể là anh em, nhưng người Do thái không chấp nhận qua niệm này. Luật của người Do thái đã giới hạn sự giao tiếp giữa người Do thái với những người không phải là Do thái. Theo luật của họ, người thân cận được định nghĩa là “những người con trai của xứ sở bạn”. Do đấy, chỉ có những người Do thái mới là hàng xóm, là thân cận của mình.

Đức Giê-su chủ trương ngược lại: người anh em của tôi, người thân cận của tôi là bất cứ ai tôi chọn để trở nên người anh em, người thân cận. Như vậy, không biết ai là người anh em của mình nữa, mà điều quan trọng là  tìm cách để trở nên người anh em, người gần gũi với bất cứ ai đang cần sự giúp đỡ.

4. Có người nói tình yêu đích thực được thể hiện qua bốn phương diện: (1) sẵn lòng giúp đỡ; (2) biết xót xa trước đau khổ và (3) biết vui mừng trước hạnh phúc của người khác; cuối cùng (4) biết tha thứ. Chúa Giê-su đưa ra nhân vật Samaritanô như một điển hình về tình yêu đích thực đó. “Chạnh lòng thương” trước tình cảnh khốn khổ cấp bách của một người không quen biết, thay vì bỏ đi như thầy tư tế và thầy Lêvi với những bận rộn của mình – mà ai lại không có những việc bận rộn cơ chứ? – ông Samaritanô này sẵn sàng gác lại công việc của mình, và dốc toàn lực cứu chữa người bị nạn cách tận tình. Với nghệ thuật kẻ chuyện tài tình, Chúa mô tả tỉ mỉ những việc làm bác ái của người Samaritanô. Ngài dạy chúng ta yêu thương đích thực phải thể hiện bằng việc làm cụ thể và Ngài kết luận cũng rất cụ thể: Hãy đi và làm như vậy” (5 phút Lời Chúa).

5. Nhà văn Mark Twain nói: Từ ngữ ‘mưa’ sẽ chẳng nói lên điều gì nếu như bạn  chưa một lần đi trong mưa hoặc tiếp xúc với nó? ‘Tình yêu’ cũng chẳng là gì nếu như bạn chưa bao giờ kinh nghiệm về nó”. Người thông luật biết rất rõ hai giới răn quan trọng là Mến Chúa và yêu người. Nhưng theo Đức Giê-su, để được sự sống đời đời, ông phải thực hành điều ông vừa nói. Ông sẽ không biết “mến Chúa yêu người” thực sự, nếu không hiện thực hóa hai điều răn này trong suy nghĩ, lời nói và hành động của ông. Ai cũng cần có tình yêu để được sống hạnh phúc. Thế nhưng, tình yêu không phải là một khái niệm chỉ để nói suông. Tình yêu đòi hỏi chia sẻ, cảm thông, hy sinh và gắn bó với một đối tượng cụ thể. Tình yêu mời gọi mỗi người biết trao tặng một lời nói chân thành, một nụ cười khích lệ, hoặc một việc bác ái (Học viện Đa Minh).

6. Một cách tổng quát, chúng ta có thể thực hiện lòng yêu Chúa và tha nhân như sau:

a) Mến yêu Chúa: Muốn mến yêu Chúa, chúng ta có muôn vàn cách để yêu mến Ngài nhưng những cách biểu lô ấy có tính cách chủ quan, mỗi người một cách, nhưng theo Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giê-su đã nhấn mạnh lại điều kiện tiên quyết để biết ai là người mến Chúa, đó là “Thực thi Lời Chúa, sống theo giới răn của Chúa”.

b) Yêu tha nhân: Muốn yêu tha nhân cho xứng đáng, hãy sống theo khuôn vàng thước ngọc này: Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Mt 7,12). Hay nói ngắn gọn hơn: Ngươi hãy yêu thân cận ngươi như chính mình” (Mc 12,30). Yêu mình thế nào, thì phải yêu người như vậy. Tất nhiên mình luôn luôn muốn cho mình được những điều tốt lành, hạnh phúc và lợi ích. Không ai muốn mình bị xấu xa, khổ cực, tại họa; vậy yêu người  cũng phải làm cho người như vậy.

7. Truyện: Đi tìm chén thánh.

Có một câu chuyện huyền thoại về “một người Samaritanô tốt lành” có tên là Sir Launfal, một hiệp sĩ trẻ hào hùng. Một ngày nọ chàng hiệp sĩ lên đường đi truy tìm chiếc chén thánh mà Chúa Giê-su đã sử dụng trong bữa Tiệc ly. Khi chàng bắt đầu rời khỏi thành phố ra đi thì gặp ngay một người cùi đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Chạnh lòng thương, chàng đã giúp cho người cùi một đồng, rồi ra đi. Chàng tìm mãi chẳng thấy chén thánh đâu! Thất bại, chàng hiệp sĩ bèn lên ngựa quay trở về nhà. Lúc này chàng đã già hơn xưa sau cuộc hành trình tìm kiếm thật gian khổ. Còn người cùi vẫn ngồi ăn xin ở chỗ cũ. Chàng hiệp sĩ chẳng còn tiền bạc gì nữa để cho, anh chia sẻ với người cùi mảnh bánh vụn còn lại trong cuộc đời. Ăn xong, họ chẳng có gì để uống. Chàng hiệp sĩ bèn lấy cái tô của người cùi đi tìm nước cho người cùi uống. Khi chàng bưng tô nước quay trở lại đưa cho người cùi thì người cùi đã biến thành Chúa Giêsu và tô nước hóa nên chén thánh mà chàng đang đi tìm kiếm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây