TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN – A

Thứ sáu - 29/09/2023 14:02 |   699
“Có một gia chủ kia trồng được một vườn nho;… Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông cho đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi…” (Mt 21,33-34)

8/10/2023
CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN - A

cn27 TNa

Mt 21,33-43


Ngày 8 tháng 10: Lạy Mẹ Mân Côi! Tất cả đời sống đức tin của chúng con, chắc chắn, không đi ra ngoài những giá trị của Tin Mừng, mà Kinh Mân Côi lại được coi là bản tóm tắt Tin Mừng. Tự bản chất, Kinh Mân Côi là lời kinh cầu cho hòa bình, hệ tại ở việc chiêm ngắm Đức Kitô, Hoàng Tử Hòa Bình, là sự bình an của chúng con. Trong suốt Tháng Mân Côi này, xin cho chúng con được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua Kinh Mân Côi, để chúng con học được bí quyết của hòa bình và biến nó thành dự phóng cho cuộc đời mình: đón nhận, cảm nghiệm, và gieo rắc bình an khắp mọi nơi. Amen.

DỤ NGÔN THỜI KHỦNG BỐ

“Có một gia chủ kia trồng được một vườn nho;… Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông cho đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi…” (Mt 21,33-34)

Suy niệm: Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì phải gọi những người thợ làm vườn nho trên đây là những người khủng bố. Dùng bạo lực để chiếm đoạt hoa lợi, đã thế họ còn tính toán cả việc giết người và qua mặt pháp luật để cướp luôn cả vườn nho: “Bọn tá điền thấy người con (của chủ vườn nho), thì bảo nhau: Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” Chúa Giê-su không chỉ tố giác một xã hội nhiễu nhương đầy bất công áp bức, Ngài muốn vạch rõ gốc rễ của sâu xa của chúng chính là lòng tham vọng muốn chiếm đoạt chủ quyền của Thiên Chúa. Những hệ thống kinh tế, những cung cách làm ăn tạo ưu thế cho người giàu có, thế lực, làm cho người nghèo càng nghèo hơn và tạo hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng cách biệt, đó chính là chiếm đoạt chủ quyền của Thiên Chúa trên những tài nguyên mà Chúa trao cho con người quản lý. Những hình thức xâm phạm đến sự sống con người là chiếm đoạt chủ quyền của Ngài là Đấng tạo dựng nên sự sống. Chiếm đoạt chủ quyền của Thiên Chúa, người ta trở thành những kẻ khủng bố đối với anh em mình.

Mời Bạn kiểm điểm đời sống xem mình có đang trở thành kẻ khủng bố cho anh em mình hay không.

Chia sẻ: Thảo luận đề tài: “Yêu thương và kính trọng nhau là vũ khí tốt nhất để chống khủng bố”.

Sống Lời Chúa: Tìm dịp để thăm viếng hoặc giúp đỡ một người, một gia đình đang gặp khó khăn và vày tỏ lòng yêu thương kính trọng đối với họ.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXVII Thường Niên - Năm A

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Cả ba bài đọc hôm nay đều nói tới lòng thương yêu chăm sóc của ông chủ đối với vườn nho. Ông chủ đây chính là Thiên Chúa, và vườn nho là dân tộc Israel. Ngài lo lắng, vun xới, tưới tắm để mong nó sinh hoa kết trái, thế nhưng nó chỉ sinh ra toàn nho dại và người làm việc quản lý đã có những bất trung là giết Con Thiên Chúa.

Mỗi tâm hồn chúng ta cũng là vườn nho, cũng được Chúa yêu thương, ấp ủ và quan phòng. Thiên Chúa đòi sự công bằng với mỗi người chúng ta qua việc đáp trả tình yêu. Vậy chúng ta hãy thành tâm hối lỗi.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự theo thánh ý Chúa, và không ai có thể chống lại thánh ý Chúa. Vì Chúa đã tạo thành mọi sự trên trời dưới đất, và cả những gì trong bầu trời; Chúa là Chúa tể mọi loài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 5, 1-7

“Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Tôi sẽ ca tặng người yêu bài hát của cô bác tôi về vườn nho.

Người tôi yêu có một vườn nho trên đồi xinh tươi. Người rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho, nhưng nó lại sinh toàn nho dại.

Vậy giờ đây, hỡi dân cư Giêrusalem và người Giuđa, hãy luận xét giữa ta và vườn nho ta. Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm? Sao ta trông mong nó sinh quả nho, mà nó lại sinh quả nho dại!

Giờ đây ta tỏ bày cho các ngươi biết ta sẽ làm gì đối với vườn nho ta: Ta sẽ phá hàng rào, để nó bị tàn phá, sẽ phá tường để nó phải bị giầy đạp. Ta sẽ bỏ nó hoang vu, không cắt tỉa, không vun xới; gai góc sẽ mọc lên, và ta sẽ khiến mây không mưa xuống trên nó. Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel, và người Giuđa là chồi cây Chúa vui thích. Ta trông mong nó thực hành điều chính trực, nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình, nhưng đây toàn là tiếng kêu oan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 9 và 12. 13-14. 15-16. 19-20

Ðáp: Vườn nho của Chúa là nhà Israel

Xướng: Từ Ai-cập Chúa đã mang về một gốc nho. Chúa đã đuổi chư dân đi để ương trồng nó. Nó vươn ngành ra cho tới nơi biển cả, vươn chồi non cho tới chỗ đại giang.

Xướng: Tại sao Ngài phá vỡ hàng rào, để bao khách qua đường đều lảy hái nó, để lợn rừng xông ra tàn phá, và muông thú ngoài đồng dùng nó làm cỏ nuôi thân?

Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.

Xướng: Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. Lạy Chúa thiên binh, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống.

Bài Ðọc II: Pl 4, 6-9

“Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Vả lại, hỡi anh em, những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy. Những điều anh em đã học biết, đã lãnh nhận, đã nghe và đã thấy nơi tôi, anh em hãy đem những điều đó ra thực hành, thì Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 21, 33-43

“Ông sẽ cho người khác thuê vườn nho”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?” Các ông trả lời, “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”.

Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Ðó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!” Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, chúng ta có thể sử dụng tự do, để khước từ dự định mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, và cho mỗi người trong chúng ta. Với lòng yêu mến chân thành, giờ đây chúng ta dâng lên Chúa những lời cầu khẩn, xin Ngài giúp mỗi người chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài.

1. Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, vượt qua mọi bất trung của các tín hữu, vẫn luôn là vườn nho của Chúa. Xin cho Giáo Hội luôn có những mục tử có khả năng sinh nhiều hoa lợi cho vườn nho của Chúa.

2. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người. Xin cho họ nhận ra sự hiện diện của Chúa ngang qua các dấu chỉ thời đại, và hành động hợp với các chân lý Tin Mừng, đồng thời can đảm hoán cải thay đổi đời sống.  

3. Chúng ta cầu nguyện cho những ai đang đau khổ, những người đang chán nản thất vọng, để họ được Chúa nâng đỡ ủi an.

4. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Chúa của hòa bình, ban hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết bảo vệ môi trường sống bằng tinh thần trách nhiệm.

Chủ tế: Lạy Cha, xin gìn giữ chúng con trong tình yêu của Cha. Xin biến đổi tâm trí chúng con, ngõ hầu chúng con được hưởng bình an của Cha, và biết sinh nhiều hoa trái trong vườn nho mà Cha đã trao cho chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chính Chúa đã thiết lập lễ tế này để chúng con dâng lên mà tỏ lòng thần phục tôn kính; xin Chúa thương chấp nhận và thánh hoá chúng con, xin cho chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa nhân lành đối với những ai trông cậy vào Người, và đối với tâm hồn kiếm tìm Người.

Hoặc đọc:

Chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh, và cùng một chén rượu.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô, xin cho chúng con được nên một với Người và no say tình Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Vườn nho

Qua dụ ngôn những người tá điền nổi loạn chúng ta thấy ông chủ tượng trưng cho Thiên Chúa đã rào giậu và chăm sóc cho vườn nho của mình. Còn những tá điền nổi loạn chính là dân Do Thái, dân tộc đã được Thiên Chúa chọn lựa và trao ban cho muôn vàn hồng ân. Còn các đầy tớ được sai đến là các tiên tri. Nhờ các tiên tri mà Thiên Chúa biểu lộ thánh ý của Ngài cho họ, thế nhưng họ đã đối xử dã man và tàn bạo đối với những người được Thiên Chúa sai đến. Nào là đánh đập, nào là giết đi.

Sau cùng ông chủ đã phải sai phái chính người con trai duy nhất của mình đến với họ, để tỏ cho họ thấy lòng nhân từ thương xót vô biên của Ngài, nhất là sau những biến cố đáng buồn đã xảy ra. Người con duy nhất này là hình ảnh tượng trưng cho Đức Kitô, Đấng đã bị họ giết chết trên thập giá. Cái chết khổ đau này làm cho Ngài liên tưởng tới lời thánh vịnh 118: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường, đó là việc Thiên Chúa đã làm và thực lạ lùng dưới mắt chúng ta. Tảng đá góc tường là nơi câu móc những bức tường của toà nhà, nó nắm giữ một vai trò, một vị trí rất quan trọng.

Cuối cùng Thiên Chúa đã phải bỏ rơi dân Do Thái, để chọn cho mình một dân riêng mới, đó là Giáo Hội, để đem lại cho Ngài nhiều hoa trái.

Câu chuyện trên cũng làm cho chúng ta nhớ tới hinh ảnh vườn nho của tiên tri Isaia. Vườn nho này được chủ hết sức chăm sóc với hy vọng sẽ có được những trái nho đặc biệt, thế nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược, khiến cho chủ phải nổi giận: Còn việc gì nữa mà Ta đã không làm cho vườn nho của Ta. Ta mong ước có được những trái ngon trái ngọt, vậy tại sao nó chỉ cho toàn những trái chua trái dại?

Còn chúng ta thì sao? Phải chăng tâm hồn chúng ta chỉ là một cây nho cằn cỗi? Thiên Chúa cũng đã đổ xuống cho chúng ta biết bao nhiêu ơn lành hồn xác, thế mà con người chúng ta vẫn không thể đâm bông kết trái. Có lẽ chúng ta cần phải dừng lại, để hồi tâm xét mình, kiểm điểm lại cuộc sống, trước khi nó đã quá muộn.

Nếu như chúng ta trung thành phụng sự Chúa, thì chúng ta không có chi phải lo buồn sầu khổ. Trái lại, nếu chúng ta đã có những thái độ và một nếp sống như dân Do Thái ngày xưa, thì chắc hẳn, trong giờ phút sau hết, Thiên Chúa cũng sẽ loại bỏ chúng ta và trao ban Nước Trời cho những người khác là những người biết đâm bông và kết trái.

Thợ vườn nho

Dụ ngôn những thợ vườn nho phản loạn thuộc vào loại các dụ ngôn Chúa dùng để tỏ lộ thân thế của Ngài là Đấng Thiên Sai. Dụ ngôn này cũng cho thấy sự cô đơn bi thảm của Chúa Giêsu, khi bị dân Ngài loại bỏ.

Như thường lệ Chúa Giêsu cấu tạo dụ ngôn từ các thực tại mà Ngài nghe thấy trước mắt. Trong xứ Galilêa thời ấy, những điền chủ bỏ tiền vào việc trồng nho. Họ giao cho thợ làm vườn nho trông coi rồi trả lương. Đôi khi họ đi vắng xa, chẳng hạn như ra nước ngoài, và để quan lý mùa màng, họ sai những đầy tớ đến với những người thợ làm vườn. Theo luật Do Thái, nếu chủ một thửa đất chết đi mà không có người thừa kế, thì thửa đất ấy sẽ thuộc về người nào chiếm ngụ đầu tiên. Điều này làm cho chúng ta hiểu được lý luận của các thợ làm vườn nho: Đứa con thừa tự đây rồi, nào hãy giết nó đi và chúng ta sẽ chiếm được gia tài của nó. Quả thực, người con thừa tự mà chết, đất sẽ thành vô chủ và thuộc quyền những kẻ cư ngụ.

Qua dụ ngôn này và qua đoạn kế tiếp với hình ảnh viên đá góc bị thợ xây loại bỏ, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu rằng: Chính Ngài là người con bị bọn thợ làm vườn nho giết đi, chính Ngài là viên đá góc bị thợ xây loại bỏ.

Một cách quyết liệt, dụ ngôn đã đưa ra câu hỏi sau đây: Làm sao giới hữu trách của dân Do Thái lại đi tới chỗ loại bỏ Đấng thiên sai? Tôi xin thưa vì họ đã buông thả theo bản năng chiếm hữu của họ. Chủ vườn nho là Thiên Chúa, thủ lãnh duy nhất của họ. Thế nhưng tinh thần chiếm hữu của họ hệ tại việc áp đặt quan niệm riêng của họ về lề luật. Họ dùng lề luật để thống trị dân, họ còn có cao vọng dùng dân tộc của họ để lên ngôi thống trị thế giới. Các vị tiên tri đã đến để nhắn nhủ họ, nhưng tất cả đều bị họ giết chết, và sau cùng họ đã đi tới chỗ loại bỏ Đấng Thiên Sai, Con Một của Thiên Chúa. Thay vì phục vụ cho lề luật và dân chúng thì họ đã chiếm hữu, coi mình là chủ của lề luật và của dân chúng.

Còn chúng ta thì sao, liệu chúng ta có thoát khỏi thái độ tự coi là người làm chủ của Tin Mừng, của chân lý hay không? Làm thế nào để phục vụ Phúc Âm mà không chiếm hữu? Tôi xin thưa bằng cách để cho tinh thần Phúc Âm thấm nhập vài cải tạo chúng ta, chứ chúng ta không đọc Phúc Âm, rồi sau đó ngồi sắp xếp Phúc Âm theo ý riêng của chúng ta. Ngày xưa các thầy thông luật đã lèo lái niềm trông đợi của dân chúng tới những ước vọng thống trị trần gian. Ngày nay cũng không thiếu gì những người muốn lợi dụng Phúc Âm để quảng cáo cho một hệ thống chính trị hay một quan niệm xã hội. Chúng ta không có quyền sử dụng và dùng Phúc Âm vào một mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu đi đến Đức Kitô. Nhiều người muốn chiếm hữu Phúc Âm để mưu cầu lợi ích riêng tư, để rồi cuối cùng đã đi đến chỗ phủ nhận con người Đức Kitô. Tin Mừng mời gọi chúng ta xây dựng cuộc sống trên viên đá góc là Đức Kitô, Đấng chúng ta tìm kiếm và yêu mến, chứ không nên lèo lái Ngài và Tin Mừng của Ngài vào những ý đồ riêng tư của mình.

XIN CHÚA THĂM NOM VƯỜN NHO CŨ
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB


Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật XXVII Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Những ơn lành Chúa ban thật cao cả, vượt quá mọi công trạng và ước muốn của chúng ta. Ấy thế mà, chúng ta lại phạm tội, phản nghịch cùng Chúa, để rồi, đánh mất những ân huệ cao quý Chúa ban, vì thế, chúng ta hãy xin Chúa thứ tha những lầm lỗi và ban lại cho chúng ta những ơn cao trọng, mà chúng ta chẳng dám mơ tưởng tới bao giờ.

Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa (Rm 3,23), cho nên, trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô đã nói với ông Timôthê rằng: Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời...

Bài đọc một và Thánh Vịnh 79 của bài Đáp Ca hôm nay cho thấy: Ítraen chính là vườn nho của Thiên Chúa: Gốc nho này, Chúa bứng từ Aicập, đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng. Thiên Chúa những mong nó sinh trái tốt, nhưng, nó lại sinh nho dại. Cho nên, vườn nho bị tan hoang, bị giày xéo, trở thành mảnh đất hoang, gai góc mọc um tùm. Đứng trước cảnh tang thương này, vịnh gia đã cầu xin: Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, xin phục hồi chúng con, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ.

Ơn cứu độ Chúa đã hứa ban, không bao giờ Người rút lại, cho dẫu, chúng ta có bội phản bất trung, bằng chứng là, Người luôn gửi các ngôn sứ, các Tông Đồ và các mục tử đến, để nhắc nhở, và dạy dỗ cho những người tội lỗi: biết quay về nẻo chính đường ngay. Các mục tử là những người mà Chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay.

Các mục tử là những người nhắc nhở và dạy dỗ Dân Chúa, cho nên, trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Cả đã khiển trách nặng nề các mục tử sợ không dám sửa lỗi, không mở mắt cho những người có tội nhìn thấy điều gian ác của họ, bởi vì, bổn phận của các mục tử là: Lạy Chúa, đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài. Bài đọc hai của Thánh Lễ cho thấy: thánh Phaolô quả thực là một mục tử chân chính, khi ngài đã mạnh dạn nói cho các tín hữu Philipphê biết: Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở giữa họ, nếu họ đem ra thực hành những gì thánh nhân khuyên bảo: những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến, đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã cảnh báo cho các thượng tế và kỳ mục trong dân biết rằng: Nếu họ không sinh lợi cho vườn nho của Thiên Chúa, thì: Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.

Ítraen là vườn nho của Thiên Chúa, Hội Thánh là vườn nho của Thiên Chúa, mỗi người trong chúng ta cũng chính là vườn nho của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc, giữ gìn; bổn phận của chúng ta là: sinh lợi cho vườn nho của Chúa. Chúa ban cho chúng ta vườn nho, tức ơn cứu độ của Chúa, một ân huệ hoàn toàn nhưng không, vượt quá mọi công trạng và ước muốn của chúng ta. Chúa mới là chủ vườn, còn chúng ta chỉ là tá điền cộng tác với Chúa để chăm sóc vườn nho. Không ở đúng vị trí của mình, không ý thức được chỗ đứng của mình trong công trình cứu độ của Chúa, chúng ta sẽ tự đánh mất mình, bị loại ra khỏi vườn nho. Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa: nếu ví Thiên Chúa như một người đang soi gương, thì chúng ta chỉ là hình ảnh trong gương mà thôi, ấy thế mà, chúng ta lại muốn tiếm quyền, thủ tiêu người đang soi gương, thì hình ảnh trong gương làm sao có thể tồn tại được? Ước gì chúng ta biết ngoan ngùy, luôn trung thành sinh lợi cho vườn nho của Chúa, nếu lỡ, có lầm đường lạc lối, thì biết mau mắn quay về xin Chúa thứ tha, để được nhận lại những ân huệ cao trọng mà chúng ta chẳng dám mơ ước đến bao giờ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây