TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – A

Thứ năm - 14/09/2023 14:49 |   712
Khoảng giờ thứ mười một ông chủ trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” (Mt 20,1-16a)

24/09/2023
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – A

cn t25 TNa

Mt 20,1-16a

 
VÌ MỘT NỀN KINH TẾ CHIA SẺ
Khoảng giờ thứ mười một ông chủ trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” (Mt 20,1-16a)

Suy niệm: Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, các sản phẩm càng ngày càng đòi hỏi chất lượng cao với kỹ thuật tinh vi hiện đại. Vì thế, muốn có việc làm lương cao, phải có trình độ chuyên môn cao. Muốn thế thì phải học hành cao mới đáp ứng nổi yêu cầu. Thế nhưng chi phí đầu tư cho việc học hành lại vượt quá khả năng của những người nghèo cơm ăn bữa no bữa đói. Thế nên, người nghèo bị bó chặt trong cái vòng luẩn quẩn của kiếp nghèo, bị loại ra bên lề cuộc chơi ‘chất lượng cao’, giống như những người thợ vườn nho đành đứng ngoài ngáp ruồi “vì không ai mướn chúng tôi.”

Lời Chúa hôm nay thúc bách chúng ta nghĩ đến một toàn cầu hóa không-loại-trừ thay vì một toàn cầu hóa ‘hoang dã’, một nền kinh tế chia sẻ thay vì một nền kinh tế tiêu thụ ích kỷ.

Mời Bạn: Bác ái trong thời đại toàn cầu hóa đòi hỏi bạn bước ra khỏi ‘căn nhà’ tiện nghi, và an toàn của mình để tìm gặp những người đang bị gạt ra bên lề đó, không chỉ để bố thí cho họ một chút cơm thừa, mà là tìm cách tốt nhất chia sẻ với họ cả những điều kiện, những cơ hội để họ có thể thăng tiến cuộc sống.

Chia sẻ: Có nhiều trường hợp đòi hỏi sự chia sẻ ‘tổng lực’ của cả cộng đoàn. Nhóm của bạn điểm ra những trường hợp như thế và lên kế hoạch chia sẻ.

Sống Lời Chúa: Luôn luôn sẵn sàng và quảng đại hợp tác với những chương trình chia sẻ trong cộng đoàn của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì Chúa đã mặc lấy thân phận người nghèo ở giữa chúng con, chúng con không được phép làm ngơ trước những anh em nghèo đói chung quanh chúng con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm A

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên con người bởi Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta bằng chính những giới luật của Ngài, nhờ Ngài qui hướng chúng ta về một mục đích duy nhất là phục vụ cho tình yêu: tình yêu Ngài và tình yêu tha nhân.

Vậy, chúng ta hãy can đảm, chân thành mở rộng lòng mình để đón nhận và trao ban lại cho nhau tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Do đó, mỗi người cần thu dọn rác rưởi trong tâm hồn là những kiêu căng, lỗi lầm, để đón nhận ơn Chúa là Đấng nhân hậu và rất mục từ bi.

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta là phần rỗi của dân Ta. Họ đã kêu cầu Ta trong mọi nỗi gian truân. Ta đã nhậm lời họ, và Ta sẽ là Chúa của họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 55, 6-9

“Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.

Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 2-3. 8-9. 17-18

Ðáp: Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người

Xướng: Hằng ngày tôi sẽ chúc tụng Chúa, và tôi sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được.

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi người, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

Xướng: Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm.

Bài Ðọc II: Pl 1, 20c-24. 27a

“Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô”

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em. Anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.

Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa

Phúc Âm: Mt 20, 1-16a

“Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.

Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết.” Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.

Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao”? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lòng nhân hậu của Chúa Cha vượt quá sự mong đợi của chúng ta. Người luôn sẵn sàng đón nhận và quảng đại đáp ứng những lời khẩn cầu của chúng ta. Giờ đây chúng ta hãy tin tưởng dâng lên Người những lời cầu nguyện.

1. Giáo Hội tiếp tục khơi dậy nơi các con cái mình ước muốn ngay lành. Xin cho các tín hữu, tùy theo ơn gọi và khả năng của mình, làm việc trong vườn nho của Chúa cách nhiệt thành và vui tươi.

2. Mọi người đều được Chúa ban dư tràn hồng ân. Xin cho mỗi người biết nhận ra lòng nhân từ và thương xót của Chúa để dâng lời cảm tạ vì muôn ơn lành Ngài đã thương ban. 

3. Mỗi gia đình và mỗi cộng đoàn đều được Chúa trao ban một sứ mạng. Xin cho mỗi người trong chúng ta biết trở thành người phục vụ vô vị lợi và biết cộng tác với chương trình cứu độ của Ngài.

4. Chúng ta thường nhìn người khác một cách chủ quan theo tính tham lam và ích kỉ của mình. Xin Chúa thương mở lòng mỗi người chúng ta để luôn biết giúp đỡ, yêu mến anh em mình cách quảng đại, và vui mừng với niềm vui của họ.

Chủ tế: Lạy Cha, xin hướng dẫn cuộc đời của chúng con, xin cho chúng con nhận ra lòng quảng đại và tình thương của Cha, xin giúp các tín hữu biết biết làm cho Cha hiện diện giữa anh em của họ bằng đời sống chứng tá. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, mà chúng con hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã ban bố các huấn lệnh, để chúng tôi được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô nuôi dưỡng chúng con; xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong thánh lễ cũng như trong đời sống hàng ngày. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
 

CÔNG BẰNG VÀ TÌNH THƯƠNG

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – NĂM A (Mt 20, 1-16a)
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Trong cuộc sống đời thường, người ta hay nói đến công bằng như một lý tưởng phấn đấu và là một điều kiện căn bản để xây dựng một xã hội phồn vinh hạnh phúc. Tuy vậy, ở đời này không bao giờ có công bằng tuyệt đối. Bởi lẽ ngay khái niệm công bằng cũng được hiểu rất khác nhau, tuỳ theo quan điểm chính trị, văn hoá và xã hội của con người.

Thiên Chúa là Đấng công bằng. Giáo huấn của Kinh Thánh khẳng định với chúng ta như thế. Tác giả Thánh vịnh đã viết: “Quả thật Chúa là Đấng công bằng, ưa thích điều chính trực; những kẻ sống ngay lành được chiêm ngưỡng Thánh Nhan” (Tv 10,7). Không chỉ công bằng, nơi Chúa còn có tình thương và lòng nhân hậu. Ở đời này, hiếm thấy công bằng và tình thương đi đôi với nhau. Dân gian ta thường nói: “Thương em anh để trong lòng, việc quan anh cứ phép công anh làm”. Điều đó cho thấy đã công bằng thì không (hoặc rất khó) mà có tình thương và không có sự nể nang tình nghĩa. Đây cũng là điều cần thiết bởi nếu không xã hội sẽ rối loạn như giao thông không có đèn hiệu.

Dụ ngôn ông chủ vườn nho hôm nay chứng minh cho thấy: Thiên Chúa vừa công bằng và tràn đầy tình thương. Thiên Chúa không hành động nhỏ nhen như con người. Chúng ta thường có thói quen “suy bụng ra bụng của Thiên Chúa”, có nghĩa là chúng ta thường gán cho Thiên Chúa những cách xử sự nơi thế giới nhân loại, cũng hận thù và tiểu nhân. Từ đó, chúng ta phàn nàn kêu trách Chúa khi đau khổ thiếu thốn. Tệ hơn, nhiều lúc chúng ta phê phán Chúa vì Ngài tốt bụng với người khác. Qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã khẳng định: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta… Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Bài đọc I).  Những lời này dạy chúng ta phải có cái nhìn rộng lượng hơn trong cách đối xử với tha nhân, như Thiên Chúa là Đấng bao dung và quảng đại.

Chúa Giêsu đến trần gian để mạc khải cho con người tình thương bao la của Chúa Cha. Ngài thương hết mọi người và từng người, nhất là những tội nhân và những kẻ bé mọn. Trong khi đó, nhiều người Do Thái, nhất là người Biệt phái và các luật sĩ lại ghen tỵ vì Chúa Giêsu. Họ phê phán Chúa vì Người gần gũi những người tội lỗi và những kẻ bần cùng. Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” nhằm diễn tả lòng bao dung của Thiên Chúa và sự ích kỷ của con người. Nếu Thiên Chúa là Đấng rộng rãi bao dung, thì con người lại quá nhỏ nhen ích kỷ. Những người thợ đã làm từ đầu ngày ghen tương trước lòng tốt của ông chủ, trong khi đó, ông chủ vẫn làm đúng điều ông đã cam kết. Ông không hề làm cho họ bị thiệt hại. Họ ghen tương và phàn nàn bất mãn chỉ vì ông chủ tốt với người khác. Thái độ của những người này làm chúng ta liên tưởng đến người con cả trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” được Chúa nói trong Tin Mừng Thánh Luca (x. Lc 15,25-32). Anh ghen tương và phẫn nộ vì cha mình xử tốt với đứa em khi nó đi hoang trở về. Đó cũng là thái độ của chúng ta, khi muốn Chúa phải xử theo ý muốn hẹp hòi của mình.

Đối lại với lời phàn nàn trách móc, ông chủ đã đặt ra hai câu hỏi: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” Qua hai câu hỏi này, ông chủ muốn phê phán những người thợ tự cho mình là đáng giá hơn người khác, để dựa vào đó mà phản đối lòng tốt của ông chủ. Người chủ vườn là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng bao dung nhân hậu. Ngài sai Con Một là Đức Giêsu đến trần gian để sống gần với họ. Điều này làm những người tự coi là “công chính” không hài lòng. Bởi lẽ, theo suy nghĩ của họ, chỉ có họ là được Chúa yêu thương. Việc Chúa Giêsu gần gũi những người thu thuế và những người tội lỗi được họ coi như một thiệt thòi đối với họ, vì thế mà họ nổi loạn và trách móc phàn nàn. Họ giống như một số người có thái độ “ghen ngược” trong xã hội hôm nay, kêu ca phàn nàn trách móc trong khi mình không có quyền gì để làm những điều đó. Thiên Chúa yêu thương và cứu vớt những người bị đẩy ra bên lề cuộc đời. Họ là những người không ai thuê, mặc dù vào giờ thứ mười một, tức là đã xế chiều. “Không ai mướn chúng tôi!”. Lời này đã diễn tả tình trạng bi đát và khốn cùng của họ. Không ai mướn, tức là ngày đó không có lương, và như thế, cả vợ con và gia đình họ cũng không có gì sống. Ông chủ vườn nho là người thấu hiểu điều đó. Vì vậy, ông trả lương cho họ giống như những người đã làm từ sáng. Đó là đồng lương của lòng nhân hậu.

Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn luôn tỏ lòng nhân hậu đối với con người, không phân biệt sang giàu hay đẳng cấp xã hội. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm: “Đâu là thái độ của tôi đối với anh chị em đồng loại?”. Vì Thiên Chúa nhân hậu bao dung, nên Ngài mời gọi chúng ta hãy sám hối và bỏ đường tà, đoạn tuyệt với quá khứ, thay đổi con tim và canh tân cuộc sống: “Hãy trở về với Chúa – và Ngài sẽ xót thương, về với Thiên Chúa chúng ta vì Ngài rộng lòng tha thứ” (Bài đọc I).

Những lo toan bận tâm thường ngày không thể cản trở chúng ta tìm kiếm Nước Trời. “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô” – Thánh Phaolô khuyên chúng ta như vậy. Đối với thánh nhân, sự sống hay sự chết chẳng là một điều bận tâm, vì đối với những ai yêu mến Chúa thực sự thì họ chắc chắn được lãnh nhận phần thưởng Nước Trời. Lòng mến Chúa yêu người sẽ thôi thúc chúng ta thực hiện những gì Chúa muốn: “Kẻ gan ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo. Người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa – và Người sẽ xót thương” (Bài đọc I).

Chúa là chủ vườn nho bao dung nhân hậu. Tuy vậy, chúng ta không dựa vào lòng nhân hậu của Chúa mà trễ nải khi được mời gọi vào vườn nho của Ngài. Những người thợ được nêu trong Tin Mừng, khi được mời, đều sẵn sàng nhận lời. Vì vậy mà họ đáng được thưởng công. Vườn nho của Chúa là Giáo Hội, nơi mỗi người tìm thấy bầu khí gia đình thân thương. Vườn nho của Chúa chính là cuộc đời, nơi chúng ta được sai đến để làm chứng cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Ý thức được điều này, chúng ta sẽ nhận ra giá trị của cuộc sống, nhất là niềm vinh hạnh vì được làm con cái Chúa.

PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA QUÁ BẤT CÔNG???

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – NĂM A
(Is 55,6- 9; Pl 1,20c.24- 27; Mt 20,1- 16a)

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển

Tại Việt Nam chúng ta không có những cách đồng nho như bên Do thái. Có chăng thì ở khu vực Cam Ranh – Nha Trang, nhưng cũng không nhiều. Còn đại đa số là những cánh đồng lúa; hoặc những khu rừng cao su, tiêu, cà phê hay điều… Vì thế, hình ảnh vườn nho có vẻ hơi xa lạ trong tâm thức đối với đại đa số người dân Việt.

Nhưng dù biết hay không thì cách thức chi trả lương cho những người làm thuê cũng có nhiều điểm tương đồng với những người làm công trong vườn nho của người Do thái.

Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một nghịch lý khi Đức Giêsu kể dụ ngôn ông chủ vườn nho trả lương cho những người làm công: ông chủ này không tính đến chuyện thợ làm thuê có chuyên môn hay nghiệp dư, cũng không kể đến chuyện giờ giấc của người làm. Vì thế, dù chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, kinh nghiệm hay mới vào nghề, và tham gia làm vườn giờ nào…! Nhưng chiều đến, khi lĩnh lương, tất cả họ đều giống nhau. Tại sao vậy? Ông chủ có bất công không?

Để hiểu được vấn đề này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân tại sao? Và Đức Giêsu có lý gì khi kể dụ ngôn này?

1. Tại sao Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn thợ làm vườn nho?

Trước tiên, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của vườn nho mà Đức Giêsu muốn nói tới ở đây.

Vườn nho được Đức Giêsu kể trong dụ ngôn chính là hình ảnh của Giáo Hội. Vườn nho ấy đến mùa thu hoạch, chính là sứ mạng truyền giáo đang cấp bách, điều này được bổ túc thêm khi Đức Giêsu nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặp lại ít”.

Thứ đến, người mời gọi là chính Thiên Chúa. Người gọi hết mọi người, không phân biệt tốt xấu, giỏi hay dốt, thành phần nào, già hay trẻ… Nhưng Người gọi bất cứ ai Người muốn! Cách thức này Đức Giêsu muốn thay đổi quan niệm nơi người Dothái, họ chỉ coi là mình họ được cứu độ, còn những dân tộc khác thì không, họ tỏ ra khinh bỉ hay ghen tức với cách hành xử của Đức Giêsu với những người không thuộc Dothái, vì thế, Đức Giêsu mới nói: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao?“; “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”. Thật vậy, Thiên Chúa không chỉ dành ơn cứu độ cho dân Dothái, nhưng là cho muôn dân muôn nước không trừ ai. Hơn nữa, Người còn tỏ lòng thương xót đặc biệt hơn đối với những ai bị coi là hèn kém.

Tiếp theo, cách thức trả lương. Người không trả lương theo kết quả công việc. Cũng không trả lương theo kiểu làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Mà Người trả lương cách đồng đều theo sự thỏa thuận lúc ban đầu. Tức là một đồng cho tất cả mọi người. Người đến sớm cũng như kẻ đến muộn, người giỏi cũng như dốt, người già cũng như trẻ… Cách thức này cho thấy lòng nhân từ, thương xót và bao dung của Thiên Chúa dành cho hết mọi người chứ không phải chỉ dành cho một số người đặc tuyển. Mặt khác, cũng làm toát lên việc: “Thiên Chúa để ý đến tinh thần của người tham gia vào công việc của vườn nho”.

2. Hiểu và thực hành sứ điệp Lời Chúa

Qua Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu không muốn ai phải thất vọng, mọi người đều có chỗ đứng trong Giáo Hội và đều có trách nhiệm tham gia vào sứ mạng truyền giáo. Thật vậy, tính phổ quát của ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho chúng ta là người Công Giáo, nhưng là cho muôn dân muôn nước, không trừ ai. Đồng thời, Đức Giêsu cũng mặc khải về lòng bao dung, quảng đại và thương xót của Thiên Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành, yêu mến và dấn thân vào làm vườn nho của Chúa, bằng cách sống tốt và chu toàn bổn phận của mình theo thánh ý Chúa dựa trên tình yêu. Vì thế:

Trước tiên, cần loại bỏ thái độ tự tôn, kiêu hãnh và coi thường người khác. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình thuộc thành phần đương nhiên được cứu độ, còn người khác, họ chỉ là đám dân thường, tội lỗi, dốt nát, nên không cần quan tâm. Cũng cần có sự cảm thông, cộng tác để cùng nhau làm việc thiện thay vì ganh đua, ghen tỵ khi thấy người khác tốt lành hơn mình, hoặc người ta làm được nhiều điều hữu ích hơn chúng ta.

Tốt hơn là hãy ý thức mình chỉ là đầy tớ bất tài, vô dụng, nhưng lại được Chúa thương chọn và gọi để đi làm vườn nho cho Người. Vì thế, hãy dâng lời tạ ơn Chúa và cố gắng với khả năng của mình, làm sinh lợi nén bạc Chúa trao trong sự yêu mến với lòng nhiệt huyết tông đồ.

Thứ đến, hãy kiên trung, tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, đừng thất vọng vì thấy mình không giỏi giang hay tội lỗi. Hãy nhớ rằng: Thiên Chúa luôn để ý đến những người “đứng chót”. Phần còn lại là của chúng ta, nếu chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa trong sự khiêm tốn, ắt Chúa sẽ trả công hậu hĩnh và Người sẽ làm những điều kỳ diệu khi: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.

Hiểu được tình thương của Thiên Chúa như thế, hẳn chúng ta thấy Thiên Chúa rất công bằng do lòng nhân từ của Người chứ không phải bất công như những người Dothái và ngay cả chúng ta đã lầm tưởng!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn và yêu mến Chúa tha thiết. Biết gắn bó với sứ mạng truyền giáo trong Giáo Hội. Luôn tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa và trung thành với bổn phận của mình. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây