TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Di ngôn thứ nhất của Chúa trên Thánh Giá

Chủ nhật - 02/04/2023 10:14 |   992
Lạy Cha, xin tha cho họ,

vì họ không biết việc họ đang làm
Di ngôn thứ nhất của Chúa trên Thánh Giá

Di ngôn thứ nhất của Chúa trên Thánh Giá

 

Lạy Cha, xin tha cho họ,

vì họ không biết việc họ đang làm

 

(Lc 23,34).

 

 

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

  • Bài Tin Mừng
  • Bối cảnh của di ngôn thứ nhất
  • Chúa Giê-su bị liệt vào hàng phạm pháp.
  • Chúa Giê-su là người say mê cầu nguyện.
  • Mối tình Cha Con, nguồn mạch của lòng thương xót đối với nhân loại chúng ta, những người mang hình ảnh của Thiên Chúa.
  • Lô-gíc của tình yêu Thiên Chúa chất chứa ơn thứ tha.
  • Chúa Giê-su và tinh thần tha thứ.
  • Vì họ không biết việc họ làm.
  • Thánh Tê-pha-nô, mẫu gương sống tinh thần tha thứ.
  • Tha thứ, bài tập cho cả cuộc đời.
  • Bài tập sống di ngôn đầu tiên của Chúa Giê-su trên Thánh Giá.

 


 

  • Bài Tin Mừng

 

Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Người. Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.

Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn! “Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi! ” Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.” (Lc 23,32-38).

 

  • Bối cảnh của di ngôn thứ nhất.

 

Lời đầu tiên trên Thánh Giá của Chúa Giê-su nằm trong bài thương khó của Phúc Âm thánh Lu-ca (Lc 22,1 – 23,56). Trong Phụng Vụ, bài thương khó này được đọc vào Chúa Nhật lễ Lá – năm C. Ngoài ra, lời đầu tiên này ở trong bối cảnh quân lính dẫn Chúa Giê-su tới Đồi Sọ, và chúng đóng đinh Ngài vào thập giá. Với Ngài cũng có hai tên gian phi cùng bị đóng đinh, một tên bên trái và một tên bên phải (Lc 23,33-34). Sự kiện này được cả bốn Tin Mừng thuật lại. Tuy nhiên, chỉ có Lu-ca nhắc đến câu nói của Chúa Giê-su Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ đang làm. Đồi Sọ gợi lên một đồi trọc, không cây cối. Nơi hành hình được định vị ngoài thành thánh. Vùng đất thánh được bao bọc chung quanh, là một khu vực thánh không được xác nạn nhân làm ô uế. Nhưng nơi hành hình này gần cửa thành Giê-ru-sa-lem, vì chính quyền muốn những khách bộ hành trông thấy những nạn nhân hấp hối để răn đe.

 

Như thế, chúng ta có trước mắt một khung cảnh là Đồi Sọ, tại đó Chúa Giê-su chẳng có tội tình gì, lại bị đóng đinh giữa hai tên gian phi, hai tội nhân bị kết án tử. Điều này diễn tả về sự nhục nhã hết sức mà Chúa Giê-su phải chịu, nhưng đó là số phận của người tôi trung“đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân” (Is 53,12). Nếu chúng ta lắng nghe cả bài thương khó của Lu-ca, sẽ thấy Chúa đã nhắc lại sấm ngôn này cho các môn đệ, khi ở trên đường từ Bữa Tiệc Ly đến vườn Ô-liu: “Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất” (Lc 22,37).

 

  • Chúa Giê-su bị liệt vào hàng phạm pháp.

 

Chúa Giê-su bị liệt vào hàng phạm pháp. Nhưng Ngài đã phạm tội gì? Không ai tìm thấy tội tình gì nơi Ngài để kết án được. Chính Phi-la-tô đã lên tiếng tất cả ba lần về sự vô tội của Chúa Giê-su trong phúc âm thánh Lu-ca. Lần thứ nhất: “Ta xét thấy người này không có tội gì” (Lc 23,4). Lần thứ hai: “Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo” (Lc 23,14). Và lần thứ ba: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra” (Lc 23,22). Dân chúng có đồng ý với Phi-la-tô để thả Chúa Giê-su không? Tin Mừng đã cho chúng ta thấy lòng hiểm độc của dân chúng, đến nỗi cuối cùng Phi-la-tô phải lên tiếng: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!” (Mt 27,24). Sau đó thì sao? “Toàn dân đáp lại: Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” (Mt 27,25).

 

Thật là dã man và bất nhân biết bao! Thay vì thả Chúa, một người vô tội và là một Ráp-bi tốt lành, thì dân chúng lại tha thứ cho một kẻ giết người – Ba-ra-ba: “Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi!” (Lc 23,17). Tiếng la hét đầy bạo lực và đượm màu bất nhân, tiếng la hét của lòng người ác độc đẩy Đấng Cứu Thế tới thập giá chỉ giành cho kẻ phạm pháp. Tiếng la hét của thế giới đang bị thần dữ chế ngự và làm chủ. Tiếng la hét của một thế giới từ chối Chúa Giê-su – vị Vua đích thực, để theo một vị vua trần thế: “Ông Phi-la-tô nói với họ: ‘Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?’ Các thượng tế đáp: ‘Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da’.” (Ga 19,15). Là nạn nhân của sự thù hằn của những người có thế lực trong xã hội và tôn giáo thời đó, Chúa đã bị đẩy vào mảnh đất đầy sỉ nhục và phải đón nhận án tử từ đám đông dân chúng, với sự hậu thuẫn và xúi giục của nhóm người có thế lực. Một mạng lưới bất nhân đã được dệt lên, để bắt cho được kẻ thù không đội trời chung, dù kẻ thù đó là một người vô tội, tốt lành và theo lẽ thường cần được trân trọng và yêu quý. Trước mạng lưới đầy bất nhân này, cả người nắm chính quyền thời đó, dù không thấy tội gì để kết án Chúa, cũng phải chào thua: “Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá” (Ga 19,16).

 

Thập giá trên đồi sọ, Chúa Giê-su bị đóng đinh treo lơ lửng trên đó. Con Thiên Chúa xuống thế làm người ngay từ ngày đầu tiên khi chào đời đã ở trong cảnh nghèo nàn của nhân loại, và khi chết đi cũng ở trong cảnh thê lương của nhân loại. Karl Rahner, khi suy niệm lời này của Chúa Giê-su, đã diễn tả thật sống động hình ảnh đau thương của Chúa Giê-su: “Chúa bị treo trên Thánh Giá. Họ đã đóng đinh Chúa. Chúa không thể chạy trốn khỏi cây cao nối đất với trời này. Các vết thương đang cháy bừng trong cơ thể Chúa. Mão gai đang tra tấn thân thể Chúa. Trong đôi mắt của Chúa máu không ngừng chảy. Ôi các vết thương trên đôi tay và đôi chân Chúa – chân tay Chúa như bị một cây sắt nóng rực đâm xuyên suốt qua. Và tâm hồn của Chúa như là biển cả tràn đầy buồn bã, khổ đau và vô vọng”.[1]

 

Thật vậy, Chúa Giê-su đã sẵn sàng đón nhận tất cả, dù đó là khổ đau tận cùng của bất nhân và ác độc.  Thánh Âu-tinh đã chia sẻ rất sâu sắc: “Họ giận dữ còn Chúa thì cầu nguyện. Họ nói với Phi-la-tô ‘đóng đinh nó vào thập giá’, còn Chúa thì kêu lên với Cha ‘Lạy Cha, xin tha cho họ’. Bị đóng đinh treo lơ lửng cách đau đớn, nhưng Chúa vẫn không đánh mất sự hiền lành. Ngài đã xin tha thứ cho những kẻ mà Ngài phải đón nhận từ họ những hành động thật là tàn bạo”.[2]

 

Ở đây, chúng ta cũng nhớ lại bài ca tôi trung thứ tư của tiên tri I-sai-a nói rằng: “bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53,12). Dù đau đớn trên thập giá, dù phải chịu những bất công mà con người gây ra cho Ngài, Chúa vẫn can thiệp cho con người. Thật đẹp hình ảnh của người Tôi Trung hiền lành của Thiên Chúa, Đấng đến để cứu những gì đã mất, Đấng sống đúng theo tinh thần của bài ca Đức Mến, là không nóng giận và không nuôi hận thù, mà ngược lại là tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả và hy vọng tất cả (x.1Cr 13,1-13). Có thể nói trong tinh thần của bài ca Đức Mến, trong tình yêu Thiên Chúa tin tưởng chúng ta, những phận người tội lội, Ngài tin tưởng chúng ta sẽ trở về lại với tình yêu, dù chúng ta có lạc bước nơi nào đi nữa.

 

Ngoài ra, hành động cao quý của Chúa Giê-su còn nói lên tinh thần xin vâng trọn vẹn thánh ý. Ngài vâng theo ý Cha một cách triệt để, đến nỗi bằng lòng chết đi và chết trên cây thập tự. Cái chết trên cây thập tự là một cái chết nhục nhã, chỉ giành cho những kẻ gây ra tội ác. Cái chết đó không ai muốn chọn cả. Còn Chúa, dù biết là đau đớn, nhục nhã và bất công, nhưng Chúa vẫn không chạy trốn thập giá trên đồi cao kia. Chân tay Ngài sẵn sàng dang ra, để con người đóng đinh Ngài trên thập giá. Phải chăng Ánh Sáng là Ngài đã thực sự bị bóng đêm thổi tắt? Phải chăng bóng đêm của tội lỗi và của thần dữ đã cướp đi mất Ánh Sáng vĩnh cửu kia? Thập giá đứng sừng sững trên đồi cao. Trong cơn đau đớn tột cùng của thân xác và của tâm hồn, đối diện với những đám lính vừa đóng đinh Ngài, và trong sự hiện diện của đám đông đi theo Ngài trên đường thương khó, Chúa Giê-su vẫn lên tiếng cầu nguyện với Cha trên trời: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm.

 

  • Chúa Giê-su là người say mê cầu nguyện.

 

Đó là lời cầu nguyện của Chúa với Cha trên trời. Thánh Lu-ca luôn diễn tả nét đặc biệt nơi Chúa Giê-su. Đó là: Chúa Giê-su là người say mê cầu nguyện. Trước và sau những biến cố đặc biệt, Chúa Giê-su đều cầu nguyện. Như biến cố Chúa chịu phép rửa ở sông Gio-đan, Lu-ca đã thuật lại như sau: Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,21-22). Hay biến cố trong vườn Cây Dầu, Chúa đã chìm mình trong cầu nguyện, và Ngài đã nhắc nhớ các môn đệ: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,40). Trước đó, Chúa đã nhắc nhớ mọi người: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36).

 

Nếu chúng ta đọc trọn vẹn Tin Mừng Luca và chú ý đến việc cầu nguyện của Chúa Giê-su, chúng ta thấy nhiều biến cố trong sứ vụ công khai của Chúa Giêsu đã được liên kết với cầu nguyện hoặc trước, Ngoài các  biến cố vừa được nhắc ở trên: lúc Chúa chịu phép rửa (Lc 3,21) và trong vườn cây dầu (Lc 21 và 22), chúng ta  thấy các sự kiện sau: trước khi chọn nhóm Mười Hai Chúa cũng cầu nguyện (Lc 6,12); trước lời tuyên xưng của Phêrô và tuyên bố thứ nhất về cuộc thống khổ của Người (Lc 9,18); lúc Chúa hiển dung (Lc 9,28), trước khi dạy Kinh Lạy Cha (Lc 11,2), trong bữa Tiệc Ly để củng cố đức tin của Phêrô (Lc 22,32), và trên thập giá (Lc 23,34.46). Trong các biến cố trên, Thánh Luca duy trì truyền thống trước ngài đề cập tới việc Chúa Giêsu thường rút lui khỏi các môn đệ và đám đông để vào nơi vắng vẻ cầu nguyện. Đôi khi, Người lên Núi Cây Dầu hay một ngọn đồi không tên nào đó để cầu nguyện: đồi núi được coi như nơi đặc biệt để chuyện trò cùng Chúa Cha. Thực thế, có một lần Thánh Luca thêm vào việc Chúa Giêsu rút lui lên Núi Cây Dầu cầu nguyện câu này: “như đã quen” (Lc 22,39).

 

Không những nói đến việc Chúa Giêsu say mê và thường xuyên cầu nguyện, thánh Luca đôi lúc còn cho biết Người cầu nguyện ra sao và với nội dung gì. Như ngài mô tả Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha, trong niềm vui hớn hở, đã mạc khải cho những kẻ bé mọn biết về Người và về mối liên hệ Cha Con của Người với Chúa Cha, một điều Chúa Cha đã dấu không cho những người khôn ngoan thông thái biết, kể cả các tiên tri và vua chúa (Lc 10,21-23). Rồi, sau Bữa Tiệc Ly và lúc ở trên Núi Cây Dầu, Người cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho Con khỏi uống chén này; tuy vậy, xin đừng làm theo ý Con mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Lời khẩn cầu này kết thúc bằng việc vâng phục kế hoạch cứu rỗi sẽ được thực hiện. Cũng một lời cầu nguyện đầy tín thác con thảo ấy đã được ghi nhận lúc Người bị treo trên thập giá: “Lạy Cha, Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” vang dội lại lời Thánh Vịnh 31,6. Lời cầu nguyện cùng Chúa Cha của Người dưới đủ mọi hình thức: ngợi khen, tạ ơn, khẩn cầu, suy phục và tín thác con thảo. Ngoài ra, chỉ có Luca kể lại việc các môn đệ yêu cầu Chúa dạy cầu nguyện đồng thời nhắc đến việc Gioan Tẩy Giả năng dạy môn đệ ông việc ấy (Lc 11,1).

 

William Barclay cũng giải thích về việc cầu nguyện trong Phúc Âm thánh Luca, cụ thể liên hệ đến Chúa Giê-su như sau: “Phúc âm Luca đặc biệt là phúc âm của cầu nguyện. Luca trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu cầu nguyện trong tất cả những lúc quan trọng của cuộc đời Ngài. Ngài cầu nguyện lúc chịu phép rửa (3,21); trước khi đụng độ với các người Biệt phái (5,16); trước khi chọn Nhóm Mười Hai (6,12); trước khi hỏi các môn đệ họ nghĩ Ngài là ai; trước khi tiên báo lần đầu về cái chết của Ngài (9,8); lúc biến hình (9,29); và trên Thập giá (23,46). Chỉ có Luca kể về việc Chúa Giêsu cầu nguyện cho Phêrô trong giờ ông bị thử thách (22,32). Chỉ có ông kể dụ ngôn cầu nguyện của Người bạn lúc Nửa đêm (11,5-13) và người Thẩm phán bất công (18,1-8). Đối với Luca cánh cửa không bao giờ đóng của cầu nguyện là một trong những điều quý giá nhất trên thế giới”.[3]

 

Sự cầu nguyện cần thiết biết bao cho cuộc sống tâm linh. Cầu nguyện là giây phút gặp gỡ Cha trên trời cách gần gũi và thân mật nhất. Trong cuộc gặp gỡ đó, người ta có thể đưa theo tất cả mọi thực tế của cuộc đời, niềm vui và nỗi buồn, khổ đau và hạnh phúc, nụ cười và nước mắt, ngọt ngào và đắng cay. Cha trên trời là nguồn mạch của cuộc sống, là nguồn an ủi và nguồn tình yêu. Cuộc sống khởi đi nơi Ngài và kết thúc nơi Ngài. Mọi sự tốt xấu, sáng đen đều phải chấm hết nơi Cha trên trời. Vì thế, nơi Cha trên trời, mọi người đều được phép giãi bày tất cả, đều có thể tuôn tràn tất cả mọi sự. Chính Chúa Giê-su đã sống tinh thần này. Trong tương quan tình yêu với Cha trên trời, Chúa Giê-su đã chia sẻ tất cả mọi sự. Trước đó Ngài đã tâm tình với Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22, 42), thì giờ đây Ngài lại xin cùng Cha Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm. Thật tuyệt vời mối tình Cha Con.

 

  • Mối tình Cha Con, nguồn mạch của lòng thương xót đối với nhân loại chúng ta, những người mang hình ảnh của Thiên Chúa.

 

Nếu nghiền ngẫm lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, chúng ta thấy rằng, Ngài đã cầu nguyện với lời “Lạy Cha”. Ngài đã cầu nguyện như vậy để diễn tả mối tương quan tuyệt với giữa Ngài với Cha. Ở đây, chúng ta tìm hiểu chút mối tương quan đặc biệt của Chúa Giêsu với Cha trên trời.

 

Trong Tân Ước, Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa trên trời chính là Đấng mà Ngài gọi là Abba – Cha, và Thiên Chúa trên trời cũng gọi Ngài là Con yêu dấu. Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng : Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người’ (Mt 3,16-17). Ngoài ra, khi Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Abba – Cha, thì Ngài không dựa trên nền tảng của Do-thái giáo, mà dựa trên tương quan có một không hai của Ngài với Thiên Chúa. Trong khi người ta không tìm thấy trong các tài liệu về cầu nguyện và phụng vụ của Do-thái giáo một chỗ nào dùng từ ngữ Abba để chỉ cho Thiên Chúa, thì Chúa Giê-su lại luôn dùng từ ngữ Abba để chỉ về Thiên Chúa, ngoại trừ tiếng kêu của Ngài trên thập tự (x.Mc 15,34). Vì thế, cách gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi, là cách gọi riêng của Chúa Giê-su,[4] một cách gọi rất thân thương và mang tính cách gia đình. Theo Tertullianô, thì “danh hiệu Thiên Chúa là Cha, chưa từng được bày tỏ cho một người nào cả. Cả khi ông Môisen hỏi Thiên Chúa là ai, ông chỉ được nghe một danh khác. Danh hiệu này được mạc khải cho chúng ta trong Chúa Con. Vì trước khi ‘Con’ đến, chưa có danh hiệu ‘Cha’.”.[5]

 

Nhưng tại sao, cách gọi Abba lại không được sử dụng trong những lời cầu nguyện và phụng vụ của Do-thái giáo? Theo Jeremias, thì người Do-thái tránh tối đa dùng những ngôn từ mang tính cách gia đình để gọi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng họ thờ lạy, nên không bao giờ họ nghĩ đến chuyện họ gọi Thiên Chúa là Abba[6].

 

Như vậy, cách thức cầu nguyện của Chúa Giê-su gọi Thiên Chúa là Abba  thật là mới mẻ. Đó cũng là cách thức của một em bé dùng để kêu chính cha đẻ của mình, một cách thức xưng hô rất thân thương và chất chứa niềm tin tưởng mạnh mẽ[7], niềm tin luôn hướng về sự vâng lời Cha cách tuyệt đối mà chính Chúa Giê-su đã sống. Như vậy, khi Chúa Giê-su sử dụng cách thức xưng hô bình dị và thân tình này để cầu nguyện, thì Ngài muốn chỉ ra mối tương quan rất gần gũi và đầy tin tưởng của Ngài với Cha[8].

 

Từ ngữ Abba tương đương với ‘bố ơi, ba ơi hay tía ơi’ mà trẻ em Việt Nam thường dùng để gọi Cha mình, một từ ngữ chứa đầy lòng tin tưởng và sự thân tình, mà không có từ ngữ nào khác diễn tả được. Và cũng thật đặc biệt, khi trong tiếng Việt có thêm chữ ‘lạy’ vào chữ ‘Cha’, phải chăng khi người công giáo Việt Nam kêu lên “Lạy Cha” là một đàng họ muốn diễn tả lòng kính trọng tôn thờ Thượng Đế, tôn thờ Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng, và đàng khác họ cũng muốn diễn tả một tương quan rất thân tình với Đấng Tạo Dựng, với Thượng Đế, Ngài chính là Cha của chúng ta.

 

“Cha” là một từ ngữ xác định bản chất thật của Thiên Chúa, và nói lên quan hệ chặt chẽ nối kết Đức Giêsu với Thiên Chúa là Cha trên trời, một quan hệ diễn ra trong sự yêu thương nhau tuyệt vời khôn tả. Đó chính là tiếng gọi của Ngôi Con kết hợp với Cha, cũng như qua sứ mạng mà Cha đã giao cho Người là cứu thoát nhân loại. Chính vì thế, Đức Giêsu mới dám nói: “Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho Con”. Và vì yêu thương mọi người, nên Chúa Giêsu hướng dẫn mọi người bước vào trong tương quan thân tình với Cha.[9]

 

Trở về với đoạn Thánh Kinh Chúa Giê-su kêu cầu Cha tha cho các người hãm hại Ngài, thánh Robert Bellarmine đã suy niệm rằng: “Ngài đã kêu ‘Cha’, chứ không kêu ‘Thiên Chúa’, bởi vì Ngài muốn kêu cầu long nhân từ hay thương xót của Cha, chứ Ngài không muốn nài đến sự nghiêm khắc của quan toà; và Ngài như muốn ngăn chặn sự giận dữ của Thiên Chúa đối với các tội ác của kẻ thù. Ngài có khuynh hướng dung từ ngữ ‘Cha’. Từ ngữ ‘Cha’ trong tự nó chứa đựng một lời kêu cầu: Con đây, Con của Cha, đang ở giữa mọi đau khổ phải chịu, và con tha thứ cho họ, xin Cha cũng làm như vậy, lạy Cha, xin ban phát ơn tha thứ của Cha cho họ. Mặc dù họ chẳng xứng đáng gì, nhưng xin vẫn tha thứ cho họ vì lợi ích của con Cha nhé. Xin hãy nhớ rằng, Cha là cha Cha của họ, từ khi Cha đã tạo nên họ, và làm cho họ mang hình ảnh của Cha. Xin hãy tỏ cho họ thấy tình yêu cua Cha, dù chọ họ yếu đuối, họ vẫn là con của Cha”.[10]

 

Lời suy niệm của thánh Bellarmine đã giúp cho chúng ta nhận ra được căn tính của chúng ta, là những người con cái trên trời. Đó là một ân sủng cao quý và nhưng không chúng ta nhận được. Thật vậy, chúng ta mang một thân phận thấp hèn, tội lỗi, nhưng được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và đón nhận, nghĩa là từ một đầy tớ xấu, nhờ ân sủng và tình yêu của Cha, chúng ta trở nên những người con cái của Ngài.

 

Thánh Ambrôsiô giúp chúng ta hiểu được điều này cách rõ ràng: “Hỡi con người, bạn không dám ngước mắt lên trời, bạn đưa mắt nhìn xuống đất, rồi bỗng nhiên, bạn nhận được ân sủng của Đức Kitô, mọi tội lỗi của bạn được tha thứ. Từ một người đầy tớ xấu, bạn được trở thành người con ngoan…Vậy, bạn hãy đưa mắt nhìn lên Chúa Cha, Đấng đã sinh ra bạn nhờ Phép Rửa, Đấng đã cứu chuộc bạn nhờ Con của Ngài, và hãy thưa: ‘Lạy Cha chúng con…’. Nhưng bạn đừng đòi hỏi điều gì riêng biệt. Thiên Chúa là Cha riêng biệt đối với Đức Kitô mà thôi, và là Cha chung của tất cả chúng ta, bởi vì Ngài đã sinh ra một mình Chúa Con, còn chúng ta thì được Ngài tạo dựng. Vì thế, nhờ ân sủng bạn hãy thưa: ‘Lạy Cha chúng con”, ngõ hầu bạn xứng đáng là con của Ngài”[11].

 

Khám phá ra căn tính cao quý của mình. Đó là giờ đây chúng ta là những người con trai, con gái của Cha trên trời. Căn tính là con cái của Cha trên trời được ban tặng cho chúng ta, khi chúng ta lãnh nhận bí tích thanh tẩy, và căn tính đó trải dài trong suốt hành trình cuộc sống của chúng ta. Hơn nữa trong nền tảng, căn tính là con cái của Cha trên trời đem lại cho chúng ta một niềm vui nội tâm sâu sa, và sự bình an tuyệt hảo, sự bình an của một trẻ thơ nép mình lòng Cha.

 

Là con nên chúng ta được yêu thương, và đặc biệt chúng ta cảm nhận được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa qua chính Chúa Giê-su Ki-tô. Thật vậy, dù có nhắc đi nhắc lại nhiều lần, chúng ta vẫn luôn luôn phải tiếp tục nhắc nhau nhớ rằng: “Lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta lớn hơn tội lỗi của chúng ta”.

Ngoài ra, trong lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta còn ngạc nhiên khám phá sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong lô-gíc tình yêu mà Ngài giành cho nhân loại.

 

  • Lô-gíc của tình yêu Thiên Chúa chất chứa ơn thứ tha.

 

Đọc lại lần nữa lời cầu nguyện đầu tiên này, chúng ta ngạc nhiên thấy rằng, Chúa Giê-su đã không cầu nguyện để xin Cha ra tay công bằng xử phạt những kẻ bất nhân hãm hại Ngài, mà Ngài cầu nguyện với Cha, để xin Cha tha thứ cho họ. Đó chính là lô-gíc của tình yêu Thiên Chúa. Lô-gíc này ngược hẳn với tất cả mọi lô-gíc của cuộc đời. Đúng thật, sự khôn ngoan của con người không phải là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ý nghĩ của Thiên Chúa không phải là ý nghĩ của loài người. May thay!

 

Paglia đã suy niệm về tình yêu Thiên Chúa qua lời tha thứ của Chúa Giê-su như sau: “Trong lời đầu tiên của Chúa Giê-su nói trên Thánh Giá đã được tóm tắt nội dung của sứ điệp tình yêu của Chúa. Đó là tinh thần của Tin Mừng hay nói đúng hơn là bản chất của Thiên Chúa. Thánh Gio-an đã định nghĩa rằng: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa thì vĩnh cửu và vô biên. Tình yêu này đã thúc đẩy Thiên Chúa rời bỏ trời cao để xuống trên đất thấp và đã sống là một người giữa muôn người. Tình yêu này của Thiên Chúa vượt trên mọi ngăn cách, mọi biên giới của các dân tộc, và vượt trên mọi loại hàng rào, ngay cả hàng rào mà chúng ta có quyền và được phép tạo nên. Thật vậy, tình yêu của Chúa vươn dài tới điều, Ngài tha thứ cho kẻ thù và cho những người bắt bớ Ngài. Đó chính là sứ điệp mà Chúa Giê-su đã loan báo trong những giây phút đầu tiên trên hành trình sứ vụ của Ngài, và sứ điệp này của Chúa có giá trị vĩnh viễn và cho tới muôn đời”.[12]

 

Thật vậy Chúa tha thứ cho kẻ thù mà Chúa gọi là họ. Vậy họ là ai? Họ chính là những tên lính La Mã, những người làm theo lệnh của Phi-la-tô đóng đinh Chúa Giê-su cho đến chết. Họ chỉ làm theo mệnh lệnh, nhưng những lời chế nhạo, những đòn roi đã thể hiện sự tàn bạo, sự hung tợn trong chính họ. Họ còn là những đám đông dân chúng bị lầm lạc, bị mê hoặc, những kẻ ấy đã bắt Chúa Giê-su phải chết và ép buộc Phi-la-tô giết Ngài. Bọn người ấy chỉ vài ngày trước đã tung hô Chúa Giê-su là Vua x.(Mc 15,6-14, Mc 11,8-10), còn giờ thì dã tâm giết Chúa trên thập giá. Thật tàn bạo, thật khủng khiếp và thật bất công!

 

Karl Rahner đã suy niệm về nhóm người đứng dưới chân thập giá của Chúa như sau: “Tất cả những người đã dàn xếp mọi chuyện này, đang đứng dưới thập giá. Họ không bỏ đi, để ít nhất cho Chúa trút hơi thở cách bình lặng. Họ ở lại. Họ cười nhạo. Họ nghĩ rằng, họ có quyền để chỉ ra rằng, hoàn cảnh của Chúa lúc này chính là chứng minh hùng hồn rõ rệt nhất cho việc: những gì họ đã làm với Chúa là thực hiện trọn vẹn công lý thánh thiện nhất, một hy lễ thánh mà họ đã làm và họ kiêu hãnh về điều đó. Vì thế, họ cười, họ chế nhạo, họ báng bổ Chúa. Họ đánh đập Chúa. Những điều này thật dễ sợ hơn mọi nỗi đau của thân xác cộng lại. Có thể có những người có khả năng làm những điều đê tiện như vậy chăng? Giữa Chúa và những người này còn có bất cứ điều gì chung nữa không? Một người có thể được phép hành hạ người khác đến chết như vậy chăng? Với dối trá, với thô bạo, với bội phản, với vờ vĩnh, với mưu mô xảo quyệt họ đã hành hạ Chúa cho đến chết, tệ hơn nữa họ còn tự cho mình có quyền làm điều đó với tư cách là những người trong sạch, những người như các quan toà cầm cân nảy mực”.[13]

 

Nhưng tất cả mọi sự xấu xa đó không cản bước chân của Đấng Cứu Độ, không làm cho bản chất của Đấng Cứu Độ bị thay đổi. Bản chất đó là tình yêu tràn đầy lòng thương xót và tha thứ, mà Chúa Giê-su đã loan báo. Đối với thần học gia Ratzinger, Đức Benedicto XVI, thì: “điều mà Chúa đã rao giảng trong Bài Giảng Trên Núi, Ngài đã thực hiện cách trọn vẹn. Chúa không biết ghen ghét là gì. Ngài không bao giờ hận thù cả. Ngài đã cầu nguyện cho kẻ đóng đinh Ngài”.[14]

 

Và “lời cầu nguyện đầu tiên của Chúa Giê-su với Chúa Cha là lời cầu bầu, xin tha thứ cho những lý hình của Người. Với lời này, Chúa Giê-su thực hiện điều mà chính Người đã dạy trong Bài Giảng Trên Núi khi Người nói ‘Nhưng Thầy bảo các con là những người đang nghe Thầy đây, hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những người ghét các con’ (Lc 6,27), và Người cũng đã hứa với những người có thể tha thứ rằng ‘Phần thưởng của các con sẽ thật lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao’ (c. 35). Bây giờ, từ trên Thánh Giá, Người không những chỉ tha thứ cho những kẻ hành quyết Người, mà còn trực tiếp thưa với Chúa Cha để cầu bầu cho họ”.[15]

 

  • Chúa Giê-su và tinh thần tha thứ.

 

Lắng nghe lại lời Chúa giảng dạy chúng ta tha thứ trong Kinh Lạy Cha, chúng ta thấy thật sống động, vì lời này được Chúa Giê-su thực hiện cách mỹ mãn trong cuộc đời Ngài, và đặc biệt trên Thánh Giá Chúa. Những lời giảng dạy của Chúa đã tìm thấy ý nghĩa và giá trị trọn hảo trong chính hành động Chúa làm. Hơn nữa, nếu chúng ta lật lại các trang Tin Mừng, sẽ nhận ra được lòng nhân từ và tha thứ của Chúa Giê-ru rất rõ nét, cụ thể trong những cuộc gặp gỡ của Ngài với những người tội lỗi. Hình ảnh của người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành mà Lu-ca nhắc đến là một điển hình (x.Lc 7,36-50). Một cuộc gặp gỡ thật đặc biệt giữa lòng nhân từ hay thứ của Chúa với thân phận tội lỗi, nhưng chất chứa lòng ăn năn sâu thẳm của người phụ nữ. Một cuộc gặp gỡ khác giữa Đức Ki-tô và người phụ nữ bị kết án vì tội lỗi. Bối cảnh và tình tiết của câu chuyện được Gioan diễn tả thật đặc sắc (x.Ga 8,2-11). Đó là người ta đưa chị bị bắt phạm tội ngoại tình đến với Chúa, để gài bẫy Ngài, bằng cách bắt Ngài phải kết án tử chị ta. Phần tiếp của câu chuyện các Kit-tô hữu đều biết. Có một nét thật đặc sắc là: Người lớn tuổi nhất phải bỏ đi sớm nhất, khi Chúa nói với họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Cuối cùng, câu chuyện có một lời kết rất tuyệt vời của Chúa Giê-su với người phụ nữ tội lỗi: Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! Với lòng nhân từ và thương xót, Chúa Giê-su đã không kết án mà Ngài nói lời tha thứ và đem lại sức sống mới cho một phận người tội lỗi. Một sức sống mới cần phải đoạn tuyệt với tội lỗi, một sức sống mới tràn đầy tự do, niềm vui và hạnh phúc.[16]

 

Điều này Chúa cũng làm với những người đóng đinh Chúa. Trước hết, Chúa chẳng kết án họ, và trước bản án bất nhân của họ giành cho Chúa, Chúa cũng chẳng cần biện minh, Lời Chúa nói là tha thứ. Thật tuyệt vời biết bao nhiêu, khi nhận ra điều này. ĐHY Fulton đã chia sẻ như sau: “Câu trả lời nằm sẵn ở chữ đầu tiên trên thập giá: Tha Thứ. Nếu như có ai đầy đủ quyền lực để chống lại bất công thì phải là Chúa Giê-su, Đấng là công lý thần linh. Nếu có ai đầy đủ lý do để khiển trách kẻ hành hạ mình, đóng đinh chân tay mình vào cây gỗ, thì đó là Chúa chúng ta. Nhưng không. Vào đúng lúc cây cối chống lại Ngài, và trở thành thập tự; sắt thép chống lại Ngài và trở thành đinh nhọn; dây hoa hồng chống lại Ngài và trở thành mạo gai; con người chống lại Ngài và trở thành lý hình, thì Ngài buông lời Tha Thứ, lời cầu đầu tiên trong lịch sử xin tha tội cho kẻ thù hành hạ mình: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng chẳng biết việc mình làm’ (Lc 23,34)”.[17]

 

Để có thể hiểu sâu hơn tinh thần tha thứ của Chúa Giê-su qua lời Ngài nói trên Thánh Giá, chúng ta cũng nên suy niệm về những gì Chúa không nói lúc đó. ĐHY Fulton đã chú ý đến điểm này và chia sẻ rất sâu sắc: “Xin dừng lại khoảnh khắc để suy niệm những gì Ngài không nói: Ngài không nói: Tôi vô tội. Nhưng trên thế gian này ai vô tội hơn Ngài? Từ trước khi có Thứ sáu Tuần thánh và về sau, khi người ta bị treo lên thập giá, hoặc máy chém hoặc giàn xiết cổ, hỏa thiêu biết bao tội nhân vô tội nhưng thử hỏi đã có người nào không kêu gào mình vô tội? Chúa Giê-su không hề mở miệng phản đối lý hình. Bởi vì làm như vậy, Ngài mặc nhiên công nhận quyền xét xử của loài người, kẻ phàm nhân xử án Thiên Chúa! Vậy Đấng vô tội không khẳng định mình trong trắng, thì chúng ta là kẻ tội lỗi đầy mình lại dám tự nhận như vậy? Muôn đời xin đừng la lớn mình vô tội, kẻo lừa dối thiên hạ. Bởi làm như vậy chúng ta ngộ nhận rằng con người chứ không phải Thiên Chúa là quan án nhân loại. Thực ra, linh hồn mọi người sẽ được xét xử không phải trước toà án loài người, mà trước tôn nhan Đấng tối cao, Thiên Chúa của tình yêu, và ‘Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ thưởng công cho anh em trong bí ẩn’. Ơn cứu độ muôn đời của chúng ta không lệ thuộc vào thế gian xét xử, mà vào Thiên Chúa đoán xét…

 

Một điều khác Chúa Giê-su không nói trên thập giá cho các đại diện vua Caesar và của quyền bính đền thờ, là Ngài chẳng bảo họ ‘quí vị bất công’. Thiên Chúa Cha đã ban cho Ngài mọi quyền xét xử, nhưng Ngài không sử dụng nó để nói: ‘Quí vị sẽ chịu khốn nạn vì việc này’. Với tư thế vừa là Thiên Chúa vừa là người, Ngài thấu rõ nếu còn sự sống thì còn hy vọng. Cho nên lúc này các đau khổ kiên trì của Ngài còn khả năng cứu chuộc nhiều linh hồn đang lên án Ngài…Như vậy, nếu Chúa Giê-su không xét đoán các lý hình của mình trước kỳ hạn phán xét của họ, thì tại sao chúng ta thường làm như vậy? Nhất là khi chúng ta không có kiến thức đầy đủ về họ lại đoán họ xúc phạm đến mình? Lúc còn đang sống có thể nhờ việc kìm hãm xét đoán của chúng ta, mà họ ăn năn trở lại. Trong bất cứ hoàn cảnh nào quyền năng xét đoán chưa ban cho chúng ta, và thế giới có thể sẽ biết ơn Thiên Chúa về việc này. Bởi lẽ Ngài là quan tòa chính xác và nhân từ hơn người ta: ‘Các ngươi đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét’ (Mt, 7,1)”.[18]

 

Không xét đoán, không biện minh, dù Chúa có quyền và có thể làm điều đó. Ngay trong khổ đau nhất và chìm giữa bất công nhất, Chúa lên tiếng: Tha thứ. Đó là một sứ điệp cao quý của Đấng Cứu Độ.  “Tha thứ. Tha thứ cho các Philatô của bạn, họ không đủ can đảm để bênh vực công lý. Tha thứ cho các Hêrôđê của bạn, họ sống quá bê tha, không còn khả năng hiểu được tinh thần. Tha thứ các Giuđa của bạn, họ nghĩ chỉ tiền bạc là tất cả: ‘Tha thứ cho họ, vì không biết việc mình làm’. Trong câu nói này gói ghém Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ câu nói này, tình yêu thánh thiện của Thiên Chúa gặp gỡ tội lỗi nhân loại, nhưng vẫn y nguyên tinh tuyền. Câu nói đầu tiên của Chúa Giê-su: Tha thứ, là bằng chứng hùng hồn nhất tính vô tội tuyệt đối của Ngài. Còn toàn thể chúng ta đến giờ chết sẽ được xem thấy hằng hà sa số các tội lụy diễn ra trước mắt, đến nỗi chúng ta quá khiếp sợ để ra trước tôn nhan Thiên Chúa, mà không cầu xin Ngài tha thứ. Chúa Giê-su, ngược lại, không cần ơn tha thứ khi gục đầu chết, bởi Ngài không hề có tội lỗi nào. Lời Ngài xin tha thứ là cho những kẻ tố cáo Ngài, và lý lẽ Ngài đưa ra là: Họ không biết việc họ làm”.[19]

 

  • Vì họ không biết việc họ làm.

 

Đó là vế thứ hai của lời cầu nguyện đầu tiên. Nhưng làm sao Chúa Giê-su lại có thể nói họ không biết việc họ làm? Theo một góc độ nào đó thì họ phải biết việc họ đang làm, nhưng họ không nhận ra điều đó là tội ác tày trời. Đó chính là giết chết Con Một của Thiên Chúa.

 

Nếu suy niệm kỹ lời này, chúng ta thấy, trong lời cầu xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi cho những kẻ quay lưng lại với Ngài, những kẻ thi hành án tử hình, Chúa Giê-su đã thực sự biện hộ cho họ, và đó cũng là một cách minh chứng hùng hồn nhất rằng, điều Ngài đã dạy là hoàn toàn có thể: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Biết bao nỗi tủi nhục và đau đớn mà bọn La Mã đã gây ra cho Ngài, Ngài vẫn tha thứ cho họ. Ngài thậm chí còn tha thứ cho những kẻ quay lưng lại với Ngài. Karl Rahner đã suy niệm về điều này: “Chúa ơi, Chúa lại nói: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Không thể hiểu Ngài được, Chúa Giê-su ơi. Trong một tâm hồn tan nát và tràn đầy khổ đau, Chúa lại có thể kiếm được ở đâu một chỗ, để có thể thốt lên những lời đó? Không thể hiểu Ngài được, Chúa Giê-su ơi. Chúa yêu thương kẻ thù của Chúa. Chúa phó thác kẻ thù vào cho Cha trên trời. Chúa cầu nguyện cho họ. Ôi, Chúa ơi, con có ngớ ngẩn để nói rằng: Chúa xin lỗi dùm cho họ, bởi vì họ không biết việc họ đã làm. Tất cả bọn họ đã biết, chỉ là họ không muốn biết đến điều họ đã làm thôi. Thật vậy, nếu người ta không muốn biết, thì người ta lại biết rõ hơn hết trong sâu thẳm tăm tối của căn hầm tâm hồn. Nhưng người ta đã ghét bỏ điều đó, vì thế họ không muốn để cho điều đó tỏ lộ ra bên ngoài trong ý thức. Và Chúa nói rằng, họ không biết việc họ làm. Một điều chắc chắn họ đã thực sự không biết: Tình yêu của Chúa dành cho họ. Vì tình yêu này người ta chỉ có thể nhận ra, khi người ta yêu mến Chúa. Vì chỉ có người yêu thương mới nhận ra được tình yêu đã được ban cho.

 

Xin Chúa hãy nói lời tha thứ của tình yêu không thể dò thấu được với tội lỗi của con.  Xin hãy cầu bầu với Cha trên trời cho con: Xin tha thứ cho nó, vì nó không biết việc nó làm. Dù rằng con đã biết mọi sự. Chỉ có một điều con chưa biết. Đó là tình yêu Chúa.

Xin cũng giúp con biết suy đi nghĩ lại, khi con cầu nguyện và xác quyết với lời Kinh Lạy Cha cách vô cẩn: Như con cũng tha cho những người có lỗi với con. Ôi lạy Chúa trên Thánh Giá của tình yêu: Con cũng không biết có ai thực sự lầm lỗi với con, để con tha thứ cho họ. Nhưng sức mạnh của Chúa cần thiết biết bao, để thật sự từ trái tim, con có thể tha thứ cho những người mà con cho rằng đó là kẻ thù của con”.[20] Qua lời suy niệm này, nhà thần học lỗi lạc Karl Rahner đã thú nhận không thể hiểu được tình yêu của Thiên Chúa mà Đức Ki-tô diễn tả và sống động.

 

Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. “Đúng vậy, ngay trong đống tro bụi của sự dữ, một chút than hồng của Thiên Chúa vẫn luôn tiếp tục âm ỉ cháy trong trái tim của chúng ta. Sự tha thứ sẽ thổi bay đi những tro bụi kia, và sự tha thứ thổi cho tia lửa tình yêu gần tàn kia bùng lên, để ngọn lửa bùng cháy với sức mạnh mới”.[21]

 

Đức Benedicto XVI cũng đã suy niệm lời họ không biết việc họ làm như sau: “Thực ra, theo lời Người, thì những kẻ đóng đinh Người ‘không biết việc chúng làm’ (Lc 23,34). Người đặt sự thiếu hiểu biết, sự ‘vô minh’ của họ như động lực của việc Người xin Chúa Cha tha thứ, bởi vì sự thiếu hiểu biết này mở đường cho việc hoán cải, như trường hợp những lời mà viên đại đội trưởng sẽ công bố về cái chết của Chúa Giê-su: ‘Người này thật sự là người công chính!’ (câu 47). Người này là Con Thiên Chúa. Vẫn là một sự an ủi cho mọi thời đại và cho mọi người rằng trong trường hợp những kẻ không thực sự biết Người, những lý hình của Người, và trong trường hợp những kẻ biết, những kẻ kết án Người, Chúa dùng sự thiếu hiểu biết như lý do để xin tha thứ cho họ: Người coi nó như một cánh cửa có thể mở lòng chúng ta ra mà hoán cải”.[22]

 

Ngoài ra, lời này của Chúa Giê-su cũng nhắc chúng ta nhớ lại lời rao giảng của thánh Phê-rô, sau biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, và sau sự kiện Thánh Phê-rô chữa người què ở Đền Thờ.  Trước hết, Thánh Phê-rô nói cùng đám đông dân chúng đang tụ họp ở đó: Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,14-15).  Sau sự nhắc nhớ nhức nhối này, thánh Phê-rô tiếp tục: “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em” (Cv 3, 17).

 

Sự thiếu hiểu biết cũng được thánh Phao-lô nhắc đến trong sự liên hệ đến chính tiểu sử và ơn gọi của ngài: “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin” (1Tm 1,13). Khi thú nhận như thế, thánh Phao-lô rất can đảm, vì ngày xưa trong tư cách là một người luôn sống ý thức về mọi việc mình làm, và luôn tuân thủ lề luật, nên ngài mới đi bắt bớ các người Ki-tô hữu. Khi ngài được Chúa kêu gọi trở lại, ngài đã thành thật nhận ra sự thiếu hiểu biết của mình, sự nông cạn của ngài khi chưa có niềm tin. Theo Đức Benedicto XVI,[23] ngay tại điểm thiếu hiểu biết này, mà thánh Phao-lô đã được cứu, được biến đổi và đến với Chúa, và nhận được sự tha thứ của Chúa. Hơn nữa, cũng cần nêu bật sự song đôi của hai điều làm cho chúng ta phải suy nghĩ: một bên là sự hiểu biết qua việc học hỏi, bên kia là sự thiếu hiểu biết. Ở đây, có thể xảy ra vấn đề của sự hiểu biết. Đó là người hiểu biết đứng trước một sự nguy hiểm tự kiêu, khi tự nâng cao mình lên, tự vinh danh mình, tự cho mình là biết tất cả mọi sự, đến nỗi không còn nhìn ra chân lý và đạt được chân lý có sức biến đổi cuộc sống của con người. Một lần nữa, trong một cách thức khác, vấn đề hiểu biết và không hiểu biết được lộ rõ, khi chúng ta lật lại những trang đầu tiên của Tin Mừng về việc Giáng Sinh của Chúa. Các thượng tế và kinh sư biết rõ ràng nơi Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra, nhưng họ đã không nhận ra Ngài. Những người hiểu biết đã bị mù tối (x.Mt 2,4-6).

 

Một cách rõ ràng, sự song đôi của sự hiểu biết và sự thiếu hiểu biết trong ý nghĩa này luôn tồn tại trong mọi thời đại. Vì thế, Đức BenedictoXVI mời gọi chúng ta chúng ta luôn tự hỏi bản thân: Chúng ta đang là những con người hiểu biết nhưng thực sự là mù tối? Chúng ta đang sống trong tình trạng hiểu biết, nhưng lại không có khả năng để nhận ra chân lý và sự thật có thể biến đổi chúng ta?

 

Viết những dòng suy niệm này trong bối cảnh Giáo Hội vừa có vị chủ chăn mới, kế vị Đức Benedicto XVI. Đó là Đức Thánh Cha Phanxico, vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội. Trong bài giảng đầu tiên trên tư cách là đấng kế vị Thánh Phê-rô, Ngài đã nói rằng: “Tin Mừng này tiếp tục với một hoàn cảnh đặc biệt. Thánh Phê-rô, người đã tuyên xưng Chúa Giê-su Ki-tô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Điều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Ki-tô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.[24]

 

Như thế, trong đời sống của người Ki-tô hữu, dù ở trong cương vị nào đi nữa, và dù có thông hiểu nhiều đến đâu, theo Chúa sát đến mấy, xả thân hoạt động và xây dựng hết cỡ, cũng như mở hết volume để tuyên xưng Chúa, mà lại không có Thánh Giá Chúa, không có Chúa trong tâm hồn, không có Chân Lý là chính Chúa ngự trị, thì thật nguy hiểm biết bao, vì như thế chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa. Như vậy, sự hiểu biết của những nhà thông thái, kinh sư, thượng đế ở kế bên Thánh Giá Chúa chỉ là sự khôn ngoan của con người, sự khôn ngoan của họ thiếu bóng dáng của Thánh Giá Chúa. Khoa học Thánh Giá họ chưa hiểu được, thì làm sao họ có thể hiểu được Chân Lý là gì. Hơn nữa, cái hiểu đâu phải là tất cả cuộc sống của con người. Cái hiểu đó cần phải đi vào trái tim, thấm nhuần toàn thể con người, để cả cuộc đời con người gắn liền với Chân Lý, với Thiên Chúa, với Thánh Giá của Đức Ki-tô. Xin Chúa cho chúng ta, trong đời sống đức tin theo Chúa, đứng gần Thánh Giá Chúa, nhưng không bao giờ mù tối đến nỗi không hiểu Thánh Giá Chúa là gì, ngược lại thấu hiểu, cảm nhận và giang đôi tay, mở rộng tâm hồn đón nhận Thánh Giá Chúa vào đời mình, vì Thánh Giá Chúa chính là Chân Lý, là khoa học của tình yêu mà Đấng Cứu Thế đã ban tặng cho nhân loại.

 

Tóm lại, sự thiếu hiểu biết và nông cạn về niềm tin mà Thánh Phê-rô nhắc đến, và thánh Phao-lô thú nhận nơi ngài, có thể làm cho tội lỗi chúng ta được nhẹ hơn, và có thể mở ra một con đường hoán cải trở về. Trở về để xin Chúa mở mắt tâm hồn, xin Chúa ban cho chúng ta ánh sáng của Ngài, để có thể nhìn ra Thánh Giá Chúa là khoa học của tình yêu, là Chân Lý mà chúng ta cần mở lòng và giang đôi tay đón nhận, và luôn sống với Chúa trên đường Thánh Giá trên từng nẻo đường chúng ta đi. Có như thế, Chân Lý sẽ nở hoa và sinh trái trên đời sống của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta cũng cảm tạ Chúa về lòng nhân từ bao dung của Chúa giành cho chúng ta, những người thiếu hiểu biết. Đó là một sự an ủi lớn lao. Cũng xin Chúa giúp chúng ta, khi đã hiểu được tinh thần tha thứ của Chúa, thì cố gắng sống theo Ngài, như Thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo đầu tiên, đã theo gương và thực hiện.

 

  • Thánh Tê-pha-nô, mẫu gương sống tinh thần tha thứ.

 

Đọc lại câu chuyện thánh Tê-pha-nô bị ném đá, với sự hiện diện của Sao-lô, sau này trở lại và trở thành vị Tông Đồ dân ngoại, chúng ta thấy được tâm tình cao quý của thánh nhân: Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: ‘Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.’ Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.’ Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7,59-60).

 

Đức Benedicto XVI đã suy niệm biến cố này như sau: “Đây là lời cuối cùng của ông. Sự so sánh giữa lời cầu nguyện xin tha thứ của Chúa Giê-su với lời cầu nguyện của vị tử đạo là điều đầy ý nghĩa. Thánh Tê-pha-nô thưa chuyện với Chúa Phục Sinh và xin Chúa đừng quy tội cho những kẻ ném đá ông khi nói về việc người ta giết ông – một hành động được xác định rõ ràng bằng thuật ngữ ‘tội này’. Trên Thánh Giá Chúa Giê-su thưa cùng Chúa Cha và không những chỉ xin tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người, nhưng còn giải thích về những gì đang xảy ra”.[25]

 

ĐHY Fulton cũng đã chia sẻ về mẫu gương tha thứ của thánh Tê-pha-nô: “Tôi từ chối ghét bạn. Nếu tôi ghét bạn, tôi sẽ đổ thêm dầu vào lửa. Ngược lại, nếu tôi không ghét bạn, tôi sẽ giết chết lòng thù hận của bạn, và tôi sẽ xóa nó khỏi mặt đất. Tôi yêu quí bạn. Đó là đường lối thánh Tê-pha-nô chinh phục những ai thù ghét ông, giết chết ông. Thánh nhân đã cầu nguyện: ‘Lạy Chúa xin đừng chấp tội họ về việc này’ (Cv 7,59). Nói chính xác hơn, ông đã lập lại lời của Chúa Giê-su trên thập giá. Lời của ông đã chiến thắng được tâm hồn người thanh niên trẻ tuổi tên là Sao-lô, hắn đứng bên cạnh trông coi y phục cho những lý hình ném đá Tê-pha-nô và đồng ý với cái chết của thánh nhân. Nếu như Tê-pha-nô nguyền rủa Sao-lô, có lẽ người thanh niên này chẳng bao giờ trở thành thánh Phaolô, một mất mát quá to lớn. Nhưng thù oán đã thất bại, vì Tê-pha-nô tha thứ”.[26]

 

Ngoài ra, thánh Âu-tinh đã diễn tả rất hay về mẫu gương tha thứ của thánh Tê-pha-nô, và ngài khuyên bảo mọi người nhìn vào tấm gương thánh nhân, một người dù bị ném đá như mưa nhưng vẫn cầu nguyện cho những kẻ đang giết mình: “Họ thì ném đá mà chẳng hề xin ngài thứ tha, còn ngài thì cầu nguyện cho họ. Đó chính là thái độ mà tôi muốn anh em nhìn xem. Hãy cố gắng vươn tới mức đó. Đừng để lòng mình cứ sà sà mặt đất hoài. Hãy nâng tâm hồn lên! Vâng, hãy leo cao tới mức đó. Hãy yêu thương thù địch. Vì nếu anh em không tha, thì tôi xin nói, chẳng những anh em đã xoá sạch khỏi lòng mình bài Kinh Chúa dạy, mà chính anh em cũng sẽ bị xoá tên khỏi sách sự sống”.[27]

 

Lời của thánh Âu-tinh là một lời nhắc nhớ chúng ta ý thức sống tinh thần tha thứ. Khi sống tinh thần tha thứ, thì chúng ta, những người con cái dưới đất thấp này, có thể bước trên hành trình nên hoàn thiện, như lòng ao ước của Đức Ki-tô: Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Hoàn thiện là một con đường dài của đời người, cũng thế tha thứ là bài tập cho cả cuộc đời.

 

  • Tha thứ, bài tập cho cả cuộc đời.

 

Là những người có niềm tin, chúng ta từ thuở nhỏ ai cũng thuộc làu làu Kinh Lạy Cha.  Trong đó có một lời cầu nguyện: xin tha thứ cho chúng con, như chúng con tha thứ cho những người có lỗi với chúng con. Lời cầu nguyện này thật đặc biệt, vì nó đưa chúng ta đi vào thực tế đời sống hằng ngày, với biết bao đụng chạm, với biết bao bực dọc, cũng như không thiếu tức tối, ghen ghét và hận thù. Có những người đã chia sẻ rằng, càng đọc lời kinh này, thì càng nhức nhối, vì thật là khó để tha thứ, đặc biệt tha thứ cho những người đã gây ra biết bao đau khổ cho cuộc đời mình. Đó là một thực tế không ai chối cãi được. Tuy nhiên, dù thế nào Chúa vẫn mong chờ chúng ta cố gắng sống sao, để lời cầu nguyện này có thể nở hoa sinh trái trong đời sống thực tế. Vì vậy, tha thứ thật sự là một bài tập cho cả cuộc đời. Đúng thế, khó thì mới tập, mà càng khó thì càng phải nỗ lực tập mỗi ngày. Một tâm tình có thể giúp chúng ta tập sống tinh thần tha thứ, là chúng ta nên nhớ lại sự tha thứ của Chúa dành cho chúng ta như thế nào. Biết bao lần lầm lỡ, biết bao tội lỗi chúng ta gây ra, làm thương tổn người khác, làm thương tổn đến chính bản thân mình, và làm xúc phạm đến Chúa, nhưng Chúa đều tha thứ tất cả. Radcliffe chia sẻ rằng: “Có thể chúng ta sẽ không thể nào nghe về những sự thương khó của Chúa Giê-su, nếu chúng ta không bắt đầu với sự tha thứ. Trước khi chúng ta phạm tội, chúng ta đã được tha thứ. Để đón nhận ơn tha thứ, chúng ta không cần phải xứng đáng gì cả. Chúng ta chưa hối lỗi gì cả. Tha thứ đã ở đó và đang chờ đợi chúng ta”.[28] Nói như thế, chúng ta đừng bao giờ lầm tưởng rằng, sự hối lỗi là không quan trọng. Ngược lại, sự hối lỗi và ăn năn là nền tảng cho đời sống Đức Tin. Chúng ta ý thức rằng, Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, nhưng Thiên Chúa không quên những gì chúng ta đã làm với Người Con duy nhất của Ngài, Thiên Chúa không bao giờ quên ngày thứ sáu tuần thánh. Nhưng với lòng thương xót vô bờ bến, Thiên Chúa không dừng lại ở ngày thứ sáu tuần thánh.  Xuyên suốt qua bóng đêm của đau khổ, của tội lỗi và của cái chết, Đức Ki-tô đã sống lại. Ánh sáng Phục Sinh nhắc nhớ chúng ta rằng, lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Ánh sáng phục sinh và Thánh Giá của Chúa nhắc nhớ chúng ta rằng, tội lỗi và sự dữ vẫn có thể xảy ra và xuất hiện, nhưng không bao giờ thế lực đó có thể “thổi tắt” ngọn nến Phục Sinh. Với ngọn nến Phục Sinh của đêm vọng Phục Sinh trên tay, người tín hữu cũng được nhắc nhớ rằng, mỗi lần phạm tội là mỗi lần lạc bước, nhưng chúng ta vẫn có đường trở về, để nhận ơn tha thứ, để đền bù tội lỗi và để sắp xếp lại đời mình vào trật tự của tình yêu và của lòng thương xót. Chúng ta đừng quên lời của vị đã có một quá khứ tội lỗi và được Chúa biển đổi trở thành một vị thánh: “Chúa tác tạo chúng ta cách lạ lùng, thì Ngài còn tái tạo chúng ta cách lạ lùng hơn nữa” (Thánh Âu-tinh). Thật vậy, “ơn tha thứ đã biến đổi sự chết vào trong sự sống, và đã làm cho những gì xấu xí thành đẹp đẽ biết bao”.[29]

 

Thật vậy, qua ơn tha thứ chúng ta nhận ra tình yêu và lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi, Ngài đã nói lời xin vâng của tình yêu đối với mỗi người chúng ta, thì lời xin vâng đó có giá trị đời đời. Sự tha thứ của Chúa luôn có chỗ trong cuộc đời của chúng ta. Trong tong chiếu năm thánh Lòng thương xót, ĐTC. Phanxico có chia sẻ rằng: “Trong dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giêsu tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót. Chúng ta biết rõ về những dụ ngôn này, đặc biệt là 3 dụ ngôn: con chiên lạc, đồng tiền bị mất, và người cha có hai người con trai (Lc 15,1-32). Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa luôn được mô tả là tràn đầy niềm vui, đặc biệt là khi Ngài tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là một lực vượt qua tất cả mọi thứ, làm đầy trái tim với tình yêu và mang lại ủi an qua sự tha thứ.

 

Từ một dụ ngôn khác, chúng ta thấy được một giáo lý quan trọng cho đời sống Kitô hữu của chúng ta. Khi trả lời cho câu hỏi của Phêrô cần phải tha thứ bao nhiêu lần, Chúa Giêsu nói: ‘Thầy không nói bảy lần, nhưng bảy mươi lần bảy mươi lần’ (Mt 18:22). Sau đó, Ngài tiếp tục kể dụ ngôn về người ‘đầy tớ tàn nhẫn’, là người khi bị chủ gọi đến bảo phải trả lại một số tiền rất lớn, anh đã quỳ trên đầu gối mình van xin lòng thương xót. Người chủ hủy bỏ nợ của anh. Nhưng sau đó anh gặp một người đầy tớ bạn chỉ nợ anh một vài xu. Người bạn đến lượt mình cầu xin anh thương xót, nhưng người đầy tớ đầu tiên đã khước từ và ném bạn mình vào tù. Khi nghe chuyện này, người chủ tức giận và đã triệu hồi người đầy tớ đầu tiên trở lại và nói, ‘ngươi không buộc phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ (Mt 18,33). Chúa Giêsu kết luận: ‘Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình’ (Mt 18,35)” (số 9).

 

Thật vậy, chúng ta có được đón nhận sự tha thứ này hay không, còn tuỳ thuộc vào cuộc sống và hành động của chúng ta. Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15). Như vậy, tha thứ cho anh chị em đồng loại là một đòi hỏi giành cho những ai sống đời sống Đức Tin. Chính sự đòi hỏi này cũng là một lời cảnh báo, đừng bao giờ để cho những tự ái, những căng thẳng, những vết thương, sự thù hận và sự chai cứng con tim, “giết chết” lòng nhân từ, nhận chìm thiện chí hòa giải. Đời sống Ki-tô hữu hệ tại phần lớn ở chính lòng nhân từ thương xót, yêu mến sự hòa bình và sẵn sàng tha thứ, như chính Đức Ki-tô đã sống và mời gọi chúng ta sống như Ngài.[30] Trong tong chiếu năm thánh Lòng thương xót, ĐTC. Phanxico viết: “Chúa Giê-su khẳng định rằng lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nó trở thành một tiêu chuẩn để xác thực ai là con cái thật sự của Ngài. Nói vắn tắt, chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót vì lòng thương xót đã được thể hiện ra cho chúng ta trước. Tha thứ cho các sai phạm trở thành diễn đạt rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với Kitô hữu chúng ta đó là một mệnh lệnh mà chúng ta không thể thoái thác cho chính mình. Có những lúc dường như thật là khó biết bao để tha thứ! Nhưng tha thứ là công cụ được đặt vào đôi tay mỏng dòn của chúng ta để đạt được sự thanh thản trong lòng. Lướt thắng được cơn giận, thịnh nộ, bạo lực và trả thù là điều kiện cần thiết để vui sống. Vì vậy, chúng ta hãy chú ý đến lời khuyên nhủ của Thánh Tông Đồ Phaolô: ‘chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn’ (Eph 4,26)” (số 9).

 

Khi tha thứ, là chúng ta đang xây tựng tinh thần hoà bình trong cuộc sống của mình và của người lầm lỗi với chúng ta. Nói khác đi, tinh thần tha thứ luôn là cánh cửa mở ra một chân trời mới, một tương lai mới cho cả hai bên, như Simon Weil đã nói: “Tha thứ cho người có lỗi với chúng ta, nghĩa là hoàn toàn bỏ qua những chuyện quá khứ, chấp nhận rằng tương lai vẫn còn trong sáng và chưa bị vẩn đục”.[31] Tương lai của cuộc sống chúng ta cần được gìn giữ và phát triển trên nền tảng của tình yêu thương. Nhưng đụng chạm, căng thẳng, giận hờn và đôi khi hận thù không được phép ảnh hưởng mạnh mẽ trên tương lai của chúng ta. Trong chiều sâu của tâm hồn, ai ai cũng muốn có được bình an. Bình an luôn có với những tâm hồn nhân ái và dễ dàng thứ tha.

 

Ngoài ra, ĐHY Fulton chia sẻ về tinh thần tha thứ mà chúng ta cần phải noi gương Chúa Giê-su Thánh Giá dựa trên ba điều. Thứ nhất, Thiên Chúa thứ tha cho chúng ta những tội lớn hơn tội thiên hạ. Thứ hai, chỉ bằng tha thứ mà thế giới không còn hận thù. Thứ ba, sự tha thứ của chúng ta là điều kiện để mình được tha lỗi. Cụ thể hơn, Fulton giải thích từng điều một:

 

“Thứ nhất, chúng ta buộc phải tha thứ tha nhân bởi lẽ Chúa đã tha thứ cho mình. Chẳng có sự xúc phạm nào mà thiên hạ làm cho mình, có thể lớn hơn sự xúc phạm chúng ta chống lại Thiên Chúa do tội lỗi mình. Chúa Giê-su đã kể dụ ngôn người đầy tớ ác độc không tha thứ cho bạn mình để giải thích điểm này (x.Mt 18,21). Trong dụ ngôn, ông chủ tha thứ món nợ mười ngàn nén vàng, ra ngoài lập tức hắn bóp cổ người bạn chỉ nợ y có một trăm nén bạc. Số nợ mà chủ tha cho y 1.250.000 lần lớn hơn món nợ bạn y mắc nợ. Sự chênh lệch biểu lộ chúng ta mắc nợ Thiên Chúa vì tội lỗi, lớn lao hơn người khác xúc phạm đến mình, cho nên phải tha thứ cho thù địch là lẽ đương nhiên, vì lý do Chúa đã tha thứ cho chúng ta gấp nhiều lần hơn về tội đối xử với Ngài như kẻ thù…Người ta từ chối nhận mình có lỗi với Thiên Chúa, cho nên chẳng bao giờ nghĩ mình cần được thứ tha! Họ nghĩ mình không cần tha thứ, cho nên họ nghĩ thiên hạ cũng vậy. Người mà không biết mình có tội với Thiên Chúa, thì ít có khuynh hướng tha tội cho người khác… Người ý thức mình cần phép giải tội nhất sẽ là kẻ khoan dung nhất đối với tha nhân… Bởi vì người ta thời nay quên bẵng tội lỗi của mình, cho nên thói xấu thù hận trở nên cay đắng và sâu sắc hơn. Con người dễ dàng bóp cổ nhau vì vài đồng xu nho nhỏ. Họ quên Thiên Chúa đã tha thứ cho mình tới mười ngàn nén vàng. Xin hãy khuyến khích họ nhớ lại đã được Thiên Chúa thương xót thế nào, họ sẽ khởi sự ăn ở tốt lành với đồng loại.

 

Lý do thứ hai để tha thứ những kẻ xúc phạm đến chúng ta, là vì nếu chúng ta không tha thứ, thì hận thù ngày càng chồng chất, đến độ sẽ làm nổ tung thế giới vì ghen ghét. Thù hận luôn là mảnh đất màu mỡ, nếu không bị dập tắt, thì nó tự phát triển với tốc độ chóng mặt. Nhiều phe đảng lợi dụng tính chất này của hận thù, nên đã không ngừng gieo rắc nó. Họ biết rằng hận thù phá đổ xã hội nhanh hơn là các đạo binh, nên không khi nào nói về bái ái. Cứ để hận thù phá hoại lẫn nhau và sẽ đạt tới mục tiêu dễ dàng. Lịch sử hai cuộc thế chiến chứng minh điều này là đúng. Làm thế nào ngăn cản hận thù khi người ta vả má lẫn nhau? Chỉ có con đường duy nhất là đưa má khác cho người ta vả tiếp! Tôi muốn nói tha thứ…

 

Cuối cùng, chúng ta phải tha thứ người khác, bởi chẳng còn điều kiện nào nữa để tội lỗi chúng ta được thứ tha. Thực tế, xét theo nguyên tắc luân lý thì xem ra vô phương để Thiên Chúa tha tội cho chúng ta trừ phi chúng ta có lòng thứ tha. Ngài đã nói: ‘Phúc cho kẻ có lòng xót thương vì họ sẽ đuợc thương xót’ (Mt 5,7). ‘Tha thứ và ngươi sẽ được thứ tha. Hãy cho và ngươi sẽ được cho lại…Thiên Chúa sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em, vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy’ (Lc 6,37-38).

 

Có một thứ luật hiển nhiên, không ai có thể thoát được. Bạn không thể gặt, nếu không gieo trước. Nếu bạn không gieo lòng thương xót nơi đồng loại, Thiên Chúa sẽ chẳng xót thương bạn. Như trong dụ ngôn trên, người chủ nợ từ chối tha nợ cho đầy tớ độc ác, bởi lẽ hắn không thương xót tha cho bạn mình món nợ nhỏ xíu. ‘Ấy vậy Cha Thày ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình’ (Mt 18,35). Nếu cái hộp đựng đầy muối, nó không thể chứa gì được nữa. Nếu tấm lòng chúng ta đựng đầy hận thù hàng xóm, làm sao Thiên Chúa đổ tình thương của Ngài vào được? Đơn giản đến như vậy mà chúng ta không hiểu? Nếu chúng ta không có đầy lòng thương xót, chúng ta sẽ chẳng được Thiên Chúa xót thương. Như vậy, thử thách thực sự của người Kitô hữu là yêu mến kẻ thù thế nào? Chứ không phải thương yêu bạn bè ra sao? Lệnh truyền của Thiên Chúa quá rõ: ‘Hãy yêu mến kẻ thù ngươi, làm tốt cho những ai oán ghét anh em, và cầu nguyện cho những ai bách hại và nói xấu anh em, ngõ hầu anh em là con cái Thiên Chúa, Đấng làm cho mặt trời soi sáng người lành kẻ dữ và làm mưa rơi xuống người công chính cũng như kẻ bất lương’ Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em có công chi? Ngay cả người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm chi lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại không làm như thế sao? (x.Mt 5,44-47). Cho nên ta phải tha thứ ngay cả đến bảy mươi lần bảy”.[32]

 

Ở đây, một lần nữa chúng ta nhớ lại câu hỏi về sự tha thứ của Phê-rô: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18,21). Phê-rô hỏi Chúa và cứ tưởng rằng ông đã hiểu thấu câu trả lời. Thực tế, ông chẳng hiểu gì, cho đến khi ông phản bội Chúa đến ba lần và rồi được Chúa nhìn đến khi gà vừa gáy xong. Đôi mắt nhân từ của Chúa nhìn ông đã giúp cho hiểu được tình yêu bao la của Chúa dành cho ông. Tình yêu đem lại sự tha thứ và giúp ông ý thức sám hối ăn năn về tội lỗi chối Thầy của ông.[33]

 

Trở về với câu hỏi về sự tha thứ mà Phê-rô đặt ra. Chúa Giê-su đáp thế nào? “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Thật thú vị câu trả lời của Đức Ki-tô! Nếu chúng ta làm một con tính, lấy 1440 phút của mỗi ngày để chia với 490 lần là kết quả của 70 lần 7, thì trong một ngày, cứ 3 phút cần phải tha thứ một lần. Như thế tha thứ cho nhau là thái độ thường xuyên và cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Thật vậy, tha thứ không cần con số. Đừng đếm bao nhiêu lần cần phải tha thứ. Tha thứ không quen số lượng và không biết đến chấm hết. Tha thứ là thái độ sống hằng ngày và không ngừng nghỉ.[34] Và khi sống tinh thần tha thứ, chúng ta đang cố gắng sống như Chúa Giê-su, là cảm thông, nâng đỡ, cầu nguyện cho họ, và không trách cứ những chuyện họ làm, vì có thể họ làm những điều đó, nhưng lại không ý thức và biết rõ về hành động và hậu quả xấu mà hành động đó để lại.

 

Anselm Gruen còn đi xa thêm một bước trong tinh thần tha thứ. Đó là không chỉ tha thứ cho người có lỗi với chúng ta, mà cần phải tha thứ cho chính bản thân mình.[35] Điều này thuộc về phương diện tâm lý cũng cần chú ý. Thật vậy, những ai có lòng nhân từ với chính bản thân, thì đang sống tình yêu thương mà Chúa dạy. Nghĩa là chúng ta cần tập sống yêu thương mình trong ý nghĩa tích cực. Đó là chân nhận những yếu đuối và lầm lỗi của bản thân với một hướng tích cực. Nghĩa là người đó có cảm thức về tội lỗi của bản thân, nhưng không rơi vào tình trạng mặc cảm tội lỗi, đến nỗi rơi vào trong vòng quỷ quyệt đầy tiêu cực, luôn coi mình là kẻ bất xứng, là kẻ có tội, và cuối cùng rơi vào tình trạng depression, mặc cảm với mọi người, sợ hãi mọi người và đánh mất đi niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống. Vì vậy, tha thứ cho chính mình là điều cần phải tập. Bí tích Hoà Giải mà Chúa Giê-su lập ra chính là món quà quý báu, để chúng ta có thể tập sống tha thứ cho chính bản thân mình và tha thứ cho người khác, qua tâm tình chúng ta đón nhận ơn tha thứ của Chúa từ nhân trong lòng Giáo Hội.

 

  • Bài tập sống di ngôn đầu tiên của Chúa Giê-su trên Thánh Giá.

 

  • Đứng trước Thánh Giá và hướng mắt lên Thánh Giá Chúa. Ngắm nhìn Chúa Giê-su đang gục đầu xuống như hướng nhìn về bạn. Hãy mờ lòng bạn, mở đôi mắt của bạn và mở đôi tay của bạn để đón nhận Chúa. Bạn có thể giang đôi tay mình ra như cử chỉ đón mời Chúa.
  • Vẫn ngắm nhìn Chúa trên Thánh Giá. Giờ đây chú ý lắng nghe Ngài đang nói với bạn lời tha thứ từ Thánh Giá. Hãy để lời này từ từ thấm sâu vào lòng bạn. Nhắm mắt lại bạn hãy nhẩm đi nhắc lại âm thầm lời này, như là Chúa đang cầu nguyện riêng cho bạn: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ đang làm. Bạn cảm nhận lời này như thế nào? Có điều gì làm bạn chú ý?
  • Qua lời tha thứ của Chúa, bạn suy gẫm và xác tín rằng, Chúa yêu thương bạn. Không có gì lầm lỡ trong tâm hồn và trong con người bạn là không thể tha thứ được. Bạn chỉ cần phải khiêm tốn sám hối và ăn năn với Chúa.
  • Để đi sâu hơn, bạn nhớ lại một lầm lỡ và tội lỗi của bản thân. Khiêm tốn và thật tâm sám hối bạn nhẩm đi nhắc lại lời cầu nguyện với Cha trên trời và với Chúa Giê-su: Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, vì con không biết việc con làm; vì con không biết những hậu quả của việc con đã làm. Mỗi lần nhẩm đi nhắc lại một lời cầu nguyện này. Bạn dừng lại trong thinh lặng giây lát, và trong sâu thẳm của tâm hồn bạn hướng về Thiên Chúa từ nhân để cầu xin lòng thương xót nhân hậu của Chúa.
  • Ngoài ra, bạn có thể tự hỏi, lúc này có ai là người có lỗi với tôi không? Nếu có ai thì bạn mường tượng khuôn mặt của người đó, đặt họ trước Thánh Giá Chúa. Bạn nhẩm đi nhắc lại lời cầu nguyện của Chúa Giê-su: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ đang làm. Cuối cùng bạn xin Chúa giúp bạn mở lòng để tha thứ cho người có lỗi với bạn.

Kết thúc bài tập và phần suy niệm này, bạn có thể đọc Kinh Lạy Cha thật chú tâm. Đặc biệt chú ý đến tinh thần tha thứ trong Kinh Lạy Cha.

 

Mong sao lòng nhân từ của Chúa và sự an ủi này giúp chúng ta mở cánh cửa, để bước vào con đường hoán cải trở về với Chúa Ki-tô chịu đóng đinh trên Thánh Giá, Đấng giàu lòng thương xót, như anh trộm lành bị đóng đinh và bị treo trên thập giá đã hướng nhìn đến Chúa Ki-tô.

 

 

 

Note:

 

[1] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.51.

[2] ARTHUR A. JUST JR (edited)., Luke Ancient christian commentary on scripture, Inter Varsity Press 2003, p. 361.

[3] BARCLAY WILLIAM, The Daily Study Bible, The Gospel of Luke,. St. Andrew Press 1994, tr.1-6.

[4] X. JEREMIAS J., Abba,Vandenhoeck & Ruprecht, Göttingen 1966, t.59.

[5] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2779, t.770.

[6] X. JEREMIAS  J., Abba, t.63.

[7] X. GNILKA J., Das Matthaeusevangelium, teil 1, t.217.

[8] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband (Mt 1-7), t.341.

[9] X. NGUYỄN ngọc Thế SJ., Lời kinh cha mẹ dạy, suy niệm Kinh Lạy Cha, NXB. Phương Đông, Gò-vấp 2012, t. 44-46.

[10] ST. ROBERT BELLARMINE, The Seven Last Words Spoken on the Cross, Edited by Paul A. Böer, Sr., Copyright, 2012, Veritatis Splendor Publications, Book one, Chapter I.

[11] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2783, t.771.

[12] PAGLIA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, Echter Verlag, Wuerzburg 2011, t.20-21.

[13] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.51-52.

[14] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, Herder Verlag, Freiburg 2011, t.230.

[15] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện, ban hành ngày Thứ Tư mùng 15 tháng 2 năm 2012, tại Vatican. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong <http://www.giaoly.org>

[16] X. NGUYỄN NGỌC THẾ SJ., Lời kinh cha mẹ dạy, NXB. Phương Đông 2012, t. 134-136.

[17] SHEEN Fulton, Go to heaven – Con đường về trời, Chuyển ngữ: Fr. Tôma Trần Ngọc Tuý, phần số 10 – Đau khổ và ủi an.

[18] SHEEN Fulton, Go to heaven – Con đường về trời, phần số 10 – Đau khổ và ủi an.

[19] SHEEN Fulton, Go to heaven – Con đường về trời, phần số 10 – Đau khổ và ủi an.

[20] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.53-54.

[21] PAGLIA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, t.24.

[22] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện.

[23] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t. 230-232.

[24] ĐTC Phanxico, Bài Huấn Từ đầu tiên trong Thánh Lễ với các Hồng Y, tại Nguyện Đường Sistine hôm thứ năm 14 tháng 3, 2013. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong <http://www.giaoly.org>

[25] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện.

[26] SHEEN Fulton, Go to heaven – Con đường về trời, phần số 10 – Đau khổ và ủi an.

[27] Trích bởi HAMMAN Adalbert G., trong Abrégé de la prière chrétienne, Les Editions Franciscaines, Paris 1995, t.63-64.

[28] RADCLIFFE T., Jenseits des Schweigens, die sieben letzten Worte Jesu, Herder Verlag 2014, S.24

[29] RADCLIFFE T., Jenseits des Schweigens, s. 26.

[30] X. NGUYỄN NGỌC THẾ SJ., Lời kinh cha mẹ dạy, t. 139-140.

[31] WEIL S., Attente de Dieu, La Colombe, Paris 1950, t.219.

[32] SHEEN Fulton, Go to heaven – Con đường về trời, phần số 10 – Đau khổ và ủi an.

[33] X. PAGLIA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, t.22

[34] X. NGUYỄN NGỌC THẾ SJ., Lời kinh cha mẹ dạy, t. 142.

[35] X. GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, E-book, phần Das erste Wort Jesu am Kreuz.

https://dongten.net/cha-oi-xin-tha-cho-chung/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây