TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – A

Thứ năm - 16/03/2023 20:51 |   587
Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. (Ga 9, 37-38)

19/03/2023
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – A

cn t4 MC A

Ga 9, 1-41


ĐỨC TIN CHÂN THÀNH SỐNG ĐỘNG
Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. (Ga 9, 37-38)

Suy niệm: Người ta có những thái độ khác nhau trước sự kiện anh mù bẩm sinh được Chúa Giê-su chữa lành. Nhiều người cho rằng anh ta mù là vì tội của anh hoặc chí ít là của cha mẹ anh. Những người vốn quen biết anh hỏi han anh vài câu cho thoả tính hiếu kỳ, rồi thôi. Còn người Pha-ri-sêu thì miệt thị anh “sinh ra tội lỗi ngập đầu” mà dám ‘dạy khôn’ họ; họ còn lập luận rằng Chúa Giê-su vi phạm luật ngày sa-bát nên mặc định là tội lỗi, không thể là “người của Thiên Chúa” được. Ngay cả cha mẹ anh, vì sợ liên luỵ, đã tránh né nói lên sự thật về vị ân nhân đã chữa cho con mình sáng mắt. Còn anh, dù đơn độc, vẫn mạnh mẽ tuyên xưng niềm xác tín bằng những câu trả lời đơn sơ mà gãy gọn: Chính tôi đây, ông ấy thoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi nhìn thấy. Nhận được ơn sáng mắt, anh đi từ chỗ không biết Chúa đến chỗ coi Ngài là vị ngôn sứ và cuối cùng anh gặp được Chúa và thưa với Ngài: “Tôi tin.”

Mời Bạn: Giữa trào lưu tục hoá lãng quên Thiên Chúa tràn lan trong xã hội, vẫn có biết bao nhiêu tâm hồn sống niềm tin vào Ngài cách sống động, mạnh mẽ: những nhóm cầu nguyện, hội bác ái, cộng đồng giáo hội cơ bản, mang đến niềm hy vọng vô bờ về sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa. Còn bạn, bạn sống đức tin Ki-tô hữu cách mệt mỏi, chán chường hay năng động, phấn khởi?

Sống Lời Chúa: Siêng năng suy niệm Lời Chúa để Lời Ngài soi sáng đời bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở mắt con để con nhận ra Chúa và những ơn lành Chúa ban cho con. Xin mở miệng con để con cao rao những lời ngợi khen Chúa và tán dương bao kỳ công Chúa làm. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm A

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến,

Các bài Thánh Kinh của Phụng vụ Chúa Nhật IV Mùa Chay năm A hôm nay, đề cập đến tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Tình yêu cứu độ ấy đã khiến Chúa “chọn kẻ Ngài muốn” mặc dù trước mắt người đời kẻ ấy không là gì, như bài sách 1 Samuel tường thuật việc chọn Đavit. Qua bài Tin Mừng, Đức Kitô đã thương chữa người mù từ mới sinh để anh được nhìn thấy ánh sáng là chính Chúa. Vì thế, Thánh Phaolô Tông Đồ đã kêu gọi tín hữu Ephêsô, hãy đi trong ánh sáng là sự công chính, mà bỏ gian tà là đêm tối, để biết lựa chọn cái gì tốt mà thi hành. Ai không chịu để ánh sáng Thiên Chúa soi dẫn là tự mình chọn sống trong tối tăm.

Tình yêu cứu độ ấy đã khiến Thiên Chúa Cha sai Con Một đến thế gian để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Chúng ta hãy mở rộng lòng đón nhận sứ điệp Lời Chúa và làm cho sứ điệp ấy thành hiện thực trong các môi trường chúng ta đang sống. Tâm tình xứng hợp chúng ta phải có là cảm tạ ngợi khen và biết ơn Thiên Chúa Tình yêu.

Ca nhập lễ

Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy hân hoan, và hỡi tất cả các ngươi là những kẻ yêu quý thành ấy, hãy tụ họp lại; hỡi các người là những kẻ ưu phiền, hãy hân hoan vui mừng, để các ngươi nhảy mừng và hưởng no đầy nguồn an ủi các ngươi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã sai Con một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hoà giải với Chúa. Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Sm 16, 1b. 6-7. 10-13a

“Ðavit được xức dầu làm vua Israel”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Samuel rằng: “Hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường. Ta sai ngươi đến nhà Isai dân thành Bêlem, vì Ta chọn một người con của ông ấy lên làm vua”.

Khi (họ) vào nhà, Samuel gặp ngay Eliab và nói: “Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?” Và Chúa phán cùng Samuel: “Ðừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi. Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. Isai lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Samuel. Samuel nói với Isai: “Chúa không chọn ai trong những người này”. Samuel nói tiếp: “Tất cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?” Isai đáp: “Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên”. Samuel nói với Isai: “Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về”. Isai sai người đi tìm đứa con út. Ðứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: “Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó”. Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Ðavít từ ngày đó trở đi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi

Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Xướng: Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Bài Ðọc II: Ep 5, 8-14

“Từ trong cõi chết, ngươi hãy đứng lên và Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng bây giờ, anh em là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con của sự sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật. Anh em hãy nhận biết điều gì làm đẹp lòng Chúa, và đừng thông phần vào những việc con cái tối tăm không sinh lợi ích gì, nhưng phải tố cáo thì hơn. Vì chưng, việc chúng làm cách thầm kín, dầu có nói ra cũng phải hổ thẹn. Nhưng tất cả những việc người ta tố cáo, thì nhờ sự sáng mà được tỏ bày ra; vì mọi việc được tỏ bày, đều là sự sáng. Bởi thế, thiên hạ nói: “Hỡi kẻ đang ngủ, hãy thức dậy, hãy vùng dậy ra khỏi cõi chết, và Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”.

PHÚC ÂM: Ga 9, 1-41 (bài dài)

“Hắn đi rửa, rồi trở lại trông thấy rõ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?” Chúa Giêsu đáp: “Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh. Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Ðấng đã sai Ta. Ðêm đến không ai có thể làm việc được nữa. Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian”. Nói xong, Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: “Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa” (chữ Silôê có nghĩa là được sai). Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.

Những người láng giềng và những kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: “Ðó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?” Có kẻ nói: “Ðúng hắn!” Lại có người bảo: “Không phải, nhưng là một người giống hắn”. Còn anh ta thì nói: “Chính tôi đây”. Họ hỏi anh: “Làm thế nào mắt anh được sáng?” Anh ta nói: “Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã làm bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến hồ Silôê mà rửa. Bấy giờ tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy”. Họ lại hỏi: “Ngài ở đâu?” Anh thưa: “Tôi không biết”.

Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt? Anh đáp: “Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt”. Mấy người biệt phái nói: “Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat”. Mấy kẻ khác lại rằng: “Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?” Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: “Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Ðó là một tiên tri”.

Nhưng người Do-thái không muốn tin anh đã mù và đã được khỏi trước khi đòi cha mẹ anh đến. Họ hỏi hai ông bà: “Người này có phải là con hai ông bà mà ông bà bảo bị mù từ khi mới sinh không? Do đâu mà bây giờ nó lại trông thấy?” Cha mẹ y thưa rằng: “Chúng tôi xác nhận đây chính là con chúng tôi, và nó đã bị mù từ khi mới sinh. Nhưng làm sao mà bây giờ nó trông thấy, và ai đã mở mắt cho nó thì chúng tôi không biết. Nó khôn lớn rồi, các ông hãy hỏi nó, nó sẽ tự thưa lấy”. Cha mẹ anh ta nói thế bởi sợ người Do-thái, vì người Do-thái đã bàn định trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Ðấng Kitô. Chính vì lý do này mà cha mẹ anh ta nói: “Nó khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”.

Lúc ấy người Do-thái lại gọi người trước kia đã mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa! Phần chúng ta, chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi”. Anh ta trả lời: “Nếu đó là một người tội lỗi, tôi không biết; tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù và bây giờ tôi trông thấy”. Họ hỏi anh: “Người đó đã làm gì cho anh? Người đó đã mở mắt anh thế nào?” Anh thưa: “Tôi đã nói và các ông đã nghe, các ông còn muốn nghe gì nữa? Hay là các ông cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng?” Họ liền nguyền rủa anh ta và bảo: “Mày hãy làm môn đệ của người đó đi, còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của Môsê. Chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môsê, còn người đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến”. Anh đáp: “Ðó mới thật là điều lạ: người đó đã mở mắt cho tôi, thế mà các ông không biết người đó bởi đâu. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời. Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì”. Họ bảo anh ta: “Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?” Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.

Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ta ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: “Anh có tin Con Thiên Chúa không?” Anh thưa: “Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?” Chúa Giêsu đáp: “Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh”. Anh ta liền nói: “Lạy Ngài, tôi tin”, và anh ta sấp mình thờ lạy Người. Chúa Giêsu liền nói: “Chính vì để luận xét mà Ta đã đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy, sẽ trở nên mù”. Những người biệt phái có mặt ở đó liền nói với Người: “Thế ra chúng tôi mù cả ư?” Chúa Giêsu đáp: “Nếu các ngươi mù, thì các ngươi đã không mắc tội; nhưng các ngươi nói “Chúng tôi xem thấy”, nên tội các ngươi vẫn còn”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Ga 9, 1. 6-9. 13-17. 34-38

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy, và bảo: “Anh hãy đến hồ Silôe mà rửa” (chữ Silôe có nghĩa là được sai)”. Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.

Những người láng giềng và kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: “Ðó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?” Có kẻ nói: “Ðúng hắn”. Lại có người bảo: “Không phải, nhưng là một người giống hắn”. Còn anh ta thì nói: “Chính tôi đây”.

Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt. Anh đáp: “Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt”. Mấy người biệt phái nói: “Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat”. Mấy kẻ khác lại rằng: “Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?” Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: “Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Ðó là một Tiên tri”. Họ bảo anh ta: “Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?” Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.

Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: “Anh có tin Con Thiên Chúa không?” Anh thưa: “Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?” Chúa Giêsu đáp: “Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh”. Anh ta liền nói: “Lạy Ngài, tôi tin”, và anh ta sấp mình thờ lạy Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi bóng tối và sự sợ hãi, để biến đổi chúng ta thành ánh sáng cho trần gian. Trong tâm tình đó, chúng ta dâng lời cầu nguyện.

1. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống xứng đáng là con cái của sự sáng. Xin cho mỗi Kitô hữu hân hoan vì hồng ân nhận biết Chúa Cha và Đức Giêsu là Con của Ngài, đồng thời để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

2. Chúa Giêsu mở mắt cho người mù từ thuở mới sinh. Xin cũng mở mắt và mở tâm trí những người đang nắm giữ vận mệnh của nhân loại, để họ luôn hành động vì công bình, và nỗ lực xây dựng nền văn minh tình thương.

3. Chúa Giêsu giúp mỗi người chúng ta nhận biết Người và nhờ đó được lớn lên trong đức tin. Nhờ lời Chúa, xin cho chúng ta mỗi ngày được lớn lên trong sự hiệp thông với Chúa và với anh chị em.

4. Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống của Chúa Cha từ trời xuống. Được chia sẻ cùng một tấm Bánh Thánh Thể, xin cho mỗi người chúng ta biết chia sẻ bánh hằng ngày với anh chị em, để không ai trong các con cái Chúa cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi.

Chủ tế: Lạy Cha là nguồn mạch ơn tha thứ, trong Chúa Giêsu, Cha đã ban cho chúng con sự tự do đích thực, xin nhận lời cầu nguyện của chúng con, và xin hướng dẫn để chúng con sống theo giáo huấn của Tin Mừng, biết quảng đại phục vụ anh chị em. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ vật này là của lễ đem lại phúc trường sinh. Xin gia tăng lòng kính tin sùng mộ giúp chúng con dâng thánh lễ này cho xứng đáng, hầu mưu ích cho cả trần gian. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng (Năm A)

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Nhờ mầu nhiệm nhập thể, Người dẫn đưa nhân loại đang lần bước trong u tối đến nguồn ánh sáng đức tin. Nhờ phép rửa mang lại đời sống mới, Người giải thoát những kẻ sinh ra đã mắc tội truyền, và nâng lên hàng nghĩa tử của Chúa. Vì thế, mọi loài trên trời dưới đất đều thờ lạy Chúa và hát bài ca mới. Cùng với toàn thể thiên thần, chúng con chúc tụng Chúa, và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúa đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa, tôi được sáng mắt và tôi đã tin Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
 

Người mù
Sưu tầm

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta nhận thấy: Anh mù là một người can đảm và đầy thiện chí. Mặc dù ít học, nhưng lời lẽ của anh thật là khôn ngoan. Tâm hồn anh luôn rộng mở để đón nhận chân lý và luôn cố gắng thực hiện những điều tốt lành, cho dù có gặp phải những phức tạp và phiền toái. Ngoài ra anh còn có một chút châm biến đối với những kẻ rình rập bắt lỗi anh.

Trong khi đó cha mẹ anh lại không muốn dây dưa vào câu chuyện xảy ra. Hai ông bà đã trả lời một cách khôn khéo cho bọn biệt phái: Xin hãy hỏi cháu vì cháu nó đã có tuổi. Chủ đích của hai ông bà không phải là tìm kiếm sự thật, nhưng là tránh đi những khó dễ gặp phải.

Còn đám đông dân chúng thì sao? Một số người đã chứng kiến sự việc xảy ra. Nhưng một số kẻ khác, có phần đông hơn, đã không muốn đón nhận sự thật. Họ bàn tán, họ tranh luận và sau cùng họ chối bỏ sự thật. Để biện minh cho lập trường của mình, họ đã nại tới luật kiêng việc xác ngày Sabat, tức là ngày thứ bảy nơi người Do Thái. Họ đã suy diễn một cách hàm hồ: Người ta không được phép chữa bệnh trong ngày nghỉ lễ. Đó là một điều cấm. Vậy thì Đấng đã chữa lành trong ngày nghỉ lễ là ai, nếu không phải chỉ là một kẻ tội lỗi. Bọn biệt phái bực bội và tức tối. Thế nhưng, lời nguyền rủa và bạo lực không bao giờ là những chứng cứ có giá trị, trái lại nó là một dấu chỉ biểu lộ một niềm tin sai lạc mà thôi.

Chúa Giêsu hay biết anh mù đã bị trục xuất khỏi hội đường, bởi đó khi gặp anh, Ngài đã hỏi anh ta: Con có tin vào Con Người hay không? Anh ta liền thưa: Lạy Thầy, Thầy là ai để tôi tin vào Ngài? Chúa Giêsu nói: Con đã thấy, chính Ngài đang nói với con đây. Cõi lòng anh lúc này được rộng mở để đón nhận chân lý. Anh nói: Lạy Chúa, con xin tin. Anh quỳ gối trước mặt Ngài. Kể từ đó, anh bước theo Ngài và thuộc hẳn về Ngài.

Trong một bài báo bàn về đức tin, cha Jacques Loew đã xác quyết: Đức tin không phải là chấp nhận các công thức có sẵn, một lần thay cho tất cả, cũng không phải là như một chiếc bánh, chúng ta có thể chia ra làm nhiều phần. Trái lại đức tin chính là niềm cậy trông và phó thác, không phải vào tư tưởng và sức riêng của mình, nhưng là vào tình thương và quyền năng của Chúa.

Đời sống của Chúa chính là cái khuôn mẫu cho cuộc đời chúng ta noi theo. Nếu chúng ta tin vào Đức Kitô và lời Ngài giảng dạy, thì cách sống của chúng ta sẽ đổi khác, cách nhìn của chúng ta cũng đổi khác và cách đối xử của chúng ta cũng đổi khác. Thế nhưng chúng ta đã có một niềm tin như thế hay chưa, và hơn thế nữa, chúng ta đã thực sự sống niềm tin của chúng ta hay chưa?
 

XIN CHO CON ĐỪNG THẤY!
(Chúa Nhật IV Mùa Chay A) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9, 39). Lời khẳng định của Chúa Giêsu xem ra khó nghe thậm chí thật khó hiểu nếu không ở trong ngữ cảnh lúc bấy giờ. Cùng với anh mù từ thưở mới sinh, chúng ta chân thành tin nhận “Người là ánh sáng thế gian” (Ga 9, 5). Dưới cái nhìn đức tin này chúng ta có thể hiểu phần nào lời tuyên bố của Đấng Cứu Độ.

1. Người làm cho kẻ tự cho mình là thấy, là sáng, là am hiểu, trở nên đui mù, nghĩa là nhận ra sự lệch lạc, sai lầm của mình.

Xem quả thì biết cây. Không ai hái được trái nho nơi bụi gai. “Trong nhóm Pharisiêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabbat”, kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi thì làm sao có thể làm đựơc những dấu lạ như vậy?”. Thế là họ đâm ra chia rẽ. Một dấu lạ vượt quá khả năng bình thường của con người là làm cho kẻ mù từ thuở mới sinh được trông thấy. Đúng là một dấu lạ tốt đẹp. Một hành vi tự nó là tốt đẹp được thực hiện trong một hoàn cảnh trái với quy định của luật lệ thì có còn là tốt đẹp chăng? Nếu luật lệ ấy thuộc hàng thiên luật (như luật tự nhiên, luật mạc khải) thì nói chung là không còn là tốt đẹp vì “mục đích không thể biện minh cho phương tiện”. Giúp kẻ nghèo là việc tốt, lo lắng cho gia đình là việc tốt, nhưng không thể biện minh cho cách thế kiếm tiền để làm những điều ấy bằng việc ăn cắp, tham ô, hối lộ… được. Tuy nhiên nếu luật đó thuộc hàng nhân luật (như luật quốc gia, luật Hội Thánh…), thì các việc tốt đẹp cao cả như việc cứu sống người hay mở mắt người mù thì luôn ở trên các quy định của nhân luật. Chúa Kitô không chỉ một lần như trong câu chuyện hôm nay mà đã nhiều lần vạch trần sự sai lầm của một số người biệt phái, luật sĩ khi họ tuyệt đối hoá nhân luật như luật Lễ nghỉ hay các tập tục tiền nhân mà xem nhẹ và bỏ qua lề luật của Thiên Chúa như đức công bình và đạo yêu thương, lòng từ bi và tình thương xót.
         
Chước cám dỗ muốn tuyệt đối hoá các chỉ thị, các quy định hay luật lệ của mình, dù chỉ là phàm nhân, vẫn còn đó dưới mọi hình thức. Tình trạng “phép vua thua lệ làng hay đạo trời còn dưới ý con người” vẫn đang tồn tại cách này cách khác ngoài xã hội và có khi cả trong các tập thể tôn giáo. Xin cho ánh sáng Đấng Cứu Độ chiếu soi sự u minh của những người tự cho mình là sáng nhưng thực ra đang ở trong mê lầm. “Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn” (Ga 9, 41).

2. Người làm cho người không xem thấy được thấy: Con người thường xem xét dựa vào cái bên ngoài, còn Thiên Chúa thì thấy tận cõi sâu tâm hồn con người. Chính vì thế, để có một cái nhìn quân bình và toàn diện, cần phải biết nhìn theo cách nhìn của Thiên Chúa. Đức Kitô, cuộc đời, những lời giảng dạy và các hoạt động của Người chính là cách thế giúp ta nhìn nhận cuộc đời, con người, các sự vật, hiện tượng cách đúng đắn và chuẩn mực.

Chúa Kitô không chỉ dùng quyền năng làm cho anh mù từ thưở mới sinh được thấy ánh sáng tự nhiên, Người còn khai mở con mắt đức tin của anh khiến anh can đảm nhìn nhận và tuyên xưng Người là một vị Ngôn sứ cho dù phải bị trục xuất ra khỏi Hội đường. Các môn đệ vốn mù tối lầm lạc khi cho rằng anh mù từ thưở mới sinh là do tội của anh ta hoặc do tội của cha mẹ anh ta. Chúa Kitô đã mở mắt cho các ngài để các ngài nhận ra rằng có nhiều sự dữ là do tội lỗi con người gây ra nhưng cũng có nhiều sự dữ xảy ra mà chẳng do bởi lỗi của người này hay người kia. “Đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể được” (Mt 19, 26). Qua các sự dữ, Thiên Chúa có thể làm nổi rõ quyền năng và tình yêu của Người.

3. Là ánh sáng thế gian, Chúa Kitô thúc bách ta phải thấy cả những điều ta không muốn thấy. Quả thật, rất nhiều khi ta bị cám dỗ “được không nhìn thấy” để khỏi phải vất vả, khỏi phải hy sinh hay khỏi phải dấn thân, chia sẻ… Mở cửa ra, nhìn thấy người tàn tật, thế là được mời gọi chia sẻ. Một đôi lần thì có thể được, nhưng một ngày mà đến ba bốn lần nhìn thấy thì sao đây? Thấy chuyện bất công là được mời gọi săn tay áo để tạo lập sự công bằng… Không nguyên chỉ vất vả mà còn biết bao điều phiền toái có thể ập đến. Lắm khi chưa được mạ thì má đã sưng hoặc cảnh ai thổi lửa người đó bỏng môi là điều dường như khó tránh.

Lạy Chúa xin cho con đừng thấy. Một lời cầu xin để mình được an phận. Ánh sáng đã đến thế gian. Chúa Kitô đã đến thế gian, Người làm cho kẻ mù được thấy và bắt kẻ không thích nhìn thấy cũng phải thấy, ngoại trừ chính họ tự ý bịt mắt không muốn nhìn. Không cứu sống là đang giết chết. Không làm điều lành là đã làm điều dữ (x.Mc 3, 1-5). Phải làm ngay hôm nay những gì ta thấy phải làm theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm… Một lời cầu xin thật chính đáng và phải đạo mà Kitô hữu thường xuyên đọc. Thế nhưng khi Chúa cho ta thấy, cho ta biết việc phải làm thì sao đây? Có khi nào ta bị cám dỗ “ước gì đừng thấy, ước gì đừng biết” chăng?

 
Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay – Năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 9, 1. 6-9. 13-17. 34-38).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy, và bảo: “Anh hãy đến hồ Silôe mà rửa” (chữ Silôe có nghĩa là được sai)”. Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.

Những người láng giềng và kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: “Ðó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?” Có kẻ nói: “Ðúng hắn”. Lại có người bảo: “Không phải, nhưng là một người giống hắn”. Còn anh ta thì nói: “Chính tôi đây”.

Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt. Anh đáp: “Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt”. Mấy người biệt phái nói: “Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat”. Mấy kẻ khác lại rằng: “Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?” Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: “Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Ðó là một Tiên tri”. Họ bảo anh ta: “Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?” Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.

Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: “Anh có tin Con Thiên Chúa không?” Anh thưa: “Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?” Chúa Giêsu đáp: “Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh”. Anh ta liền nói: “Lạy Ngài, tôi tin”, và anh ta sấp mình thờ lạy Người.
 
Suy niệm
 
Ánh sáng luôn là một phương tiện giúp con người rất nhiều trong cuộc sống ở mọi lãnh vực khác nhau. Nhờ ánh sáng, con người có thể đi trong đêm tối không sợ lạc đường, nhờ ánh sáng, trong các gia đình có những bữa cơm ấm áp hơn trong tình người, đặc biệt, trong hành trình đức tin của mỗi tín hữu, nhờ ánh sáng, sẽ không bao giờ lạc lối. Ánh sáng đó là gì nếu không phải là Chân Lý, nếu không phải là Lời Chúa, nếu không phải là sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua Mẹ Giáo Hội. Chúa nhật thứ 4 Mùa Chay được gọi là Chúa nhật màu hồng, Chúa nhật của niềm vui, Chúa nhật của ánh sáng.
 
Trong cuộc sống, con người thường lầm tưởng những nghĩ suy của mình giống những nghĩ suy của Thượng Đế. Do những lầm tưởng đó, con người thường áp đặt cho Thượng Đế những kế hoạch, những tính toán theo kiểu thế gian. Câu chuyện trong bài đọc 1 được trích từ sách Samuel quyển thứ nhất, kể về một biến cố rất đặc biệt, là Giavê chọn một con người để thay Ngài hướng dẫn dân riêng của Giavê luôn đi trong chính lộ, con người đó là Đavid. Khi Người của Thiên Chúa đến thăm gia đình ông Isai để chọn một trong số con trai của ông như là người đại diện của Thiên Chúa, ông Isai đã giới thiệu các con mình từ đứa lớn, khoẻ, cho đến đứa có tài năng, nhưng người của Thiên Chúa không chấp nhận, cuối cùng, người của Thiên Chúa đã chọn cậu con trai út, dù đó chỉ là một thanh niên dáng mảnh khảnh, để làm người đại diện cho Thiên Chúa, giúp đỡ dân đi theo kế hoạch của Ngài: “Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?” Và Chúa phán cùng Samuel: “Ðừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi. Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. Isai lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Samuel. Samuel nói với Isai: “Chúa không chọn ai trong những người này”. Samuel nói tiếp: “Tất cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?” Isai đáp: “Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên”. Samuel nói với Isai: “Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về”. Isai sai người đi tìm đứa con út. Ðứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: “Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó”. Thiên Chúa là vậy, Ngài nhìn thấu tận tâm hồn, Ngài cần nơi con người sự chân thành, khiêm tốn, chứ không cần nơi con người tài năng, tri thức và sức khoẻ, tất cả những yếu tố đó chỉ là phương tiện, giúp con người khi thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa được viên mãn.
 
Khi hiện diện giữa cộng đoàn giáo dân thành Ephêsô, thánh Tông Đồ dân ngoại đã đánh thức con người mới của họ, có thể bấy lâu nay đang ngủ say trong sự kìm toả của truyền thống, của lề luật: “Hỡi kẻ đang ngủ, hãy thức dậy, hãy vùng dậy ra khỏi cõi chết, và Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi”. Khi họ ngủ quên trong những vòng kim cô đó, họ quên luôn cả phẩm giá mới của mỗi người, bởi họ đã được Chúa Kitô phục sinh chiếu một luồng sáng mới trên cuộc đời và con người của họ: “Anh em thân mến, xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng bây giờ, anh em là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con của sự sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật”. Khi mỗi người được ở trong thế giới sự sáng, họ được mời gọi sống như con cái sự sáng, là chiếu toả ánh sáng phục sinh của Đức Giêsu Kitô qua cuộc đời và tâm tình sống mỗi ngày. Để ánh sáng phục sinh chiếu toả trên mỗi con người, mỗi biến cố, người tín hữu Kitô cần nghe được Lời Chúa nhắc mỗi ngày, điều Chúa muốn trong mỗi biến cố, và kế hoạch của Ngài trong mỗi cuộc đời, mỗi con người. Những gì người tín hữu thực hiện trong cuộc sống, nếu theo kế hoạch của Thiên Chúa, luôn đem lại lợi ích thực tiễn cho bản thân, cho những người chung quanh, đặc biệt cho tương lai của chính mình. Đó cũng là lúc người tín hữu biến cuộc đời mình trở thành một ngọn đèn cháy sáng, một đốm lửa của tình thương, một hơi ấm của Tin Mừng. Đốm lửa đó, ngọn đèn đó và hơi ấm đó có thể giúp tha nhân tìm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa tình yêu giữa lòng thế giới, trong mỗi gia đình và bên cạnh mỗi người giữa cuộc đời.
 
Không có gì hạnh phúc và vui sướng khi được bước từ thế giới của sự tối tăm vào thế giới của sự sáng. Người mù trong câu chuyện thánh Gioan kể lại trong bài Tin Mừng, là một minh chứng. Anh ta sinh ra trong thế giới của những người khiếm thị, mỗi ngày chỉ ước ao được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, nhưng không thể được: “Ðó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?” Có kẻ nói: “Ðúng hắn”. Lại có người bảo: “Không phải, nhưng là một người giống hắn”. Còn anh ta thì nói: “Chính tôi đây”. Khát vọng sâu xa nhất của người mù là có một đôi mắt sáng. Đôi mắt sáng giúp anh ta hoà nhập vào một gia đình, giúp anh ta hoà nhập vào một cộng đoàn, và hơn nữa, giúp anh ta đứng trên đôi chân phẩm giá một con người. Chỉ vì thiếu đi đôi mắt thể lý, người khiếm thị này như bị lãng quên giữa gia đình và giữa cộng đoàn, vì thiếu đi một phần quan trọng của thân thể, anh ta bị tách ra khỏi cộng đoàn, sống bên lề xã hội, điều tất yếu là anh ta không được cùng cộng đoàn tham gia mọi sinh hoạt tâm linh. Trước một khát vọng rất chân thành nhưng đầy mãnh liệt đó, Đấng Cứu Thế đã động lòng trắc ẩn, xức mắt cho anh ta, bảo anh ta đi rửa sạch bằng dòng nước hồ Siloe: “Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy, và bảo: “Anh hãy đến hồ Silôe mà rửa” (chữ Silôe có nghĩa là được sai)”. Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được”. Được mở mắt, anh chàng khiếm thị quá đỗi vui mừng, anh còn được hướng dẫn đi dâng lễ vật và trình diện với các Tư tế, để từ đó, anh được trở lại với cộng đoàn, được hồi sinh trong tình liên đới, và hơn nữa, anh sẽ được lề luật và của lễ giúp hoàn thiện ơn gọi làm người. Cũng từ dấu lạ được sáng mắt thể lý, đôi mắt tinh thần của anh ta cũng được chữa lành. Anh đã nhận ra người cho anh sáng mắt là Đấng đem ánh sáng cho nhân loại. Anh đã tin và đi theo Ngài. Đức Giêsu được nhìn nhận là ánh sáng của Thiên Chúa, cuộc đời và sứ điệp của Ngài là một bó đuốc sáng, dẫn đưa bao người ra khỏi thế giới bóng tối và sự chết, khi họ tin nhận Ngài, đồng thời, Ngài đưa họ đi vào vương quốc của sự sáng, vương quốc của tình yêu, vương của của sự sống đời đời.
 
Khi thế giới đang đối diện với đại dịch lớn, làm thay đổi mọi sinh hoạt của nhân loại nói chung và của Giáo hội nói riêng. Chính trong lúc này, mỗi tín hữu cần có một đôi mắt tinh thần thật sáng, để nhìn nhận câu chuyện hiện tại thực hư như thế nào, cần có một đôi mắt tinh thần sáng, để thấy hành trình đức tin của nhân loại đang đi hướng nào, rồi từ đây, ánh sáng Lời Chúa và Nguồn Nước hằng sống sẽ rửa đôi mắt đức tin mỗi người được sáng hơn trước mọi biến cố của thế giới, hầu có thể giúp củng cố niềm tin cho anh chị em mình.
 
Trong đời sống hàng ngày của mỗi tín hữu Kitô, đôi mắt đức tin có những lúc bị che lấp bởi những đám mây ảo, hoặc những tảng băng tàng hình. Để có một gia đình hạnh phúc và ngập tràn yêu thương, mỗi thành viên nên thẳng thắn nhìn nhận những khiếm khuyết của nhau, chấp nhận nó để giúp nhau hoàn thiện, chấp nhận những khiếm khuyết là một đòi hỏi phải từ bỏ cái tôi và những cá tính của mình, để có thể thấy nơi người mình yêu, dù còn thiếu sót, nhưng thật đáng yêu và đáng trân trọng biết bao. Đó cũng là lúc đôi mắt tinh thần được rửa sạch, được chăm sóc, để nhận ra đó là một nửa của cuộc đời mình, và nơi một nửa đó, có sự hiện diện của một Thiên Chúa tình yêu, mình phải trân trọng và yêu thương. Những yếu tính của hôn nhân Công giáo hay tự nhiên đều mời gọi những ai chọn sống hãy có một đôi mắt tinh thần đủ sáng, đủ tinh anh, để chấp nhận nhau trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Còn đời sống hiến dâng cũng là một ơn gọi đặc biệt trong kế hoạch của Thiên Chúa. Có thể nói rằng đó là một ơn gọi dành riêng cho đời phục vụ, phục vụ tha nhân, phục vụ các thành viên trong cộng đoàn, phục vụ cả những người mình khó chấp nhận. Để có thể sống ơn gọi phục vụ cách vẹn tròn, cần có một đôi mắt tinh thần đủ sáng, một đôi mắt đức tin đủ xác tín và đầy tình tích cực, để trong mọi hoàn cảnh được gởi tới, người tín hữu Kitô sống ơn gọi phục vụ có thể nhận ra một Đức Kitô đang nhận chịu muôn vàn thiệt thòi, đau khổ, trong đó có cả những thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần, từ đó, mới có đủ nghị lực để đón nhận họ, phục vụ họ, yêu thương họ và xa hơn nữa là tha thứ cho họ.
 
Mỗi ơn gọi đều có những giá trị thiêng liêng trong hành trình. Mỗi ơn gọi cũng có những khó khăn nhất định khi bước vào. Lắm lúc người tín hữu dễ sai lạc trong hành trình ơn gọi của mình, bởi đôi mắt đức tin chưa đủ sáng, chưa đủ tự tin và chưa thực sự xác tín để sống và đón nhận những thách đố trong hành trình. Đó có phải là lúc chúng ta cần đến sự hiện diện của Thiên Chúa, để người tẩy rửa những bóng đen vô hình, đang che lấp những mảnh sáng của niềm tin và lòng mến trong tâm hồn. Cũng có lúc cần đến những hơi nóng của đời phục vụ, để làm tan chảy những tảng băng tàng hình, đang ẩn hiện trên bầu trời tình yêu, nơi những người chọn ơn gọi phục vụ được gởi tới. Đó là lúc đôi mắt đức tin và tình yêu đủ sáng, đủ nóng và đủ ấm để nhận ra sự hiện diện cách này cách khác của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa chạnh lòng thương người mù từ thuở mới sinh, để rồi trả lại cho anh ta đôi mắt thể lý trong sáng, cũng như chữa lành đôi mắt đức tin của anh, để anh tin và đi theo Chúa, xin Chúa chữa đôi mắt chúng con, dù đôi mắt thể xác còn tinh anh, nhưng đôi mắt đức tin có lúc đã bị mù, bị che phủ bởi sự ích kỷ và tính toán của kiếp người. Chúa đã đón nhận và hướng dẫn anh mù lên đường để làm chứng về một Đấng đem ánh sáng tình yêu và hy vọng đến cho mọi người, xin cho chúng con được tiếp bước người mù đó, trong mỗi ơn gọi được Chúa trao mời, cố gắng lên đường, cố gắng phục vụ, và cố gắng đón nhận tha nhân, bởi nơi đó, một Thiên Chúa yêu thương họ và yêu thương chúng con, đang hiện diện. Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây