TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – A

Thứ năm - 23/03/2023 19:59 |   818
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống.” (Ga 11, 25)

26/03/2023
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – A

cn t5 MC A

Ga 11, 1-45


HƯỚNG VỀ PHỤC SINH
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống.” (Ga 11, 25)

Suy niệm: Đối với con người, một khi lưỡi hái tử thần đã buông xuống, thì mạnh như Hercule, giỏi như Cesar, quyền lực như Tần Thủy Hoàng, đẹp như Cléopâtre cũng đành cuốn gói đi về với cát bụi. Thế nhưng, có một người đã dám chống lại Tử Thần và đã chiến thắng. Đó là Đức Ki-tô Phục Sinh. Và tiếp bước theo Người, những người Ki-tô hữu cũng sẽ sống lại như thế. Nhờ vào đâu vậy? Thưa, nhờ tin và chịu phép rửa trong Đức Ki-tô, nghĩa là cùng “chịu phép rửa trong cái chết của Người, anh em cũng sẽ được cùng sống lại với Người” (Cl 2, 12). Tất cả niềm tin, niềm hy vọng của người Ki-tô hữu được đặt trên nền tảng này.

Mời Bạn: Hành trình đức tin của Mác-ta vào Đức Ki-tô Phục Sinh cho thấy sự phục Sinh không phải là cái gì bên kia cái chết, nhưng đang có mặt ngay tại đây, hôm nay và mọi ngày, nơi mỗi tâm hồn đón nhận và tin kính Ngài như Mác-ta, và Chúa không ngừng chất vấn bạn như đã chất vấn Mác-ta: “Con có tin điều đó không?”

Chia sẻ: Niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh có là động lực thúc đẩy bạn dấn bước theo Chúa triệt để hơn không?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ hướng mọi việc mình làm, mọi sự kiện cuộc sống mình về mầu nhiệm phục sinh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, màu tím của mùa Chay là màu của tang tóc, đau khổ. Nhiều khi con cảm thấy hụt hẫng, tối tăm trong đời, nhất là khi đối diện với cái chết của những người thân. Xin cho màu trắng Phục Sinh giúp con can đảm trung thành sống theo những gì Mùa Chay đòi hỏi, để cũng được phục sinh với Chúa. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật V Mùa Chay Năm A

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến,

Càng gần ngày Lễ Lá, phụng vụ như càng muốn giới thiệu cho dân Chúa rõ hơn cây Thập Giá. Thập Giá xem ra chỉ là một cây gỗ bị đóng chéo lại, nhưng thật ra lại bao hàm cả một mầu nhiệm tình thương. Việc Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại khi ông đã chết chôn được 4 ngày, cho thấy rõ chiều kích thâm sâu của ơn cứu độ. Cũng như trong sách Tiên tri Ezêkiel, tác giả đã cho độc giả thấy rằng cần phải có Thần Khí của Thiên Chúa thì con người mới sống được. Theo Thánh Phaolô tông đồ thì phải có Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại, mới làm cho xác phàm hay chết của chúng ta được sống như Ngài đã khẳng định trong thư gửi Tín hữu Rôma, mà lát nữa chúng ta sẽ nghe. Tất cả đều nói lên tình thương của Thiên Chúa qua công cuộc cứu độ của Đức Kitô.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin Chúa minh xét cho tôi xin bênh vực quyền lợi tôi đối nghịch với dân vô đạo; xin cứu tôi khỏi tay người độc ác điêu gian, vì Chúa là Thiên Chúa tôi và là sức mạnh tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại, Ðức Giêsu Ki-tô đã hiến thân chịu khổ hình; xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết noi gương Người tận tình yêu thương mọi anh em. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Ed 37, 12-14

“Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: “Hỡi dân Ta, này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi, Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mồ và dẫn dắt các ngươi vào đất Israel. Hỡi dân Ta, các ngươi sẽ biết Ta là Chúa, lúc Ta mở cửa mồ các ngươi, và kéo các ngươi ra khỏi mồ, Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống, Ta sẽ cho các ngươi an cư trên đất các ngươi, và các ngươi biết rằng: Ta là Chúa, chính Ta đã phán và đã thi hành”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-6. 7-8

Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ

Xướng: Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu; dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con.

Xướng: Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu.

Xướng: Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn con mong đợi Chúa con, hơn người lính gác mong trời rạng đông.

Xướng: Hơn người lính gác mong hừng đông dậy. Israel đang mong đợi Chúa con: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác.

Bài Ðọc II: Rm 8, 8-11

“Thánh Thần của Ðấng làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Chúa phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời”.

PHÚC ÂM: Ga 11, 1-45

“Ta là sự sống lại và là sự sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có một người đau liệt tên là Ladarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và Martha. (Maria này chính là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Em trai bà là Ladarô lâm bệnh). Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”.

Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”. Môn đệ thưa: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư?” Chúa Giêsu đáp: “Một ngày lại chẳng có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì người ta thấy ánh sáng mặt trời; nhưng kẻ đi ban đêm sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng”. Người nói thế, rồi lại bảo họ: “Ladarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức ông”. Môn đệ thưa: “Thưa Thầy, nếu ông ta ngủ, ông sẽ khoẻ lại”. Chúa Giêsu có ý nói về cái chết của Ladarô, nhưng môn đệ lại nghĩ Người nói về giấc ngủ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rõ: “Ladarô đã chết. Nhưng Ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông”. Lúc đó Tôma, cũng có tên là Ðiđimô, nói với đồng bạn: “Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người”.

Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. (Bêtania chỉ cách Giêrusalem chừng mười lăm dặm). Nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Nói xong bà về gọi Maria em gái bà và nói thầm với em rằng: “Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em”. Nghe vậy, Maria vội vàng đứng dậy và đi đến cùng Chúa. Vì lúc đó Chúa Giêsu chưa vào trong làng, Người còn đang đứng ở nơi Martha đã gặp Người. Những người Do-thái cùng ở trong nhà với Maria và an ủi bà, khi thấy bà vội vã đứng dậy ra đi, họ cũng đi theo bà, tưởng rằng bà đi ra khóc ngoài mộ. Vậy khi Maria đến chỗ Chúa Giêsu đứng, thấy Người, bà liền sấp mình xuống dưới chân Người và nói: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết”. Khi thấy bà khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: “Ðã an táng Ladarô ở đâu?” Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”. Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!” Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?” Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con, nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!” Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy cởi ra cho anh ấy đi”.

Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

Ðó là lời Chúa.

* Hoặc đọc bài vắn này: Ga 11, 3-7. 17. 20-27. 33b-45

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”.

Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”.

Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Người xúc động và hỏi: “Ðã an táng Ladarô ở đâu?” Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”. Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!” Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?” Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.

Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!” Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy cởi ra cho anh ấy đi”.

Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, trong niềm tin tưởng nơi Chúa Cha, Đấng ban sự sống cho những ai tin vào sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta dâng lời cầu nguyện.

1. Qua Tin Mừng, Chúa Giêsu cho chúng ta biết, Ngài yêu mến Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô. Xin cho mỗi người Kitô hữu, nhờ sống theo mẫu gương tình yêu của Chúa Giêsu, hằng yêu mến Ngài trong anh chị em.

2. Chúa Giêsu là lời đáp trả đầy đủ cho mọi khát vọng của nhân loại. Xin nhìn đến biết bao nhiêu nạn nhân của bất công và bạo lực đang sống trong cảnh lầm than, giúp họ tìm được công lý và bình an.

3. Chúa Giêsu gặp gỡ các bạn hữu Ngài để khơi lên đức tin trong lòng họ. Xin cho hạt giống Lời Chúa đã được gieo vãi vào tâm hồn chúng ta trong Mùa Chay năm nay, sinh hoa kết quả dồi dào.

4. Chúa Giêsu cho La-da-rô, bạn hữu của Ngài được sống lại. Xin cho chúng ta biết làm việc vì anh em đồng loại, và biết loan báo rằng, Chúa Cha ban cho con cái Ngài một đời sống mới, một đời sống bất diệt và không còn khổ đau.

Chủ tế: Lạy Cha, xin nhận lời cầu nguyện của chúng con, xin đổ đầy tình thương vào tâm hồn chúng con, và xin cho chúng con biết giữ gìn những hồng ân mà Cha đã ban cho chúng con, nhờ đó chúng con sẽ tiến bước trong đời sống mới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con là con cái Chúa được thấm nhuần đạo lý đức tin; giờ đây, xin cũng thương nhận lời chúng con khẩn nguyện và dùng lễ tế này thanh tẩy tâm hồn chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng (năm A)

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. Là người thật, Ðức Ki-tô đã khóc La-da-rô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho La-da-rô sống lại ra khỏi mồ. Ngày nay, cũng vì thương xót nhân loại, Người đã đưa chúng con vào đời sống mới nhờ các bí tích nhiệm mầu. Nhờ Người, đạo binh các Thiên thần muôn đời hoan hỷ trước thánh nhan Chúa, thờ lạy Chúa uy linh cao cả. Xin cho chúng con được đồng thanh với các ngài, và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Kẻ nào sống mà tin Ta sẽ không chết đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con vừa được phúc kết hợp với Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô, xin cho chúng con được trở nên những chi thể sống động của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Sự sống
Sưu tầm

Tại thế vận hội ở Los Angeles vào mùa hè năm 1984, võ sĩ Jeff Blatnik của Hoa Kỳ đã giành huy chương vàng về bộ môn đô vật. Khi trận đấu kết thúc, anh đã không vui mừng nhảy lên nhảy xuống, hay vung tay lên trời, cũng như không mỉm cười cúi chào đám đông. Trái lại, anh chỉ đơn giản quỳ gối xuống, cúi đầu cầu nguyện và làm dấu thánh giá. Hình ảnh này đã được chiếu trên màn ảnh truyền hình và người ta đã trông thấy những giọt nước mắt chảy xuống trên gò má anh. Anh khóc không phải chỉ vì đã đạt huy chương vàng, mà còn khóc vì cách đó 2 năm, anh đã mắc phải bệnh ung thư, và trước trận đấu 18 tháng, anh đã phải giải phẫu. Vậy mà giờ đây, khi dấn thân vào trận đấu quan trọng này, anh đã đoạt được chiến thắng lớn nhất trong đời mình. Với những giọt nước mắt này, anh đã thực sự lôi cuốn và hấp dẫn mọi người, cũng như đã trở nên giống chúng ta một cách tuyệt vời và đầy cảm động.

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy được nét đẹp tuyệt vời và đầy cảm động ấy nơi Chúa Giêsu. Chúng ta nhìn thấy Ngài, là Con Thiên Chúa, nhưng đã khóc bên nấm mồ của Ladarô. Từ đó, chúng ta khám phá ra bản tính con người của Ngài. Chính bản tính con người ấy làm cho Ngài trở nên giống chúng ta. Bởi vì Ngài đã từng chịu đói, chịu khát, chịu mệt mỏi, chịu đớn đau, cho nên Ngài sẽ hiểu chúng ta hơn, khi chúng ta lâm vào những cảnh huống như thế, như người xưa đã bảo: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Và như vậy, Ngài hiểu rõ thân phận chúng ta. Và chính sự hiểu biết này đem lại cho chúng ta hiềm vui mừng và hy vọng.

Tuy nhiên đoạn Tin Mừng còn chuyển đến cho chúng ta một sứ điệp khác cũng không kém phần quan trọng, đó là Chúa Giêsu không phải chỉ khóc thương Ladarô, mà còn làm cho anh ta được sống lại. Điều đó chứng tỏ, Ngài không phải chỉ là một người như mọi người, mà Ngài còn là Con Thiên Chúa, đầy quyền năng. Với bản tính con người, Ngài cảm thông và chia sẻ với chúng ta. Còn với bản tính Thiên Chúa, Ngài nâng đỡ và trợ giúp chúng ta, trao ban cho chúng ta nguồn sức mạnh và thực hiện những điều chúng ta van xin, kêu cầu.

Bởi đó hãy tin tưởng và phó thác bản thân cũng như cuộc đời cho Chúa vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng, đồng thời là một người Cha nhân từ và khoan dung, hằng yêu thương chăm sóc đến mỗi người chúng ta.
 

LÀM NGƯỜI ĐÁNH THỨC
(Chúa Nhật V Mùa Chay A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

“Lazarô, bạn của chúng ta đang ngủ; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy dậy.” (Ga 11,11). Vì không hiểu ngụ ý của Chúa Giêsu, các tông đồ đã phản ứng cách tự nhiên: “Nếu anh ấy đang ngủ thì tự khắc sẽ dậy”. Chúa Giêsu đã từng có lần nói về tình trạng một người đã chết như là đang ngủ, chẳng hạn với cô bé gái con ông Giairô, viên trưởng Hội đường (x.Mc 6,39). Như thế, việc làm cho một ai đó sống lại từ cõi chết được Chúa ví như là đánh thức họ dậy. Và chúng ta cũng có thể loại suy cách nào đó rằng khi đánh thức một ai đó là giúp họ lại được sống hay được sống lại đúng phẩm vị của mình.
 

1. Những người cần được đánh thức là những người đang ngủ mê.

- Trong những hạnh phúc trần thế chóng qua: Những thiện hảo đời này thật đáng quý nhưng chúng không thể lấp đầy ước vọng của con người. Dù cho đủ đầy những thành công về danh vị hay lợi lộc vật chất thì mọi sự rồi sẽ qua đi khi mà tuổi già chợt đến. Đặc biệt khi cái chết cận kề thì người ta mới nghiệm ra rằng chẳng có thể lấy gì mà mua được sự sống và mạng sống thật đáng quý biết bao. Có thể nói kiếp người là một chuỗi băn khoăn lo lắng mãi cho đến khi nghỉ yên trong lòng đất lạnh. Thế nhưng, tình trạng quá mải lo lắng băn khoăn chính là một trong những hình thái mê ngủ vậy.

- Trong sự ganh đua hơn thiệt, được mất: Cái được, cái thua, cái mất, cái thắng ở đời này chỉ là tương đối. Rất nhiều khi những tưởng rằng thắng mà hoá thua, nghĩ rằng được mà lại mất. Nhiều vận động viên thể dục, thể thao trong các cuộc thi tài đã nghiệm thấy việc chiến thắng bản thân mới là điều quan trọng nhất. Và sự thật này thường được đón nhận khi người ta chiến bại hơn là chiến thắng.

2. Cùng với Đức Kitô, xin làm người đánh thức tha nhân. Một sự thật hiển nhiên dễ dàng đón nhận đó là sẽ chẳng một ai thoát được cái chết. Sự chết là một hiện tượng tất yếu của mọi loài xét như là sinh vật. Đã có sinh, thời có tử. Thế nhưng, cái chết là một sự thật mà con người, sinh vật bậc cao thường khó chấp nhận, đúng hơn là khó đón nhận vì luôn có đó khát vọng được trường sinh bất tử nơi lòng người. Chúa Kitô đã từng mời gọi “hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27). Để làm được điều này thì hãy tin vào Người là Đấng Thiên Chúa sai đến. Vì chính Người là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Người, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Người thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26). Tin vào Chúa Kitô là sống như Người đã sống “không phải đến để được người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Tin vào Chúa Kitô là đón nhận lời Người và đem ra thực hành trong cuộc sống.
 
Để làm người đánh thức tha nhân thì cùng với Chúa Kitô, chúng ta cần:

- Ra đi: Ra đi khỏi sự yên ổn cá nhân mình, ra đi khỏi tình yêu vị kỷ và dĩ nhiên là chấp nhận bao gian khó đang chờ phía trước. Tông đồ Tôma đã giận lẫy với các bạn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,16).

- Có tấm lòng xót thương: Thấy Chúa Giêsu khóc thương Lazarô, “người Do Thái mới nói: “Kìa xem! Ông ta thương Lazarô biết mấy” (Ga 11,35). Thiếu một trái tim biết thao thức trước hạnh phúc của tha nhân, biết thổn thức trước đau khổ của đồng loại thì đừng mong đánh thức được một ai.

- Đặt niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa: “Chúa Giêsu ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con…” (Ga 11,41). Chính nhờ và với quyền năng của Thiên Chúa thì những sự tốt lành mới tỏ hiện. Quả thật, chúng ta không thể đánh thức lòng người nếu không có ân sủng Chúa độ trì.

Thức tỉnh là một trong những đề tài được nhiều nhà đạo đức hôm nay nói đến. Mải mê thế sự là một biểu hiện của con người mọi thời, đặc biệt thời đại hôm nay. Thỉnh thoảng người ta chợt bừng tỉnh khi đối diện với cái chết của người này, người kia hoặc đối diện với cái chết đang cận kề mình. Thế nhưng những thời khắc thức tỉnh ấy rất dễ thoáng qua hay là quá bất chợt và kết quả thu được chẳng là bao. Chính vì thế mãi rất cần những con người đánh thức tha nhân. Chúa Kitô đã tiên phong, bạn và tôi, chúng ta có sẵn sàng tiếp bước Người để làm người đánh thức không? Ước gì chúng ta góp với Đấng Cứu độ một tay làm cho nhân trần bừng tỉnh về sự sống trường sinh mà chúng ta thường tuyên xưng: “Tôi tin có sự sống đời đời”. Chính khi biết hướng đến sự sống đời đời thì con người sẽ biết sống sự sống đời này cách hữu ích và có ý nghĩa.

 

Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay – A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 11, 3-7.17.20-27. 33b-45).

Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”.

Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”.

Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Người xúc động và hỏi: “Ðã an táng Ladarô ở đâu?” Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”. Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!” Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?” Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.

Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!” Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy cởi ra cho anh ấy đi”.

Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

Suy niệm

Chúng ta đang cùng với Giáo hội, tiến về những ngày trọng đại của lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, với đỉnh cao là bản án tử của Đức Giêsu, là mầu nhiệm thập giá với màn đêm tang tóc của cái chết, và cũng từ đó, chúng ta sẽ cùng Ngài bước vào mầu nhiệm phục sinh trong uy quyền và vinh quang của Thiên Chúa. Chúa nhật thứ năm Mùa Chay mời chúng ta hướng về mầu nhiệm sống lại của Con Thiên Chúa qua câu chuyện của ông Lazaro, người đã chết 4 ngày và đã được Đức Giêsu cho sống lại.

Phụng vụ Lời Chúa trong tuần lễ này mời chúng ta hướng về một niềm vui vượt trội tất cả những niềm vui trần thế, đó là niềm vui được sống lại trong vinh quang của Thiên Chúa. Lời tiên báo của Ngôn sứ Edekiel về một viễn cảnh huy hoàng của những ai tin vào một Giavê Thiên Chúa, họ sẽ được Ngài mở cửa mồ, đưa ra khỏi sự gông cùm của cái chết, được dẫn vào cõi sống vinh quang: “Hỡi dân Ta, này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi, Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mồ và dẫn dắt các ngươi vào đất Israel. Hỡi dân Ta, các ngươi sẽ biết Ta là Chúa, lúc Ta mở cửa mồ các ngươi, và kéo các ngươi ra khỏi mồ, Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống, Ta sẽ cho các ngươi an cư trên đất các ngươi, và các ngươi biết rằng: Ta là Chúa, chính Ta đã phán và đã thi hành”. Quãng thời gian các Ngôn sứ xuất hiện là những ngày tháng thăng trầm của lịch sử dân Do-thái, vì thái độ bất trung với Giavê, họ không còn được sống như họ ước mong, mà phải nô lệ cho các dân tộc khác, cũng như không còn đời sống phụng tự để bày tỏ tâm tình thờ phượng Thiên Chúa, do đó, Ngài đã gởi các Ngôn sứ đến để khích lệ, để nhắc nhở, để cảnh báo và để hướng dẫn họ trở về con đường Giavê đã hoạch định. Lời Ngôn sứ Edekiel là một minh chứng của tình thương Giavê Thiên Chúa dành cho họ khi tương lai không còn hy vọng. Thiên Chúa vẫn mãi là Đấng tín trung, chậm bất bình và giàu lòng nhân nghĩa. Ngài đã đưa họ ra khỏi cảnh tối tăm, chết chóc, dẫn vào miền ánh sáng và sự sống.

Bài đọc 2 là một lời gợi nhắc của thánh Tông Đồ Phaolô, khi ngài chứng kiến cộng đoàn giáo hội tại Roma đang gặp khủng hoảng về đời sống tâm linh: “Anh em thân mến, những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em”. Dù được lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, những tín hữu Kitô thành Roma không sống theo tinh thần của Tin Mừng, nhưng chạy theo những giá trị của thế gian, để bị cuốn vào những sinh hoạt của các thần ngoại. Thánh Phaolô đã nhắc lại cho họ rằng: “nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em”. Người tín hữu Kitô là người có Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn, trong cuộc đời, cần nghe theo sự hướng dẫn của Ngài để từng ngày trở nên công chính, trở nên con cái của Thiên Chúa như Ngài ước mong.

Trên hành trình tiến về Giêrusalem, Đức Giêsu đang tiến đến gần đích điểm của mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh. Tất cả trong chương trình của Thiên Chúa Cha, cũng từ những biến cố này, Đức Giêsu mời gọi các Tông Đồ, những người đã và đang sống với, sống cùng Ngài, cố gắng tìm hiểu kế hoạch cứu độ của Chúa Cha qua cuộc đời và những bài giáo huấn của Ngài. Câu chuyện Ngài ghé thăm gia đình Lazaro và cho anh ta sống lại sau khi đã chết được 4 ngày. Qua câu chuyện đó, chúng ta thấy niềm tin của các môn đệ, đại diện là Martha và Maria, có phần nào mong manh và chưa thực sự xác tín. Họ biết Đức Giêsu là ai và những bài giáo huấn của Ngài, họ đã từng nghe, thế mà khi nghe tin Ngài đến, họ tìm đến và thưa chuyện với Ngài như một lời trách cứ: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Niềm tin của các phụ nữ đó cách nào chỉ dừng lại bởi họ coi Đức Giêsu như một tiên tri, một người con ưu tú của Thiên Chúa, Ngài xin gì cũng sẽ được, do đó, nếu có Ngài ở đó, Ngài sẽ xin Chúa Cha cho em trai họ không phải chết. Một niềm tin chưa chính thống, một niềm tin còn đặt nền tảng trên lề luật của truyền thống, bởi vậy, khi Đức Giêsu nói rằng, Ngài sẽ cho Lazaro sống lại, họ chỉ nghĩ rằng, ngày sau cùng, khi mọi người được sống lại, em họ sẽ sống. Họ đâu biết rằng, người đang nói chuyện với họ là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”. Ngay khi Con Thiên Chúa đứng bên cạnh mình, bên ngôi mộ đá lạnh, Con Thiên Chúa một lần nữa đã khơi dậy niềm tin của những người thân khi Ngài đề nghị mở cửa mồ: “Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra”.

Dù tin người bên cạnh là Con Thiên Chúa, Đấng có quyền năng, thế mà khi Ngài yêu cầu mở cửa mồ, mọi người đã lên tiếng, nặng mùi rồi. Nặng mùi của sự ngã lòng, nặng mùi của sự thất vọng, nặng mùi của một niềm tin cạn kiệt, nặng mùi của một đời sống tôn giáo thiếu nền tảng. Tất cả như một bức tranh ảm đạm của một niềm tin thiếu sự chăm sóc và thiếu cố gắng. Đức Giêsu đã lên tiếng bảo họ không phải để trấn an, không phải để ra oai quyền lực, nhưng là để họ thức tỉnh trước vinh quang của Thiên Chúa, để từ biến cố này, họ nhận ra Thiên Chúa vẫn yêu thương họ, vẫn quan tâm và chăm sóc họ mỗi ngày: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”. Giữa dòng đời, không thiếu những lúc đức tin của chúng ta cũng bị thử thách như thế bởi niềm tin đó chưa được tôi luyện trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, chưa dám chấp nhận tự huỷ để sinh ra một bông lúa mới trĩu hạt. Có thể nói đây là một niềm tin bất động trong nấm mồ, trong tâm hồn đang bị che khuất bởi muôn lề luật và những quan niệm chưa phù hợp với tinh thần của Tin Mừng. Từ đây, vinh quang Thiên Chúa một lần nữa được hiển lộ và cũng là cơ hội Đức Giêsu giới thiệu về cái chết và sự phục sinh của Ngài với nhân loại.

Hành trình đức tin của người tín hữu Kitô hôm nay cũng vậy, dù được thanh tẩy từ bí tích Rửa tội, được gọi là con Thiên Chúa, nhưng thực sự chúng ta đã làm tròn bổn phận người con của Thiên Chúa chưa trong ơn gọi mỗi người và trong hoàn cảnh mình đang hiện diện? Lắm lúc chính những lề luật, những truyền thống đã giới hạn niềm tin trong một phạm vi nhất định hay trong những định kiến thiếu khách quan, để rồi niềm tin đó bị đóng khung, như thế, làm sao chúng ta có thể gặp được một Giêsu đang lang thang nơi những người vô gia cư, làm sao chúng ta có thể gặp được một Giêsu đang quằn quại với những cơn đau của đại dịch, khi tuổi tác họ đã cao, sức khoẻ đã yếu dần. Ngay cả khi được Mẹ Giáo hội cảm thông với những nghi thức, những bí tích đặc biệt, người tín hữu đến đó để ăn năn thống hối, để cầu xin sự tha thứ từ lòng nhân từ của Thiên Chúa, đến đó để bày tỏ tâm tình trở về của Mùa Chay, hay chỉ đến đó vì tiện lợi, đến đó vì khỏi bị cha giải tội quấy rầy bởi đã bỏ xưng tội quá lâu, đến đó để an tâm lỡ có bị lây nhiễm bệnh dịch. Quả là một niềm tin chưa trưởng thành, chưa xác tín và chưa trở nên sống động trong mỗi hoàn cảnh cuộc sống, dù họ là những người Kitô hữu thực thụ.

Đời sống tận hiến cũng còn nhiều khuất tất trong niềm tin nhỏ bé của mỗi thành viên. Sống cộng đoàn là sống tinh thần của Giáo hội, một cộng đoàn gồm những người tội lỗi đang giúp nhau nên thánh, chứ không phải là những đấng thánh, thế mà, những thành viên trong các cộng đoàn luôn coi mình là đấng thánh, và lấy quyền năng của đấng thánh để phán quyết, để định đoạt và để kết án cho người khác. Tham quyền cố vị, mong chức cao quyền trọng vẫn len lỏi vào trong đời sống tận hiến, lắm lúc đã trở thành phản chứng của Tin Mừng, bởi đó là những người đã được Đức Giêsu trao cho trách vụ chính anh chị em sẽ là chứng nhân cho mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, thế mà, thay vì giúp đỡ người bên cạnh được phục sinh, được đóng đinh vào thập giá những tội lỗi, những tật xấu, họ đã cho tha nhân chết chìm trong hố sâu của ganh tị và ích kỷ. Thầy ơi, không vâng lời bề trên là không vâng lời Thầy, nhưng con không thể vâng lời bề trên khi họ thiếu sự quảng đại bao dung, thiếu sự quan tâm và thiếu luôn tình thương. Chắc con phải đợi tới lúc Chúa quang lâm, con mới trở về với Chúa được.

Lạy Chúa, chúng con luôn tin rằng Chúa là Cha, là Đấng Cứu Độ chúng con, nay Ngài đang hiện diện nơi mỗi người, mỗi gia đình, trong lòng Giáo hội, giữa lòng nhân loại, xin củng cố niềm tin mong manh của mỗi người trước mỗi biến cố cuộc đời, để chúng con luôn vững niềm tin vào tình thương của Thiên Chúa. Chúa đã bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa trong thế giới này qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, để mọi người được cứu độ, xin cho chúng con luôn sống trong niềm hy vọng trước mọi thử thách, bởi Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, không bao giờ để cho con người thất vọng trước tình thương bao la của Thiên Chúa tình yêu. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây