TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT V MÙA CHAY –B

Thứ sáu - 08/03/2024 13:41 |   699
Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” (Ga 12,20-33)

17/03/2024
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – Năm B

cn t5 MCb

Ga 12,20-33

CHỨNG TÁ TRUNG GIAN
Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” (Ga 12,20-33)

Suy niệm: Những người Hy Lạp này hẳn đã trải qua một hành trình thiêng liêng dài trước khi đến gặp Đức Giê-su. Thêm vào đó, bầu khí thù địch nhắm vào Chúa trong những ngày này không cho phép họ đến gặp trực tiếp Ngài. Họ đã ngỏ lời với Phi-líp-phê, ông này lại nói với An-rê và hai môn đệ này đã là những người dẫn đưa họ đến với Đức Giê-su. Đây không phải là lần đầu tiên hai môn đệ này làm công việc giới thiệu đó: An-rê dẫn em mình đến với Chúa Giê-su (Ga 1,41); Phi-líp-phê thì dẫn bạn mình là Na-tha-na-en đến gặp Ngài (Ga 1,45); ông còn giới thiệu một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá để qua đó Chúa làm phép lạ vĩ đại (Ga 6,5-10). Phi-líp-phê, An-rê là mẫu mực của người môn đệ truyền giáo điển hình, là trung gian dẫn người khác đến với Chúa.
 

Bạn thân mến! Bất cứ ai được thanh tẩy trong bí tích Rửa tội, trở thành môn đệ Chúa Ki-tô đều có sứ mạng truyền giáo và giới thiệu Chúa cho anh em mình. Thế giới chúng ta đang sống cũng cần lắm những nhịp cầu chứng nhân để người khác nhận biết và tin vào Đức Ki-tô để được hưởng ơn cứu độ. Bạn đã nhờ ai mà nhận biết Chúa và tin vào Ngài? Đến lượt bạn, bạn tiếp tục giới thiệu Chúa cho người khác chứ!
 

Sống Lời Chúa: Bạn loan báo Tin Mừng trước tiên bằng việc làm bác ái, và hành động theo tinh thần Phúc Âm; tiếp đến bằng lời nói trình bày về Chúa và niềm tin của mình cho người khác.
 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng khép kín trong lớp vỏ bọc ích kỷ, nhưng vâng lời Chúa, dám đi ra đến cánh đồng lúa đang thiếu thợ gặt. Amen.

CNMC V NĂM B: Lạy Chúa! Hạt lúa mì rơi xuống đất phải thối đi, thì nó mới sinh nhiều bông hạt. Sự sống nằm ở đằng sau sự hư hoại. Chúng con không thể đem bông hoa hồng vào phòng thí nghiệm mổ xẻ để xem vẻ đẹp của nó nằm ở chỗ nào. Chúng con không thể nhìn thấy ánh sáng, nhưng chỉ thấy vật được chiếu sáng. Chúng con không thể nhìn thấy sự thánh thiện, nhưng chỉ thấy các hệ quả của nó. Vẻ đẹp, sự sống nằm ở phía bên kia của những gì chúng con nhìn thấy. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: chấp nhận chịu mục nát, theo Chúa trong đau khổ, ắt sẽ được ở với Chúa trong vinh quang. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật V Mùa Chay -Năm B

 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Ngay từ đầu mùa chay, phụng vụ đã kêu mời mỗi người chúng ta sám hối, để có thể xứng đáng đón nhận ơn cứu độ của Đức Kitô trong ngày đại lễ Phục Sinh sắp tới. Trong chiều hướng đó, suốt bốn chúa nhật vừa qua, Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta những bộ mặt khác nhau của Chúa Giêsu, Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Trong Chúa nhật V mùa chay này phụng vụ cho thấy, khi chấp nhận cái chết Thập Giá, Chúa Giêsu đã trở nên hạt giống gieo vào lòng đất, chấp nhận mục nát để trể sinh nhiều bông trái. Sự tự hiến và tự hủy của Chứa Giêsu đã chứng minh một chân lý xem ra có vẻ nghịch lý “cho là nhận, chết là đường đưa tới sự sống”. Tuy nhiên, muốn sống tự hiến và tự hủy, chúng ta phải chấp nhận sống khiêm nhu, nhỏ bé, hy sinh, xả kỷ quên mình. Trong ý nghĩa ấy chúng ta chuẩn bị cử hành lễ Hiến Tế, trong tâm tình thống hối ăn năn.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin Chúa minh xét cho tôi xin bênh vực quyền lợi tôi đối nghịch với dân vô đạo; xin cứu tôi khỏi tay người độc ác điêu gian, vì Chúa là Thiên Chúa tôi và là sức mạnh tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại, Ðức Giêsu Ki-tô đã hiến thân chịu khổ hình; xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết noi gương Người tận tình yêu thương mọi anh em. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Gr 31, 31-34

“Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ của chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập; giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: “Ngươi hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 12-13. 14-15

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).

Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài.

Bài Ðọc II: Dt 5, 7-9

“Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời”.

Trích thư gởi tín hữu Do-thái.

Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 12, 26

Chúa phán: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó”.

Phúc Âm: Ga 12, 20-33

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con là con cái Chúa được thấm nhuần đạo lý đức tin; giờ đây, xin cũng thương nhận lời chúng con khẩn nguyện và dùng lễ tế này thanh tẩy tâm hồn chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời kinh tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Chúa đã muốn chúng con dùng việc hãm mình mà tạ ơn Chúa, để nhờ đó, chúng con là những người tội lỗi, giảm bớt được tính kiêu căng, và khi giúp nuôi dưỡng những kẻ túng thiếu, chúng con trở nên những người biết noi theo lòng nhân hậu của Chúa.

Vì thế, cùng với vô số thiên thần, chúng con đồng thanh tôn vinh Chúa mà ca tụng rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Ca hiệp lễ

Thật Thày bảo thật các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con vừa được phúc kết hợp với Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô, xin cho chúng con được trở nên những chi thể sống động của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Hạt giống nảy mầm

Vào một đêm giông bão có một người đàn ông đứng tuổi cùng bà vợ ghé vô một khách sạn nhỏ và hỏi viên thư ký: Xin anh làm ơn cho chúng tôi một phòng. Viên thư ký trả lời: Thưa ông, tất cả mọi phòng đều có người thuê, nhưng tôi không nỡ để ông bà phải ra đi vào lúc một giờ sáng như thế này. Người chồng hỏi lại: Anh nói chi? Ông bà có thể ngủ tại phòng tôi. Nhưng anh sẽ ngủ ở đâu? Tôi sẽ tìm được, xin đừng lo lắng cho tôi. Sáng hôm sau, ông khách trả tiền phòng và nói với viên thư ký: Anh là một người quản lý có tài, khả dĩ có thể làm chủ một khách sạn lớn. Rất có thể một ngày nào đó, tôi sẽ xây cho anh một cái.

Hai năm sau, viên thứ ký nhận được một bức thư, kèm theo vé máy bay khứ hồi đi Nữu Ước và tấm danh thiếp của người khách trong đêm giông bão. Người khách dẫn viên thư ký tới một đại lộ, chỉ vào một ngôi nhà cao tầng và nói: Đây là khách sạn tôi đã xây để cho anh quản lý. Không nói nên lời, người thanh niên rất đỗi ngạc nhiên, ấp úng cám ơn. Mạnh thường quân của anh là Astoria, chủ nhân của một mạng lưới khách sạn tại Mỹ. Và khách sạn ông dành cho anh ta là một khách sạn tiện nghi nhất thời bấy giờ.

Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào Lời Chúa phán với chúng ta qua đoạn Tin Mừng hôm nay: Hạt lúa rơi xuống đất, có mục nát, thì mới sinh nhiều hoa trái. Anh chàng thư ký đã chôn vùi những tiện nghi của mình, bằng cách nhường lại căn phòng ấm cúng cho hai vợ chồng người khách lạ. Và sự hy sinh ấy đã đem lại phần thưởng cho anh. Anh được quản lý một khách sạn sang trọng và nổi tiếng trên thế giới.

Hạt giống phải chết đi, phải mục nát trước khi nẩy mầm, đâm bông và kết trái. Điều đó cũng đúng cho bình diện thiêng liêng. Bởi vì, chúng ta, những người tin theo Chúa đều biết rằng mọi cố gắng, mọi hy sinh, mọi gian khổ của chúng ta rồi sẽ sinh hoa kết trái, nhất là khi những cố gắng, những hy sinh và gian khổ ấy được thi hành vì lòng mến đối với Thiên Chúa và tình thương đối với anh em đồng loại. Chính Chúa Giêsu cũng đã chấp nhận những hy sinh gian khổ vì chúng ta, bằng cách chịu chết trên thập giá, để rồi từ đó Ngài đã có được hoa trái của sự phục sinh vinh quang.

Mùa chay sắp kết thúc, những cũng chưa quá muộn để chúng ta chôn vùi bản thân, từ bỏ chính mình vì Đức Kitô và vì anh em, bởi vì có cùng chết với Đức Kitô, thì rồi chúng ta mới sẽ được sống lại trong vinh quang với Ngài.


Giờ Chúa đến

Đọc lại Phúc âm chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu không bước vào cuộc khổ nạn như bước lên sân khấu để trình diễn một vở kịch, trong đó cái chết sẽ chỉ là cái chết giả vờ. Trái lại, Ngài đã từng băn khoăn lo lắng khi giờ phút trọng đại ấy đến gần.

Mặc dù luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, nhưng Ngài vẫn quí trọng sự sống, Ngài vẫn muốn được sống, vẫn muốn thoát khỏi những khổ đau và cái chết, bởi vì Ngài cũng là một người như mọi người.

Đức Hồng y Veuillet, Tổng giám mục Paris, khi biết mình bị ung thư và sắp chết, đã nhắn nhủ các linh mục của ngài như sau: “Chúng ta nói rất hay về sự đau khổ. Bản thân tôi cũng đã làm như vậy. Thế nhưng, giờ đây tôi xin các linh mục đừng nói gì về vấn đề ấy nữa, bởi vì chúng ta không hề biết đau khổ là gì. Tôi đã phải khóc lên vì nó”.

Có thể người ta sẽ chê Đức Hồng y chưa hiểu biết ý nghĩa của sự đau khổ, chưa sẵn sàng chịu đau khổ, nên mới buồn, mới khóc và không dám nói tới nó nữa. Nhưng Đức Hồng y đã chân thật với chính mình. Không nói hay ít nói về sự đau khổ không có nghĩa là không sẵn sàng chấp nhận, không yêu mến đón nhận nó như chén đắng Thiên Chúa trao cho. Chén đắng vẫn là chén đắng, chúng ta vui nhận, nhưng không thể vui sướng coi đó như là một chén nước ngọt. Chúng ta chấp nhận đau khổ vì yêu mến chứ không vì thích chịu khổ đau.

Chúa Giêsu yêu mến sự sống bởi vì chính Ngài đã tạo dựng ra sự sống, Chính Ngài là sự sống nhưng lại sẵn sàng dâng hiến nó như một tặng vật cao quí nhất, hầu đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Ngài ví mạng sống ấy như hạt lúa vàng gieo vào lòng đất, để làm nẩy sinh trăm hạt lúa mới. Ngài biết rằng hạt lúa ấy sẽ phải chết sẽ phải mất đi, nhưng Ngài chấp nhận sự mất mát đó, chấp nhận cái chết đó để rồi tìm lại sự sống của mình trong trăm ngàn hạt lúa mới khác được sinh ra từ cái chết của Ngài.

Đức Kitô mong muốn không phải là được chết nhưng là thực hiện thánh ý Chúa Cha. Cái chết không phải là cứu cánh nhưng chính là vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ cho nhân loại, mới là cái đích mà Ngài nhắm tới. Giờ mà Ngài mong đợi không phải là giờ chết, nhưng là giờ hoàn tất sứ mạng Chúa Cha đã trao phó, đó là làm cho mọi người được sống nhờ cái chết của Ngài và làm cho toàn thể nhân loại được yêu thương hợp nhất với nhau khi cùng hướng nhìn về cây thập giá. Bởi đó Ngài nói: Phần Ta, khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi sự đến cùng Ta (Ga 12,32). Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta và hiến mạng sống mình vì chúng ta, giờ đây Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy yêu thương và hiến dâng cuộc đời chúng ta cho anh em, để nhờ đó mọi người đều được hiểu biết, đều được yêu thương và đều được chia sẻ phần hạnh phúc của gia đình những người con cái Chúa.
 

Hạt lúa mục nát
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

Mùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn lên những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến… Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”. Và nó đã mọc lên xanh tốt.

Hạt giống thứ hai tự nhủ: “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn… Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ… Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ đợi. Cô chẳng đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng với đời sống cây cỏ. Muốn có thóc lúa trong mùa gặt, ta phải ném hết lúa giống xuống ruộng trong mùa gieo. Muốn có rau xanh trong bữa ăn, ta phải đổ hết hạt giống xuống vườn. Cứ khư khư hạt giống trong kho, ta sẽ chẳng có rau, cũng chẳng có thóc. Hạt giống gieo xuống cứ nằm trơ trơ trên mặt đất sẽ chẳng ích lợi gì. Nó phải chịu vùi sâu trong lòng đất, hút lấy nước, tắm trong phân bón, mục nát đi thì mới mọc lên thành cây mới, sinh nhiều hoa quả.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng đối với đời sống tự nhiên của con người. Mục nát ở đây có nghĩa là phải chịu vất vả khó nhọc. Người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử.

Mục nát ở đây cũng có nghĩa là phải chịu đau đớn với những từ bỏ. Bào thai muốn phát triển thành một con người, phải từ bỏ lòng mẹ nơi nó được cưu mang an toàn. Em bé muốn nên người phải từ bỏ cha mẹ và những người thân để vào trường học tập. Học sinh muốn phát triển cao phải từ bỏ trường làng đầy kỷ niệm đẹp tuổi thơ để ra tỉnh, lên đại học. Thanh niên thiếu nữ đến tuổi trưởng thành cũng phải từ bỏ cha mẹ, từ bỏ mái ấm gia đình để sống tự lập trong đời sống tu trì hoặc trong đời sống hôn nhân. Đời sống con người là một chuỗi dài những từ bỏ. Từ bỏ nào cũng gây đớn đau. Nhưng chính nhờ những từ bỏ đau đớn ấy mà người ta lớn lên thành người. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà gia đình và xã hội luôn phát triển. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà cuộc sống trở nên tươi đẹp, phong phú và ý nghĩa hơn.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này tuyệt đối đúng với đời sống thiêng liêng. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.

Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người. Những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo ta phạm tội. Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy như gắn chặt vào ta, như là một phần đời sống của ta. Dứt bỏ những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến ta đau đớn như chết đi một phần đời mình. Đó là những mất mát to lớn. Nhưng nếu ta chấp nhận những “cái mất” hiện tại, ta sẽ có những “cái được” trong tương lại. Nếu ta dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua, ta sẽ có những “cái được” vĩnh cửu.

Đời sống thiêng liêng hệ tại việc kết hợp với Chúa. Ta chỉ kết hợp trọn vẹn với Chúa khi ta từ bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa. từ bỏ ý riêng nhiều khi là một cuộc chiến đấu khốc liệt với chính bản thân mình. Hãy nhìn Đức Giêsu trong vườn Giệt-si-ma-ni. Cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha khiến Người đau đớn đến đổ mồ hôi máu ra. Nhưng chính nhờ từ bỏ ý riêng mà ta trở nên con yêu dấu của Chúa. Chính nhờ làm theo ý Chúa mà ta trổ sinh hoa trái. Từ bỏ bản thân, ta đi đến đích điểm đời mình là được kết hiệp với Chúa. Bấy giờ ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”. Ta chịu mất bản thân mình để được chính Chúa. Ta chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả. Ta chịu mất trần gian để được thiên đàng.

“Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng, chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan, để trao cho đời cây lúa trĩu hạt. Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay, là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, của các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc. Đã có những người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân. Nhờ công lao của bao người, chúng con được làm hạt lúa. Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày. Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải chết cho chính mình. Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm Vượt Qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt đối và tha nhân. Amen. (Manna 85).

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Con người chỉ lớn lên khi từ bỏ. Đứa bé rời khỏi bụng mẹ để chào đời. Đôi bạn trẻ rời nhà để lập một tổ ấm mới. Con người rời bỏ cuộc sống này để vào nơi vĩnh cửu. Đối với bạn, sự từ bỏ nào khó hơn cả.

2- Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống cây có?

3- Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống thiêng liêng?

4- Chúa Giêsu đã là hạt giống chịu mục nát đi. Bạn hiểu điều này thế nào?

ĐỨC GIÊSU CHỊU KHỔ HÌNH VÌ YÊU NHÂN LOẠI
(CHÚA NHẬT TUẦN 5 MÙA CHAY – NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 5 Mùa Chay, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu đã hiến thân chịu khổ hình, xin Chúa ban ơn trợ giúp, để chúng ta biết noi gương Người, mà tận tình yêu thương nhau.

Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư Hípri cho thấy: Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Đức Giêsu Kitô là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Người khai mở lòng tin của chúng ta, Người khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình thập giá. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời.

Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, để trở thành Lễ Vượt Qua cho chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Athanaxiô đã nói: Đức Giêsu là mục tử, là thượng tế, là đường, là cửa, và Người đã trở thành tất cả cho chúng ta thế nào, thì Người đã xuất hiện như một cuộc lễ, một đại lễ như vậy. Đức Kitô chịu hiến tế chính là Lễ Vượt Qua của chúng ta. Người tiền phong mở đường cho chúng ta đã đi vào thánh điện, đó là Con Chiên vô tỳ tích. Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Người đã trở nên Vị Thượng Tế đời đời theo phẩm trật Menkixêđê, Người tồn tại đến muôn đời muôn thuở.

Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, để thiết lập Giao Ước Mới, được ký kết bằng chính Máu của Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Giêrêmia đã tiên báo về một Giao Ước Mới, mà Thiên Chúa sẽ thiết lập: Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.

Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, để xóa bỏ tội lỗi nhân loại, vì thế, trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 50, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thư gửi tín hữu Hípri cũng đã cho thấy: Đức Kitô đã học biết thế nào là vâng phục, để trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho cho tất cả những ai tùng phục Người. Phục tùng Chúa, chính là phục vụ Người, vì thế, câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói rằng: Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Đó chính là quy luật tiêu hao của tình yêu. Do đó, vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã phải hiến thân chịu khổ hình: đã chấp nhận bị khạc nhổ, để trả lại cho nhân loại sinh khí, trước kia, họ đã lãnh nhận trong vườn địa đàng; đã chấp nhận bị vả trên má, để phục hồi gương mặt hư hỏng của họ cho giống với hình ảnh của Thiên Chúa; đã chấp nhận những đòn vọt trên lưng, để cất đi gánh tội, đè nặng trên vai họ; đã chấp nhận bị đóng đinh vào cây thập giá, vì họ đã từng đưa tay hướng về cây trái cấm mà phạm tội. Ước gì ta cảm nghiệm được tình yêu thương, mà Chúa dành cho ta, để ta cũng biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu ta. Ước gì được như thế!

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay -Năm B

CN5MCb 3

Ga 12, 20-33
“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
          
Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu.
          
Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”.
          
Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.


Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay -B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm

 

 

HỌC YÊU

(Chúa Nhật V Mùa Chay B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng, Lề luật của Ta” (Gr 31,33). Chắc hẳn Lề luật mà Thiên Chúa muốn khắc ghi vào tâm khảm dân của Người chính là Luật của tình yêu. Sau này chính Con Một Người nhập thể đã khẳng định rằng mọi lề luật và lời ngôn sứ gồm tóm trong điều này là anh em hãy làm cho tha nhân những gì anh em muốn tha nhân làm cho mình (x.Mt 7,12).
          
Một trong những khao khát đượm tính hiện sinh của con người đó là được sống và sống mãi. Cái khát vọng này như đã trở thành vô vọng với cả những người quyền cao chức trọng, với các vua chúa xưa lẫn nay. Sở dĩ nó đã trở thành vô vọng, vì người ta quá băn khoăn về cuộc sống đời này trong sự vị kỷ. “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Sự coi thường ở đây không phải là thái độ lơ là, vô trách nhiệm, mà là một sự hiến mình vì tha nhân trong tình yêu.

          
Quy luật của tình yêu đã được thánh Phanxicô Axidi phác họa trong lời kinh hòa bình: “Chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính khi quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chắc hẳn thánh nhân thuộc nằm lòng lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Thật, Thầy bảo thật với anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

          
Đã là quy luật thì có tính khách quan cần phải tuân thủ. Để tuân thủ quy luật nào đó thì trước hết phải nhận biết nó. Thế nhưng không phải mọi quy luật đều hiện hữu cách minh nhiên dễ thấy, dễ nhận ra. Định luật vạn vật hấp dẫn đã có từ khi vũ trụ hình thành thế mà đến cuối thế kỷ XVII Isaac Newton mới phát hiện. Việc khám phá định luật này là kết quả của một quá trình nghiên cứu mà việc thấy quả táo rơi chỉ là điểm khởi đầu. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã khẳng định: “Dầu là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục…” (Dt 5,9), nói đúng hơn, đó là Chúa Giêsu đã trải qua nhiều đau khổ mới học biết thế nào là yêu thương.

          
Yêu thương không hẳn chỉ là cho đi những gì mình có. Với quyền năng của Đấng tạo thành, có từ đời đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô có thể biểu lộ tình yêu bằng việc cung cấp lương thực cho con người. Người cũng đã biểu lộ tình yêu bằng việc giáng phúc thi ân chữa lành bệnh tật, cho người què được đi, người mù được thấy người điếc được nghe… Người cũng đã biểu lộ tình yêu khi làm chủ thiên nhiên hay làm chủ cả quỷ thần. Người lại đã từng biểu lộ tình yêu khi làm cho một số người sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, nếu chỉ cho đi những gì mình có bằng khả năng và quyền hạn của mình thì cũng chưa hẳn đã là yêu đến cùng.

          
Yêu thương cách đích thực là cho đi những gì mình là. Phút giây nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự nguyện cho đi thân phận của một vị Thiên Chúa. Lời đáp ca trong Thánh Lễ Truyền Tin, nói đúng hơn là Thánh Lễ mừng mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể: “Hy sinh và lễ vật, thì Chúa chẳng ưng, này Con xin đến để thực thi ý Người” (x.Tv 40). Suốt ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nỗ lực không ngừng cho đi cái thân phận của Đấng Thiên Sai, Đấng từ trời mà xuống, để sống kiếp “không chỗ tựa đầu” (x.Lc 9,58). Vì yêu thương Chúa Giêsu đã đau xót tột độ đến nỗi mồ hôi tuôn ra pha lẫn máu trong vườn cây dầu, để rồi cho đi thân phận một con người, thân phận của vị vua trên các vua và cả thân phận Con Thiên Chúa của mình bằng cái án bất công và cái chết ô nhục trên thập giá. “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27,40). “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!” (Lc 23,37). Người vẫn ở đó, trên thập giá cho đến hơi thở cuối cùng.

          
Mất tất cả những gì mình có, thật đau xót, nhưng dẫu sao vẫn còn chính mình. Mất tất cả những gì mình là, đúng là một điều tồi tệ, vì chẳng còn gì, ngay cả bản thân. Thế nhưng khi cái điều tồi tệ ấy khi được thực hiện bằng sự ý thức và tự do vì hạnh phúc của tha nhân, thì nó trở thành tiền đề cho tiến trình yêu thương và phát triển. Khi bị mục nát đi, chẳng còn là hạt lúa thì cây lúa mọc lên và các gié lúa trĩu hạt hình thành.
          
Đã yêu là phải tuân thủ quy luật của tình yêu. Để biết được quy luật thì phải học hỏi, tìm tòi. Học mà thôi, vẫn chưa đủ, cần phải tập luyện liên lỉ. Có đau đớn và cũng có xót xa. Có xao xuyến và cũng có hy sinh. Nhưng không thể không tập luyện. Để được sống và sống dồi dào, để sinh được hoa trái và hoa trái tồn tại, khởi đầu xin hãy tập cho đi những gì mình có và tiến dần đến chỗ trao ban những gì mình là, vì người mình yêu, vì người yêu mình, vì cả người ghét mình lẫn kẻ bách hại mình.


CHỊU MỤC NÁT
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật tuần Thương mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng vâng phục Chúa Cha tuyệt đối và yêu thương nhân loại đến cùng; cũng là Đấng ‘chịu mục nát’ để cứu lấy nhân loại đó như lời Ngài đã nói, “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

Sự sống mới, sự sống vĩnh cửu chỉ có thể thực hiện bằng cái chết của bản thân qua sự vâng phục, đau khổ và phục vụ. Muối tạo ra vị mặn của nó bằng cách hoà tan trong nước. Một ngọn nến phát sáng bằng cách đốt bấc và sáp của nó tan chảy. Con sò tạo ra viên ngọc vô giá bằng cách biến đổi từ một hạt cát qua một quá trình lâu dài và đau đớn. Cha mẹ hy sinh bản thân để con cái có được cuộc sống tốt đẹp hơn chính họ.

Chúa Giêsu tự nhận là hạt lúa chịu thối rữa, chịu chết để có thể sinh nhiều bông hạt. Qua mọi thời, Ngài vẫn là mẫu gương tuyệt vời cho con người noi theo. Ngay từ đầu, nhờ chấp nhận chết đi khi vâng phục Chúa Cha, “Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Ngài” - bài đọc hai.

Giêrêmia, hình ảnh báo trước về Chúa Giêsu, cũng là kiểu mẫu cho những ai được gọi để ‘chịu mục nát’. Mặc bao bạo hành, bất công từ những người chống đối mình, chống lại Thiên Chúa, Giêrêmia vẫn đến với dân, nói lời Thiên Chúa cho dân - bài đọc một. Với ông, những linh hồn của dân là nguồn cảm hứng để ông gánh chịu tất cả. Giêrêmia đã làm những gì có thể để dân nhận biết Thiên Chúa là ai. Tuyệt vời thay! Nhờ ông, dân đã trở về và Thiên Chúa đã tha thứ; từ nổi giận, Ngài xót thương, “Vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta; và Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng!”.

Cả chúng ta, nếu đem các linh hồn về cho Chúa Kitô là một trong những niềm vui lớn nhất của mình, thì bạn và tôi cũng cần chuẩn bị để ‘chịu mục nát’ và chết đi như Giêrêmia, như Chúa Giêsu; vì lẽ, các linh hồn sẽ không bao giờ đến được với Chúa bằng giá rẻ!

Fulton Sheen từng kể chuyện một linh hồn bất tín, một thiếu nữ kiêu hãnh sa đoạ. Đó là một thách đố! Ngài mạo hiểm xin Chúa gửi đến những thập giá ngài có thể chịu để cứu lấy linh hồn tuyệt vọng này. Và vị Giám mục sớm nhận ra mình phải chịu một chuỗi thất bại đáng kinh ngạc với những vu khống và bất công ập xuống đến mức ‘sắp phải đầu hàng’. Nhưng nhờ ơn Chúa, ngài vượt qua tất cả và dâng mọi sự cho linh hồn này. Một buổi chiều Tuần Thánh, linh hồn vong thân ấy đã đến. Cô xin xưng tội và Fulton Sheen rất được ủi an khi đọc lời tha tội cho cô!

Kính thưa Anh Chị em,

“Nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Trải nghiệm của Giêrêmia, của Fulton Sheen, của Chúa Giêsu… cho biết giá các linh hồn không hề rẻ. Linh hồn của bạn và tôi cũng không hề rẻ; nó rất đắt, đắt đến nỗi ‘Giêsu’ phải mục nát trên thập giá. Liệu bạn và tôi có sẵn sàng trả một giá tương tự để cứu linh hồn mình và các linh hồn Chúa trao? Con cái, cộng đoàn chúng ta, đặc biệt là những người tổn thương có yêu sách về tình yêu và sự quan tâm của chúng ta; nói cách khác, bạn và tôi có dám ‘chịu mục nát’ không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không linh hồn nào là rẻ, nhất là linh hồn con. Cho con biết thập giá đời con cũng sẽ sinh nhiều bông hạt như thập giá đời Chúa khi con dám mục nát!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây