TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 4 MÙA CHAY

Thứ sáu - 08/03/2024 13:53 |   469
‘‘Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.” (Ga 5,31-47)

14/03/2024
THỨ NĂM TUẦN 4 MÙA CHAY

t5 t4 MC

Ga 5,31-47

ĐƯỜNG VÀO CÕI SỐNG
‘‘Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.” (Ga 5,31-47)

Suy niệm: Trước cái chết, mọi người đều bất lực, không ai thoát khỏi. Dù sinh thời có thu tích bao nhiêu của cải, vinh quang, quyền lực… khi chết tất cả đều trở về cát bụi hư vô: “Trăm năm nào có gì đâu! Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” (Cung Oán). Duy có Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, khẳng định nhiều lần Ngài là Đấng đem lại sự sống: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6) và Ngài đến “để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Mặc dù Chúa Giê-su viện dẫn nhiều lời chứng có thế giá: lời chứng của Gio-an Tẩy giả và cả lời chứng của Chúa Cha, để minh chứng Ngài là Đấng ban sự sống, thế mà đáng buồn thay, Chúa nói với người Do Thái: “Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.”
 

Mời Bạn: Cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá là hiến lễ đền tội, giao hòa ta với Thiên Chúa, cùng với cuộc phục sinh của Ngài là nguồn mạch tuôn trào sự sống mới, như lời kinh Tiền tụng lễ Phục Sinh: “Ngài đã chết để tiêu diệt sự chết nơi chúng con và đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con”. Chúa Giê-su cũng hỏi bạn: Bạn có muốn đến với Ngài để nhận được sự sống không? Mùa Chay nhắc ta nhớ hồng ân sự sống ta đã lãnh nhận và thúc giục ta chừa bỏ tội lỗi, luyện tập nhân đức để sự sống đó được lớn mạnh lên.

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm xa tránh tội lỗi và chống trả mạnh mẽ những chước cám dỗ phạm tội để luôn sống trong ân nghĩa với Chúa.
 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết tin tưởng vào Lời Chúa và trung thành bước đi theo Chúa trên con đường dẫn vào sự sống Chúa mở ra cho chúng con. Amen.

Thứ Năm MC IV: Lạy Chúa! Chúa nói: có Chúa Cha làm chứng cho Chúa, và Chúa không cần lời chứng của phàm nhân, bởi Chúa Cha là Đấng chân thật làm chứng về Con của mình, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống. Chúa chỉ cần Chúa Cha làm chứng, bởi vì, Chúa Cha chỉ là MỘT, là DUY NHẤT, nên lời chứng của Người là chân thật. Chúng con được Chúa yêu thương cách nhưng không, không cần ai phải làm chứng, Chúa chính là bảo chứng cho chúng con. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: trở nên đơn giản, thuần khiết, như con thơ nên một cùng với Cha của mình. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 4 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Tâm hồn những ai tìm Chúa hãy vui mừng. Hãy tìm kiếm Chúa thì sẽ được sức mạnh, hãy luôn luôn tìm kiếm thánh nhan Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nhờ ơn Chúa giúp chúng con mới biết hy sinh hãm mình, để tránh xa tội lỗi đồng thời biết thi hành bác ái, để thánh hoá xác hồn. Xin cho chúng con được trung thành giữ điều răn Chúa và trở nên người mới hầu xứng đáng mừng lễ Vượt Qua. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Xh 32, 7-14

“Xin Chúa tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Mô-sê rằng: “Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: “Hỡi Ít-ra-en, này là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập”. Chúa phán cùng Mô-sê: “Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại”.

Mô-sê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: “Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa đừng để cho người Ai-cập nói rằng: “Người đã khéo dẫn họ đến đây, để giết họ trên núi và hủy diệt họ khỏi mặt đất”. Xin Chúa nguôi cơn giận và tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa. Xin Chúa nhớ đến Áp-ra-ham, I-sa ác, và Ít-ra-en tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: “Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời, Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi”. Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe dọa phạt dân Người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 105, 19-20. 21-22. 23

Ðáp: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài

Xướng:  Họ đã đúc con bò tại Horeb, và lễ bái thần tượng đã đúc bằng vàng. Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng con bò ăn cỏ.

Xướng: Họ đã quên Thiên Chúa là Ðấng cứu độ mình, Ðấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Ðấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Ðỏ.

Xướng: Chúa đã nghĩ tới chuyện tiêu diệt họ cho rồi, nếu như Môsê là người Chúa chọn, không đứng ra cầu khẩn với Ngài, để Ngài nguôi giận và đừng tiêu diệt họ.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Chúa phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”.

Phúc Âm: Ga 5, 31-47

“Có người tố cáo các ngươi, đó là Môsê, người mà các ngươi vẫn tin tưởng”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giê-su nói với dân Do-thái rằng: “Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực. Có một Ðấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực. Các ngươi đã sai người đi hỏi Gio-an, và Gio-an đã làm chứng cho sự thật. Phần Ta, Ta không cần chứng của loài người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu thoát. Gio-an là cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một thời gian. Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của Gio-an: vì công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công việc Ta đang làm. Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta. Và Chúa Cha, Ðấng đã sai Ta, chính Người cũng làm chứng về Ta. Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa bao giờ nhìn thấy mặt Người, và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được, vì các ngươi không tin Ðấng Người đã sai đến. Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống.

Ta không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ đón nhận nó. Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được? Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Mô-sê, tức là người mà các ngươi vẫn tin tưởng. Vì nếu các ngươi tin Mô-sê, thì có lẽ các ngươi cũng đã tin Ta, bởi vì chính Mô-sê đã viết về Ta. Nhưng mà nếu các ngươi không tin điều Mô-sê đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời Ta được?”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cho lễ tế này nâng đỡ đức tin yếu hèn của chúng con, giúp chúng con vững bước trên con đường công chính. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa chay

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Ta sẽ đặt lề luật Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi nó trong tâm hồn chúng, Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được phúc chia sẻ bánh bởi trời; xin giải thoát chúng con khỏi vòng tội lỗi, để từ đây không còn bị lương tâm cắn rứt, chúng con vui mừng hưởng ân huệ dồi dào Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

LỜI CHỨNG VỀ ĐỨC GIÊ-SU
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Đoạn Tin Mừng hôm nay thuộc phần thứ 2 trong bài diễn từ về công việc của Đức Giê-su (Ga 5,19-47), qua đó Người muốn đáp trả trước những lời buộc tội của những kẻ chống đối: “Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5,18).

Đức Giê-su không tự mình bào chữa nhưng Người cũng đưa ra những nhân chứng có uy tín để làm chứng cho mình: ông Gio-an Bao-ti-xi-ta, Chúa Cha và Thánh Kinh. Thật vậy, chính ông Gio-an Tẩy Giả đã loan báo về Đức Giê-su. Ông đã cử hành phép rửa cho Chúa và đã chỉ cho các môn đệ của ông đến gặp Người. Còn Thiên Chúa Cha, một nhân chứng quan trọng hơn ông Gio-an, đã hiện ra ở sông Gio-đan và trên núi Ta-bo-rê để tuyên bố về Đức Giê-su rằng: “Đây là Con Ta rất yêu dấu”. Và sau cùng, Kinh Thánh – quyển sách mà được nhiều người Do Thái biết đến và nghiên cứu, cũng nói về Đức Giê-su, làm chứng cho Người và chính Người đã đến để thực hiện những gì được chép trong Kinh Thánh.

Tuy nhiên, tất cả những lời chứng này cũng không thể giúp cho những người Do Thái tin vào Đức Giê-su, Đấng Mê-si-a đã đến giữa trần gian. Tâm hồn của họ vẫn còn khô cứng, chai đá và chưa mở ra để đón nhận Chúa. Họ còn đang tìm kiếm những vinh quang cho chính mình. Vật chất, danh vọng và những đam mê trần thế đang trói buộc và khiến cho họ xa lìa Thiên Chúa, không muốn tìm kiếm vinh quang xuất phát từ Ngài.

Ngày hôm nay, nhiều lời chứng về Đức Giê-su vẫn được tỏ ra trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Kinh Thánh, Giáo huấn của Giáo Hội, việc cử hành Phụng vụ hay đời sống chứng nhân của các vị Thánh và của những anh chị em… đang tiếp tục loan báo về Đức Giê-su và mời gọi chúng ta nhận ra Người – Đấng Cứu Thế. Mỗi chúng ta hãy nhìn nhận lại chính mình và khiêm tốn mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa vào trong cuộc đời mình.

 

NHỮNG CHỨNG TỪ VỀ CHÚA CON (Ga 5, 31-47)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Khi chữa bệnh cho người bất toại ở bờ hồ Bết-sai-đa vào ngày sa-bat, người ta hạch hỏi Đức Giê-su đã lấy quyền nào mà làm như vậy. Đức Giê-su trả lời cho họ biết: Ngài noi gương Thiên Chúa là Cha của Ngài mà làm như vậy. Họ không tin. Đức Giê-su lại nói: chính  Thánh Kinh và Mai-sen (phải hiểu là Cựu Ước) làm chứng rằng Ngài chính là Mê-si-a, Con Thiên Chúa. Nếu họ tin Mai-sen thì họ phải tin lời chứng của Mai-sen.

2. “Trong toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người Do-thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa, và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến” (Mỗi ngày một tin vui). Tại sao có thảm kịch này? Vì người Do-thái nuôi sẵn một hình ảnh về Đấng Mê-si-a, hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy che mất hình ảnh đích thực của Đấng Mê-si-a. Ta thấy đó, người ta có thể đọc Sách Thánh mà không tìm thấy Thiên Chúa nhưng chỉ thấy chính mình.

3. Người ta thường nói: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nắm được thiên cơ – thiên thời – là yếu tố quan trọng hạng đầu của sự thành công. Thực tế cho thấy, nhiều người, vì không biết tận dụng thời cơ, nên đã rơi vào thất bại đáng tiếc, dù họ có rất nhiều điều kiện thuận lợi.

Mọi người đều khao khát gặp Đấng Cứu Độ để được sự sống đời đời. Qua Kinh Thánh, người Do-thái được Thiên Chúa ưu ái cho biết Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện trong dân tộc của họ. Vì thế, họ đã kiên nhẫn chờ đợi Người suốt cả hàng ngàn năm. Tuy nhiên, chỉ vì thành kiến sai lầm và cố chấp không chịu tin, nên khi Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ đích thực đến, họ không nhận ra, nên đã bỏ lỡ cơ hội để gặp gỡ và yêu mến Người.

4. Mặc dù Đức Giê-su đã làm đủ cách để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Chúa Cha sai đến, nhưng người Do-thái vẫn không chịu tin để được sống, để khỏi bị xét xử và bị luận phạt. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Đức Giê-su phải nại đến ba nhân chứng có uy tín để làm chứng cho Ngài, đó là Chúa Cha, Gio-an Tẩy Giả và Thánh Kinh, bởi vì theo luật thời đó, phải có hai ba nhân chứng thì mới được chấp nhận.

5. Trước hết, chính Thiên Chúa Cha làm chứng cho Đức Giê-su. Chúng ta thấy có hai lần Chúa Cha tuyên bố: “Đây là Con Ta rất yếu dấu”, một lần khi Đức Giê-su chịu phép rửa ở sông Gio-đan, và một lần khi Đức Giê-su biến hình trên núi Ta-bo-rê. Đó là bằng chứng hùng hồn cho thấy Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, và Chúa Cha muốn mọi người tin Đức Giê-su thật  là Con Ngài.

6. Thứ đến, Gio-an Tiền Hô làm chứng cho Chúa. Tin Mừng nói: “Có một người, tên là Gio-an, ông đến để làm chứng, để chứng thật về ánh sáng, ngõ hầu mọi người nhờ ông mà tin”. Chính Gio-an đã làm chứng cho Đức Giê-su bằng sự tự khiêm tự hạ: “Tôi không đáng cởi dây giầy cho Đấng đến sau, nhưng đã có trước tôi”. Rồi khi Đức Giê-su đến, Gio-an đã chỉ vào Chúa và nói cho các môn đệ: ”Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Sau hết, Gio-an đã làm chứng cho Chúa bằng sự nhỏ đi, bằng cái chết của mình.

7. Sau cùng, Kinh Thánh chép về Đức Giê-su và chính Đức Giê-su đã thực hiện như lời Kinh Thánh chép về mình. Đáng lẽ Kinh Thánh là chứng từ có giá trị nhất để người Do-thái tin nhận Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, vì họ vẫn công nhận Kinh Thánh là lời hứa của Thiên Chúa; nhưng rất tiếc họ đã đọc Kinh Thánh hằng ngày, đã nghiền ngẫm Kinh Thánh mà không nhận ra rằng Đức Ki-tô đã được Chúa Cha sai đến để cứu họ.

8. Tóm lại, mặc dầu Đức Giê-su đã đưa ra những bằng chứng xác thực để minh chứng Ngài là Đấng Cứu Thế, nhưng người Do-thái vẫn không nhìn nhận Ngài. Tại sao vậy? Thưa vì họ thiếu ý hướng ngay lành khi đi tìm Lời Chúa, rồi họ lại tự cao tự mãn, làm cho họ thành những người cố chấp không tin.

Không chỉ quở trách người Do-thái cố chấp không tin, hôm nay Chúa cũng đang chất vấn và quở trách chúng ta về cách sống “thực dụng” của mình mang những dấu ấn không tin một cách thực tiễn khi chúng ta khước từ Thiên Chúa để chạy theo vật chất, những danh vọng, những đam mê trên thế  gian làm chúng ta xa dần Thiên Chúa – hạnh phúc đích thực.

9. Truyện: Chó cứ sủa, trăng vẫn sáng.

Vị thẩm phán đến thi hành nhiệm vụ tại một thị trấn nọ, ông thường bị một luật sư kiêu căng ở đó chế nhạo, khích bác.

Tại một bữa ăn tối, có người hỏi vị thẩm phán sao không có biện pháp mạnh đối với viên luật sư kia. Vị thẩm phán bèn dừng bữa, một tay chống cằm, một tay để trên bàn, kể chuyện:

– Chỗ tôi ở có một bà góa nuôi một con chó. Con chó thật xinh, nhưng có tật là hễ thấy ánh trăng là nó tru lên. Có khi suốt cả đêm.

Kể tới đó, ông ngừng lại và ăn tiếp. Tò mò, một người hỏi:

– Này ông thẩm phán, rồi con chó và mặt trăng ra sao?

– Con chó cứ tru và mặt trăng cứ tiếp tục tỏa sáng.

NHỜ ƠN CHÚA GIÚP
(THỨ NĂM TUẦN 4 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 4 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chính nhờ ơn Chúa giúp, mà chúng ta biết hy sinh hãm mình, để tránh xa tội lỗi, đồng thời, biết thi hành bác ái để thánh hóa xác hồn. Xin Chúa cho chúng ta được trung thành giữ điều răn Chúa và trở nên người mới, hầu xứng đáng mừng lễ Vượt Qua.

Nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta mới có thể thực hiện được ba việc chính của Mùa Chay là: ăn chay, bố thí và cầu nguyện. Không có ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ không dám đối mặt với những khó khăn thử thách. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Dân Số cho thấy: Nơi Thiên Chúa muốn đưa chúng ta tới thật là tuyệt diệu, nhưng, đường đi thì cheo leo, quân thù thì hung hãn, là vì sự dữ ở ngay trong chúng ta, như một thứ nội công. Tại Cađê, dân Ítraen đã sống trong một tình huống tương tự: Ta không thể lên đánh dân ấy, vì họ mạnh hơn ta. Trước mặt con cái Ítraen, họ bắt đầu chê bai miền đất họ đã do thám. Anh em đã không muốn tiến lên, đã cưỡng lệnh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã kêu ca lẩm bẩm. Trong việc ấy, anh em đã không tin vào ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em.

Nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta mới có thể đón nhận thập giá của Đức Kitô. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả nói: Ước chi những hoạt động trong đời sống hiện tại không làm chúng ta lo âu hay tự mãn, đến nỗi, không đem tất cả lòng yêu mến, mà cố gắng nên đồng hình đồng dạng với Đấng cứu chuộc chúng ta, bằng cách noi theo các gương sáng của Người. Chúng ta rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ, nhưng, đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.

Nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta mới không bội phản, thất trung cùng Chúa. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Xuất Hành cho thấy: Đức Chúa bừng bừng nổi giận với Dân của Người, bởi vì, họ đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó và tế nó. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 105, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến con, bởi lòng thương Dân Ngài. Chúa tính chuyện sẽ tiêu diệt họ, nếu người Chúa chọn là Môsê chẳng đem thân cản lối, ở ngay trước mặt Người, hầu ngăn cơn thịnh nộ, kẻo Chúa diệt trừ Dân.

Nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta mới tin tưởng vững vàng vào tình yêu thương của Chúa dành cho chúng ta. Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Kẻ tố cáo các ông chính là ông Môsê, người mà các ông tin cậy. Chính Môsê là người đã cầu xin cho Dân Chúa: Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại Dân của Ngài. Môsê là hình ảnh tiên trưng cho Đức Giêsu: Nhờ sự can thiệp của Môsê, mà Đức Chúa đã tha cho Dân của Người; Nhờ Đức Giêsu, mà nhân loại được hòa giải với Thiên Chúa. Điều này cũng tiên báo trước Đức Giêsu sẽ dùng chính cái chết của mình, để cứu chuộc… cả những kẻ chống đối, loại trừ mình, với lời bào chữa cho họ: Xin Cha tha cho họ, bởi vì, họ không biết việc họ làm. Như cây “hương mộc” vẫn tiết ra hương thơm cho cả chiếc rìu chặt nó, tình yêu cứu chuộc của Chúa vẫn tuôn đổ trên những kẻ bách hại mình. Ước gì chúng ta cảm nghiệm được phần nào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, để chúng ta mau mắn đáp lại tình yêu ấy, mà hưởng ơn cứu độ của Người. Ước gì được như thế!

TRAO SỰ SỐNG VÀ CỨU SỐNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta chẳng quên ngươi bao giờ!”.

“Cuộc sống con người là một tiến trình liên lỉ làm quen với những điều không ngờ! Thiếu nhi trìu mến, thiếu niên dễ dạy, 20 hãnh tiến, 30 không mệt mỏi, 40 bốc lửa, 50 mạnh mẽ, 60 nghiêm túc, 70 trầm mặc; 80 đau đớn, thở gấp và đợi chết! Nhưng, ở bất cứ giai đoạn nào, một cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi nó ‘trao sự sống và cứu sống!’” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Trái ngược hoàn toàn với ý tưởng trên, Thiên Chúa không trải qua một giai đoạn nào! Ngài hằng hữu, hằng sống và đời đời! Ngài là Đấng ‘trao sự sống và cứu sống!’. Lời Chúa hôm nay cho thấy Ngài dịu dàng như người mẹ; kiên định như người cha. Từ các thuộc tính ấy, Gioan đi đến một định nghĩa không thể tuyệt vời hơn, “Thiên Chúa là Tình Yêu!”.
Isaia gợi lên hình ảnh một phụ nữ mang nặng đẻ đau với đứa con thót lọt trong lòng bà, biểu trưng sự ràng buộc giữa Thiên Chúa và con người - bài đọc một. Nếu một phụ nữ không thể quên con mình thì Thiên Chúa càng không thể quên mỗi người chúng ta. “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”; tác giả Thánh Vịnh đáp ca đã lột tả cách đơn sơ tất cả những gì trìu mến nhất mà tình yêu của một người mẹ, người cha có thể có đối với con mình.

Nếu về mặt con người, cần một người nam và một người nữ để mang lại một sự sống mới; thì về mặt thiên linh, cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu quá đủ để ban cho chúng ta sự sống thần linh của Ngài. Ngài đã đến thế gian; nhờ Ngài, qua Ngài và trong Ngài, chúng ta có sự sống của Thiên Chúa một cách trọn vẹn! Khi nói đến ‘giờ’ của Ngài, Chúa Giêsu dùng hình ảnh một phụ nữ sắp sinh con; ở đây, Ngài muốn nói, chính qua ‘giờ sinh nở’ tử nạn và phục sinh của Ngài, Ngài ban sự sống mới! Ai mở lòng ra, tức là tin vào Ngài, người ấy sẽ nhận được sự sống này, một sự sống từ trên cao, vĩnh cửu; và sau sự chết, họ đi vào cõi đời đời với Ngài. Vì thế, tất cả các môn đệ Giêsu, thuộc mọi thời, mọi đấng bậc, nam hay nữ, kết hôn hay độc thân, đều được kêu gọi chia sẻ công việc hiến dâng của Ngài; cùng Ngài ‘trao sự sống và cứu sống’ trong thế giới!

Kính thưa Anh Chị em,

“Cho dù người mẹ có quên đứa con mình đã cưu mang, thì Ta, Ta chẳng quên ngươi bao giờ!”. Tìm đâu được một câu nói ngọt ngào và trìu mến đến thế qua ngôn từ nhân loại hay thần minh trên thế gian này? Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành ấy là Cha chúng ta! Cảm nghiệm được tình yêu và hạnh phúc khi được làm con Chúa, không ai trong chúng ta được phép sống tầm thường! Bạn và tôi buộc phải chọn sống một đời sống có ý nghĩa! Vậy, hãy thôi sống lây lất, tiếc nuối ‘thuở lang thang’, thôi ‘sống qua ngày đợi qua đời!’; nhưng tuỳ sức mình, chúng ta tái tạo tình yêu, tái tạo niềm vui, bình an cho mình và cho người khác. Được như thế, bạn và tôi đang cùng Chúa ‘trao sự sống và cứu sống’ vậy!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dẫu con là ai - 30, 40 hay ‘mấy mươi’ đi nữa, chỉ ‘thở gấp và đợi chết’ - cho con luôn là một ‘vũ khí khủng khiếp’ mở rộng Vương Quốc trong tay Chúa!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây