TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – C

Thứ sáu - 02/09/2022 06:19 |   1663
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 26)

04.09.2022
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – C

 

cn23TN C

Lc 14, 25-33

TIÊU CHUẨN LÀM MÔN ĐỆ CHÚA
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 26)

Suy niệm: Chất lượng cao, bền, đẹp, giá thành hạ là những tiêu chuẩn người ta thường dựa vào để đánh giá một sản phẩm. Cũng thế về con người, thế gian có những tiêu chuẩn để đánh giá. Tiền bạc, quyền chức, thành công, có nhà cửa vẫn luôn là tiêu chuẩn ưu thế. Đối với Thiên Chúa, tiêu chuẩn số một phải có nơi người muốn thuộc về Ngài là kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Đây là tiêu chuẩn không thể thay thế, dù trong hoàn cảnh nào, dù vì lý do gìn giữ mạng sống, nhưng nó thay thế cho mọi tiêu chuẩn đánh giá con người. Khi đòi hỏi như thế, Thiên Chúa biết rõ trong tâm trí của Ki-tô hữu không chỉ có tiếng của Thiên Chúa, mà còn có nhiều tiếng khác đang cạnh tranh tìm cách chi phối thánh ý Chúa. Bởi thế, là người cha đầy lòng yêu thương, Chúa nói những lời trên với ta như những người con trưởng thành, tin tưởng chúng luôn biết chọn lựa dựa vào tiêu chuẩn kính mến Chúa trên hết mọi sự.

Mời Bạn: Có quá nhiều tiêu chuẩn thiên hạ đưa ra để đánh giá con người. Nơi bạn đang sống, tiêu chuẩn nào đang được người ta chú trọng? Tiêu chuẩn đó có thay thế hay làm giảm giá tiêu chuẩn kính mến Chúa trên hết mọi sự không? Khi quyết định một việc, bạn dựa vào tiêu chuẩn nào?

Sống Lời Chúa: Khi sắp quyết định làm việc gì, bạn hãy nhớ đến Lời Chúa dạy mình làm gì trong việc này.

Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã yêu thương chúng con đến nỗi thí ban Con Một yêu dấu của Cha là Đức Giê-su. Xin cho chúng con cũng biết mến yêu Cha trên hết mọi sự.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm C

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXIII năm C hôm nay, cho chúng ta biết Chúa Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem, và có rất nhiều người đi theo, nên Chúa Giêsu đưa ra những điều kiện để có thể theo Người làm môn đệ, đó là: từ bỏ những người thân, kể cả mạng sống mình, vác Thập Giá mà theo Chúa. Đây quả là điều kiện vô cùng khó khăn cho những ai muốn theo Đức Kitô, muốn tôn vinh Người là Sư Phụ.

Nhờ lời Chúa nhắc nhở và ơn thánh trợ giúp, chúng ta sẽ can đảm hơn để từ bỏ con người trần tục của mình, kiên quyết hơn trước những lôi kéo và cám dỗ của trần gian và nhiệt thành, hăng say bước theo chân Chúa đến đỉnh đồi Can-vê với tâm hồn thống hối ăn năn.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Kn 9, 13-18

“Ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn. Vì xác hay hư nát làm cho linh hồn ra nặng nề, và nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề.

Chúng tôi ước lượng cách khó khăn các việc dưới đất, và khó nhọc tìm thấy những sự trước mắt. Còn những sự trên trời, nào ai khám phá ra được? Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống. Như thế, mọi đường lối những kẻ ở dưới đất được sửa lại ngay thẳng, và loài người học biết những sự đẹp lòng Chúa.

Vì, lạy Chúa, những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17

Ðáp: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).

Xướng: Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến cho con người trở về bụi đất, Ngài phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”. 

Xướng: Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô. 

Xướng: Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. 

Xướng: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.

Bài Ðọc II: Plm 9b-10. 12-17

“Con hãy tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Philêmon.

Con thân mến, Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, cha nài xin con cho Ônêsimô, đứa con cha đã sinh ra trong xiềng xích.

Cha trao nó lại cho con. Phần con, con hãy đón nhận nó như ruột thịt của cha. Cha cũng muốn giữ nó lại để thay con mà giúp đỡ cha trong lúc cha bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa con một thời gian để rồi con sẽ tiếp nhận muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với cha, huống chi là đối với con, về phần xác cũng như trong Chúa. Vậy nếu con nhận cha là bạn hữu, thì xin con hãy đón nhận nó như chính mình cha vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 25-33

“Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.

“Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: ‘Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi’.

“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giữa những nhộn nhịp và lôi cuốn của thế tục, chúng ta cần phải có những thời gian lặng tĩnh, để có thể nghe được tiếng Chúa mời gọi dấn thân, can đảm từ bỏ tất cả, để trở nên những chiến sĩ của vương quốc tình yêu trong một thế giới hỗn độn này. Chúng ta cùng hiệp nhau cầu xin :

1. “Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa?” – Xin cho các vị Chủ chăn được sự khôn ngoan, trong việc tìm kiếm ý Chúa khi thi hành thánh chức, để những gì các ngài thực hiện đều đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và ích lợi cho đoàn chiên.

2. “Con hãy tiếp nhận nó …như một người anh em rất thân mến Xin cho các tín hữu nhớ lại ấn tích rửa tội đã lãnh nhận, đòi buộc họ phải đoạn tuyệt với tội lỗi để thuộc về Chúa. Nhờ đó, họ sẽ cố gắng duy trì mối dây hiệp thông với Chúa và nhìn nhận mọi người là anh em.

3. “Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác” – Xin cho những ngòi chiến tranh đang bùng nổ giữa các dân tộc được dập tắt ngay từ đầu, để mọi người có thể được hưởng một cuộc sống ấm no, thanh bình và nhận ra bàn tay quan phòng kỳ diệu của Chúa .

4. “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” – Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết nhìn lên Chúa như mẫu gương, và động lực thúc đẩy chúng ta chiến thắng bản thân, để xứng đáng là môn đệ đích thực của Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha, chấp nhận hủy mình để nên nguồn ơn cứu độ cho chúng con. Xin giúp chúng con biết chết cho bản thân mỗi ngày, để đời chúng con cũng được hiệp với hi tế đền tội của Chúa dâng lên Chúa Cha, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời..

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…

 Ca hiệp lễ

Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy Niệm

Như người tôi tớ.

Theo sự tính toán của người đời, thì mỗi khi chúng ta theo đuổi một con người, một công việc hay một chế độ nào, thì chúng ta phải thu lại được những lợi lộc vật chất hay những địa vị danh giá. Đó là điều hết sức bình thường và hợp lý. Chính mười hai môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu cũng đã có một tâm trạng như vậy.

Chẳng thế mà có lần các ông đã không biết sượng sùng khi đặt thẳng câu hỏi này với Chúa: “Lạy Thầy, chúng con đã bỏ hết mọi sự để theo Thầy, vậy thì chúng con sẽ được lại những chi?”. Các ông cũng đã từng tranh cãi xem ai trong các ông là người quan trọng nhất trong cái triều đình của Chúa. Các ông cũng đã từng bực dọc ghen tức khi thấy mẹ của Gioan và Giacôbê đến xin Chúa dành cho hai con mình những chỗ ngon nhất, đó là được ngồi bên tả và bên hữu Chúa.

Đứng trước quan niệm thông thường ấy của các môn đệ, của những người theo Chúa, Ngài đã có một lập trường khác hẳn, vừa khó nghe lại vừa khó hiểu. Ngài nói: Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không đáng làm môn đệ Ta. Ai yêu con trai, con gái hơn Ta thì không đáng làm môn đệ Ta. Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không đáng làm môn đệ Ta. Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ giữ lấy được. Lần khác Chúa cũng nói: Ai là người nhỏ nhất trong anh em thì kẻ ấy sẽ là người lớn nhất. Và Ngài cũng đã khuyên nhủ các môn đệ: Vương giả trần gian thì làm chúa thiên hạ và những ai cầm quyền thì bắt dân gọi mình là ân nhân. Phần các con thì đừng làm như thế, trái lại ai lớn nhất trong các con thì phải trở nên người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu thì phải hầu hạ mọi người. Thầy sống giữa các con như một kẻ tôi tớ.

Những lời mời gọi chói tai này đã làm cho không ít người phải khó chịu, nhưng đồng thời cũng những lời tuyên bố ngược đời này vẫn không ngừng lôi cuốn biêt bao người dấn thân vào một cuộc phiêu lưu, không biết đâu là giới hạn. Nếu Đức Kitô chỉ là một con người bình thường, hoặc giả là một bậc vĩ nhân đi nữa, mà nếu Ngài chỉ nói suông như thế thì cũng chẳng mấy ai tin. Nhưng Ngài còn là Con Thiên Chúa và lời Ngài có được cái giá trị siêu việt. Hơn nữa, chính Ngài đã lấy cả cuộc sống và cái chết để minh chứng lời Ngài là sự thật. Còn chúng ta thì sao? Trước lời mời gọi của Chúa, chúng ta có dám sống tinh thần từ bỏ và chấp nhận mọi hy sinh để bước theo Chúa hay không?
 

Chúa Nhật 23C Thường Niên
(Lc. 14: 25-33) Lm Lã Mộng Thường

Thêm một lần nữa Lời Chúa qua Phúc Âm nêu lên những điều nghịch thường nếu được hiểu theo nghĩa đen hoặc chiều hướng luân lý hiện đại, “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ Ta”. Dĩ nhiên, Đức Giêsu không đến để tàn phá luân lý con người và như vậy dẫu dùng những sự kiện nhân sinh để ám định về điều kiện cũng như trạng thái tâm thức một người cần phải có hầu kiện toàn hành trình tâm linh, những lời giảng dạy của Ngài nơi Phúc Âm không lệ thuộc luân lý nhân sinh biến chuyển tùy thuộc thời đại và nơi chốn cũng như phong tục tập quán của các dân tộc khác nhau. Đức Giêsu được sai đến rao giảng Tin Mừng Nước Trời.

Như vậy, xét theo nghĩa đen hoặc luân lý, không ai trong chúng ta thực hiện trung thực lời Phúc Âm nơi cuộc đời; nhất là câu nói nơi phần cuối của bài Phúc Âm vừa được công bố, “Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có thì không thể làm môn đệ Ta”. Tất nhiên chúng ta không ai chấp nhận trở thành kẻ vô gia cư, đứng đường đứng chợ hoặc gánh nặng cho những người đồng thời. Hơn nữa, nếu chúng ta không thể tự lo lắng cho chính mình mà ngược lại trở thành kẻ ăn bám xã hội thì sao có thể giúp người khác, sao có thể thực hiện lòng bác ái cũng như đóng góp, phụ giúp cho những sinh hoạt xã hội, và sao nhà thờ có thể đứng vững để làm nơi cho chúng ta thờ phượng! Thêm vào đó, kinh nghiệm sống minh chứng “Bần cùng sinh đạo tặc”. Khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn kiếm sống và vì nghèo túng, con người dễ sa ngã nơi những trường hợp bất lương. Ngược lại, ở những môi trường khá giả dễ kiếm kế sinh nhai, con người dễ trở nên tốt lành, thánh thiện vì “Phú quý sinh lễ nghĩa”.

Bởi đó, nếu chúng ta không để tâm suy nghiệm về những lời dạy nơi Phúc Âm để áp dụng nơi cuộc đời, lý do gì chúng ta dám cả gan tuyên xưng hoặc hãnh diện mình là người Công Giáo? Và phương cách nào hoặc lấy chi minh chứng để chúng ta có thể cho rằng mình tin theo Đức Giêsu? Dĩ nhiên, nếu chúng ta đã cố gắng hết sức nhưng không thể cải thiện hoặc cải tiến con người và sự việc để rồi thất bại, chúng ta không phải mang trách nhiệm hoặc không bị lương tâm cắn rứt về những trường hợp “Vô tri bất mộ”. Ngược lại, nếu chúng ta đã không bao giờ đặt vấn đề nghiệm xét, hoặc vì ỷ lại, hay coi thường, khinh khi sự nhận biết thâm sâu về Lời Chúa, tất nhiên sẽ không bao giờ có thể nhận thức về Tin Mừng Nước Trời, sẽ không bao giờ được cứu độ, hay giải thoát, mà suốt đời trầm luân nơi vô minh, u tối, chẳng có hy vọng gì đặt chân vào ngưỡng cửa Nước Thiên Chúa. Những sự dạy dỗ, giải thích của bất cứ ai không thể làm cho chúng ta trở nên thánh thiện hơn, không thể giúp chúng ta có cuộc sống tốt lành, thoải mái hơn. Sự hiểu biết không thể biến chúng ta biến chuyển, thay đổi, hoặc thăng tiến. Sự thăng tiến, thánh thiện, hay nhận thức chính là kết quả của nghiệm chứng, thực nghiệm, hay thực hành. Thánh PhaoLô dạy chúng ta, “Hãy nghiệm xét mọi sự; sự gì lành hãy giữ lấy, và hãy kỵ điều dữ dưới bất cứ hình thức nào”. Kinh nghiệm tâm linh giúp chúng ta nhận thức rõ ràng đó là không ai có thể thỏa mãn lòng khát khao nhận biết Thiên Chúa nơi mình; chỉ chính mình mới có thể nghiệm chứng sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cuộc đời. Sự nhận thức Lời Chúa, sự nghiệm chứng Nước Trời chẳng khác gì sự thể uống nước. Ai uống người đó tự biết nước ngon ngọt hoặc nóng lạnh thế nào. Đây chính là ý nghĩa của hai dụ ngôn về người dự định xây tháp và suy tính của vị vua trước khi quyết định ra quân đương đầu đối phương. Họ phải dự tính, suy nghĩ, cân nhắc lợi hại và đắn đo xem sự thể có áp dụng được hay không. Chúng ta cũng cần thực hiện suy tính như thế khi nghe hoặc đọc Lời Chúa. Đọc hoặc nghe Phúc Âm hay những lời giảng giải mà không để tâm nghiệm chứng, suy nghiệm thì chẳng khác gì năm cô phù dâu khờ dại, bảo sao nghe vậy và sẽ bị từ chối tham dự tiệc cưới, hoặc người đầy tớ được ban cho một nén bạc mà vì quá sợ hãi sai lầm nên đem chôn do đó đã bị trừng phạt.

Như vậy, bài Phúc Âm khuyến khích và nhắc nhở chúng ta suy nghiệm Lời Chúa để nhận thức thực trạng tâm hồn của mình. Phỏng chúng ta có thực tâm nghiệm chứng Lời Chúa hay không, và phỏng chúng ta có tin theo Đức Giêsu hay không, hoặc chỉ cho rằng, nghĩ rằng mình theo Chúa, mình tin Chúa mà không biết mình tin thế nào, cũng như không biết mình tin về sự gì. Không ai có thể suy nghiệm và nhận thức dùm chúng ta. Chính Chúa cũng không thể nghiệm chứng dùm cho bất cứ ai. Nếu ai đã để tâm suy nghiệm Lời Chúa sẽ nhận biết rõ ràng một điều và đó là sự suy nghiệm Phúc Âm, sự nghiệm chứng Tin Mừng Nước Trời giải thoát tâm hồn khỏi muôn vàn trắc trở con đẻ của tham vọng thế tục, đồng thời nhận thực được vị thế cũng như giá trị thân phận làm người quả là quá ư cao trọng. Thêm vào đó niềm an bình tâm tưởng cũng như sự thánh thiện phát sinh từ chính sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mình chứ không thể đắp vá hoặc hội nhập từ bất cứ nơi nào bên ngoài. Bỏ cha mẹ, anh em, bỏ ngay cả chính mạng sống của mình có nghĩa suy nghiệm vượt khỏi quan niệm, kiến thức bình thường thế tục. Chúng ta cần mở rộng lòng để Thánh Thần thực hiện công việc suy nghiệm nơi tâm trí. Chúng ta cần suy nghĩ khác thường, không lệ thuộc kiến thức hay quan niệm sẵn có. Cha mẹ, anh em, mạng sống chính là những gì thân thiết nhất đối với mình. Tôi muốn nêu lên một thí dụ, nơi gia đình, vợ chồng thường bị xung khắc chỉ vì quan niệm khác nhau và nhiều khi xảy ra sự thể “Ông nói gà, bà nói thóc”. Thêm vào đó, ai cũng cho mình là đúng, chỉ nhận xét của mình mới là mẫu mực chung. Dẫu tình nghĩa vợ chồng thâm trọng như thế nhưng người phối ngẫu vẫn chưa thân thiết với bản thân bằng quan niệm, ý định hay ước muốn riêng tư.

Nhận định như thế, Lời Chúa trình bày cho chúng ta điều kiện tâm thức để nghiệm chứng những lời giảng dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm. Nếu muốn áp dụng Phúc Âm nơi cuộc sống, nếu thực tâm suy nghiệm Phúc Âm, chúng ta cần bỏ ngỏ lòng mình, vứt bỏ tất cả những hiểu biết thế tục để đặt vấn đề về ý nghĩa thực nghiệm của những lời Phúc Âm áp dụng nơi cuộc đời mỗi người. Hãy suy nghiệm Lời Chúa qua nhiều chiều hướng và không chấp nhận bị lệ thuộc bởi bất cứ quan niệm nào. Suy nghĩ cho đến tận cùng sao cho hợp tình hợp lý. Đây chính là sự thực nghiệm khả năng sáng tạo. Người xưa có câu nói, “Suy nghĩ là sáng tạo. Người suy nghĩ là người sáng tạo”. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây