TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Lễ Các Thánh Nam Nữ

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ.” (Mt 5, 1-12a)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 07/09/2023 14:32 |   553
“Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,13-17)

14/09/2023
THỨ NĂM TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Suy tôn Thánh Giá

Suy tôn Thánh Giá

Ga 3,13-17

 
THẬP GIÁ CỨU ĐỘ
“Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,13-17)

Suy niệm: Để giúp ông Ni-cô-đê-mô hiểu  kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giê-su lấy lại sự tích ‘con rắn đồng’: xưa trong sa mạc khi rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người, Mô-sê thừa lệnh Thiên Chúa cho đúc con rắn đồng treo lên cây, ai bị rắn cắn nhìn lên rắn đồng thì được cứu sống. Nay, chính Ngài sẽ chịu treo trên thập giá để ai tin vào Ngài sẽ nhận được ơn cứu độ là sự sống vĩnh cửu.

Mầu nhiệm thập giá thật khó chấp nhận, đến nỗi Đức Giê-su trong thân phận con người cũng cảm thấy “buồn rầu, xao xuyến… đến chết được” (x. Mt 26,37-38) khi đối diện với cuộc khổ nạn. Nhưng Ngài đã vâng phục Chúa Cha, đón nhận cái chết trên thập giá để mở ra nguồn ơn cứu độ cho cả nhân loại (x. Pl 2,8-11).

Mời Bạn: Thập giá Đức Ki-tô là biểu tượng ô nhục (đối với người Do Thái) và ngu dại (đối với người Hy Lạp), nhưng lại là khí cụ để Thiên Chúa biểu lộ quyền năng và sự khôn ngoan của Ngài. Và qua hành động cứu độ đó, Ngài biểu lộ tình yêu tha thứ cho chúng ta và nhờ đó, những hy sinh và đau khổ của chúng ta được Ngài thánh hóa.

Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã nói: “Thực hiện cứu chuộc bằng đau khổ, Chúa Ki-tô đã đồng thời nâng đau khổ của loài người lên để nó có giá trị cứu chuộc. Tất cả mọi người đều có thể đem đau khổ của mình tham dự vào đau khổ cứu rỗi của Chúa Giê-su.”

Sống Lời Chúa: Đón nhận cách vui lòng những thánh giá Chúa gửi tới.

Cầu nguyện: “Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả, đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha trong mọi khổ đau của đời con và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá bao lâu tuỳ ý Cha định liệu”. Amen. (Karl Rahner).

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Cl 3, 12-17

“Anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện.
Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em.
Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 150, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa (c. 6).

Xướng: Hãy ngợi khen Chúa trong thánh đài của Chúa, ngợi khen Chúa nơi thanh không cao cả của Người. Hãy ngợi khen Người vì những kỳ công vĩ đại, ngợi khen Người bởi sự Người tuyệt đối oai nghiêm.

Xướng: Hãy ngợi khen Chúa với tiếng kèn rầm rộ, ngợi khen Người với cây đàn sắt, đàn cầm, hãy ngợi khen Người với trống rung và ca vũ, ngợi khen Người với tơ đàn, với ống tiêu.

Xướng: Hãy ngợi khen Người với âm vang não bạt, ngợi khen Người với tiếng rền rĩ mã-la. Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 8, 1b-7, 11-13

“Anh em làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ, là anh em phạm đến Ðức Kitô”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, sự thông thái làm cho người ta ra kiêu căng, còn lòng yêu thương thì xây dựng. Nếu ai tưởng mình biết điều gì, thì kẻ ấy chưa biết mình phải biết đúng cách. Nhưng nếu ai yêu mến Thiên Chúa, thì kẻ ấy được Thiên Chúa nhận biết. Còn về đồ ăn đã cúng tế cho các ngẫu tượng, chúng ta biết ngẫu tượng ở thế này là hư vô, và chẳng có Chúa nào khác ngoài một Thiên Chúa. Vì chưng, dù trên trời dưới đất, có những vị được người ta gọi là thần, (thật ra người ta cho rằng có nhiều thần nhiều chúa), nhưng đối với chúng tôi, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, bởi Người mà mọi sự đều có và chúng ta phải quy về Người. Và có một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, nhờ Người mà có mọi sự, và cũng nhờ chính Người mà có chúng ta. Nhưng không phải mọi người đều có sự thông biết, vì cho đến nay, còn có ít kẻ giữ thói quen thờ ngẫu thần, nên họ ăn của cúng tế cho ngẫu tượng, và lương tâm họ vốn yếu đuối, nên ra nhơ nhớp.

Và tại sự thông biết của ngươi, mà người anh em yếu đuối phải hư đi, người anh em mà Ðức Kitô đã chết cho. Và làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ, là anh em phạm đến Ðức Kitô. Vì thế, nếu thức ăn làm cho người anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ không ăn thịt cho tới muôn đời, kẻo làm cho người anh em tôi vấp phạm.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 138, 1-3. 13-14ab. 23-24

Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời (c. 24b).

Xướng: Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con, Ngài biết con lúc con ngồi, khi con đứng. Ngài hiểu thấu tư tưởng con từ đàng xa. Khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết; Ngài để ý tới mọi đường lối của con.

Xướng: Chính Ngài đã nặn ra thận tạng con, đã dệt ra con trong lòng thân mẫu. Con ngợi khen Ngài đã tạo nên con lạ lùng như thế, vì công cuộc của Ngài thực diệu huyền.

Xướng: Lạy Chúa, xin dò xét con và nhận biết lòng con; xin thử thách con và biết tỏ tư tưởng con. Xin Chúa nhìn coi hoặc giả con đi đường bất chính, và xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời.

Alleluia: 2 Cr 5, 19

Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hoà thế gian với Người, và đã đặt lời giải hoà trên môi miệng chúng tôi. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 27-38

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.

Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là sự sáng thế gian; ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy Niệm

HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ (Lc 6,27-38)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Chúa Giê-su dạy ta hãy yêu thương địch thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ chúng ta. Yêu người xa lạ đã là rất khó, nhưng yêu địch thù còn khó gấp bội.  Chúng ta yêu người yêu chúng ta, yêu người đem lại niềm vui cho chúng ta… tình yêu ấy vẫn còn vị kỷ. Tình yêu trọn nghĩa phải là tình yêu vô vị lợi. Yêu như Chúa yêu ta khi ta còn là tội nhân. Chúa đã chịu chết để ta được cứu độ. Tình yêu của Đức Giê-su là tình yêu vô điều kiện, vô vị lợi, một tình yêu chân chính.

2. Trong Cựu Ước, chúng ta chỉ thấy luật căn bản là mến yêu Thiên Chúa hết lòng và thương yêu tha nhân như chính mình. Ngoài ra, không có luật nào buộc phải thương yêu kẻ thù, bởi vì chúng ta thấy trong đó có luật báo oán: mắt đền mắt, răng đền răng. Đây là một lề luật xây trên luân lý tự nhiên, ai cũng có thể chấp nhận (x.Xh 21,23-25; Lv 24,17-21).

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đưa ra cho chúng ta một giáo lý tuyệt vời về đức Bác ái: hãy yêu thương tha nhân như chính bản thân mình. Tha nhân có thể là người yêu thương chúng ta, nhưng cũng bao gồm những người không thương, lại còn ghét chúng ta, thậm chỉ cả những người làm hại chúng ta nữa. Đó là luật yêu thương kẻ thù. Đây là một luật có tính cách siêu việt.

3. Để thực hiện luật yêu thương này, Đức Giê-su đơn cử ra hai việc phải thực hành:

a) “Hãy làm lành cho kẻ ghét các con”: Ở đây muốn nói: Tình yêu thương tha nhân không phải thôi không giận hờn, không báo oán nữa nhưng phải tỏ ra bằng hành động cụ thể qua những cử chỉ rõ ràng là những việc lành  như giao tiếp, giúp đỡ, cầu nguyện…

b) “Và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ”: Đây là thái độ  biểu lộ tình yêu tha nhân cách tích cực: lấy điều lành  đền đáp lại điều dữ.

Ta có bổn phận phải yêu thương bạn hữu. Song chỉ yêu bạn thì có gì đáng thưởng. Vì cho được thưởng đời đời thì nhân đức phải bắt nguồn từ suối siêu niên. Vì thế:

– Làm sự dữ để trả ơn lành là ma quỷ.

– Làm sự lành để trả ơn lành là nhân loại.

– Làm sự lành  để trả sự dữ là Thiên Chúa.

Vậy người Ki-tô hữu không được đứng ở chỗ nhân loại, mà phải tiến xa hơn đến chỗ Thiên Chúa. Như thế mới xứng đáng là con cái Chúa, Đấng làm ơn lành cho kẻ ghét Ngài.

4. Ngày xưa, nhiều người cũng có chủ trương như Chúa Giêsu đã dạy:

a) Học thuyết của Khổng Tử: Trong vấn đề cư xử, học thuyết của Đức Khổng Tử giống luật báo oán của Cựu Ước. Ngài dạy học thuyết: “Dĩ trực báo oán”. Nhưng sau này, các đệ tử của ngài muốn đi xa hơn, họ đã thêm vào học thuyết của ngài câu: ”Dĩ đức báo oán”.

b) Đức Phật Thích Ca: Ngài tìm phương thế giải thoát con người ra khỏi vòng đau khổ. Ngài chủ trương giáo thuyết TỪ BI, lấy từ bi làm phương châm cho mọi hoạt động, mà đã từ bi thì phải hỉ xả, do đó, ngài không chấp nhận luật công bình, mà chỉ chấp nhận luật tha thứ. Ngài nói: “Lấy oán báo oán, oán ấy chồng chất. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”.

c) Ông Mahatma Gandhi nói:Luật vàng của xứ thế là tha thứ lẫn nhau”. Ông đã dùng thuyết bất bạo động để giải phóng dân tộc Ấn Độ khỏi ách thống trị của người Anh.

d) Mục sư Luther King: Trong tác phẩm của ông “Chỉ có một cuộc cách mạng”, ông nói: “Trong Tân Ước, chúng ta thấy từ “Agapè” được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói đó là tình yêu Thiên Chúa  được thực hiện nơi tâm hồn con người. Khi vươn lên đến một tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải vì chúng ta đánh giá cao lối sống của họ, chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ”.

5. Truyện:  Tha thứ cho kẻ thù.

Một ông bố giàu có, cảm thấy già yếu gần đất xa trời, bèn gọi ba đứa con trai lại chia gia tài đồng đều cho chúng, duy còn lại một viên kim cương gia bảo quý giá không thể chia cắt được.

Ông ta giải quyết bằng cách nói với các con rằng:Ta sẽ trao viên kim cương cho đứa nào thực hiện một việc lành tốt đẹp nhất. Vậy các con hãy ra đi và thực hiện cho được điều kiện đó”.

Ba đứa con lên đường và ba tháng sau trở về. Người con cả nói với bố:

– Một người ngoại quốc đã giao toàn bộ tài sản cho con và con đã thủ tín trả lại đầy đủ.

Người cha tuyên bố:

– Con đã làm phận sự của con rất tốt đẹp.

Đến lượt đứa con thứ trình:

– Thưa cha, con đã xả thân cứu được một em bé chết đuối.

Người cha khen anh ta. Rồi quay sang nhìn đứa con út. Cậu ấp úng bẩm:

– Thưa cha, trong một cuộc hành trình con thấy địch thù con đang ngủ say bên một bờ vực sâu. Con nghĩ con có thể xô nó xuống vực dễ dàng, nhưng con không làm. Trái lại con đánh thức nó dậy và cứu nó.

Nghe xong, người cha ôm hôn cậu út và tuyên bố:

– Viên kim cương gia bảo thuộc về con, vì con đã làm một việc lành vĩ đại biểu lộ một tấm lòng nhân ái chân thực là yêu thương tha thứ cho kẻ thù mình.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Suy tôn Thánh Giá

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến!

Sách Xuất Hành mô tả cuộc hành trình tiến về Đất hứa của đoàn dân Chúa trong thời Cựu ước. Thiên Chúa đã truyền cho Môsê đúc rắn đồng treo lên làm dấu; để những ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được khỏi chết.

Đức Kitô cũng bị treo lên cây Thập Giá. Người là Đấng Cứu Độ chúng ta. Chính Người đã dùng Thánh Giá làm dấu chỉ đem lại nguồn ơn cứu độ để cứu chúng ta khỏi chết đời đời.

Trong Thánh lễ giờ đây, Chúa Giêsu Kitô lại một lần nữa hiến tế cách mầu nhiệm trên bàn thờ Thập Giá qua cuộc khổ nạn của Người. Chúng ta xin vì công nghiệp Chúa chịu chết treo trên Thánh Giá tẩy xóa mọi tội lỗi, hầu dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

Ca nhập lễ

Chúng ta phải được vinh quang nơi thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chính nơi Người chúng ta được cứu độ, được sống và được sống lại và nhờ Người chúng ta đã được cứu chuộc và giải thoát.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc loài người. Xin cho chúng con mai sau được hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, mà ngày nay chúng con vẫn một lòng yêu mến suy tôn. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ds 21, 4-9

“Kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”.

Trích sách Dân số.

Trong những ngày ấy, dân chúng đi đường và mệt nhọc, nên nản chí, họ kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”. Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”.

Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 77, 1-2. 34-35. 36-37. 38

Ðáp: Chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa

Xướng: Hỡi dân tôi, hãy nghe lời huấn dụ, hãy lắng tai nhận lấy những lời miệng tôi. Tôi sẽ xuất khẩu nói ra lời ngạn ngữ, sẽ trình bày những điều bí nhiệm của thời xưa.

Xướng: Khi Người sát phạt họ, bấy giờ họ kiếm tìm Người, và họ trở lại kiếm tìm Thiên Chúa. Họ nhớ lại rằng Thiên Chúa là Ðá Tảng của họ, và Thiên Chúa Tối Cao là Ðấng cứu chuộc họ.

Xướng: Nhưng rồi miệng họ đã phỉnh phờ, và lưỡi họ ăn nói sai ngoa với Người. Ðối với Người, lòng họ không ngay thẳng; họ cũng không trung thành giữ lời minh ước của Người.

Xướng: Phần Người từ bi, tha lỗi và không huỷ diệt họ; nhiều khi Người đã tự kiềm chế căm hờn, và không để cho thịnh nộ hoàn toàn tuôn đổ.

Bài Ðọc II: Pl 2, 6-11

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, Chúa Giêsu Kitô, tuy là [thân phận] Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa; chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng cây Thập giá mà cứu chuộc thế gian. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 3, 13-17

“Con Người phải bị treo lên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.

“Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và trợ giúp chúng ta trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Giờ đây chúng ta hãy tin tưởng dâng lên Ngài những lời khẩn nguyện thiết tha cho Giáo Hội và cho toàn thế giới.

1. Xin Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh ban ơn trợ giúp để Giáo Hội biết làm chứng cho Ngài bằng việc dấn thân thực hành giáo huấn của Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

2. Chúa Giêsu không đến để lên án nhưng để tha thứ. Xin cho những ai tin tưởng nơi Ngài được ơn cứu độ và thương giúp những ai chưa tin, biết nhận ra tình yêu của Ngài.

3. Qua sự chết, Chúa Giêsu đã được Chúa Cha tôn vinh. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết nhẫn nại tin tưởng, chờ ngày được diện kiến Chúa.

4. Chúa Giêsu, người Con duy nhất của Thiên Chúa đã tự hiến mình để cứu rỗi nhân loại. Xin cho những người đã ly trần trong niềm hy vọng vào thập giá của Chúa được hưởng sự sống đời đời.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, khi chịu chết trên thập giá và sống lại vì phần rỗi chúng con, Chúa đã tỏ cho thế giới tình yêu của Chúa, xin thương đoái nhìn đến thân phận yếu hèn của chúng con mà ban thêm ơn đức tin, để chúng con biết đón nhận mầu nhiệm đau khổ trong cuộc sống hầu kết hiệp với cuộc thương khó của Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa nhân từ, chúng con đang cử hành lễ tế hy sinh chính Ðức Kitô đã hiến dâng trên bàn thờ thập giá, để xóa bỏ tội lỗi trần gian. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và thanh tẩy chúng con khỏi vết nhơ tội lỗi. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Cha dùng cây thập giá để ban ơn cứu độ cho loài người. Thật vậy, xưa vì cây trái cấm loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời, và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Ðức Kitô, Chúa chúng con. Vì thế, toàn thể triều thần thiên quốc cùng ca ngợi, tôn thờ, kính sợ và hân hoan chúc tụng Cha uy linh. Xin cho chúng con được đồng thanh với các Ngài thành khẩn tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…

Cũng có thể đọc Lời tiền tụng thương khó I,

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Khi nào Ta được đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cho chúng con hưởng nhờ ơn cứu chuộc nhờ cây thập giá ban quả phúc trường sinh, và Chúa đã nuôi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc Thánh Thể. Xin hướng dẫn chúng con ở đời này, hầu mai sau chúng con được phục sinh cùng Chúa và được hưởng vinh quang bất diệt. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Thập Giá, con đường về trời

Chúa ban cho chúng ta mỗi người một khuôn mặt, bất kỳ lúc nào cũng có thể ngước nhìn lên trời. Khi thức cũng như khi ngủ, và ngay cả khi đã bị chôn vùi trong lòng đất, mặt chúng ta cũng vẫn còn hướng lên trời. Vậy hướng lên trời để làm gì? Tôi xin thưa là để chúng ta nhớ rằng chúng ta còn có một người Cha đang mong chờ chúng ta, cũng như để chúng ta xác tín rằng Nước Trời mới chính là quê hương đích thực của chúng ta. Vậy thì để tìm về với Chúa, để đạt tới quê hương Nước Trời, chúng ta phải làm gì?

Hẳn chúng ta còn nhớ có lần Chúa đã xác quyết: Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Thế nhưng con đường ấy như thế nào? Phải chăng là một con đường ngợp những cánh hoa. Tôi xin thưa không phải là như thế, nhưng là một con đường vừa khúc khuỷ, vừa nhỏ bé mà ít người muốn đặt chân vào. Và cụ thể hơn nữa, đó là con đường đau khổ, con đường thập giá như lời Người đã xác quyết: Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Đó là con đường duy nhất, rẽ ngang vào một lối khác, chắc chắn thế nào chúng ta cũng bị lạc.

Thực vậy, muốn được vào Nước Trời, chúng ta phải có công nghiệp, mà muốn có công nghiệp, chúng ta phải vác lấy thập giá mình. Công nghiệp của chúng ta mặc dù là nhỏ bé nhưng lại là một sự cộng tác cần thiết cho chính bản thân chúng ta được cứu rỗi. Bởi đó chúng ta đừng vội lẩm bẩm kêu trách mỗi khi gặp phải những gian nguy thử thách. Trái lại hãy coi đó là một diễm phúc vì được làm chính việc của Chúa, vì được cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ. Hơn nữa những khổ đau chúng ta phải chịu trong cuộc sống hiện tại, sẽ không thể nào sánh ví được với hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu mà chúng ta sẽ được đón nhận trên quê hương Nước Trời.

Có một vị ẩn sĩ sống trong một khu rừng vắng, ngày đêm không lúc nào ra khỏi chiếc lều ẩm thấp và chật hẹp. Ấy là chưa kể đến những hình khổ mà thầy dùng để đánh tội. Ngày kia có mấy người quý phái đến thăm, họ hết sức ngạc nhiên khi thấy thầy hãm mình một cách nghiêm ngặt. Họ hỏi thầy làm sao mà thầy có thể chịu đựng nổi. Thầy bèn chỉ vào một kẽ nứt bằng bàn tay trên vách núi và nói: Chính cái đó đã giúp đỡ tôi. Vì mỗi khi thân xác tôi muốn nổi loạn, thì qua kẽ nứt ấy tôi nhìn thấy bầu trời, và qua bầu trời tôi nhớ tới quê hương vĩnh cửu và đích thật của tôi.

Thực vậy, những giọt nước mắt ngày hôm nay nhỏ xuống, thì ngày mai sẽ kết thành những trái chín của hạnh phúc Nước Trời, bởi vì nhờ những giọt nước mắt khổ đau ấy mà chúng ta trở nên giống Đức Kitô. Hay như lời thánh Phaolô đã nói: Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô thì chúng ta cũng sẽ được sống lại với Người. Bởi vì chính Ngài đã long trọng công bố: Phúc cho những ai than khóc, vì họ sẽ được ủi an.
 

Ba cuộc đời – ba cách chết
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Trên đồi Golgotha cách đây hơn hai ngàn năm, có 3 tử tội trên thập giá. Ba con người đều chết trên thập giá với ba thái độ khác nhau. Đó chính là Thầy Giêsu ở giữa. Một người bên hữu được gọi là trộm lành. Một người bên tả truyền thống vẫn gọi là trộm dữ. Tại sao cùng một hoàn cảnh mà cách thức đón nhận lại khác nhau? Đâu là điểm khác biệt giữa ba con người?

Trước hết đó là Thầy Giêsu, một con người đã tự nguyện vác thập giá để cứu độ chúng sinh. Ngài chấp nhận đi vào cái chết không phải do tội của mình mà vì tội của nhân gian. Ngài đã chết để thí mạng vì bạn hữu. Cả cuộc đời của Ngài đã sống vì người khác. Ngài đã sống một cuộc đời để yêu thương và yêu thương cho đến cùng. Ngài đã đi đến tận cùng của yêu thương là thí mạng mình vì bạn hữu. Cái chết của Ngài là bằng chứng cho tình yêu. Đau khổ Ngài chịu cũng vì yêu thương nên Ngài không than vãn, không uất hận vì đời đen bạc. Không nguyền rủa cuộc đời vì những gánh nặng đang đè trên vai. Vì yêu đối với ngài không chỉ là tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, mà còn dám chết cho người mình yêu được sống và sống dồi dào. Thế nên, đau khổ đối với Ngài là niềm vui. Và ngài đã đi vào cái chết trong thanh thản vì đã hoàn thành sứ mạng đời mình: “yêu thương và phục vụ cho” người mình yêu. Ngài không hối tiếc về cuộc sống đã qua. Ngài không hối hận vì việc mình đã làm. Ngài rất vui vì đã đi trọn con đường của tình yêu. Ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong an bình khi Ngài nói cùng nhân loại “mọi sự đã hoàn tất” và nói cùng Chúa Cha “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn trong tay Cha”.

Người thứ hai là anh trộm lành. Anh là một tội nhân. Anh đón nhận hình phạt và cái chết vì chính tội của mình. Nhưng anh là một con người biết phải trái. Anh biết việc mình làm là đáng tội, là đáng phải chịu hình phạt. Cuộc đời anh chưa làm điều gì tốt cho tha nhân. Anh đã sống một cuộc đời chỉ làm hại người khác. Thế nên, anh đã nói với Chúa: “Tôi đã bị như thế này là xứng đáng với tội của tôi”. Anh đón nhận thập giá để đền bù những lầm lỗi đã qua. Anh chấp nhận cái chết nhục nhã như là hình phạt đích đáng vì tội của mình. Anh đã tìm được bình an trong giờ phút cuối cùng của đời người. Anh cũng biết rằng anh không xứng đáng chung phần hạnh phúc thiên đàng với Thầy Giêsu, anh chỉ mơ ước Thầy Giêsu nhớ tới anh khi Thầy về thiên đàng. Đối với anh thập giá là cơ hội để anh để anh đền bù lầm lỗi. Thập giá là nhịp cầu đưa anh vào thiên đàng. Thế nên, anh đón nhận thập giá với lời xin vâng theo mệnh trời. Anh không oán trời, oán đất. Anh đi vào cái chết với tâm hồn thanh thản vì anh đã đền bù những lầm lỗi của quá khứ cuộc đời.

Người thứ ba là anh trộm dữ. Anh lao vào cuộc đời như con thú đang tìm mồi. Cuộc đời anh chỉ tìm hưởng thụ cho bản thân. Vì ham muốn danh lợi thú anh đã sẵn sàng hạ thấp nhân phẩm mình và chà đạp phẩm giá của tha nhân. Anh đang có nhiều toan tính để hưởng thụ. Thế nên, anh không chấp nhận thập giá trên vai anh. Anh không chấp nhận kết thúc cuộc đời bằng cái chết bi thảm trên thập giá. Anh đòi quyền sống. Sống để hưởng thụ. Anh nổi loạn vì đời anh còn quá trẻ, còn quá nhiều tham vọng nên anh không thể chấp nhận cái chết đến với mình. Thế nhưng, anh vẫn phải chịu hình phạt vì tội của mình. Công lý đòi buộc anh phải thi hành, dầu anh không muốn. Thập giá làm cho anh đau khổ. Cái chết làm cho anh nổi loạn. Anh nguyền rủa trời, nguyền rủa đất và xúc phạm cả đến Thầy Giêsu, một con người đang phải chịu cái chết vì đã liên đới với anh. Anh đã chết trong sự hoảng loạn và khổ đau.

Mỗi người chúng ta đang sống một cuộc đời cho chính mình. Mỗi người chúng ta đang đón nhận thập giá với thái độ khác nhau. Có người chấp nhận thập giá để đền tội. Có người chấp nhận thập giá vì lòng yêu mến tha nhân. Và cũng có người đang từ chối thập gía trong cuộc đời. Hạnh phúc hay đau khổ tuỳ thuộc vào việc chọn lựa sống của chúng ta. Nhưng dù con người có muốn hay không? Thập giá vẫn hiện diện. Thập giá của bổn phận. Thập giá của hy sinh từ bỏ những tham lam bất chính, những ham muốn tội lỗi, những ích kỷ tầm thường. Đón nhận thập giá sẽ mang lại cho ta tâm hồn bình an vì đã sống đúng với bổn phận làm người. Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta đền bù những thiếu sót trong cuộc sống của mình và của tha nhân. Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta tiến tới vinh quang phục sinh với Chúa trên thiên đàng.

Nguyện xin Chúa là Đấng đã vui lòng đón nhận thập giá vì chúng ta, nâng đỡ và giúp chúng ta vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Xin giúp chúng ta biết sống một cuộc đời hy sinh cao thượng để chúng ta không hối hận vì quá khứ, nhưng luôn bình an vì đã sống chu toàn bổn phận của mình với lòng mến Chúa, yêu người. Amen.

CHIÊM NGẮM ĐẤNG CHỊU ĐÓNG ĐINH
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Từ cạnh sườn bị đâm thâu, với trái tim rộng mở, máu và nước chảy ra khai sinh Hội Thánh, và 7 nguồn ơn Bí Tích. Do đó, chúng ta phải quay trở về nguồn cội của mình, để kín múc từ nơi đó: nguồn sức sống dồi dào, và để nghe lại những tiếng lòng thổn thức từ Bảy Lời Cuối Cùng của Đức Giêsu trên Thánh Giá, được phát ra từ Thánh Tâm rực cháy lửa yêu thương, tha thứ.

1. Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Ngay từ buổi sơ khai, trong Hội Thánh, đã có ít nhiều rạn nứt, mà thánh Phaolô đã nặng lời quở trách. Trong các thời đại kế tiếp, phát sinh nhiều phân rẽ trầm trọng hơn, và nhiều cộng đoàn đã ly khai khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh. Những đoạn tuyệt này đã làm tổn thương sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Đức Kitô. Để có thể chữa lành, và hòa giải, chúng ta phải luôn yêu thương, kính trọng, những anh chị em ly giáo, lạc giáo, và luôn sẵn sàng tha thứ, và đối thoại với bất kỳ cá nhân, cũng như tập thể nào thường xuyên quấy rối và bách hại Hội Thánh. Mối bận tâm tái lập tình hiệp nhất là ý nguyện thánh thiện, nhưng, đó lại là điều vượt quá sức lực và khả năng của chúng ta. Chúng ta phải đặt hết hy vọng vào lời nguyện hiệp nhất của Đức Giêsu, vào tình thương của Chúa Cha, và vào quyền năng của Chúa Thánh Thần.

2. Quả thật, Ta bảo anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng. Đức Kitô thánh thiện, tinh tuyền, không hề phạm tội; còn Hội Thánh, vì ôm ấp trong lòng những kẻ tội lỗi, nên vừa thánh thiện, vừa phải luôn thanh luyện chính mình. Do đó, một mặt chúng ta phải luôn nỗ lực sám hối và canh tân, mặt khác, chúng ta phải tỏ lòng bao dung, tha thứ, và cảm thông với các chi thể còn yếu đuối tội lỗi. Trong tất cả mọi người, cỏ lùng tội lỗi còn lẫn lộn với lúa tốt của Tin Mừng. Vì thế, Hội Thánh cũng quy tụ những con người tội lỗi, đã được lãnh nhận ơn cứu độ của Đức Kitô, nhưng, vẫn còn đang trên đường thánh hóa. Quả thế, sự thánh thiện là nguồn mạch bí ẩn và là khuôn vàng thước ngọc cho các hoạt động tông đồ và nhiệt tình truyền giáo của Hội Thánh. Nơi Ðức Maria, Hội Thánh đã đạt tới sự toàn thiện, trở nên không vết nhăn, không tì ố, nhưng, về phần chúng ta, chúng ta vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi, để tiến lên trên con đường thánh thiện.

3. Thưa Bà, đây là con Bà - Đây là Mẹ của con. Sự liên kết của Mẹ với Đức Kitô trong công cuộc cứu độ, được biểu lộ từ lúc: Mẹ thụ thai Chúa, cho đến lúc, Người chịu chết trên Thập Giá. Biến cố Truyền Tin đánh dấu một khởi đầu; biến cố Thánh Giá báo hiệu một kết thúc: Lời Truyền Tin thứ nhất do sứ thần đem đến: báo cho Mẹ biết: Mẹ sẽ làm Mẹ Thiên Chúa; lời Truyền Tin thứ hai do chính Ngôi Lời Thiên Chúa trăn trối cho Mẹ biết: Mẹ sẽ làm Mẹ Hội Thánh, Mẹ của toàn thể nhân loại. Vào những giây phút khởi đầu của biến cố Nhập Thể, Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa; vào những giờ phút cuối cùng của biến cố Thập Giá, Mẹ đã trở thành Mẹ Hội Thánh, Mẹ của toàn thể loài người. Trong Mầu Nhiệm Truyền Tin, Mẹ đã trao dâng cung lòng trinh trong cho Con Thiên Chúa ngự vào; nơi Mầu Nhiệm Thập Giá, Mẹ đón nhận toàn thể nhân loại vào trong tâm hồn. Trong Vườn Địa Đàng, bên cây Trái Cấm, bà Evà đã đánh mất quyền làm mẹ chúng sinh; trên đồi Canvê, dưới chân Thánh Giá, Mẹ đón nhận quyền làm Mẹ của toàn thể nhân loại. Ước gì chúng ta biết bắt chước Mẹ: bước đi cùng với Đức Kitô từ khởi đầu cho đến lúc kết thúc dưới chân Thập Giá.

4. Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài nỡ bỏ rơi con! Khi cử chính Con Một đến trong thân phận tôi đòi, thân phận loài người sa đọa và phải chết vì tội lỗi, Thiên Chúa vì loài người chúng ta, đã coi Ðức Kitô, Ðấng không hề biết tội là gì, như hiện thân của tội lỗi, để trong Người, chúng ta được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Vì không hề phạm tội, Ðức Giêsu không bao giờ bị Thiên Chúa ruồng bỏ, nhưng, vì Ðức Giêsu đã đón nhận chúng ta trong tình yêu cứu chuộc và liên kết Người với chúng ta, cho đến độ: Người xem như bị tách lìa khỏi Thiên Chúa vì tội lỗi của chúng ta, nên Người thay chúng ta mà thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài nỡ bỏ rơi con!”. Mầu nhiệm thập giá đã cho thấy tình yêu tự hiến của Thiên Chúa dành cho loài người chúng ta: Người đã chẳng dung tha, nhưng đã trao nộp chính Con Một của Người vì hết thảy chúng ta, để chúng ta được hòa giải với Người, nhờ cái chết của Con Một Người.

5. Ta khát. Bởi vì, Hội Thánh là bí tích cứu độ của Thiên Chúa, nên Hội Thánh phải có nghĩa vụ mang ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người. Nỗi khắc khoải mang ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người, bắt nguồn từ chính tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi Chí Thánh. Nghĩa là, từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, theo ý định của Chúa Cha. Ước gì Hội Thánh luôn ghi nhớ: Mục đích tối hậu của Hội Thánh là làm cho mọi người được hưởng ơn cứu độ. Ước gì Hội Thánh biết noi gương Đức Kitô, Đấng đã thực hiện công trình cứu độ của mình trong nghèo khó và bị bách hại, để rồi, Hội Thánh cũng được mời gọi dấn bước trên con đường ấy: mang những thành quả của ơn cứu độ đến cho mọi người. Chúng ta nhận thấy: có một khoảng cách giữa sứ mạng của Hội Thánh và sự yếu hèn của những con người được ủy thác cho sứ mạng đó. Chỉ trên con đường sám hối, canh tân, và qua cửa hẹp Thập Giá, Hội Thánh mới có thể chu toàn sứ mạng: mang ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người.

6. Mọi sự đã được hoàn tất. Khi Chúa Con hoàn tất công trình Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian, Chúa Thánh Thần được cử đến trong ngày lễ Ngũ Tuần, để thánh hoá Hội Thánh luôn mãi. Bấy giờ, Hội Thánh được công khai giới thiệu cho nhân loại, và Tin Mừng bắt đầu được rao giảng cho muôn dân. Bởi Hội Thánh là cuộc “triệu tập” tất cả mọi người để hưởng ơn cứu độ, nên Hội Thánh tự bản chất là “sứ mạng”, được Đức Kitô cử đến với muôn dân, để làm cho tất cả mọi người trở thành môn đệ. Để giúp Hội Thánh thi hành và hoàn tất sứ mạng của mình, Chúa Thánh Thần đã trang bị và điều khiển Hội Thánh bằng nhiều ân huệ phẩm trật và các đặc sủng khác nhau. Ước gì Hội Thánh biết chăm chú trung thành để hoàn tất sứ mạng của mình, với lòng bác ái, và khiêm nhường, ngõ hầu, Nước Thiên Chúa được thiết lập nơi mọi dân tộc, và để Hội Thánh trở thành mầm mống và khai nguyên của Nước Chúa trên trần gian này.

7. Lạy Cha, con xin phó thác: linh hồn con trong tay Cha. Ý Cha được thực hiện trọn vẹn và một lần dứt khoát trong Ðức Kitô và qua ý muốn nhân loại của Người. Khi vào trần gian, Ðức Kitô nói: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Trong giờ hấp hối, Người cũng hoàn toàn vâng phục ý Cha: Xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha, và khi hoàn tất công việc mà Chúa Cha trao phó, Người đã hoàn toàn phó thác linh hồn trong tay Chúa Cha. Ðức Giêsu, dù là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, phương chi chúng ta là những thụ tạo và là tội nhân.  Ước gì ý muốn của chúng ta được nên một với ý muốn của Chúa Cha. Về việc này, chúng ta hoàn toàn bất lực, nhưng, nhờ kết hiệp với Ðức Giêsu và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể nên một lòng một ý với Người.

Nếu không có Thánh Giá, thì Đức Kitô đã không bị đóng đinh, máu cùng nước thanh tẩy thế giới cũng không vọt ra từ bên sườn Người, văn khế tội nợ cũng không bị xé. Thánh Giá vừa là đau khổ, vừa là chiến tích của Thiên Chúa. Là đau khổ, bởi vì, Người đã tự nguyện chết trên đó; là chiến tích, bởi vì, ma quỷ đã bị trọng thương và bị đánh bại ở đó, thần chết cũng đã bị thua cùng với nó; then sắt hỏa ngục bị đập tan và Thánh Giá trở thành nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới. Thánh Giá là vinh quang của Đức Kitô, Thánh Giá nâng Người lên cao. Thánh giá là chén đắng Người khát khao, là bản thâu tóm mọi cực hình Người đã chịu vì chúng ta. Ước gì chúng ta luôn biết nhìn lên Thánh Giá Chúa, học lấy sự khôn ngoan từ Thánh Giá, để tất cả những gì chúng ta làm đều mang những thương tích tình yêu của Đấng đã yêu thương và hiến mạng vì chúng ta.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây