15/09/2023
THỨ SÁU TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Đức Mẹ sầu bi
Ga 19,25-27
MẸ SẦU VÌ AI?
Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19,25-27)
Suy niệm: Những lời trăng trối của Đức Giê-su nói với Mẹ và người môn đệ Ngài thương mến: “Đây là con của Bà” và “Đây là mẹ của anh” trước khi Chúa lìa trần không phải là kết thúc những đau khổ mà Đức Ma-ri-a chịu trong lòng khi thông phần những cực hình Đức Giê-su, Con của Mẹ phải chịu. Giờ đây Mẹ vẫn chưa thôi nỗi sầu nơi người môn đệ mà Mẹ nhận làm con, đó là Hội Thánh, là người con được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Ki-tô, và nói rộng ra, người con của Mẹ đó là toàn thể nhân loại.
Mời Bạn: Nỗi sầu của Mẹ Ma-ri-a hôm nay, không chỉ vì chứng kiến nhân loại quằn quại trong đau đớn, do bởi chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, bóc lột, đàn áp… mà còn nhức nhối hơn, khi con cái của Mẹ sa lầy trong vũng nhơ tội lỗi. Đã bao lần Mẹ đã hiện ra ở nhiều nơi trên thế giới, Mẹ đã u sầu, đã khóc, đã van nài con cái Mẹ ăn năn đền tội, cải thiện đời sống… Ai đã làm mẹ sầu, và liệu rằng, trong đó có tôi?
Sống Lời Chúa: Nhớ đến tội mình đã phạm và khơi dậy tâm tình buồn sầu đau đớn, gớm ghét tội lỗi để cùng thông hiệp với nỗi sầu bi của Mẹ và Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa đã trối lại cho chúng con Đức Ma-ri-a, Mẹ của Chúa để làm Mẹ của chúng con. Xin cho chúng con, không chỉ chạy đến cùng Mẹ mỗi khi cần cầu xin, mà còn biết sống thân tình với Mẹ, để tránh làm cho Mẹ đau buồn vì những lỗi phạm cố tình của chúng con. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 1, 1-2. 12-14
“Trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót”.
Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timôthêu.
Phaolô, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, gửi lời thăm Timôthêu, người con yêu dấu trong đức tin. Nguyện xin ân sủng, lòng từ bi và bình an của Thiên Chúa Cha, và của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng con! Cha cảm tạ Ðấng đã ban sức mạnh cho cha, là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì Người đã kể cha là người trung tín, khi đặt cha thi hành chức vụ: dù trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót, vì cha vô tình làm những sự ấy trong lúc cha chưa tin. Nhưng ân sủng của Chúa chúng ta đã tràn lan dồi dào, cùng với đức tin và đức mến, trong Ðức Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 11
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của con (c. 5a).
Xướng: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa; con thưa cùng Chúa: “Ngài là Chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con”.
Xướng: Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.
Xướng: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! – Ðáp.
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 9, 16-19. 22b-27
“Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi.
Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng. Anh em không biết rằng những kẻ chạy trong vận động trường, thì mọi người đều chạy nhưng chỉ có một người đoạt giải đó sao? Cũng vậy, anh em hãy chạy sao để đoạt được giải. Mọi tay đua đều phải kiêng cữ đủ điều, và những kẻ ấy kiêng cữ để đoạt lấy triều thiên hay hư nát, còn chúng ta, chúng ta nhắm đoạt triều thiên không hay hư nát.
Phần tôi cũng chạy như thế, chứ không phải chạy lẩn quẩn; tôi đấu võ, không phải như đấm vào không khí, nhưng tôi chế ngự thân xác, bắt nó tùng phục tôi, kẻo lỡ ra tôi giảng dạy cho kẻ khác, mà chính tôi phải bị loại ra chăng.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 83, 3. 4. 5-6. 12
Ðáp: Ôi Chúa thiên binh, khả ái thay cung điện của Ngài (c. 2).
Xướng: Linh hồn tôi khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh.
Xướng: Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bạn thờ Chúa. Ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, ôi Ðại Vương và Thiên Chúa của con.
Xướng: Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Phúc thay người được Chúa nâng đỡ, họ tiến lên ngày càng thêm hăng hái.
Xướng: Vì Thiên Chúa là thuẫn khiên, thành lũy. Thiên Chúa rộng ban ân sủng với vinh quang. Ngài không từ chối ơn lành với những ai sống sạch trong vô tội.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 6, 39-42
“Người mù có thể dẫn người mù được chăng?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy; nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.
“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh”, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi. Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.
Hoặc đọc:
Chúa phán: Ta là sự sáng thế gian; ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Suy Niệm
CÁI RÁC VÀ CÁI XÀ (Lc 6,39-45)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Hôm nay Đức Giê-su kêu gọi mọi người, nhất là những người có trách nhiệm, những bậc làm cha mẹ phải sáng suốt và khôn ngoan khi sửa lỗi cho anh chị em mình. Chúng ta thường chỉ nhìn thấy lỗi lầm của tha nhân, mà không nhìn ra những lỗi lầm của chính mình. Nhiều khi chính những khuyết điểm ấy lại đang làm cản trở, gây gương mù, gương xấu cho anh chị em, con cái mình. Theo gương mẫu tuyệt vời là Đức Giê-su và lời dạy của Ngài, chúng ta hãy thường xuyên tự kiểm điểm để biết mình và biết cách hướng dẫn người khác.
2. Những lời trong bài Tin Mừng hôm nay dường như Chúa muốn nhắm tới các thầy dạy trong đạo Do thái thời Ngài, tuy nhiên chúng ta cũng có thể tìm ra được một vài áp dụng cho chính chúng ta.
Chúa Giê-su muốn nói rằng muốn hướng dẫn, muốn dạy dỗ người khác, thì trước hết phải “biết” điều mình hướng dẫn, mình dạy trước. Vì “mù dắt mù cả hai sẽ rơi xuống hố” (Lc 6,39). Mình có biết, có sáng mắt thì mới thấy đường mà hướng dẫn anh em mình. Bởi thế, điều kiện để trở thành người hướng dẫn kẻ khác là phải biết mình. Và cách để giúp mình biết mình trước, tốt nhất là phải học và biết lắng nghe, nhất là lắng nghe những người không ưa mình nói về mình.
3. Tin Mừng hôm nay không chỉ là bài học có tính cách luân lý. Chúa Giê-su không chỉ khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác, Ngài còn mời gọi chúng ta đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng con người mới có thể xét xử con người. Nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, con người cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình: “Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã”, nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước.
4. Trong một ngụ ngôn hài hước của thi sĩ La Fontaine kể rằng: thần Jupiter khi dựng nên con người thì ngài đeo cho họ hai cái túi: một cái trước ngực đựng những lỗi lầm của người khác, một cái sau lưng đựng những lỗi lầm của mình. Như vậy, người ta chỉ nhìn thấy những lỗi lầm của người khác mà không nhìn thấy những lỗi lầm của mình. Bài học dạy đời của ngụ ngôn này đúng như câu tục ngữ của chúng ta:
“Việc người thì sáng, việc mình thì quáng” do câu “Bàng quan giả tỉnh, đương cục giả mê”.
Hoặc:
Chân mình thì lấm lê mê,
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.
Và đây cũng là bài học Chúa Giê-su dạy chúng ta: “Cái xà trong mắt mình mà lại đòi gảy cái rác nơi mắt anh em”.
5. Chúng ta rất tích cực sửa lỗi người khác vì nghĩ rằng nếu mọi người khác trong cộng đoàn của mình mà biết được lỗi lầm và sửa chữa thì đời sống cộng đoàn sẽ tốt đẹp biết chừng nào. Nhưng ngược lại chúng ta rất khó chịu khi bị người khác vạch lỗi chúng ta. Phải chăng đó là biểu hiện của tính ích kỷ của con người.
Vậy để tâm hồn, để con mắt trong sáng, chúng ta không nên nhìn vào đôi mắt kẻ khác để thấy cái rác trong đó, hay bới lông tìm vết để xét đoán chỉ trích họ vì một vài lỗi lầm nào đó, nhưng hãy nhìn vào chính đôi mắt tâm hồn mình, để thấy cái đà của ích kỷ, của kiêu căng tự mãn, của phô trương giả hình, để thanh lọc cho nên trong sáng hơn.
Vì con người xưa có câu: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”, nên việc nhìn lại chính mình để tự kiểm thảo luôn là điều cần thiết của mỗi Ki-tô hữu, nhất là những vị lãnh đạo, hướng dẫn các tâm hồn. Như triết gia Chilon và cũng là của nhà hiền triết Socarate: “Hãy tự biết mình”. Chúng ta cũng nên học gương thánh Au-gút-ti-nô mà thưa cùng Chúa: “Noverim Te, noverim me”: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.
6. Truyện: Lắng nghe lời phê bình.
Một ông vua kia được viên quan cận thần cho biết một tin khẩn như sau:
– Thưa ngài, kẻ đã luôn luôn phê bình chính sách của ngài nay bị bệnh nặng, sắp qua đời, từ nay chúng ta sẽ được yên thân hơn.
Nghe tin báo, thay vì vui mừng thì nhà vua lại ra lệnh cho viên quan đại thần như sau:
– Hãy mau đi tìm vị lương y giỏi nhất nước đến chữa trị cho người bệnh đó. Ta không muốn kẻ đó phải chết, hãy làm mọi cách để cứu sống kẻ đó.
Quan đại thần ngạc nhiên hỏi lại:
– Thưa ngài, người này là người luôn luôn phê bình đường lối cai trị của ngài. Nếu ông ta mà chết đi, thì có lợi cho ngài hơn, cớ sao ngài lại muốn như vậy, và ra lệnh phải tìm đủ mọi cách chữa trị cho người đó sống.
Nhà vua trả lời:
– Chính vì người đó dám lên tiếng phê bình ta, nên ta lại càng phải cứu sống người đó. Ta cần một con người can đảm như vậy hơn là những người lúc nào cũng chỉ biết có tung hô vạn tuế.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Đức Mẹ sầu bi
Dẫn vào Thánh Lễ
Từ lời “Xin Vâng” trước Thánh Ý Thiên Chúa qua biến cố truyền tin, Đức Maria hằng liên kết mật thiết với Chúa Giêsu Con Mẹ. Từ dinh Philatô cho đến Núi Sọ, từng bước Mẹ đã theo Con cho đến khi hoàn tất và mai táng. Vì thế, Hội Thánh đã xưng tụng Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc loài người. Ôi Maria Mẹ ơi! Trần gian có bà mẹ nào phải đau thương hơn Mẹ, khi đứng dưới chân Thập Giá nghe những lời trăn trối cuối cùng của Con yêu, mà suốt đời đã làm mọi điều tốt lành, để giờ đây được trả ơn bằng cái chết đau thương nhục nhã như vậy chăng?
Mẹ đã chấp nhận tất cả để dâng hiến Con yêu cho Thiên Chúa!
Lời xin vâng năm xưa giờ đây Mẹ lại cùng Chúa Giêsu Con yêu dấu hiến tế trên bàn thờ. Bằng lòng sám hối ăn năn và đền tạ, chúng ta cùng với Mẹ sốt sáng hiệp dâng thánh lễ hôm nay, để công trình cứu độ được tiếp tục thực hiện.
Ca nhập lễ
Ông Simon nói với Đức Maria rằng: Đây trẻ này được đặt lên khiến cho nhiều người trong Israel phải hư mất hay được sống, và cũng là mục tiêu cho người ta chống đối; và một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, khi Ðức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ. Xin cho Hội Thánh Chúa biết noi gương Thánh mẫu mà kết hiệp với Ðức Kitô chịu khổ hình, để mai ngày được phục sinh vinh hiển cùng với Ðức Kitô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Dt 5, 7-9
“Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 30, 2-3a. 3bc-4. 5-6. 15-18. 19
Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa
Xướng: Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con muôn đời tủi hổ; vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con! Xin Chúa hãy lắng tai về bên tôi tớ Chúa.
Xướng: Xin Chúa mau lẹ để giải thoát con. Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn. Bởi Chúa là Ðá tảng, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con.
Xướng: Ngài dẫn con xa lưới dò chúng ngầm trương ra để hại con, vì Ngài là chỗ con nương náu. Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa; lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con.
Xướng: Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài; con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại.
Xướng: Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những kẻ kính sợ Ngài, lòng nhân hậu Ngài ban cho những ai tìm nương tựa Ngài, ngay trước mặt con cái người ta.
Ca Tiếp Liên: Stabat Mater
(Ca Tiếp Liên này có thể đọc cả hay bỏ, hay chỉ đọc từ câu 11 trở đi)
1) Mẹ sầu bi tầm tã giọt châu, đang đứng bên cây Thập giá, nơi Con Người đã bị treo lên.
2) Một lưỡi gươm nhọn / đã đâm qua tâm hồn Bà đang rên siết, đang sầu khổ và đau đớn.
3) Ôi đau buồn sầu khổ biết bao / cho bà Mẹ đáng suy tôn / của một Người Con duy nhất!
4) Bà Mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của Người Con chí thánh, mà đau lòng thổn thức tâm can.
5) Ai là người không tuôn châu lệ / khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô / trong cảnh cực hình như thế?
6) Ai có thể không buồn bã / nhìn xem Mẹ Chúa Kitô / đang đau khổ cùng với Con Người?
7) Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu / vì tội dân mình mà khổ cực, và bị vùi giập dưới làn roi.
8) Mẹ nhìn Con mình dịu hiền như thế / bị thống khổ lúc lâm chung, khi Người trút hơi thở cuối cùng.
9) Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến, xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương, để cho con được khóc than cùng Mẹ.
10) Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu, mến yêu Ðức Kitô là Thiên Chúa, để cho con có thể làm đẹp ý Người.
11) Ôi Thánh Mẫu, xin Mẹ làm ơn đóng vào lòng con cho thực mạnh / những vết thương của Ðấng bị treo thập giá.
12) Xin Mẹ cho con được chia phần thống khổ / của Con Mẹ đã thương vong, đã khứng chịu cực hình vì con như thế.
13) Xin cho con được cùng Mẹ thảo hiếu khóc than, cùng Ðấng bị đóng đinh tỏ niềm thông cảm, bao lâu con còn sinh sống ở đời.
14) Con ước ao được cùng với Mẹ / đứng bên cây Thập giá, và hợp nhất cùng Mẹ trong tiếng khóc than.
15) Ôi Ðức Trinh Nữ thời danh trong hàng trinh nữ, xin đừng tỏ ra cay đắng với con, xin cho con được cùng Mẹ chan hoà dòng lệ.
16) Xin cho con được mang sự chết của Ðức Kitô, được cùng Người thông phần đau khổ, và tôn thờ những thương tích của Người.
17) Xin cho con được mang thương tích của Người, cho con được say sưa cây thập giá / và máu đào Con Mẹ đã đổ ra.
18) Ôi, Ðức Trinh Nữ, xin đừng để cho con bị lửa hồng thiêu đốt, nhưng được Mẹ chở che trong ngày thẩm phán!
19) Lạy Chúa Kitô, khi phải lìa bỏ cõi đời này, nhờ Ðức Mẹ, xin Chúa cho con được tới lãnh ngành dương liễu khải hoàn.
20) Khi mà xác thịt con sẽ chết, xin cho linh hồn con / được Chúa tặng ban vinh quang của cõi thiên đường.
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Ðức Trinh Nữ Maria là người có phúc, Bà xứng đáng lãnh nhận ngành lá tử đạo dưới chân Thập giá Chúa mà không phải chết. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 19, 25-27
“Bà mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của người con chí thánh mà đau lòng thổn thức tâm can”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria vợ ông Clopas, và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà”. Rồi Người lại nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc: Lc 2, 33-35
“Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, cha và mẹ Chúa Giêsu đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria Mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh Chị em thân mến! Mẹ Maria đã hiệp thông mật thiết vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô, nên Mẹ đã được đặc cách tham dự vào cuộc Phục Sinh vinh hiển của Chúa. Nhờ công nghiệp của Mẹ, chúng ta dâng lời nguyện xin.
1. “Đây trẻ này được đặt lên khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đồ hay được đứng dậy”. – Xin cho Hội Thánh luôn trung kiên bước theo Chúa Kitô dù gặp phải gian nan và bị bách hại, vì chính Người cũng đã từng bị bách hại và bị giết chết.
2. “Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời“. – Xin cho mọi Kitô hữu học gương Chúa Giêsu Kitô mà sông và làm việc, hầu đem lại ơn cứu độ cho bản thân và mọi người.
3. “Đức Trinh nữ Maria là người có phúc, bà xứng đáng lãnh nhận ngành lá tử đạo”. – Xin cho những bà mẹ đang gặp đau khổ trăm chiều, được Chúa nâng đỡ và xin cho họ biết nhìn mẫu gương tuyệt vời là Đức Maria, để họ kiên vững trong niềm tin, cậy, mến.
4. “Đứng gần Thập Giá Đức Giêsu có Mẹ Người”. – Xin cho những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, được Đức Maria thúc giục nhiều người yêu thương đùm bọc, để các em có điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá con người.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã đón nhận những đau khổ của Đức Maria và cho Ngài được vinh phúc trên trời. Xin Chúa cũng thương nhận những ước nguyện của chúng con, để chúng con cảm thấy được nâng đỡ ủi an trên con đường tiên về quê hương vĩnh cửu. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô…
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế nên hiền mẫu của chúng con khi Người đứng dưới chân thập giá. Xin Chúa nghe lời chúng con cầu khẩn và nhận lễ vật chúng con dâng tiến trong ngày lễ kính nhớ Thánh Mẫu để danh Chúa được rạng rỡ vinh quang. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Ðức Mẹ: “trong ngày lễ…”.
Ca hiệp lễ
Được thông phần đau khổ của Chúa Kitô, anh em hãy vui mừng, để khi vinh quang của Người được tỏ hiện, anh em được vui mừng hoan hỷ.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận bí tích cứu độ muôn đời khi kính nhớ Ðức Mẹ Sầu bi. Chúng con khiêm tốn nài xin Chúa giúp chúng con mang lấy vào thân cho đủ mức những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu cho Hội Thánh được nhờ. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Đau khổ của Con là sầu bi của Mẹ
(LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Trong những ngày này, cả thế giới nín lặng trong sự bàng hoàng trước những tàn ác của Phiến quân Hồi Giáo (IS). Những kẻ này đã chặt đầu và nã đạn hàng ngàn người vô tội chỉ vì họ trung thành với đức tin Công Giáo và không chịu cải đạo sang Hồi Giáo. Hàng triệu người phải bỏ quê hương, xứ sở để sơ tán, lánh nạn. Sự ngang tàng, ác độc của Phiến quân Hồi Giáo cực đoan đã làm cho cả thế giới phải ghê rợn. Vì thế, không thể ngồi yên, những nhà lãnh đạo từ mọi phía, đang tìm mọi cách để ngăn chặn sự độc ác này. Đồng thời, nhiều tổ chức, tùy hoàn cảnh, khả năng, đã ra tay giúp đỡ các nạn nhân.
Có lẽ qua sự kiện này, đã để lại trong đầu chúng ta những câu hỏi: tại sao nhân loại lại phải quan tâm đến chuyện của một đất nước khác? Những hình khổ, chết chóc của người dân phải chịu có ảnh hưởng gì với chúng ta?
Câu trả lời hết sức đơn giản, bởi lẽ chúng ta có một mối liên hệ trong tình yêu. Vì thế, nỗi đau của người dân Iraq cũng là nỗi đau của chúng ta. Chúng ta không bị đổ máu, nhưng trong mầu nhiệm hiệp thông, chúng ta cũng có một phần trách nhiệm. Chúng ta không phải ly tán, nhưng trong sự liên đới, chúng ta phải cảm thương.
Hôm nay, phụng vụ mừng kính lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Đây là cơ hội để chúng ta có dịp cảm nghiệm được sự kết hiệp mật thiết giữa hai cuộc đời trong cùng một sứ vụ là cứu chuộc nhân loại.
Khi thiết lập lễ này, Giáo Hội muốn chúng ta cùng nhau chiêm ngắm hình ảnh Mẹ Maria trên các chặng đường thương khó của Đức Giêsu. Bởi vì cả cuộc đời của Mẹ luôn theo sát Đức Giêsu, con của Mẹ trên mọi nẻo đường.
Như vậy, niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại của Con cũng là của Mẹ. Mọi đau thương của Con, Mẹ đều ôm trọn vào tim, để rồi suy đi nghĩ lại trong lòng.
Cuộc đời của Mẹ cũng có những lúc vinh quang chan hòa, nhưng cũng không thiếu cảnh đau thương, xót xa.
Vì thế, lần dở lại các chặng đường của Đức Giêsu từ thủa ấu thơ đến khi rao giảng, chịu chết, an táng và lên trời, chúng ta đều thấy dấu ấn của Mẹ Rất Thánh ẩn hiện trong đó.
Những đau khổ ấy được tô đậm qua những sự kiện quan trọng:
Khởi đi từ việc cùng thánh Giuse lên đường trở về Belem để đăng ký nhân khẩu, đêm về, không thể tìm được quán trọ chỉ vì nghèo và bụng mang dạ chửa; rồi sinh Đức Giêsu trong cảnh màn trời chiếu đất nơi máng cỏ bò lừa; chưa hết khó khăn thì lại gặp cảnh khốn đốn khi hay tin vị vua tàn ác là Hêrôđê tìm giết Hài Nhi, nên đã cùng với thánh Giuse chạy trốn sang Ai Cập; chẳng bao lâu, lại long đong đưa Hài Nhi trở về Nazareth, rồi bị lạc mất Đức Giêsu trong đền thờ lúc 12 tuổi; đỉnh cao của cảnh bi thương trần lụy khi chứng kiến người ta đả đảo con mình; thấy được kẻ ác đánh đập tàn bạo, dã man; đau điếng khi thấy con bị những lằn roi chí tử giáng xuống trên mình; chứng kiến cảnh quan tòa nhu nhược mà kết luận bản án bất công; chưa hết, buồn tê tái khi môn đệ thân tín bán đứng Con Chí Ái, Phêrô chối không nhận Thầy; xót xa khi thấy con vác thập giá và ngã gục trên đường; xé lòng khi nghe từng tiếng búa chát chúa kèm theo tiếng kêu của con khi bị quân lính đóng đinh; nín thở nhìn con thoi thóp từng hơi trên thập giá; buốt nhói khi đứng dưới chân thập giá chứng kiến con chút hơi thở cuối cùng; ngất lịm khi nhìn quân lính đâm cạnh nương long và tang thương khi ôm xác con vào lòng; tủi phận khi phải an táng con trong ngôi mồ mượn…
Như vậy, cuộc đời của Mẹ luôn gắn liền với Đức Giêsu. Sứ mạng của Đức Giêsu được Mẹ ấp ủ trong lòng. Con đường thập giá mà Đức Giêsu mang trong sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha, cũng được Đức Mẹ “xin vâng” và mang trong trái tim.
Điểm lại những đau thương mà Mẹ Maria phải chịu, chúng ta khám phá ra một người Mẹ can đảm, hiên ngang và thi hành trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời của mình nơi các biến cố.
Thật vậy, cả cuộc đời của Mẹ, Mẹ đã sống trọn vẹn lời “xin vâng” với Thiên Chúa. Mẹ “xin vâng” cả lúc vui lẫn khi buồn. “Xin vâng” trong mọi hoàn cảnh. “Xin vâng” đến trọn cuộc đời.
Nói khác đi: cuộc đời của Đức Giêsu là một cuộc đời luôn vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, thì cuộc đời của Mẹ Maria là cuộc đời trọn tình vẹn nghĩa với lời “xin vâng”.
Bởi lẽ, nơi cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu cũng chính là cuộc sống của Mẹ, nên không lạ gì nỗi đau của Con cũng là của Mẹ. Chỉ khác một điều là Đức Giêsu thì mang trên thân xác, còn Mẹ thì mang trong tâm hồn.
Thật thế, lời của tiên tri Simêon đã được ứng nghiệm cách trọn vẹn: “…chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 35).
Như vậy, cách nào đó, Mẹ đã trở nên đồng hình đồng dạng với Con Chí Ái, vì thế Mẹ xứng đáng được tặng ban tước hiệu là Đấng “Đồng Công Cứu Chuộc”.
Mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi hôm nay, chúng ta được an ủi rất nhiều, vì trong cuộc sống của chúng ta, mọi khía cạnh đều có Đức Giêsu đi qua và có Mẹ Maria cảm thông.
Mỗi khi gặp khó khăn, mây mù giăng lối, chúng ta hãy biết ngước nhìn lên Mẹ như Mẹ đã ngước nhìn lên Thánh Giá Chúa khi xưa và sẵn lòng đón nhận mọi nghịch cảnh xảy đến trong đời, ngõ hầu mọi sự đều sinh ích cho người có lòng yêu mến Chúa.
Lạy Mẹ Sầu Bi, xin Mẹ ban cho chúng con hiểu lòng Mẹ, an ủi Mẹ, và sẵn lòng chịu mọi sự khốn khó cho nên vì lòng yêu mến Chúa như Mẹ, để sau cuộc đời này, chúng con được bên Mẹ trong Nước của Con Chí Thánh là Đức Giêsu Kitô muôn đời. Amen.
CHIÊM NGẮM ĐẤNG ĐỨNG KỀ BÊN THẬP GIÁ
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.
Sự liên kết của Mẹ với Đức Kitô trong công cuộc cứu độ, được biểu lộ từ lúc: Mẹ thụ thai Chúa, cho đến lúc, Chúa chịu chết trên Thập Giá. Biến cố Truyền Tin đánh dấu một khởi đầu; biến cố Thập Giá báo hiệu một kết thúc: Lời Truyền Tin thứ nhất do sứ thần đem đến: báo cho Mẹ biết: Mẹ sẽ làm Mẹ Thiên Chúa; lời Truyền Tin thứ hai do chính Ngôi Lời Thiên Chúa trăn trối cho Mẹ biết: Mẹ sẽ làm Mẹ Hội Thánh, Mẹ của toàn thể nhân loại. Do đó, Mẹ luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin: từ khởi sự cho đến hoàn thành.
Vào những giây phút khởi đầu của biến cố Nhập Thể, Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa; vào những giờ phút cuối cùng của biến cố Thập Giá, Mẹ đã trở thành Mẹ Hội Thánh, Mẹ của toàn thể loài người. Trong Mầu Nhiệm Truyền Tin, Mẹ đã trao dâng cung lòng trinh trong cho Con Thiên Chúa ngự vào; nơi Mầu Nhiệm Thập Giá, Mẹ đón nhận toàn thể nhân loại vào trong tâm hồn. Trong Vườn Địa Đàng, bên cây Trái Cấm, bà Evà đã đánh mất quyền làm mẹ chúng sinh; trên đồi Canvê, dưới chân Thánh Giá, Mẹ đón nhận quyền làm Mẹ của toàn thể nhân loại. Ước gì chúng ta cũng biết bắt chước Mẹ: bước đi cùng với Đức Kitô từ khởi đầu, cho đến lúc, kết thúc dưới chân Thập Giá.
Vì hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, nên Mẹ hoàn toàn bình tâm trước mọi thử thách. Không gì có thể ràng buộc Mẹ, ngoài một mình Chúa là tự do của đời Mẹ. Vì hoàn toàn tin tưởng, nên Mẹ hoàn toàn hạnh phúc, và được gọi là Đấng Toàn Phúc. Mẹ thật sự có buồn rầu, nhưng không phải buồn rầu cho mình, mà cho số kiếp tội nhân. Mẹ thật sự có đau lòng, nhưng không phải đau lòng cho mình, mà đau nỗi đau của Đức Giêsu trước sự cố chấp của loài người chúng ta. Trong cuộc sống, sẽ có biết bao điều chúng ta không thể nào hiểu được, thậm chí, có những điều vô lý, trái ý nghịch lòng. Ước gì chúng ta có được một đức tin vững mạnh để đón nhận Thánh Ý Chúa, ngay cả khi, chúng ta không thể nào hiểu được. Ước gì chúng ta biết tin tưởng, phó thác cuộc đời trong tay Mẹ, như Mẹ vẫn hằng luôn tin tưởng, buông mình trong tay Thiên Chúa toàn năng.
Trong cuộc sốnng, chúng ta sẽ gặp nhiều thử thách về niềm trông cậy: có những điều quá buồn, sẽ làm tinh thần chúng ta suy sụp; có những cái quá cực, sẽ làm chúng ta ngã quỵ; có những thứ quá đau, sẽ làm chúng ta điêu đứng; có những việc quá lo, sẽ làm chúng ta chán nản; có những tình cảnh quá đáng sợ, sẽ làm chúng ta bồn chồn thao thức... Mẹ cũng đã từng trải qua những điều quá buồn, quá cực, quá đau lòng, và quá đáng sợ. Thế nhưng, Mẹ đã cậy trông vào Thiên Chúa để sẵn lòng đón nhận tất cả và hiến dâng tất cả cùng với Con của Mẹ, để đem ơn cứu độ đến cho loài người chúng ta. Xin Mẹ cho chúng ta có được một Đức Cậy vững vàng, để bền đỗ đến cùng trên cuộc lữ hành đức tin này.
Sự hiện diện đầy can đảm của Mẹ dưới chân Thập Giá cũng gợi lên cho chúng ta biết bao khổ đau của phận người. Bóng thập giá bao phủ khắp nơi, khổ đau không miễn trừ bất cứ một người nào. Ước gì chúng ta biết cùng với Mẹ, đứng dưới chân Thập Giá, để chúng ta cũng cảm nhận được bao nỗi khổ đau của những người xung quanh, và để chúng ta cảm nhận được một sự sống mới mà Đức Kitô đã mang lại cho loài người chúng ta. Xin cho chúng ta luôn can đảm đón nhận và vượt qua mọi trở ngại, để vững bước trên hànhh trình đức tin với nhiều thử thách, cam go.
Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững, chứ không ngã qụy. Dưới chân thập giá, Mẹ vẫn im lặng, sự thinh lặng đầy can đảm thấu tận trời cao: Không một tiếng rên la, than vãn, nhưng là một sự hiệp thông sâu xa để chuyển thành ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại chúng ta. Dưới chân thập giá, Mẹ đã trở thành Mẹ của tất cả nhân loại. Vì thế, Mẹ luôn đứng bên cạnh tất cả chúng ta, nhất là, trong những thời điểm đen tối nhất của cuộc sống. Ước gì chúng ta luôn vững vàng, vì biết rằng: Mẹ luôn âm thầm chia sẻ và chịu đựng nỗi đau khổ của từng người chúng ta như thể của riêng Mẹ.
Nhìn ngắm Mẹ dưới chân Thập Giá, chúng ta nhận ra một gương mẫu đức tin tuyệt hảo: Mẹ được gọi là Đấng Đầy Ơn Phúc, nhưng chẳng thấy phúc, chỉ thấy họa. Là người có Thiên Chúa ở cùng, nhưng chỉ thấy khốn khó và đau thương. Được bà Isave tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa, nhưng thực tế trước mắt người Dothái, Mẹ chỉ là mẹ của một tên gian phi. Mẹ được ơn vô nhiễm và trọn đời đồng trinh, nhưng những hậu quả mẹ gánh chịu như là một người tội lỗi, vì đối với người đời, không có nhân thì sao lại có quả. Ước gì chúng ta biết noi theo lòng tin của Mẹ, bởi vì, nếu chúng ta muốn hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, thì chúng ta phải có một đức tin ngày càng lớn mạnh: Sẽ không có gì cho ngày mai, nếu đức tin không sáng lên từ hôm nay.