TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – A

Thứ ba - 24/10/2023 14:36 |   712
Chúa Giê-su nói: “Các kinh sư và người Pha-ri-sêu… làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.” (Mt 23,1-12)

05/11/2023
CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN -A

cn t31 TNa

Mt 23,1-12


CHỈ ĐỂ TÔN VINH THIÊN CHÚA
Chúa Giê-su nói: “Các kinh sư và người Pha-ri-sêu… làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.” (Mt 23,1-12)

Suy niệm: Chuyện xưa kể rằng có một anh chàng thích khoe mẽ, mặc chiếc áo mới đứng ngoài cửa chờ có người đi qua khen. Đứng từ sáng đến chiều chẳng có ai hỏi một câu. Đến chập tối mới có một anh khoe mẽ khác chạy qua hỏi: “Anh có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?” Anh kia đáp: “Từ lúc tôi mặc chiếc áo mới này, tôi không thấy con lợn nào chạy qua đây cả.” Về phương diện thiêng liêng, đối với căn bệnh ‘khoe mẽ đạo đức’, Chúa Giê-su không chỉ châm biếm mà còn lên án nặng nề: “Khốn cho các người, những kẻ giả hình” (x. Mt 12,13). Biểu hiện của căn bệnh này là “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy”, để được khen, được kính trọng. Chúa Giê-su dạy khi làm việc thiện, việc đạo đức điều quan trọng nhất là để chỉ mình Thiên Chúa là Cha thấy và ban thưởng (x. Mt 6,1-6). Còn thiên hạ có thấy những việc tốt đẹp đó cũng là để “tôn vinh Thiên Chúa là Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Bạn có nhận thấy cơn cám dỗ ‘khoe mẽ’ đang đè nặng trong tâm trí mình cách này cách khác? Cám dỗ này có thể mang dáng vẻ của những nỗi sợ: sợ những việc đạo đức, việc phục vụ âm thầm của mình không được ai biết đến, khen ngợi, trả ơn… Bạn cứ yên tâm, vì Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tận đáy lòng, sẽ thấy và ban thưởng cho bạn.

Sống Lời Chúa: Luôn làm việc thiện không sờn lòng nản chí, chỉ để tôn vinh Chúa, dù người ta có thấy hay không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giữ con khỏi những ham muốn khoe khoang giả hình, để con tin mến Chúa tận đáy lòng và làm mọi việc chỉ để tôn vinh Thiên Chúa là Cha mà thôi. Amen.

Ngày 5 tháng 11: Lạy Chúa! Để giải thoát chúng con khỏi quyền lực Thần chết, Con Chúa, là Đức Kitô đã đến để mang lấy thân phận phải chết của chúng con. Người thực hiện thánh ý của Chúa là muốn cứu độ tất cả mọi người. Người đã chết vì chúng con, đã làm hy tế xá tội cho chúng con. Nhờ cái chết của Người, chúng con được hòa giải với Chúa, hầu có thể lãnh nhận gia nghiệp muôn đời. Người đã chiến thắng tử thần bằng sự phục sinh vinh hiển, nên quyền lực của Thần chết đã bị vô hiệu hóa. Kể từ đó, tương quan của chúng con với sự chết đã thay đổi, vì Đức Kitô chiến thắng: sẽ luôn chiếu soi cho những ai đang ngồi trong bóng tử thần. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm A

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là quền lực phần rỗi tôi, xin phù  giúp tôi.

Dẫn nhập Thánh lễ

Không ai có thiện cảm với những người nói mà không làm, lại càng ghét những người giả dối, nói thánh nói tướng, lên mặt đạo đức giảng cho người khác, nhưng đời sống riêng tư của họ lại bê bối không sống theo điều họ rao giảng.

Các bài đọc hôm nay dạy chúng ta phải tránh lối sống giả dối ngôn hành tương phản như thế. Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri Malakia để cảnh cáo các tư tế và dân chúng vì họ đã hủy bỏ giao ước, sống vị nể và đi sai đường lối, làm cho nhiều người vấp phạm. Trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu đã nghiêm khắc phê bình những người biệt phái và luật sĩ giả hình, vì họ đã sống khác xa với lời họ giảng dậy. Họ nói một đàng làm một nẻo. Vì thế, Lời Chúa hôm nay muốn dạy chúng ta phải phục vụ hết mình như chính Đức Kitô đã nêu gương.

Chúng ta hăy xin Chúa thương xót thứ tha mọi lỗi lầm để Thánh Lễ chúng ta dâng giờ đây được Chúa chấp nhận.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ml 1, 14b – 2, 2b. 8-10

“Các ngươi đã đi sai đường lối, và làm cho nhiều người vấp phạm lề luật”.

Trích sách Tiên tri Malakhi.

Chúa các đạo binh phán rằng: Ta là Vua cao cả, và danh Ta đáng kính sợ trong các dân tộc. [Ta sẽ làm cho các ngươi phải túng thiếu.]

{Và bây giờ, trên các ngươi có án lệnh này, hỡi các tư tế: Nếu các ngươi không nghe, và nếu các ngươi không lưu tâm mà tôn vinh danh Ta, Chúa các đạo binh phán, Ta sẽ phóng (sự) chúc dữ xuống trên các ngươi; và Ta sẽ chúc dữ cho sự chúc lành của các ngươi.}

Các ngươi đã đi sai đường lối, làm cho nhiều người vấp phạm lề luật và huỷ bỏ giao ước Lêvi, Chúa các đạo binh phán như vậy. Bởi thế, Ta để cho các ngươi bị khinh rẻ và đốn mạt trước mọi dân tộc, vì các ngươi đã không tuân giữ đường lối của Ta, và vị nể trong khi thi hành lề luật. Chớ thì mỗi người chúng ta không có một người cha sao? Chớ thì không phải có một Thiên Chúa tạo thành chúng ta sao? Vậy tại sao mỗi người chúng ta lại khinh rẻ anh em mình mà phản bội giao ước của tổ phụ chúng ta?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3

Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.

Xướng: Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con. –

Xướng: Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời.

Bài đọc II: 1 Tx 2, 7b-9, 13

“Chúng tôi muốn trao phó cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn mạng sống chúng tôi nữa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi đã trở thành như những kẻ bé mọn giữa anh em. Như người vú nuôi nâng niu con cái mình thế nào, thì chúng tôi yêu thương anh em đến nỗi chúng tôi rất vui lòng trao phó cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa: vì anh em đã nên thiết nghĩa với chúng tôi. Anh em vẫn còn nhớ đến công lao khó nhọc của chúng tôi: chúng tôi phải làm việc ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng cho một ai trong anh em, khi chúng tôi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa giữa anh em. Bởi thế chúng tôi không ngừng cảm tạ Thiên Chúa, vì anh em nhận lãnh lời Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, anh em đã nhận lãnh lời ấy không phải như lời của người phàm, mà như lời Thiên Chúa, và thực sự là thế, lời đó hoạt động trong anh em là những kẻ đã tin.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ep 1, 17-18

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. – Alleluia.

Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Anh em chỉ có một cha là Cha trên trời, anh em chỉ có một lãnh đạo là Đức Ki-tô – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 23, 1-12

“Họ nói mà không làm”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.

“Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Kitô vị chỉ đạo tối cao đã dậy và nêu gương phục vụ chân thành, khiêm tốn. Bởi đó, mọi chức vụ và hoàn cảnh luôn là động lực thúc đẩy chúng ta chu toàn nghĩa vụ làm vinh danh Chúa. Vậy chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1. “Ta để cho các ngươi bị khinh rẻ”, – Xin cho các vị Mục tử có một đức tin bén nhậy, một đức ái nồng nàn và một lòng khiêm tôn thẳm sâu, để hân hoan phụng sự Chúa và phục vụ mọi người, sẽ giúp nhiều người yêu mến và phụng sự Chúa.

2. “Như người vú nuôi nâng niu con cái mình thế nào, thì chúng tôi cũng yêu thương anh em như vậy”, – Xin cho các vị lãnh đạo Quốc Gia biết dùng quyền bính mà quan tâm đáp ứng những nhu cầu căn bản của con người, để xã hội loài người được thăng tiến.

3. “Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi”. – Xin Chúa chúc lành và đỡ nâng những người thiện chí đang phục vụ Chúa trong các anh em nghèo khó khổ đau, để gương xả kỷ bác ái của họ biến thành lời mời gọi nhiều người tin theo Chúa.

4. Trước những sai lầm và ngụy thuyết mà kẻ thù đang khéo léo làm lung lạc dân Chúa, – Xin cho mọi thành phần dân Chúa biết khôn ngoan, cảnh giác trước những lý thuyết phàm tục, để lắng nghe giáo huấn của Hội Thánh, hầu giữ vững đức tin tông truyền.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin khắc ghi trong tâm trí chúng con mẫu gương phục vụ khiêm tốn của Chúa, để lời nói và hành động của chúng con luôn phù hợp với đường lối Chúa, mà hoàn thành tốt đẹp trách nhiệm đối với Chúa và tha nhân. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, và xin cho tôi no đầy hoan hỉ trước thiên nhan.

Hoặc đọc:

Chúa phán: cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta chính người ấy cũng sống nhờ Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….

Suy niệm
Khiêm nhường

Thầy Pacifique là một trong số những môn đệ đầu tiên của thánh Phanxicô d’Assie, ngày kia thầy được Chúa đưa lên thiên đàng và chiêm ngắm những cảnh sắc huy hoàng. Thầy nhìn thấy một chiếc ngai sáng chói, và Chúa đã nói với Thầy: Chiếc ngai mà con thán phục đó là chiếc ngai của Lucifer, nhưng vì kiêu ngạo, nó đã bị bỏ mất, giờ thì nó thuộc về Phanxicô d’Assie, người tôi tớ khiêm nhường của Ta. Hôm sau trong giờ nghỉ, thầy đã hỏi thánh nhân: Thưa cha, cha nghĩ gì về mình. Thánh nhân trả lời: Tôi chỉ là một kẻ tội lỗi đáng thương nhất. Thầy dòng ngạc nhiên: Làm sao mà cha có thể như vậy được. Thánh nhân trả lời: Nếu Chúa ban cho kẻ khác những ơn hệt như đã ban cho tôi, thì họ đã trở nên tốt lành thánh thiện hơn tôi rất nhiều. Thầy dòng suy nghĩ, và nhớ tới lời Chúa đã phán: Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.

Vậy chúng ta phải hiểu thế nào về lời nói của Chúa Giêsu? Đâu là ý tưởng của Ngài? Dĩ nhiên Chúa không bảo chúng ta tuân giữ một đức khiêm nhường bề ngoài, một sự khiêm nhường giả hiệu, chẳng hạn như khi đi dự tiệc, là phải chọn ngay mâm cuối, để rồi sẽ được chủ nhà mời lên mâm trên. Căn bản của thái độ này chính là kiêu ngạo, sự trá hình. Chúa không bảo chúng ta hãy lợi dụng chỗ thấp để làm cho mình được vinh dự, trái lại, chúng ta phải có tâm tình khiêm nhường, sẵn sàng chấp nhận những công việc khiêm tốn, những địa vị kém cỏi. Chúa là Đấng phân định công nghiệp của chúng ta, chính Ngài sẽ chỉ cho chúng ta đứng vào địa vị xứng hợp.

Chúng ta sống trên trần gian, không phải là để thống trị mà là để phục vụ kẻ khác như lời Ngài đã phán: Con Người đến không để được phục vụ mà để phục vụ và hiến thân vì người khác. Ai muốn làm lớn, hãy trở nên như tôi tớ. Đó chính là bài học mà chúng ta không bao giờ được quên lãng, vì Chúa chống đối kẻ kiêu ngạo và yêu thương người khiêm nhường.

Một nữ tu kia có tiếng hát rất hay. Sơ biết điều đó và thường hãnh diện mỗi khi hát trong nhà nguyện của cộng đoàn. Sau khi sơ ấy chết đi, thánh nữ, Gertrude nhìn thấy linh hồn của sơ ấy quằn quại trong lửa luyện ngục. Trước cảnh tượng kinh hoàng ấy, thánh nữ đã khóc thương, nhưng Chúa hiện ra và phán: Vị nữ tu này đang đền bù, tẩy xoá tính kiêu ngạo. Hãnh diện vì tiếng hát, sơ ấy đã đi tìm những lời khen phù phiếm thay vì phụng sự thánh danh Ta.

Phải chăng chúng ta cũng đã tình cờ trở nên giống vị nữ tu trước những tài năng mà Chúa đã ban? Hãy dùng những khả năng của mình để phụng sự Chúa và anh em, nhờ đó mà chúng ta sẽ sống tâm tình khiêm nhường đích thực, vì ai hạ mình xuống, sẽ được không phải là người đời, mà chính là Chúa nâng lên.

Khiêm nhường

Chúng ta có thể xác quyết: Khiêm nhường là con đường bảo đảm nhất dẫn chúng ta tới quê hương Nước Trời.

Thực vậy, tội của ông bà nguyên tổ là gì, nếu không phải là sự kiêu căng, muốn trở nên bằng Thiên Chúa, từ chối không chịu để cho Ngài hướng dẫn, bằng cách giơ tay ngắt trái cấm mà ăn. Tội của Lucifer, vị thần mang ánh sáng, là gì, nếu không phải là tính kiêu ngạo, không muốn phục tùng Thiên Chúa nữa.

Từ đó, chúng ta thấy mình chỉ có thể gặt hái được những thành quả tốt đẹp, nếu biết trở nên như trẻ nhỏ, phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, người cha đầy yêu thương và giàu lòng thương xót.

Dưới mắt Thiên Chúa, chúng ta thấy dường như có một sự đảo lộn giá trị: Ai tự nâng mình lên cao thì sẽ bị hạ xuống thấp, và trái lại ai hạ mình xuống thấp thì sẽ được nâng lên cao, bởi vì chính Chúa Giêsu đã phán: Ai muốn làm lớn thì phải trở thành kẻ rốt hết và làm đầy tớ phục vụ cho mọi người…Ai trở nên giống trẻ nhỏ, thì sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời…

Để nuôi đám đông dân chúng trong hoang địa, Chúa Giêsu đã không làm cho manna từ trời rơi xuống, nhưng Ngài đã dùng năm chiếc bánh và hai con cá của một em nhỏ.

Và trong cuộc sống, Ngài đã sử dụng những phương tiện tầm thường nhất. Thực vậy, để thiết lập Giáo Hội, Ngài đã không chọn lựa những tiến sĩ luật và những nhà thông thái, trái lại, Ngài đã kêu gọi những con người đơn sơ và dốt nát.

Tại phòng tiệc ly, mặc dù luôn ý thức quyền năng của mình, thế nhưng Ngài đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ, để dạy cho các ông bài học khiêm nhường và phục vụ.

Trong công cuộc cứu độ nhân loại, Ngài đã không sử dụng tới uy quyền của một vị Thiên Chúa, nhưng đã cúi đầu chấp nhận thập giá, như lời thánh Phaolô đã diễn tả: Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.

Ngài cũng muốn chúng ta noi gương bắt chước Ngài: các con hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Đoạn Tin Mừng hôm nay đưa ra hai khuôn mặt, đó là khuôn mặt của một bậc thầy, một tiến sĩ luật và khuôn mặt của một người tôi tớ, một người hèn mọn.

Kẻ kiêu căng luôn đặt mình làm trung tâm của vũ trụ, muốn người khác phải trọng kính và coi mình như một vị thủ lãnh. Chính vì thế, kẻ kiêu căng không hề biết vâng lời và yêu thương. Họ sẽ không bao giờ được thỏa mãn, trái lại lúc nào cũng ghen tức vì hấy người khác được thành công. Một kẻ như vậy thì làm sao có thể gặp được Thiên Chúa.

Trong khi đó, người khiêm nhường biết từ bỏ mọi sự, ngay cả bản thân cùng với địa vị và danh dự. Họ biết nhận định đúng về con người của mình, đồng thời họ biết quên mình đi để mưu cầu lợi ích cho những người chung quanh. Chính vì thế, họ được dành cho nhiều tình cảm tốt đẹp và được chính Thiên Chúa đón nhận, vì tâm hồn họ trống rỗng, không có những vướng mắc và níu kéo.

Kytô giáo của chúng ta không thể thiếu vắng sự khiêm nhường, như lời thánh Bernađô đã xác quyết: Lời rao giảng quan trọng nhất của Đức Kitô chính là sự khiêm nhường.

Và thánh Phanxicô Assie cũng nói: Thiên Chúa thấy tôi tội lỗi hơn hết mọi người, nên Ngài đã chọn tôi để làm những công việc trọng đại.

Còn thánh Phanxicô Xaviê thì bảo: Trên dấu chân của Đức Kitô, chúng ta chỉ thực sự được nâng lên, một khi đã thực sự hạ xuống.

Để kết luận, chúng ta cùng nhau ghi nhớ tư tưởng sau dây của ông Gandhi: Nếu chúng ta nghĩ rằng mình là một cái gì đó, thi chúng ta đã đặt một hàng rào để ngăn cách với Thiên Chúa, còn nếu chúng ta nghĩ rằng mình chẳng là gì cả, thì chúng ta sẽ trở nên một với Ngài.

CHỈ CÓ MỘT CHA, CHỈ CÓ MỘT THẦY
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần XXXI Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: chỉ nhờ Chúa ban ơn, chúng ta mới có thể thờ phượng Chúa cho phải đạo, xin Chúa giúp chúng ta tiến thẳng về Quê Trời, mà không bị vấp ngã trên đường.

Thiên Chúa là Cha yêu thương, có giận thì cũng chỉ giận trong giây lát, sửa phạt xong, lại cho hòa giải với Người. Ngay lúc sửa dạy, thì chúng ta chẳng vui thú gì, nhưng, nếu chúng ta để cho Người thanh luyện, thì chúng ta sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính. Bài đọc một của giờ Kinh Sách, được trích từ sách Macabê quyển I, cho thấy: Thiên Chúa sửa phạt Dân của Người bằng cách để mặc cho vua Antiôkhô cướp phá Đền Thờ, vơ vét hết bạc, vàng, các vật dụng quý giá, lấy cả các kho tàng đã được cất giấu khiến: Tang tóc bao trùm khắp cõi Ítraen. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Malakhi cũng có cùng tâm tình như thế khi cảnh báo cho Dân Chúa biết: Nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, thì Ta sẽ khiến các ngươi mắc tai họa, Ta sẽ biến phúc lành của các ngươi thành tai họaTất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà sao chúng ta lại bội phản nhau mà vi phạm giao ước của cha ông chúng ta?

Dân Chúa thường hay bất trung, phá hủy giao ước, nhưng, Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương, luôn kiên nhẫn chờ đợi con cái quay trở về, cho nên, vịnh gia qua Thánh Vịnh 130 của bài Đáp Ca hôm nay, đã bày tỏ tâm tình đơn sơ phó thác của đứa con thơ tìm nương ẩn nơi Thiên Chúa, bởi vì, ngoài Người ra, không có nơi nào khác để cho chúng ta nương tựa: Hồn con xin Chúa giữ gìn, nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa, Ítraen ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.

Bài đọc hai của giờ Kinh Sách, được trích từ Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vaticanô II cho thấy: Thiên Chúa là Đấng vĩ đại quyền năng, nắm giữ vương quyền, địa vị tối cao, vượt trên tất cả, vì thế, Hiến Chế khẳng định: Hòa bình trên trần gian chính là hình ảnh và kết quả của sự bình an xuất phát từ Chúa Cha, do Đức Kitô đem đến. Quả thế, chính Con Thiên Chúa nhập thể, Thủ Lãnh hòa bình, đã dùng thập giá mà hòa giải mọi người với Thiên Chúa, Người đã làm cho mọi người lại được hợp nhất trong một dân tộc, một thân thể duy nhất. Do đó, chúng ta không thể cậy dựa vào ai, hay thế lực nào khác, để xây dựng hòa bình, ngoài một mình Người, là Hoàng Tử Bình An.

Câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúng ta chỉ có một Cha là Cha trên trời; chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô. Thật vậy, chúng ta chỉ có một Cha, chỉ có một Thầy. Điều này thánh Phaolô là người hiểu rõ hơn ai hết, cho nên, trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh nhân đã tạ ơn Chúa, vì các tín hữu Thêxalônica đã đón nhận lời các Tông Đồ rao giảng không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Cũng vậy, thánh nhân đã noi theo tình phụ tử của Thiên Chúa mà đối xử với các tín hữu: chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ, sẵn sàng hiến cho các tín hữu, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống mình nữa.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã trách các kinh sư và những người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy, bởi vì, họ nói mà không làm; còn Đức Giêsu thì làm trước khi nói: Ai muốn làm đầu thì hầu thiên hạ. Ngôi Lời Thiên Chúa đã chấp nhận đi vào con đường nhập thể: tự hủy, hóa mình ra không: Thầy ở giữa anh em như một người tôi tớ. Đức Giêsu đã chấp nhận rời khỏi chỗ ngồi vinh dự của một vì Thiên Chúa, cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, như người đầy tớ rửa chân cho chủ mình. Đức Giêsu đến không phải được hầu hạ, nhưng, để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Do đó, ngoài Đức Kitô, không có vị thầy nào có thể dạy dỗ cho chúng ta, mà vả như có, thì người thầy ấy cũng phải theo sát và phải bắt chước để trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh trong khó nghèo và vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Tóm lại, chúng ta chỉ có một Cha là Cha trên trời, cho nên, chúng ta phải hiếu thảo với Người, mà muốn thờ phượng Người cho phải đạo, chúng ta phải cậy nhờ ân sủng của Người và tìm nương ẩn nơi Người: như con thơ trong lòng mẹ hiền. Chúng ta chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô, Người là đường, là sự thật, và là sự sống, cho nên, chúng ta phải theo sự hướng dẫn của Người, để chúng ta có thể tiến thẳng tới Quê Trời, mà không bị vấp ngã.



CHÂN DUNG KHÔNG ĐÁNG CÓ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ!”.

Tang lễ của các vua Áo đã từng diễn ra tại nhà thờ St. Stephen, Vienna, với một nghi lễ rất lạ thường. Linh cữu đến, cửa nhà thờ khoá. Một viên quan lấy búa gõ. Có tiếng vọng ra, “Ai muốn vào?”; “Hoàng đế!”. Tiếng trả lời, “Tôi không biết người ấy!”. Gõ lần thứ hai, “Ai muốn vào?”; quan tuyên bố, “Hoàng đế tối cao!”; tiếng vọng ra, “Tôi không biết người ấy!”. Cuối cùng, lần gõ thứ ba, “Ai muốn vào?”; lần này câu trả lời là, “Một tội nhân đáng thương!”; “Hãy vào!”. Sau đó, cửa rộng mở và tang lễ hoàng gia bắt đầu.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nói đến những con người quên mất mình là “những tội nhân đáng thương!”. Đó là những lãnh đạo tôn giáo: các kinh sư, biệt phái; qua họ, Chúa Giêsu phác hoạ một ‘chân dung không đáng có’ cho người lãnh đạo mọi thời!

Chúa Giêsu không ngần ngại phơi trần, họ là những con người sống một cuộc sống hời hợt và nông cạn, “Họ làm mọi việc cốt cho thiên hạ thấy”; họ là những kẻ đạo đức giả, vì “Họ nói mà không làm”; họ trở thành nô lệ cho sự lừa dối của chính mình bằng cách chỉ tìm kiếm sự tán thành hoặc ngưỡng mộ của người khác. Tự bản thân họ chẳng là gì ngoài sự phù phiếm thảm hại, tự hào, lố bịch, trống rỗng và ngu ngốc. Đó là một ‘chân dung không đáng có’ nơi người môn đệ Giêsu dù họ ở đấng bậc nào, mọi nơi, mọi thời!

Từ tạo thiên lập địa, cám dỗ kiêu ngạo thường xuyên ấy vẫn tiếp tục diễn ra; con rắn xưa vẫn thì thầm bên tai chúng ta, “Khi các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như thần, biết điều thiện, điều ác”. Và chúng ta tiếp tục hãnh tiến với nhiều danh hiệu khoa trương. Chúng ta thường xuyên chiếm giữ một nơi không phải của mình. Đó là thái độ của người Pharisêu, thái độ mà ngôn sứ Malakia trong bài đọc thứ nhất đã nói tiên tri, “Các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo!”.

Thay vì mặc lấy một ‘chân dung không đáng có’ như thế, tính cách người môn đệ Giêsu phải hoàn toàn ngược lại, “Người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ!”. Bài đọc thứ hai cho thấy Phaolô, một lãnh đạo mẫu mực, “Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ”; “Chúng tôi quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống mình nữa!”. Bấy giờ, bình an sẽ trào dâng, niềm vui sẽ ùa về. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Hồn con xin Chúa giữ gìn, nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ!”. Augustinô nói, “Chúng ta là những người lãnh đạo và là những tôi tớ phục vụ. Chúng ta có thể chủ trì, nhưng chỉ khi chúng ta phục vụ!”. Đức Phanxicô thì nói, “Điều cần thiết là sẵn sàng đánh mất chính mình vì lợi ích người khác thay vì bóc lột họ; phục vụ họ thay vì đàn áp họ vì lợi ích của mình. ‘Người khác’ ở đây - dù là một con người, một dân tộc hay một quốc gia - phải được nhìn nhận, không chỉ như một loại công cụ… mà là ‘người anh em’, một ‘người cần trợ giúp!’”. Bạn và tôi cần trở thành những lãnh đạo phục vụ trong một cộng đồng phục vụ: Giáo Hội là một cộng đồng phục vụ. Vì “Thước đo của một Kitô hữu chân chính không phải là anh ta có bao nhiêu người phục vụ mà là anh ta phục vụ bao nhiêu người!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con khoe mẽ về bất cứ điều gì của riêng mình ngoài tội lỗi. Cho biết dõi theo Chúa, nên giống Chúa, một chân dung đáng mơ ước!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây