TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 24/10/2023 14:26 |   591
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14,1.7-11)

04/11/2023
THỨ BẢY TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
Thánh Carôlô Borrômêô, giám mục

t7 t30 TN

Lc 14,1.7-11


KHIÊM NHƯỜNG TỰ HẠ
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14,1.7-11)

Suy niệm: Bữa tiệc tại nhà ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu bề ngoài có vẻ rất êm ả, nhưng thực ra đang chất chứa những căng thẳng ngấm ngầm. Một mặt, nhóm Pha-ri-sêu “cố dò xét” để xem Đức Giê-su có vi phạm luật ngày Sa-bát không. Mặt khác, giữa các thực khách có một cuộc tranh dành “chọn cỗ nhất mà ngồi”. Thấy vậy, Chúa kể dụ ngôn về “người được mời đi ăn cưới” này. Ngài vạch trần tính kiêu căng và lòng háo danh của họ đứng đằng sau cuộc đua dành ghế ấy. Từ nhận xét về lối ứng xử đời thường đó, Ngài dạy chúng ta về thái độ đạo đức nội tâm cần có. Trước tiên chúng ta hãy sống khiêm nhường tự hạ, vì Chúa nói: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Chính Chúa là mẫu gương cho chúng ta: Ngài đã “tự hạ vâng lời” cho đến chết, và chết trên thập giá; chính vì thế Ngài đã được Thiên Chúa siêu tôn (x. Pl 2,7-9) và trở nên “nguồn ơn cứu độ cho những ai tùng phục Ngài” (Hr 5,9).

Mời Bạn: Không ai chê bai, khinh thường những người sống khiêm tốn, mà chỉ kẻ ai kiêu ngạo đã không nhận ra được giá trị cao quý của nhân đức khiêm nhường mà thôi. Sống khiêm nhường là đi đúng con đường Chúa Giê-su đã đi và dạy chúng ta phải đi: “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Sống Lời Chúa: Luôn vui vẻ sẵn lòng làm việc phục vụ tha nhân dù đó là những việc hèn mọn không ai biết đến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con sống khiêm nhường tự hạ qua những việc làm yêu thương và âm thầm phục vụ anh chị em con. Amen.

Ngày 4 tháng 11: Lạy Chúa! Các linh hồn ở trong luyện ngục là ở trong niềm hy vọng. Hy vọng, vì họ biết mình vẫn còn ở trong tình trạng ân sủng của Thiên Chúa, nhất là họ biết rằng: họ sẽ được đảm bảo sự sống thiên đàng bên Chúa. Đây là một giai đoạn chuẩn bị sau cùng để họ được vào cõi sống đời đời. Chính vì thế, dù có phải trải qua lửa luyện tội đau đớn, họ vẫn không hề bi quan, nhưng đầy tràn niềm vui và hy HSAvọng. Xin cho chúng con biết nănKg nhớ đến họ trong lời cầu nguyện, và những hy sinh của mình, vì chắc chắn rằng: một khi được giải thoát, họ cũng sẽ nhớ đến chúng con trên thiên đàng. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Người, hãy luôn luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 11, 1-2a. 11-12. 25-29

“Nếu sự bỏ rơi người Do-thái là sự giao hoà của thế giới, thì đâu là cái lợi, nếu không phải là sự sống lại từ cõi chết?”

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chớ thì Thiên Chúa đã bỏ rơi dân Người rồi sao? Hẳn là không. Vì chính tôi cũng là người Israel, miêu duệ của Abraham, thuộc chi họ Bengiamin. Thiên Chúa không từ bỏ dân Người mà Người đã chiếu cố trước.

Vậy tôi xin hỏi: Chớ thì họ đã vấp chân đến nỗi ngã xuống rồi sao? Hẳn là không. Nhưng vì lỗi lầm của họ mà Dân ngoại được ơn cứu độ, để họ ganh đua với những kẻ ấy. Nếu lỗi lầm của họ làm cho thế giới nên giàu có, và sự thiếu thốn của họ làm cho Dân ngoại được phú túc, thì sự dư đầy của họ còn lợi nhiều hơn biết bao.

Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết mầu nhiệm này (để anh em không tự cho mình là những kẻ khôn ngoan): là một phần dân Israel cứng lòng mãi cho đến khi toàn thể Dân ngoại nhập giáo, và bấy giờ toàn thể Israel cũng sẽ được cứu độ, như có lời chép rằng: “Từ Sion có Ðấng Cứu độ sẽ đến mà cất sự vô đạo khỏi Giacóp. Và đó là giao ước Ta ký kết với họ, khi Ta xoá bỏ tội lỗi của họ”.

Xét theo Tin Mừng thì họ thật là kẻ thù nghịch vì anh em, nhưng xét theo kén chọn, thì họ là những người rất được yêu thương vì các tổ phụ. Bởi vì Thiên Chúa ban ân huệ và kêu gọi ai, Người không hề hối tiếc.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 93, 12-13a. 14-15. 17-18

Ðáp: Chúa sẽ không loại trừ dân tộc của Chúa (c. 14a).

Xướng: Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo, và giáo hoá theo luật pháp của Ngài, hầu cho họ được thảnh thơi trong những ngày gian khổ. 

Xướng: Vì Chúa sẽ không loại trừ dân tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Ngài. Nhưng sự xét xử sẽ trở lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình theo.

Xướng: Nếu như Chúa chẳng phù trợ con, trong giây phút hồn con sẽ ở nơi yên lặng. Ðang lúc con nghĩ rằng “Chân con xiêu té”, thì, lạy Chúa, ân sủng Ngài nâng đỡ thân con. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 1, 18b-26

“Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, miễn là Ðức Kitô vẫn được rao giảng, đó là điều làm tôi vui mừng, và tôi sẽ còn vui mừng mãi. Vì chưng tôi biết rằng nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ ơn Thánh Thần của Ðức Giêsu Kitô giúp sức, điều đó sẽ đưa tôi đến ơn cứu độ, theo sự tôi chờ đợi và hy vọng, tôi sẽ không hổ thẹn chút nào, trái lại tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng như mọi khi, và giờ đây, dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi.

Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em.

Một khi tin tưởng điều đó, tôi biết rằng tôi sẽ còn ở lại và sẽ lưu lại với tất cả anh em, để anh em được tấn tới và được hân hoan trong niềm tin, ngõ hầu anh em vì tôi mà được tràn đầy hiên ngang trong Ðức Kitô, bởi tôi trở lại với anh em một lần nữa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 41, 2. 3. 5bcd

Ðáp: Hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống (c. 3a).

Xướng: Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, ôi Chúa trời con! – Ðáp.

Xướng: Hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào tôi được tìm về ra mắt Chúa Trời? – Ðáp.

Xướng: Tôi nhớ lúc xưa đi giữa muôn người, tôi đứng đầu đưa dân tiến vào nhà Ðức Chúa Trời, giữa muôn tiếng reo mừng, ca ngợi.

Alleluia: Tv 147, 12a và 15a

Alleluia, alleluia! – Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai Lời Người xuống cõi trần ai. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 1. 7-11

“Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: “Xin ông nhường chỗ cho người này”, bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: “Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên”, bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc.

“Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhìn đến lễ vật chúng con dâng để tỏ lòng kính tôn thần phục và xin cho lễ tạ ơn này góp phần làm vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho chúng tôi được hân hoan mừng Chúa chiến thắng, và nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi nâng cao ngọn cờ.

Hoặc đọc:

Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và đã phó mình làm của lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con được hưởng nhờ trọn vẹn ơn thiêng của bí tích chúng con vừa cử hành để nhờ thánh lễ tưởng niệm Ðức kitô chịu thương khó, chúng con được sống lại với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm

THẾ NÀO LÀ NGƯỜI KHIÊM NHƯỜNG? (Lc 14, 1. 7-11)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Có một lần, trên xe buýt có hai linh mục, hai giáo dân. Vị linh mục lớn tuổi hỏi một bác đang cùng lộ hành với ngài rằng: theo ông, thế nào được gọi là người khiêm nhường?

Tưởng rằng với tuổi đời khá cao và đã từng trải, mình sẽ trả lời “ngọt như đường mía lau”. Bác ta trả lời rằng: “Thưa cha, người khiêm nhường là người không có bon chen với ai; luôn nghe lời của người khác và làm theo; và người khiêm nhường là luôn cho mình bất xứng!”. Vị linh mục kia trả lời: “Không đúng! Vì nếu người khiên nhường chỉ mong cho được bình yên thì họ thuộc về hạng người bị thụ động, mềm yếu; hay luôn làm theo ý người khác là người trốn tránh trách nhiệm, thiếu tự chủ, chứ thực chất không phải khiêm nhường; hoặc luôn coi mình là bất xứng thì không chừng, khiêm nhường kiểu này chẳng khác gì ‘một lần khiêm tốn bằng bốn lần kiêu ngạo’ vì họ có thể dùng chiêu thức này để người khác đề cao, khen ngợi và đánh giá mình đạo đức trước mặt mọi người”. Bác kia hỏi lại: “Vậy ai là người khiêm nhường thật?” Linh mục trả lời: “Người khiêm nhường là người sống đúng sự thật, biết nhận ra sự thật và tôn trọng sự thật”.

Thật vậy, theo tinh thần Tin Mừng, người khiêm nhường thật chính là người biết nhận ra sự thật hữu hạn của mình và nhận thấy Chúa quyền năng. Nhận ra mình yếu hèn, tội lỗi và Thiên Chúa yêu thương. Người khiêm nhường cũng là người biết mở rộng tâm hồn để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, sự góp ý của anh chị em.

Nói chung, người khiêm nhường là người biết ý thức rằng: mọi sự mình có là do Chúa yêu thương. Vì thế, sống khiên nhường là luôn biết hạ mình trước mặt Chúa và tha nhân. Luôn biết sám hối, canh tân để được Thiên Chúa nâng lên trong ân sủng của Ngài, bởi vì: “… hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con học được bài học khiêm nhường của Chúa để chúng con được thuộc về Chúa cách trọn vẹn. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Carôlô Borrômêô, giám mục

 

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta sẽ thăm viếng các chiên Ta, và Ta sẽ đặt một vị chủ chiên để chăn dắt chúng: vì Ta là Chúa, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin hằng ban ơn Thánh Thần cho Giáo Hội, như xưa Chúa đã ban cho thánh giám mục Ca-rô-lô, để Giáo Hội biết không ngừng canh tân theo đường lối Tin Mừng, nhờ đó, thế giới sẽ tìm thấy hình ảnh trung thực của Ðức Kitô. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I:

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin đoái nhìn của lễ chúng con dâng để kính nhớ thánh Ca-rô-lô giám mục. Chúa đã làm cho thánh nhân nên người mục tử tài đức luôn ân cần chăm sóc đoàn chiên, xin Chúa cũng dùng lễ tế này làm cho chúng con sinh hoa kết quả dồi dào trong đời sống Kitô hữu. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa thông hiệp với Mình và Máu Chúa Kitô. Ước chi Bí tích này làm cho chúng con nên dũng cảm như xưa đã làm cho thánh Ca-rô-lô trung thành với nhiệm vụ và xả thân vì bác ái. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Charles Borromée qua đời tại Milan ngày 3 tháng 11 năm 1584, được phong thánh năm 1610 và có tên trong lịch phụng vụ từ năm 1613. Lễ nhớ ngài giới thiệu cho chúng ta một trong những vị thánh quan trọng nhất của cuộc cải cách hậu công đồng Tren-tô.

Charles (Carolus) là con của bá tước Gilbert Borromée và bà Marguerite de Médicis, sinh tại Arona (Lombardie) năm 1538. Đậu tiến sĩ luật năm 21 tuổi, ngài đuợc phong Hồng y do cậu ngài là Giáo hoàng Piô IV và được vị Giáo hoàng này triệu về Rôma để cai quản các công việc của Hội Thánh. Thế là ở tuổi 22, ngài là vị Quốc vụ khanh đầu tiên của Vaticanô, theo nghĩa hiện đại của từ này.

Từ 1560 đến 1563, ngài đóng một vai trò tích cực trong những khóa họp cuối của Công đồng Trentô. Sau khi vượt qua một khủng hoảng nghiêm trọng khi anh cả Frédéric của ngài qua đời (1562), ngài được thụ phong linh mục và giám mục. Được bổ nhiệm làm tổng giám mục Milan, ngài cai quản một địa phận rất rộng lớn, bao gồm cả ba thung lũng của Quận Grisons (Thuỵ Sỉ) và một phần lãnh thổ Genova và Venetia. Trong bầu khí đặc biệt tạo ra do sự thống trị của Tây Ban Nha ở Lombardie, thánh Charles Borromée đã biết bảo vệ những quyền lợi và đặc quyền của Hội Thánh, thậm chí chống lại việc đưa Toà Án Dị Giáo (Inquisition) vào địa phận ngài.

Năm 1589, ngài thoát một cuộc mưu sát do một nhóm tu sĩ chống đối cuộc cải cách của ngài, nhưng vị thánh giám mục càng kiên quyết theo đuổi công trình của mình hơn bao giờ. Là nhà cải cách nhiệt thành, ngài cũng là một mục tử đích thực, nhạy cảm trước mọi vấn đề của thành phố. Là người thúc đẩy nhiều công cuộc xã hội, ngài tận tụy đối với dân của mình, nhất là vào những giờ phút nghiêm trọng nhất, như trường hợp xảy ra nạn dịch tễ năm 1576 tại Milan. Ngài bán hết tài sản tại Napôli của mình, kể cả những vật dụng cá nhân để cứu giúp những người khốn khổ.

Sức lực cạn kiệt vì lao nhọc, ngài qua đời tại Milan lúc 46 tuổi, sau khi đã xưng tội chung lần cuối.

Thông điệp và tính thời sự

Lời Nguyện của ngày giới thiệu thánh Charles Borromée như một người thúc đẩy cuộc cải cách Giáo Hội: “Lạy Chúa, xin giữ gìn trong dân Chúa tinh thần sống động của thánh Charles Borromée, để Hội Thánh Chúa không ngừng canh tân và luôn trung thành với Tin Mừng, nhờ đó có thể tỏ lộ cho thế giới khuôn mặt đích thực của Đức Kitô.”

Từ 1565, khi triệu tập hội đồng tỉnh của giáo phận ngài, giám mục Charles Borromée đã thúc đẩy việc áp dụng các sắc lệnh công đồng. Trong hai thập niên làm giám mục, ngài đã triệu tập nhiều hội đồng giáo phận và tỉnh. Các nghị quyết của các hội đồng này được in trong các Văn kiện của Giáo Hội Milan với các Huấn thị cho Dân Chúa của ngài, được sử dụng trên toàn nước Ý và cả ở nước ngoài như mẫu mực cho các vị giám mục cải cách khác.

Lời Nguyện trên lễ vật gợi ý “sự đề cao cảnh giác” và những “nhân đức mục tử” của thánh giám mục Milan. Là mục tử rất nhiệt thành, ngài không chỉ giới hạn vào các cuộc kinh lý mục vụ – lên tới hàng ngàn lần– mà ngài còn xây dựng những thánh điện và chủng viện, trong đó có chủng viện Milan. Cũng thế, ngài đã sáng lập hay khích lệ việc sáng lập các trường trung học cho thanh thiếu niên. Ngài cũng là tác giả của các “huynh hội” –như huynh Hội Thánh Thể để thờ lạy Thánh thể (chống lại lạc thuyết Tin Lành)–, những nhà trọ cho thanh niên và một ngọn-đồi-sùng-đạo. Sau hết, ngài đã nâng đỡ các “trường đức tin” để đào luyện tôn giáo và đạo đức cho dân chúng.

Trong số các “nhân đức mục tử” của thánh Charles Borromée, chúng ta cũng kể đến khả năng đánh giá cao việc đối thoại và hợp tác. Ngài mời gọi nhiều giáo sĩ và giáo dân hợp tác với ngài và thiết lập các “bộ” để xem xét và giải quyết các vấn đề khác nhau. Ngài được thông báo đều đặn về diễn tiến công việc, không ngần ngại cho ý kiến của ngài hay đề nghị những giải pháp, như được chứng minh trong hàng chục ngàn lá thư còn để lại cho chúng ta. Nhưng cũng nên nhớ rằng, thánh Charles, được gọi là “giám mục lỗi lạc” trong Lời Nguyện trên lễ vật, đã khuyên nhủ các “người của Giáo Hội” như sau: “Thưa anh em, xin hãy hiểu rằng không gì cần thiết bằng việc phải nguyện ngắm trước, trong, và sau mỗi hành động của chúng ta.” (Giờ Kinh Sách).

Lời Nguyện hiệp lễ nhấn mạnh những khía cạnh khác nơi tính cách phi thường của thánh Charles Borromée: “sức mạnh nội tâm”, lòng trung thành “với sứ mạng” và “lòng bác ái” vô bờ của ngài.

Ngài để ý khiển trách những sự lạm dụng và bảo vệ đức tin công giáo, nhưng trên hết ngài lo lắng cho việc đào luyện các giáo sĩ: “Nếu anh em ban bí tích, hãy nghĩ đến điều anh em làm; nếu anh em cử hành thánh lễ, hãy nghĩ đến điều anh em dâng; nếu anh em đọc thánh vịnh trong cộng đoàn, hãy nghiền ngẫm những lời anh em nói hay đọc; nếu anh em hướng dẫn các linh hồn, hãy nghĩ đến máu đã đổ ra để rửa sạch các linh hồn; hãy làm các việc đó với tất cả lòng yêu mến . . . Bằng cách đó chúng ta sẽ có khả năng sinh ra Đức Kitô nơi chúng ta và nơi người khác” (Giờ Kinh Sách).

Enzo Lodi


KHIÊM NHƯỜNG LÀ GÌ?
(Thứ Bảy Tuần XXX – Năm lẻ) - Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
           
Lời Tổng Nguyện mà các nhà phụng vụ muốn chúng ta cầu xin trong suốt Tuần 30 Thường Niên này là: xin thêm lòng Tin Cậy Mến và yêu chuộng những gì Chúa truyền dạy.

Để có thể tin tưởng, cậy trông và yêu mến Chúa, chắc chắn, chúng ta cần phải có tâm tình và thái độ khiêm nhường. Câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ chọn cho ngày lễ hôm nay là: Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

Người khiêm nhường là người: không cậy dựa vào sức mình, nhưng, luôn tìm kiếm Chúa và sức mạnh của Người; không ảo tưởng tự mình cứu được mình, nhưng, vui mừng vì được Chúa cứu độ, như Ca Nhập Lễ và Ca Hiệp Lễ mà các nhà phụng vụ đã chọn cho suốt tuần này: Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ. Hãy tìm Chúa và sức mạnh của Người; Hãy vui mừng vì ơn Chúa cứu độ, phất cao cờ mừng danh Chúa chúng ta.

Trong bài đọc một, thánh Phaolô đã nhắc nhở các tín hữu Rôma: đừng kiêu ngạo mà khinh thường những người Dothái, bởi vì, đối chiếu với Tin Mừng thì họ là thù địch, nhưng, theo ơn tuyển chọn, họ là những người được yêu thương… khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý. Thiên Chúa không ruồng bỏ Dân của Người, và thánh Phaolô cũng lấy mình là ví dụ, Thiên Chúa đã không ruồng bỏ ngài, mặc dù, ngài đã từng ngược đãi, bách hại các Kitô hữu. Cũng vậy, vì người Do-thái sa ngã, mà các dân ngoại được ơn phúc dồi dào, nhưng, khi họ trở về, thì tình trạng còn tốt đẹp hơn biết mấy, như trường hợp của thánh Phaolô sau khi trở lại.

Thiên Chúa không ruồng bỏ Dân của Người, cho dù, họ luôn bất trung, bội phản. Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta, nếu chúng ta khiêm nhường quay về, cầu cứu Người, Người sẽ ra tay cứu giúp, như lời vịnh gia, trong Thánh Vịnh 93, của bài Đáp Ca hôm nay: Lạy Chúa, khi con nói: “Này chân con lảo đảo”, thì tình thương Ngài đã đỡ nâng con. Tất cả là do bởi ơn Chúa, chứ không phải do công trạng hay nỗ lực cố gắng của chúng ta. Trong trái tim Thiên Chúa, Dân ngoại có chỗ của Dân ngoại, Dân Do-thái có chỗ của Dân Do-thái, hãy khiêm nhường ở đúng vị trí của mình, đừng tự cao tự đại, mà đánh giá mình quá mức.

Theo thánh Phaolô, khiêm nhường là: Đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức (Rm 12,3). Chúng ta là thụ tạo của Thiên Chúa, thì hãy ở đúng vị trí là thụ tạo của mình, “homo” là con người, có gốc từ “humus” là bùn đất, khiêm nhường là “humilitas”: ý thức mình chỉ là bùn đất, là cục đất sét trong tay Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, còn chúng ta là thụ tạo; Thiên Chúa là ông chủ, còn chúng ta là đầy tớ; Thiên Chúa là Cha nhân lành, còn chúng ta là con cái của Người.

Ý thức được chỗ đứng của mình trong tương quan với Thiên Chúa, chúng ta sẽ có những tâm tình xứng hợp đối với Người. Đây là điều mà thánh Autinh hằng liên lỉ cầu xin: Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. Biết được Thiên Chúa là chủ, là Cha, thì đồng thời, chúng ta cũng biết chúng ta là anh chị em của nhau, mỗi người đều có chỗ trong trái tim của Chúa, mỗi người đều có sứ mạng riêng, không cần phải tranh giành hơn thua, cứ khiêm nhường ở đúng vị trí của mình. Biết mình chỉ là thụ tạo, là con cái của Thiên Chúa, chúng ta sẽ hết lòng tin tưởng, cậy trông và yêu mến Người, cũng như, sẽ luôn mau mắn, sẵn sàng thực thi những gì Người truyền dạy. Đó cũng chính là ơn xin, mà các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin cho mình trong suốt Tuần 30 này.


CHỖ THẤP NHẤT
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Xin ông nhường chỗ cho người này!”.

“Khiêm nhường không có nghĩa là nghĩ về bản thân kém hơn người khác; là đánh giá thấp về những quà tặng riêng của mình. Khiêm nhường có nghĩa là tự do không nghĩ về bản thân cách này, cách khác. Ai khiêm nhường, người ấy tự do!” - William Temple.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ai khiêm nhường, người ấy tự do!”, một cách tài tình, Chúa Giêsu và Phaolô sẽ khai triển câu nói của William Temple trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Từ đó, chúng ta có thể rút ra những bài học bổ ích khi biết chọn cho mình ‘chỗ thấp nhất’.

Được mời dùng bữa, Chúa Giêsu thấy nhiều người chọn những cỗ nhất, Ngài nói cho họ rằng, chúng ‘rất chông chênh’; bởi lẽ, chủ nhà có thể mời họ xuống cỗ dưới! Tuy nhiên, một người khiêm nhượng thực sự sẽ không cảm thấy xấu hổ khi nghe những lời này, thay vào đó, người ấy sẽ vui vẻ hồn nhiên nhường chỗ cho người khác; vinh dự thế gian chẳng nghĩa lý gì đối với họ. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu không nói với người khiêm nhượng, Ngài nói với những con người đang giành giật bằng được vinh dự phù hoa. Điều này, cách nào đó, cho thấy bên trong họ, đang rất bất an và thiếu tự trọng.

Thú vị ở đây là các biệt phái, những người đang cố chiếm những cỗ bàn ‘tròng trành’ đó. Chúa Giêsu tiết lộ cho họ một sự thật rằng, niềm vui và hạnh phúc thực sự chỉ được tìm thấy nơi những ai biết hạ mình và biết đề cao người khác. Xu hướng phổ biến của các biệt phái phát xuất từ việc cá nhân họ bất an và nặng sĩ diện. Trẻ em luôn cảm thấy tự do và an toàn vì không cần giữ sĩ diện! Yêu bản thân theo cách Thiên Chúa yêu chúng ta, bạn và tôi có thể hoàn toàn bình an; chúng ta trân trọng phẩm giá tha nhân, thậm chí vui mừng vì sự thành công của họ.

Cũng một chủ đề, qua thư Rôma hôm nay, Phaolô xác định “Chúa không ruồng rẫy dân Người!” như Thánh Vịnh đáp ca xác tín, dẫu xem ra thoạt đầu, Ngài quay sang ủng hộ dân ngoại. Bằng chứng là chính Phaolô, một người Do Thái thuần huyết đã nghe và khiêm tốn đáp lại ơn cứu độ. Sự không tin của người Do Thái chỉ là bước đầu Thiên Chúa cho xảy ra với mục đích khiến họ “ghen tị” với người ngoại mà ăn năn; vì làm sao Ngài có thể bỏ họ! Từ đó, những người Do Thái biết thống hối trở về, khiêm tốn đón nhận Chúa Kitô, họ sẽ được lại tự do của con cái Chúa!

Kính thưa Anh Chị em,

“Xin ông nhường chỗ cho người này!”. Chúa Giêsu không muốn ai trong chúng ta phải nghe những lời bất tiện này; Ngài muốn ngay từ đầu, chúng ta nhường ‘chỗ tốt’ cho người khác. Noi gương Ngài, chúng ta chiếm ‘chỗ thấp nhất’, tự do, an toàn; chỗ phục vụ, hạ mình, yêu thương! Trong thư Philipphê, Phaolô viết, “Phận là phận của một vì Thiên Chúa, Ngài đã trút bỏ hết mọi vinh quang”, chọn ‘chỗ thấp nhất’ trên thập giá; và “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài!”. Cũng thế, với bạn và tôi, khiêm tốn, đơn giản là chúng ta nhìn thấy chính mình dưới ánh sáng theo cách Thiên Chúa nhìn mình; không cần sự khen ngợi và quý trọng của thế gian; chỉ cần tình yêu Ngài dành cho chúng ta là đủ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chạy đôn chạy đáo vì những bã vinh hoa trần thế; để được tự do, bình an và sự tự trọng, cho con biết chọn ‘chỗ thấp nhất!’”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây