11/06/2024
thứ ba tuần 10 THƯỜNG NIÊN
Thánh Barnaba, tông đồ
Mt 10,6-13
miễn sao tin mừng được loan báo
“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,6-13)
Suy niệm: Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết thánh Ba-na-ba được đầy Thánh Thần, đã hăng hái rời Giê-ru-sa-lem đi đến An-ti-ô-khi-a rao giảng Tin Mừng và mạnh dạn tìm gặp Phao-lô, (Cv 11,25-26). Thực vậy, chẳng mấy ai dám làm việc với Phao-lô, vì vẫn nghi kỵ ông, người đã từng bách hại các tín hữu dù nay đã trở lại. Thế nhưng Ba-na-ba đã không ngại tiếp xúc và còn mời Phao-lô tham gia vào sứ mạng truyền giáo. Đó là việc làm xuất phát từ đức tin. Ông tin tưởng vào Chúa Thánh Thần, Ngài sai ông đi đâu và cộng tác với ai, ông vâng theo. Chúa Giê-su đã nhắc nhở người Tông Đồ không mang theo gì cả, chỉ biết mình đã được cho không thế nào, thì bây giờ cũng cho không như vậy. Ba-na-ba theo lời Chúa dạy, ông không mang theo gì cả, kể cả thành kiến từng có đối với Phao-lô. Ông chỉ nhắm đến sứ mạng truyền giáo theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, sẵn sàng cộng tác với mọi người cho sứ mạng này.
Mời Bạn: Bạn đang làm việc với ai để truyền giáo? Bạn lựa chọn một số người và loại trừ một số khác sao? Chúa đang mời bạn cộng tác với mọi người để Tin Mừng được loan báo, phải không? Bạn cố gắng bỏ xuống những thành kiến về người khác và mang lấy Thánh Thần để cộng tác với anh chị em cách tích cực.
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho những người đang cùng truyền giáo với bạn trong mọi công việc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến đổi tâm trí chúng con, cho chúng con quảng đại đón nhận mọi người, miễn sao Tin Mừng được loan báo. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ ba tuần 10 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ tôi, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? Khi những đứa ác xông vào để xả thịt tôi, bọn thù ghét tôi sẽ siêu té và ngã gục.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van mà soi sáng cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng con đủ sức thi hành. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 1, 18-22
“Ðức Giêsu không phải vừa “Có” lại vừa “Không”, nhưng nơi Người chỉ “Có” mà thôi”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, xin Thiên Chúa là Ðấng trung tín, chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em không phải là vừa “Có” lại vừa “Không”. Quả thế, Con Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng mà tôi, Silvanô và Timôthêu đã rao giảng nơi anh em, Người không phải vừa “Có” lại vừa “Không”; trái lại, nơi Người chỉ là “Có” mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành “Có” ở nơi Người. Vì thế, nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời “Amen” tôn vinh Thiên Chúa. Vậy Ðấng đã làm cho chúng tôi và anh em được đứng vững trong Ðức Kitô, và đã xức dầu cho chúng ta, chính là Thiên Chúa, Ngài đã ghi dấu trên mình chúng ta, và đã ban vào lòng chúng ta bảo chứng của Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 129. 130. 131. 132. 133. 135
Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu của Chúa
Xướng: Kỳ diệu thay những lời Ngài nghiêm huấn, bởi thế linh hồn con vẫn tuân theo.
Xướng: Sự mạc khải lời Ngài soi sáng, và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm.
Xướng: Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài.
Xướng: Xin Chúa nhìn lại thân con và thương xót, như Chúa quen xử với những người yêu mến danh Chúa.
Xướng: Xin hướng dẫn con bước theo lời răn của Chúa, và chớ để điều gian ác thống trị trong mình con.
Xướng: Xin tỏ cho tôi tớ Ngài thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. –
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 17, 7-16
“Vò bột không cạn và bình dầu không giảm như lời Chúa đã dùng lời Êlia mà phán”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, dòng suối nơi Êlia ẩn náu đã cạn, vì trong xứ không mưa. Bấy giờ Thiên Chúa phán cùng Êlia rằng: “Hãy chỗi dậy, đi Sarephta thuộc miền Siđon và ở lại đó: Ta đã truyền cho một quả phụ nuôi dưỡng ngươi”. Ông liền lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: “Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống”. Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: “Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh”. Bà thưa: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi”. Êlia trả lời bà rằng: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy, trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: “Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi, cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất”. Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó, hũ bột không cạn và bình dầu không vơi, như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 4, 2-3. 4-5. 7-8
Ðáp: Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con (c. 7b).
Xướng: Khi con cầu, nguyện Chúa nghe, lạy Chúa công bình của con, Chúa đã giải thoát con trong cơn khốn khó, nguyện xót thương và nghe tiếng con cầu. Người quyền thế, các ông cứng lòng tới bao giờ nữa? Tại sao say đắm bả phù hoa và kiếm chuyện sai ngoa?
Xướng: Nên biết rằng Chúa biệt đãi thánh nhân Ngài, Chúa sẽ nghe tôi khi tôi cầu khẩn Chúa. Hãy run lên và thôi phạm tội, hãy hồi tâm nghĩ lại trên giường nằm, và hãy lặng thinh.
Xướng: Nhiều người nói: “Ai chỉ cho ta thấy điều thiện hảo?” Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con. Chúa đã gieo vào lòng con niềm vui, vui hơn tụi kia khi chúng tràn đầy lúa rượu.
Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.
(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em. Alleluia.)
Phúc Âm: Mt 5, 13-16
“Các con là sự sáng thế gian”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa chúng con dâng tiến lễ vật này, để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và cho chúng con được thêm lòng mến Chúa. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Chúa là sơn động chỗ tôi nương mình, là Đấng cứu độ và là sức hộ phù tôi.
Hoặc đọc:
Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin dùng ơn thiêng của bí tích này để chữa lành và bổ dưỡng chúng con, cho chúng con thoát khỏi mọi khuynh hướng xấu và bước đi vững vàng trên con đường thánh thiện. Chúng con cầu xin. . . . .
Suy niệm
MUỐI PHẢI LÀ MUỐI (Mt 5, 13-16)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Khi nói đến muối, người ta nghĩ ngay đến vai trò quan trọng của chúng trên sức khỏe của con người, bởi vì: muối có thể làm dung hòa, điều chỉnh độ chứa nước của cơ thể (cân bằng lỏng). Các hoạt động của cơ thể sẽ bị xáo trộn nếu thiếu muối, triệu chứng rối loạn điện giải, co bắp thịt, đau cơ, uể oải, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, phù thũng… là do thiếu muối. Muối còn có tác dụng xát trùng cao, bảo quản thức ăn cho khỏi hư thối… Tục ngữ ca dao Việt Nam có câu: “Cá không ăn muối cá ươn”.
Hôm nay, Đức Giêsu phán cùng các môn đệ: “Chính anh em là muối cho đời”. Nhưng liền sau đó, như một sự cảnh báo trước: “Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó?”.
Thật vậy, đời môn đệ chỉ có giá trị khi trong mình có vị mặn của tình yêu Giêsu, để làm toát lên hương vị của khiên nhường, yêu thương, tự hủy, vâng phục, xóa mình ra không để sống và sống cho người khác. Nếu không có vị mặn này, phải chăng đời môn đệ của chúng ta trở nên nhạt nhẽo, bèo bọt và vô tác dụng. Khi ấy, sự hiện diện của chúng ta trở nên dị hợm… thay vì ướp cho đời thì lại làm cho đời trở nên hư thối vì bị lây nhiễm bởi những lề thói xấu xa tục tĩu của chúng ta.
Muốn được như thế, như những hạt muối, chúng phải chịu hòa tan trong nước thì mới có giá trị, người Kitô hữu muốn trở nên chứng nhân, thì cũng phải tan hòa cuộc đời như những hạt muối, chấp nhận từ bỏ cái tôi ích kỷ để trở thành hữu dụng cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con vẫn mãi là muối mang vị mặn của Chúa, để chính Chúa ướp chúng con và cũng để chúng con cùng Chúa ướp cho đời khỏi bị hư thối bởi những trào lưu tục hóa trong thế gian này. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Barnaba, tông đồ
Ca nhập lễ
Phúc cho vị thánh đã xứng đáng được liệt kê vào sổ các Tông đồ, vì Ngài là người tốt lành đầy Thánh Thần và đức tin.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã truyền phải dành riêng thánh Ba-na-ba là một người đầy lòng tin và Thánh Thần, để thánh nhân đưa nhân loại về với Chúa. Xin cho mọi tín hữu biết dùng lời nói và việc làm để trung thành loan báo Tin Mừng Ðức Kitô như thánh nhân đã can đảm rao truyền. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 11, 21b-26; 13, 1-3
“Họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đệ lần đầu tiên nhận tên là “Kitô hữu”.
Bấy giờ trong hội thánh Antiôkia có những tiên tri và tiến sĩ, trong số đó có Barnaba, Simon cũng gọi là Nigê, Luxiô người thành Xyrênê, Manahê bạn của vua Hêrôđê lúc còn thư ấu, và Saolô.
Ðang khi các ông làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo các ông rằng: “Hãy để riêng Saolô và Barnaba cho Ta, để làm công việc mà Ta đã chỉ định”. Vậy sau khi ăn chay cầu nguyện, họ đặt tay trên hai ông và tiễn đưa hai ông lên đường.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3a. 3cd-4. 5-6
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ trước mặt chư dân (c. 2a).
Xướng: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng. Tay mặt Người đã đem lại toàn thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành đối nhà Israel..
Xướng: Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng tôi. Toàn thể địa cầu hãy hân hoan mừng Chúa, hãy vui mừng hoan lạc và đàn ca.
Xướng: Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm thụ, với đàn cầm thụ, với nhạc cụ râm ran: Hãy thổi sáo và rúc tù và, hân hoan trước thánh nhan Chúa là Vua.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! – Chúng con ca ngợi Thiên Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa; lạy Chúa, ca đoàn vinh quang của các Tông đồ ca ngợi Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 10, 7-13
“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không“.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng: Nước Trời đã gần đến. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ: Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không.
“Các con chớ mang vàng, bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc: vì thợ thì đáng được nuôi ăn. Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở nơi đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi.
“Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: “Bình an cho nhà này”. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì sự bình an của các con sẽ trở về với các con”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin thánh hoá của lễ chúng con dâng, và ban cho chúng con lửa yêu mến nồng nàn xưa đã thiêu đốt lòng thánh Ba-na-ba và thúc đẩy thánh nhân đem ánh sáng Tin Mừng đến cho dân ngoại, Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng các Tông Ðồ
Ca hiệp lễ
Thầy không gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, nhân ngày lễ thánh Ba-na-ba tông đồ, Chúa đã ban cho chúng con bảo chứng của cuộc sống vĩnh cửu. Chúng con khiêm tốn nài xin Chúa cho chúng con một ngày kia được chiêm ngưỡng chính Ðức Kitô, Ðấng chúng con vừa đón rước trong mầu nhiệm thánh lễ này. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Suy niệm
LỜI CHÚA TRONG LỜI TÔNG ĐỒ
“Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã gần đến. Anh em hãy chữa lành người đau yếu.” (Mt 10,7-8)
Suy niệm: Chúa đòi buộc các tông đồ phải rao giảng lời của Chúa, để lời của các tông đồ rao giảng phải là lời của Thiên Chúa và phải được đón nhận như lời của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội tiên khởi, thánh Phao-lô cho biết, các tín hữu đầu tiên đã ý thức và đón nhận lời các tông đồ rao giảng “không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy” (1Th 2,13). Vì thế, khước từ lời rao giảng Tin Mừng của các tông đồ cũng là khước từ lời rao giảng của Chúa Giê-su và khước từ những người Chúa Giê-su sai đến là khước từ chính Chúa Giê-su. Người ta không thể ngụy biện rằng, chúng tôi tin Chúa Giê-su và nghe lời Ngài, nhưng chúng tôi không nghe lời các tông đồ Chúa sai đến. Lối ngụy biện đó không có đất sống, vì lời Chúa đã nói: “Ai nghe các con là nghe Thầy ; và ai khước từ các con là khước từ Thầy ; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16). Chính vì tầm quan trọng của lời rao giảng, các tông đồ được đòi hỏi phải trung thành với lời Chúa hơn.
Mời Bạn: Những lời rao giảng và khuyên bảo của các linh mục được bạn và gia đình đón nhận như thế nào? Như lời của Thiên Chúa hay như lời người phàm? Nghe những lời Chúa dạy hôm nay, bạn quyết tâm thực hiện điều gì?
Sống Lời Chúa: Lắng nghe lời các linh mục giảng dạy hay khuyên bảo và cám ơn Chúa đã gởi các linh mục đến coi sóc, chỉ bảo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con có lòng kính trọng các linh mục và cầu nguyện cùng cộng tác với các ngài lo việc tông đồ như cộng tác với Chúa vậy
Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Từ thế kỷ XI lễ nhớ thánh Barnaba được cử hành ngày 11 tháng 6 tại Rôma. Ngày tháng này được thống nhất chung cho cả Đông Phương lẫn Tây Phương, kỷ niệm ngày tìm thấy thi hài của người. Kinh Nguyện Thánh Thể của Giáo triều Rôma nêu tên Barnaba cùng với Stêphanô và Matthias.
Trong Công vụ Tông Đồ, ngài được gọi là Joseph và biệt hiệu là Barnaba (người có tài yên ủi). Ngài là một thầy Lêvi, quê quán ở đảo Cypre, xứng đáng mang danh “Tông Đồ” trong Giáo hội tiên khởi. Ngài lấy tiền bán đất đem đặt dưới chân các Tông Đồ (Cv 4, 37). Loan báo Tin Mừng ở Antiochia, thành phố thứ ba của đế quốc Rôma và đã tìm Phaolô thành Tarsus đến với cộng đoàn. Hơn một năm, ngài cùng Phaolô chuyên tâm rao giảng Tin Mừng cho cộng đoàn mới trong thành phố. Nơi đây, các tín hữu lần đầu tiên nhận danh hiệu “Ki-tô hữu”, nghĩa là “môn đệ của Đức Kitô” (tiếng Hy Lạp: Christianos).
Barnaba theo Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất (Cv13,2-4), đi khắp đảo Cypre và khắp bờ biển miền nam Tiểu Á. Nhưng sau Công đồng Giêrusalem, năm 49, Barnaba chia tay Phaolô để cùng người anh em họ Gioan Márcô trở lại đảo Cypre. Các tư liệu xưa cho chúng ta biết ngài đã qua Rôma và bị người Do Thái ném đá gần Salamine. Có lẽ người ta đã tìm thấy thi hài của ngài tại đó, vào thế kỷ V.
Truyền thống xem ngài là một trong bảy mươi môn đệ của Chúa và cho rằng ngài là tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái, cũng như Thư của Barnaba, có lẽ gửi từ Alexandrie. Ngược lại, chắc người ta đã đọc trong Giáo hội tiên khởi một bản Tin Mừng mang tên ngài, nhưng bản Tin Mừng này đã không đến tay chúng ta.
Thông điệp và tính thời sự
a. Lời nguyện nhập lễ lấy lại lời ca ngợi của Công vụ khi gọi Barnaba là “Người đầy ơn Thánh Thần và lòng tin”: Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Barnaba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa, vì ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin (Cv 11, 24).
b. Lời nguyện trên lễ vật nhắc đến “tình yêu nồng nàn đã thúc đẩy Barnaba chuyển trao ánh sáng Tin Mừng cho các dân tộc ngoại giáo”. Trước lòng hăng say hoạt động Tông Đồ của Phaolô thành Tarsus, Barnaba không phải là người đứng bên lề do khiêm tốn giả tạo, nhưng ngài muốn dành cho Phaolô tác vụ rao giảng lời Chúa (Cv 14, 12 b). Còn về phần mình, ngài vẫn tiếp tục hợp tác, nêu gương sẵn sàng hy sinh phục vụ. Chính Barnaba là người đi tìm Phaolô ở Tarsus để đưa về Antiochia và cho hội nhập vào một cộng đoàn đang dè dặt nghi kỵ, trước khi cùng nhau đem Tin Mừng cho các dân tộc ngoại giáo sống ở các bờ biển phía nam Tiểu Á.
c. Khi nhắc đến việc Đức Giêsu sai các Tông Đồ ra đi truyền giáo: Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước trời đã đến gần…, bài Tin Mừng Thánh lễ (Mt 10,7-13) cũng gợi lại tinh thần hành động của Hội thánh dựa trên ý muốn của Đấng sáng lập, như được mô tả trong Công vụ (xem bài đọc một: Cv 11, 21..13, 3): Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Barnaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm”. Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.
Như thế việc sai đi truyền giáo được thể hiện như một hành vi trang trọng của Hội thánh (kinh nguyện, chay tịnh, đặt tay…) dâng hiến con người để phụng sự Chúa.
Enzo Lodi
TRUNG THÀNH LOAN BÁO TIN MỪNG
(LỄ THÁNH BANABA 11/06)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Banaba hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã truyền phải dành riêng thánh Banaba là một người đầy lòng tin và Thánh Thần, để thánh nhân đưa dân ngoại về với Chúa. Xin cho mọi tín hữu biết dùng lời nói và việc làm mà trung thành loan báo Tin Mừng Đức Kitô, như thánh nhân đã can đảm rao truyền. Thánh Banaba quê ở đảo Sýp. Ít lâu sau lễ Ngũ Tuần, người có mặt trong cộng đoàn Giêrusalem, rồi ở Antiôkhia, nơi người đã giới thiệu ông Saolô thành Tácxô với các anh em. Người đã cùng với ông Phaolô đi loan báo Tin Mừng cho Tiểu Á, nhưng sau người trở lại đảo Sýp. Thánh Banaba, với cái nhìn rộng rãi, khoáng đạt, đã giữ vai trò chủ yếu trong tiến trình truyền giáo của Hội Thánh.
Trung thành loan báo Tin Mừng Đức Kitô, bằng chính hành động cho thấy đức tin chúng ta đặt nơi Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Giôsuê cho thấy: Thiên Chúa trút nỗi kinh hoàng lên đầu các kẻ thù dân Ítraen, đó là đề tài thường gặp trong các câu chuyện được viết theo thể anh hùng ca. Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi. Há chẳng phải nhờ hành động mà cô Rakháp đã được nên công chính, vì đã đón tiếp các sứ giả và đưa họ đi lối khác sao? Nhờ đức tin, cô kỹ nữ Rakháp đã không phải chết cùng với quân phản nghịch, vì cô đã hòa nhã tiếp đón những người do thám. Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết; cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.
Trung thành loan báo Tin Mừng Đức Kitô, bằng cách trở nên muối men và ánh sáng cho trần gian, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Cơrômaxiô nói: Chúa đã gọi các môn đệ là muối cho đời, vì trái tim con người bị quỷ dữ làm cho ra nhạt, thì các ông đã lấy khôn ngoan bởi trời mà ướp cho mặn lại. Bây giờ, Người gọi các ông là ánh sáng cho trần gian, vì Người là ánh sáng vĩnh cửu đích thực đã chiếu soi các ông, khiến các ông lại trở nên ánh sáng chiếu soi đêm tối.
Trung thành loan báo Tin Mừng Đức Kitô, bằng cách cho mọi người thấy chúng ta được đầy tràn Thánh Thần và có một lòng tin vững mạnh, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại: Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Banaba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa. Ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin, và đã có thêm rất nhiều người theo Chúa. Trung thành loan báo Tin Mừng Đức Kitô, bằng cách loan truyền cho muôn dân biết những kỳ công Chúa đã thực hiện, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 97, vịnh gia đã cho thấy: Chúa đã mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân. Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Qua chúng ta, Đức Kitô - Mặt Trời Công Chính, sẽ tuôn đổ ánh sáng thông biết của Người xuống toàn cõi địa cầu. Chúng ta được cho không, thì chúng ta cũng phải cho không, bằng cách: chiếu giãi ánh sáng chân lý đó, mà xua đuổi bóng tối lầm lạc ra khỏi lòng người. Trước đây, chúng ta là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, chúng ta là ánh sáng, ước gì chúng ta luôn bước đi trong ánh sáng, như con cái ánh sáng. Ước gì chúng ta biết dùng lời nói và việc làm mà trung thành loan báo Tin Mừng Đức Kitô, như thánh Banaba đã can đảm rao truyền, để ánh sáng Tin Mừng được chiếu giãi khắp mọi nơi. Ước gì được như thế!
KHUYẾN KHÍCH
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Các con hãy đi!”.
“Những con ngỗng ở phía sau đội hình phát ra tiếng kêu. Tôi cho rằng đó là cách chúng thông báo rằng, chúng đang theo dõi và mọi việc đều ổn. Những tiếng kêu lặp đi lặp lại hẳn sẽ khuyến khích những con đi trước tiếp tục bay. Bản năng của loài ngỗng là làm việc cùng nhau, khích lệ nhau. Cho dù đó là quay, vỗ, trợ lực hay chỉ đơn giản là kêu lên… Điều này cho phép chúng hoàn thành những gì đã đặt ra!” - Chuck Swindoll.
Kính thưa Anh Chị em,
Ý tưởng từ ‘đàn ngỗng đang bay’ của Chuck Swindoll đưa chúng ta về Lời Chúa ngày lễ kính thánh Barnaba. Qua đó, bạn và tôi - dù ở đấng bậc nào - vẫn luôn ý thức trách nhiệm của mình trong Giáo Hội, đó là ‘khuyến khích’ nâng đỡ người khác, “Các con hãy đi!”.
Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc viếng thăm của Barnaba. “Barnaba”, tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘Con của sự khuyến khích!’. Từ Giêrusalem, Barnaba được cử xuống Antiôkia để xem xét hiện tình. Vui mừng khi thấy “ơn Thiên Chúa”, Barnaba “khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa”; ông dành cho anh chị em tân tòng một sự khích lệ lớn lao. Sau đó, đến Taxô, Barnaba tìm Phaolô, người mới tin; đưa Phaolô đi Antiôkia để hỗ trợ cho Hội Thánh non trẻ này. Hội Thánh ngày càng có nhiều người tin; Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ nỗi vui, “Chúa đã mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân!”.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói những lời đầy ‘khuyến khích’ với các môn đệ, “Các con hãy đi rao giảng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ!”. Ma quỷ vui mừng mỗi khi chúng ta nói và hành xử tiêu cực làm cho người khác nhụt chí. Nó mở tiệc lớn mỗi khi ai đó nói một lời chua cay làm tan nát một cộng đoàn, một gia đình. Vì thế, chúng ta phải tỉnh thức đề phòng và ra sức ‘khuyến khích’ nhau. Cha mẹ khuyến khích con cái, con cái khuyến khích cha mẹ; anh chị em, bạn bè khích lệ nhau để “hoàn thành những gì đã đặt ra”. Bởi lẽ, chúng ta không lên thiên đàng một mình!”.
Đức Phanxicô nói, “Đời sống Kitô hữu là phục vụ. Thật là buồn khi thấy các Kitô hữu sẵn sàng phục vụ Dân Chúa, nhưng cuối cùng lại ‘sử dụng’ Dân Chúa. Ơn gọi của chúng ta là ‘phục vụ’ chứ không phải ‘sử dụng’. Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta luôn có nguy cơ sa vào vấn đề ‘lời lỗ’, chúng ta hối lộ Chúa. Đó không phải là con đường đúng… Mối quan hệ nhưng không với Chúa là điều sẽ giúp chúng ta có được mối quan hệ tương tự với người khác. Đời sống Kitô hữu có nghĩa là bước đi, rao giảng, ‘khuyến khích’ và phục vụ, nhưng đừng lợi dụng người khác!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Các con hãy đi!”. Noi gương thánh Barnaba, chúng ta ra đi mở mang Nước Chúa trong đấng bậc mình. Và rõ ràng, ‘mục vụ khuyến khích’, ‘văn hoá khuyến khích’ luôn luôn đóng một vai trò nhất định, không chỉ trong các Hội Thánh non trẻ, mà cả với Giáo Hội trưởng thành và ngay trong thế giới hiện đại. Không chỉ trong Giáo phận, Giáo xứ, các hội đoàn mà còn trong gia đình, trong các tổ chức lớn nhỏ. Bạn và tôi hãy là những con người dám dấn thân, những con người sẵn sàng vực dậy những ai đang bủn rủn, đầu gối rã rời!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con luôn là một con người đầy lửa, sẵn sàng thắp sáng và sưởi ấm tình yêu Chúa trong một thế giới khá lạnh lẽo này!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn