10/06/2024
thứ hai tuần 10 THƯỜNG NIÊN
Mt 5,1-12
lấy hiền lành trừ bạo lực
“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt 5,1-12)
Suy niệm: Đã bao lần chúng ta cảm thấy khó chịu trước những lời dạy này của Chúa: nào là “đừng chống cự lại người ác, ai vả má bên phải thì giơ cả má trái”, nào là phải “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em”?… Phải chăng Ngài dạy chúng ta sống một cách hèn nhát, khiếp nhược, đầu hàng trước bạo lực, sự ác?
Bạn cứ thử đặt mình trong bối cảnh của thời đại chuộng bạo lực này thì sẽ rõ: nếu người ta tấn công chúng tôi bằng cách nổ bom tự sát thì chúng tôi dùng tên lửa san bằng cả một khu phố bị tình nghi chứa chấp khủng bố; nếu chúng tôi bị tấn công ở đây, thì chúng tôi sẽ trả đũa gấp nhiều lần, ở nhiều nơi khác, giết hại thật nhiều người hơn… Và cứ như thế, người ta không bao giờ có thể lần ra đầu mối cái vòng luẩn quẩn của bạo lực đó bắt nguồn từ đâu và đến bao giờ nó mới kết thúc. Muốn chấm dứt dây chuyền bạo lực đó, phải có người dám nhận lấy phần thiệt về phía mình, dám bắt đầu chấm dứt nó ngay nơi chính mình. Đức Giê-su Ki-tô, Đấng hiền lành vô tội, đã dám làm và làm được điều đó khi Ngài gánh chịu nỗi bất công lớn lao nhất khi vác thập giá, chịu đóng đinh, chịu chết trên thập giá đó. Bạn nhớ đó, “trên thập giá, Đức Ki-tô đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).
Sống Lời Chúa: Mỗi khi bị ai xúc phạm bất cứ cách nào, tôi “trả đũa” bằng một việc bác ái, một lời cầu nguyện cho người đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết lấy yêu thương đáp lại hận thù, biết tha thứ khi con bị xúc phạm, dám chịu phần thiệt về mình, để góp phần với Chúa tiêu diệt sự thù ghét trên trái đất này. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ hai tuần 10 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ tôi, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? Khi những đứa ác xông vào để xả thịt tôi, bọn thù ghét tôi sẽ siêu té và ngã gục.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van mà soi sáng cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng con đủ sức thi hành. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 1, 1-7
“Thiên Chúa an ủi chúng tôi để chính chúng tôi có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân”.
Khởi đầu thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Phaolô, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô do ý Thiên Chúa, và anh Timôthêu kính gởi Hội thánh Thiên Chúa tại Côrintô và hết thảy các thánh ở khắp miền Acaia: Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô, ở cùng anh em.
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha nhân từ cùng là Thiên Chúa mọi niềm an ủi, là Ðấng an ủi chúng tôi trong mọi nỗi gian truân, để chính chúng tôi có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân, với niềm an ủi mà Thiên Chúa đã an ủi chúng tôi. Bởi vì cũng như các nỗi đau khổ của Ðức Giêsu Kitô chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì nhờ Ðức Kitô, chúng tôi cũng được an ủi chứa chan thể ấy. Nếu chúng tôi chịu gian truân là để anh em được an ủi và được cứu rỗi; nếu chúng tôi được an ủi là để anh em được an ủi; nếu chúng tôi được uỷ lạo là cho anh em được uỷ lạo và được cứu rỗi; niềm an ủi đó sẽ làm cho anh em kiên nhẫn chịu các nỗi đau khổ mà chính chúng tôi cũng đang chịu, hầu cho niềm hy vọng của chúng tôi về anh em được vững mạnh, (vì) biết rằng nếu anh em thông phần vào các nỗi đau khổ, thì anh em cũng sẽ thông phần vào niềm an ủi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao
Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui – Ðáp.
Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. – Ðáp.
Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. – Ðáp.
Xướng: Thiên thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao. Phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người. – Ðáp.
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 17, 1-6
“Êlia đứng trước tôn nhan Chúa, Thiên Chúa Israel”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Êlia người Thesbê thuộc miền Galaad, tâu vua Acáp rằng: “Có Chúa là Ðấng hằng sống, Thiên Chúa dân Israel, mà tôi đứng trước tôn nhan! Trong những năm sắp tới, sẽ không có sương mà cũng không có mưa, nếu tôi không ra lệnh”. Và Chúa đã phán cùng Êlia như sau: “Ngươi hãy bỏ nơi này, đi về hướng đông và ẩn náu tại suối Karit ở phía đông sông Giođan. Nơi đây ngươi sẽ uống nước suối, và Ta đã truyền cho chim quạ nuôi ngươi”. Vậy ông trẩy đi và làm như lời Chúa dạy. Ông đến ẩn náu tại suối Karit ở phía đông sông Giođan. Sáng sớm quạ đem cho ông bánh và thịt; ban chiều quạ cũng lại đem cho ông bánh và thịt, và ông uống nước suối.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 120, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8
Ðáp: Ơn phù trợ của tôi do nơi danh Chúa, là Ðấng đã tạo thành đất với trời (c. 2).
Xướng: Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi cao, ơn phù trợ cho tôi sẽ từ đâu ban tới? Ơn phù trợ của tôi do nơi danh Chúa, là Ðấng đã tạo thành đất với trời.
Xướng: Người chẳng để cho chân ngươi xiêu té, Ðấng bảo vệ ngươi, Người chẳng có ngủ say. Kìa Ðấng bảo vệ Israel, Người không thiếp giấc, không ngủ say.
Xướng: Chúa sẽ bảo vệ thân ngươi, Chúa là Ðấng che chở ngươi ở bên tay hữu. Mặt trời sẽ không hại ngươi lúc ban ngày, và mặt trăng cũng chẳng hại ngươi về ban đêm.
Xướng: Chúa sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi điều tai biến, Người sẽ bảo vệ linh hồn ngươi. Chúa sẽ bảo vệ ngươi khi đi, khi tới, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời.
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Alleluia.)
Phúc Âm: Mt 5, 1-12
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”.
“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa chúng con dâng tiến lễ vật này, để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và cho chúng con được thêm lòng mến Chúa. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Chúa là sơn động chỗ tôi nương mình, là Đấng cứu độ và là sức hộ phù tôi.
Hoặc đọc:
Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin dùng ơn thiêng của bí tích này để chữa lành và bổ dưỡng chúng con, cho chúng con thoát khỏi mọi khuynh hướng xấu và bước đi vững vàng trên con đường thánh thiện. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
TRỞ THÀNH THÁNH NHÂN VÀ PHÚC NHÂN (Mt 5, 1-12)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Đọc đoạn Tin Mừng (Mt 5, 1-12), chúng ta suy diễn rằng: “Thiên Chúa muốn chúng ta là những phúc nhân và thánh nhân”.
Suy diễn này không quá ảo tưởng, vì vào khởi đầu của Ki-tô giáo, các thành phần của Giáo Hội cũng được gọi là “những người thánh” (x.1 Cor 1,2). Quả thực, người Ki-tô đã là “người thánh” rồi, bởi vì Bí Tích Rửa tội kết hiệp người Ki-tô với Chúa Giê-su và với mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài; nhưng đồng thời người Ki-tô phải trở nên thánh, trở nên giống như Chúa Ki-tô mỗi ngày một mật thiết hơn.
Lời Chúa Giê-su công bố hôm nay: Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho những ai đau khổ, phúc cho những kẻ hiền lành, phúc cho những ai đói khát sự công chính, phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai hoạt động cho hoà bình, phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính (x. Mt 5, 3-10). Quả thật, chỉ một mình Chúa Giê-su là Ðấng có phúc tuyệt hảo. Chính Chúa là Ðấng nghèo khó thật trong tinh thần, là Ðấng đau khổ, là Ðấng dịu hiền, là Ðấng đói khát sự công chính, là Ðấng nhân từ, là Ðấng trong sạch trong tâm hồn, là Ðấng họat động cho hoà bình, là Ðấng bị bách hại vì lẽ công chính.
Các mối phúc thật chỉ cho chúng ta thấy dung mạo nhiệm mầu của cái chết và sống lại, mầu nhiệm thương khó và Phục Sinh. Mầu nhiệm hạnh phúc này mời gọi chúng ta theo Chúa Giê-su và như thế tiến bước về Hạnh Phúc Thật.
CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN HẠNH PHÚC (Mt 5, 1-12)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Là con người, từ cổ chí kim, từ Đông chí Tây, đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ai ai cũng đều mong muốn mình được hạnh phúc hoặc sờ chạm thấy hạnh phúc dù chỉ một chút. Thánh Tô-ma A-qui-nô cũng đã nói: “Theo bản tính tự nhiên, tất cả mọi người đều khát mong hạnh phúc”. Chính vì thế, nhiều người chấp nhận đánh đổi rất nhiều để cầu mong được hạnh phúc. Ngày nay, cũng đã có nhiều người tìm ra cho mình những kỹ năng để nâng niu và nắm giữ được hạnh phúc lâu dài.
Tuy nhiên, điều họ mong muốn và tìm kiếm đó có đúng không hay chỉ là một sự mơ tưởng hoặc bị hiểu sai về hạnh phúc? Vậy, hạnh phúc đích thực là gì và ở đâu?
Hôm nay Đức Giê-su đã vạch ra cho các môn đệ và những người đương thời với Ngài những con đường để đưa đến hạnh phúc. Con đường đó là: tinh thần nghèo khó; hiền lành; chịu đau buồn vì Chúa; khao khát điều công chính và sẵn sàng chấp nhận bị bách hại vì điều công chính đó; hãy thương xót người; có lòng trong sạch; ăn ở thuận hoà. Trung thành với các “mối phúc thật” và gắn vào trong đó lòng mến thì hẳn sẽ đạt được hạnh phúc đích thực là Nước Trời.
Hôm nay, Đức Giê-su cũng đang mời gọi mỗi người chúng ta đi trên con đường Chân Phúc đó để được cứu độ, hạnh phúc và bình an. Tuy nhiên, con đường đó chẳng mấy ai đi! Bởi vì nó là con đường “hẹp”, con đường của từ bỏ, của chông gai. Nhưng để đạt được niềm hạnh phúc thực sự, chúng ta không còn con đường nào khác là đi trên chính con đường mà Đức Giê-su đã đi, bởi lẽ đường rộng và lối thênh thang sẽ dẫn đến đau khổ, bất hạnh và diệt vong.
Lạy Chúa Giê-su, đã biết bao lần chúng con khước từ con đường Chúa vạch ra cho chúng con để được hạnh phúc. Ngược lại, chúng con lại lựa chọn con đường dễ dãi, thênh thang hầu thỏa mã tính xác thịt nơi mình, mà bán rẻ lương tâm, nhân phẩm của chúng con để rồi mất đi hạnh phúc thật.
Xin cho chúng con biết tìm về nguồn cội của hạnh phúc là chính Chúa, biết đi trên con đường “các mối phúc” để dẫn tới hạnh phúc đích thực. Amen.
TÂM HỒN NGHÈO KHÓ
(THỨ HAI TUẦN 10 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 10 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van, mà soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng ta đủ sức thi hành.
Tâm hồn nghèo khó sẽ đủ sức thi hành những gì chính đáng, bởi vì, họ không cậy dựa vào sức mạnh nào khác, ngoài một mình Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Giôsuê cho thấy: Điệp khúc, mà Dân Thiên Chúa không ngừng lặp lại với người lãnh đạo mới của mình: Mạnh bạo lên! Can đảm lên! Đức Chúa phán: Ta sẽ ở với ngươi như Ta đã ở với Môsê. Mạnh bạo lên, can đảm lên! Vì chính ngươi sẽ đưa dân Ta vào miền đất tràn trề sữa và mật. Đừng sợ hãi, Ta sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới, Ta sẽ không bỏ rơi ngươi.
Tâm hồn nghèo khó sẽ đủ sức thi hành những gì chính đáng, bởi vì, họ sẵn sàng chấp nhận hết mọi cực hình vì Đức Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Inhaxiô Antiôkhia nói: Ước gì lửa thiêu, thập giá, thú dữ, hình khổ xé xác, đánh giập xương, chặt chân tay, băm thây và những cực hình dữ tợn ma quỷ bày ra đều ập xuống trên tôi, miễn sao tôi được về với Đức Giêsu Kitô. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá; tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Người đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.
Tâm hồn nghèo khó sẽ đủ sức thi hành những gì chính đáng, bởi vì, họ luôn đặt niềm trông cậy vững vàng vào Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách các Vua quyển I cho thấy: Ông Êlia ra đi và làm như Đức Chúa truyền: là đến ở thung lũng Cơrít, phía đông sông Giođan. Buổi sáng, quạ mang bánh và thịt cho ông; buổi chiều, quạ cũng mang như vậy. Nước ông uống là nước suối. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 120, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi nói: Ơn phù hộ chúng ta ở nơi danh Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời. Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu tường thuật lại Bài Giảng Bát Phúc của Đức Giêsu: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Tâm hồn nghèo khó là điều kiện tiên quyết, để Chúa bước vào cuộc đời chúng ta và thâm nhập vào nơi ẩn kín nhất của tâm hồn chúng ta: người bệnh mới cần đến thầy thuốc. Tội xấu nhất mà chúng ta có thể lỗi phạm, là khi chúng ta nói với Chúa: Chúa hãy để con làm, con sẽ tự mình xoay sở được, con có đủ mọi thứ cần thiết, con cảm thấy mình đầy đủ lắm rồi, con không cần Chúa đâu. Người có tâm hồn nghèo khó là người luôn biết tựa nương vào Chúa, biết mình không thể làm được bất cứ việc gì, nếu không có Chúa. Ước gì chúng ta tránh được cơn cám dỗ: tưởng mình toàn năng, nhất là, khi làm được các việc đạo đức và có được những tiến bộ trong đời sống thiêng liêng. Ước gì chúng ta dễ dàng chấp nhận sống “không yên ổn”, sẵn sàng để cho Lời Chúa đả phá, thúc bách, lôi kéo mình ra khỏi cái thế giới riêng tư, và sẵn sàng để Chúa dẫn đi, trên những nẻo đường mà chúng ta không bao giờ nghĩ tới. Ước gì được như thế!
ĐỈNH CAO THÁNH THIỆN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ!”.
“Người nghèo đặt sự an toàn không phải vào đồ vật mà vào con người, vào ‘một Ai đó’. Với người nghèo, khi Tin Mừng được rao giảng, nó như một tin vui chứ không như một lời đe doạ hay trách mắng. Người nghèo có thể đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng với một sự từ bỏ toàn diện không phức tạp vì họ có quá ít để mất và sẵn sàng cho bất cứ điều gì. Họ dễ dàng đạt đến đỉnh cao thánh thiện hơn những người giàu!” - Monika Hellwig.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay chứng thực nhận định của Monika Hellwig. “Bài giảng trên núi” của Chúa Giêsu hoàn toàn mới. Vì không chỉ dạy các giới răn Cựu Ước, Chúa Giêsu đã nâng chúng lên một mức độ chưa từng có trước đây, mức độ của ‘đỉnh cao thánh thiện’.
Khi mọi người lắng nghe Chúa Giêsu với uy quyền và trí tuệ mới lạ của Ngài, họ có thể vừa phấn khích vừa bối rối. Đói khát sự công chính, có lòng thương xót và trong sạch, trở thành người xây dựng hoà bình đều có thể được chấp nhận. Nhưng tại sao nghèo khó, bi ai, hiền lành lại được coi là phúc? Và còn thách thức hơn, tại sao lại tốt khi bị bách hại vì lẽ công chính hoặc bị sỉ nhục và vu cáo vì danh Chúa Giêsu?
Hiểu rõ lời dạy mới mẻ và triệt để của Chúa Giêsu, thì không chỉ các môn đệ của Ngài mới có thể vừa bối rối vừa phấn khích, bạn và tôi cũng vậy! Nếu chúng ta thực sự lắng nghe những giáo huấn và hiểu được ý nghĩa của chúng, bạn sẽ thấy rằng, bạn có thể bị thách thức đến tận cốt lõi con người mình.
Các Mối Phúc Thật là lời kêu gọi chúng ta nên trọn lành. Chúng vạch ra một con đường; qua đó, chúng ta tiến tới ‘đỉnh cao thánh thiện’ và đạt được vinh quang thiên đàng. Chúng là lộ trình chi tiết được tinh chỉnh để chúng ta đạt được hạnh phúc và niềm vui trọn vẹn. Nhưng chúng cũng kêu gọi thay đổi triệt để tâm trí và hành động của mỗi người. Chúng không “dễ dàng” được đón nhận, theo nghĩa chúng đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ mọi khuynh hướng ích kỷ và chọn sống thoát khỏi mọi cám dỗ, ràng buộc và tội lỗi. Bởi lẽ, sự trọn lành đang chờ đợi những ai biết lắng nghe, hiểu và đón nhận các Mối Phúc này.
Kính thưa Anh Chị em,
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ!”. Hôm nay, hãy suy gẫm về phần đầu của Bài Giảng Trên Núi đầy thách thức này. Hãy cố gắng dành thời gian để cầu nguyện với từng Mối Phúc. Chỉ qua cầu nguyện và suy niệm, người ta mới hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của mỗi lời mời gọi nên thánh này. Bắt đầu bằng lời kêu gọi sống tinh thần nghèo khó nội tâm; Mối Phúc Thật này kêu gọi chúng ta hoàn toàn tách rời khỏi tất cả những gì không thuộc ý muốn của Thiên Chúa. Từ đó, hãy xét xem tầm quan trọng của việc than khóc tội lỗi, tìm kiếm sự trong sạch của tâm hồn và sự khiêm nhường trong mọi việc. Hãy suy gẫm về từng Mối Phúc và dành thời gian cho mối phúc mà bạn cảm thấy khó khăn nhất. Chúa Giêsu có nhiều điều muốn nói với bạn và tôi qua bài giảng này. Đừng ngần ngại để Ngài dẫn bạn đến ‘đỉnh cao thánh thiện’ thông qua điều đó!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con đặt sự an toàn của mình vào bất cứ ai, bất cứ điều gì. Cho con biết đặt nó vào Chúa, “Đấng dựng nên cả đất trời” như Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhở!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn