TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”. (Ga 10, 11-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 15/01/2023 01:57 |   588
Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê- su: “Ông coi, ngày sa- bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” (Mc 2, 24)

17/01/2023
THỨ BA TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
Thánh Antôn, viện phụ

t3 t2 TN

Mc 2, 23-28


CHU TOÀN LỀ LUẬT
Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê- su: “Ông coi, ngày sa- bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” (Mc 2, 24)

Suy niệm: Tục ngữ Việt Nam có câu: “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Không một tổ chức, xã hội nào tồn tại không có luật lệ. Xã hội có luật của xã hội, tôn giáo có luật của tôn giáo, đoàn thể có luật của đoàn thể, mỗi quốc gia đều có luật pháp riêng của mình. Luật lệ nhằm bảo vệ quyền lợi con người và làm cho đời sống con người an toàn hạnh phúc. Do đó, tôn trọng luật lệ chính là bổn phận của mỗi con người trong xã hội. Những người Pha-ri-sêu đã phóng đại việc bứt vài bông lúa thành việc gặt lúa là việc cấm làm trong ngày sa-bát để tố cáo các môn đệ vi phạm luật Mô-sê. Lòng đố kỵ và óc nệ luật khiến họ đánh mất chính tinh thần của lề luật. Lề luật không còn phục vụ cho hạnh phúc con người mà bị họ dùng làm công cụ để lên án Đức Giê-su.

Mời Bạn: Có những người không tôn trọng luật làm xáo trộn, gây chia rẽ trong cộng đoàn. Có những người lại quá nệ luật, xét đoán khắt khe, thiếu bao dung, thiếu bác ái với tha nhân. Vậy tôi phải đặt luật lệ ở vị trí nào trong đời sống để xây dựng tương quan với Chúa và tha nhân một cách tốt đẹp hơn?

Sống Lời Chúa: Bạn và gia đình có đọc kinh tối chung hoặc đi lễ Chúa Nhật cách cập rập, thiếu hụt không? Bạn hãy sắp xếp công việc để làm các việc ấy cách trọn vẹn sốt sắng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã truyền cho chúng con giới răn riêng của Chúa là yêu thương nhau như Chúa yêu thương. Xin cho chúng con biết lấy luật yêu thương của Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc sống và chu toàn việc bổn phận của chúng con với lòng mến Chúa và yêu người. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, toàn thể địa cầu thờ lạy và ca khen Chúa, lạy Đấng Tối Cao toàn thể Đất Nước ca khen thánh danh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ      

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất; xin dủ thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu và ban cho thời đại chúng con được bình an. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 6, 10-20

“Chúng ta có một niềm tin đặt trước mặt như chiếc neo chắc chắn và bền vững”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên công trình của anh em và lòng bác ái anh em đã tỏ ra vì danh Người, anh em là những người đã phục vụ và hiện đang phục vụ các thánh. Chúng tôi mong ước mỗi người anh em thi thố cũng một lòng hăng hái đó để giữ vững niềm hy vọng đến cùng, ngõ hầu anh em không trễ nải, nhưng sẽ noi gương những kẻ nhờ tin tưởng và kiên nhẫn mà hưởng thụ các điều đã hứa.
Quả thật, khi Thiên Chúa hứa cùng Abraham, Người không dựa vào ai lớn hơn mà thề, nhưng dựa vào chính Mình mà thề rằng: “Ta sẽ chúc phúc cho ngươi và sẽ cho ngươi sinh sản ra nhiều”. Do đó, Abraham kiên nhẫn chờ đợi, nên được hưởng lời hứa. Vì chưng, loài người dựa vào kẻ lớn hơn mình mà thề, và lời thề được coi như bảo chứng chấm dứt mọi tranh tụng. Cũng vậy, vì Thiên Chúa muốn minh chứng cho những kẻ hưởng thụ lời hứa ý định bất di bất dịch của Người, nên đã làm lời thề, để nhờ hai điều bất di bất dịch mà Thiên Chúa không thể sai lời, thì chúng ta là những người tìm ẩn náu nơi niềm hy vọng đã ban cho chúng ta, chúng ta có một nguồn yên ủi chắc chắn. Trong niềm hy vọng đó, linh hồn chúng ta có một chiếc neo chắc chắn và bền vững, cắm vào tận bên trong bức màn, nơi Ðức Giêsu đã vào như vị tiền phong của chúng ta, Người được phong làm Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 4-5. 9 và 10c

Ðáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi.

Xướng: Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thật là Ðấng nhân hậu từ bi. Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước.

Xướng: Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước tới muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả uý. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại đến muôn đời.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 16, 1-13

“Samuel xức dầu cho Ðavít trước mặt các anh em ngài; và Thánh Thần ngự xuống trên ngài”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Samuel rằng: “Ta đã loại bỏ Saolê không cho cai trị Israel nữa, thế mà ngươi còn thương khóc nó đến bao giờ? Ngươi hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường; Ta sai ngươi đến nhà Isai dân thành Bêlem. Vì Ta chọn một người con của ông ấy lên làm vua”. Samuel thưa: “Làm sao mà đi được? Vì nếu Saolê hay biết việc đó, ông sẽ giết con”. Chúa nói: “Ngươi hãy tự tay bắt một con bê trong đàn, và nói: ‘Tôi đến để dâng lễ tế lên cho Chúa’. Ngươi sẽ mời Isai đến để dự lễ tế, Ta sẽ tỏ cho ngươi biết việc phải làm, và sẽ chỉ cho ngươi biết phải xức dầu cho ai?”

Vậy Samuel làm như lời Chúa dạy và đi đến Bêlem. Các vị kỳ lão trong thành bỡ ngỡ chạy đến Samuel mà nói rằng: “Ông đem bình an đến chăng?” Ông đáp: “Phải, bình an! Tôi đến để dâng lễ tế cho Chúa. Các ông giữ mình thanh sạch và cùng tôi đến dâng của lễ”. Vậy ông làm cho Isai và con cái ông ấy được thanh sạch và mời họ đến dâng lễ tế. Khi (họ) vào nhà, Samuel gặp ngay Êliab và nói: “Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?” Và Chúa phán cùng Samuel: “Ðừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi; Ta không xem xét theo kiểu con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. Isai gọi Abinađab đến và dẫn đến trước mặt Samuel. Samuel nói: “Cũng không phải Chúa chọn người này”. Isai cho dẫn Samma đến. Samuel lại nói: “Nhưng Chúa cũng không chọn người này”. Isai lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Samuel. Samuel nói với Isai: “Chúa không chọn ai trong những người này”. Samuel nói tiếp: “Tất cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?” Isai đáp: “Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên”. Samuel nói với Isai: “Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về”. Isai sai người đi tìm đứa con út. Ðứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: “Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó”. Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Ðavít từ ngày đó trở đi. Còn Samuel đứng dậy trở về Rama.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 20. 21-22. 27-28

Ðáp: Ta đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta 

Xướng: Xưa trong cuộc thị kiến, Chúa đã phán cùng bầy tôi Chúa: “Ta đội mão triều thiên cho vị anh hùng, Ta cất nhắc người được kén chọn tự trong dân. 

Xướng: Ta đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người. 

Xướng: Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha tôi, là Thiên Chúa và Tảng Ðá cứu độ của tôi”. Và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử, cao sang hơn các vua chúa ở trần gian.  

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 2, 23-28

Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?” Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ðavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?” Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Ðức Kitô là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa đã dọn ra cho tôi mâm cỗ, và chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Hoặc đọc:

Chúng ta đã biết, và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh bởi trời; xin ban Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con cũng biết tâm đầu ý hợp và chân thành yêu thương nhau. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TRẢ LẠI CHO LUẬT Ý NGHĨA CỦA NÓ! (Mc 2, 23-28)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Luật  ngày Sabát chính là luật quan trọng của người Dothái. Tuy nhiên, vì luật này, mà đã biết bao nhiêu lần giữa Đức Giêsu và người Pharisêu xảy ra tranh cãi, bởi lẽ với Đức Giêsu thì coi luật vì con người, còn với kẻ chống đối Ngài thì cho rằng con người nên công chính vì luật.

Thật vậy, Đức Giêsu không phải là người đến để bãi bỏ lề luật, Ngài đến để kiện toàn. Tuy nhiên, Ngài nhìn và coi luật là thứ yếu, nó chỉ nắm vai trò phục vụ con người, vì vậy, nó không phải là tất cả và mang tính sống còn! Nếu luật đưa ra mà không làm cho con người có giá trị nhân linh trước mặt Chúa và sống tốt với nhau hơn hay không đem lại bình an, hạnh phúc cho người thi hành thì luật đó phải được thay thế.

Việc trung thành giữ luật ngày Sabát mà khiến lòng con người ra trai cứng, dửng dưng trước sự đói khát, khổ sở, hay ốm đau, chết chóc thì hoàn toàn không phù hợp với tinh thần cũng như mục đích nguyên thủy của luật. Không thể hoàn toàn dựa trên luật để đánh giá đồng đều lòng đạo đức của mọi người. Cần phải áp dụng theo từng người, trong những hoàn cảnh nhất định. Vì thế: “Ngày Sabát được tạo ra vì con người, chứ không phải con người cho ngày Sabat” (Mc 2, 27).

Ngày nay, qua lối thực hành đạo của chúng ta, vẫn còn đó những người luôn coi việc giữ luật cách nghiêm ngặt, cứng ngắc là điều nên làm và họ luôn coi đây là chuẩn mực để được coi là đạo đức! Tuy nhiên, khi trở về với những lời giáo huấn và tinh thần của Đức Giêsu, nhất là những việc Ngài làm, thì hẳn chúng ta phải xem lại!

Liệu rằng khi chúng ta làm việc thiện rồi để khoe khoang; hay là nhân danh đạo đức để xử sự bất nhân với anh chị em mình; hoặc tự cho mình là người giữ luật cách trung thành, nhưng lại coi thường, khinh bỉ hay luôn cho mình là người mẫu lý tưởng bắt mọi người phải quy phục thì liệu có phù hợp với giáo huấn của Chúa và cốt lõi của Luật không??? Hay chúng ta đang bị chất tố Pharisêu chỉ đạo lối nhìn và quan điểm để rồi mình trở thành bản sao của nhóm người giả hình thời hiện đại?

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết giữ luật vì lòng mến; đồng thời luôn biết yêu thương anh chị em mình bằng một tình yêu chân thành, thiết thực dựa trên đức ái. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Antôn, viện phụ

Ca nhập lễ

Người công chính tươi tốt như cây dừa, lớn lên như cây hương nam núi Liban trồng nơi nhà Chúa, trong tiền đường nhà Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho Thánh An-tôn, viện phụ, sống một đời phi thường trong sa mạc để phụng sự Chúa. Xin Chúa nhận lời người nguyện giúp cầu thay cho chúng con biết quên mình để một niềm yêu mến Chúa trên hết mọi sự . Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ các tôi tớ Chúa dâng trên bàn thờ để kính nhớ thánh An-tôn. Xin đừng để của cải trần gian trói buộc chúng con, nhưng xin cho chúng con được sung túc vì có Chúa làm gia nghiệp. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết tài sản của con, rồi bố thí cho người nghèo khó, và theo Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tìm được sức mạnh nơi bàn tiệc Thánh Thể. Xin cho chúng con luôn đập tan mọi mưu chước kẻ thù như Chúa đã cho thánh An-tôn vẻ vang chiến thắng, khi đương đầu với quyền lực tối tăm. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Lễ nhớ đến vị thầy của đời sống tâm linh và là tổ phụ của các ẩn sĩ được cử hành vào ngày 17.01, đã có từ khởi đầu thế kỷ thứ V trong các lịch của Syriaque, Copte và Byzantin. Ở Phương Tây, việc tôn kính vị thánh này chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ IX. Chúng ta chỉ được biết về thánh nhân qua quyển “Cuộc đời thánh Antoine” do người bạn của ngài là thánh Athanase viết, sau khi thánh nhân qua đời ; Hạnh thánh Antoine là quyển sách gối đầu của thánh Augustinô và thánh Martin cũng như nhiều vị thánh khác.

Thánh Antoine, được gọi là Cả hay Đan viện phụ, sinh tại Queman, miền Thượng Ai Cập, vào năm 251 từ một gia đình Kitô giáo. Vào khoảng 20 tuổi, khi nghe một đoạn Phúc Âm trong Thánh lễ : “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời ; rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Cuộc đời ngài đã thay đổi. Nắm từng chữ của Phúc Âm, ngài bán đi tài sản của mình, bố thí cho kẻ nghèo và bắt đầu đi học với một vị ẩn sĩ già đạo đức, dạy cho ngài biết chia đời sống ra thành những giờ cầu nguyện, đọc Lời Chúa và lao động tay chân. Sau đó ngài rút vào sa mạc Thébaide ; trong vùng cô tịch này, ngài phải chiến đấu với các cơn cám dỗ nặng nề trong vòng 15 năm.

Antoine thu hút được nhiều đệ tử cùng chí hướng, muốn sống đời ẩn tu hay khổ tu, mỗi người sống trong một lều riêng cách biệt nhau. Tiếng tâm vị thánh vang rất xa, vươn khỏi xứ Ai Cập ; vị Thượng phụ Giáo chủ ở Alexandrie là thánh Athanase cũng là một trong các bạn hữu của ngài.

Vào năm 311, dưới thời bách hại của hoàng đế Maximin Daia, Antoine rời bỏ sa mạc, tuyên bố rằng : “Chúng ta hãy đi chiến đấu cùng với bạn bè chúng ta.” Ngài đến Alexandrie để động viên các tín hữu bị bách hại, bị bỏ tù hay bị kết án lao động khổ sai. Ngài trở lại thành này một lần nữa để giúp đỡ thánh Athanase trong việc chiến đấu với bè rối Arius.

Trở về sa mạc, ngài cắm lều gần Biển Đỏ, dưới chân núi Quelzoum, có một dòng suối và một cụm dừa. Đó là nguồn gốc Đan viện Copte ngày nay của thánh Antoine. Vị thánh đan sĩ này sống đến 150 tuổi và qua đời cách thánh thiện trong căn lều của mình, khi dạy các môn đệ : “Hãy sống như anh em phải chết hàng ngày. Hãy cố gắng bắt chước các vị thánh.”

Các ảnh tượng cho thấy thánh Antoine bị ma quỉ cám dỗ, đang khi ngài cầu nguyện giang tay theo hình Thánh giá, và một con heo, nhắc nhớ lại một đặc ân của Nhà trú của thánh Antoine : vào thời Trung cổ, các vị này có quyền để cho các con heo của mình đi lang thang trong thành phố, cổ đeo một chuông nhỏ.

Thánh Antoine được kể vào số 14 vị thánh Bảo Trợ và thường được kêu cầu để chống lại Lửa thánh Antoine. Ngài cũng được xem như thánh quan thầy cho các thú vật trong nhà.

Thông điệp và tính thời sự

Thánh Antoine, tổ phụ các ẩn sĩ Ai Cập, là một mẫu mực cho mọi tâm hồn đi tìm Chúa, không gắn bó những gì đã qua, nhưng luôn giữ Lời Chúa trong tâm hồn.

a. Thánh Vịnh 91 gợi lên đời sống cô tịch của thánh nhân trong sa mạc, hoàn toàn dùng để cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và làm việc : Người công chính lớn lên như cây dừa, giương cao như cây hương bá xứ Liban.

– Sa mạc biểu trưng cho việc từ bỏ, dứt bỏ, nơi Đức Giêsu mời chúng ta đến : Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo…Rồi hãy đến theo tôi (Phúc Âm : Mt 19,16-21).

– Sa mạc là nơi, hay là biểu trưng cho sự thử thách, chiến đấu và khổ hạnh. Theo gương Đức Giêsu Đấng được dẫn vào sa mạc để chịu thử thách (Mt 4,1) và bước ra như người chiến thắng, Antoine chọn sự cô tịch nơi Thébaide, chiến đấu với ma quỉ và sống một cuộc đời anh hùng để yêu mến Chúa “trên hết mọi sự”.

Bài đọc một (Ep 6,10.18) : Chúng ta chiến đấu với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm…, nhắc nhớ đến những cuộc chiến đấu kiên cường của thánh Antoine chống lại các thần lực xấu suốt 15 năm khi ngài ở trong sa mạc. Thánh Athanase đã nói điều này trong Hạnh thánh ; truyền thuyết và mỹ thuật làm cho những hình ảnh này nổi tiếng. Antoine, bước ra khỏi sa mạc như một kẻ chiến thắng, dạy cho chúng ta biết phấn đấu đẩy lui các thần xấu : “Không có gì làm cho linh hồn yếu đuối trở nên mạnh mẽ bằng việc kính sợ Thiên Chúa, cầu nguyện và chiêm niệm không ngừng Lời Chúa… Dấu Thánh giá và niềm tin vào Chúa chúng ta là những tường lũy bất khả xâm phạm.”

Ngày kia, sau một cuộc chiến đấu, thánh Antoine la lên: “Lạy Chúa và Thầy của con, Chúa ở đâu ?” Một tiếng nói thiêng linh đáp lại : “Ta ở gần ngươi. Ta thấy tất cả cuộc chiến của ngươi và, bởi vì ngươi đã chống cự lại ma quỉ, Ta sẽ bảo vệ phần còn lại cuộc đời của ngươi…”.

Thánh Antoine nói với các môn đệ : “Con người chỉ tốt lành, khi nào Thiên Chúa ở trong người đó.” Vì thế, nhờ được kiên vững bằng Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta “có khả năng chống lại mọi chước cám dỗ” và “chiến thắng quyền lực thống trị bóng tối” (Lời nguyện hiệp lễ).

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây