TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 4 PHỤC SINH

Thứ bảy - 29/04/2023 14:23 |   651
Chúa Giê-su nói: “Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi... Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” (Ga 10, 25.27)

02/05/2023
THỨ BA TUẦN 4 PHỤC SINH
Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

 

t3 t4 PS


Ga 10, 22-30


THUỘC VỀ ĐÀN CHIÊN CỦA CHÚA
Chúa Giê-su nói: “Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi... Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” (Ga 10, 25.27)

Suy niệm: Chúa Giê-su chứng tỏ Ngài thuộc về Chúa Cha khi Ngài làm công việc của Chúa Cha. Vâng phục ý muốn của Chúa Cha là biểu hiện tư cách thực của “Người Con rất yêu dấu” của Chúa Cha. Tất cả cuộc sống trần gian của Chúa Giê-su chỉ có ý nghĩa khi Ngài thực thi chương trình, ý định của Chúa Cha. Những người Do Thái không tin Đức Giê-su nên cũng không thể thuộc về Ngài. Giữa Chúa và những người thuộc về Chúa có một mối tương quan sống còn: Họ nghe tiếng Chúa và đi theo Chúa; còn Chúa biết từng người họ và hy sinh mạng sống mình vì họ, để không ai cướp họ khỏi tay Chúa được.

Mời Bạn: Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải chứng tỏ mình thuộc về Chúa, thuộc về đàn chiên của Ngài, khi chúng ta tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nghĩa là khi chúng ta lắng nghe lời Thiên Chúa và thực thi công việc của Ngài. Bí tích Rửa tội là khởi điểm cho cuộc sống thuộc về Thiên Chúa bởi vì để lãnh nhận Bí tích đó, bạn tuyên xưng niềm tin vào “Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần”. Vấn đề còn lại là thể hiện ra bằng cuộc sống: người của Thiên Chúa thì nói lời của Thiên Chúa và làm những việc thuộc về Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Tập thành một thói quen: Trước khi hành động, hãy tự hỏi mình: “Việc tôi sắp làm có phải là việc làm của Thiên Chúa không? Lời tôi sắp nói có phải là nói lời của Chúa không?”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con muốn noi gương Đức Giê-su, Con Chí Ái của Chúa để thuộc trọn về Chúa bằng cách luôn luôn tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa trong từng lời nói và việc làm của con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 4 PHỤC SINH

Ca nhập lễ

Chúng ta hãy hân hoan và vui mừng, hãy tôn vinh Thiên Chúa, vì Chúa là Thiên Chúa toàn năng của chúng ta đã thống trị – Allêluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đang họp mừng mầu nhiệm Ðức Kitô phục sinh; xin cho chúng con biết hưởng trọn niềm vui vì được Người cứu độ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 11, 19-26

Họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 86, 1-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Chúa yêu cơ sở Ngài thiết lập trên núi thánh; Ngài yêu cửa nhà Sion hơn mọi cư xá nhà Giacóp. Hỡi thành trì của Thiên Chúa, thiên hạ đang nói những điều hiển hách về ngươi.

Xướng: Ta sẽ kể Rahab và Babel vào số người thờ phượng Ta, kìa Philitinh, Tyrô và dân Êthiôpi: những người này đã sinh ra tại đó. Và thiên hạ sẽ nói về Sion rằng: “Riêng từng người và hết mọi người đã sinh tại đó, chính Ðấng Tối Cao đã củng cố thành này”.

Xướng: Chúa sẽ ghi chép vào sổ sách của chư dân rằng: “Những người này đã sinh ra tại đó”. Và khi ca vũ, người ta sẽ ca rằng: “Mọi nguồn vui thú của tôi đều ở nơi ngươi”.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Chúa Kitô, Ðấng tác tạo mọi loài, đã sống lại và đã xót thương nhân loại. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 10, 22-30

“Tôi và Cha Tôi là một”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng vui sướng trong suốt thời gian mừng mầu nhiệm Vượt Qua; để mầu nhiệm thánh này không ngừng đem lại ơn cứu độ và trở nên nguồn vui bất tận cho mọi tín hữu. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa Kitô đã phải chịu khổ hình và từ cõi chết sống lại, và như vậy Người được vinh quang – Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong thánh lễ chúng con vừa được tham dự, Chúa đã thực hiện cuộc trao đổi lạ lùng, nhằm cứu chuộc chúng con; xin nhận lời chúng con cầu khẩn, mà nâng đỡ chúng con trong cuộc sống hiện tại, và cho hưởng niềm hoan lạc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

XIN ĐƯỢC Ở TRONG ĐÀN CHIÊN CỦA CHÚA (Ga 10, 22-30)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Cùng một lời nói được phát ra, có người nghe thấy, có người chẳng nghe; có người nghe đúng, có người nghe sai; có người nghe đủ, có người nghe thiếu…

Thực trạng đó rất đúng với bài Tin Mừng hôm nay. Thật vậy, những người Dothái hỏi Đức Giêsu: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết”.

Những người Dothái không biết Đức Giêsu là bởi vì họ đã không nhận ra Ngài. Họ bị thói kiêu ngạo che lấp tâm trí, nên đứng trước biết bao nhiêu phép lạ, lời giảng dạy và nhiều mạc khải khác, họ vẫn bị mờ tối lương tâm nên không “biết” Đức Giêsu. Vì thế, khi được hỏi, Đức Giêsu đã khẳng khái trả lời cho họ biết nguyên nhân tại sao, đó là: “Vì họ không thuộc về đàn chiên của Ngài”. Bởi vì: “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” Khi đã “biết” và nghe theo tiếng Chủ chiên là chính Đức Giêsu, thì sẽ được sự sống đời đời, không bao giờ diệt vong. Nhất là được đảm bảo khỏi sói dữ, quỷ thần ám hại, vì được ở trong vòng tay của Vị Mục Tử Nhân Lành.

Nếu Đức Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, thì Giáo Hội là đàn chiên của Chúa. Nơi đàn chiên này, luôn được Vị Mục Tử Nhân Lành chăm sóc, giữ gìn. Thế nên, dù sự dữ có mạnh đến đâu, quyền lực của ma quỷ có lớn lao cỡ nào, thì Giáo Hội Chúa vẫn tồn tại nhờ vào sức mạnh, uy quyền của Chủ Chăn.

Mong sao, mỗi người chúng ta luôn tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, đồng thời hãy biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, để xứng đáng trở thành con chiên ngoan hiền trong đàn chiên của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, xin Chúa ban cho chúng con luôn biết dõi theo Chúa dưới cây gậy mục tử là chính Lời Chúa, để chúng con được sống trong đàn chiên của Chúa đến trọn đời. Amen.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 4 PHỤC SINH
Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh


Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang

Hoặc đọc:

Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan, và lưỡi người nói điều đoan chính; luật Thiên Chúa ở trong lòng người.

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho thánh giám mục A-tha-na-xi-ô được can đảm đứng lên bên vực niềm tin của Giáo Hội về thần tính của Ðức Kitô, Con Một Chúa. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, cho chúng con biết nghe lời người giảng dạy để ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật chúng con dâng tiến trong ngày kính nhớ thánh A-tha-na-xi-ô. Xin cho chúng con được cùng với thánh nhân tuyên xưng đức tin vẹn toàn để được hưởng nhờ ơn cứu độ Chúa đã hứa cho những người làm chứng cho chân lý. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đã cùng với thánh A-tha-na-xi-ô vững vàng tuyên xưng Ðức Giêsu là Thiên Chúa thật. Ước gì Con Một Chúa, qua bí tích Thánh Thể ban cho chúng con sức mạnh và sức sống dồi dào. Chúng con cầu xin…

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Theo thời gian, thánh Athanase là tiến sĩ đầu tiên trong số tiến sĩ và Giáo phụ của Hội thánh. Các Giáo Hội Coptes và Byzantin từ lâu đã kính nhớ thánh nhân vào ngày 2 tháng 5. Lễ này được các tín hữu ở Pháp biết đến vào thế kỷ XII và tại Rô-ma vào thế kỷ XVI mà thôi.

Thánh nhân là người Ai Cập, gốc Alexandrie, sinh vào cuối thế kỷ thứ III. Khoảng năm 313, giám mục Alexandrie bảo trợ cho ngài và như thế, cậu thanh niên Athanase được gia nhập vào hàng giáo sĩ tại Alexandrie. Ngài biết nói tiếng cổ Ai Cập, tiếng Hy Lạp bình dân và Hy Lạp cổ điển. Khoảng năm 320, ngài viết tác phẩm đầu tay: Luận thuyết về Lương dân và Ngôi Lời Nhập Thể, trong đó, một trong các chủ đề chính được phát biểu như sau: “Công cuộc cứu rỗi không phải do từ một kẻ chết, mà do từ một Đấng sống động là Thiên Chúa”.

Năm 325, sau khi làm phó tế được 5 năm và thư ký cho giám mục thành Alexandrie, ngài được tham dự Công đồng chung thứ nhất tại Nicée (ngày nay là Isnik, ở Thổ Nhĩ Kỳ). Công đồng chung này được triệu tập “nhằm tái lập sự hiệp nhất đang bị đe dọa nặng nề”. Thật vậy, linh mục Arius đã truyền bá một lạc thuyết, chủ trương “Ngôi Lời Thiên Chúa không hiện hữu từ đời đời, nhưng được Thiên Chúa Cha sinh ra trong thời gian”. Lúc ấy, Athanase còn là một phó tế trẻ ba mươi tuổi, đã nổi bật như một nhà vô địch, đấu tranh cho đức tin chính truyền. Nhờ tài hùng biện và sức thuyết phục, ngài được nhóm lạc giáo Arius nể sợ.

Sau cùng, ngày 19 tháng 6 năm 325, đúng theo chiều hướng của lời Athanase biện hộ, và sau khi công bố “Ngôi lời đồng bản thể với Chúa Cha”, Công đồng soạn thảo lời tuyên xưng đức tin mà chúng ta được biết như ngày nay, dưới tên gọi là “Kinh Tin Kính của Công đồng Nicée”: “Tôi tin một Thiên Chúa duy nhất… Tôi tin một Chúa Giêsu Kitô…”

Athanase được bổ nhiệm làm giám mục Alexandrie lúc ba mươi lăm tuổi. Nhưng cuộc khủng hoảng do nhóm Arius gây nên vẫn tiếp tục gia tăng, khiến ngài phải sống một cuộc đời lưu đày. Trong bốn mươi năm làm giám mục, ngài phải sống mười tám năm lưu đày: ở Trèves bên nước Đức, tại Rôma, rồi sa mạc Ai Cập… Tuy nhiên, bất chấp tất cả, thánh tiến sĩ vẫn viết được một tác phẩm đáng kể: Luận thuyết chống bè Arius; Chống lương dân; Bàn về Ngôi Lời Nhập Thể; Thư gửi Épictète; Thư gửi Sérapion; Các thư mục vụ … và cuốn Tiểu sử thánh Antôn là tác phẩm ưa chuộng nhất và là cuốn sách mẫu mực về hạnh các thánh. Bộ sách quí giá này đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu biết và phổ biến lối sống đan tu lúc khởi đầu.

Athanase qua đời đột ngột trong đêm 02 rạng ngày 03 tháng 05 năm 373, thọ bảy mươi tuổi, trong khi được thánh Basile thành Césarée khuyến khích, ngài đang tích cực chăm lo tái lập sự hiệp nhất trong Giáo hội Antiochia.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Phụng Vụ tôn vinh lòng trung tín của thánh Athanase, là người bảo vệ tuyệt vời đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, như Công đồng Nicée xác định: “Người là Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha”. Quả vậy, tiền xướng nhập lễ trích dẫn lời Kinh thánh: Ta sẽ cho xuất hiện một tư tế trung kiên để phục vụ Ta, nó sẽ phục vụ theo lời Ta và ý muốn của Ta (1 Sm 2, 35).

Qua lời nguyện nhập lễ, chúng ta thưa cùng Chúa, là Đấng “đã chọn thánh giám mục Athanase để bênh vực niềm tin của Hội thánh về thiên tính của Đức Kitô, Con Một Chúa”. Như thế, chúng ta làm nổi bật công đức lớn lao nhất của vị thánh tiến sĩ này: gần như đơn độc trong cuộc đấu tranh chống lạc thuyết Arius, với một quyết tâm kiên cường, lúc nhu lúc cương, ngài đã góp phần đem lại chiến thắng cho đức tin tông truyền, vì thế đã mở một khúc ngoặc mới trong lịch sử Kitô giáo.

b. “Cùng với thánh Athanase, chúng con tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật...” (Lời nguyện hiệp lễ). Thật vậy, con người không thể được cứu rỗi, nếu Đức Kitô không là Thiên Chúa thật. Vì thế, Athanase nói: “Thiên Chúa làm người để con người được nên giống Thiên Chúa”. Việc kết hợp Logos, Ngôi Lời của Thiên Chúa với con người Giêsu làm cho toàn thể nhân tính cũng phần nào mang tính chất của “lời” (chống bè Arius III,3). Vì vậy bài đọc một trong Thánh lễ đã được trích dẫn từ 1 Ga 5,1-5: Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra … Vậy ai thắng được thế gian ? không phải là người đã tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa sao?

Niềm tin vào thiên tính của Đức Ki-tô, Thiên Chúa thật và là người thật – là trọng tâm Kinh Tin Kính của Hội thánh.

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây