TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 04/01/2024 13:01 |   663
Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,1-12)

12/01/2024
THỨ SÁU TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

t6 t1 TN

Mc 2,1-12


THA TỘI ĐỂ CHỮA LÀNH
Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,1-12)

Suy niệm: Người bại liệt không đi được, phải khiêng. Người khiêng không chen vào được, phải trổ mái nhà mà thả bệnh nhân xuống trước mặt Đức Giê-su. Thật là vất vả. Niềm mong mỏi được Đức Giê-su chữa lành thật lớn biết bao! Nhưng sự đáp ứng của Người thoạt xem ra dường như ‘trật khớp’: thay vì chữa bệnh, Người lại... tha tội! Có lẽ không chỉ những kinh sư mà cả bệnh nhân lẫn đám đông có mặt ở đấy đều bị bất ngờ. Và đây là một sứ điệp lớn:

1- Lành bệnh là điều quan trọng, nhưng được giải phóng khỏi tội lỗi là điều quan trọng hơn nhiều. Bởi vì tội lỗi chính là căn nguyên sâu xa nhất của mọi đau khổ, bệnh tật, và sự chết.

2- Đức Giêsu là Đấng tha tội, bởi Người chính là Thiên Chúa.

Mời Bạn tự vấn về cảm thức tội lỗi nơi mình. Bạn có nhìn nhận ra mình là tội nhân? Bạn cảm nhận nỗi khổ đến mức nào do tình trạng tội của mình? (chẳng hạn, trong so sánh với những nỗi khổ do nghèo túng, bệnh tật, cô đơn...). Giữa bao nhiêu vấn đề cần giải quyết hiện nay trong đời sống của bạn, vấn đề khẩn cấp nhất là tội lỗi. Bạn hãy đến với Chúa Giê-su. Chỉ có Người mới có thể giải phóng cho bạn khỏi sự ràng buộc do tình trạng tội nơi mình.

Sống Lời Chúa: Thành tâm sám hối về tội lỗi mình và quyết tâm đổi mới cuộc sống ngày từ bây giờ. Bạn sãn sàng để lãnh bí tích Hòa Giải sớm hết sức có thể.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội cách chậm rãi và với tâm tình thống hối.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Tôi đã nhìn thấy Đấng ngự trên ngai cao cả, có vô số Thiên Thần thờ lạy và đồng thanh ca hát rằng: Đây danh hiệu vương quyền Người tồn tại muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa nhân từ, này dân Chúa đang hiệp lời cầu khẩn; nguyện xin Chúa dủ thương chấp nhận, để giúp chúng con biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 4, 1-5. 11

“Chúng ta hãy mau mau tiến vào nơi an nghỉ đó”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, chúng ta hãy lo sợ kẻo đang khi lời hứa được vào trong sự an nghỉ của Chúa còn có giá trị mà có người trong anh em tưởng mình không được hưởng. Quả thật, chúng ta đã nhận lãnh tin mừng như họ; nhưng lời họ đã nghe không sinh ích gì cho họ, bởi họ không lấy đức tin mà thông hiệp với những kẻ đã tin. Chúng ta là những kẻ đã tin; chúng ta đang đi vào nơi an nghỉ, như lời Người phán rằng: “Như Ta đã thề trong cơn thịnh nộ, chúng sẽ không được vào nơi an nghỉ của Ta”. Dầu vậy, các công trình của Người đã được hoàn tất từ tạo thiên lập địa. Vì chưng, có câu nói về ngày thứ bảy rằng: “Và ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã nghỉ mọi việc”. Lại có câu khác rằng: “Không, chúng nó sẽ chẳng vào nơi an nghỉ của Ta”. Vậy chúng ta hãy mau mau tiến vào nơi an nghỉ đó, để không ai sa ngã mà nên gương bất trung.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 77, 3 và 4bc. 6c-7. 8

Ðáp: Chúng tôi sẽ không quên lãng những kỳ công của Chúa (c. 7c).

Xướng: Ðiều mà chúng tôi đã nghe, đã biết, mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai, đó là những lời khen ngợi và quyền năng của Chúa.

Xướng: Ðể họ đứng ra và thuật lại cho con cái họ, hầu cho chúng đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa, và không quên lãng những kỳ công của Người, những giới răn của Người chúng sẽ tuân theo.

Xướng: Và chúng đừng trở nên như tổ tiên chúng, một thế hệ khó dạy và lăng loàn, một thế hệ không có lòng ngay thẳng, và không có tâm hồn trung kiên cùng Thiên Chúa.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 8,4-7.10-22a

“Các ngươi sẽ ca thán vì nhà vua, nhưng Chúa sẽ không nhậm lời các ngươi, vì các ngươi đã xin ban cho các ngươi một nhà vua”.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, tất cả các kỳ lão Ít-ra-en tập họp lại và đến cùng Sa-mu-en ở Ram-tha, và nói với người rằng: “Nay ông đã già rồi và con cái ông không đi trong đường lối của ông; vậy ông hãy đặt lên cho chúng tôi một nhà vua, để xét xử chúng tôi, như tất cả các dân tộc khác”.

Lời ấy làm cho Sa-mu-en phật lòng, vì họ đã nói: “Ông hãy cho chúng tôi một nhà vua, để xét xử chúng tôi”. Samuel cầu nguyện cùng Chúa. Và Chúa phán cùng ông rằng: “Ngươi cứ nghe theo dân trong những gì họ sẽ nói với ngươi, vì không phải họ khinh bỉ ngươi, mà là khinh bỉ Ta, để Ta không còn cai trị họ nữa”.

Vậy Sa-mu-en đã nói tất cả những lời Chúa cho dân nghe khi họ xin một nhà vua. Người nói: “Ðây là quyền bính của vua sẽ cai trị các ngươi: Ông sẽ bắt con trai các ngươi xung vào đoàn chiến xa và đoàn kỵ binh, và họ sẽ chạy trước xa giá của ông. Ông cắt đặt người thì chỉ huy một ngàn, người thì chỉ huy năm mươi binh lính, kẻ thì cày ruộng gặt lúa, người thì chế tạo quân cụ và chiến xa. Còn con gái các ngươi, ông sẽ bắt làm thợ sản xuất dầu thơm, nấu ăn và làm bánh. Còn đồng ruộng các ngươi, vườn nho, vườn ô liu tốt nhất của các ngươi, ông sẽ tịch thu và ban cho các đầy tớ của ông. Ông sẽ đánh thuế một phần mười vào mùa màng và vườn nho các ngươi, để nuôi các vị thái giám và đầy tớ của ông. Ông sẽ bắt tôi tớ trai gái, các thanh niên cường tráng và cả lừa của các ngươi mà xung vào công việc của ông. Ông sẽ đánh thuế một phần mười vào đoàn vật của các ngươi, và chính các ngươi sẽ trở thành nô lệ của ông. Trong ngày đó, các ngươi sẽ ca thán vì nhà vua mà các ngươi tuyển chọn, nhưng Chúa sẽ không nhậm lời các ngươi, vì các ngươi đã xin ban cho các ngươi một nhà vua!”

Nhưng dân không muốn nghe lời Sa-mu-en, và nói với người rằng: “Không, chúng tôi phải có vua, chúng tôi phải giống như mọi dân tộc khác; nhà vua sẽ xét xử chúng tôi, sẽ đi trước chúng tôi, và sẽ đánh giặc cho chúng tôi”. Sa-mu-en nghe tất cả những lời dân nói, và thưa lại cùng Chúa. Nhưng Chúa nói cùng Sa-mu-en rằng: “Ngươi cứ nghe họ và thiết lập cho họ một nhà vua”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 16-17. 18-19

Ðáp: Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời

Xướng: Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài.

Xướng: Vì Chúa là vinh quang, quyền năng của họ, nhờ ân huệ Chúa, uy quyền của chúng tôi được suy tôn. Bởi chưng khiên thuẫn chúng tôi là của Chúa, và vua chúng tôi thuộc về Ðấng Thánh của Ít-ra-en.

Alleluia: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 2, 1-12

“Con Người có quyền tha tội dưới đất”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Sau ít ngày, Chúa Giê-su lại trở về Ca-phác-na-um; nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giê-su nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội lỗi con được tha”. Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: “Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa”. Chúa Giê-su biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: “Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: “Tội lỗi con được tha” hay nói: “Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi”, đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất”. – Người nói với kẻ bất toại: “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà”. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con đang thành khẩn tiến dâng, để nhờ của lễ này, chúng con được thánh hoá, và đạt được những điều chúng con tha thiết cầu xin. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa là nguồn mạch sự sống, và trong ánh sáng của Chúa, chúng tôi sẽ nhìn thấy ánh sáng.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta đến để chúng được sống, và được sống dồi dào hơn”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con trong thánh lễ này; xin cũng cho chúng con hằng biết sống thánh thiện mà phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NÀY CON, CON ĐÃ ĐƯỢC THA TỘI RỒI
Lm. Antôn Trần Văn Phú

Sau khi đi khắp miên Ga-li-lê giảng dạy và chữa lành nhiều người, Chúa Giê-su trở lại thành của mình là Ca-phác-na-um. Chính nơi đây Người thắp lên ánh sáng chiếu soi những kẻ còn trong tối tăm. Chính nơi đây ánh vinh quang của quyền năng Chúa được tỏ bày. Khi nói với người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi”, Chúa Giê-su muốn chỉ ra cho chúng ta một thứ bệnh bại liệt đáng sợ hơn và cần được chữa lành hơn thứ bại liệt thể lý. Thứ bại liệt chết người ấy chính là tội lỗi. Đó là một thứ bại liệt nội tâm và thiêng liêng mà chỉ có Chúa Giê-su mới có năng quyền chữa lành. Quả thực, Người đến để chữa lành những vết thương trong tâm hồn chúng ta. Khi chúng ta bị bất toại vì tội lỗi, Người đưa cánh ta ra để vực chúng ta chỗi dạy. Vậy, được ân sủng Chúa nâng đỡ, chúng ta hãy can đảm đứng lên, hãy tiến bước và ca rao trước mặt mọi người những kỳ công Chúa đang thực hiện trong cuộc đời chúng ta.

 

TỘI CON ĐÃ ĐƯỢC THA
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Nghe tin Chúa Giê-su về Ca-phác-na-um, dân chúng khắp nơi tuốn đến chật trong nhà ngoài sân, và Chúa giảng dạy họ. Bỗng có bốn người khiêng một người bất toại đến,nhưng vì dân chúng đông quá, họ phải dỡ mái nhà thòng giường và bệnh nhân xuống trước mặt Chúa. Chúa thấy họ có lòng tin thì nói với người bệnh: “Tội con đã được tha”. Các luật sĩ nghe vậy thì cho là Chúa đã phạm thượng vì họ không tin Người là Thiên Chúa, nên không có quyền tha tội, chỉ Thiên Chúa mới có quyền đó. Chúa biết họ nghĩ thế, Người muốn tỏ cho họ biết Người là Thiên Chúa có quyền tha tội, nên nói với người bại liệt: “Hãy chỗi dậy, vác giường mà về”. Người đó liền chỗi dậy vác giường đi về trước sự kinh ngạc của mọi người.

2. Phép lạ chữa người bất toại hôm nay không phải là mục đích chính, đó chỉ là cái khung hay cái cớ để Chúa Giê-su nói về cái khác, đó là quyền tha tội. Chúa muốn cho họ biết Người là Thiên Chúa nên có quyền tha tội.

Vì thế, người ta khiêng anh bất toại đến để mong Chúa chữa cho anh. Nhưng Chúa Giê-su tha tội trước rồi sau đó mới chữa bệnh. Tội là thứ bệnh của linh hồn, nguy hiểm hơn bệnh thể xác. Nhưng chúng ta thường làm ngược với Chúa Giê-su: khi mang bệnh thể xác thì chúng ta lo chạy chữa mau lẹ, còn khi mang tội chúng ta lại không lo.

3. Người bất toại có lòng tin Chúa nên đã nhờ người khác khiêng mình tới Chúa. Và chính những người này cũng tin Chúa nên đã chịu khó leo lên mái nhà, dỡ ngói ra, thòng người bệnh xuống trước mặt Chúa. Vì thế, muốn gặp Chúa phải có lòng tin, phải cố gắng vượt qua mọi trở ngại, và có khi còn cần nhờ người khác giúp đỡ.

Truyện Căn nhà bỗng nhiên bốc cháy. Ông bố nghe tin liền chạy về. Về đến nơi, ông thấy đám cháy đã bốc cao và nghe có tiếng kêu thất thanh “Ba ơi cứu con với”. Khi thấy bóng đứa con út trên tầng cao, ông đã nhờ đội cứu hỏa giăng lưới bảo hộ để cho cậu nhảy xuống. Nhưng cậu vẫn do dự và sợ hãi. Lúc ấy ông la lên: “Ba đây, đừng sợ, nhảy xuống đi”. Nhận ra tiếng của cha và thấy bóng ông qua khói lửa, cậu đã thu hết can đảm nhảy xuống. Mở mắt ra, cậu đã nằm trong vòng tay của cha. Niềm tin đã cứu sống cậu (Epphata).

4. Người bất toại thì bất lực không làm được gì. Chúng ta phải ý thức bệnh bất toại của người tội lỗi: không làm được việc gì có giá trị trước mặt Chúa vì không có ân sủng, để nhờ đó chúng ta gớm ghét tội lỗi, xa lánh những dịp tội.

Chúng ta nên biết rằng ý thức về tội không có nghĩa là đánh mất giá trị làm người mà chỉ là nhìn nhận một chân lý khách quan: con người là tạo vật vừa dòn mỏng vừa vĩ đại trước mặt Thiên Chúa. Con người mỏng dòn nên dễ sa ngã. Con người vĩ đại do tự do mà Thiên Chúa ban cho: con người có quyền nói “có” hoặc nói “không” với Thiên Chúa. Nói “không” với Thiên Chúa là phạm tội, vì từ chối tình thương và sự hướng dẫn của Ngài. Ý thức về tội là nhìn nhận quyền năng và lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa, và đồng thời là nhìn nhận sự thật có tính giải phóng về bản thân: giải phóng khỏi tình trạng tội lỗi và đưa con người vào mối hiệp thông với Thiên Chúa.

5. Qua phép lạ chữa người bất toại trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy bằng lòng để Chúa Giê-su thực hiện nơi chúng ta những gì Ngài đã làm cho người bất toại. Chúng ta hãy trình diện với Chúa Giê-su trong bí tích Hòa giải và lắng nghe Ngài nói với chúng ta những gì Ngài đã nói với người bất toại: “Tội lỗi con đã được tha”. Tiếp đó, bài Tin mừng mời ta cảm nghiệm sự giải thoát mà người bất toại ấy từng cảm nhận sau khi đã bị ràng buộc đớn đau quá lâu trong bệnh tật và trong tội lỗi của anh.

6. Truyện: Nhà biên kịch Henri Ghéon

Henri Ghéon là một nhà biên kịch nổi tiếng của Pháp, cũng là một người tội lỗi trong đệ nhị thế chiến, ông ở trong một tâm trạng bất an, đã quay trở lại với Chúa. Ông đến xin lãnh bí tích Giải tội và ông đã kể lại tâm trạng của mình lúc xưng tội như sau: “Hai tay tôi ôm đầu, miệng bập bẹ run run, tôi đổ dòng tội tuôn ra như thác… Tôi cảm thấy một thứ cặn đắng, từng ngụm, từng ngụm trào ra khỏi các thớ thịt con tim tôi với tất cả khối nặng đó, với tất cả chất độc đó đã đè nén tôi suốt hai mươi năm nay. Tôi cố cựa quậy đổ dốc nó ra cho linh mục giải tội. Và Thiên Chúa đã nghe lời tôi: “Hãy về bình an. Thánh Thần đã ngự trong con”! Tôi trẻ lại hai mươi tuổi; hai mươi năm tội lỗi. Một niềm vui sướng mới lạ tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi chạy, tôi nhảy, tôi bay, tôi không còn cảm thấy xác thịt nặng nề của tôi nữa”…

CHỊU ĐỰNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngươi cứ nghe họ!”.

Trên xe lửa, một tu sĩ già vô tình phạm một lỗi nhỏ về luật hành lý; một nhân viên mắng thầy không thương xót. Tu sĩ trẻ ngồi bên nói, “Thầy cho anh ta một bài học!”. Thầy cười, “Ồ! Nếu một người như thế chịu đựng được bản thân cả đời, tôi lại không chịu đựng nổi anh ta vài phút sao? Chúa chịu đựng cả đời. Để biến đổi ai, Ngài thường lặng thinh!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Để biến đổi ai, Ngài thường lặng thinh!”. Đúng như vị tu sĩ già nhận định. Lời Chúa hôm nay cho thấy, để biến đổi một ai đó, một điều gì đó, Thiên Chúa thường áp dụng cho mình lối sư phạm ‘chịu đựng!’.

Bài đọc Samuel cho biết, dân đòi một vị vua, Chúa bảo Samuel, “Ngươi cứ nghe họ!”. Đòi một vị vua là một loại hình yêu sách chưa từng có trong Israel. Là một người chống chế độ bảo hoàng, Samuel nhẫn nại phân trần. Ông đưa ra các mối nguy. Bởi lẽ, tôn giáo của Israel là tôn giáo độc thần; chỉ Thiên Chúa là Vua, là Chúa của họ. Vì thế, ý tưởng về một vị vua loài người, đồng nghĩa với sự phạm thượng tày đình. Thiên Chúa cắn răng bảo Samuel, “Ngươi cứ nghe họ!”. Ngài chiều dân, Ngài ‘chịu đựng’ dân để biến đổi họ. Cả những sai lầm cũng có thể trở thành những khoảnh khắc của ân sủng và sự giác ngộ! Và một khi cảm nhận hồng ân được biến đổi, Israel cũng như bất cứ ai rồi sẽ thưa, “Lạy Chúa, tình thương Chúa đời đời con ca tụng!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, nhiều người tuôn đến với Chúa Giêsu. “Người ta đem đến một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao đến gần Ngài được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Ngài ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống”. Sự tê liệt của người này là biểu tượng của một tội lỗi nào đó; và với bất cứ một tội lỗi nào, mẫu số của nó vẫn luôn là một điều gì đó mà Thiên Chúa phải ‘chịu đựng’. Đó là một tội lỗi mà ‘ai đó’ mong được tha thứ nhưng không thể quay về với Chúa bằng nỗ lực riêng. Họ cần sự giúp đỡ của người khác, họ cần sự ‘chịu đựng’ của người khác hầu có thể trở về để được Chúa cứu chữa.

Chúa Giêsu đã chữa lành; và đặc biệt, Ngài tha tội cho anh. Chúng ta có thể làm sống lại phép lạ này khá thường xuyên cho mình nhờ việc xưng tội; đồng thời, làm sống lại phép lạ này thường xuyên hơn khi đưa những người khác đến toà giải tội. Với những lời của thừa tác viên Hội Thánh, “Ta tha tội cho con nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”, Chúa Giêsu tha tội cho chúng ta và cho tất cả những ai chúng ta dun dủi đến với Ngài.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngươi cứ nghe họ!”. Thiên Chúa muốn cứu tất cả mọi người. Ngài muốn mang lại sự chữa lành thực sự cho cuộc sống của bất cứ ai; nhưng Ngài muốn chữa lành họ ngang qua sự kiên nhẫn và ‘chịu đựng’ của bạn và tôi. Chúa Giêsu có thể đã tìm thấy người bại liệt, hoặc có thể chữa lành anh ấy từ xa; nhưng Ngài lại chọn để một số người mang anh ta đến cho Ngài. Ngài muốn chữa lành anh, nhưng nếu không có lòng bác ái của bốn người kia, việc chữa lành có thể không bao giờ xảy ra. Vậy Chúa Giêsu muốn gặp ai qua bạn và tôi? Làm thế nào tôi có thể trở thành một công cụ tốt hơn cho tình yêu Ngài?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa ‘chịu đựng’ con gần như cả đời. Cho con biết ‘chịu đựng’ anh chị em con một đôi khi!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây