TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 22/01/2024 13:24 |   573
Đức Giê-su chỉ thị cho các [tông đồ] không được mang gì đi đường chỉ trừ cây gậy… (Mc 6,8)

01/02/2024
THỨ NĂM TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

t5 t4 TN

Mc 6, 7-13


HÀNH TRANG NGƯỜI TÔNG ĐỒ
Đức Giê-su chỉ thị cho các [tông đồ] không được mang gì đi đường chỉ trừ cây gậy… (Mc 6,8)

Suy niệm: Các bộ tộc Eskimo thời xưa, khi chuẩn bị cuộc hành trình vượt ra khỏi vùng băng giá của sáu tháng mùa đông tại Bắc cực, phải hạn chế tối đa những đồ đạc cồng kềnh; chúng tuy cần thiết thật, nhưng cũng có thể làm cản trở, gây chậm trễ khiến họ không thể kịp đến vùng đất có nắng ấm của mặt trời. Liên hệ với kinh nghiệm đó, chúng ta hiểu được “chỉ thị” của Đức Giê-su khi sai các tông đồ đi rao giảng: Chỉ có cây gậy làm hành trang, ngoài ra “lương thực, tiền bạc, giầy dép, áo quần…”, những thứ đó, tuy rất cần thiết cho đời sống thường ngày, nhưng không phải là điều cốt lõi của sứ vụ tông đồ; trái lại điều họ phải có và phải làm là có Chúa ở với họ để họ loan báo Tin Mừng bình an và rao giảng Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần. Một khi quá bị vướng bận hoặc cậy dựa vào của cải vật chất, thế lực trần gian, người tông đồ dễ dàng đánh mất ơn gọi và sứ mạng của mình.

Bạn Ki-tô hữu thân mến, khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, bạn được Chúa trao sứ mạng làm tông đồ. Nếu bạn chờ đến khi bạn rảnh rỗi hay có đủ phương tiện bạn mới lên đường, thì có thể suốt đời, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội đó. “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúa hối thúc bạn làm tông đồ ngay bây giờ và trong đời sống thường ngày bằng cách biến từng lời nói việc làm thành hành động loan báo Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Mỗi sáng thức dậy, bạn suy niệm một câu Lời Chúa và quyết tâm sống Lời đó trong ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết từ bỏ những gì cản trở cho sứ mạng tông đồ để con luôn sẵn sàng lên đường loan báo Tin Mừng cho anh em.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, xin cứu độ chúng tôi, từ khắp muôn dân, xin thu họp chúng tôi về, để chúng tôi được ca tụng thánh danh Chúa, và được vinh dự ngợi khen Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I (Năm I): Dt 12, 18-19. 21-24

“Anh em tiến đến núi Si-on và thành trì của Thiên Chúa hằng sống”.

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp, hoặc tiếng kèn và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Cảnh tượng thật hãi hùng, đến nỗi Mô-sê thốt lên: “Tôi đã kinh khiếp và run sợ”. Trái lại, anh em tiến đến núi Si-on và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, tiến đến muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giê-su, và đến cùng máu đã rảy khi giao ước lên tiếng còn mạnh thế hơn máu A-ben.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 47, 2-3a. 3b-4. 9. 10-11.

Ðáp: Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài (c. 10).

Xướng: Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen trong thành trì của Thiên Chúa chúng ta. Núi thánh của Ngài là ngọn đồi duyên dáng, niềm hoan lạc của khắp cả địa cầu.

Xướng: Núi Si-on là cùng kiệt phương bắc, là thành trì của Ðức Ðại Ðế. Thiên Chúa ngự trong thành quách của Ngài, tự chứng tỏ Ngài là an toàn chiến luỹ.

Xướng: Chúng tôi đã nhìn thấy, như đã nghe kể lại, trong thành trì của Chúa thiên binh, trong thành trì của Thiên Chúa chúng tôi: Thiên Chúa kiên thủ thành đó tới muôn đời.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài. Ôi Thiên Chúa, cũng như thánh danh Ngài, lời khen ngợi Ngài sẽ vang cùng cõi đất. Tay hữu Ngài đầy đức công minh.

Bài Ðọc I: 1 V 2, 1-4. 10-12

“Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ; Sa-lô-môn, con hãy can đảm và ăn ở xứng danh nam nhi”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Gần ngày băng hà, Ða-vít truyền cho Sa-lô-môn, con trai của ông rằng: “Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ. Con hãy can đảm, và ăn ở xứng danh nam nhi. Con hãy tuân giữ các huấn lệnh của Chúa là Thiên Chúa con, hãy đi trong đường lối của Người, hãy tuân giữ các lễ nghi, giới răn, thánh chỉ và giáo huấn của Người như đã ghi chép trong Luật Mô-sê, ngõ hầu con đi đâu, con cũng hiểu biết mọi việc con làm, để Chúa hoàn thành lời Người đã nói về cha rằng: “Nếu con cái ngươi tuân giữ đường lối của chúng và hết lòng hết trí đi trước mặt Ta trong chân lý, thì ngươi sẽ không bao giờ mất người kế vị trên ngôi báu Israel”.

Vậy vua Ða-vít yên giấc với các tổ phụ và được mai táng trong thành Ða-vít. Ða-vít làm vua Ít-ra-en được bốn mươi năm: tại Khép-rôn, ngài cai trị bảy năm; tại Giê-ru-sa-lem, ngài cai trị ba mươi ba năm. Còn Sa-lô-môn lên ngôi Ða-vít cha ngài, và triều đại ngài rất vững bền.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 1 Sb 29, 10. 11ab. 11d-12a. 12bcd

Ðáp: Chúa thống trị trên tất cả mọi loài.

Hoặc đọc: Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa.

Xướng: Ðavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, người thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, từ đời đời tới muôn muôn thuở”.

Xướng: Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa. – Ðáp.

Xướng: Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa. – Ðáp.

Xướng: Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống: Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 7-13

“Người bắt đầu sai các ông đi”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giê-su gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con xin kính cẩn dâng những lễ vật này lên bàn thờ Chúa để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận và làm cho trở thành bí tích đem lại ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu độ tôi theo lượng từ bi của Chúa. Lạy Chúa, xin đừng để tôi phải hổ ngươi vì đã kêu cầu Chúa.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực cứu độ để nuôi dưỡng chúng con; xin Chúa dùng sức mạnh dồi dào của bí tích này làm cho đức tin chân chính được tiến triển luôn mãi. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA SAI CÁC TÔNG ĐỒ ĐI TRUYỀN GIÁO (Mc 6,7-13)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau một thời gian huấn luyện, hôm nay Chúa Giê-su sai các Tông đồ đi thực tập truyền giáo. Chúa sai các ông đi từng hai người một, ban cho các ông có quyền chữa bệnh và khử trừ ma quỉ. Người không cho các ông mang theo gì, trừ ra cây gậy và đôi dép, để các ông hoàn toàn phó thác vào Người. Người dặn bảo các ông: đến nơi nào thì cứ kiên trì ở đó giảng và làm phúc cho họ. Nếu nơi nào người ta không chịu nghe lời thì hãy đi nơi khác, nhưng hãy cảnh cáo cho họ biết lỗi của họ.

2. Hôm nay các Tông đồ bắt đầu thực tập công việc truyền giáo. Trong thời gian qua, các ông đã được trong thấy việc Chúa làm, Chúa giảng dạy… thì giờ đây đến lượt các ông phải nói và làm. Tuy thời kỳ huấn luyện  các ông còn chưa xong – chỉ đến ngày lễ Hiện Xuống việc này mới kết thúc – nhưng các ông có thể thử nghiệm cho biết cuộc đời truyền giáo là thế nào.

3. Chúa muốn các ông sống khó nghẻo và đơn sơ phó thác.

Chúa Giê-su căn dặn các tông đồ không được mang theo gì cả, các ông phải ra đi không cồng kềnh vướng vít, không mang theo ngay cả đồ ăn thức uống nữa.

Xem ra đây là một điều kiện để người truyền giáo có được thảnh thơi. Ra đi không hành lý, chính là từ chối kéo theo mình những gì là riêng tư, và phô ra trước mặt người khác, tiền bạc, của cải, uy thế của mình… Ra đi không hành lý là muốn nói lên rằng chỉ có bản thân, tư cách con người truyền giáo mới là chiếc xe tốt cần thiết cho việc đi rao giảng Tin Mừng. Làm chứng là nói bằng chính con người và đời sống của mình, chứ không phải bằng những lời nói xuông mà thôi, nghĩa là sống sao thì dạy vậy, và dạy sao thì sống vậy.

4. Một khía cạnh khác của nếp sống nghèo cần có đối với người truyền giáo là chấp nhận lòng hiếu khách của người ta, sẵn lòng khi được người ta mời. Người ta dễ nhận mình hơn khi ta không choán hết chỗ của họ. Ta đến không mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh, người ta sẵn lòng đón tiếp ta; hai việc này thường đi đôi với nhau. Ai cũng biết rõ rằng nếu ta tới nhà họ với đôi bàn tay trống – ngoại trừ chứng từ của đời sống ta – thì sự tiếp đón của họ mới thật trong sáng: người ta sẽ tỏ ra quan tâm đến chứng từ, chứ không phải vì món đồ nào đó được cất giấu trong những chiếc Va-li của ta.

5. Chúa muốn các nhà truyền giáo làm chứng cho Người.

Mỗi người chúng ta có trách nhiệm phải thi hành sứ mạng tiên tri nghĩa là phải làm chứng cho Chúa Giê-su như lời Người dạy: “Các con là chứng nhân của Thầy”. Rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa không phải chỉ dùng lời nói suông nhưng phải dùng cả đời sống, cả con người của mình để làm chứng, vì con người chúng ta là phương tiện hữu hiệu để chỉ cho người ta biết Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi người phải có đời sống gương mẫu để xứng đáng là “chứng nhân” của Chúa, ngược lại chỉ là những “phản chứng” thôi. Cho nên chúng ta có thể nói: cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa. Về phương diện này có người kể lại rằng: Đã có lần Lénine nói về thánh Phan-xi-cô Át-si-si: “Để có thể thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy” (Trích Mỗi ngày một Tin vui).

6. Chúa cũng muốn chúng ta phải làm chứng nhân cho Chúa.

Mỗi công việc đều có phương tiện để đạt tới mục đích. Trên thế giới này có biết bao nhiêu ngàng nghề, biết bao lãnh vực cho nên có vô vàn vô số những phương tiện thích hợp. Trong lãnh vực truyền giáo, Chúa cũng dùng đủ mọi phương tiện để nhờ đó người ta có thể nhận biết Chúa, nhưng phương tiện sống động và hữu hiệu nhất là chính con người chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc phong thánh cho linh mục Gio-an Vi-a-ney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.

7. Truyện: Thánh Phan-xi-cô Át-si-si giảng đạo.

Ngày kia, thánh Phan-xi-cô Át-si-si nói với thầy dòng: “Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo”. Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi: ”Con nghe ngài nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà”! Thánh Phan-xi-cô đáp: Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống linh hồn của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao”?

Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Người Ki-tô hữu không có cách truyền giáo nào hay hơn là chính đời sống chứng tá của họ (Góp nhặt).

KHÔNG AI CÓ THỂ NHÀN RỖI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”.

“Biết bao lần chúng ta đánh mất cơ hội nói một lời làm chứng cho Chúa Kitô vì chúng ta cứ im lặng. Những người cần nghe Phúc Âm có thể kết luận rằng, sự cứu rỗi không đủ quan trọng để nói đến! Riêng tôi, tôi không quan tâm tôi đi đâu, sống như thế nào hay chịu đựng điều gì… để có thể cứu các linh hồn. Khi tôi ngủ, tôi mơ về họ; khi tôi thức dậy, họ xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của tôi. Với tôi, là Kitô hữu, ‘không ai có thể nhàn rỗi!’ - David Brainerd.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay đề cập đến thao thức của Brainerd; đúng hơn, đề cập đến sứ mạng tông đồ của các môn đệ, cũng là sứ mệnh của chúng ta. Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng, chữa lành bệnh tật và dọn đường cho ơn cứu độ. Đây là sứ mệnh của toàn thể Giáo Hội, của chúng ta. Bạn và tôi, ‘không ai có thể nhàn rỗi!’.

Gustave Thibon từng nói, “Thế giới của chúng ta cần “chất bồi bổ cho tâm hồn” để tự tái sinh!”. Giáo lý của Chúa Kitô là liều thuốc duy nhất có thể chữa mọi bệnh tật trên thế giới, một thế giới đang khủng hoảng. Đó không chỉ là sự suy thoái một phần các giá trị đạo đức hay luân lý, đó là cuộc khủng hoảng về mọi thứ. Và thuật ngữ chính xác nhất để định nghĩa nó sẽ là “cuộc khủng hoảng tâm hồn”.

Với ân sủng và giáo lý của Chúa Kitô, Kitô hữu thấy mình ở giữa bao cơ cấu tạm thời của con người, nơi mà họ phải thông truyền Thiên Chúa và hướng dẫn người khác đến với Ngài, “Qua giáo huấn của Giáo Hội, xin cho thế giới, bằng cách lắng nghe, nó có thể tin; bằng cách tin, nó có thể chờ đợi; và bằng cách chờ đợi, nó có thể yêu thương!” - Augustinô. Là Kitô hữu, không ai có thể trốn tránh thế giới. “Như nắm men đã bị ném vào giữa bột, chúng ta sẽ chinh phục một lần nữa - từng milimet một - vũ trụ mà tội lỗi đã cướp đi. Lạy Chúa, chúng con sẽ trả nó lại cho Chúa như chúng con đã nhận nó vào buổi bình minh của thế giới với tất cả sự trật tự và thánh thiện nguyên thuỷ!”- Bernanos.

Vậy đâu là bí quyết? Bí quyết nằm ở việc chúng ta yêu thương thế giới hết cả tâm hồn và sống niềm yêu mến chính sứ vụ Chúa Kitô trao. Với thánh Josemaria, bạn và tôi có thể khẳng định, “Hồn tông đồ là tình yêu dành cho Thiên Chúa vốn ngập tràn niềm vui cùng lúc với sự tận hiến nó cho người khác… Sự háo hức của chúng ta trong việc tông đồ là biểu hiện chính xác, đầy đủ và cần thiết cho đời sống nội tâm của chính mình”. Đây phải là chứng tá mỗi ngày của chúng ta giữa mọi người và mọi thời đại.

Kính thưa Anh Chị em,

“Các ông đi rao giảng”. “Chúng ta phải làm sống lại niềm xác tín cháy bỏng của Phaolô, “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!”. Niềm đam mê này sẽ không ngừng khơi dậy một ý thức truyền giáo mới vốn không thể giao phó cho một nhóm ‘chuyên gia’ nhưng bao hàm trách nhiệm của mọi thành viên cộng đồng Dân Chúa” - Gioan Phaolô II. Phần chúng ta, cách sống của chúng ta phải nhất định sẽ không khiến những người chung quanh nghĩ rằng, “Sự cứu rỗi không đủ quan trọng để nói đến?”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để giấc ngủ của con có một giấc mơ nào khác ngoài các linh hồn; và khi thức dậy, đừng để một điều gì xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của con ngoài các linh hồn!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây