TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

Thứ bảy - 31/12/2022 02:27 |   796
Gio-an tuyên bố thẳng thắn: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” (Ga 1, 20)

02/01/2023
THỨ HAI TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

Thánh Basiliô Cả và Grêgôriô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t2 trước HL

Ga 1, 19-28


GIO-AN TẨY GIẢ LÀM CHỨNG
Gio-an tuyên bố thẳng thắn: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” (Ga 1, 20)

Suy niệm: Các thám tử khi điều tra vụ án thường dựa trên những chứng cứ ngoại phạm để loại trừ những trường hợp không thể là nghi phạm nhờ đó khoanh vùng phạm vi điều tra và cuối cùng xác định đích danh thủ phạm. Gio-an Tẩy giả cũng dùng phương pháp đó, nhưng để khẳng định mình không phải là Đấng Ki-tô. Gio-an không dừng lại ở động thái phủ định tiêu cực: Ông không chỉ không ‘nhận vơ’ cho mình một danh hiệu không thuộc về mình, mà còn chỉ rõ Đức Giê-su, người “đang tiến về phía ông” mới đích thực là Đấng Ki-tô mà muôn dân mong đợi: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29).

Mời Bạn: Người trọng danh dự lấy làm hổ thẹn khi mạo nhận là của mình những công trạng thực ra là của người khác, hoặc tự phong cho mình những danh hiệu, vinh quang mà thực ra mình không có. Cũng thế, đối với Thiên Chúa, bạn sẽ xúc phạm nặng nề tới Ngài khi hành động vì lòng háo danh chứ không phải để “danh Cha cả sáng”. Phương châm của thánh Gio-an Tẩy giả để làm chứng cho Đức Ki-tô là: Tôi phải lu mờ đi để Chúa được nổi bật lên (x. Ga 3,30). Mời bạn xét mình: Bạn có buồn bực khi làm điều tốt đẹp mà không được công nhận, khen thưởng hay không?

Sống Lời Chúa: Để thực hành làm mình “lu mờ đi”, bạn tự nguyện làm những việc phục vụ cách kín đáo cho những người bé nhỏ trong cộng đoàn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hiến thân phục vụ mà không đòi một phần thưởng nào khác ngoài việc nhận biết con đã làm theo thánh ý Chúa để danh Chúa được cả sáng. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

Ca nhập lễ

Nửa đêm khuya, giữa lúc muôn vật đang yên lặng, Ngôi Hai toàn năng đã bỏ ngai trời xuống thế.

Lời nguyện trong Thánh lễ 

(Xem ở cuối, Lấy theo thứ trong tuần)

Bài Ðọc I: 1Jo 2, 22-28

“Ước gì điều các con đã nghe từ ban đầu, vẫn ở lại mãi trong các con”

Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Gioan Tông Ðồ.

Các con thân mến, ai là kẻ nói dối, nếu chẳng phải là kẻ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Ðức Kitô?

Ai không nhận Chúa Cha và Chúa Con, chính nó là Phản Kitô, ai không nhận Chúa Con, thì cũng không được có Chúa Cha. Còn ai tuyên xưng Chúa Con thì cũng được có Chúa Cha. Còn ai tuyên xưng Chúa Con thì cũng được có Chúa Cha.

Phần các con, ước gì điều các con đã nghe từ ban đầu, vẫn ở lại mãi trong các con.

Nếu điều các con đã nghe từ ban đầu vẫn ở lại trong các con, thì các con cũng được ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha nữa. Và này là điều Người đã hứa cho chúng ta, đó là sự sống đời đời.

Ta đã viết những điều này cho các con biết về những người lừa dối các con.

Về phần các con, việc xức dầu mà các con đã nhận lãnh nơi Người vẫn ở lại trong các con, nên các con không cần ai dạy dỗ, nhưng như việc xức dầu của Người đã dạy các con mọi sự, và lại là sự thật, chứ không phải sự dối trá, nên như các con đã được dạy dỗ, hãy ở lại trong Người.

Và giờ đây, hỡi các con bé nhỏ, hãy ở lại trong Người, để khi Người tỏ hiện, chúng ta được dạn dĩ, không phải xấu hổ lìa xa Người, lúc Người đến.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97,1.2-3a, 3cd-4

Ðáp: (3c) Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Xướng: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng. Tay mặt Người đã đem lại toàn thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành đối với nhà Israel. – Ðáp.

Xướng: Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy hân hoan mừng Chúa, hãy mừng vui, hoan lạc và đàn ca. 

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, Alleluia – Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 19-28

“Có một Ðấng sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi”

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Ðây là chứng của Gioan, khi những người Do thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các Thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?”

Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”.

Họ liền hỏi: “Như vậy là thế nào? Ông có phải là Elia chăng?”

Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”.

“Hay ông là một đấng tiên tri?”

Gioan đáp: “Không phải”.

Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?”

Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.

Và những người đã được sai đến đều thuộc nhóm biệt phái.

Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không là Elia, hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?”

Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết.

Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.

Việc này xảy ra tại Betania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

Ðó là Lời Chúa.

Ca hiệp lễ

Hãy đem con trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết.

Suy niệm

KHIÊM TỐN KHI LÀM CHỨNG NHÂN CHO CHÚA (Ga 1, 19-28)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Có một linh mục đã cao niên nổi tiếng là đạo đức. Trong một dịp nọ, ngài bị một bà nói xấu, bôi nhọ đến danh thơm tiếng tốt của ngài. Bà ta vu khống những chuyện xấu xa mà trong cuộc đời của ngài chưa hề có! Khi chuyện đến tai ngài, ngài chỉ nhắm mắt lại và âm thầm trong lời cầu nguyện, đồng thời ngài vẫn tỏ vẻ vui tươi và hăng say trong mọi công việc. Đến một hôm, chính người nói xấu đến để xin lỗi ngài, ngài chỉ tươi cười và nói: “Tôi không biết bà là người nói những điều đó cho tôi, nhưng kể từ khi tôi biết chuyện đến giờ, tôi không bao giờ quên cầu nguyện cho người đã nói những điều đó và tôi hy vọng người đó được bình an. Hôm nay, lời cầu nguyện của tôi được thành hiện thực, tôi rất vui mừng và tạ ơn Chúa, xin Chúa tiếp tục chúc lành cho bà”. Sau cuộc gặp gỡ đó, người phụ nữ đã một thời buông ra những lời độc địa không thương tiếc đến người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình trong đời sống đức tin, nay nhờ tấm lòng bao dung, đại lượng, nhân hậu của ngài, bà ta đã sám hối và thay đổi đời sống, siêng năng cầu nguyện và hy sinh hơn trước nhiều.

Hôm nay, Lời Chúa đề cập đến cuộc đối thoại giữa Gioan Tẩy Giả và một số Tư tế và thầy Lêvi, họ đặt ra cho Gioan những câu hỏi liên quan đến thân thế và sứ vụ của ông. Họ nói: ông có phải là Đấng Kitô, hay Êlia, hoặc có phải là tiên tri nào đó không? Cả ba câu hỏi đều bị Gioan phủ nhận. Ông chỉ nhận mình là người dọn đường cho Đức Chúa, khi Ngài đến, ông không đáng cởi giây dép cho Ngài. Như vậy, Gioan đã làm chứng cho Đấng Cứu Thế trong sự khiêm tốn, ngài không nghĩ đến thân thế và uy tín của mình để tìm cách nổi nang, nhưng khiêm tốn nhận mình là tôi tớ, đến để phục vụ cho con người và sứ vụ của Đấng Thiên Sai.

Trong cuộc sống hiện nay, nhiều người nghĩ rằng: truyền giáo là phải làm những chuyện lớn lao vĩ đại, hay đưa ra những kế hoạch kếch xù, vĩ mô, những khái niệm trìu tượng mang tính xuyên thời đại… Nhưng chúng ta quên mất một điều, những thứ đó nhiều khi làm cho con người ngày hôm nay: “Kính nhi viễn chi”. Nhưng sự khiêm tốn, hiền hậu, nhân từ sẽ làm lay động lòng người và có sức cải hóa, biến đổi con người hôm nay cách dễ dàng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho hình ảnh, lời nói và cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả được hiện tại hóa trong đời sống đạo của chúng con và trong công cuộc loan báo Chúa cho anh chị em xung quanh. Amen.

 

Lời nguyện trong Thánh lễ – Các Ngày Trong Tuần Thuộc Mùa Giáng Sinh

Thứ Hai

Lời nguyện nhập lễ (trước lễ Chúa Hiển Linh)

Lạy Chúa, xin trợ lực dân Chúa, hầu giữ vững niềm tin không hề lay chuyển. Chúng con tuyên xưng rằng: Ðức Giêsu cũng là Ðấng đồng hàng vinh quang với Chúa, đã thực sự mặc lấy xác phàm trong lòng Trinh Mẫu Maria. Xin cứu chúng con khỏi những điều ác hại đời này, và đưa vào hưởng niềm vui bất tận đời sau. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện nhập lễ (sau lễ Chúa Hiển Linh)

Lạy Chúa, xin chiếu giãi ánh sáng huy hoàng của Chúa vào tâm hồn chúng con. Nhờ đó, chúng con sẽ đủ sức vượt qua cuộc đời tối tăm này, và đạt tới quê trời vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin…

Kinh Tiền tụng

Trước lễ Hiển Linh: lời tiền tụng Giáng Sinh

Sau lễ Hiển Linh: lời tiền tụng Hiển Linh

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin nhận lời chúng con cầu nguyện: ước gì bí tích Thánh Thể không ngừng gia tăng sinh lực cho chúng con trong cuộc sống thường ngày. Chúng con cầu xin…


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Basiliô Cả và Grêgôriô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh


Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã làm cho Giáo Hội nên rạng rỡ nhờ gương sáng và lời giảng dạy của hai thánh Ba-xi-li-ô và Thánh Ghê-gô-ri-ô. Xin cho chúng con biết khiêm nhường tìm hiểu chân lý của Chúa và hết lòng yêu mến đem ra thực hành. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin dủ thương chấp nhận của lễ chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa nhân ngày mừng kính hai thánh Ba-xi-li-ô và Thánh Ghê-gô-ri-ô. Trung thành với giáo huấn của thánh nhân, chúng con muốn hiến trọn thân mình, cùng với của lễ đang dâng tiến Chúa đây. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng bánh trường sinh là Ðức Kitô. Xin cũng nhờ Ðức Kitô là thầy mà giáo huấn chúng con. Nhờ thế, chúng con sẽ noi gương hai thánh Ba-xi-li-ô và Thánh Ghê-gô-ri-ô để lại mà học biết chân lý của Chúa và đem ra thực hành, bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Chúng con cầu xin…

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Vì tình bạn chân tình của hai vị thánh mà chúng ta cử hành chung thánh Basile Cả (+01.01.379) và Grégoire thành Naziance (+ 25.01.390). Được Giáo Hội Đông Phương cũng như Tây Phương tôn kính như tiến sĩ Hội thánh, các ngài cùng với Grégoire thành Nysse, đồng bạn, ba vị nổi danh Cappadociens, đã đem lại cho thần học Kitô giáo hệ thống hóa và công thức hóa đầu tiên.

Giáo Hội Đông Phương đã đặt thánh Basile Cả và thánh Grégoire thành Naziance, cùng với thánh Gioan Kim Khẩu giữa hàng “tiến sĩ đại kết” và tôn kính họ như “Ba vị thánh tôn quí nhất”.

Thánh Basile sinh năm 330 tại Césarée thành Cappadoce (ngày hôm nay là Thổ Nhĩ Kỳ) trong một gia đình Kitô giáo với 10 người con, trong số đó có 3 làm giám mục: Basile, Grégoire thành Nysse và Pierre thành Sébaste. Ngài đã theo học tại Césarée, Constantinople, Athène, tại đây, ngài kết thân với Grégoire thành Naziance. Được rửa tội vào lúc 25 tuổi, Basile ngưng chức vụ giảng sư khoa hùng biện, để bước vào một đời thầm lặng và cầu nguyện. Ngài đã đi nhiều nơi để gặp các nhà khổ tu nổi tiếng, và khi trở về, ngài thành lập nhiều Đan viện. Trong thời gian này, ngài hợp tác với thánh Grégoire Naziance viết tác phẩm Philocalie (hợp tuyển các tác phẩm của Origène) ; tiếp đến là các sách Lề luật luân lý, Lề luật chi tiết, Lề luật ngắn. Các tác phẩm này ảnh hưởng rất nhiều trên đời sống Đan viện; chúng ta cũng biết sau này Luật dòng của thánh Bênêđictô đã được tham khảo với “cha chúng ta là thánh Basile”. Vào năm 370, Basile trở thành giám mục tại Césarée. Trong 8 năm ở ngôi giám mục, ngài đã hoạt động thật kinh ngạc, chống lại bè rối Arius, thành lập các nhà thương, nhà trọ. Trong các tác phẩm tín lý, phải kể đến sách “Chuyên đề về Chúa Thánh Thần”, được viết để bảo vệ tín điều Chúa Ba Ngôi của Kitô giáo.

Là một trong các nhà thuyết giảng lừng danh trong thời đại mình, thánh Basile nắm vững lý thuyết hùng biện để trình bày giáo lý cách trong sáng và đơn sơ. Ngài luôn lo lắng để giao hòa hai Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương, bị chia rẽ vì những cuộc tranh luận về tín lý và vấn đề cá nhân; ngài làm việc để chuẩn bị cho sự hiệp nhất, nhưng đã qua đời vào ngày 01.01.379 lúc 50 tuổi, hai năm trước ngày khai mạc Công đồng chung Constantinople (381).

Thánh Grégoire Naziance, cũng được sinh ra tại Cappadoce, là bạn đồng song với thánh Basile mà ngài gặp ở Athènes và đã kết thân. Được sinh ra trong một gia đình của các thánh (mẹ là thánh Nonna, chị là Gorgonie và em là Césaire), Grégoire thích sự yên tịnh và tránh các lời mời gọi trong chức phận giáo phẩm. Nhưng rồi cũng phải nhận chức giám mục tại Sasimes và từ chối không trở thành người cộng tác với cha mình tại Naziance. Vào năm 380, ngài được trao cho chức Thượng Phụ Giáo chủ ở Constantinople, nhưng chỉ ở lại thành này 18 tháng. Thành phố này bị tiêm nhiễm lạc giáo Arius; Thánh Grégoire thích từ nhiệm để trở về Naziance chuyên tâm lo việc học hành và chiêm ngắm. Ngài viết: “Không có gì làm tôi khao khát cho bằng đối thoại thầm kín với tâm hồn và với Thiên Chúa.” Mộ chí mà ngài ghi sẵn cho mình, cho thấy một tâm hồn thật tế nhị, bị cuộc đời làm thương tổn: “Ôi lạy Đức Kitô là Vua, tại sao Chúa lại bắt con trong cái lưới này? Tại sao Chúa bắt con tùng phục cuộc đời tạm bợ này? Con bị quay cuồng trên các cuộn sóng, con đã làm mồi cho nhiều người tham lam, con sống với thân xác vỡ vụn, con phải chống lại các mục tử! Con đã không có bạn bè, con chỉ gặp sự bất trung và khi phải chiến đấu với bệnh tật, con đã mất đi các con cái của con.”

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Kinh Tổng nguyện gợi lên giáo huấn và gương mẫu của hai thánh Basile và Grégoire Naziance, qua đó Thiên Chúa muốn soi sáng cho Hội thánh của Người.

Phụng Vụ Các Giờ Kinh đề nghị trong suốt năm Phụng Vụ 8 bản văn rút từ các tác phẩm của thánh Basile và 7 bài của thánh Grégoire Naziance. Thánh Basile được gọi là thánh Cả “Le Grand” và vị thứ hai được gọi là “Nhà thần học” vì ảnh hưởng của họ trên nhiều lãnh vực của Kitô giáo.

b. Thánh Basile được gọi là “Tổ phụ các đan sĩ Phương Đông”, tổ chức đời sống đan tu, sẽ trở thành truyền thống trong Hội thánh, ngay cả cho Phương Tây: kinh nguyện Phụng Vụ, đọc Thánh Kinh, rước lễ thường xuyên, xưng thú tội lỗi, lao động chân tay, công tác bác ái: nhà thương, trường học, nhà trọ. Ngài nói với các đan sĩ của mình: “Hãy tạ ơn Đấng đã ban cho anh em đôi tay để làm việc, một lý trí để hiểu biết, những chất liệu cho dụng cụ của chúng ta. Như thế sản phẩm do tay chúng ta làm ra, không có mục đích nào khác hơn là vinh quang của Thiên Chúa”.

Thánh Basile cũng được gọi là “giám mục xã hội”. Tư tưởng của ngài về các vấn đề xã hội, ngay cả trong thời đại chúng ta, cũng còn phải chú ý. Trong một bài giảng, ngài nói: “Anh hà tiện nói: tôi phạm lỗi với ai, trong khi tôi chỉ giữ lại những gì thuộc của tôi? Nhưng hãy nói cho tôi nghe, của cải nào thuộc về anh?… Nếu như mỗi người chỉ giữ lại những gì cần thiết cho bản thân, và cái gì dư thừa anh ta ban cho những kẻ bần cùng, sự giàu nghèo sẽ bị xoá đi” (Bài giảng thứ 6 chống lại sự giàu sang).

Thánh giám mục thành Césarée không thoả mãn với các bài giảng về công bằng xã hội, ngài phải làm gương. Thế là, gần thành giám mục của ngài, ngài xây một thành phố mới mà người ta gọi là Basiliade; trong đó có nhà trọ, viện dưỡng lão, nhà thương và một nhà thờ giữa thành phố. Ngài xin các giám mục có quyền kế vị hãy hoạt động như thế trong các miền đồng quê. Ngài viết thư cho chính quyền Cappadoce: “Tôi phạm lỗi với ai khi xây nơi trú ngụ cho khách lạ, cho lữ khách hay cho những ai cần nâng đỡ sức khỏe?”.

c. Phụng Vụ Kinh sách đề nghị một bản văn ca tụng tình bạn thánh thiện của Grégoire Naziance với thánh Basile: “Chúng tôi sống chung ở Athène… Chúng tôi cùng có chung hy vọng về sự sung mãn đáng khao khát nhất: khoa học… Chúng tôi thực tập lề luật của Chúa khi cùng gợi lên tình yêu đối với nhân đức. Và nếu không quá kiêu ngạo mà nói rằng, người này đối với người kia là lề luật và mẫu mực giúp phân biệt cái tốt cái xấu” (Bài giảng của thánh Grégoire Naziance trong ngày lễ an táng thánh Basile). Trong một lá thư khác, thánh nhân thú nhận: “Mỗi người có điểm yếu: của tôi là tình bạn và các bạn hữu”. Thực sự, đó không phải là “điểm yếu”, tình bạn chân thực là một hồng ân thiện hảo từ Thiên Chúa Ánh sáng mà đến; tình bạn này được ban cùng với sự khôn ngoan cho kẻ “theo đuổi và van xin Thiên Chúa” (câu đáp).

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây