TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 24/08/2023 14:18 |   792
“Khốn cho các người hỡi các Kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình.” (Mt 23, 13)

28/08/2023
THỨ HAI TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
Thánh Augustinô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t2 t21 TN

Mt 23, 13.15-22


SỐNG ĐÚNG SỰ THẬT
“Khốn cho các người hỡi các Kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình.” (Mt 23, 13)

Suy niệm: “Tất cả chúng ta đều là kẻ đạo đức giả. Ta không thể nhìn và xét đoán mình theo đúng cách ta nhìn và xét đoán người khác” (J. Pacheco). Ta áp dụng một tiêu chuẩn kép: khắt khe với người, dễ dãi cho mình. Nói theo Đức Giê-su: Người đạo đức giả bó những gánh nặng mà chất lên vai người khác, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào. Ngài gọi họ là “đồ ngu si mù quáng” vì đặt vàng bạc, của lễ cao trọng hơn Đền thờ, bàn thờ, đề cao vật chất hơn sự thánh thiêng, tách biệt Đền thờ khỏi Đấng cao cả ngự trong Đền thờ ấy. Người đạo đức giả còn làm các việc đạo đức thờ phượng không phải để tôn vinh Thiên Chúa, nhưng nhằm trục lợi vật chất. Cuối cùng, họ cản trở người đạo đức thật sự đi vào thiên đàng, do cung cách hướng dẫn sai lạc, cũng như do gương xấu họ gây ra cho các anh em này.

Mời Bạn: “Sự thật mà không có tình thương là sự tàn bạo, tình thương không có sự thật là sự giả hình” (W.Wiersbe). Sống đúng sự thật về mình: tạo vật được Chúa dựng nên, mắc nợ Ngài món quà sự sống quý giá; con cái Thiên Chúa, được Ngài yêu thương ban sự sống vĩnh cửu. Nhờ đó, bạn tránh được thói đạo đức giả. Ai sống trong tâm tình biết ơn, người ấy luôn biết cách thực thi tâm tình đạo đức đích thật.

Sống Lời Chúa: Tôi dành thời gian soi lại dung mạo của mình, xem có hành xử như người đạo đức giả Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh không. Nếu có, phải sửa đổi như thế nào?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm thấy hổ thẹn đã có các biểu hiện thói đạo đức giả như Chúa mô tả. Xin cho con luôn biết sống trong tâm tình tri ân cảm tạ, đúng với sự thật về con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời tôi. Lạy Chúa tôi, xin cứu vớt người bầy tôi đáng cậy trông vào Chúa. Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý; xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tx 1, 1-5. 8b-10

“Anh em đã từ bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa, để trông đợi Con của Người, Ðấng mà Người cho sống lại”.

Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn Thêxalôni-ca trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an.

Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em; trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng, tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần, và với lòng xác tín, như khi chúng tôi còn ở giữa anh em, anh em biết chúng tôi sống thế nào vì anh em.

Trong mọi nơi, lòng tin của anh em vào Thiên Chúa đã quá rõ rồi, đến nỗi chúng tôi không còn nói thêm làm gì nữa. Vì người ta thuật lại việc chúng tôi đã đến với anh em thế nào, và anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật, để trông đợi Con của Người từ trời mà đến, (Ðấng mà Người đã làm cho từ cõi chết sống lại) là Ðức Giêsu, Ðấng đã giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b

Ðáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ.

Xướng: Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang.

Xướng: Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa.

Bài Ðọc I: (Năm II) Tx 1, 1-5. 11b-12

“Ðể danh Chúa được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người”.

Khởi đầu thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Phaolô, Silvanô, và Timôthêu kính gửi lời thăm Giáo đoàn Thêxalônica trong Thiên Chúa là Cha chúng ta, và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh em. Anh em thân mến, tôi phải luôn luôn cảm tạ ơn Thiên Chúa vì anh em, đó là điều phải lẽ, bởi vì anh em ngày càng thêm lòng tin và hết thảy anh em đều đầy lòng thương yêu nhau, đến nỗi chính chúng tôi cũng được hãnh diện trong các giáo đoàn của Chúa, vì anh em hằng kiên nhẫn và giữ lòng tin trong những cơn bắt bớ gian truân anh em phải chịu. Ðó là dấu chỉ về sự phán xét công minh của Thiên Chúa, để anh em xứng đáng vào nước Thiên Chúa, bởi anh em phải chịu khốn khó vì nước ấy.

Xin Thiên Chúa chúng ta đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em, và xin Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em, để danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người, do ân sủng của Thiên Chúa chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 4-5

Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân (c. 3).

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới. Hãy ca mừng Chúa đi, toàn thể địa cầu! Hãy ca mừng Chúa, hãy chúc tụng danh Người.

Xướng: Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa muôn dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người hùng vĩ và rất đáng ngợi khen. Người khả uý hơn mọi bậc chúa tể. Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh.

Alleluia: 2 Cr 5, 19

Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hoà thế gian với Người, và đã đặt lời giải hoà trên môi miệng chúng tôi. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 23, 13-22

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đóng cửa nước trời không cho người ta vào: vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đọc kinh cho dài để nuốt tài sản của các bà goá, bởi thế, các ngươi sẽ chịu phán xét nặng hơn.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi rảo khắp biển khơi và lục địa, để tìm cho được một người tòng giáo, nhưng khi đã cho người đó tòng giáo, các ngươi làm cho nó trở thành con cái hoả ngục gấp hai lần các ngươi.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù! Vì các ngươi nói rằng: Ai lấy đền thờ mà thề, thì không có giá trị gì, nhưng ai lấy vàng trong đền thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi kẻ ngu ngốc và đui mù, chớ thì vàng hay là đền thờ thánh hoá vàng, cái nào trọng hơn? Các ngươi còn bảo rằng: Ai lấy bàn thờ mà thề, thì không giá trị gì, nhưng ai lấy của lễ để trên bàn thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi những kẻ đui mù, chớ thì của lễ hay là bàn thờ thánh hoá của lễ, cái nào trọng hơn?

“Vậy ai lấy bàn thờ mà thề, thì lấy cả bàn thờ và mọi sự để trên bàn thờ mà thề. Kẻ nào lấy đền thờ mà thề, thì lấy cả đền thờ và Ðấng ngự trong đền thờ mà thề. Và kẻ nào lấy trời mà thề, thì lấy ngai toà Thiên Chúa và Ðấng ngự trên ngai toà ấy mà thề”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa nhân từ, Chúa đã dùng hiến lễ duy nhất của Ðức Kitô để quy tụ một đoàn con đông đảo; xin thương tình ban cho Giáo Hội ơn hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, do kết quả việc Chúa làm, địa cầu được no phỉ, để từ trong đất, con người tạo ra cơm bánh, và rượu làm hoan hỷ lòng người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hưởng trọn vẹn ơn cứu chuộc Chúa đã thương ban, để chúng con ngày thêm mạnh sức và hăng say nhiệt thành. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA KHIỂN TRÁCH CÁC LUẬT SĨ VÀ BIỆT PHÁI (Mt 23,13-22)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Bài Tin Mừng hôm nay nghe thật nặng nề, vì lời lẽ Chúa Giê-su nặng lời lên án những người thuộc nhóm biệt phái sống giả hình. Thế nhưng, suy rộng ra, cách sống của họ không là cá biệt mà nó phản ánh chính cuộc sống của không ít chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta cũng nhìn lại và suy gẫm về chính cuộc đời mỗi chúng ta lần lượt qua từng câu trong đoạn Tin Mừng hôm nay.

2. Hôm nay chúng ta thấy, Chúa Gisu đã mạnh mẽ lên án những tội của luật sĩ và biệt phái: giải thích lề luật một cách tỉ mỉ khiến không ai có thể giữ được; chất gánh nặng trên vai người khác, mà chính mình không muốn giơ ngón tay lay thử; làm bộ đọc kinh cho nhiều, nhưng lại toan tính nuốt cả tài sản người khác; tìm hư danh ngay cả trong việc truyền đạo; cắt nghĩa lời thề bằng những giải thích hoàn toàn có lợi cho mình, nhưng đó chỉ là cách giải thích tùy tiện theo ý loài người, chứ không tuân giữ lời Chúa.

3. Ta có thể nhận thấy Chúa Giê-su lên án 5 cung cách đạo đức giả nơi người luật sĩ như sau: một là không muốn ai tiếp cận chân lý (c.13); hai là biến các tân tòng thành con cái hỏa ngục, quy về mình hơn là về Chúa (c.15); ba là an tâm tự tại với một số đồ dâng cúng mà bỏ qua những điều cần phải tuân giữ cho đẹp lòng Chúa (cc 16-19); bốn là nộp mọi thứ thuế, nhưng lại bỏ qua những điều quan trọng hơn là công lý, lòng nhân lành và thành tín (cc.23-24); năm là chú trọng nghi thức thanh tẩy bên ngoài, mà bên trong đầy chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ (cc.25-26).

Sở dĩ các luật sĩ có những cung cách đạo đức giả đáng ghét này vì họ muốn trục lợi vật chất, thích phô trương thanh thế, tôn thờ mình  thay vì thật sự thờ phượng Chúa. Họ biết thế, nhưng họ không muốn làm theo điều mình lẽ ra phải làm, mà vẫn khư khư ôm chặt cái lợi về mình nên bị Chúa quở trách là giả hình, giả hiệu (5 phút Lời Chúa).

4. Các nhà sinh vật học đã tìm ra một loài bướm có đôi cánh rất lạ. Khi chúng bay, cánh có mầu sắc rất sặc sỡ, nhưng khi chúng đậu, cánh lại có mầu giống như chiếc lá khô. Nhờ sự thay đổi mầu sắc ấy, loài bướm này dễ dàng đánh lừa kẻ thù và ít bị tấn công.

Trong thế giới tự nhiên có những loài vật biết ngụy trang và thay đổi bề ngoài để đánh lừa loài khác. Trong thế giới con người, cũng có những kẻ giả hình để lừa gạt người khác như vậy.

Đức Giê-su lên án gay gắt những kẻ giả hình. Họ là những người đứng đầu, lãnh đạo và đại diện cho dân, nhưng lại bị Ngài lên án vì lối sống giả tạo của họ. Sau lời chúc dữ, Đức Giê-su vạch trần lối sống giả hình của họ. Qua đó, Ngài muốn thức tỉnh họ, cũng như chúng ta hôm nay, hãy biết thay đổi mà sống chân thật với mình, và với Chúa (Học viện Đa-minh).

5. Nói chung, các luật sĩ và biệt phái kiêu căng, háo danh, giả hình, ưa chuộng hình thức bên ngoài mà tâm hỗn rỗng tuếch, nói và làm không đi đôi với nhau, như tục ngữ Việt nam nói: ”Khẩu phật tâm xà” hay “Miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm” để diễn tả những người mang mặt nạ giả danh đạo đức tốt lành bên ngoài với dụng ý che giấu lòng dạ hiểm độc bên trong: “Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.

6. Chúng ta hãy sống với Chúa như con đối với cha, đừng quá chú trọng đến lề luật. Mỗi khi làm một điều gì, câu hỏi trước tiên của chúng ta phải là: ”Tôi làm như thế có đẹp lòng Chúa không”?, chứ không phải là “Tôi làm như thế có đúng luật không”? Luật lệ chỉ là thước giữ cho con người khỏi đi quá trớn, chứ không phải để đo mức thánh thiện đạo đức của con người.

Xin Chúa cho chúng ta biết sống chân thành với Chúa, với tha nhân, với chính bản thân, để cuộc sống chúng ta thực sự phản ánh tình yêu Chúa qua những hành vi yêu thương phục vụ của chúng ta.

7. Truyện: Nhà tu hành bất đắc dĩ.

Trong kho tàng truyện cổ của Ấn Độ, có câu chuyện này: Một nhà phú hộ kia có một hồ cá rất lớn. Ông cho thả rất nhiều cá ở đó. Một đêm kia có một tên ngư phủ nghèo lén vào trong hồ cá của ông để thả lưới tính bắt trộm cá. Thế nhưng, chưa kịp kéo lưới thì người giàu đã phát hiện ra có người đang tính bắt trộm cá của ông. Ông cho gia nhân của ông bổ đi khắp nơi, quanh cái hồ mênh mông của mình để tìm cho bằng được tên trộm.

Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi mà không thấy  bóng dáng tên trộm đâu cả.

Trong khi đó thì anh ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần đó, y hệt một nhà hiền triết hay một đạo sĩ.

Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm đâu mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm mình suy tư và cầu nguyện.

Chỉ một ngày hôm sau, tiếng đồn đã vang đi khắp nơi rằng, có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ.

Thế là thiện nam tín nữ từ các ngả đường đổ xô đến gốc cây để chiêm ngưỡng vị tu hành. Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Không mấy chốc mà quà cáp đổ tràn lan chung quanh nhà tu hành bất đắc dĩ.

Nhà tu hành mới nhủ thầm trong bụng: thà đánh lừa bà con để sống còn hơn là đánh cá suốt ngày mà chẳng được gì. Nghĩ như thế rồi, ông ta tiếp tục đóng vai tu hành, ngày đêm tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân làng.

Người đánh cá bất đắc dĩ phải trở thành vị tu hành trên đây cũng có thể là một hình ảnh không xa lạ bao nhiêu đối với chúng ta. Một cách nào đó, có khi chúng ta cũng tự sơn vẽ cho mình một chiếc áo đạo đức để đánh lừa bà con và đánh lừa chính mình.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Augustinô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin khơi dậy trong lòng Giáo Hội ơn Thánh Thần Chúa đã ban cho thánh giám mục Âu-tinh, để nhờ Thánh Thần nung nấu, chúng con chỉ khát khao một mình Chúa là nguồn mạch sự khôn ngoan đích thực, và chỉ tìm kiếm một mình Chúa là Thiên Chúa Tình Thương. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi, trong khi cử hành bí tích cứu độ, chúng con tha thiết nài xin Chúa cho bí tích tình yêu này nên dấu chỉ sự hiệp nhất và dây liên kết đoàn tín hữu chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự tiệc thánh. Xin cho yến tiệc này thánh hoá chúng con để chúng con là những chi thể của Ðức Kitô, được mãi mãi gắn bó với người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Việc kính nhớ thánh Augustin, một trong bốn tiến sỹ lớn của Giáo hội la tinh, qua đời tại Hippone ngày 28 tháng 8 năm 430, đã xuất hiện trong sách các phép thế kỷ thứ III, và ở Roma từ thế kỷ XI.

Aurelius Augustinus sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Thagaste (nay là Souk-Ahras, Algéric) ở châu Phi thuộc Roma. Là công dân Roma, con một người cha không công giáo tên Patricius và một bà mẹ công giáo tên Mônica, Augustin trước học văn phạm ở Madanre, đến năm 371, đi sang Carthage thủ phủ châu Phi Roma để theo học triết lý – Mê say đọc Hortensius của Cicéron, Augustin khám phá triết học và đam mê đi tìm chân lý. Vì nhu cầu nuôi sống gia đình ông buộc lòng nhận dạy tu từ học ở Carthage. Thời gian đó ông theo lạc thuyết Manichée trong chín năm, mong tìm được chân lý nơi tôn giáo này. Trước tiên, ông bị mê hoặc bởi giáo thuyết này tưởng có thể giải thích sự tranh chấp giữa Thiện và Ác, cái đẹp và những điều lộn xộn nơi thế giới, nhưng rồi ông thất vọng. Năm 383, Augustin bỏ Carthage sang Roma trước khi đến Milan lúc đó là thủ phủ đế quốc Roma phương Tây, tại đây ông cũng dạy tu từ. Mẹ Ngài là bà Mônica đã đến tìm gặp ông ở đây, và cũng chính tại đây, đường chuyển biến tinh thần của Augustin kết thúc nhờ thánh giám mục Ambroise mở đường cho Ngài hiểu Kinh thánh và một thứ tân Platon thuyết có vẻ đáp ứng niềm khát mong chân lý nơi Ngài. Giờ đây Augustin đã sẵn sàng cho bước nhảy tới Chúa, tức là trở lại.

Một giai thoại nhiều người biết xảy ra trong vườn nhà Ngài ở Milan đã được thánh nhân kể trong quyển Tự Thuật: “Tâm hồn đau đớn, con tim tan nát, tôi đang khóc, bỗng tôi nghe từ nhà bên cạnh tiếng hát của một người con trai hay con gái không rõ. Tiếng hát không rõ nhưng nghe lặp nhiều lần: Tolles, lege. Tolles, lege (Cầm lên, đọc đi! Cầm lên, đọc đi!). Vậy nên tôi vội vã đến chỗ Alypius ngồi, tôi cầm lấy cuốn sách của Thánh Tông đồ, mở ra và im lặng đọc khúc đầu tiên bắt gặp: Đừng chè chén say sưa, đừng chơi bời dâm đãng, cũng đừng cãi cọ ghen tuông. Trái lại hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng (Rm 13,13)… Chính lúc này, như có một luồng sáng tỏa lan hồn tôi phá tan mọi bóng tối nghi ngờ” (XIIII,12). Tám tháng sau, thánh Ambroise rửa tội cho Ngài trong đêm Phục sinh đêm 24 rạng sáng ngày 25 tháng Tư năm 387.

Năm 388 sau khi mẹ qua đời tại Ostie, Augustin trở về Thagaste ở châu Phi cùng với ông bạn Alypius và Adeodat con trai. Mong ước cuộc sống chuyên tu, Augustin tập hợp một số bạn hữu lại và cùng sống đời dòng tu, chuyên nghiên cứu và cầu nguyện trong ba năm (388-391), sau đó, thể theo đề nghị của giáo dân Hippone, Augustin thụ phong linh mục để giúp đỡ Đức giám mục Valère. Năm 395, Ngài thụ phong giám mục và một năm sau, kế vị Đức giám mục Valère làm giám mục Hippone, thành phố lớn thứ hai châu Phi. Từ đây, trong suốt ba mươi lăm năm trong đại thánh đường An Bình, Ngài chú giải Thánh vịnh và các Sách thánh, ngồi tòa xử án, theo dõi việc quản trị tài sản Hội thánh, trả lời các thư tín đến từ khắp phương Tây, biện luận đả kích lạc giáo, đặc biệt là phái Donatus và Pélagius.

Cùng với các giáo sỹ của mình sống đời tu trì, thánh Augustin cũng sáng tác một số tác phẩm rất quan trọng, như Confessions (397-401), Giáo lý dự tòng (400), Giáo lý công giáo (394-416). Đối với phái Donatus vẫn tự phụ là Giáo hội của những người Trong Trắng, thánh thiện, Ngài dùng nhiều thái độ khác nhau liên tục, khi diễn thuyết, lúc tranh luận cho đến một cuộc tranh luận phản biện tại Carthage năm 411 dưới sự chủ tọa của một đại diện hoàng đế đã đến kết luận rằng người công giáo mà Augustin là phát ngôn nhân, thắng. Từ đó những người theo phái Donatus bị cảnh sát hoàng đế truy đuổi. Với phe Pélagius (bị Roma kết án năm 417), Augustin chứng tỏ là một tiến sỹ lớn về ân sủng và tiền định. Cũng trong thời gian đó một số tác phẩm khác ra đời: Đô thành Thiên Chúa (413-424), Chúa Ba Ngôi (399-422). Cuốn những lời phản biện (Rétractations) viết vào những năm cuối đời (426-427) là chứng tá đức khiêm tốn thánh Augustin: “Tôi đọc lại các tác phẩm thô hèn của mình và nếu có đoạn nào gây cho tôi hoặc có thể gây cho người khác khó chịu thì lúc đó tôi lên án nó, có lúc phải giải thích ý nghĩa cần có để biện minh cho nó”.

Những năm cuối đời của thánh Augustin nhuốm màu ảm đạm vì châu Phi, Roma và Hippone, thành phố có toà giám mục của Ngài bị người Vandales vây hãm và xâm chiếm; lúc này đã bảy mươi sáu tuổi, thánh Augustin giám mục vẫn cần mẫn chu toàn bổn phận giáo huấn và quản trị, đồng thời lo cho rất nhiều người di cư đến tìm trốn tránh tại thành phố. Tháng thứ ba kể từ ngày thành phố bị vây hãm, Người bị bệnh và qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430, trối các sách vở của mình lại cho Giáo hội Hippone. Mười lăm tháng sau khi người Vandales chiếm thành phố, mộ và thư viện thánh Augustin vẫn được tôn trọng.

Các ảnh tượng về thánh Augustin rất nhiều chứng tỏ ảnh hưởng lan tỏa lạ thường của sự thánh thiện và giáo lý Người, đặc biệt là các tác phẩm của Fra Angelico và G.de Crayer (Louvre) và G.Coustou (Versailles).

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày van xin Thiên Chúa cho chúng ta được tràn đầy tinh thần của thánh Augustinô, chỉ khao khát mỗi mình Thiên Chúa và chỉ tìm Người vì Người là nguồn của sự khôn ngoan. Đề tài tìm kiếm chân lý là trọng tâm của đời sống thánh nhân; ngài nói với Cassiciacum: “Tâm hồn con xin nói Ngài: Con đã đi tìm nhan thánh Chúa! Lạy Chúa! cho đến bây giờ, con vẫn đi tìm nhan thánh Ngài ”(Tự thuật IX,3).

Trong bản văn Phụng vụ giờ kinh, vị thánh tiến sĩ thành Hippone ca tụng chân lý: “Chỉ có tình yêu mới có thể nhận ra chân lý. Ôi chân lý vĩnh hằng! Ôi tình yêu vĩnh cửu, Ôi sự đời đời đáng yêu! Ngài là Thiên Chúa của con, con khao khát Chúa đêm ngày… Cuối cùng con đã được ôm lấy Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, Đức Giêsu Kitô!… Chính Người đã gọi chúng con và nói rằng: Ta là Đường, là sự Thật và là sự sống” (Tự thuật VII, 10.18). Bài đọc này trích đoạn nổi tiếng mà chúng ta gặp trong điệp ca Magnificat: “Ôi sự đẹp đẽ vừa cổ kính vừa mới lạ, Con đã yêu Người quá trễ tràng! Nhưng bây giờ: Ngài ở trong con, trong khi con còn ở bên ngoài, và ở bên ngoài con lại đi tìm Chúa… Chúa luôn ở với con, còn con, con không ở với Chúa… Ngài đã gọi con, đã kêu lớn tiếng, cuối cùng Chúa đã thắng sự điếc lác của con; Chúa tỏ sáng, Chúa bừng lên và Chúa đã xua đuổi sự tối mù của con…” (Tự thuật; Chúa tỏ sáng, Chúa bừng lên và Chúa đã xua đuổi sự tối mù của con…) (Tự thuật X,27).

Sự khôn ngoan của thánh Augustinô được nhận thấy trong Lề luật viện tư tưởng, xuất phát từ những giáo huấn trong một lá thư của thánh tiến sĩ, được phổ biến rộng rãi vào thời Trung Cổ. Bản Luật này cũng ảnh hưởng trên thánh Bênêđíctô, sau đó là các kinh sĩ của thánh Phanxicô và thánh Đaminh. “Từ một trái tim duy nhất và từ một tâm hồn duy nhất, hướng về Thiên Chúa” luôn là luật căn bản, như lý tưởng của chính cộng đoàn tiên khởi (x. Cv 2,42-47).

Lời nguyện trên lễ vật rút cảm hứng từ Chuyên luận về thánh Gioan (26,13): “Lạy Chúa, ước gì bí tích tình yêu của Chúa trở thành dấu chỉ sự hiệp nhất và dây bác ái cho chúng ta.” Thánh Augustinô, sống trong một Giáo Hội bị xâu xé vì lạc giáo, đã dấn thân trong suốt thời làm Giám Mục để tạo lại sự hiệp nhất, và vì “ngoài Hội Thánh không có ơn Cứu Độ!” (Về bí tích Rửa tội 4,17,24); ngài khuyến khích: “Chúng ta hãy yêu Thiên Chúa như người cha và yêu Hội Thánh như người mẹ… Thiên Chúa như Đức Chúa và Hội Thánh như tớ nữ, vì chúng ta là con của tớ nữ này; hôn nhân này được đặt nền tảng trên một tình yêu vĩ đại; không ai được xúc phạm đến vị hôn thê và xứng đáng lãnh nhận tình bạn của hôn phu.” Một trích đoạn của “Thành đô Thiên Chúa”: “Mỗi ngày, Hội Thánh khi dâng hiến Đức Kitô, cũng học hỏi để tự dâng hiến chính mình” (X,20).

Lời nguyện Hiệp Lễ lấy cảm hứng từ các Bài giảng của thánh nhân (57,7) làm nổi bật một khía cạnh khác của giáo lý thánh Augustinô: bí tích Thánh Thể giúp chúng ta đồng hình đồng dạng với Đấng mà chúng ta rước lấy. Vì thế chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho việc thông phần vào Bàn Tiệc thánh hóa chúng con, để một khi chúng con là chi thể của Nhiệm Thể của Người, chúng con thật sự trở thành điều chúng con đã lãnh nhận.”

Thánh Tiến sĩ Ân sủng, vì đã chống lại nhóm Pelagius, cũng là kẻ bảo vệ tự tự do của con người, vì sự tự do này không bị sự toàn năng của Thiên Chúa bóp nghẹt, nhưng ngược lại được nâng lên thật cao quí, vì Thiên Chúa một khi đội mão triều thiên cho công nghiệp của chúng ta (nhờ ân sủng) thì cũng đội triều thiên cho chính ân sủng của Người (sự tự do).

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố về thánh Augustinô: “Tất cả phẩm chất của các Giáo phụ nổi bật trong thánh nhân ở mức độ tuyệt diệu nhất.” Thật vậy, không ai trình bày về Hội Thánh như ngài. Say mê Thiên Chúa và con người, ảnh hưởng của ngài có thể nói là nổi bật nhất trong phạm trù Công giáo.

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây